Đức Phật Trong Ba Lô

CÔNG VIỆC – CHỌN NGHỀ



Cháu thấy lúng túng không biết nên theo đuổi nghề nào?
Nhà thơ người Nhật Takuboku Ishikawa, sáng tác vào những năm chuyển giao của thế kỷ 20, đã làm đoạn thơ dưới đây, tôi đã ghi lại trong nhật ký của mình khi còn trẻ:
Giá có một kỳ nghỉ
Để tận hưởng với niềm vui thú.
Một khi được toại nguyện
Tôi xin cam lòng chết.
Nhà thơ đang nói về sứ mệnh của ông, công việc mà vì nó ông đã sinh ra. Tuy nhiên, rất ít người đủ may mắn để biết sứ mệnh của mình ngay từ đầu. Tôi thường nghe các sinh viên nói những điều như: “Bố mẹ muốn em trở thành một bác sĩ nhưng em không chắc đó là công việc mình mong muốn làm” hay “Em muốn trở thành một nhà báo nhưng em không nghĩ rằng mình có đủ năng lực” hoặc “Các lựa chọn của em bị giới hạn bởi những môn mà em đã được học” hay “Em thấy mình không bị công việc cụ thể nào hấp dẫn, nhưng em muốn trở thành người nổi tiếng” hoặc “Ước mơ của em thay đổi mỗi khi em gặp một con người mới”. Một số khác cũng đã nói với tôi rằng: “Đôi khi em cảm thấy sợ hãi vì em không biết mình muốn làm gì trong tương lai”.
Vâng, cuộc đời là một chặng đường dài. Kết quả cuộc đấu tranh hàng ngày của bạn để tìm kiếm sứ mệnh của mình có thể không được phát hiện ra tới tận lúc bạn 40, 50 và 60 tuổi. Do vậy, điều quan trọng là mỗi cá nhân tìm thấy một cái gì đó – bất kể nó là cái gì – để thách thức bản thân khi bạn còn trẻ. Tuổi trẻ chính là thời gian để bạn học tập và rèn luyện bản thân.
Ai cũng có một sứ mệnh – hay mục đích – duy nhất mà chỉ bản thân họ có thể thực hiện. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, đợi đến khi câu trả lời đến với bạn hay chờ ai đó đến nói với bạn đó là cái gì. Bằng cách thử thách bản thân mình, cuối cùng bạn sẽ tự mình khám phá ra sứ mệnh của bản thân.
Bạn giống như một ngọn núi chứa một viên ngọc quý. Viên ngọc quý ban đầu được chôn dưới đất. Nếu chúng không được đào lên, chúng sẽ mãi mãi bị chôn vùi. Và nếu chúng ta không mài giũa khi chúng được đào lên, chúng sẽ cứ ở trạng thái thô ráp. Thật đáng tiếc nếu chúng ta kết thúc cuộc đời của mình mà không tìm ra viên ngọc bên trong mình. Do vậy, khi bố mẹ và thầy cô giáo khuyên bạn học tập chăm chỉ, điều mà họ thực sự muốn là, đưa bạn đến những lĩnh vực hấp dẫn bạn, bạn có thể phát hiện ra viên ngọc cuộc đời của mình và thấy hài lòng khi làm nó tỏa sáng.
Kiên cường là đức tính cực kỳ quan trọng. Bạn không thể làm cho viên ngọc bên trong mình tỏa sáng nếu không nỗ lực hết mình.
Bạn có quyền quyết định công việc nào mình muốn làm, các lựa chọn luôn rộng mở. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, nhiều công việc đòi hỏi một trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định. Một số người bắt đầu làm việc ngay khi tốt nghiệp trung học, do tự lựa chọn hoặc do hoàn cảnh gia đình. Có người đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi những người khác trở thành người nội trợ. Một số người có mục đích trở thành viên chức nhà nước, có những người cố gắng đạt được trình độ kỹ thuật cao trong một lĩnh vực nào đó. Có nhiều lựa chọn cho bạn, bạn có thể tự do lựa chọn cho mình.
Nếu bạn không quyết định được công việc mà bạn muốn làm, tại sao không bắt đầu bằng công việc bạn có thể tham gia một cách dễ dàng, một công việc mà bạn thông thạo? Bằng cách đó, bạn có thể tăng kinh nghiệm làm việc và khám phá được mình tốt nhất ở mặt nào. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng chán nản.
Tìm một công việc chỉ là bước đầu trong quá trình phát hiện ra khả năng thực sự của bạn, nó hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng. Không cần phải sốt ruột. Điều quan trọng là bạn tìm ra con đường của mình để leo lên ngọn núi cuộc đời một cách vững vàng, không vội vàng hay từ bỏ.
Khi bạn quyết định được điều bạn muốn làm trong tương lai, hãy quyết tâm hướng lên phía trước. Đừng nản chí. Khi bạn cố gắng làm điều gì đó với quyết tâm mãnh liệt, bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc ngay cả khi bạn thất bại. Và nếu bạn thành công, bạn có thể đạt được những thứ có giá trị thực sự. Dù bạn thất bại hay thành công, những nỗ lực đó sẽ đưa bạn đến con đường đi tiếp theo của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.