Gió Lẻ Và 9 Câu Chuyện Khác
Núi lở
Lúc đó, chúng tôi đang hoàn tất học kỳ thứ hai, trong một cơn say, giữa đêm mưa dài, Vĩnh rủ tôi làm phim tốt nghiệp. Một bộ phim buồn khủng khiếp, Vĩnh nói, chắc chắn ông sẽ được vinh danh. Tôi đắp chiếc áo lên thân mình còm cõi của cậu ta, trả lời cho qua chuyện, ừ, thì làm. Vĩnh lại nói, tôi có sẵn ý tưởng rồi, ông muốn nghe không?
Dĩ nhiên là tôi không muốn nghe, tôi cũng say, và buồn ngủ. Ngoài trời, mưa như giũ, như trút, như đổ. Tôi không muốn nghe, vì những ý tưởng mang thương hiệu “Vĩnh” hoặc điên rồ hoặc mờ nhạt, vật vờ như chính cách sống của cậu ta. Nhưng tôi không muốn làm phật lòng một người say, tôi bảo, thì ông nói nghe thử với niềm hy vọng cháy bỏng là chỉ vài ba câu, Vĩnh sẽ ngủ ngoẻo đầu.
Đó là bộ phim về núi lở, Vĩnh hơi bực khi thấy tôi trốn vào mền, cậu ta giật mặt tôi ra. Ông hình dung đi, đừng nhìn mấy mụt ruồi đang cà nhót trên bản mặt tôi, chỉ nghĩ về ngọn núi. Một ngọn núi già nua, cũ kỹ, đá vôi lở từng mảng mỗi khi đến mùa mưa lũ, để lại những vách núi trắng như xương. Tôi đã chọn cho nó một cái tên, có thể là Ba Bảy Hai Mươi Mốt. Không thể gọi bằng cái tên dân gian đơn giản nào khác, ông phải biết, nếu cái tên ấy trùng với tên một ngọn núi thật ngoài đời, nhiều khả năng chúng ta sẽ bị kiện, ai đó sẽ làm một cái đơn dài nhằng, nhưng nội dung tóm lại như vầy, “Ba đời nhà tui sống kề bên núi. Làm gì có chuyện chỉ sau một buổi chiều mà núi lở đến cụt ngọn”.
Tôi cười, ngáp một cách khoa trương, đúng, làm gì có chuyện núi lở đến cụt ngọn. Vĩnh hằn học, ông học đạo diễn mà trí tưởng tượng dỡ òm. Câu chuyện của bộ phim chúng ta phải có núi và núi phải lở.
Tôi lại ngáp bời bời, cảm giác thèm ngủ trào lên, ứa nước mắt.
Có ngôi nhà trên đỉnh núi, giọng Vĩnh trở nên dè dặt, có lẽ cậu ta đang vẽ ngôi nhà trong trí tưởng của mình. Bỗng Vĩnh đổi giọng, cuồng nhiệt, da diết, như thể cậu ta đang đứng trước nó, và thấy vài cây bằng lăng che rợp khoảng sân. Trời ơi, màu bông bằng lăng tím, ông không tưởng tượng được đâu, nhuộm cả trời chiều. Trên sân, có vài chiếc bàn nước cho khách chơi núi vảng lai. Con nhồng nhảy lửng tửng trong lồng, kêu chói lói, “Má ơi, Ba vô! Má ơi, Ba vô!”.
Đó là một buổi chiều nhiều mây đen, nắng len lỏi rọi từng chùm trên những bụi cây dại. Mọi thứ được nguỵ tạo bằng cái vẻ ngoài yên ả. Thấp thoáng cạnh những triền đá dựng đứng bên con đường mòn, có thằng bé đang bắt cào cào. Đó là vai chính của chúng ta. Nó có thể lên chín, mười, có thể ít tuổi hơn nữa. Quãng tuổi đó, có quá nhiều điều nó chưa hiểu nên sẽ đau lâu, nhớ lâu những biến cố của cuộc đời. Ông không phải tốn công tìm diễn viên đâu xa, đi bất cứ miền quê nào, ông sẽ thấy tụi nó chạy đầy đường, những đứa nhỏ với làn da đen nhẻm, lem luốc nhưng đôi mắt rất sạch, sáng, to tròn. Mắt nhìn vũng nước đục, nước sẽ trong, nhìn vào đêm đen, đêm sẽ sáng. Đôi mắt rất hay nói. Nó ngước lên trời, nơi những đám mây bắt đầu sà xuống, bịu xịu như một cô gái sắp khóc, ánh mắt nói rằng thằng bé rất bồn chồn.
Nhiều hình ảnh chậm rãi đọng lại trong khoảnh khắc trước mưa. Một con gà trống tuyệt vọng tìm mồi trên sân, mỏ nó dội vào đá, nghe tê rần. Con chó nằm gần đó, sủa những tiếng rời. Thằng bé hơi ngẩn ra một chút, nó thông hiểu tiếng nói của loài vật – bạn bè nó, nên ngờ ngợ chuyện gì đó khủng khiếp lắm, con nhồng mới nhảy nhót hoang mang, dã dượi trong lồng.
Chiều ấy gió rất nhiều. Xin lỗi, tôi hơi dài dòng, nhưng vì tôi thuộc lòng như cháo những tình tiết, những hình ảnh, nếu kể, tôi phải kể có đầu đuôi. Ông không biết đâu, đêm nào tôi cũng thấy nó. Những nhánh bằng lăng bị quăng quật làm bông bằng lăng bay tả tơi. Tôi biết ông đang cười trong bụng, nghĩ tại sao tôi không viết văn. Nhưng con chữ nào có thể chuyển tải nổi cái cảnh hoa rơi bời bời như những cơn gió tím? Chỗ dây phơi bên hông nhà, mẹ thằng bé cũng bị mớ drap trải giường quất vào mặt, phủ cả người. Mẹ nó có đôi mày được tỉa kỹ cong cong ngót màng tang, các mí mắt được viền xanh, đậm. Chúng làm cho ánh mắt chị ta không bao giờ dịu lại. Mẹ nó kêu:
– Đẹt, không lo dọn bàn vô, chút nữa mưa ướt hết, bị đòn mười cây nghen. Ăn thì châu đầu lại ăn, tới chừng làm chỉ có con này.
Ngay lúc đó, ba thằng bé xuất hiện trong khung hình với mớ củi khô trong tay. Người anh ta cụt ngẳn, túc tắc chạy đi chạy lại. Vài đôi người đã rời khỏi những căn buồng trọ, lúi húi dúi mấy tờ giấy bạc vào tay cha thằng bé, anh ta cũng gấp rãi nhét vào túi mình. Mọi động tác của chủ và khách đều diễn ra trong thứ âm thanh câm lặng, như đã thường lặp đi lặp lại. Chỉ lúc tiễn khách ra tận đầu con đường xuống núi, cha thằng bé mới mở miệng càu nhàu, “ông cố nội trời này mưa hoài, không cho người ta làm ăn gì hết”.
Tôi nhoài người ngồi dậy, tôi tưởng Vĩnh đang cầm tập kịch bản trong tay, và đọc trong cái ánh sáng đỏ lòm của bóng đèn hột vịt. Nhưng Vĩnh vẫn nằm co, tay dường như đang kẹp giữa hai đùi, mắt mắt mắt mở. Vĩnh bỗng ngập ngừng, hay là ngủ đi, ông. Mai ông còn tới lớp. Tôi cười, không, để tôi coi tới sáng mai thì núi của ông đã kịp lở chưa? Tôi thấy mình ráo hoảnh, không hẳn do câu chuyện có vẻ hoang đường về ngọn núi xa xăm nào đó, mà vì Vĩnh mà tôi từng sống chung căn nhà trọ không phải Vĩnh của đêm nay.
Nghe nói tay Đảng đang nuôi mấy con chuột để làm phim tốt nghiệp, Vĩnh cười khào. Chúng ta chỉ cần ngồi trong ngôi nhà trên núi ấy chờ đợi một cơn mưa lớn như bữa nay, như trút, như giũ, sầm sập như vầy. Và thằng bé của chúng ta bị cơn mưa rượt chạy vào nhà, như thể, không có cơn mưa đó, thằng bé sẽ mãi tha thẩn ngoài sân. Máy quay của chúng ta hướng theo ánh nhìn hơi tối của thằng bé sẽ thấy dãy hành lang dài chạy dọc theo những cái buồng rất chật và tối dành cho khách. Hầu hết họ đã chạy trốn khỏi cơn mưa để lại những cánh cửa mở toang với chăn chiếu nhàu nhò. Chỉ còn căn buồng khép chặt, ngang qua đó, theo thói quen, thằng bé bịt tai lại, mặc dầu mưa đang rền rĩ trên mái nhà, hành động ấy là không cần thiết. Đôi mắt thằng bé rất bất an, dường như đây không phải nhà của nó. Nhà của nó là khoảng sân kia, là những con đường đầy hoa cỏ dại kia.
Nên thằng bé lại nôn nả ngó ra ngoài trời, nôn nả nhìn mưa xỉa xói miết trên xác bông bằng lăng, tái nhợt. Dấu mưa xoi chừng như nhói cả đá. Mẹ nó dọn cơm ra, cái cách dọn cơm cũng như mọi ngày, trễ nãi, dằn dỗi, phản kháng trong câm lặng, “tôi mà cũng phải làm những chuyện tủn mủn như vầy đây”. Ba thằng bé không nhìn vào mâm cơm, chỉ ngó vợ, miệng hệch cười, hít hà khen ngon. Một buổi chiều có vẻ bình thường, cơn mưa ấy cũng là một cơn mưa bình thường. Cả chuyện thằng bé định chạy ra sân thì bị kéo lại, từ vạt áo nó một trứng gà lăn long lóc, cái nhìn trừng trừng của mẹ nó dường như đã thường xảy ra, bởi ba người đều giận dữ một cách thản nhiên. Cái ‛dường như’ khá nặng về cảm giác. Vì vậy, nhịp điệu của phim sẽ phải chậm rãi, rất chậm rãi. Lừ đừ. Nhát gừng.
Chỉ thằng bé là lung linh, sống động, cả người nó cứ chực lao đi trong khi bàn tay bé nhỏ vẫn bị vùi trong tay cha nó. Thằng bé nói như van, bên nhà nội chắc ướt lắm, cho con qua nội, đi ba. Bỗng đá dưới chân nó bỗng chao như người say rượu, rùng rùng. Tiếng đá rơi rầm rập.
Mọi người như bơi trong không khí rồi té thụp xuống. Họ chụp vịn bất cứ cái gì gần nhất. Núi lở! Đôi khách xô nhau chạy ra khỏi căn buồng, người phụ nữ chỉ kịp gài hai chiếc nút gá hờ hai vạt áo chênh nhau thấp cao. Núi lở! Mẹ thằng bé nhìn thấy vẻ kinh hoàng của khách, bỗng cười, mắt long lanh, “không sao đâu, núi này lở hoài, mà tụi tui vẫn sống phây phây”.
Nụ cười ấy điếng lại khi đá vẫn gầm. Sự nứt toác ra làm núi đau đớn, giận dữ điên cuồng. Những bộ ngực lúng liếng, bờ môi hoang đàng, nét mày chải chuốt trở nên thừa thãi. Sự hoảng loạn chỉ biết trào ra bằng ánh mắt. Đá vẫn chuyển mình. Một người khách dường như không còn kiềm chế được, lao ra xe, mặc dù hơi mất thăng bằng, cuối cùng ông ta rồ máy chạy tan mất vào trong mưa mù mịt. Người khách nữ dường như sững sờ đến không kịp ới lên, môi dưới của cô bị bấm một dấu răng sâu, vẫn còn sưng, thậm chí không thể mấp máy. Đấy là cuộc chia tay của mọi ngày, người đàn ông một mình chạy xe máy xuống núi, chị ta cũng đi bộ xuống núi một mình, như vô tình. Chỉ khác là bây giờ, đá đang rơi. Mắt thằng bé ứa ra những giọt lo âu. Bàn tay nó bắt đầu chảy ra như nước, không ai hay biết, ba nó vẫn nghĩ đang nắm nó trong tay mình. Bằng cách đó, đêm đêm nó vẫn đi ra khỏi nhà, sang chơi với người ông, mân mê chỗ da mát lạnh nơi cùi chỏ ông cho đến khi ngủ khò. Thằng bé bươn vào mưa, chạy miết về phía triền núi phía Tây, nơi cũng có những cây bằng lăng già đang đảo lắc điên cuồng. Thằng bé gọi, nội ơi, nội ơi nội. Nó thấy ông nội nó đứng trong chái hiên, cây gậy chống vào nền nhà, cả người ông chòng chành, lật bật như con vụ sắp hết trớn quay. Mặt ông tỉnh bơ, thấy thằng bé, ông còn cười. Đoạn này thoại rất gọn, cả hai nhân vật đều hét lên:
– Nội ơi, núi lở rồi.
– Ờ, núi lở rồi, núi cũng giận, chứ sao?
– Chạy đi, nội. Con dẫn nội chạy nghen. Ở đây là chết đó.
– Ờ, chết cũng được, chớ sao?
– Nội chết, con chơi với ai?
Ông già bỗng nghẹn ngào:
– Con chạy trước. Nội khoá cửa rồi qua liền. Nhanh lên, chạy nhanh, con.
Thằng bé lại lắn quắn chạy về, nó liên tục ngoái lại, tiếng chó ăng ẳng ở một hốc nào nói cho nó nghe những dự cảm chia lìa. Nếu tôi viết văn, đoạn này, tôi sẽ để thằng bé nghĩ, “quái lạ, nếu núi lở, nhà nội sập là chắc mẻm, cần khoá cửa để làm gì”. Bỗng Vĩnh ngưng bặt, như đếm từng giọt chờ đợi của tôi, cười lạt lẻo, sao ông không ngáp nữa đi. Tôi không thể nói rằng mình đang sợ, như ai đó mượn miệng Vĩnh để thốt ra lời, cứ như kẻ đó dắt tôi đi, cứ như chúng tôi đứng trước ngọn núi trong buổi chiều tăm tối đó. Người Vĩnh lạnh, nhưng cậu ta không bao giờ chui vào mền, những đêm ẩm ướt như thế này, cậu ta chỉ chịu đắp hờ cái áo gió mua rẻ ở vỉa hè.
Tôi nghĩ bộ phim của chúng ta sẽ bị các nhà phê bình “làm thịt” ngay, ông à, Vĩnh cười khan. Làm gì có trái núi nào lở như dao chém ngọt phứt hết phần ngọn? Làm gì có chuyện một đôi tình nhân mới vừa ôm ấp nhau lại bỏ nhau chạy trối chết? Cả chi tiết chủ ngôi nhà trên núi đó chỉ có mỗi một chiếc xe máy cũng “gài” lộ liễu. Nhưng đời là chúa cắc cớ, câu mâu…
Trong cái chênh chao lìa nhau của đá, cha thằng bé loạng choạng đưa chiếc xe máy ra sân. Mẹ thằng bé làm nhiệm vụ vặn sít tay đứa con trước khi trao lại cho ba nó (mà không hay nó đã không còn ở đó). Chị ta cầm cái túi dồn vào đó tất cả những thứ đồ đạc trong tầm tay, tầm mắt. Cái túi há hốc miệng, như đang ói ra. Thằng bé trở lại khi cha mẹ nó nháo nhác tìm những món đồ mà lúc tỉnh táo họ không bao giờ cần đến. Nó trở lại để hỏi một chuyện:
– Ông nội có đi với nhà mình không?
Mọi âm thanh bỗng lặng phắt, ông học đạo diễn, ông rành thủ pháp này hơn tôi, hãy để những ánh mắt nói với nhau điều lơ láo. Sẽ mất vài giây cho sự lựa chọn. Khách ào chạy ra mưa, níu chặt lấy chiếc xe, chị ta lờ mờ hiểu ra, thêm một người nữa, chị sẽ không có cơ hội chạy trốn. Ngọn núi trùng trình sụt xuống, cha thằng bé xốc nó chạy khỏi căn nhà sắp đổ. Nó giãy ra, gào khóc:
– Ông nội. Còn ông nội nữa. Con muốn ở với ông nội.
Cha nó hơi chùng chân, nhìn về triền núi phía Tây, như ước chừng quãng thời gian, quãng đường đến đó và quay lại. Thằng bé quả quyết nhà ông nội nó vẫn còn đấy, mưa và nước mắt làm tầm nhìn mù mịt, nhưng nó vẫn thấy ông đang vẫy tay. Mẹ nó xấp xãi lại, ngó người khách sắp ngất trong mưa, mẹ nó rít trong kẻ răng, “Ba già rồi. Còn để con nhỏ đó chết ở đây, anh sẽ ngồi tù”.
Cái nhìn lo lắng của người đàn ông chợt tắt. Lúc đá đang tụt xuống từng mảng bạc đầu, con người có quá nhiều chuyện để làm, họ không thể nói, chỉ có hành động và hành động. Chạy trốn và chạy trốn. Họ chất nhau lên chiếc xe, họ điên cuồng chạy trên con đường mòn ngoằn ngoèo đã xuất hiện những vết nứt khá sâu. Mưa bỏng rợp. Thằng bé kêu nội ơi rát họng, cổ nó đau như tươm máu tươi.
Mắt thằng bé bất động, quánh đặc những tuyệt vọng. Nó thấy lại cảnh mình cùng ông nội lơn tơn đi bắt cào cào. Ông già nói gì đó, và thằng bé cười ngắc nga ngắc ngéo. Đá dưới chân họ xốp, mềm như mây. Nó thấy ông nội tay áo xoắn cao, lăng xăng, chỉ trỏ ngôi nhà nhỏ, bắt nó ngồi vào cái ghế tựa, bắt nó chống nạnh trước hàng ba, tay ông già dang ra, như nói căn nhà này ông cất lên là dành riêng cho nó.
Những cảnh thuộc về ký ức của thằng bé được đan xen với cuộc chạy trốn. Nếu không làm vậy, khán giả sẽ tức tối vỗ đùi, “Đang khúc hồi hộp chết mẹ mà nhớ lại hoài vậy trời?”. Chúng ta phải giữ họ ngồi lại, bằng hình ảnh cây cỏ nhoè hai bên đường. Vách núi loang vun vút. Những cành cây gãy rơi sát rạt. Bánh xe nặng nề trườn qua những vết nứt. Cuộc chạy trốn vẫn bời bời trong tiếng rền của núi. Đá đang trượt trên đá, đá vĩnh biệt đá trong thứ âm thanh thống thiết.
Thằng bé càng xa đỉnh núi, ký ức của nó về ông nội càng nhì nhùng, loang lổ như khúc phim trầy xước. Thằng bé thấy ông nội nó sụp lạy trước miếu thờ thần núi trong khi những người thợ ngăn ngôi nhà thành những căn buồng tối. Ông nội đang bắt chuột rộn ràng cả dãy hành lang, làm những tiếng chút chít hổn hển bị đứt khúc. Mắt mẹ thằng bé quắc lên.
Thằng bé thấy mình bị mẹ kéo vào phòng ngủ để ăn… chôm chôm. Bà mẹ tỏ ra hồn nhiên ném vỏ qua cửa sổ chỗ ông già ngồi. Rồi nhận ra sự khiếm nhã của mình, mẹ thằng bé nhoài đầu ra cửa, ngọt ngào, “tụi con mua chôm chôm bằng đồng tiền dơ bẩn, nên không dám mời ba”. Thằng bé thấy ông nó tựa vào gậy bước từng bước liêu xiêu về phía ngôi nhà mới, nơi mặt trời mọc mỗi sớm mai. Ở đó cũng có nhiều bằng lăng, bông cũng tím rối lòng rối dạ. Nó muốn chạy theo nhưng ba nó kéo lại. Anh ta cười hề hề vô nghĩa như bức tượng, mặc người ta muốn xoay thế nào, đắp gò má, nắn cằm thế nào cũng được. Trong ký ức của thằng bé, từ khi xuất hiện những đôi người – họ lên xuống núi bằng những ngã khác nhau, lạnh lẽo ngó nhau nếu bất chợt gặp ở chỗ chợ đông, nhưng lại hớn hở chui vào cùng một căn buồng tối – ông già gần như câm lặng, thằng bé gần như độc thoại, “ba mẹ bắt con ra sân chơi, hễ có người lạ đi đông người, hay mấy chú công an thì phải la lên”, đôi vai ông già rung từng chặp. thằng bé lại nói, “con nghe lời nội bịt lổ tai lại rồi mà cũng nghe người ta la hi hi trong buồng”, đôi vai hóa đá.
Và đôi vai ấy nhoè dần báo hiệu ký ức đã tan. Trên màn ảnh, chiếc xe chở bốn sinh mạng đi vào vùng ánh sáng cách xa chân núi. Họ đâm xe vào bãi cỏ ven đường, họ hướng mặt về núi, sụp xuống. Núi Ba Bảy Hai Mươi Mốt chỉ còn có thể gọi là Hai Bảy Mười Bốn. Thằng bé chôn chân đứng nhìn trái núi trọc lóc, trụi trơ. Không biết nội nó khoá cửa xong chưa.
Sau lưng nó, những người lớn rã rời vì mừng rỡ, kiệt sức, kinh hoàng. Không thấy cái túi xách biết ói đâu, trên tay mẹ thằng bé chỉ có lồng chim, dường như trong tiềm thức, lúc sợ hãi đến đông máu lại, chị ta vẫn còn nhớ con nhồng thật sự có ích, nó từng gào lên “Má ơi ba vô! Má ơi, ba vô!” mỗi khi có biến cố, cho những đôi người kịp rời nhau, đi khỏi nhà trọ bằng lối sau, nơi có con đường mòn khác dẫn xuống núi.
Nhưng con nhồng ấy vĩnh viễn không nói nữa. Hình ảnh con nhồng câm lặng sẽ làm nền cho chữ “HẾT”. Riêng thằng bé không có kết thúc.
Vĩnh bỗng hụt hơi, chúng ta tìm đâu ra những diễn viên lột tả được tâm trạng của kẻ đang rú lên mừng thoát nạn mà đã – chết – rồi, hở ông? Lưng Vĩnh lạnh buốt, dường như cậu ta đang run. Chiếc giường cũ ọp ẹp lên cơn sốt. Tôi cuống cuồng trút tấm mền của mình cho Vĩnh, và trong lúc đắp choàng lên tận cổ cậu ta, tôi đau đớn nhận ra, tấm mền không cần thiết. Trời ơi, tôi cần thứ gì đó để lau nước mắt.
Thằng bé ấy đúng là vẫn chưa có kết thúc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.