Đức Phật Trong Ba Lô

HỌC TẬP – ĐÒI HỎI VỀ THỜI GIAN



Vào trường học, bài tập về nhà, nào các công việc gia đình và các nhu cầu khác, cháu chẳng có thì giờ rảnh rỗi. Điều này khiến cháu cảm thấy thật tù túng.
Mặc dù không thể phủ nhận áp lực của thời gian biểu lên mỗi người, nhưng tôi tin rằng, mọi thứ bạn nói đến chỉ đơn thuần là những đòi hỏi khó chịu về thời gian là một cách nhìn nhận không đúng. Tôi nghĩ đơn giản là bạn đang được hưởng sự tự do tuyệt vời, đó là bạn có cơ hội để đến trường và học tập.
Bạn coi đến trường là một quyền lợi hay bị ép buộc? Là một hoạt động tự do hay một điều cản trở bạn làm những gì bạn muốn? Tất cả những điều này phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của bạn, sự hiểu biết của bạn. Nếu là người thụ động, bạn sẽ luôn cảm thấy bị gò bó và không hạnh phúc ngay cả trong một môi trường tự do nhất. Nhưng nếu bạn tiếp cận một cách chủ động và thách thức hoàn cảnh của mình, bạn sẽ cảm thấy tự do bất kể hoàn cảnh của bạn thực sự gò bó đến đâu.
Bạn càng mạnh mẽ, bạn sẽ càng tự do hơn. Một người không có khả năng chịu đựng tốt có thể gặp phải những khó khăn rất lớn ngay cả khi leo lên một quả đồi nhỏ. Đó là một người ốm yếu không thể xoay xở được chút nào. Nhưng một người mạnh mẽ, tự tin có thể dễ dàng leo lên thậm chí là một quả núi, vui vẻ và thích thú. Để leo lên các ngọn núi mục tiêu của đời mình, điều quan trọng là phải nâng cao sự mạnh mẽ của bản thân. Tự mình tạo ra sự mạnh mẽ để bạn trở nên năng động ở trường và trong các hoạt động ngoại khóa. Nếu bạn mạnh mẽ và có năng lực, bạn sẽ có tự do.
Điều này tương tự như đối với các môn thể thao hay âm nhạc. Để chơi một cách chuyên nghiệp và dễ dàng một môn thể thao hoặc nhạc cụ mà bạn lựa chọn, bạn phải đạt được một mức độ thành thạo nhất định, bạn phải xác định từ bỏ một số thứ để có thể luyện tập đến một mức độ cần thiết.
Những bạn trẻ bị bệnh hiểm nghèo hay phải sống ở các quốc gia có chiến tranh thường không được đi học dù các bạn ấy rất muốn. Rất nhiều bạn trẻ sống trong những hoàn cảnh may mắn hơn, có cơ hội được đến trường, không bao giờ nhận thức đúng sự tự do mà họ thực sự đang có. Có cơ hội được đến trường – nơi bạn có thể rèn luyện cuộc đời của mình để bạn có thể làm những điều mình mong muốn trong tương lai – là một biểu hiện của sự tự do lớn nhất. Sẽ là một sai lầm nếu bạn không nhận ra được điều này.
Tôi xin kể lại câu chuyện mà gần đây tôi được nghe về một thanh niên có nhiều khối u ở tuỷ, một dạng của căn bệnh ung thư xương làm mất khả năng hoạt động và gây đau đớn. Trong hai năm cuối đời, với toàn bộ cơ thể bị bó bột do nhiều chỗ xương bị gãy, anh đến thăm các trường trung học ở địa phương trên chiếc xe lăn của mình để nói chuyện về các tác hại khủng khiếp do việc lạm dụng thuốc. Anh nói với những học sinh: “Bạn có muốn phá hủy cơ thể của mình bằng nicôtin hoặc rượu hay hêrôin? Bạn muốn đâm vào một chiếc ô tô? Bạn chán nản và muốn nhảy cầu tự tử? Khi đó hãy mang cơ thể bạn đến cho tôi! Hãy mang nó cho tôi! Tôi muốn chúng! Tôi sẽ lấy nó! Tôi muốn sống!”
Trong thời gian chiến tranh ở Nam Tư cũ, những đứa trẻ đã nói về ước mơ của mình. Một em nói: “Cháu có nhiều ước mơ, nhưng chiến tranh đã lấy đi của cháu tất cả”. Và một em khác nói: “Ước mơ của chúng cháu là được sống một cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác, để có thể được đến trường.”
Trong những năm gần đây, quốc gia châu Phi Rwanda trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc và ác liệt. Trong một gia đình nọ, những đứa trẻ đã mất cả bố lẫn mẹ, chỉ còn lại các em và bà. Một trong những đứa lớn đã phải bỏ học để lo cho những đứa còn lại. Nỗi buồn vì không được đến trường khiến cậu thường khóc hàng đêm. Các anh chị em của cậu vẫn được đến trường sẽ chia sẻ những bài học của chúng với cậu khi công việc của cậu kết thúc.
Nhưng nếu đó là toàn bộ câu chuyện, chúng ta sẽ đưa ra một kết luận rằng mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường sống của chúng ta. Không hoàn toàn là như vậy. Cuộc sống và các điều kiện sống của con người không hề đơn giản. Đạo Phật dạy chúng ta rằng tự do thực sự xuất phát từ các điều kiện sống bên trong của mỗi con người. Một người sẽ sống thoải mái ngay cả khi bị giam trong một nhà tù nghiêm ngặt nhất trên trái đất.
Tôi chắc rằng bạn biết câu chuyện về Helen Keller. Khi 18 tháng tuổi, cô không thể nhìn và nghe. Việc mất khả năng nghe còn gây khó khăn cho cô khi nói. Nhưng nhờ học tập cùng với cô giáo của mình là Anne Sullivan, cô đã học đọc, viết và nói, và cô đã tốt nghiệp Đại học Radcliffe ở Boston.
Rõ ràng là không một ai gặp phải những khó khăn như Helen Keller – không thể nói, nghe và nhìn. Thế giới của cô hoàn toàn là bóng tối và sự im lặng. Nhưng cô đã đẩy lùi bóng tối ra khỏi trái tim mình. Khi 9 tuổi, cô đã nói được câu đầu tiên: “Thời tiết thật ấm áp.” Trong suốt phần cuộc đời còn lại của mình, cô không bao giờ quên sự ngạc nhiên và thích thú mà cô đã trải qua ở thời điểm đó. Cô đã thành công trong việc giải thoát mình ra khỏi nhà tù mà sự im lặng đã giam cầm cô.
Tuy nhiên, có những lúc cô cũng cảm thấy tuyệt vọng và chán nản bởi những giờ đồng hồ dài đằng đẵng cô phải vất vả học tập, cần cù học cách phát âm từ đủ loại sách giáo khoa cầm trên tay, trong khi đó những học sinh khác đang ca hát, nhảy múa và cười đùa với nhau. Trong cuốn tự truyện của mình, cô viết:
Tôi từ bỏ nhiều lần, tôi suy sụp, tôi lại đứng dậy, tôi quay trở lại nơi mình gặp khó khăn. Tôi rũ bỏ tâm trạng mất bình tĩnh, làm lại và cố gắng làm tốt hơn. Tôi bước những bước thật chậm, tôi tiến bộ từng chút một, tôi cảm thấy phấn khích, tôi háo hức hơn và leo lên cao hơn và bắt đầu nhìn thấy chân lý. Mỗi sự nỗ lực là một thắng lợi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.