Bí mật của cảm xúc

– 38 – CHUYỆN ANH TƯ “MAY MẮN” VÀ CÔ BA “XUI XẺO” – CẢM XÚC TỪ CÁC THÁI ÐỘ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC



Anh Tư là một người may mắn.

Là một thợ hồ ít được học và phải làm cật lực suốt ngày, anh đã tham gia xây dựng rất nhiều công trình. Anh có một triết lý sống là mọi thứ trên đời này đều tốt và quí giá, mọi người đều tốt bụng và chân thành. Nếu họ không tốt thì chẳng qua là do họ quá đau khổ mà thôi. Do vậy, trên công trường anh luôn năng nổ, vui vẻ làm tất cả các việc được giao. Khi bị người khác ùn đẩy những việc nặng nề, anh luôn vui vẻ chấp nhận với một nụ cười: “Ông để tôi làm cho. Sức ông yếu hơn tôi, có gì tôi giúp được ông cứ nói”.

Thay vì luôn tìm cách né việc anh Tư luôn nhào vào công việc. Thay vì nhăn nhó vừa làm vừa than thở, anh Tư vừa làm vừa cười đùa. Ở bất cứ nơi nào anh tới mọi người đều thấy dễ chịu. Chỗ nào khó là có mặt anh ở đó. Tất cả mọi người từ anh em đồng nghiệp tới các quản lý đều quí mến anh. Trong các buổi liên hoan họp mặt không bao giờ mọi người quên anh, bởi anh chính là người gây phong trào, tạo không khi sinh động cho bữa tiệc.

Anh Tư chưa phải là một người giàu, nhưng anh có tất cả những thứ mà mọi người mong muốn: một công việc tốt với mức thu nhập ổn định (tất cả các đốc công đều mong muốn có anh trong đội của họ), tình thân ái và quí mến của mọi người, một gia đình hạnh phúc, đầm ấm và rất nhiều bạn bè thân thiết. Anh luôn mong muốn được giúp mọi người nhiều hơn nữa, bởi theo như anh hay nói: “Thấy anh em cực khổ, tôi ngồi yên không được”.

Ðối diện nhà anh Tư là một biệt thự sân vườn sang trọng.

Cô Ba – bà chủ của ngôi biệt thự và cũng là một mẫu người đối cực so với anh Tư.

Vốn xuất thân từ gia đình giàu có với một cuộc sống đầy đủ vật chất, nhưng cô Ba chỉ có một mối quan tâm duy nhất là tìm mọi cách xoay sở để thoát khỏi những tình huống khổ sở mà chính cô tự tạo ra và chuốc lấy.

Cô đồng ý lấy một người chồng già giàu có theo sắp xếp của gia đình và sau đó tự dằn vặt về quyết định của mình. Cô luôn lo lắng, chật vật đối phó với những câu cằn nhằn của chồng, luôn phải càu nhàu về những góp ý, chỉ bảo của cha mẹ. Mỗi khi đi cùng chồng, cô luôn phải gắng gượng vui vẻ trước mặt người quen và bạn bè.

Các chuyến hành hương đi chùa chính là lối thoát cho những chuyện nhức đầu hàng ngày. Cô Ba đi chùa đều đặn mỗi tuần, làm theo mọi lời chỉ bảo của thầy bà, rước thầy bà về nhà cúng kiếng trừ tà, lập bàn thờ, cúng các loại thần để mong có một cuộc đời tốt đẹp hơn, sung sướng hơn. Cô đã tốn rất nhiều tiền bạc mà vẫn không giải được mấy cái xui xẻo xảy ra mỗi ngày. Cô bắt đầu tin vào lời thầy bà về cái số lận đận của mình.

Hai con người, hai cuộc đời, hai số phận. Tất cả đều bắt nguồn từ những tiêu chí sống, những thái độ do cá nhân tự lựa chọn và thực hiện.

Bạn đang sống “chủ động” hay “bị động”?

Cuộc sống luôn đầy rẫy các vấn đề bắt buộc mỗi cá nhân phải xoay sở và giải quyết. Mọi người đều mong muốn không phải cực khổ, không phải nỗ lực bởi vì họ có một cái nhìn rập khuôn theo những hiện tượng, những hình ảnh hào nhoáng của bên ngoài sự việc. Hầu hết mọi người đều muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, không phải làm gì, và muốn người khác cung phụng cho mình các cảm xúc tốt.

Chính cách nghĩ này đã đẩy con người vào cách sống bị động: làm cầm chừng, nỗ lực vừa phải và ngó nghiêng ngó dọc và hy vọng có thể nhặt được một cái “bát vàng” ở ngoài đường.

Khi cá nhân sống một cách thụ động, chính trạng thái này đã đẩy cá nhân vào hoàn cảnh bị lệ thuộc vào mọi thứ. Thay vì chủ động tạo ra cảm xúc tốt, các cá nhân sống thụ động sẽ phải chống trả, đối phó với những cảm xúc xấu do ngoại cảnh đã xô đẩy – cá nhân rơi vào những tình thế ngược lại với mong muốn của bản thân họ.

Khi bạn luôn đặt mình trong trạng thái “chủ động” thì mọi việc đều trở nên dễ dàng. Có lẽ chúng ta ít để ý rằng khi một cá nhân hoạt động, máu huyết lưu thông mạnh mẽ hơn và các chất độc hại cho não bộ sẽ nhanh chóng bị lọc sạch, bị loại bỏ và cá nhân sẽ chịu ít cảm xúc xấu hơn.

Trong quá trình hoạt động, do ngoại cảnh thay đổi liên tục, bạn sẽ nhận được nhiều tác nhân tạo cảm xúc tốt do chính bạn đã tích cực tạo ra. Ở trạng thái chủ động, bạn sẽ luôn trong tư thế sẵn sàng chịu đựng và phản ứng lại tác động xấu của ngoại cảnh.

Khi chúng ta tự tạo cho mình trạng thái luôn năng động và có chủ ý, ta không phải chịu đựng tác động của môi trường bên ngoài mà bản thân chúng ta đang tác động ngược lại môi trường để tạo cho mình một vị thế tối ưu – tức vị trí an toàn nhất, thuận tiện nhất, dễ chịu nhất và được lợi nhất.

Người ta thường ví cuộc đời giống như một dòng sông mà mọi người là những con thuyền trôi theo dòng nước. Cũng như cuộc đời, dòng sông luôn khúc khuỷu quanh co và nhiều thác ghềnh. Khi bạn thụ động trôi theo dòng đời chắc chắn bạn sẽ bị quăng quật vào bờ đá quanh co hay bị nhấn chìm khi đi qua ghềnh thác. Nếu bạn là người chủ động, bạn nỗ lực chèo chống, đối chọi với các tác động của cuộc đời. Thời gian sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn, nhiều kinh nghiệm và nhiều nghị lực hơn. Bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn cuộc đời một cách chủ động và tự tin.

Ở một ví dụ khác, có thể ví cuộc sống cũng giống như bạn đang giao thông trong một luồng xe cộ. Bạn phải luôn ý thức điều khiển xe để luôn đưa mình vào vị trí tối ưu trong làn xe – không quá gần các xe khác, không bị che tầm nhìn, phía trước xe phải luôn có chỗ hở để mình có thể phản ứng nhanh nếu có bất kỳ điều gì xảy ra. Vấn đề sẽ không phải là đi thật nhanh, hay đi thật chậm mà là “phải biết khi nào cần đi nhanh, khi nào cần đi chậm”.

Khi chúng ta tác động vào một vật, tác động này sẽ tạo một phản lực ngược lại mà chúng ta sẽ phải hứng chịu.

Ở khía cạnh cảm xúc cũng vậy, theo qui luật cân bằng cảm xúc, khi chúng ta dùng thái độ hay hành động để tác động vào người khác, chúng ta cũng sẽ nhận được những phản lực tương đương. Tùy thái độ và cách sống tích cực hay tiêu cực của chúng ta mà các tác động ngược lại sẽ nâng chúng ta lên hay dìm chúng ta xuống, sẽ làm chúng ta mạnh hơn hay sẽ tiêu diệt chúng ta.

Khi sống theo tiêu chí “chủ động”, dám làm, dám đối mặt với sự việc, để làm cho mọi việc tốt hơn, tạo nên cuộc sống tươi đẹp hơn, chúng ta sẽ luôn có được những ích lợi từ mặt phải của vấn đề – cách sống “Chủ Ðộng” và “Tích Cực”.

Giá trị của lối sống chủ động sẽ chỉ phát huy khi bạn ý thức được phải luôn tìm cách tạo ra cảm xúc tốt cho các cá nhân khác. Nhiều học giả đã ý thức kêu gọi mọi người cần phải sống chủ động để tạo nên hạnh phúc cho bản thân và truyền nguồn cảm hứng cho bạn bè, cho người thân, cho nhân viên và đối tác,… để mọi người đều có hạnh phúc.

Cuộc đời con người tương tự như việc lái một con thuyền. Chúng ta cần phải nỗ lực chèo chống vượt qua các trở ngại, thác ghềnh thay vì để tự dòng đời đẩy đưa.

Có rất nhiều câu chuyện sâu sắc về ích lợi to lớn của cách sống chủ động trong những cuốn sách như “Thay thái độ, đổi cuộc đời” (Attitute is everything) của Jeff Keller và “Triết lý Chợ cá” (Fish) của Stephen C. Lundin, Harry Paul và John Christensen.

Sự tự nỗ lực để chuyển từ trạng thái “bị động” sang trạng thái “chủ động” sẽ tạo ra các giá trị cảm xúc tốt và loại trừ cảm xúc xấu cho mình và cho mọi người.

Sự chủ động sẽ giúp ta thay đổi giá trị của các cảm xúc, từ đó thay đổi cuội đời, thay đổi số phận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.