Khoảng trời mênh mông
Chương 02
Tháng giêng năm 1918
Trên xe lửa từ ga Great Northorn
Tại một nơi thuộc Bắc Dakota
Charlie thân mến!
Đêm đầu tiên trên tàu, vì hồi hộp nên em không sao ngủ được; nhưng đêm thứ ba em vẫn không chợp mắt vì mùi hôi và tiếng ồn đinh tai nhức óc. Thể nào anh cũng bảo chuyện tàu xe của em sao so được với vô số lần hành quân trên xứ lạ. Anh đúng trăm phần trăm, nhưng em đang bực bội, đói và người đầy bụi bẩn nên em cứ kêu ca đấy. Sách cô Simpson tặng chẳng hấp dẫn tẹo nào. Nó chỉ nhắc em mỗi một từ: làm việc, làm việc và làm việc. Em thà đọc mấy cuốn sách mỏng phát trên tàu còn hơn, tuy sách ấy khiến người ta nghĩ làm trang trại chẳng khác nào chà nhẹ bàn tay vào cây đèn thần.
Em biết nơi em đến chẳng có đèn thần; em cũng sẵn sàng thực hiện mọi yêu cầu đáp ứng để trang trại thuộc về mình. Chính vì thế mà hàng trăm câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu em. Khi đến nơi, việc phải làm ngay là gì? Để chứng minh khả năng điều hành trang trại, em cần phải làm những gì? Ngộ nhỡ em không làm được thì sao? Quyết tâm phải làm cho được thiêu đốt tâm trí em. Nếu biết ruột gan em đang hàng trăm mối tơ vò thế này, mợ Ivy sẽ hởi lòng hởi dạ, hệt “Ngài” Whiskers vừa vớ được một con mồi lớn. E rằng, trước khi đường hoàng là một chủ trại, em sẽ nếm phải nhiều bài học cay đắng.
Tôi dừng tay, ngước lên nhìn ra ngoài. Quang cảnh nhìn từ cửa khoang tàu mờ tối này khiến bất cứ ai cũng phải nản lòng. Tôi viết tiếp: “Mấy cuốn sách tuyên truyền nói Montana là miền đất của sữa và mật ong, nhưng nhìn cảnh tuyết phủ trắng một vùng mênh mông đến vô tận như thế này, chẳng ai dám chắc điều gì sẽ đến. Tuy nhiên, em tin chắc cảnh trang trại cậu Chester sẽ khác hẳn”.
Tôi lại đoán già đoán non về cậu mình. Tất nhiên, tôi có nghe nói về cậu, nhưng không nhiều và chưa bao giờ được thấy mặt ông. Cậu tự xưng là người có thành tích bất hảo, nhưng thực ra đó là “thành tích” gì? Sao cậu lại đến Montana? Với tôi, nếu chúc thư của cậu còn nhắc đến cô cháu gái chỉ biết láng máng về mình, cậu Chester không xấuời tự giới thiệu. “Cậu tin cháu cũng nghị lực không kém mẹ mình” – Cậu đã viết như thế. Tôi chỉnh tư thế ngồi thật thẳng. Tôi không biết mình có nghị lực giống mẹ không; những gì tôi biết về mẹchỉ nhiều hơn sự hiểu biết về ông cậu “cả đời không gặp”. Tuy nhiên điều đó không ngăn tôi hình dung về bà. Biết đâu, ngay lúc này, linh hồn bà đang dõi theo tôi. Nếu thế, mẹ sẽ nói gì nhỉ? Liệu mẹ có đồng tình với mợ Ivy? Hay bà tán thành quyết định của tôi? Tôi tự hỏi lần thứ bao nhiêu tôi cũng không nhớ rõ, rằng: Người mất cha mẹ từ khi còn bé, đồng thời không biết chút xíu gì về họ như tôi liệu có dễ sống hơn người khác? Mọi kí ức về cha mẹ quá mờ ảo. Chúng như tiếng thì thầm vọng về từ quá khứ. Mọi người bảo tôi thừa hưởng sống mũi thẳng của cha và nụ cười bí ẩn của mẹ. Không biết cha mẹ còn cách ghi dấu ấn trên con người tôi khác hay không. Nhưng tôi chắc chắn việc đồng ý đến Montana, đến trại của cậu Chester đã chứng tỏ sự tháo vát truyền thống của gia đình, dòng họ.
“Ngài” Whiskers ngọ nguậy trong chiếc lồng hẹp.
– Meo.
Tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của mẹ đeo trên vạt áo:
– Tội nghiệp mày. Sắp được rộng cẳng rồi, đừng lo.
Thời gian từ bây giờ đến khi tàu vào ga Woft Point chỉ tính bằng thời gian chờ mẻ bột làm bánh nở đều. Tôi nhấp nhổm trên ghế, kín đáo vuốt nếp váy áo đã nhàu dưới cặp mông đau ê ẩm. Tôi vừa nhúc nhích, ông béo tốt đẫy đà ngồi ghế đối diện đang ngáy như sấm đã choàng tỉnh. Tôi vội quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông ta hỏi:
– Thấy xứ này rồi, chẳng ai mừng nổi nhỉ?
Tôi ậm ừ đáp lễ.
– Cô định đi đâu?
Ông ta nghiêng người ra phía trước nêu câu hỏi, nhân tiện gửi vào không khí hơi thở đậm mùi khói thuốc lá thui quyện mùi rượu nồng nặc.
Chàng cao bồi thân hình mỏng dẹt, ngay đơ như tấm ván giặt ngồi ủ rũ cạnh ông béo, góp lời:
– Đến Helena chứ còn đi đâu nữa. Cô gái trẻ nào chẳng muốn đến đó.
Dù mợ Ivy nhắc tôi chớ nói chuyện với người lạ, nhưngởcộng đồng nhỏ xíu trong toa tàu chật chội này, không trả lời chắc sẽ bị coi là thất lễ.
– Tôi đến trang trại của cậu ruột ở Vida, gần Circle. Ông béo vỗ đùi đen đét, miệng huýt sáo:
– Trời, trang trại ở đó có cũng như không. Cứ coi là tay trắng đi.
– Dân nhà quê.
Gã cao bồi ấn sâu cái mũ bẩn xuống đầu, lẩm bẩm:
– Này, xin lỗi, anh vừa bảo gì?
– Gì chẳng được: quê một cục, kẻ chiếm đất công, bán mặt cho đất bán lưng trời.
Nói đến đây, gã lấy con dao lạ kiểu trong túi cắt mẩu sợi thuốc từ thanh thuốc dài đang cầm trên tay.
– Đám nông dân ngu dốt cứ tưởng đến đó sẽ làm nên chuyện.
Vừa nói, ông béo vừa rút khăn tay nhem nhuốc lau trán.
Tôi chỉnh lại cái vành mũ trên đầu:
– Cậu… cậu tôi có trang trại đẹp như mơ. Năm ngoái còn được mùa… bội thu đấy.
Phải nói dối, tôi cũng hơi ngượng. Nhưng vì lúc ấy tôi chưa biết năm rồi cậu tôi chẳng bội thu bội hoạch gì nên tội lỗi cũng giảm đi phân nửa.
– Lại mấy công ty đường sắt chết tiệt.
Gã cao bồi vươn cổ dài định phun vào cái ống nhổ bằng đồng đặt giữa lối đi. Tiếc thay, cái thứ đáng lẽ phải bay vào ống nhổ lại không đến đích. Thấy cảnh đó, tôi bỗng lợm giọng.
Ông béo khẽ lắc đầu:
– Chắc ông cậu cô lại bị mấy tờ rơi trên tàu nó “thuốc” chứ gì. Tưởng đào được vàng cục thay vì củ cải chắc?
– Nông trại của cậu tôi rất… (lúng túng, tôi không tìm được từ thích hợp)… trù phú.
Ông béo tức tối buông lời lỗ mãng khiến bụng tôi muốn sôi lên:
– Gã trời đánh. Cậu cô vào hùa với đám dân đường sắt, dám hứa những điều đất Montana không thể thực hiện nổi.
Từng từ ngữ như ngọn roi da quất túi bụi vào mặt tôi. Hơn nữa, mọi hành khách trong toa đều gật gù đồng tình với gã cao bồi bẩn thỉu và ông béo có cái mặt đỏ tía kia. Người bảo tồn chính kiến của mình duy nhất chỉ có một ông mặc áo khoác đen.
Tôi moi óc cố tìm cách nói thật sâu cay đối đápvới nhóm phàm phu này. Ôm chiếc giỏ đựng đồ ăn chặt hơn, tôi tự nhủ một quí cô phải có chính kiến riêng. Nhớ khi xưa, mợ Ivy thường dùng roi dán cái thông điệp ấy lên đôi chân tôi không biết bao nhiêu lần.
– Ga Woft Point rồi đây! Ai định đến Woft Point thì xuống cả đi!
Người soát vé ló đầu vào khoang tôi:
– Này cô, đến ga của cô rồi đấy.
Tàu chạy chậm dần nhưng ông béo vẫn nói không ngừng nghỉ. Nhìn ông tôi nhớ lại cha xứ Porter trong buổi lễ vừa rồi, thao thao bất tuyệt với bài diễn thuyết dài ba tiếng đồng hồ. Khi lấy hành lí, tôi tìm cách làm người kia phải câm miệng.
Ông béo liến láu:
– … chết đói mất thôi. Đúng là không biết dừng ở đâu cho hợp lí. Nếu cô là con gái tôi…
Đúng lúc ấy, con tàu lắc mạnh. Tay xách nách mang nào hành lí, nào lồng mèo, tôi lảo đảo giữa lối đi, cố lấy lại thăng bằng (và lòng tự trọng). Quí cô đáng nể nhất đời cũng không thể chịu đựng như tôi. Quả là chuyến đi này quá dài, quá khổ sở. Sự kiên nhẫn của tôi xơ xác, hao mòn chẳng khác nào chiếc áo đẹp thứ hai có trong túi tôi đây.
Tôi nhìn thẳng vào ông béo mà rằng:
– Nếu tôi là con gái ông, tôi sẽ lao thẳng vào đoàn tàu đang chuyển bánh.
Cả khoang lặng đi. Lát sau, gã cao bồi huýt sáo:
– Ông Chet, hình như cô ấy vừa cảm ơn ông đấy.
Tôi run rẩy nói thêm:
– Thôi các ông ở lại, tôi đi.
Vừa bước qua ngưỡng cửa, tôi thấy một bàn tay đàn ông chộp lấy cánh tay
– Ông muốn gì?
Lập tức, tôi hối hận vì trót nổi đóa lên. Chỉ vì hành xử nóng vội, nên tôi sắp phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Mợ Ivy đã cảnh báo tôi hàng trăm lần về thứ “đàn ông miền Tây hoang dã” mà tôi nào có nghe. Nhìn xuống, tôi mới nhận ra tay kia là của người mặc áo măng tô đen vẫn im lặng nãy giờ.
– Đừng chấp người say cô ạ. Rượu vào lời ra là chuyện thường mà.
Ông ta đẩy nhẹ chiếc mũ trên đầu.
– Nếu cô cho phép, tôi nói rằng tôi hết sức tin tưởng cô sẽ thành công tại vùng đất khắc nghiệt này.
Giá chân tôi đừng run bắn lên thế này. Rủi thay, cặp chân vẫn không chịu nghe lời khổ chủ.
– Cảm ơn. Nhưng chắc giờ này cậu tôi đang ngóng trông tôi.
Ông khách nhẹ nhàng:
– Vâng, cô nói phải.
Nói xong, ông quay vào khoang.
Tôi đi dọc hành lang, xuống tàu trên đôi chân rã rời không chỉ mệt và giận. Dù khuôn mặt Charlie có hiện rõ mồn một cùng bao kỷ niệm dịu êm chân tình nhất, tôi vẫn không phấn chấn lên được. Tủi thân quá, tôi còn ước được gặp cả mợ Ivy. Tưởng đâu, ở đó con người không chỉ có ước mơ mà còn giữ được chúng, không để mơ ước tan thành mây khói. Nhưng lúc này, tôi không còn dám chắc nữa.
Tôi dợm quay gót, định trở lên tàu về nơi xuất phát. Nhưng người soát vé đã đặt rương của tôi xuống đất:
– Chúc may mắn. Mừng cô đến với Montana.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.