Khoảng trời mênh mông

Chương 01



Arlington, Iowa

Ngày 19 tháng Mười hai năm 1917

Charlie thân mến!

Mỗi ngày, cô Simpson đều nhắc chúng em cầu nguyện cho anh và mọi quân nhân khác. Nhưng theo em, ta nên cầu nguyện cho vua Đức tội nghiệp: Ông ta sẽ phải khấn trời rủ lòng thương ngay khi giáp mặt anh!

Hôm nay, em tình cờ gặp mẹ anh ở tiệm cậu Holt. Bà kể qua loa rằng, anh sẽ sớm đến Anh quốc, rồi từ đó sang Pháp. Từ lúc đó, em không đủ can đảm nhìn bản đồ phía sau cô Simpson vì nó bắt em nhớ giờ anh và Arlington đã nghìn trùng xa cách!

“Ngài” Whiskers muốn nhắn anh rằng “ngài” vẫn mạnh! Mấy hôm nay trời lạnh cóng nên em cho nó ngủ trên giường em. Khi biết chuyện, mợ Ivy nổi cơn tam bành. Ơn trời, vì mợ bảo em lớn rồi, đánh mãi sẽ lì đòn.

Nếu không, chắc bây giờ em chẳng còn chân mà đi.

Anh không biết chứ mợ Ivy bây giờ khác lắm. Mợ tự may mũ màu trắngcó đắp dấu thập đỏ chói bằng vải ở vành. Mợ đội mũ ấy mỗi khi dự họp ở Hội Chữ Thập Đỏ. Chắc mợ muốn mọi người phải biết mình có góp tiền cho Hội này. Hồi này, mợ cư xử lạ lắm, thậm chí sáng nay còn hỏi em thấy trong người thế nào. Lần đầu tiên trong nhiều năm ròng, mợ hỏi em khỏe hay yếu. Lạ thật. Chắc nhờ tham gia Hội Chữ Thập Đỏ nên mợ dịu hiền hơn.

Chị Mildred Powell đang đan đôi vớ thứ năm. Đừng vội mừng vì anh không được hưởng trọn cả năm đâu. Chị ấy đan cho Hội Chữ Thập Đỏ đấy. Hồi này, nữ sinh chúng em ai nấy đều bận rộn đan lát cho Hội. Tuy nhiên, em nghĩ rằng đôi đẹp nhất của chị là dành cho anh.

Chắc anh phải cố gắng lắm mới ních được vào bộ quân phục nhỉ! Đúng là con lật đật (Hì hì). Đùa tí thôi chứ thật lòng em biết chắc anh sẽ khiến người thân và bạn bè được thơm lây.

Mợ Ivy vừa đi họp về, đang gọi em đấy. Em phải dừng bút thôi, nhưng sẽ sớm viết thư sau gửi anh.

Bạn cùng trường

Hattie Inez Brooks

Thấm mực xong, tôi nhẹ tay đẩy bức thư vào phong bì. Mợ Ivy sẽ không chần chừ đọc bất kì thứ gì lọt vào mắt bà, dù thứ đó trong phòng tôi, trên bàn riêng của tôi.

Mợ gọi lảnh lót:

– Hattie đâu? Xuống đây ngay.

An toàn vì ở khuất tầm mắt mợ, tôi giúi lá thư vào dưới cái gối vẫn còn hơi ẩm từ trận khóc thầm như mưa như gió đêm qua. Từ khi Charlie nhập ngũ, gặp ai Mildred Powell cũng khóc rưng rức. Tôi không giống chị: Chỉ có “Ngài” Whiskers và cái gối biết khi đêm về tôi thường lặng lẽ khóc thầm vì nhớ Charlie. Tất nhiên, tôi rất lo cho sự an nguy của anh, nhưng nói thực trò mít ướt lúc nửa đêm ấy chỉ đơn thuần xuất phát từ nỗi nhớ Charlie. Biết là ích kỉ và yếu đuối, nhưng không hiểu sao tôi không thể cầm lòng được.

Từ nhỏ tới khi mười sáu tuổi, tôi chưa từng gặp ai tuyệt vời như Charlie Hawley. Anh là một trong những món quà quí giá nhất cuộc đời dành tặng tôi. Thời gian đầu dọn đến ở với cậu Holt và mợ Ivy, tôi bẽn lẽn đến độ nói tên mình còn không rõ. Anh luôn bênh vực tôi. Ngày đầu tiên đi học, anh dẫn tôi vào trường và cả những ngày sau cũng thế. Cũng chính anh cho tôi “Ngài” Whiskers, con mèo có vẻ mặt buồn xo tìm đường đến thẳng trái tim tôi bằng tiếng kêu nũng nịu. Charlie còn dạy tôi ném bóng chày, dù tôi thuận tay trái. Nhiều đêm, tôi khờ khạo mộng tưởng về anh, nhắm mắt bưng tai trước sự thật: Ai cũng biết anh chỉ yêu mình Mildred. Vốn phải ăn nhờ ở đậu nhiều nơi từ khi còn tấm bé, tôi biết mơ mộng nhiều chỉ rước họa vào thân. Mơ có bao giờ là thực. Không tin cứ thử vươn tay về phía chúng mà xem: Giấc mơ sẽ giống lâu đài xây bằng những đám mây nhẹ xốp.

Ngày Charlie ra trận, cả lớp tiễn anh ngoài sân ga. Mildred bám chặt tay anh không rời. Chắc lưng anh tím bầm từng mảng vì thỉnh thoảng cha anh vẫn có thói quen vỗ mạnh vào lưng con trai. Sau khi đọc tràng diễn văn buồn tẻ, cô Simpson thay mặt trường tặng anh gói quà nhỏ: Một chiếc mũ len và giấy bút viết thư. Người soát vé giục giã:

– Tàu sắp chạy rồi cháu.

Khi Charlie bước lên mấy bậc thang bằng sắt để vào hẳn toa tàu, tim tôi như chùng xuống. Tôi bắt mình kiềm chế, không khóc lóc than thở như Mildred. Nhưng rồi, tôi cũng chạy lại gần và giúi vào tay anh một thứ:

– Để cầu may!

Charlie liếc nhìn, mỉm cười, vẫy chào lần cuối trước khi bóng anh khuất dần vào trong khoang tàu. Mildred gục đầu vào vai bà Hawley, thổn thức:

– Ôi, Charlie!

Bà mẹ Charlie vỗ về:

– Thôi nào, nín đi cháu!

Ông Hawley rút khăn tay in hoa, điệu đà lau mồ hôi trán, khác hẳn tác phong ngày thường. Tôi vờ như không thấy ông chấm nhẹ khăn nơi khóe mắt.

Sau khi tàu chuyển bánh, mọi người chầm chậm ra bãi xe ngoài ga. Tôi còn nấn ná ở lại, mắt dõi theo đoàn tàu, hình ddung Charlie vỗ nhẹ túi quần, nơi có viên đá “cầu được ước thấy” do tôi tặng. Cũng chính anh dạy tôi chọn đá ước:

– Em nhớ chọn viên đá màu đen, có vòng tròn trắng ở giữa nhé. Vừa ném đá qua vai trái vừa thầm ước, chắc chắn sẽ linh nghiệm.

Anh thờ ơ ném đá ước nhiều lần, còn cười nhạo vì tôi không hề thử. Mơ ước của tôi không thuộc loại chỉ cần ném vài hòn đá là có ngay.

Hai tháng trôi qua, kể từ khi buổi tiễn Charlie. Vắng anh, cuộc sống chẳng khác nào một mẻ bột bánh bích qui không bột nở: xẹp lép, nặng trịch.

Giọng mợ Ivy chuyển sang đe nẹt:

– Hattie đâu rồi?

– Cháu đây, thưa mợ!

Tôi hối hả xuống cầu thang. Trông mợ như quan tòa trong chiếc ghế tựa bọc da nâu. Gần đó, cậu Holt thoải mái lọt thỏm trong ghế xích đu với đống báo chất trên đùi.

Tôi lẻn ra thềm cầm món đồ đang đan dở lên: Một chiếc tất trông thiên thảm địa sầu. Mũi đan đầu tiên bắt đầu từ tháng mười, khi Charlie mới nhập ngũ. Nếu chiến tranh kéo dài năm năm nữa, họa may chiếc tất của tôi hoàn thành đúng ngày đình chiến. Tôi cầm đôi que đan, hé mắt nhìn qua lỗ thủng do bị tụt mũi. Bạn thân như Charlie cũng chưa chắc muốn xỏ chân vào tất này.

Mợ Ivy gỡ mũ có đính chữ thập đỏ xuống:

– Hôm nay, mợ vừa nói chuyện với bà Iantha Wells, vui quá thể. Ông Holt này, ông còn nhớ Iantha không?

– Hừm.

Cậu Holt vừa ừ hử vừa giở báo ra đọc.

– Hattie à, mợ có khen cháu với bà ấy, ở với mợ, cháu rất biết việc.

Tôi làm tuột thêm một mũi đan. Thực tế, gần như ngày nào, mợ cũng ca thán bảo lỗi nữ công gia chánh của tôi kể mãi cũng không hết.

– Mà này, mợ đây chẳng cần học hành đến nơi đến chốn. Con gái học làm gì cho lắm.

Cậu Holt hạ góc tờ báo xuống. Còn tôi tuột một mũi đan nữa. Có chuyện rồi đây.

– Chữ nghĩa không giúp gì được đâu cháu ạ. Nhất là khi chỗ thân tình như bà Iantha đang cần giúp một tay ở nhà trọ.

Ra thế. Mọi chuyện đã năm rõ mười. Giờ tôi hiểu tại sao hồi này mợ tốt với tôi đến như thế. Hóa ra, mợ đang tìm cách tống khứ tôi.

Mợ Ivy vuốt vuốt chiếc váy đang mặc:

– Thượng Đế luôn hành sự theo cách bí ẩn. Iantha đề nghị hào phóng thế thì gì bằng.

Dù bụng dạ chộn rộn ngay khi mợ mở lời, tôi biết mình chưa nên nói gì vội. Ít nhất là lúc này. Cậu Holt nhồi nhúm thuốc lá hiệu Prince Albert vào tẩu:

– Bà này, mấy tháng nữa là hết năm học rồi. Cậu châm thuốc trước khi nói tiếp:

– Tôi thấy thì nên để Hattie học hết năm nay.

Đây không phải lần đầu cậu Holt bênh tôi. Ngay tối nay tôi sẽ đánh giày cho cậu để tỏ lòng biết ơn. Mợ tôi nói trơn tru, như thể cậu chưa hề lên tiếng:

– Ông và tôi từng bàn Hattie sẽ đến nơi nào có người cần nó. Vừa hay nhà Iantha đang cần nó kìa.

Còn ở đây người ta không cần. Tôi thầm nối lời.

Cậu Holt đưa mắt nhìn tôi qua vòng khói thuốc xoáy trôn ốc ngát hương anh đào:

– Cháu muốn học đến hết năm nay không?

Tôi buông kim đan xuống, cân nhắc câu trả lời. Vì ham đọc sách nên chuyện học hành với tôi không khó. Đặc biệt là khi không bị phân tâm bởi Charlie. Nhưng so với công việc nhà Iantha Wells thì…

Mợ Ivy cấm cảu, quắc mắt nhìn tôi:

– Nó biết quá đi chứ. Vợ chồng mình phải chú trọng tu dưỡng tâm hồn Hattie. Giúp Iantha nuôi dưỡng lòng từ tâm của trẻ con. Nhất là lòng từ tâm, với lại…

Tới đây, mợ ấp úng như gà mắc tóc, như thể ngay cả mợ cũng không tin làm việc trong nhà trọ có thể trau dồi kiến thức cho ai:

– Và nhiều kĩ năng phụ nữ cần biết. Cơ hội đích thực cho con gái chuyên cần đấy.

Hai vết đỏ rần lan trên má mợ. Rõ là mợ đang cáu. Lý do cũng rõ ràng không kém. Mợ tự ái vì cậu Holt hỏi ý kiến tôi, nhất là hỏi tôi quyết định tương lai mình ra sao. Với mợ, tôi chỉ là Hattie cù bơ cù bất, không có quyền có quan điểm riêng!

Chưa kịp thay răng sữa, tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Câu chuyện về cha tôi không khác gì những câu chuyện của các gia đình thợ mỏ: bụi than ăn rỗng phổi cha. Khi ông qua đời, tôi khoảng hai, ba tuổi. Lúc tôi lên năm, mẹ cũng theo cha mà đi. Khi đó, dì Seah mang tôi vôi. Bác sĩ bảo mẹ chết vì viêm phổi, còn dì lại nói chắc như đinh đóng cột, rằng mẹ tôi mất vì thương nhớ cha. Nhìn lại quãng đời ăn nhờ ở đậu, tôi thấy chỉ có dì đối tốtvới tôi nhất. Dì tặng tôi món quà vô giá: Niềm tin bất di bất dịch về tình yêu mãnh liệt cha mẹ dành cho nhau. Khi dì Seah quá già yếu, không thể tiếp tục nuôi tôi, tôi bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó: Hôm nay ở nhà này, mai lại sang nhà khác. Có nhiều nhà chỉ là bà con họ xa. Tôi ở nhà họ, giúp trông nom người ốm, giúp những ai cần đỡ đần việc nhà mà không ngại nuôi thêm một miệng ăn. Cứ thế cho đến khi tôi chẳng còn nhà bà con nào mà đi.

Khi tôi mười ba tuổi, mợ Ivy nhận tôi về dù giữa chúng tôi không có quan hệ máu mủ. Cậu Holt chỉ là người bà con xa. Chắc mợ không muốn tuột mất cơ hội thực hiện nghĩa vụ của một người Cơ đốc giáo. Hoặc mợ không thể vuột mất cơ hội nhắc tôi mỗi ngày, rằng tôi trắng tay và chẳng còn ai nương tựa. Mợ thường bảo tôi nên đếm thật kĩ mọi ơn huệ trời ban. Tất nhiên tôi có đếm. Ngày nào tôi cũng cảm kích món quà quý nhất mà Thượng đế ban cho: Đó là sự thật mợ và tôi không phải là ruột thịt.

Không khí trong phòng im lặng đến độ tôi có thể nghe tiếng ống tẩu va vào răng cậu Holt. Ông phà thêm một làn khói thuốc thật thơm trướckhi lên tiếng:

– Theo tôi, chuyện này để mai hẵng bàn.

Mợ Ivy không muốn qua mặt cậu. Không đời nào bà làm thế khi có mặt tôi. Oai phong trong ghế bành, bà khoát tay:

– Ông muốn sao cũng được.

Cậu hết loay hoay với tẩu thuốc lại quay sang lục đống báo xếp trên đường ống nước sát ghế ngồi:

– Quái lạ! Tôi để đâu rồi nhỉ?

– Ông bảo để cái gì?

Giọng vút cao của mợ làm cửa kính cũng phải bể.

– Thư. Thư của Hattie đến trong ngày.

Đống báo đổ xuống sàn như một thác nước nhỏ. Dù cậuchỉ là nhân viên kế toán của một cửa hàng bách hóa, nhưng tôi chưa thấy ai đọc nhiều như cậu Holt. Tôi mê đọc không kém, nhưng sở thích tôi là tiểu thuyết. Cậu Holt lại thích báo chí. Cậu là người đầu tiên cảnh báo có chiến tranh ở châu u. Ngay cả kẻ ngốc, nếu để ý, cũng sẽ biết có binh biến lớn. Còn tôi, trước khi Charlie nhập ngũ, chẳng buồn để ý đến tình hình chiến sự. Thế cũng đủ biết tôi thuộc loại người

– Cháu có thư! Thư Charlie chăng!

– Thư gửi Hattie à? Mợ Ivy ngờ vực.

Như không thấy mợ giơ tay ra, cậu Holt trao thẳng thư cho tôi. Mợ Ivy hạch hỏi:

– Thư của ai mới được?

– Một người ở Montana.

Nói xong, cậu Holt biến mất sau tờ Tin tức Arlington, dấu hiệu cho biết phần tham gia của cậu vào buổi mạn đàm buổi tối để kết thúc.

Tôi mở phong bì. Bên trong có hai bức thư. Bức thư thứ nhất đề ngày 11 tháng mười một năm 1917.

Lúc lâm chung, cậu em có nhắn chị gửi thư cho em. Đó là điều tối thiểu chị có thể làm để đền đáp lòng tốt vô bờ của ông. Nếu em đồng ý, chị và anh Karl, chồng chị, sẽ hết lòng giúp đỡ em.

Hãy nhận từ chị tình cảm chân thành nhất

Perille Johnson Mueller

“Đồng ý gì mới được?” Tôi mở tiếp bức thư thứ hai.

Hattie yêu quí.

Chắc chắn cháu không thể nhớ cậu. Mẹ cháu chỉ có mình cậu là em trai. Nếu có lấy vợ và sống chỉn chu, cậu đã gửi thư cho cháu từ lâu. Nhưng cậu chỉ là một gã du thử du thực. Tuy nhiên, ở Montana này, cậu dần tạo dựng một cuộc đời mới. Chắc cháu không biết ngay khi cậu cắm đất và dựng nên một chỗ chui ra chui vào, thầy thuốc bảo bệnh ho sẽ kết liễu đời cậu. Ngoài việc có chung dòng máu nhà Wright trong huyết quản, cháu và cậu giống nhau ở một điểm. Tuổi thơ ấu, cậu cháu mình đều không có một mái nhà cho ra hồn. Cháu mồ côi, còn cậu bỏ nhà đi từ khi mới học lớp sáu. Chắc cháu nghĩ ta không bao giờ nhớ đến cô cháu gái ở tận Iowa. Nhưng ta chứng minh điều ngược lại bằng chính lá thư này. Nếu đến Vida, cháu sẽ có cơ hội sở hữu đất. Cậu tin cháu có nghị lực của mẹ. Nó sẽ giúp cháu thực hiện nốt vài yêu cầu cần đáp ứng đủ tự tin và nghị lực để thực hiện những yêu cầu ấy (cháu có cả một năm để làm chuyện ấy), 320 mẫu đất Montana sẽ hoàn toàn thuộc về cháu.

Tôi bấu tay chặt vào thành tràng kỷ:

– Trời!

– Cái gì thế? Chuyện không hay à?

Mợ Ivy đến bên, hau háu nhìn qua vai tôi. Sau khi lắp bắp một chút, tôi đọc to đoạn cuối cùng của bức thư:

Tôi, trong tình trạng tinh thần minh mẫn, tuyên bố để lại cho Hattie Inez Brooks đất đai, căn nhà và toàn bộ đồ dùng bên trong, kèm theo một con ngựa khỏe mạnh tên Plug và Violet – con bò cái đê tiện.

Ký tên

Chester Hubert Wright

Cậu của Hattie Inez Brooks

Tái bút: Hattie này, cháu nhớ mang theo mèo và quần áo ấm nhé.

Mợ Ivy giật phắt lá thư trên tay tôi. Còn tôi sững sờ đến độ không kịp phản ứng. Ba trăm hai mươi mẫu đất (khoảng 128 héc ta)! Một căn nhà chỉ của tôi mà thôi! Montana!

Mợ tôi dõng dạc:

– Thật lố bịch! Vả lại, mợ đã hứa với Iantha cháu sẽ sang làm cho bà ấy.

– Cơ hội tốt cho con gái siêng năng.

Giọng cậu Holt như có kèm theo cái nháy mắt tinh quái. Mợ Ivy lắp bắp:

– Điên rồ! Ông thôi đi cho tôi nhờ. Còn Hattie…

Tôi lấy lại lá thư trên tay mợ, gấp lại cẩn thận và cất vào túi áo:

– Thì mợ vẫn hay bảo “Thượng đế hành sự theo cách bí ẩn” đấy thôi. Giờ thì, mợ cho phép cháu phúc đáp thư này.

Hồi âm của tôi cho chị Perilee chỉ vỏn vẹn một dòng: “Em sẽ đến”.

Muốn Charlie biết tường tận, thư cần dài hơn một chút. Tôi không muốn anh lo lắng cho mình khi đang trên đất khách quê người. Sau hàng chục lần viết nháp, đoạn tái bút có thể gọi là đúng mực. “Hãy tưởng tượng thư em viết từ đó sẽ thú vị biết chừng nào!”

Tôi gửi cả hai thư, một cho Charlie, một cho chị Perilee. Thư phúc đáp từ chị Perilee đến ngay sau đó, kèm theo lời hứa sẽ đón tôi tại ga Woft Point, sau đó đưa tôi đến tận khu đất của cậu Chester. Như thể biết tôi nghĩ gì, chị thêm vào danh sách vài hướng dẫn ngắn ngủi của cậu Chester:

Chị nói thêm về vật dụng cần mang theo. Cậu em có gần như đầy đủ mọi vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, một chiếc mũ bền chắc che nắng mưa và vải trải giường là cần thiết, vì ông Chester không có hai loại vật dụng đó cho em chọn lựa.

Láng giềng mới của em

Perilee Mueller

Một thiếu nữ thông minh hơn tôi chắc đã chóng mặt khi toan tính chuyện về miền Tây hoang sơ nhận đất công để cày cuốc. Tôi từng sốngởnông trại với họ hàng, năm nào cũng giúp cậu Holt trồng rau trong vườn, nhưng đó chỉ như thực hiện một bài thực hành môn trồng trọt mà thôi. Tôi cố tình đẩy mọi lo lắng và hồ nghi khỏi tâm trí ngay khi chúng nhăm nhe tìm đến. Với tôi, toàn bộ chuyện này chỉ là cơ hội bỏ lại sau lưng mợ Ivy và cảm giác mình là một vật dụng thừa.

Quyết tâm làm theo ý mình, tôi làm mọi việc mà một chủ trại giỏi giang cần làm: tôi ra ngân hàng, rút 400 đô la tiền bố mẹ để lại, mua quần áo ấm và tấm vé 12 đô la ở ga Great Northern. Việc thu xếp hành lí không cần nhiều thời gian. Cậu Holt cho tôi đôi ủng cũ, cô giáo Simpson tặng tôi cuốn Cẩm nang canh tác của Campbell xuất bản năm 1907. Anh trai cô cũng chuyển đến Montana. Ông tin chắc đó là cuốn mọi chủ trại cần có khi canh tác tại miền đồng cỏ phía Đông. Sau cái ôm hôn thắm thiết lúc chia tay, mẹ Charlie tặng tôi đôi lao động bằng vải bạt dày dặn. Món đồ cuối cùng tôi mua là chiếc lồng đan bằng cây liễu gai dành cho “Ngài” Whiskers.

Vì vẫn còn tức tối về chuyện vừa xảy đến, mợ Ivy từ chối không ra ga tiễn tôi. Chỉ có cậu Holt đưa tôi đi trên chiếc Ford Town Car mới cáu.

Khi bỏ rương của tôi từ xe xuống và trao chiếc lồng có “Ngài” Whiskers cho tôi, cậu Holt bảo:

– Hattie này, cậu biết cháu đủ bản lĩnh và nghị lực làm mọi điều mình muốn. Nhưng hãy nhớ trên đời có nhiều cách học hỏi. Đừng quá kiêu hãnh đến độ không cần nhờ ai giúp. Chắc cháu còn nhớ lời mợ Ivy thường hay nhắc đi nhắc lại là: Trèo cao…

Tôi tiếp lời:

– Ngã đau.

Mợ Ivy thường lo âu phiền muộn vì lòng tự hào của tôi. Bao cây roi gãy trong tay mợ chỉ để trị tiệt nọc cho tôi cái “thói xấu” ấy.

Cậu Holt vờ như bận rộn nhồi thuốc vào tẩu để lẩn tránh ánh mắt buồn trong cảnh chia ly. Khi cậu châm thuốc, tôi thấy mắt ông ươn ướt.

Ba năm với bao lần cậu tỏ chút từ tâm với tôi chợt hiện về. Ánh mắt hai cậu cháu gặp nhau, tôi biết dù không nói ra nhưng cậu hiểu tình cảm của tôi lúc này. Tôi lắp bắp:

– Cháu mang ơn cậu. Cháu… cháu hứa sẽ viết thư thăm cậu ạ. Cậu ngượng ngập vỗ vai tôi.

– Giờ chưa cần hứa gì vội kẻo thành hứa suông đấy. Nhưng nếu nhận được tin của cháu thì tốt. Thỉnh thoảng thôi cũng được.

Người phục vụ trên tàu hô lớn:

– Mời hành khách lên tàu cả đi!

“Ngài” Whiskers và tôi vào hẳn trong khoang. Cậu Holt vẫn còn đứng trên sân ga vẫy tay lần cuối. Tôi cũng vẫy tay chào lại. Sau đó, tôi chỉnh tư thế ngồi, xoay mặt về hướng Tây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.