Bí mật của cảm xúc

– 7 – CÁC LOẠI NHU CẦU LÀ ÐIỀU KIỆN GIÚP TẠO RA CẢM XÚC



Theo bản năng tự nhiên mọi người sẽ cố gắng né tránh các tình huống tạo ra những cảm xúc xấu và nỗ lực tối đa để có được các điều kiện giúp cho chúng ta có những cảm xúc tốt.

Tất cả các điều kiện nhằm có cảm xúc tốt hoặc tránh được cảm xúc xấu hình thành nên khái niệm được gọi là “nhu cầu” của con người.

Theo công trình nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu của con người có thể ra thành năm nhóm cơ bản như sau:

Theo lý thuyết Maslow, mỗi cá nhân sẽ cần được thỏa mãn những nhu cầu theo các cấp độ từ một tới năm. Khi đã đạt được một nấc nhu cầu căn bản, cá nhân sẽ mong muốn được thỏa mãn nấc nhu cầu cao hơn.

MỨC 1 – Nhu cầu sinh học căn bản

Ðây là các nhu cầu cơ bản nhất để con người có thể tồn tại được trong xã hội như: ăn, uống, thở – hoạt động, đi lại – ngủ, nghỉ ngơi – suy nghĩ.

MỨC 2 – Nhu cầu về an toàn cá nhân

Ðây là nấc nhu cầu thứ hai của con người, là các điều kiện cần thiết để duy trì sự an toàn của cá nhân trong xã hội như: nhà ở – giày dép, quần áo – phương tiện đi lại – công việc (thu nhập) – các kiến thức nền tảng (đọc, viết).

MỨC 3 – Nhu cầu được chấp nhận và yêu thương

Hầu hết các xúc cảm tốt được tạo ra từ những mối quan hệ tương tác giữa người với người, do vậy cá nhân luôn có nhu cầu được thuộc về một tập thể lớn để được chia sẻ, được yêu thương, được đóng góp.

Mỗi cá nhân cùng lúc có thể tham gia vào nhiều tập thể khác nhau. Tùy theo các đặc thù riêng về chủng tộc, giới tính, địa phương, ngành nghề, tôn giáo mà cá nhân sẽ chọn cho mình những tập thể phù hợp.

MỨC 4 – Nhu cầu được tôn trọng

Khi cá nhân đã là thành viên trong tập thể, nấc nhu cầu kế tiếp là “được tôn trọng” – nói cách khác là “Ðịa vị xã hội”. Ðịa vị xã hội cao sẽ cho phép cá nhân được tác động, sai khiến người khác làm công việc thay cho họ, tuân phục họ, ca ngợi họ. Theo tư tưởng phong kiến của Châu Á thì loại nhu cầu này được coi như nấc cuối cùng của xã hội.

MỨC 5 – Nhu cầu hiện thực hóa bản thân

Nhu cầu này chính là nấc nhu cầu cao nhất của con người – được làm “những điều vĩ đại – có ý nghĩa lớn lao – tác động đến xã hội” – được xã hội ghi nhận.

Trong xã hội Phương Tây, nhu cầu này đặc biệt được coi trọng và được khuyến khích. Ðây cũng chính là lý do tuy ra đời chậm hơn nền văn minh Châu Á, nhưng xã hội Phương Tây đã có những bước phát triển vượt bậc và vượt lên dẫn đầu trong vòng chỉ vài thế kỷ.

Các loại nhu cầu trên thực tế chỉ là bề nổi, là mặt bên ngoài, thể hiện các loại ham muốn của con người để có được các cảm xúc tốt. Trên thực tế, rất khó để tính hết được các loại nhu cầu cụ thể của con người.

Năm nhóm nhu cầu theo phân loại của Maslow giúp chúng ta thấy được những nhóm mục đích chính dẫn dắt các hành vi con người để hướng tới sự thoả mãn theo các tiêu chí do xã hội đặt ra.

Tuy nhiên, có một số điểm bất hợp lý trong lý thuyết về nhu cầu của Maslow:

Trong rất nhiều trường hợp của cuộc sống, con người cần các loại nhu cầu khác nhau, nhưng hoàn toàn không theo qui luật tháp nhu cầu, tức là phải đáp ứng xong nấc nhu cầu mức một rồi con người mới cần đến nhu cầu mức hai, thỏa mãn mức số hai xong mới có nhu cầu mức ba.

Ở từng tình huống cụ thể, các nhu cầu của mỗi cá nhân sẽ hoàn toàn khác nhau và đưa tới các hành vi khác nhau. Vì vậy, chúng ta không thể đoán trước hay giải thích được các hành vi theo ngẫu hứng của con người nếu chỉ dựa trên cách phân nhóm nhu cầu của Maslow.

Phương pháp xác định nhu cầu chính xác nhất là phải phân tích trên nền tảng các giá trị cảm xúc mà cá nhân có được trong những thời điểm cụ thể.

Tùy theo tình huống mà nhu cầu của các cá nhân sẽ khác nhau. Có những người sẵn sàng hy sinh, chấp nhận chịu đựng sự đói khổ ở nấc nhu cầu một để tạo uy tín cá nhân thuộc về nấc bốn, hoặc có khi cá nhân chỉ mới được thỏa mãn nấc một, nhưng họ lại có các nhu cầu ở nấc số năm. Ngược lại có những người đang ở mức số bốn lại muốn quay về được sống ở mức thứ hai trong (như trường hợp hy sinh tất cả vì tình yêu theo kiểu một túp lều tranh hai quả tim vàng).

Một thiếu sót lớn của lý thuyết Maslow là chỉ dựa vào bản năng căn bản số hai – tức bản năng duy trì sự tồn tại của chính cá nhân đó.

Trên thực tế bản năng lớn nhất, quan trọng nhất chính là bản năng số một – tức là duy trì sự tồn tại của giống nòi. Lý thuyết của Maslow đã không lý giải được những trường hợp mà cá nhân hành động theo bản năng này – ví dụ nhảy vào lửa để cứu đứa con của mình, hay trường hợp những cá nhân rất nghèo khổ, nhưng lại sẵn sàng cưu mang cho đứa trẻ bị bỏ rơi,…

Từ góc độ lý thuyết cảm xúc, mọi việc đều sẽ được giải thích một cách dễ dàng và rất khoa học về nguyên nhân và nguồn gốc các loại nhu cầu của con người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.