Người truyền ký ức

Chương 01



1

Tháng Mười hai đang tới gần, và Jonas bắt đầu thấy kinh hãi. Không phải. Dùng từ sai rồi, Jonas nghĩ. Kinh hãi là cảm giác nôn nao khó chịu như thể có điều cực kỳ đáng sợ sắp xảy đến. Kinh hãi là điều cậu cảm thấy cách đây một năm, khi một chiếc máy bay không xác định hai lần bay ngang qua cộng đồng. Cả hai lần cậu đều được tận mắt chứng kiến. Cậu nheo mắt nhìn lên trời và thấy chiếc phản lực bóng loáng đang phóng vụt qua, nhanh đến nỗi nhìn chỉ như một vệt mờ, và một giây sau nghe thấy tiếng huýt chói tai. Rồi cũng cái máy bay ấy, một lúc sau lại lượn lại từ phía đối diện.

Ban đầu cậu chỉ thấy vô cùng khoái chí. Cậu chưa từng được nhìn thấy máy bay gần đến vậy, vì luật cấm các Phi công bay ngang qua cộng đồng. Thỉnh thoảng, khi đồ tiếp tế được máy bay vận tải chuyển đến bãi đỗ bên kia sông, lũ trẻ lại đra bờ sông, trầm trồ theo dõi từ việc dỡ hàng đến cảnh máy bay cất cánh hướng về phía Tây, không bao giờ về phía cộng đồng.

Nhưng chiếc máy bay của một năm về trước thuộc loại khác hẳn. Nó không phải thứ máy bay vận tải lùn bè bè và to bụng, mà là một chiếc phản lực mũi nhọn, một người lái. Khi Jonas lo lắng nhìn quanh, cậu thấy những người khác – cả người lớn và trẻ con – dừng mọi công việc đang làm lại và bối rối chờ một lời giải thích cho sự kiện đáng sợ này.

Tiếp đó toàn bộ cư dân được lệnh đến ngôi nhà gần nhất và ở yên tại đó. NGAY LẬP TỨC, một giọng the thé phát ra từ loa phóng thanh: ĐỂ XE ĐẠP Ở NGUYÊN CHỖ CŨ.

Khi đó, Jonas tức khắc ngoan ngoãn bỏ lại chiếc xe trên con đường phía sau nhà ở của gia đình cậu. Cậu chạy vào trong rồi ở đó một mình. Bố mẹ đều đã đi làm, còn em gái Lily thì đang ở Trung tâm Chăm sóc Trẻ em, nơi cô bé đễn mỗi khi tan học.

Nhìn qua cửa sổ phía mặt tiền, cậu không thấy ai cả: không có các nhóm Nhân viên Vệ sinh, Nhân viên Cảnh quan và Người Giao Thực phẩm tất bật, mà lẽ ra giờ này đang tỏa ra khắp cộng đồng. Cậu chỉ thấy những chiếc xe đạp bị vứt la liệt, có chiếc lộn ngược, bánh xe vẫn còn chầm chậm quay.

Đó chính là khi cậu thấy kinh hãi. Ý thức được rằng cả cộng đồng đều đang phải lặng lẽ chờ đợi, ruột gan cậu càng thêm cồn cào. Cả người cậu run lên.

Nhưng rồi chẳng có chuyện gì cả. Trong vài phút, cái loa lại loẹt xoẹt kêu lên, và giọng nói, giờ đã bình tĩnh và bớt gấp gáp hơn, giải thích rằng một Phi công tập sự đã hiểu sai chỉ thị lái và bay nhầm hướng. Và Phi công đó đã liều lĩnh cố bay về đường cũ trước khi bị phát hiện.

KHỎI NÓI CŨNG BIẾT, ANH TA SẼ BỊ PHÓNG THÍCH, giọng nói vang lên, rồi sau đó tất cả im lặng. Thông điệp cuối cùng này được nói với một giọng châm biếm, như thể Phát thanh viên thấy nó hài hước lắm vậy; và Jonas đã hơi mỉm cười, dù cậu biết lời tuyên bố đó thật tàn nhẫn. Đối với một công dân đang cống hiến thì việc bị phóng thích khỏi cộng đồng là phán quyết cao nhất, một sự trừng phạt khủng khiếp, một tuyên bố thất bại nghiệt ngã.

Kể cả trẻ con cũng sẽ bị mắng nếu chúng sử dụng chữ đó bừa bãi trong khi chơi, để cười nhạo bạn cùng đội khi chúng bắt trượt hay vấp ngã trong lúc chạy. Jonas đã từng một lần như vậy, khi Asher – người bạn tốt nhất của cậu – phạm một sai lầm vụng về dẫn đến trận thua của cả đội. Cậu hét lên: “Đủ lắm rồi, Asher! Cậu bị phóng thích!” Cậu đã bị huấn luyện viên lôi sang một bên mà quở trách, ngắn gọn nhưng rất nặng nề, khiến cậu phải gục đầu hổ thẹn và thấy mình tội lỗi. Sau trận đấu, cậu đã xin lỗi Asher.

Giờ đây, trong lúc đạp xe về nhà trên con đường ven sông, cậu nghĩ đến cảm giác sợ hãi và nhớ lại nỗi kinh hoàng rõ rệt đến quặn cả ruột khi chiếc máy bay vút qua trên bầu trời. Nhưng đó không phải cảm xúc lúc này của cậu, khi tháng Mười hai sắp đến. Cậu đang tìm từ để miêu tả chính xác cảm xúc đó. Jonas rất cẩn trọng trong cách dùng từ. Không giống Asher bạn cậu, cậu ta nói quá nhanh và lộn xộn, từ ngữ và câu cú xáo trộn lung tung làm mọi người không thể hiểu cậu muốn nói gì, và thường khiến mọi người cười lăn lộn.

Jonas khoái chí nhớ lại buổi sáng mà Asher chạy xồng xộc vào lớp, vẫn muộn như mọi khi, và thở hổn hển trong khi mọi người đã ngâm được nửa bài quốc ca buổi sáng. Khi cả lớp kết thúc bài ca yêu nước và trở về chỗ ngồi thì theo quy định, Asher vẫn đứng để thực hiện lời xin lỗi công khai.

“Tôi xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến tập thể học tập của mình,” Asher nói nhanh câu xin lỗi đúng mẫu, vừa nói vừa thở. Thầy và cả lớp kiên nhẫn đợi cậu giải thích. Tất cả học sinh đều nhăn nhở cười vì chúng đã nghe Asher giải thích quá nhiều lần rồi.

“Em rời khỏi nhà đúng giờ nhưng xe đạp qua Trại Ương Trứng cá thì thấy đội ương đang lọc cá hồi. Có lẽ em đã mất trí khi nhìn họ làm việc.”

“Tôi xin lỗi tất cả các bạn,” Asher kết thúc. Cậu phủi phẳng chiếc áo trùm nhàu nát và ngồi xuống.

“Chúng tôi chấp nhận lời xin lỗi của cậu, Asher ạ,” cả lớp đồng thanh đáp lại bằng câu trả lời đúng mẫu. Nhiều học sinh còn mím môi cố nín cười.

“Tôi chấp nhận lời xin lỗi của em, Asher,” Thầy dạy nói và mỉm cười. “Và cảm ơn em, vì một lần nữa em đã tạo cơ hội cho một bài giảng về ngôn ngữ. ‘Mất trí’ là một tính từ quá mạnh để diễn tả việc nhìn cá hồi,” ông quay lại và viết lên tấm bảng dạy học chữ “mất trí”. Bên cạnh đó ông viết thêm chữ “đãng trí”.

Jonas, giờ đã về gần đến nhà, mỉm cười khi nhớ lại chuyện vừa rồi. Cậu vẫn đang suy nghĩ khi đẩy chiếc xe đạp vào chỗ đỗ xe hẹp bên cạnh cửa, và nhận ra rằng kinh hãi không phải là từ diễn tả cảm xúc của cậu, khi mà giờ đây tháng Mười hai đã đến rất gần. Một tính từ quá mạnh.

Cậu đã đợi tháng Mười hai đặc biệt này rất lâu rồi. Bây giờ nó đã tới ngay trước mắt, và không phải cậu kinh hãi, mà là… háo hức, cậu quyết định chọn từ này. Cậu háo hức chờ nó đến. Và cậu rất hưng phấn, hẳn rồi. Tất cả đám Mười một đều hưng phấn vì sự kiện sắp tới.

Nhưng cậu vẫn bất chợt rùng mình vì căng thẳng khi nghĩ về nó, về những gì có thể xảy ra.

E sợ, cậu quyết định. Đó là cảm xúc của mình.

“Tối nay ai muốn là người đầu tiên nói về cảm xúc đây?” Bố của Jonas hỏi khi bữa tối kết thúc.

Đó là một trong các nghi thức, buổi trình bày cảm xúc vào mỗi tối. Đôi khi Jonas và em gái Lily tranh nhau xem ai được nói trước. Bố mẹ chúng đương nhiên cũng tham gia vào nghi thức; mỗi tối họ cũng đều nói về cảm xúc của mình. Nhưng giống như mọi phụ huynh – mọi người lớn – họ không tranh cãi hay vòi vĩnh nhau để giành lượt.

Tối nay Jonas không làm thế. Cảm xúc của cậu lúc này quá phức tạp. Cậu cũng muốn chia sẻ với mọi người, nhưng không hề hào hứng bắt đầu quá trình sàng lọc tâm trạng phức tạp của bản thân, dù cậu biết bố mẹ có thể giúp cậu.

“Em nói trước đi, Lily,” cậu nói khi thấy cô em gái nhỏ hơn cậu rất nhiều – mới chỉ là đứa Bảy cứ nhấp nhổm không yên trên ghế.

“Chiều nay con rất tức giận,” Lily thông báo. “Nhóm Chăm sóc Trẻ em của con đang ở sân chơi thì một nhóm Bảy đến làm khách, và họ chả thèm tuân thủ luật lệ tí nào. Trong đó có một cậu nam, con không biết tên, cứ đi thẳng lên đầu hàng lấy ván trượt, trong khi tất cả những người khác còn đang xếp hàng. Con rất tức giận với cậu ta. Con đã nắm tay thành quả đấm, như thế này này,” cô bé giơ bàn tay nắm chặt lên còn cả nhà thì phá lên cười vì điệu bộ thách thức của em.

“Theo con tại sao những bạn khác đó không tuân theo luật?” Mẹ hỏi.

Lily suy nghĩ, rồi cô bé lắc đầu. “Con không biết. Họ xử sự cứ như… như…”

“Động vật à?” Jonas gợi ý rồi phá lên cười.

“Đúng rồi đó,” Lily nói, cô bé cũng cười to. “Giống như động vật,” cả hai đứa đều không biết chính xác từ đó nghĩa là gì, nhưng nó thường được dùng để tả một người thiếu giáo dục hoặc vụng về, một kẻ không hòa nhập được.

“Đoàn khách đó từ đâu tới vậy?” Bố hỏi.

Lily cau mày, cố gắng nhớ lại. “Nhóm trưởng có nói khi chào mừng họ tới, nhưng con chẳng nhớ nữa. Có lẽ lúc đó con không để ý. Họ từ cộng đồng khác đến. Họ đã phải đi từ sáng sớm, và ăn bữa trưa trên xe buýt.”

Mẹ gật đầu và nói: “Con có nghĩ là có thể luật bên họ khác không? Vậy nên chỉ đơn giản là họ không biết luật ở sân chơi của bọn con?”

Lily nhún vai rồi gật đầu. “Có lẽ vậy.”

“Em cũng đã từng đến cộng đồng khác rồi phải không?” Jonas hỏi. “Nhóm của anh hay đi như thế lắm.”

Lily lại gật đầu. “Hồi còn là Sáu, bọn em đã đến tham gia cả một ngày học với một nhóm Sáu ở cộng đồng khác.”

“Lúc đó em thấy thế nào

Lily nhăn mặt. “Em thấy lạ lắm. Vì cách dạy của họ không giống bọn em. Bọn họ được học những điều nhóm em chưa bao giờ được học, làm bọn em thấy mình như đồ ngốc vậy.”

Bố lắng nghe với vẻ quan tâm. “Bố đang nghĩ, Lily ạ,” ông nói, “về cậu bé không tuân theo luật ngày hôm nay. Con có nghĩ, biết đâu cậu ta cũng thấy lạ lẫm và ngốc nghếch khi ở một nơi mới mà cậu ta không hề biết luật không?”

Lily ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi cuối cùng cô bé cũng đồng ý.

“Anh thấy khá thông cảm với cậu bé đó,” Jonas nói, “dù anh cũng chả biết cậu ta là ai. Anh thấy thông cảm với bất cứ ai phải ở một nơi khiến họ cảm thấy lạ lẫm và ngốc nghếch.”

“Giờ con thấy thế nào rồi, Lily?” Bố hỏi. “Còn tức không?”

“Con nghĩ là không,” Lily quyết định. “Con nghĩ con cũng thấy thông cảm với cậu ấy. Con rất tiếc vì đã giơ nắm đấm.” Cô bé nhe răng cười.

Jonas cười đáp lại em gái. Cảm xúc của Lily luôn thẳng thắn, khá đơn giản và thường dễ giải quyết. Cậu nghĩ hồi còn là Bảy chắc mình cũng vậy. Cậu lắng nghe một cách lễ phép, dù không thật chú tâm lắm, trong khi đến lượt Bố mô tả cảm giác lo lắng ngày hôm đó khi đi làm: ông lo lắng vì một trong những bé mới không được khỏe. Bố của Jonas là một Người Nuôi trẻ. Ông và những Người Nuôi trẻ khác chịu trách nhiệm về những nhu cầu thể chất và tình cảm của mọi bé mới khi chúng mới chào đời. Jonas biết đó là một công việc rất quan trọng, nhưng cậu không thấy hứng thú với nó lắm.

“Nam hay nữ vậy bố?” Lily hỏi.

“Một bé nam,” Bố trả lời. “Đó là một chú nhóc rất xinh xắn và đáng yêu. Nhưng nó không lớn nhanh như những đứa trẻ khác, và cũng không ngủ yên ổn nữa. Bố đã chuyển nó vào khu chăm sóc đặc biệt để bồi dưỡng thêm, nhưng hội đồng đã bắt đầu bàn chuyện phóng thích nó.”

“Ôi, không,” Mẹ khẽ thốt lên đầy thương cảm. “Em hiểu điều đó khiên anh buồn đến mức nào.”

Cả Jonas và Lily cũng đều gật đầu thương cảm. Bé mới bị phóng thích luôn là một chuyện buồn, vì chúng vẫn chưa có cơ hội được hưởng cuộc sống giữa cộng đồng. Mà chúng không phạm phải lỗi lần nào cả.

Chỉ có hai trường hợp phóng thích không phải để trừng phạt. Phóng thích người cao tuổi, đó là dịp để ca ngợi một cuộc sống đã trôi qua tươi đẹp và đầy đủ; và phóng thích một bé mới, một chuyện luôn gây ra cảm giác “lẽ ra ta có thể…” Chuyện đó đặc biệt đau lòng với những Người Nuôi trẻ, như Bố, bởi họ cảm thấy như mình đã t chuyện đó rất hiếm khi xảy ra.

“Chà,” Bố lên tiếng, “bố sẽ vẫn cố gắng. Bố sẽ thử xin hội đồng cho phép đưa nó về đây vào ban đêm, nếu mọi người không phản đối. Mọi người biết đám Người Nuôi trẻ ca đêm thế nào rồi đấy. Bố nghĩ đứa bé đó cần nhiều hơn.”

“Dĩ nhiên rồi,” Mẹ hưởng ứng, còn Jonas và Lily thì gật đầu. Họ đã từng nghe Bố phàn nàn về những người làm ca đêm. Công việc ban đêm thuộc đẳng cấp thấp hơn, được giao cho những người không đủ hứng thú, kỹ năng hay am hiểu để làm những công việc thiết yếu hơn vào ban ngày. Hầu hết nhóm ca đêm thậm chí còn không được phân bạn đời cho, vì, bởi một lý do nào đó, họ thiếu khả năng cốt yếu là hòa nhập với những người khác, điều cần thiết để tạo nên một gia đình.

“Biết đâu chúng ta có thể nuôi nhóc ấy luôn,” Lily duyên dáng gợi ý, cố làm ra vẻ ngây thơ. Cái vẻ mặt đó là giả, Jonas biết thế; mọi người đều biết.

“Lily,” Mẹ cười và nhắc nhở cô bé, “con biết luật rồi đấy.”

Mỗi tổ gia đình hai con – một nam, một nữ – điều đó được luật ghi rất rõ.

“Chà,” Lily cười khúc khích, “con đã nghĩ chỉ lần này thì chắc không sao.”

Tiếp theo là Mẹ, người giữ một vị trí cao cấp trong Sở Công lý, nói về cảm xúc của mình. Hôm nay một kẻ tái phạm bị đưa đến trước mặt bà, một người đã từng phá luật. Một người mà bà hy vọng rằng đã từng bị trừng trị thỏa đáng và công bằng, một người đã được trả lại vị trí của mình: công việc, nhà cửa, tổ gia đình. Thấy hắn bị đưa đến đây lần thứ hai làm bà tràn ngập cảm giác buồn bực và tức giận. Và bà còn thấy có lỗi vì đã không thể thay đổi được cuộc đời hắn.

“Mẹ cũng thấy sợ cho hắn nữa,” bà thú thật. “Mọi người biết là sẽ không có lần thứ ba. Luật nói rằng nếu vi phạm ba lần sẽ bị phóng thích.” Jonas rùng mình. Cậu biết chuyện đó đã từng xảy ra. Thậm chí một bạn trong nhóm Mười một của cậu có bố bị phóng thích nhiều năm trước. Không ai dám chắc đến điều đó, sự nhục nhã thật khôn tả. Thật khó có thể tưởng tượng được.

Lily đứng dậy và đi về phía Mẹ. Cô bé vuốt ve cánh tay Mẹ.

Từ chỗ ngồi của mình, Bố vươn ra và nắm lấy bàn tay Mẹ. Jonas cầm lấy tay kia.

Từng người một an ủi bà, và chẳng mấy chốc bà đã mỉm cười, cảm ơn họ và thì thầm rằng bà thấy nhẹ nhõm đi nhiều.

Nghi lễ vẫn tiếp tục. “Jonas?” Bố hỏi. “Con là người cuối cùng tối nay đấy.”

Jonas thở dài. Tối nay cậu gần như muốn giữ kín cảm xúc của mình. Nhưng hẳn nhiên điều đó là phạm luật.

“Con thấy e sợ,” cậu thú nhận, mừng rằng cuối cùng cũng chọn được từ miêu tả chính xác cảm xúc của mình.

“Sao vậy, con trai?” Bố tỏ ra rất lo lắng.

“Con biết, thực ra chẳng có gì phải lo cả,” Jonas giải thích, “và rằng mọi người lớn đều đã trải qua điều này. Con biết cả bố và mẹ cũng vậy. Nhưng con vẫn e sợ buổi Lễ, vì tháng Mười hai sắp đến rồi.”

Lily ngước nhìn, đôi mắt mở to. “Lễ Mười hai” cô bé thì thầm bằng một giọng ngưỡng mộ. Cả đến những đứa bé nhất – ở tuổi Lily hay nhỏ hơn – đều biết rằng điều đó sẽ đến với từng đứa.

“Rất vui vì con đã chia sẻ cảm xúc với mọi người,” Bố nói.

“Lily,” Mẹ ra hiệu cho cô con gái nhỏ, “con mặc đồ ngủ rồi lên giường đi. Bố mẹ sẽ ở đây nói chuyện với anh Jonas một lúc.”

Lily thở dài, nhưng vẫn ngoan ngoãn tụt xuống khỏi ghế. “Nói chuyện riêng ạ?” Cô bé hỏi.

Mẹ gật đầu. “Ừ,” bà trả lời, “bố mẹ sẽ nói chuyện riêng với anh con.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.