Khoảng trời mênh mông

Chương 04



Ngày 4 tháng Giêng năm 1918

Nhà mới của em

Cách Vida ba dặm về phía tây bắc, Montana.

Charlie thân mến!

Em chưa về nhà đâu. Thật ra chúng em còn chưa rời Woft Point nữa kìa. Trước khi đưa bọn trẻ lên xe, ba chúng em phải giải quyết nhiều việc. Cuối cùng, khi sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, em nấn ná bên ly cà phê thứ hai, còn anh chị Karl dắt díu bọn trẻ lên thùng xe ngựa kéo. Nếu chữ viết trong thư không đạt tiêu chuẩn của cô Simpson, chắc có lẽ bởi tay em đang run lên vì phấn khích.

Giây lát sau, tay ấy đã run lên vì lạnh. Dù ngồi nép vào nhau trong thùng xe, chăn len ấm kéo đến tận cằm, chúng em vẫn lạnh cóng, có khi còn lạnh hơn cả khi vào trong xưởng nước đá Logan’s.

Kìa, mọi người đang gọi. Em sẽ viết tiếp cho anh sau… khi nào đến nhà mới! Hi vọng anh không chán đọc thư em, vì em không bao giờ chán viết thư cho anh.

Sáng ra, ai nấy đều hối hả rửa mặt, thay quần áo và dùng điểm tâm. Cuối cùng, hàng hóa, trẻ con và mèo đều được đưa hết lên thùng xe. Phải nói rằng, tôi rất biết ơn anh chị láng giềng cho đi nhờ xe về trang trại cậu Chester. Tuy nhiên, “Ngài” Whiskers, chị Perilee, ba em bé, anh Karl, tôi và số thực phẩm dự trữ tôi mua hôm qua được xếp chật cứng trong xe. Khí lạnh nhức nhối trong tiết tháng

Giêng khiến người ta càng thêm khó thở. Chị Perilee, bọn trẻ và tôi vùi mình trong chăn ấm. Đương đầu với “bà chúa tuyết” chỉ có mình anh Karl. Khuôn mặt anh giống chiếc mặt nạ màu đỏ nứt nẻ. Tuy nhiên, anh vẫn vững tay đánh xe ngựa vượt qua miền đất trải dài tít tắp, tịnh không một bóng cây.

Chị Perilee giải thích thói quen hay im lặng của chồng:nh ấy ngại nói tiếng Anh trước mặt người mới gặp. Mỗi khi mắc lỗi, Karl rất bực mình. Chị vẫn thường bảo anh rằng lỗi lớn nhất anh từng mắc phải là lấy chị và gánh luôn phần nuôi con chị.

Chị cười, còn anh lắc đầu. Chị Perilee xoa bụng:

– Nhưng chị có con anh ấy đây rồi. Đến hè cả nhà sẽ đón thành viên mới.

– Mẹ, nhìn kìa!

Chase chỉ bên trái. Con đường đất ngoằn ngoèo chạy xuống một khe đá nông: Xe chúng tôi đang chạy giữa đôi bờ con sông đã khô cạn từ rất lâu. Bờ bên trái, bóng mộtcon sói in trên bầu trời xanh ngắt.

Tôi sợ đến lạc cả giọng:

– Ở đây, bọn sói có hay quấy nhiễu không chị?

Chase bảo:

– Em không sợ sói. Nếu có con nào dám bén mảng, em sẽ bắn ngay.

– Có bao giờ em làm thế chưa? Bắn sói ấy?

Cửa hàng ông Hanson rộng lớn là thế nhưng cũng không bày bán súng. Có thể nhà cậu Chester cũng có một khẩu. Nghĩ thế thôi chứ tôi có biết dùng súng đâu.

Chị Perilee bảo:

– Chúng không làm gì em đâu. Khi đói, như con kia chẳng hạn, sói sẽ kiếm bò hoặc cừu và tha cô nữ sinh Iowa trẻ trung dễ mến.

Chị cười ngặt nghẽo, cù mạnh mạng sườn tôi.

Tôi kéo khăn choàng đội trên đầu sát hơn quanh mặt, như thể mảnh len mỏng ấy sẽ che chở tôi khi gặp sói hoặc mọi hiểm họa khác đang rình rập. Thứ duy nhất lộ ra ngoài là cặp mắt hé mở đang chảy nước vì lạnh. Giờ tôi đã biết cách hít thở qua mảnh khăn len để sưởi ấm luồng khí lạnh buốt trước khi nó kịp đâm thẳng xuống phổi. Hai chân tôi như hai cục đá treo nơi mắt cá. Hai đôi bít tất len lồng vào nhau chẳng thấm tháp gì khi đọ sứcvới thời tiết Montana lạnh giá. Tôi đổi tư thế ngồi trên ghế gỗ cho ấm người, đồng thời tìm góc nhìn phong cảnh bên ngoài rõ hơn cho đôi mắt mở hé giữa khe trống nhỏ xíu tạo bởi mũ len và khăn quàng quấn kín

Biết tả cảnh này như thế nào trong thư gởi Charlie đây? Mãi đến giờ, tôi chưa thấy cái cây nào điểm xuyết cho quang cảnh thêm sinh động. Nói đất đai ở đây bằng phẳng chưa hẳn đúng, dù thoạt nhìn ai cũng sẽ tưởng như vậy. Thực tế, nó giống như tấm chăn đắp trên người khổng lồ hơn (tất nhiên chăn mang màu trắng của lớp tuyết phủ dày, có chỗ lên tới cả mét). Hãy tưởng tượng chăn ấy phủ trên chiếc giường rộng mênh mông. Phía xa có nhiều ụ đất, trông như mấy ngón chân và đầu gối của người khổng lồ nhô lên dưới chăn. Phía này là đầu: một gò đất to, nhô hẳn lên. Khi nhìn kĩ, tôi còn thấy cả những nếp chăn lọm xuống giữa hai cánh tay và hai bên sườn. Tôi sẽ viết cho Charlie thế này: “Còn nhớ bánh sinh nhật em làm tặng anh năm ngoái không? Đất Montana giống thế, nhưng bằng phẳng hơn một chút”. Tôi quay sang nhìn thì thấy chị Perilee đang nhìn tôi chăm chú:

– Ông Chester có cặp mắt nâu giống em. Tóc ông rụng hết cả. Nhưng chắc khi còn trẻ, tóc ông cũng màu hạt dẻ giống em vậy.

Nói đến đây, chị chợt trở nên tư lự.

– Cậu em là người thế nào ạ? Chị bặm môi ra chiều suy nghĩ:

– Trầm lặng. Nhưng khi ông đã nói, ai nấy đều phải lắng nghe. Trời ạ, ông ấy đọc mới khiếp chứ. Cứ như thư viện di động vậy. (Chị cười buồn khi hồi tưởng). Nhưng trông ông cứ buồn bã sao ấy. Chẳng ai biết ông buồn chuyện gì. Nhưng dù ông có cười tươi, cười to đến đâu, người ta vẫn thấy nao lòng.

Tôi cố hình dung người cậu ruột chưa từng biết mặt, có cặp mắt giống tôi nhưng đầu không có tóc:

– Cậu em có một mình thôi sao?Ý em là khi ông mất ấy? Chị Perilee cười dịu dàng:

– Đời nào. Người như ông Chester sao có thể chết trong cô độc. Lúc ấy có chị và anh Karl này. Cả cô Leafie Purvis và Jim Gà Trống nữa. (Chị vỗ nhẹ vào tay tôi). Mà này, ông ấy luôn miệng nhắc em cho đến phút cuối. Biết em đến, chắc linh hồn ông ấy cũng ngậm cười nơi chín suối.

Rất lâu sau đó, chúng tôi im lặng. Lát sau, tôi phá tan bầu không khí lặng lẽ:

– Ước gì em được biết cậu sớm hơn. Chị Perilee khẳng định:

– Nếu thế, chị tin chắc hai cậu cháu hợp nhau

Ý nghĩ ấy an ủi tôi một chút. Ít nhất nó cũng làm tâm hồn tôi dễ chịu hơn.

Nhưng còn cơ thể tôi, muốn dễ chịu chỉ có tách trà nóng. Rời Woft Point, nỗi háo hức được cưỡi xe ngựa mờ dần. Thùng xe bằng gỗ cứng, liên tục xóc nảy lấy sạch chút khiếu hài hước chảy trong huyết quản tôi. Theo cậu Chester, trong dòng máu ấy còn có cả nghị lực của mẹ tôi. Nhưng giờ đây, chưa kịp đến nhà mới, nguồn nghị lực ấy dần đóng thành băng cứng.

Chase reo lên, hồ hởi:

– Trông kìa, nhà chị kìa!

Tôi bàng hoàng. “Nhà” là tên một người rộng lượng đặt cho cái mà tôi đang nhìn thấy. Mấy con gà nhà mợ Ivy còn có nơi ở tốt hơn. Nó lớn hơn cái lán đựng dụng cụ gia dụng của cậu Holt một chút và chắc chắn không được chăm chút gì nhiều. Vài khe hở giữa mấy tấm ván dựng làm vách để lộ giấy tráng nhựa đường đen che tạm, trông chẳng khác nào chỗ răng sâu đen trên hàm răng mọc lộn xộn. Nhà có hai bậc gỗ dẫn lên cánh cửa thô kệch. Một cửa sổ nhỏ, duy nhất, bên trái cửa ra vào trông như con mắt đang đờ đẫn nhìn tôi. Cái nhìn đáp trả của tôi dành cho nó cũng đờ đẫn không kém.

Anh Karlcho xe chạy chậm lại. Chị Perilee nói líu lo:

– Thích nhé, về đến nhà rồi. Cưng này, tụi chị sẽ giúp em mang đồ vào. Nhưng anh chị không ở lại được đâu. Trời sắp tối rồi. Anh chị phải về thôi.

Tôi rền rĩ:

– Nhà em đấy ư?

Cái chòi gỗ vẹo vọ mười hai mét vuông này mà là… “nhà” ư?

Anh Karl mở tung hai cánh cửa, miệng lẩm bẩm:

– Tuyết.

Chị Perilee giậm mạnh chân, giũ tuyết bám trên giầy.

– Thôi rồi. Chẳng ai nhớ bít lỗ khóa cửa gì hết.

Dù trong ánh sáng mờ, tôi vẫn thấy vệt tuyết trắng xóa gió thổi qua lỗ khóa rải dọc nền nhà. Mẹ Thiên nhiên cũng muốn kẻ vạch cấm cho tôi đây mà. Suýt nữa thì tôi nhào vào lòng chị Perilee, khóc thảm thiết cầu xin chị mang tôi thôi

Mattie luồn bàn tay nhỏ xíu vào tay tôi:

– Chị chỉ cần xúc tuyết vào nồi, đun sôi là pha được cà phê. Chị Perilee mỉm cười tự hào:

– Coi con bé giỏi tính chưa kìa.

Tôi cố nuốt nước mắt mặn đắng nơi cuống họng:

– Ừ. May mà em có mang theo chổi.

Chị Perilee vỗ nhẹ cánh tay tôi:

– Có tinh thần chuẩn bị đấy. Chị biết em không thích nơi này lắm. Lán trại dựng tạm ấy mà. Nhưng khi khấm khá hơn, em sẽ xây được nhà theo ý mình.

Tôi định hỏi chị Perilee rằng, gia đình chị có ở chòi như thế này không nhưng sợ thất lễ nên thôi. Tôi ấp úng:

– Thế chị… đã xây nhà chưa?

Chị bật cười:

– Cưng à, anh chị là dân kì cựu mà. Giờ chị đã có nơi ở chắc chắn và ấm cúng rồi. Nhưng lúc mới đến, ai cũng bắt đầu thế này. Có khi còn tệ hơn.

Chị chuyển bé Fern sang sườn bên kia:

– Người quen chị dựng nhà vách cỏ, tức họ nén cỏ thành gạch rồi dùng gạch ấy xây nhà. Nhà cỏ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Nhưng bọ rệp thì nhiều vô kể! Lại bụi nữa. Chỗ nào cũng thấy bụi. (Vừa nói chị vừa rút khăn tay lau mũi lò thò của bé Fern). Nói thật với em chứ nhà này còn hơn chán vạn nhà cỏ.

Chase bước vội qua cửa, cơn gió lạnh bám gót chân em vào nhà:

– Chị này, em xách nước về cho chị đây. Để tối nay chị rửa mặt và dùng tạm.

Cậu đặt ngay xô nước lên bếp. Lòng tốt của một cậu bé tám tuổi khiến tôi phải kinh ngạc:

– Sao em phải mất công vậy, chị cảm ơn em.

Chase chỉ tay ra sân:

– Giếng nhà chị ngay ngoài kia. Sáng mai chắc chị phải lấy thêm nước

Anh Karl mang thùng hàng cuối cùng của tôi vào:

– Hết rồi.

– Vâng. (Chị Perilee quay sang tôi). Thôi anh chị về nhé.

Từ trong chiếc lồng chật chội, “Ngài” Whiskers cất tiếng phàn nàn. Ngay cả “Ngài” ấy cũng không hài lòng khi thấy nơi ăn chốn ở mới của chúng tôi.

Chị Perilee khuyên:

– Nếu là chị, chị sẽ nhốt mèo trong nhà vài ngày.

– Không đâu, con mèo này khỏe lắm. Nó chịu lạnh giỏi mà.

– Ý chị không phải vậy. Là bọn chuột kìa. Tôi rùng mình:

– Nhà có chuột hả chị?

– Chẳng ai bảo ông Chester là người gọn gàng đâu em ạ. Với lại, lâu nay không có ai ở đây. Với lại…

Tôi giơ một bàn tay lên:

– Thôi đừng “Với lại” nữa!

Chị Perilee cười ré:

– Đáo để vừa chứ!

Chị đưa tôi cây đèn cùng hộp nhỏ đựng sách. Anh Karl chuyền tay chị một đĩa gói khăn kín và một cái bánh ngọt. Chị bảo:

– Nhóm lửa đi em. Hâm nóng bánh này mà ăn tối.

– Thôi, anh chị giúp em nhiều lắm rồi.

Nghe tôi phản đối, chị Perilee đưa tay bưng tai lại. Tôi với gói cà phê nguyên hạt xuống:

– Ít nhất cũng phải nhận chút lòng thành này của em. Đi mà chị. Không em áy náy lắm.

Chị giơ tay lên trời, chịu thua:

– Chị đã bảo em giống cậu từ vóc dáng đến nết người mà.

Chị lại giang tay ôm lấy tôi. Lần này, tôi không né tránh nữa.

Với tiếng nhạc ngựa leng keng, cả nhà chị đi xa dần. Tôi ngóng theo cho tới khi họ chỉ còn là dấu chấm nhỏ phía chân trời.

– Miao…!

Thấy rõ bước thụt lùi về mặt điều kiện sống, “Ngài” Whiskers kêu than ra chiều tủi thân lắm. Cái chòi (nó đúng là cái chòi không hơn không kém, không thể viện cớ nào mà gán cho nó những cái tên nên thơ như mái ấm, tổ ấm… được) giống cái chuồng ọp ẹp. Nó cho tôi cảm giác ở trong này cũng không khác ở giữa đồng không mông quạnh là mấy. Tuy nhiên, có vẻ những gì thiết yếu đều có đủ: bếp, ấm đun nước, mấy cái nồi, chảo rán, và vài cái kệ gỗ thô ráp, nứt nẻ.

Tôi ngồi bệt xuống nền nhà, cạnh đống hàng ngổn ngang, đầu hình dung cảnh bức thư đầu tôi gửi cậu Holt về đến nơi. Thể nào mợ Ivy cũng giật nó trên tay cậu mà rằng: “Biết ngay mà. Cái đất Montana khỉ ho cò gáy ấy có gì hay ho đâu. Giờ con bé còn khổ hơn lũ lợn nhà mình”.

Lúc này, tôi không muốn gì hơn ngoài chuyện ngồi khóc thật lâu cho nhẹ lòng. Nhưng nền nhà không chỉ bẩn mà còn lạnh nữa. Tôi thốt lên:

– Lạy Chúa lòng thành! Con biết làm gì bây giờ?

Ngồi co ro gục trán vào đầu gối, tôi khóc lặng lẽ. Nước mắt lã chã rơi, thấm ướt mảng váy bằng len mặc đi đường. Chợt tôi nghe trong đầu có tiếng thì thầm: “Hattie Inez Brooks, bình tĩnh lại đi. Nhóm lửa trước khi phần còn lại trong đầu ngươi đông thành đá”.

Thông điệp ấy thôi thúc tôi hành động. Tôi phủi váy áo, thắp đèn, bắt tay thiết lập nề nếp cho căn nhà mới. Có chổi thật tiện, nhất là khi tôi cố tình không chịu hiểu những cục nhỏ đen xì vương vãi khắp sàn nhà bụi phủ dày thực ra là cái gì. Nó đang cuộn mình trên bếp, đôi tai thính rung khe khẽ. Đột nhiên, cái tai ngừng rung. Con mèo giương móng vuốt phóng vọt ra. Trước khi chú mèo mướt chạy vào góc lều, vài tiếng kêu chin chit khẽ vẳng tới tai tôi. Lát sau, tôi có thể nghe tiếng mèo nhai xương chuột rau ráu.

Tôi thở dài, long ngóng châm lửa:

– Vậy mày ăn tối no rồi nhé. Giờ đến lượt tao.

Trong chiếc xô tráng men nứt nẻ cạnh lò sưởi còn khá nhiều củi thông dùng nhóm lửa. Tôi chất một nắm cành khô vào bếp. Lửa tí tách cháy gửi mùi nhựa thông thơm nồng vào không trung.

Khi nãy, trên đường đi, chị Perilee có nói ở trại người ta thường lấy phân trâu khô để đun nấu:

– Bọn trâu không còn nhưng ơn trời, chúng có gửi quà ở lại.

Tôi đeo đôi găng tay bảo hộ của mẹ Charlie cho, thò tay vào chiếc xô cũ (lúc trước vốn là thùng đựng mỡ lợn) đựng đầy những tảng màu đen đen. Gạt bỏ thói sĩ diện hão, tôi nhanh tay ném chúng vào bếp. Chỉ loáng cái, căn chòi nhỏ trở nên dễ chịu hẳn. Có thể nói, nếu chịu khó luôn chân luôn tay, tâm hồn tôi cũng bớt tê dại.

Nhớ lời Mattie, tôi xúc lớp trên cùng của đống tuyết theo lỗ khóa bay vào nhà, đổ vào ấm đặt lên bếp, đồng thời đặt đĩa súp chị Perilee cho vào bếp hâm cho nóng. Nhờ mợ Ivy lưỡng lự không chịu thay bếp củi bằng loại bếp khác tiện dụng hơn nên giờ tôi sử dụng bếp củi cực kì thành thạo, ít nhất cũng là để nấu. Nướng bánh nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi chạy quanh tìm được mấy con dao và một cái bàn chất đầy tiểu thuyết rẻ tiền để lẫn với kịch Shakespeare. Cậu Chester và tôi có chung một đặc điểm của dòng họ Wright: thích đọc sách.

Giờ tôi đã phấn chấn hơn. Căn chòi sáng lên nhờ chiếc đèn dầu. Cũng nhờ đó tôi có thể thấy mọi mảnh kệ và bề mặt trống trong lều đều được phủ bằng sách, báo và tạp chí cũ. Cậu Chester không tế nhị (mợ Ivy chắc sẽ rùng mình nếu biết khắp phòng không có mảnh giẻ lau nào) nhưng bù lại, cậu đọc rất nhiều. Dưới đống tạp chí đủ loại gồm Dakota Farmer, Popular Magazine và Saturday Morning Post, tôi thấy chiếc thùng gỗ rỗngcó thể dùng đựng sách.

Sức người kết hợp với một miếng giẻ và chút nước ấm khiến mặt bàn loáng cái đã sạch bóng. Tôi bày đĩa tráng men, nĩa và muỗng bằng thiếc lên bàn rồi quay sang “Ngài” Whiskers.

– Cứ như nhà hàng Vanderbilts ấy!

Sau “món khai vị” thịt chuột, con mèo nằm cuộn tròn sưởi ấm bên bếp. Trong phòng không có ghế nhưngvới tôi, ngồi trên một thùng cũ úp xuống sàn cũng tiện chán. Chắc thuở sinh thời, cậu tôi cũng thích ngồi loại “ghế” này.

Trước khi bữa tối nóng sốt được dọn lên, nhà cậu Chester, giờ là nhà tôi, có thể coi là ấm cúng. Tôi rót cà phê cho mình, pha cho “Ngài” Whiskers chút sữa hộp. Tôi nâng ly:

– Mừng ta về nhà mới. Rồi chị lẩm bẩm:

– Cảm ơn Thượng Đế ban cho con cậu Chester. Mong cậu an nghỉ đời đời trong sự che chở của Người. Cảm ơn Người cho con gặp chị Perilee, ngườicho con bữa tối ngon lành này, đùm bọc con từ khi con gặp chị. Cảm ơn “Ngài” Whiskers đã bắt con chuột khi nãy. Amen!

Khi tôi xúc món hầm, tiếng muỗng va vào lòng đĩa sâu kêu lanh canh. Món ăn mang vị lá xô thơm, cà rốt và vị của niềm hi vọng. Súp trong đĩa đã hết từ lâu mà dư vị của món ăn vẫn còn mãi nơi đầu lưỡi. Tôi bỏ đĩa xuống đất cho mèo liếm sạch. Trong lúc đó, tôi cắt bánh ngọt chị Perilee cho. Ngửi mùi bánh đã thơm ngon, ăn bánh còn ngon hơn. Nhớ lại chuyện bán ở thị trấn, tôi lắc đầu. Sao lắm lúc đầu con người ta đặc thế không biết.

Tiếng thở đều đặn báo “Ngài” Whiskers đã ngủ say. Ngày hôm nay quả thật vất vả. Tôi múc chút nước nóng trong ngăn nước dự trữ phía trên bếp lửa cho vào chậu men lớn, sau đó thả bánh xà phòng vào, lắc một chút cho ra bọt. Tôi nhanh tay rửa vài món bát đĩa vừa dùng, múc nước sạch tráng cho hết xà phòng. Chén đĩa sạch xếp trên tấm khăn vốn là vải cắt từ bao đựng bột mì một lát trong lúc tôi lục túi hành lý tìm khăn khác giống như vậy để lau. Không thể để ai bảo rằng, tôi để bát đĩa khô tự nhiên mà không lau sạch sẽ. Xong xuôi, tôi quay sang dọn giường.

Vì chật chội (tổng diện tích nhàchỉ bằng thềm nhà mợ Ivy), nên giường được dựng lên, treo bằng lò xo sát tường. Tôi hạ giường xuống. Vải trải giường cũ của cậu Chester làm giẻ lau thích hợp hơn. Tôi khẩn trương đưa ngay tấm khăn trải giường mang theo vào sử dụng. Chỉ sau vài phút không chăm chút đến bếp lửa, nhiệt độ trong phòng tụt xuống đáng kể. Tôi bảo “Ngài” Whiskers:

– Hy vọng hai đứa mình không biến thành hai cục nước đá.

Con mèo leo tót lên giường.

Tôi cởi váy áo, vội vã chui vào chiếc váy ngủ bằng lanh, gân cổ hát tướng lên cho đỡ lạnh:

– Đoàn lính Thập tự chinh vững vàng dấn bước, nào hãy xông thẳng ra trận tiền!

Miệng gào ông ổng, chân tôi dậm thình thịch lúc đi tắt đèn trước khi nhảy phóc lên giường. Chỉ mới được vài phút, tôi đã nhào xuống đất, mặc thêm tầng tầng lớp lớp quần áo, đội mũ kín mít và xỏ liền hai đôi tất. Cuối cùng, với “Ngài” Whiskers cuộn tròn dưới chân, tôi cũng đủ ấm để ngủ một giấc.

Khi thức dậy, mắt tôi mờ mịt, bụng đói cồn cào. Và lạnh cóng. Ra khỏi giường, tôi quấn chăn quanh vai:

– Hừ hừ. Mình sẽ đẽo vài cục không khí để dành đến hè pha nước chanh uống.

– Meo!

“Ngài” Whiskers cào chăn thành ổ ngay trên giường.

Tôi thổi chút than hồng còn sót lại trong bếp từ hôm qua:

– Đừng tưởng bở. Tao sẽ gấp chăn, dựng giường để lấy chỗ đi lại đấy.

Tôi nhảy lò cò đến bên cái xô men mẻ, lấy nắm củi ném vào bếp.

– Phải nhét thật nhanh cái gì vào bụng cho ấm mới được.

Tôi chộp lấy ấm đun nước. Đến đấy, tôi mới chợt nhớ: nước ở bên ngoài, mà ngoài trời lạnh vô cùng. Tôi bắt đầu khoác đủ thứ lên người:

Bài học thứ nhất: mỗi tối xách sẵn một xô nước vào nhà để sáng pha cà phê. “Ngài” Whiskers gừ gừ đồng tình.

Bất cứ chàng cao bồi nào đi ngang qua đúng lúc tôi bước ra cửa cũng sẽ hoảng tới độ té lộn nhào từ mình ngựa xuống đất. Vì khoác mọi món trang phục tìm được trong nhà nên tôi giống con búp bê rách bươm của Mattie đang lảo đảo xuống bậc thềm, đến bên giếng ở cuối mảnh sân phủ đầy tuyết trắng.

Mũi tôi ngứa ran khi hít thở bầu không khí lạnh như băng khối. Nước mắt chảy giàn dụi nên tôi chỉ lờ mờ thấy cần bơm nước. Để giữ ấm, tôi nhảy lò cò, đổi chân liên tục. Trời lạnh buốt làm đầu óc tôi tê dại, không còn minh mẫn nữa. Trò nhảy lò cò nhắc tôi nhớ một việc “không làm không được”.

Tối qua, trước khi đi ngủ, tôi đã chạy ra nhà vệ sinh. Đối với tôi lúc ấy, đường đi sao quá xa. Nhưng bây giờ, nó còn xa hơn, lạnh hơn nữa. Hệ thống thoát nước và vệ sinh trong nhà quá tiện lợi của cậu Holt và mợ Ivy đã làm hư tôi. Bây giờ, ở Montana, tôi phải làm quen với điều kiện sống tồi tệ hơn thế. Tôi vội vàng làm cho xong “phận sự”, tháo bao tay hở ngón, vớ mảnh báo từ cuốn Monkey Ward lau khô rồi cố kéo váy áo lên thật nhanh nhằm tránh khí trời mùa đông lạnh buốt.

Trong “chuyện”, tôi hối hả trở ra giếng và bắt đầu bơm nước. Kiểu lấy nước bằng tay bơm tiêu tốn của tôi khá nhiều sức lực (vậy mà hai cánh tay nhỏ xíu của cậu bé tám tuổi như Chase làm được mới hay), nhưng chẳng mấy chốc tôi đã có một xô nước đầy. Sắp được uống cà phê rồi đây!

Tôi buông cần bơm nước… nhưng không được. Hai bàn tay trần ẩm ướt vì khí trời buổi sáng của tôi đã dính chặt vào thanh kim loại ấy mất rồi.

– Ối!

Càng cố gỡ, tay tôi càng đau rát, nhức nhối. Hơn nữa, nó ngoan cố dính chặt vào cần bơm, không chịu rời. Đến lượt hai bàn chân ngứa ran vì lạnh. Tôi có thể hình dung trong đôi ủng dưới kia, chân dần sưng to, tím ngắt. Răng tôi va vào nhau mạnh đến nỗi từng chiếc như đang lỏng dần, cả hàm sắp rụng đến nơi.

“Mình sẽ là chủ trại đầu tiên trên đời chết do sự xuẩn ngốc tột cùng này”. Đến lúc trong đầu hiện lên cảnh mùa xuân tới, nắm xương tàn của tôi phơi trước mặt mọi người qua lại, tôi lao vào hàng động. Nổi xung, tôi lôi kéo, vặn vẹo mạnh hơn lúc trước.

Một giọng trẻ con lanh lảnh vang lên:

– Chị Hattie. Chị làm gì thế?

Chase cưỡi ngựa phóng tới. Cưỡi một con trong đàn ngựa kéo xe của anh Karl, Chase dẫn thêm một con ngựa cao lớn và một con bò cái màu nâu đốm trắng.

Nếu không bị dính vào cần bơm nước, chắc tôi đã lao đầu xuống giếng tự tử vì nhục nhã.

– Kìa, Chase! Chị đang bị mắc kẹt em ạ.

Chase xuống ngựa, cột dây cương vào cây cột bên cạnh giếng.

– Vào mùa đông, mẹ em hay treo găng tay cũ cạnh giếng.

– Sáng kiến thật, em nhỉ. Nhưng…

Tôi biết có nói tiếp cũng bằng thừa.

Chase chạy vào nhà, lấy chút nước còn trong bồn chứa trên bếp chầm chậm đổ lên hai bàn tay tôi.

Bất thần gặp nóng, mấy khớp xương và đốt tay tôi đau nhức nhối. Nhưng tay tôi lập tức rời cần bơm nước. Tôi vội vàng kẹp chúng dưới ná

– Ôi! Đau quá!

Một tay xách xô nước đầy, tay kia Chase nắm tay tôi:

– Vào nhà đi chị. Chị phải sưởi ấm ngay.

Lạnh cóng, tôi ngồi như cục thịt vô dụng ngồi phịch xuống chiếc thùng úp ngược, để mặc một cậu bé tám tuổi hối hả chạy quanh chòi lo tìm cách chăm sóc tôi. Chase thêm phân bò vào bếp, đun nước pha cà phê, lấy sữa cho mèo và xách thêm xô nước đổ vào bồn.

Hai tay ôm ly cà phê nóng hổi, tôi hỏi:

– Em ăn sáng chưa?

– Dạ rồi ạ.

– Chị chưa có miếng gì vào bụng. Em ăn thêm với chị nhé.

Không chờ câu trả lời, tôi lấy cuốn sách mỏng mà ông Hanson nhét thêm vào đống hàng tôi mua hôm trước. Cuốn “Những công thức chế biến thích hợp nhất trong thời chiến” do Công ty Bột nở Hoàng Gia phát hành, giới thiệu nhiều cách chế biến giúp tiết kiệm bột mì, trứng… sách rất hữu dụng trong thời chiến. Tôi đong hai cốc bột mì vào tô, thêm bốn muỗng bột nở Hoàng Gia (mợ Ivy chỉ tin dùng loại này) và nửa muỗng canh muối.

– Em lấy giúp chị hai hộp sữa trên kệ được không?

Chase lấy sữa cho tôi rót từ từ vào hỗn hợp bột, đúng như công thức hướng dẫn.

Tôi liếm ngón tay rồi chạm vào chảo rán có chút mỡ đang làm nóng trên bếp. “Xèo!”.

– Nghe có vẻ được rồi đấy.

Tôi nhét vội mấy đầu ngón tay ran rát vào miệng. Tôi chỉ biết làm mỗi món: Bánh bột rán. Giây lát sau, trong mỗi đĩa trước mặt chị em đã có một chồng bánh. Chase và tôi ăn ngon lành.

Toàn thân ấm sực, bụng no nê, tôi nhún nhường hỏi:

– Hóa ra mẹ em có treo một đôi găng bên giếng. Trước khi dại dột thêm lần nữa, còn điều gì chị nên biết chăng?

Không hiểu sao khi nói với Chase như vậy, tôi vẫn thấy thoải mái, không ngượng ngập bẽ bàng vì thất bại. Tôi cầu trời cậu đừng kể cho anh Karl và chị Perilee nghe của họ đần độn đến mức nào.

Chase thích thú vì tự nhiên được làm thầy nên giảng cả tiếng đồng hồ chỉ cho tôi nhiều mẹo nhỏ hữu ích trong cuộc sống trang trại. Sau khi kiểm tra thùng đựng củi nhóm lửa trong bếp, cậu bảo:

– Chị nhớ tiết kiệm củi thông nhé. Thứ ấy khó kiếm lắm.

Sau bài giảng về việc nhà cửa, củi đóm, Chase dẫn tôi ra nhà kho và chỉ tôi cách vỗ về Violet và Plug.

– Chị có biết vắt sữa bò không?

– Việc ấy chị làm được.

Tôi từng ở nhờ một người họ hàng có trại nuôi bò sữa. Chase vỗ vào sườn con bò cái:

– Con Violet này khó chiều lắm. Chị coi chừng đuôi nó nhé.

– Nhớ rồi.

– Ông Chester cho nhà em con bê, con của Violet. Em gọi nó là Fawn vì lúc ấy trông nó giống con hươu nhỏ có lần em thấy trên đường đi Glendive.

– Tên hay đấy.

Tôi vỗ nhẹ Violet, nhưng tai vẫn nghe chăm chú, không bỏ sót lời nào. Chase nói vài lời về Plug:

– Con ngựa già này ngoan, biết tự kiếm ăn. Nhưng thôi, em phải về đây. Nếu không, mẹ em mắng chết.

Tôi cùng cậu ra sân, nơi có buộc ngựa khi nãy.

– Chị biết cảm ơn em thế nào đây?

Thấy Chase và gia đình luôn sẵn lòng giúp đỡ, tôi xúc động tận đáy lòng. Chase giơ chân lên:

– Chỉ cần đẩy em lên ngựa là được.

Tôi lồng hai bàn tay vào nhau để Chase dẫm lên trước khi nhún người leo lên ngựa.

– Cho chị gửi lời hỏi thăm mẹ em nhé.

Chase bắt con ngựa quay đầu:

– Vâng. Cảm ơn chị cho em ăn sáng

Nói xong, chàng hiệp sĩ tám tuổi của tôi cưỡi ngựa đi xa dần.

Tôi vào ngay trong nhà, lục lọi đồ đạc tìm cho kì được đôi găng tay cũ đem treo ngoài giếng. Tối ấy, buổi cầu kinh của tôi đầy ắp lòng biết ơn:

– Cảm ơn Người đã khiến Chase và chị Perilee chỉ bảo con tận tình. Nhưng con rất biết ơn nếu Người đừng bắt con phải quá nhọc nhằn mới tiến bộ như sáng nay. Amen!

“Ngài” Whiskers cũng “amen” bằng ngôn ngữ riêng của nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.