Hồng Ngọc
Chương 14 – Phần 2
Ông George im lặng.
“Lần này kỵ có cho máu không?”
“Không,” ông George nói. “Cả lần này bà ấy cũng từ chối.”
“Tuy nhiên, ở tuổi mười sáu người ta chưa đến nỗi cứng đầu cứng cổ như lúc về già,” Gideon nói. “Lần này kỵ còn chịu nói chuyện vài câu. Và cuối cùng kỵ bảo, nếu có nhượng bộ thì kỵ chỉ thương thảo với em.”
“Với tôi?”
“Bà ấy nói rõ tên em, Gwendolyn Shepherd.”
“Nhưng…” Tôi cắn môi, trong khi ông George và Gideon nhìn tôi chăm chú. “Tôi tưởng Lucy và Paul đã biến mất trước khi tôi ra đời. Làm sao họ có thể biết tên tôi để kể cho kỵ Margaret?”
“Chà, đó chính là vấn đề nan giải,” ông George nói. “Cháu biết đấy, Lucy và Paul lấy cắp máy đồng hồ vào tháng Năm, năm cháu chào đời. Thoạt tiên họ cầm nó theo và lẩn trốn ở thời hiện tại. Họ đã khéo lừa được nhóm thám tử của Đội cận vệ trong vài tháng bằng cách ngụy tạo dấu tích và các mẹo khác. Họ luôn thay đổi chỗ ở và mang máy đồng hồ đi khắp Châu Âu. Nhưng các điểm trú ngụ của họ càng ngày càng bị chúng ta thu hẹp hơn, và họ hiểu rằng chỉ có thể thoát thân nếu đem theo máy đồng hồ trở về quá khứ. Tiếc là họ nhất định không chịu bỏ cuộc. Hai đứa tuyệt đối không khoan nhượng khi bảo vệ các lý tưởng sai trái của mình.” Ông thở dài. “Hai đứa còn trẻ và đầy ham mê…” Ánh mắt ông trở nên mơ màng.
Gideon hắng giọng, ông George không nhìn vô định nữa. Ông tiếp tục: “Cho đến giờ chúng ta vẫn nghĩ họ thực thi bước này vào tháng Chín tại London, vài tuần trước khi cháu chào đời.”
“Lúc đó họ vẫn không thể biết được tên cháu!”
“Chính xác,” ông George nói. “Vì thế sau sáng nay, chúng ta đã dự đoán họ dùng máy đồng hồ trở về quá khứ sau khicháu ra đời.”
“Bất kể vì lý do gì,” Gideon phụ thêm.
“Chúng ta cũng phải tìm hiểu, Lucy và Paul biết được tên và sứ mệnh của cháu từ đâu ra. Gì thì gì, bà Margaret đã tuyệt đối từ chối hợp tác.”
Tôi ngẫm nghĩ. “Vậy làm sao lấy được máu của kỵ?” Lạy Chúa, có thật là tôi vừa thốt ra câu ấy? “Mọi người sẽ không dùng vũ lực chứ?” Trong trí tưởng tượng của tôi hiện lên hình ảnh Gideon lăm le cầm sẵn thuốc mê, dây trói và kim tiêm to tướng, khiến tôi mất cảm tình với hắn đáng kể.
Ông George lắc đầu. “Một trong mười hai quy định tối thượng của Đội cận về là chỉ dùng vũ lực khi không thể đạt mục đích qua thương thảo và đồng thuận. Vì thế chúng ta trước tiên sẽ theo đề nghị của bà Margaret: Chúng ta cử cháu tới đó.”
“Để cháu thuyết phục kỵ?”
“Để chúng ta biết động cơ của bà ấy và biết bọn mớm tin. Chính bà ấy bảo muốn nói chuyện với cháu. Chúng ta muốn biết bà ấy sẽ nói gì.”
Gideon thở dài. “Rồi cũng chẳng đảo ngược được tình thế đâu, suốt sáng nay tôi đã nói như nói với bức tường.”
“Chính vì thế mà Madame Rossini đang may cho cháu một chiếc váy mùa hè của năm 1912,” ông George nói. “Cháu cần làm quen với kỵ của cháu.”
“Vì sao lại đúng vào năm 1912?”
“Chúng ta chọn hoàn toàn ngẫu nhiên. Mặc dù vậy, Gideon vẫn cho rằng các cháu có thể sa bẫy.”
“Sa bẫy?”
Gideon không nói gì, chỉ nhìn tôi chằm chằm, đầy vẻ lo lắng.
“Hầu như có thể loại trừ khả năng này, nếu xét về logic,” ông George nói.
“Nhưng vì sao lại có người muốn giăng bẫy chúng cháu?”
Gideon cúi xuống phía tôi. “Em nghĩ xem: Lucy và Paul đang giữ trong tay máy đồng hồ, trong đó máu của mười người được nhận dạng. Để khắc nhập huyết hội và tận dụng được điều bí mật cho riêng mình, họ chỉ còn thiếu máu của hai chúng ta.”
“Nhưng… chẳng phải Lucy và Paul vẫn muốn ngăn việc khắc nhập hội và khám phá ra bí mật hay sao?” Tôi nói.
Ông George và Gideon lại đưa mắt nhìn nhau.
“Đó là điều mẹ cháu nghĩ,” ông George nói.
Đó cũng là điều tôi tin cho tới giờ. “Còn mọi người thì không tin?”
“Em thử suy luận ngược lại xem. Nếu Lucy và Paul muốn giữ kín bí mật này cho riêng họ?” Gideon hỏi. “Nếu chính vì lý do đó mà họ đã đánh cắp máy đồng hồ? Nếu vậy thì họ chỉ còn cần máu của hai chúng ta – là thứ duy nhất họ còn thiếu – để vượt mặt bá tước Saint Germain.”
Tôi đợi một lát cho ngấm những lời này. Rồi tôi bảo: “Và vì chỉ có thể gặp chúng ta trong quá khứ nên họ buộc phải dụ chúng ta đến nơi nào đó để lấy máu?”
“Họ biết rằng chỉ lấy được máu của chúng ta bằng vũ lực,” Gideon nói. “Ngược lại thì chúng ta cũng biết rõ là họ sẽ không tự nguyện cho máu.”
Tôi nghĩ đến mấy người tấn công bọn tôi trong công viên Hyde hôm qua.
“Đúng thế,” Gideon cứ như đọc được suy nghĩ của tôi. “Nếu bữa trước giết được chúng ta thì họ có thể lấy bao nhiêu máu cũng được. Vậy chỉ còn phải tìm ra lý do vì sao họ biết được chúng ta sẽ có mặt ở đó.”
“Ta biết Lucy và Paul. Thực ra ta không nghĩ hai đứa sẽ làm chuyện đó,” ông George nói. “Chúng lớn lên cùng những quy định tối thượng của Đội cận vệ và chắc chắn sẽ không bảo ai giết họ hàng của mình. Cả hai đứa đều coi trọng việc thương thảo và đồng…”
“Ông đã từng biết Lucy và Paul, ông George,” Gideon bảo. “Nhưng liệu ông có thực sự biết được họ đã trở thành người như thế nào trong khoảng thời gian qua?”
Tôi hết nhìn người này lại tới người kia. “Nếu có thể thì cháu muốn biết kỵ trông đợi gì ở cháu,” tôi nói. “Và sao lại là bẫy, khi chúng ta tự chọn thời điểm gặp mặt?”
“Ta cũng nghĩ thế,” ông George nói.
Gideon thở dài chán nản. “Bàn cãi làm gì, khi đã có quyết định từ lâu.”
Madame Rossini choàng qua đầu tôi chiếc váy trắng kẻ caro chìm dài trùm mắt cá, cổ bẻ kiểu lính thủy. Eo váy thắt ruy băng lụa bóng màu xanh da trời, cùng loại vải với chiếc nơ trang điểm trên cổ áo, đính liền với hàng cúc.
Tôi hơi thất vọng khi ngắm mình trong gương. Trông tôi rất ngoan ngoãn. Bộ cánh gợi nhớ đến trang phục của những bõ già ở nhà thờ St. Luke, nơi nhà tôi thỉnh thoảng tới dự lễ Chúa nhật.
“Thời trang năm 1912 đương nhiên không thể đem so sánh với sự cực đoan thời Rococo,” Madame Rossini đưa cho tôi đôi ủng cài khuy. “Ta cho rằng người ta muốn che bớt hơn là phô ra những nét quyến rũ của người phụ nữ.”
“Cháu cũng thấy vậy.”
“Bây giờ làm tóc,” Madame Rossini ấn nhẹ tôi xuống ghế, rẽ một đường ngôi lệch thật sắc rồi kẹp thành từng lọn ra phía gáy.
“Trông có vẻ, à, ừm, hơi phồng trên tai, phải không ạ?”
“Kiểu của nó thế,” Madame Rossini bảo.
“Nhưng cháu thấy nó không hợp với cháu, bà nghĩ sao ạ?”
“Cháu thì kiểu gì cũng hợp, thiên nga cao cổ bé nhỏ của ta. Vả lại đây không phải cuộc thi hoa hậu. Vấn đề ở đây là…”
“… tính nguyên bản. Cháu biết.”
Madame Rossini bật cười. “Thế thì tốt.”
Lần này bác sĩ White tới đón tôi xuống hầm giấu máy đồng hồ. Như mọi khi, mặt ông khó đăm đăm, bù lại thì hồn ma nhí Robert rạng rỡ nhìn tôi.
Tôi tươi cười nhìn lại. Thằng cu thật đáng yêu với những lọn tóc vàng và cặp má lúm. “Chào em!”
“Chào chị Gwendolyn,” Robert đáp.
“Không có lý do gì để hân hoan mừng ngày gặp mặt đến thế đâu,” bác sĩ White vung vẩy dải băng đen bịt mắt.
“Ôi không, việc gì phải lặp lại trò này?”
“Không có lý do gì để tin cô được,” bác sĩ White nói.
“Hừ, đưa đây cho tôi, khiếm nhã vừa vừa thôi chứ!” Madame Rossini giật phăng dải băng đen từ tay ông ta. “Lần này tôi không cho phép ai phá hỏng kiểu tóc.”
Đích thân Madame Rossini thận trọng buộc dải băng bịt mắt. Không một sợi tóc nào bị xô lệch.
“Chúc cô bé may mắn,” bà nói khi bác sĩ White dẫn tôi đi ra. Tôi vẫy tay tạm biệt trong bóng tối. Lại cảm giác khó chịu khi mò mẫm bước vào khoảng không. Tuy nhiên quãng đường dần dần trở nên quen thuộc. Và lần này đã có Robert luôn miệng nhắc nhở trước. “Còn hai bậc nữa, bây giờ rẽ trái, đi vào cửa bí mật. Cẩn thận kẻo vấp phải ngưỡng cửa. Còn mười bước nữa là tới cầu thang lớn.”
“Cảm ơn, thật là một dịch vụ tuyệt vời.”
“Đừng mỉa mai,” bác sĩ White đáp.
“Sao chị nghe được em, còn bố thì không?” Giọng Robert buồn bã.
“Đáng tiếc là chị cũng không biết,” lòng tôi dạt dào thương cảm. “Em có muốn nhắn gì cho bố không?”
Robert không nói gì.
Bác sĩ White bảo: “Glenda Montrose nói đúng. Cô là người ưa độc thoại.”
Tôi đưa tay lần mò dọc bờ tường. “À, tôi biết hõm tường này. Bây giờ sẽ có giật cấp, à đây rồi, và hai tư bước nữa thì rẽ phải.”
“Cô đếm bước chân!”
“Cho đỡ ngán thôi. Bác sĩ White, sao ông lại đa nghi đến thế?”
“Ồ, ta có đa nghi đâu. Ta tin cô mà. Cho tới lúc này. Vì hiện tại cô vẫn khá lành, cùng lắm chỉ bị kích động bởi những ý tưởng chọc ngoáy của mẹ cô. Nhưng không ai biết là cô sẽ ra sao. Vì thế ta không muốn cô biết đường tới chỗ cất giấu máy đồng hồ.”
“Cái hầm này cũng đâu quá lớn,” tôi nói.
“Cô thì biết gì,” bác sĩ White nói. “Khối người mất tích ở đây rồi đấy.”
“Thật à?”
“Ừ.” Trong giọng ông ta thoáng tiếng cười, tôi biết ông ta đang đùa. “Có người đi lạc mất mấy ngày mới tìm được đường ra.”
“Em ước gì nói được với bố là em rất ân hận,” Robert nói. Có lẽ cậu nhóc đã phải suy nghĩ rất lâu về điều này.
Thằng bé tội nghiệp. Tôi thực chỉ muốn dừng lại và ôm lấy nó. “Nhưng đó đâu phải lỗi.”
“Cô có chắc không?” Bác sĩ White tưởng tôi vẫn đang nói về những người bị lạc trong hầm.
Robert sụt sịt. “Sáng hôm đó, em và bố cãi nhau. Em bảo em ghét bố và ước có một người bố khác.”
“Nhưng có lẽ bố em không coi đó là những lời thật lòng. Chắc chắn là không.”
“Có đấy, bố nghĩ thế. Và giờ bố nghĩ là em không yêu bố, mà em lại không thể nào nói được với bố nữa.” Giọng nói trong vắt giờ run rẩy, vò nát tim tôi.
“Vì vậy mà em vẫn còn ở đây?”
“Em không muốn để bố một mình. Tuy không nhìn và nghe thấy em, nhưng có thể bố cảm nhận được là em đang ở cạnh bố.”
“Ôi cưng.” Giờ thì tôi không thể nào chịu được nữa và phải dừng chân. “Bất cứ người bố nào cũng biết rằng trẻ con đôi khi nói những điều mà chúng không nghĩ thế.”
“Đúng vậy,” giọng bác sĩ White đột nhiên nghèn nghẹn. “Nếu ta ra lệnh cấm trẻ con xem ti vi suốt hai ngày trời chỉ vì chúng để phơi xe đạp dưới mưa, thì cũng không cần phải ngạc nhiên khi chúng gào lên và nói những điều chúng không nghĩ thế.”
Ông đẩy tôi đi tiếp.
“Cháu thật vui khi nghe ông nói vậy, bác sĩ White.”
“Cả em nữa!” Robert bảo.
Suốt quãng đường còn lại, cả tôi và Robert đều rất vui. Một cánh cửa nặng nề mở ra, rồi khép lại sau lưng chúng tôi.
Khi chiếc băng bịt mắt được mở ra, hình ảnh đầu tiên tôi trông thấy là Gideon đội mũ hình trụ. Ngay lập tức tôi cười phá lên. Ha ha! Lần này đến lượt hắn làm kẻ dở hơi đội mũ!
“Hôm nay cô bé rất phấn khích,” bác sĩ White bảo. “Nhờ những cuộc độc thoại dài.” Giọng ông không cay nghiệt như mọi khi.
Ông Villiers cũng bật cười cùng tôi. “Ta thấy buồn cười, trông cứ như giám đốc rạp xiếc.”
“Mọi người thấy vui là tốt,” Gideon bảo.
Trừ cái mũ hình trụ ta thì trông hắn khá bảnh. Quần dài đen, áo đuôi tôm đen, sơ mi trắng – trông gần như sắp tới đám cưới. Hắn quan sát tôi từ đầu tới chân, còn tôi căng thẳng nín thở chờ cú trả đũa. Nếu là hắn, ngay lập tức tôi sẽ nghĩ ra cả chục câu chế nhạo trang phục của mình.
Nhưng hắn không nói gì, chỉ nhếch mép cười.
Ông George bận rộn với máu đồng hồ. “Gwendolyn đã được căn dặn kỹ rồi chứ?”
“Tôi nghĩ vậy,” ông Villiers nói. Ông ấy đã nói với tôi cả nửa tiếng đồng hồ về “Chiến dịch Ngọc thạch”, trong khi Madame Rossini chuẩn bị trang phục. Chiến dịch Ngọc thạch! Cứ như tôi là nữ đặc vụ Emma Peel. Leslie và tôi rất thích bộ phim Cô dâu báo thù có Uma Thurman đóng.
Tôi vẫn không sao hiểu nổi lý do khiến Gideon khăng khăng nghĩ bọn tôi có thể bị giăng bẫy. Tuy kỵ Margaret Tilney muốn nói chuyện với tôi, nhưng kỵ đâu nêu thời điểm. Ngay cả khi kỵ định dụ tôi vào bẫy thì kỵ cũng không thể biết bọn tôi sẽ xuất hiện vào ngày giờ nào trong cuộc đời kỵ.
Và khả năng Lucy và Paul rình được chính xác thời điểm gặp bọn tôi là cực kỳ mong manh. Tháng Sáu năm 1912 được chọn ra một cách ngẫu nhiên. Khi đó, kỵ Margaret Tilney 35 tuổi, sống cùng chồng và ba con trong một ngôi nhà ở Belgravia. Bọn tôi sẽ tới thăm kỵ chính tại đó.
Tôi ngẩng lên và trông thấy ánh mắt Gideon đang nhìn mình chằm chằm. Nói chính xác hơn là nhìn vào khe áo ngực. Đồ đểu!
“Này, anh nhìn gì ngực tôi?” Tôi nghiến răng giận dữ.
Hắn cười và khẽ đáp: “Không hẳn.”
Đột nhiên tôi hiểu ra ý hắn. Thời Rococo dễ giấu đồ dưới lớp đăng ten hơn nhiều, tôi nghĩ.
Tiếc là cả ông George cũng đã chú ý tới bọn tôi.
Ông rướn người ra nhìn. “Có phải điện thoại di động không?” ông hỏi. “Nhưng cháu không được đem theo đồ vật của thời chúng ta về quá khứ!”
“Sao lại không ạ? Biết đâu chúng sẽ rất có lợi!” (Ảnh chụp Rakoczy và huân tước Brompton quả thực rất chuẩn!) “Nếu lần trước Gideon đem theo một khẩu súng tử tế thì mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều.”
Gideon lắc đầu ngán ngẩm.
“Thử hình dung xem, cháu làm mất chiếc điện thoại di động này ở quá khứ,” ông Villiers nói. “Có thể người nhặt được không biết đó là gì. Nhưng cũng có thể họ biết. Lúc đó chiếc điện thoại của cháu sẽ làm thay đổi tương lai. Hoặc một khẩu súng! Không tưởng tượng nổi hậu quả ra sao, nếu nhân loại nảy ra ý nghĩ sử dụng vũ khí tinh nhuệ sớm hơn thời điểm thực ra đã là quá sớm.”
“Ngoài ra, những vật này còn là bằng chứng về sự tồn tại cảu các người và của chúng ta,” bác sĩ White nói. “Chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể làm thay đổi tất cả, và như vậy làm nguy hại tới tính liên hoàn.”
Tôi cắn môi. Ví dụ tôi làm mất lọ xịt hơi cay ở thế kỷ 18 thì tương lai có thể thay đổi ra sao. Biết đâu sẽ theo hướng tích cực, nếu rơi vào tay đúng người…
Ông George chìa tay: “Để ta giữ nó.”
Tôi thở dài moi chiếc điện thoại trong ngực áo ra và đặt vào tay ông. “Nhưng sau đó phải trả lại cho cháu ngay đấy!”
“Xong chưa?” Bác sĩ White hỏi. “Máy đồng hồ đã sẵn sàng.”
Tôi đã sẵn sàng. Hơi nhộn nhạo trong bụng. Và phải thú thực rằng tôi thích chuyện này hơn phải ngồi lì trong tầng hầm ở một năm chán ngấy nào đó để làm bài tập về nhà.
Gideon nhìn tôi dò xét. Có lẽ hắn đang đoán xem tôi còn có thể giấu gì trong người. Tôi ngây thơ nhìn lại – lần sau tôi mới đem lọ xịt cay theo. Tiếc thật.
“Sẵn sàng chưa, Gwendolyn?” Cuối cùng hắn hỏi.
Tôi mỉm cười. “Sẵn sàng, nếu anh cũng vậy.”
***
“Thời thế đảo điên! Những số phận đáng nguyền rủa! Phải chăng ta sinh ra là để dẹp yên mọi sự bất bằng!”
William Shakespeare, Hamlet.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.