Bí mật của cảm xúc

– 39 – SỨC MẠNH TINH THẦN – BẢN LĨNH, Ý CHÍ, NIỀM TIN VÀ KHÁT VỌNG



Có khi nào bạn tự hỏi rằng tại sao người ta giàu có mà mình thì không? Tại sao có những người quá sức thành công trong cuộc sống, còn đa số người khác lại chật vật xoay sở với những khó khăn hàng ngày

Tại sao bạn thành công? Tại sao bạn thất bại?

Một anh doanh nhân sau khi hoàn tất một hợp đồng làm ăn và kiếm được hai trăm triệu tiền lãi. Theo bạn thì chúng ta sẽ nói anh thành công hay thất bại?

Chắc hẳn chúng ta có thể nói đây là một thương vụ thành công.

Nhưng đối với bản thân anh doanh nhân thì đây có thể là một thất bại. Nếu mục đích được đặt ra là lãi một tỷ và cuối cùng chỉ có hai trăm triệu thì chắc chắn đây là một thất bại khá nặng nề.

Như vậy, cảm nhận là thành công hay thất bại đều do chính cách đánh giá của mỗi chúng ta. Theo qui luật về Hệ qui chiếu cảm xúc, mỗi tiêu chí đánh, mỗi hệ qui chiếu sẽ tạo cho chúng ta những cảm nhận khác nhau mà kết quả là những cảm xúc khác nhau.

Làm thế nào để liên tục đạt được những thành công mong muốn? Có công thức nào cho sự thành công hay không?

Trong cuộc sống, có những người rất thành công, có những người luôn thất bại, có người luôn hạnh phúc và có nhiều người khác thường xuyên bị khổ đau.

Cuộc đời của chúng ta là một chuỗi các cảm xúc. Do vậy có thể kết luận rằng luôn có những nhóm cảm xúc tạo nên thành công, có những tổ hợp cảm xúc tạo nên thất bại, có những nhóm cảm xúc tạo nên hạnh phúc và những nhóm cảm xúc dẫn tới khổ đau.

Chắc chắn là sẽ không có một “công thức tạo thành công” thần kỳ nào để bạn áp dụng vào tất cả mọi trường hợp được. Nhưng ta có thể xây dựng nên một qui trình các tổ hợp cảm xúc tạo nên thành công qua việc phân tích và sắp xếp các trạng thái tâm lý của con người.

Hãy xem xét qui trình sau:

Mọi việc đều luôn bắt đầu từ TRI THỨC của cá nhân.TRI THỨC => (Không sợ hãi) => SỰ TỰ TIN (Nắm vững qui luật) => NIỀM TIN => (Kiểm soát cảm xúc) => BẢN LĨNH => TỰ DO VỀ TINH THẦN => ƯỚC MƠ => KHÁT VỌNG => KÍCH HOẠT => Ý CHÍ => HÀNH ÐỘNG => THÀNH CÔNG!

[ Tri thức] = [Sự hiểu biết] + [Kinh nghiệm đối ứng]

Tri thức của bạn được tạo ra từ kiến thức và các kinh nghiệm bạn có được trong quá trình sống.

Trong xã hội, điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất giữa các cá nhân chính là sự khác biệt về mức độ tri thức lưu trữ trong bộ não của mỗi cá nhân.

Khi bạn có những hiểu biết về sự việc và với các suy luận của mình, bạn sẽ không bị bất ngờ, không phải lo lắng hay sợ hãi trong hoàn cảnh và tiến trình sự việc xảy ra. Bạn sẽ có SỰ TỰ TIN.

[Sự tự tin] = [Tri thức] + [Khả năng suy luận]

Khi sự việc được lặp lại đúng theo sự hiểu biết của bạn, Sự tự tin được củng cố và bạn sẽ tự tin là đã nắm vững qui luật của sự việc. Ðiều này tạo cho bạn một NIỀM TIN vào những gì bạn đã chứng kiến và trải nghiệm.

[Niềm tin] = [Sự tự tin] + [Quá trình trải nghiệm]

Ở mỗi cá nhân, Sự tự tin có những mức độ khác nhau và ở những lãnh vực khác nhau. Một số người rất tự tin trong công việc của mình, nhưng họ lại mất tự tin trước đám đông hay mất tự tin khi họ bị chuyển sang một môi trường khác. Ðiểm mấu chốt tạo nên Sự tự tin là khi cá nhân có ý thức và có đủ sự hiểu biết, bình tĩnh nhìn nhận ra tình hình và kiểm soát được tình huống thực tại của bản thân.

Nếu bạn tự ý thức rằng trên đời này không có việc gì khó, tất cả đều do chính bạn quyết định, bạn có thể kiểm soát mọi thứ. Khi ý nghĩ này luôn tồn tại trong tư tưởng của bạn thì bạn đã tự tạo cho mình một “NIỀM TIN”.

Mỗi người thường có những Niềm tin khác nhau. Số lượng những Niềm tin của một cá nhân lại do chính các kiến thức mà cá nhân đó thu lượm được qua học hành, qua sách vở và thông qua những trải nghiệm thực tế.

Với các niềm tin có được, bạn sẽ có khả năng hiểu, kiểm soát và xử lý các tình huống. Các niềm tin sẽ là nền tảng để tạo ra BẢN LĨNH của bạn.

[Bản lĩnh] = [Niềm tin] + [Khả năng chịu đựng và kiểm soát các nhu cầu cảm xúc của cá nhân]

Từ góc nhìn của cảm xúc:

BẢN LĨNH là khả năng kiểm soát được các cảm xúc của bản thân, chịu đựng được các cảm xúc xấu và ngăn chặn bản thân không phản ứng theo bản năng và không bị lệ thuộc vào các nguồn tác nhân tạo cảm xúc tốt giả tạo.

Tất cả mọi người, mọi xã hội đều ca ngợi những cá nhân có khả năng kiểm soát được các cảm xúc của mình trong mọi tình huống.

Khả năng chịu đựng của mọi người lúc mới sinh ra hầu như ngang nhau. Trong quá trình lớn lên và trải nghiệm cuộc sống, khả năng chịu đựng sẽ thay đổi. Một em bé sống trong nhung lụa, luôn được cưng chiều sẽ có khả năng chịu đựng kém hơn so với một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã phải sống cuộc đời lang thang đường phố, đánh nhau, đâm chém, giành dật từng miếng ăn.

Bản lĩnh là một tính cách và có thể tạo nên bằng những kinh nghiệm từ sự học hỏi, tập luyện và sự trải nghiệm. Người già có khả năng chịu đựng cao hơn người trẻ vì đã phải chịu đựng các tác động của cuộc đời trong một khoảng thời gian dài hơn. Người chịu đau đớn thường xuyên sẽ có khả năng chịu đau nhiều hơn người bình thường.

Tuy nhiên mọi thứ phải được bắt đầu từ ý thức. Khi anh bị đánh một lần và sợ hãi đến bạc nhược, thiếu Niềm tin vào bản thân mình thì những kinh nghiệm của anh sẽ chẳng giúp gì cho việc xây dựng nên Bản lĩnh của anh mà ngược lại, sẽ làm anh suy sụp, đánh mất hết ý chí, nghị lực.

Nhưng nếu anh ý thức được sự việc và nỗ lực vượt qua những khó khăn thì kinh nghiệm có được sẽ tạo cho anh khả năng chịu đựng tốt khi bị rơi vào những tình huống xấu. Tương tự một em bé sợ hãi bóng tối, nếu em được rèn luyện, tập làm quen cách sống trong bóng tối. Qua thời gian, em bé sẽ thích nghi và sẽ có khả năng tự chủ cao mỗi khi ở trong bống tối.

Bởi mức độ cảm xúc của cá nhân là do cá nhân tự so sánh tình huống của mình với những hệ qui chiếu cảm xúc khác nhau. Việc này cũng sẽ tạo ra các khả năng chịu đựng khác nhau, tức mức độ bản lĩnh khác nhau. Như trong trường hợp mức độ chấp nhận xấu nhất của một doanh nhân là sẵn sàng mất hết mọi thứ để nắm bắt và đạt được cơ hội kinh doanh thì anh sẽ dám làm, dám mạo hiểm. Trong trường hợp anh doanh nhân luôn lo sợ sự thất bại sẽ làm anh bị mất số tiền đầu tư thì anh ta sẽ không dám mạo hiểm. Ở trường hợp một người chấp nhận điều xấu nhất là cái chết thì chả có gì phải sợ hãi. Ngược lại nếu một người chỉ muốn được sung sướng và không muốn mất những gì đang có thì sẽ luôn lo lắng khổ sở, sợ đủ thứ và trở nên thụ động, nhu nhược và nhút nhát.

Việc xây dựng nên bản lĩnh của cá nhân nằm ở điểm mấu chốt là tạo ra khả năng và ý thức chấp nhận được những cảm xúc xấu của cá nhân đến mức độ nào.

Khi đã sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng được mức độ cảm xúc xấu tệ hại nhất, cá nhân sẽ yên tâm thực hiện công việc mà không phải lo lắng gì. Ðây chính là điều kiện giúp cá nhân tạo nên một tâm trạng thoải mái và tự tin vào khả năng kiểm soát tình huống của mình.

Bản lĩnh là một loại năng lực tinh thần rất lớn của mỗi cá nhân.

Thông qua những trải nghiệm trong thực tế cuộc sống, những kiến thức có từ quá trình học hỏi, cá nhân sẽ suy luận, phân tích để đúc kết lại thành các qui luật cho riêng bản thân. Mỗi qui luật sẽ là một niềm tin của cá nhân.

Ðiều này lý giải rằng khi kiến thức càng nhiều thì cá nhân sẽ có được nhiều Qui luật, tức có nhiều Niềm tin và tạo nên một hệ thống niềm tin của riêng mình. Khi hệ thống niềm tin càng mở rộng, càng phong phú thì khả năng phản ứng, xử lý tình huống của cá nhân trong cuộc sống sẽ càng linh hoạt và hiệu quả, dẫn tới một khái niệm gọi là “Sự tự do tinh thần” của cá nhân.

Việc học tập và thực hành chính là các yếu tố chính tạo nên hệ thống niềm tin của cá nhân.

Ðiều này rất quan trọng vì nếu không có sự tự tin, cá nhân sẽ không biết cách phải hành xử, phải giải quyết vấn đề ra sao, dẫn tới cá nhân sẽ lệ thuộc vào người khác, lệ thuộc vào môi trường bên ngoài.

Như vậy, để tạo nên “Sự tự do tinh thần” cho chính mình, mỗi cá nhân phải xây dựng được “Hệ thống những niềm tin” bằng cách phải nâng mức độ hiểu biết và kiến thức của mình, tức phải học hành và trải nghiệm thực tế.

Ðể cung ứng những cảm xúc tốt – tức những món ăn tinh thần cho não bộ, cá nhân cần thỏa mãn được những nhu cầu về tinh thần, bằng cách đạt được những mong muốn tùy vào tình huống cụ thể.

Sự mong muốn ở cấp độ lớn và trong thời gian đủ dài được định nghĩa là các ƯỚC MƠ của cá nhân. Các ước mơ chính là những điều kiện có thể cung cấp nhiều và liên tục những cảm xúc tốt cho cá nhân.

Không phải ai cũng có khả năng ước mơ.

Những mong muốn nhỏ nhặt, tủn mủn nhất thời như muốn uống nước, muốn được tắm cho mát, muốn được ngủ,… tức những nhu cầu sinh lý, thì không thể gọi là ước mơ được. Người không có bản lĩnh, trình độ học vấn thấp kém sẽ có những ước mơ thực dụng và tầm thường nhằm đáp ứng các nhu cầu nhất thời.

Ðể có được một ước mơ lớn hoàn toàn không dễ. Ða số chúng ta cũng chỉ dám mơ ước những điều bình thường và cụ thể như sẽ có nhiều tiền, được sở hữu vật này hay vật khác, đạt được chức vụ này, bằng cấp khác,…

Ước mơ lớn sẽ dành cho những người dám nghĩ lớn – dám có những ước mơ vượt khỏi những vụn vặt hàng ngày, vượt ra khỏi giới hạn về không gian và thời gian. Số lượng những người dám nghĩ lớn ít vô cùng. Ước mơ lớn sẽ kích hoạt bản thân cá nhân, nâng tầm chúng ta lên và sẽ kích hoạt tất cả mọi người.

Những ước mơ vĩ đại khi được kích hoạt sẽ biến các cá nhân trở thành các vĩ nhân, sẽ tạo nên những điều phi thường. Quả là rất khó để thực hiện những ước mơ vĩ đại như của chúa Giê-Su, phật Thích-ca, thánh Gandhi, Mẹ Terresa,…

Dám ước mơ và biết cách ước mơ đã là chuyện khó, nhưng duy trì sự mong muốn và thực hiện được ước mơ còn khó hơn nữa.

Khi chúng ta có một ước mơ lớn, khi chúng ta rất mong muốn và không ngừng suy nghĩ về cách thức, về các bước làm sao để biến ước mơ thành hiện thực, chúng ta đã đưa ước mơ của mình lên một nấc cao hơn – đó chính là KHÁT VỌNG.

Khát vọng là một trạng thái khi mà cá nhân có mong muốn cao độ được biến ước mơ thành hiện thực. Ðây là trạng thái mà cá nhân luôn bị thôi thúc, bị kích hoạt do chính ham muốn của bản thân là phải hành động, phải tìm cách bắt tay vào thực hiện những ước mơ lớn lao của mình.

Những ước mơ và khát vọng của cá nhân trong những khoảng thời gian khác nhau sẽ hợp thành một tổ hợp các mục tiêu. Khi một cá nhân bắt đầu suy nghĩ và tự xác định lên qui trình và các bước cần thực hiện để đạt được ước mơ, cá nhân đang thiết lập nên một “Hệ thống mục tiêu của cá nhân”.

Khi bạn có một Hệ thống mục tiêu cụ thể, bạn mới biết mình phải sống để làm gì, phải nỗ lực phấn đấu ra sao. Nếu sống mà không có mục tiêu là chúng ta chỉ mới đang tồn tại chứ sống phải đang sống.

Hệ thống mục tiêu trên thực tế là tập hợp của các mục tiêu từ dài hạn tới ngắn hạn và rất cụ thể, được đặt ra theo từng giai đoạn của cá nhân. Mục tiêu có thể được dự tính cho những khoảng thời gian khác nhau: trong hai mươi năm, trong mười năm, trong năm năm, trong ba năm, hai năm, một năm, sáu tháng, ba tháng…

Từ những ước mơ, mong muốn cao độ của cá nhân sẽ chuyển ước mơ thành khát vọng. Với sự khát khao thực hiện được khát vọng, cá nhân sẽ tìm tòi, suy nghĩ về kế hoạch biến ước mơ này thành hiện thực. Khi khát vọng đã đủ lớn, kế hoạch thực hiện đã đủ chi tiết, sự khát khao sẽ kích hoạt cá nhân hành động.

Cũng giống như một tác nhân mang lại những cảm xúc tốt. Việc “KÍCH HOẠT” sẽ biến một trạng thái cảm xúc thành những hành động có chủ ý, giúp cá nhân năng động và hưng phấn, nỗ lực hết mình để biến ước mơ thành hiện thực.

Trong tất cả các giai đoạn tạo nên sự thành công thì việc chuyển biến từ trạng thái khát vọng sang hành động có một ý nghĩa rất đặc biệt. Ðây là bước chuyển đổi trạng thái của cá nhân từ tĩnh sang động và luôn đem lại nhiều cảm xúc tốt cho cá nhân.

Theo định luật thích nghi cảm xúc, giai đoạn hào hứng do chuyển từ tĩnh sang động sẽ qua đi nhanh chóng. Những kích thích hưng phấn sẽ không còn. Ðây là lúc cá nhân phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phát sinh, phải căng thẳng giải quyết các sự vụ để từng bước đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Thường có sự khác biệt rất lớn giữa kế hoạch với thực tế trong quá trình biến ước mơ, khát vọng thành hiện thực. Tất cả những bước của qui trình, những công việc dự tính xuất hiện trong quá trình suy nghĩ, tính toán của cá nhân, đều do trí tưởng tượng của chính cá nhân tạo ra dựa trên các kinh nghiệm đối ứng và không thể hiện được những tác động thực từ môi trường.

Sau giai đoạn đầu, đa số các cá nhân sẽ vỡ mộng khi thấy sự việc hoàn toàn không đơn giản những gì mình dự tính và dễ bỏ cuộc. Thời điểm này là lúc mà cá nhân phải chứng tỏ bản lãnh và sự kiên trì quyết tâm thực hiện mục tiêu.

[Sự quyết tâm] = [Bản lĩnh] + [Sự kiên trì đi tới mục tiêu]

Một chuỗi liên tục của trạng thái tinh thần đặc biệt là “Sự quyết tâm” này tạo nên khái niệm Ý CHÍ.

[ Ý chí] = Một chuỗi liên tục [Sự quyết tâm]

Với Ý chí mạnh mẽ, bạn có thể làm bất cứ điều gì. Ý chí mạnh mẽ sẽ tạo cho bạn một năng lực, một “Bản lãnh phi thường”.

Ý chí mạnh mẽ giúp bạn dễ dàng chịu đựng được những khổ cực về thể chất cũng như những tổn hại về tinh thần. Ý chí mạnh mẽ giúp bạn luôn tỉnh táo, bình tĩnh, tự tin và năng động.

Ý chí mạnh mẽ là yếu tố tối quan trọng mà một người lãnh đạo cần phải có. Với ý chí mạnh mẽ bạn có thể duy trì cảm xúc tốt, kiểm soát cảm xúc xấu, chủ động thực hiện những hành động cần thiết, trong khoảng thời gian lâu dài cần thiết để tạo nên thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.