Bí mật của cảm xúc

– 29 – SỰ LỆ THUỘC CỦA CON NGƯỜI VÀO NHỮNG THÓI QUEN -TÌNH TRẠNG LỆ CẢM XÚC VÀ NGHIỆN CẢM XÚC



Bằng những kinh nghiệm về cảm xúc tốt, đặc biệt là các cảm xúc tốt có liều lượng cao mà cá nhân có được sau khi trải qua những hoàn cảnh cụ thể, chúng ta sẽ thường tự động nhớ và tìm cách lặp lại sự việc hay hoàn cảnh, đạt được tình huống mong muốn để có được hưởng các cảm xúc tốt thêm một lần nữa. Ví dụ như khi ăn một món ăn rất ngon, gặp một người đẹp đã tạo cho ta nhiều cảm xúc tốt,… chúng ta thường ghi nhớ và mong muốn có các cảm xúc tốt đó thêm nhiều lần nữa.

Khi sự việc được lặp đi lặp lại, các cảm xúc tốt mà bạn có được sẽ tạo thành một nhu cầu thường xuyên, một thói quen mà bạn muốn có và làm bạn hài lòng. Khi lặp lại các thói quen, nhu cầu của bạn được đáp ứng thì bạn hoàn toàn không ý thức về việc này, nhưng khi các thói quen bị thay đổi, các cảm xúc tốt thường có không còn nữa thì bạn sẽ gặp vấn đề với các cảm xúc xấu do sự thiếu hụt những cảm xúc tốt quen thuộc. Bạn đang rơi vào trạng thái NGHIỆN CẢM XÚC.

Tất cả mọi người đều lệ thuộc vào rất nhiều thứ, nhiều thói quen, nhiều mối quan hệ trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả chúng ta đều có xu hướng duy trì các thói quen, các mối quan hệ để tránh cảm xúc xấu và để có được các cảm xúc tốt.

Vì cảm xúc được tạo ra từ sự tương tác giữa chúng ta với mọi người xung quanh – ông bà ta hay nói: “trà tam, rượu tứ”, tức sự trò chuyện, trao đổi thông tin sẽ tạo ra các cảm xúc tốt. Sự lệ thuộc cảm xúc xảy ra khi cá nhân bị lệ thuộc cảm xúc của mình vào người khác, đặc biệt là trong những mối quan hệ mật thiết về tình cảm như những người yêu nhau, về kinh doanh như các đối tác làm ăn quan trọng, về xã hội như nhân viên và sếp.

Khi sự lệ thuộc của cá nhân vào những đối tượng này càng cao – tức sự hỗ trợ, sự cần thiết càng cao – thì những đối tượng này càng có sức mạnh tác động vào cảm xúc cá nhân.

Do các cảm xúc mà cá nhân có được sẽ bị lệ thuộc vào bản chất của các mối quan hệ. Vì vậy, khi cá nhân bị tẩy chay, bị cắt quan hệ, cá nhân thường sẽ bị đau khổ vì mất đi các nguồn cảm xúc tốt.

Trong các mối quan hệ, cá nhân luôn cần được tiếp xúc với những người có thể hiểu, chia sẻ, đồng cảm được với mình. Khi có sự chia sẻ cảm xúc, các cảm xúc xấu sẽ giảm đi, các cảm xúc tốt sẽ được nhân lên.

Các mối quan hệ tạo ra những cảm xúc tốt liều lượng cao như anh em ruột thịt, tình yêu, tình bạn, tình đồng đội,… là các nguồn tạo cảm xúc tốt rất quan trọng. Khi các mối quan hệ này đã được xác lập, cá nhân sẽ bị lệ thuộc chặt chẽ vào những nguồn cung ứng cảm xúc này. Sự lệ thuộc này cũng mạnh tương tự như sự lệ thuộc của cá nhân vào các chất gây nghiện như heroin, cocaine, morphine. Vì vậy, khi bị mất các mối quan hệ này – như trong các trường hợp bị người yêu phản bội, cha mẹ qua đời, anh em tuyệt giao,… thì sự đau khổ cũng có thể lên đến đỉnh điểm và đau đớn không kém gì tình trạng người nghiện ma túy bị thiếu thuốc.

Có những trường hợp nghiện cảm xúc ở mức độ nhẹ như em bé thích ngậm núm vú cao su, người phụ nữ thích được chiều chuộng, được ôm ấp, các ông quen đi mát xa, các bà quen tập thể dục, trẻ em quen được nghe cha mẹ đọc truyện trước khi ngủ, hoặc chúng ta thấy ngon miệng hơn khi ăn cùng bạn bè thân thiết,… Tất cả các kiểu nghiện thói quen tình huống này đều bắt nguồn từ các cảm xúc được tạo ra trong quá trình lặp đi lặp lại các hành vi và hoàn cảnh.

Khi bạn bị lệ thuộc vào một số thói quen, bạn sẽ chỉ cảm nhận được sự dễ chịu và thoải mái lúc thực hiện các thao tác quen thuộc. Ðây cũng là một cơ chế bản năng, giúp cho mọi người có cảm nhận rằng mọi thứ đều đang trong tầm kiểm soát – nghĩa là mọi việc đều an toàn.

Các công nhân sẽ cảm thấy dễ chịu khi thực hiện những công việc đều đặn hàng ngày. Các nhân viên văn phòng cũng sẽ hài lòng với công việc quen thuộc và không hề thích thú khi công ty áp dụng những thay đổi trong công việc hay trong qui trình đã được áp dụng.

Như vậy, bên cạnh việc giúp duy trì được sự ổn định đều đặn, tình trạng nghiện thói quen tạo nên hiện tượng “SỨC Ỳ TÂM LÝ”, làm cho cá nhân không muốn đổi mới, không muốn năng động hơn. Tạo ra lực cản cho sự cải tổ, sự đổi mới của các tổ chức, hạn chế sự tiến triển của việc học hành, của cách nghĩ sáng tạo, làm mọi thứ mau chóng trở nên buồn tẻ – Ðiều này là một lý do cản trở sự phát triển ở trong tất cả các môi trường và các tổ chức.

Hiện tượng nghiện cảm xúc ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của các cá nhân. Nhưng đây cũng chính là lý do cốt lõi tạo ra khái niệm TRÁCH NHIỆM, từ đó dẫn đến việc xây dựng nên LÒNG TRUNG THÀNH và SỰ CHUNG THỦY của con người. Tùy theo mức độ cảm nhận và theo kinh nghiệm của bản thân mà cá nhân sẽ có mức độ lệ thuộc cảm xúc cao hay thấp: Mức độ trung thành với bạn bè, trung thành với tổ chức, trung thành với thương hiệu, chung thủy với vợ con, với anh em và gia đình.

Mức độ mà cá nhân ý thức duy trì các mối quan hệ còn lệ thuộc rất nhiều vào khả năng chịu đựng và hóa giải được những cảm xúc xấu sẽ xuất hiện, sau khi các cảm xúc tốt không còn nữa, khi mà các mối quan hệ đã được thích nghi. Sau giai đoạn tuần trăng mật, lúc bộ não đã thích nghi với hoàn cảnh mới, cá nhân sẽ phải đối mặt với những vấn đề về trách nhiệm. Cá nhân phải duy trì và gìn giữ các mối quan hệ. Chính điều gượng ép này sẽ tạo cho cá nhân các cảm xúc xấu và sẽ tạo ra những vấn đề mới.

Nhìn cách mà một cá nhân phải đối mặt giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bản chất thật của một cá nhân: họ ngay thẳng hay họ lươn lẹo, họ có bản lĩnh thật hay chỉ là kẻ to mồm,… mọi thứ sẽ lộ ra cho dù họ có thể đánh lừa qua dáng vẻ hay những tài năng diễn kịch trong cuộc sống hàng ngày.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.