Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử

CHƯƠNG 2: ĐỐI DIỆN VỚI KHOA HỌC



Tôi sinh trong một gia đình của những nhà nông mộc mạc, là những người dùng ngựa để cày bừa cho cánh đồng của họ, và khi lúa mạch chín mùa, thì dùng sức ngựa dẫm để giả lúa. Có lẽ các thứ khả dĩ được mô tả như là có tính chất kỹ thuật trong thế giới thơ ấu của tôi là những con dao găm mà những người lính du mục địa phương kiếm được từ Anh-Ấn, Nga, hay Trung Quốc. Vào lúc 6 tuổi tôi đã lên ngôi Dalai Lama thư 14 tại thủ đô Tây Tạng, Lhasa, và dấn thân vào việc tu học trong tất cả các phương diện của Phật giáo. Tôi có các gia sư hàng ngày dạy tôi đọc, viết, triết học Phật giáo cơ bản, và học thuộc lòng các kinh văn và nghi lễ. Tôi cũng có nhiều tsenshap, nghiã là những “người trợ giúp về triết học” Phận sự chính của họ là đem đến cho tôi cuộc thảo luận về các đề tài của tư tưởng Phật giáo. Thêm vào đó, tôi có tham gia các cuộc cầu nguyện và thiền định trong nhiều giờ. Tôi tham dự các thời kỳ nhập thất với các gia sư và và ngồi theo quy định trong hai giờ một lần và 4 lần trong ngày trong một buổi thiền định. Đây là việc rèn luyện điển hình cho một vị lạt-ma cao cấp trong truyền thống Tây Tạng. Nhưng tôi đã không được giáo dục về toán, địa lý, hóa học, sinh học, hay vật lý. Thậm chí tôi cũng không biết là chúng có tồn tại hay không nữa.
Điện Potala là nhà ở mùa đông chính thức của tôi. Đó là một công trình xây dựng đồ sộ, chiếm hết một bên của một trái núi, và nó phải có đến hàng nghìn phòng – Tôi chưa bao giờ tự đếm chúng. Trong những lúc rảnh khi còn là một cậu bé, tôi tự giải trí bằng cách thăm dò vài nơi trong các căn buồng của nó. Giống như là một cuộc săn lùng châu báu bất tận. Ở đó có tất cả mọi thứ đồ đạc, chủ yếu thuộc về các Dalai Lama tiền nhiệm và đặc biệt là của vị ngay trước tôi, được dành riêng ra ở đó. Trong số các nội dung nổi bật của cung điện là những tháp xá lợi chứa những phần thân thể còn lại của các Dalai Lama trước đây, cho đến tận đời Dalai Lama thứ 5, người sống trong thế kỉ thứ 17 và đã mở rộng điện Potala như hình dáng hiện thời. Giữa các hiện vật bày biện, tôi tìm thấy một vài đồ đạc cơ khí thuộc về đức Dalai Lama thứ 13. Đáng chú ý nhất là một kính thiên văn xếp được được làm từ đồng thau và có thể gắn lên một chạc ba chân, và một đồng hồ cơ học lên dây cót với một quả cầu quay được trên một giá đỡ cho biết thời gian trong những múi giờ khác nhau. Ở đó cũng có chỗ bí mật lớn chứa những cuốn sách có minh họa bằng Anh ngữ về Thế Chiến Thứ Nhất.
Một số trong chúng là quà tặng cho đức Dalai Lama thứ 13 từ người bạn Sir Charles Bell[1]. Bell là nhà chính trị Anh nói được Tạng ngữ tại Sikkim[2]. Ông ta là người cho đức Dalai Lama thứ 13 lưu trú trong khoảng thời gian ngắn tại Anh-Ấn, sau khi trốn đi trong năm 1910 bởi nguy cơ xâm chiếm của quân địch thuộc chính quyền Đế chế cuối cùng của Trung Hoa [nhà Mãn Thanh]. Điều đáng hiếu kỳ là việc lưu vong tại Tây Tạng và tìm hiểu văn hóa của khoa học là những điểm được truyền lại cho tôi từ người tiền nhiệm [tức là đức Dalai Lama thứ 13]. Với đức Dalai Lama 13, sau này tôi nhận ra việc ở lại Anh-Ấn đã là một kinh nghiệm bất ngờ dẫn tới nhận thức về nhu cầu của các cải cách lớn về xã hội và chính trị tại Tây Tạng. Trong chuyến trở lại Lhasa, Ngài đã mở đường điện tín, cài đặt dịch vụ bưu chính, xây dựng một nhà máy phát điện nhỏ để đốt các ngọn đèn đầu tiên tại Tây Tạng, và thiết lập nha ngân khố để in tiền kim loại và giấy bạc. Ngài cũng đã đạt tới nhận thức về tầm quan trọng của nền giáo dục thế tục hiện đại và đã tuyển chọn một nhóm trẻ Tây Tạng gửi đi học tại Ruhby School tại Anh. Đức Dalai Lama 13 để lại một chúc thư vào phút cuối tiên đoán nhiều thứ về thảm kịch chính trị sẽ xãy ra, và chính quyền [Tây Tạng] tiếp nối đã thất bại để hiểu hết hay lưu tâm tới chúc thư này.[3]
Trong những món đồ cơ khí lý thú thu được bởi đức Dalai Lama 13 là một chiếc đồng hồ bỏ túi, hai máy chiếu phim, và ba chiếc xe hơi – Hai trong chúng là “Baby Austin” đời 1927 và “American Dodge” đời 1931[4]. Lúc đó, không có đường để có thể chạy xe trong toàn vùng Hymalaya hay chính ngay tại Tây Tạng, những chiếc xe này đã bị tháo rời ra tại Ấn và được mang xuyên qua các vùng núi bởi các công nhân khuân vác, người lao động, và bởi lừa trước khi được lắp ráp lại cho đức Dalai Lama. Trong một thời gian dài, đây là 3 chiếc xe hơi duy nhất của cả Tây Tạng – và chúng khá là vô dụng, vì không có đường xá bên ngoài Lhasa để cho người ta có thể lái chúng. Những món đồ khác nhau này để lộ các dấu hiệu của một nền văn hóa kỹ nghệ, đã trui rèn nên một đam mê to tát của một cậu nhỏ với bản năng hiếu kì và một chút năng động. Một lần tôi còn nhớ rất rõ, tôi đã chơi nghịch với các thứ này thay vì học giáo lý hay nhớ bài. Ngày nay, tôi có thể vẫn thấy những thứ này cũng không hơn các món đồ chơi, nhưng chúng khêu gợi đến một thế giới tri thức và kinh nghiệm mà tôi đã không truy cập tới được và sự có mặt của chúng là một hấp dẫn vô cùng. Một cách để hiểu, thì sách này viết về lộ trình để phát hiện thế giới đó và những thứ tuyệt diệu mà nó cống hiến.
Tôi không thấy khó khăn về cái kính thiên văn. Không hiểu sao việc dùng nó để làm gì có vẻ hiển nhiên với tôi; và ngay sau đó dùng nó để quan sát cuộc sống tất bật của phố xá Lhasa, đặc biệt là ở các khu chợ. Tôi thèm muốn cái cảnh của sự tự do với những đứa trẻ đồng trang lứa chạy tung tăng ngoài đường trong khi mà tôi phải học hành. Sau đó, tôi dùng kính viễn vọng để quan sát bầu trời đêm ở Potala – nơi có được một vị trí cao của Tây Tạng, nơi có tầm ngắm tuyệt hảo nhất đến các vì sao. Tôi hỏi những người giúp việc các tên của các tinh tú và những chòm sao. Tôi biết cái đồng hồ bỏ túi để làm gì nhưng muốn biết nhiều hơn vì bị hấp dẫn bởi cách nó vận hành. Tôi gặp khó khăn về điều này ít lâu cho tới khi không nhịn tò mò và tôi đã mở vỏ để nhìn vào bên trong. Chẳng bao lâu sau, tôi tháo tung toàn bộ và điều thách thức là lắp đặt chúng lại với nhau sao cho nó thực sự vận hành. Thế là bắt đầu một lòng ham thích lâu dài về việc tháo rời và lắp ráp trở lại các đồ vật cơ khí. Tôi thông thạo tiến trình này đến nổi trở thành một người sửa chữa quan trọng cho nhiều người chủ của các đồng hồ đeo tay và treo tường mà tôi quen biết ở Lhasa. Sau này tại Ấn Độ, tôi không có nhiều may mắn với chiếc đồng hồ cúc-cu của mình, khi mà cúc-cu bị phá hỏng bởi con mèo của tôi và không thể phục hồi. Khi đồng hồ pin tự động trở nên thông dụng, sự ham thích của tôi giảm đi nhiều – nếu bạn mở một cái đồng hồ như vậy, bạn sẽ hầu như khó tìm thấy bộ phận cơ khí nào.
Việc tìm tòi cách sử dụng hai máy chiếu phim quay tay của đức Dalai Lama 13 khó khăn hơn nhiều. Một trong những người giúp việc của tôi là một vị sư đức độ, đã tìm ra cách làm cho một máy trong chúng hoạt động. Tôi hỏi ông ấy chuẩn bị nó để tôi có thể xem một vài phim mà chúng tôi có. Sau này chúng tôi có dùng được một máy chiếu phim 16 ly chạy điện; nhưng hay bị hỏng, một lần vì chiếc máy phát không cung cấp điện đúng. Trong khoảng thời gian này, tôi đoán là vào năm 1945, Heinrich Harrer và Peter Aufschnaiter[5] những người Áo đã vượt thoát qua dãy Hymalaya đến Lhasa từ một nhà tù của Anh thuộc về một trại tù chiến tranh [trong Thế Chiến Thứ Hai] ở miền Bắc Ấn Độ. Harrer trở thành một người bạn của tôi, và tôi thỉnh thoảng chuyển ông ấy sang giúp sửa máy chiếu. Chúng tôi đã không kiếm được nhiều phim, nhưng có nhiều cuốn tin tức về các sự kiện lớn của Thế Chiến thứ II được đem xuyên qua Ấn-độ cung cấp các đề tài về quan điểm của Đồng Minh. Cũng có những cuốn về VE Day [Viết tắt của chữ “Victory in Europe Day” tức là ngày Đức đầu hàng Đồng Minh: 7 và 8 tháng 5 năm 1945], về lễ đăng quang của vua George đệ lục của nước Anh và Phim của soạn giả Laurence Oliver về tác phẩm của Shakespeare “Henry V”, cũng như là một số phim không lời của Charlie Chaplin.
Sự đam mê của tôi về khoa học bắt đầu từ công nghệ, và dĩ nhiên tôi đã không phân biệt được khác nhau giữa hai phạm trù này. Khi gặp Harrer, người biết nhiều về cơ khí hơn bất kì ai mà tôi biết ở Lhasa, tôi cho là sự tinh thông trong khoa học của ông sẽ sâu sắc như là sự thành thạo của ông ta trên một số đồ vật cơ khí mà chúng tôi có được ở Potala. Thật là tức cười là những năm sau này tôi phát hiện ông ấy không có nền tảng chuyên môn khoa học – Thời đó, tôi nghĩ tất cả đàn ông da trắng đều có hiểu biết sâu sắc về khoa học.
Cảm hứng bởi sự thành công trong việc tháo mở các đồng hồ và sửa máy chiếu phim, tôi có nhiều hoài bão hơn. Đề tài tiếp sau của tôi là tìm hiểu về cơ khí của xe hơi. Người chịu trách nhiệm lái và trông coi những chiếc xe là Lhakpa Tsering; Ông ta là người bộc trực nổi tiếng là nóng nảy. Nếu lỡ bị đụng đầu trong khi làm việc dưới gầm xe thì ông ta sẽ trở nên nóng giận và đập và đụng đầu thêm. Tôi đánh bạn với ông để ông ta cho tôi được kiểm nghiệm máy móc trong khi ông ấy sửa chữa nó và dần dần chỉ tôi cách lái xe.
Một ngày nọ, tôi lén lấy một chiếc Austin ra và lái một mình nhưng lại gây ra một tai nạn nhỏ và làm bể đèn pha bên trái. Tôi đã hốt hoảng về điều mà Babu Tashi, một người chịu trách nhiệm khác về những chiếc xe, có thể nói ra ngoài, nên đã xoay sở kiếm được một đèn pha thay thế, nhưng nó lại là loại thủy tinh không màu, trong khi cái nguyên thủy có màu đục. Sau một ít suy nghĩ, tôi tìm ra giải pháp. Tôi tái tạo màu dục bằng cách phủ lên nó lớp đường chảy. Tôi không bao giờ nghĩ tới nếu Babu Tashi sẽ phát hiện ra. Nếu có, thì ít nhất ông ấy sẽ không bao giờ trừng phạt tôi.
Có một lãnh vực quan trọng của khoa học hiện đại, mà Harrer giúp ích nhiều nhất cho tôi; đó là địa lý. Trong thư viện cá nhân của tôi có một bộ sưu tập các sách về Thế Chiến thứ II, trong đó cung cấp nhiều giải thích chi tiết về sự tham chiến của nhiều nước lớn kể cả Nhật. Những thám hiểm của tôi vào máy chiếu phim, sửa chữa các đồng hồ, và thử lái xe cho tôi một gợi ý sơ lược về thế giới khoa học và công nghệ có thể nói về những điều gì. Ở một mức nghiêm chỉnh hơn, sau khi đã được trao quyền lãnh đạo Tây Tạng ở tuổi 16, việc tôi dấn thân vào các thăm viếng Trung Quốc vào năm 1954 và Ấn Độ vào năm 1956 đã để lại cho tôi một ấn tượng mạnh. Quân đội Trung Quốc đã chiếm đóng nước tôi, và tôi đã tham dự trong một cuộc đàm phán lâu dài và đặc biệt nhằm tìm kiếm cho một sự hoà giải với chính quyền Trung Quốc.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên, khi tuổi gần đôi mươi, đưa tôi đến Trung Quốc, nơi mà tôi gặp chủ tịch Mao, Chu Ân Lai, và các vị lãnh đạo khác của chính quyền. Chuyến viếng thăm quốc gia bao gồm một chuỗi các cuộc tham quan những cánh đồng hợp tác và những công trình công cộng như các đập thủy điện. Đây không chỉ là lần đầu tiên tôi ở trong một thành phố hiện đại với đường xá và xe hơi mà còn là lần đầu tiên tôi gặp gỡ các khoa học gia.
Trong năm 1956, tôi đến Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm 2500 năm đức Phật nhập diệt mà sự kiện chính được diễn ra tại Delhi. Sau đó, thủ tướng Ấn, ngài Jawaharlal Nehru [6] trở thành như là một cố vấn và một ngưòi bạn, cũng như là người tiếp nhận tôi tỵ nạn. Nehru là người có đầu óc khoa học; Ngài nhìn thấy tương lai Ấn Độ trong khuôn khổ phát triển về kỹ nghệ và công nghiệp và có tầm nhìn sâu sắc về sự tiến bộ. Sau buổi lễ chính thức kỷ niệm đức Phật qua đời, tôi được tường lãm nhiều nơi của Ấn Độ – không những các thánh địa hành hương như Bodhgaya[7], nơi đức Phật thành đạo, mà cả các thành phố lớn, các nhà máy liên hợp kỹ nghệ, và các đại học.
Sau đó lần đầu tiên tôi gặp gỡ với các nhà truyền giáo đang tìm kiếm một sự tích hợp giữa khoa học và tâm linh như là các thành viên của Theosophical Society [tạm dịch là “Thần Trí Hội”] tại Madras [Thủ phủ bang Tamil Nadu Ấn Độ]. Thần Trí học đã là một phong trào tâm linh quan trọng trong thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 mưu cầu phát triển một sự tổng hợp của tri kiến nhân loại, Đông và Tây, tôn giáo và khoa học. Những nhà sáng lập của phong trào bao gồm Madame Blavatsky và Annie Besant[8] là người Tây Phương nhưng có nhiều thời gian sống tại Ấn.
Ngay cả trước các chuyến đi chính thức như thế, tôi đã nhận biết được rằng công nghệ thật ra là thành quả hay là biểu thị một cách thức đặc trưng của hiểu biết về thế giới. Khoa học là cơ sở của các biểu thị đó. Dù sao, khoa học là dạng đặc biệt của sự truy cứu và là khối kiến thức bắt nguồn từ nó mà hình thành được hiểu biết về thế giới. Vậy nên dù sự đam mê ban đầu của tôi là với các hình thức công nghệ, – tức là dạng khoa học của sự truy cứu hơn là thứ đồ chơi cơ khi hay kỹ thuật đặc thù – đã làm tôi suy gẩm sâu nhất.
Như là kết quả của các mạn đàm với nghiều người, đặc biệt là các khoa học gia chuyên môn về khoa học, tôi nhận thấy nhiều sự tương tự chắc chắn trong tinh thần của việc truy cứu giữa khoa học và tư tưởng Phật giáo – Những sự tương tự mà tôi vẫn còn thấy là nổi bật. Các phương pháp khoa học theo tôi hiểu, xuất phát từ sự quan sát những hiện tượng chắc chắn trong thế giới vật chất dẫn tới một tổng quát hoá về lý thuyết; mà lý thuyết đó tiên đoán được các sự kiện và kết quả sẽ hình thành, nếu các hiện tượng đó được cứu xét trong một cách thức đặc thù; và sau đó kiểm nghiệm lại dự đoán bằng các thí nghiệm. Kết quả được chấp nhận như là một bộ phận của khối kiến thức khoa học rộng lớn hơn nếu thí nghiệm kết xuất ra là đúng và có thể lập lại được. Nhưng nếu thí nghiệm mâu thuẫn với lý thuyết, thì lý thuyết cần phải được điều hợp lại – vì quan sát thực nghiệm của hiện tượng là ưu tiên. Một cách hiệu quả, khoa học chuyển từ kinh nghiệm thực nghiệm qua một tiến trình tư tưởng nhận thức bao gồm sự áp dụng và hoàn thiện trong kinh nghiệm thực nghiệm xa hơn để kiểm tra lại hiểu biết đem đến bởi lập luận. Tôi từ lâu đã giữ sự đam mê về tương quan song song giữa hình thức khảo sát thực nghiệm và những điều mà tôi học hỏi được qua đào tạo trong triết học Phật giáo và tu hành.
Mặc dù Phật giáo đến từ một tôn giáo với các đặc tính của kinh điển và lễ nghi, nói một cách chính xác, trong Phật giáo, thẩm quyền kinh điển không thể có nhiều giá trị hơn một hiểu biết dựa trên lập luận và kinh nghiệm. Thực ra, chính đức Phật, trong một phát biểu nổi tiếng, đã giảm nhẹ thẩm quyền kinh điển của chính những phát ngôn của mình khi Ngài tuyên thuyết với các đệ tử đừng chấp nhận giá trị các lời dạy của Ngài vì chỉ đơn giản dựa trên sự tôn kính đạo sư. Cũng như người thợ luyện vàng dày dạn sẽ kiểm nghiệm sự tinh khiết số vàng của mình thông qua tiến trình thật kỹ càng của sự kiểm tra[9]; đức Phật khuyên nhủ rằng người ta nên kiểm nghiệm sự thật của điều mà Ngài đã dạy thông qua sự kiểm tra lập luận và thử nghiệm cá nhân. Do đó, khi đi đến việc đánh giá sự chân thật của một luận điểm, chiếu theo thẩm quyền lớn nhất là từ kinh nghiệm, tiếp theo là với lập luận, và sau cùng mới là kinh điển. Các đại sư thuộc đại học Nalanda của Phật giáo Ấn Độ, mà từ đó bắt nguồn cho Phật giáo Tây Tạng, đã tiếp tục áp dụng tinh thần của lời khuyên dạy của đức Phật trong việc kiểm tra chặt chẽ và chính xác đối với chính lời dạy của đức Phật.
Có một ý nghĩa mà các phương pháp khoa học và Phật giáo khác nhau: khảo sát khoa học khởi đầu từ thí nghiệm, dùng các dụng cụ để phân tích các hiện tượng bên ngoài, trong khi việc tu hành khởi đầu bằng việc phát triển chú tâm tinh tế, mà sau đó được sử dụng dưới sự kiểm soát tính tự cảnh tỉnh [tỉnh thức] của kinh nghiệm nội tại. Nhưng cả hai cùng chia sẻ chung một cơ bản thực nghiệm mạnh mẽ: nếu khoa học chỉ ra được điều nào đó tồn tại hay không tồn tại (điều này không đồng nhất với việc không tìm thấy điều đó), thì chúng tôi phải thừa nhận điều đó như là một sự thật. Nếu một lý thuyết đã được kiểm nghiệm và tìm thấy là chân thật, thì chúng tôi phải chấp nhận nó. Cũng vậy, Phật giáo phải chấp nhận những sự thật – bất kể là được tìm thấy bởi khoa học hay là bởi tuệ giác thiền định. Nếu khi khảo sát sự việc nào đó, ta tìm thấy lý do và chứng minh được nó thì ta phải thừa nhận điều đó như là thực tại – ngay cả nếu nó mâu thuẫn với một giải thích kinh điển theo nghĩa đen đã lưu giữ ảnh hưởng trong nhiều thế kỉ hay mâu thuẫn với ý kiến quan điểm đã được lưu giữ rất sâu. Vậy nên, một thái độ căn bản chia sẻ chung bởi Phật giáo và khoa học là nguyện ước giữ gìn sự truy lùng thực tại bởi những giá trị thực nghiệm và mong muốn loại bỏ những quan điểm đã lưu giữ lâu đời hay đã được thừa nhận nếu sự tìm tòi của chúng ta thấy ra rằng sự thật thì khác biệt [với thực tại].
Tương phản với tôn giáo, một đặc tính của khoa học thiếu vắng một phương sách tới thẩm quyền kinh điển như là một nguồn các luận điểm chân lý hiệu lực. Tất cả các sự thật trong khoa học phải được biểu thị hoặc thông qua thí nghiệm hoặc thông qua chứng minh toán học. Ý kiến cho rằng điều nào đó phải y như thế, chỉ bởi vì Newton[10] hay Einstein[11] đã nói như vậy thì đơn giản không phải là khoa học. Vậy nên, việc truy cứu phải bắt đầu từ một động thái cởi mở với sự tôn trọng câu hỏi đến nội dung đề tài và tôn trọng điều mà câu trả lời sẽ có thể có, tức là một trạng thái tâm thức mà tôi cho là một chủ trương nghi ngờ lành mạnh. Loại cởi mở này có thể làm cho các cá nhân dễ tiếp thu những thấu hiểu mới và những phát hiện mới; và khi nó được kết hợp với sự truy tầm có tính bản năng của con người cho sự hiểu biết; thái độ này có thể dẫn đến một sự mở rộng sâu xa của chân trời [tri thức] của chúng ta. Dĩ nhiên, điều này không có nghiã là tất cả các nhà thực nghiệm khoa học phải sống với lý tưởng này. Một số người quả có thể vướng mắc trong các mô thức trước đây.
Nói về các truyền thống khảo sát Phật giáo, thì chúng tôi, những người Tây Tạng mang món nợ lớn từ cổ Ấn Độ, nơi ra đời của tư tưởng triết học Phật giáo. Người Tây Tạng luôn luôn nói Ấn Độ là “Vùng đất của những thánh nhân”. Quốc gia này là nơi sinh của đức Phật, và hàng loạt các đại sư Ấn Độ mà các bản luận của họ đã làm khuôn mẫu nền tảng cho tư tưởng triết học và truyền thống tâm linh cho người TâyTạng – như là Thánh giả Long Thụ triết gia thế kỉ thứ 2, ngài Vô Trước ngôi sao sáng thế kỉ thứ 4 và người anh của ông là ngài Thế Thân, ngài Tịch Thiên đại sư giới luật vĩ đại, và ngài Pháp Xứng luận sư thế kỉ 17[12].
Kể từ sau chuyến bay của tôi từ Tây Tạng trong tháng 3 năm 1959, một số lớn người dân Tây Tạng tị nạn và tôi có được duyên may vô cùng để tìm được một nơi trú ngụ thứ hai tại Ấn. Tổng thống Ấn Độ trong những năm đầu tôi tị nạn là Tiến Sĩ Rajendra Prasad[13], một người tâm linh sâu sắc, một học giả luật pháp khả kính. Phó tổng thống, người sau này đã trở thành tổng thống, là Tiến Sĩ Sarvepalli Radhakrishnan[14], ông được biết đến một cách rộng rãi là một học giả triết học chuyên nghệp và tư nhân. Tôi nhớ rõ một lần khi đang giữa một buổi thảo luận về vấn đề triết học, ngài Radhakrishnan trích dẫn một cách không ngập ngừng một bài kệ từ tác phẩm cổ điển “Căn Bản Trung Quán Luận”[15] của thánh giả Long Thụ. Đó là điều đáng ghi nhớ nhất từ khi độc lập vào năm 1947, Ấn Độ đã lưu giữ truyền thống kinh điển vào việc trao quyền lãnh đạo quốc gia cho những nhà tư tưởng đáng lưu ý và những nhà khoa học.
Sau một thập kỷ khó khăn của việc điều tiết, việc giúp đỡ để định cư cộng đồng vào khoảng 80.000 dân tị nạn Tây Tạng trong nhiều bộ phận của xứ Ấn, việc xếp đặt các trường học cho giới trẻ, và việc nổ lực để giữ gìn các truyền thống của một nền văn hoá bị đe dọa [hủy hoại], tôi bắt đầu các cuộc chu du quốc tế ít lâu trước cuối thập niên 1960. Thêm vào đó, để chia sẻ hiểu biết của tôi về các giá trị nhân bản, tán thành hài hoà và hiểu biết giữa các tôn giáo, và vận động cho nhân quyền và tự do của người Tây Tạng, tôi đã có nhiều cơ hội trong những lúc chu du để gặp gỡ các nhà khoa học riêng biệt để thảo luận về mối quan tâm, mở rộng kiến thức và đào sâu hơn bao giờ hết sự hiểu biết của tôi về khoa học và các phương pháp của nó. Ngay cả vào thời gian còn sớm trong thập niên 1960, Tôi đã bàn thảo về nhiều khiá cạnh của giao diện gìữa tôn giáo và khoa học với một số khách thăm viếng có năng lực tại chỗ lưu trú của tôi ở Dharamsala ở miền bắc Ấn Độ. Hai cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất trong thời kì này là với tu sĩ nhà dòng. Thomas Merton[16], là người quan tâm sâu sắc đến Phật giáo và dẫn nhập cho tôi về đạo Cơ Đốc, và học giả về tôn giáo Huston Smith [17]
Chú thích
↑ Charles Alfred Bell: Chính trị gia và là nhà Tây Tạng học sinh tại Calcutta (nay thuộc Ấn Độ). Ông là tác giả của cuốn Portrait of a Dalai Lama, ấn hành 1946. “Charles Alfred Bell”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Sikkim (còn gọi là Sikhim) là một bang thuộc Tây Bắc Ấn-độ trên dãy Himalaya. Nơi đây dân cư thưa thớt, Bắc và Đông giáp Tây Tạng, Tây giáp Nepal và Đông Nam giáp Bhutan. “Sikkim”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Xem thêm về cuộc đời của đức Dalai Lama thứ 13 (1876 – 1933) http://en.wikipedia.org/wiki/Thubten_Gyatso,_13th_Dalai_Lama.
Các tài liệu về việc tiên đoán vận mệnh nước Tây Tạng có thể thể tìm ở rất nhiều nơi. Xin xem thêm:
1. “A History of Modern Tibet, 1913-1951: The Demise of the LamaistState”. Google Books. Resultby Melvyn C. Goldstein, Gelek Rimpoche – 1991 – History – 936 pages — Trang 205 (dùng google tìm từ khoá: “A History of Modern Tibet” will certainly be forced either from within or without)
2. http://www.reversespins.com/buddhistprophecy.html
↑ Đây là tên kiểu xe của nhà thiết kế xe người Anh là Herbert Austin (1866-1941). “Herbert Austin, 1st Baron Austin”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
Kiểu xe Dodge xuất phát từ hãng Dodge Brothers. Sau đó được Walter Chrysler mua lại (1928) Tuy nhiên hiệu Dodge vẩn còn tồn tại cho đến ngày nay. “Walter_Chrysler”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009
↑ Heinrich Harrer (1912 – 2006) nhà leo núi, thể thao, địa lý người Áo. Ông được biết nhiều qua tác phẩm “Seven Years in Tibet” (Bảy năm tại Tây Tạng) –được dịch sang 53 thứ tiếng và chuyển thành phim cùng tên. “Heinrich Harrer”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009
Peter Aufschnaiter (1899 – 1973) là một nhà leo núi, khoa học nông nghiệp, địa lý, và bản đồ người Áo. “Peter Aufschnaiter”. Wikipedia. Truy cập 28/02/2009.
↑ Jawaharlal Nehru (1889 – 1964) là nhà lãnh đạo chính trị quan trọng của đảng Quốc Đại, ông là biểu tượng đặc trưng cho phong trào đấu tranh giành độc lập Ấn Độ khỏi người Anh, là thủ tướng đầu tiên và phục vụ cương vị này lâu nhất của Cộng Hoà Ấn Độ. Ông cũng là hình ảnh chủ chốt trong chính trường quốc tế thời hậu chiến, được xem là lãnh dạo của Phong trào Phi Liên Kết. “Jawaharlal Nehru”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Bodhgaya còn có tên phiên âm là Bồ-đề Đạo tràng, nằm ở vùng Đông Bắc Ấn Độ (24°41′43″ Vĩ tuyến Bắc, 84°59′38″ Kinh Tuyến Đông). Đây là thánh tích hành hương quan trọng nhất của các Phật tử được xếp vào danh mục Di Sản thế Giới của UNESCO.
↑ Có nhiều bài viết mô tả và gìới thiệu về thánh tích này. “Phật Tích và Danh Thắng”. Đạo Phật Ngày Nay. Truy cập 18/02/2009.
Tên thật là Helena Blavatsky (Елена Блаватская) (1831 – 1891), là người gốc Nga sáng lập Thần Trí Hội. “Madame Blavatsky”. Wikipedia. Truy cập 13/01/2010
Annie Wood Besant (1847 – 1933) Người Anh là một thành viên kỳ cựu của Thần Trí Hội, một người đấu tranh cho nữ quyền, mọt tác giả, nhà hùng biện, và người ủng hộ cho Ấn-độ tự trị. “Annie Besant”. Wikipedia. Truy cập 13/01/2010
↑ Lời dạy này được trích từ bản sớ giải Vimalaprabhā về Kālachakra, mặc dù nó cũng thấy xuất hiện trong Kinh tạng Pali. Phần tiếng Sanskrit được trích dẫn trong Tattvasaṃgraha, do D. Shastri biên tập (Vārāṇasī: Bauddhabharari, 1968), k. 3587.
↑ Issac Newton (1643-1727) nhà vật lý, toán học, thiên văn vĩ đại người Anh. Ông là người đặt nền móng cho cơ học cổ điển với việc mô tả luật vạn vận hấp dẫn và các luật của chuyển động trong cơ học cổ điển và nó trở thành bộ môn khoa học chiếm ưu thế trong suốt 3 thế kỉ. Đồng thời với Gottfried Leibniz, ông phát triển giải tích toán học cổ điển tức là các phép vi và tích phân. Các đóng góp của ông được xem là khởi đầu cho nền vật lý cổ điển. “Isaac Newton”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Albert Einstein (1879-1955 — Nobel Vật lý 1921) người gốc Đức, được xem là nhà vật lý xuất sắc nhất trong mọi thời đại. Ông có nhiều đóng góp lớn trong các lĩnh vục khác nhau của vật lý và toán học như vũ trụ học, cơ học, lượng tử, sác xuất thông kê… Ông được biết đến nhiều là do phát minh ra lý thuyết tương đối Hẹp (1905) và thuyết tương đối rộng (1916), cũng như là người nêu ra công thức chuyển hoá giữa khối lượng và năng lượng E=mc2. Tuy vậy, giải Nobel dành cho ông lại không phải do các công trình đó mà là là vì công mô tả luật về hiệu hứng ánh ánh. “Albert Einstein”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Theo nhiều tài liệu thì đức Dalai Lama có nhắc đến các đại sư tài ba Ấn Độ khác (17 vị) đều xuất thân từ truyền thừa Nalanda và đức Dalai Lama cũng xác nhận mình thuộc dòng truyền thừa này. Ở đây, Ngài chỉ nêu gọn vài tên tuổi các đại sư trong dòng truyền thừa. (Số đại sư khác chưa được kể tên là Āryadeva (Thánh Thiên), Buddhapālita (Phật Hộ), Bhāvaviveka (Thanh Biện), Candrakīrti (Nguyệt Xứng), Śāntideva (Tịch thiên), Śāntarakṣita (Tịch Hộ), Kamalaśīla (Liên Hoa giới), Diṅnāga (Vực Long), Vimuktisena (Giải Thoát Quân). Haribhadrā (Sư Tử Hiền), Guṇabhadrā (Đức Quang), và Śākyaprabha (Thích-ca Quang)). Danh tính của các đại sư đã được viết thành kệ. “Illuminating the Threefold Faith: An invocation of the Seventeen Great Scholarly Adepts of Glorious Nalanda”. Dalai Lama 14. Lamrim Tibetan Buddhist Center.Truy cập 18/02/2009. .
Riêng về các đại sư được đề cập:
1.1. Long Thụ (sa. nāgārjuna; bo. klu sgrub ཀླུ་ས ྒྲུབ་), dịch âm là Na-già-át-thụ-na (zh. 那伽閼樹那), thế kỷ 1-2, là một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Sư là người sáng lập Trung quán tông (sa. mādhyamika), sống trong thế kỉ thứ 1-2. Có rất nhiều tác phẩm mang danh của Sư nhưng có lẽ được nhiều tác giả khác biên soạn. Sư cũng được xem là Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ. “Long Thụ”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
1.2. Vô Trước (sa. asaṅga, nghĩa là “không bị ô nhiễm, vướng mắc”), cũng được dịch âm là A-tăng-già, khoảng thế kỷ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy thức tông (sa. vijñānavādin). Sư khước từ quan điểm của Thánh giả Long Thụ (sa. nāgārjuna) về tính Không tuyệt đối và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin). Tương truyền Sư được Bồ Tát Di-lặc trực tiếp giáo hoá. Có một số luận sư cho rằng Di-lặc này là một nhân vật lịch sử với tên Maitreyanatha (sa. maitreyanātha). “Vô Trước”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
1.3. Thế Thân (sa. vasubandhu, bo. dbyig gnyen དབྱིག་གཉེན་), ~316-396, cũng được dịch là Thiên Thân, gọi theo Hán âm là Bà-tu-bàn-đầu, Bà-tẩu-bàn-đậu, là một Luận sư xuất sắc của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) và Duy thức tông (sa. vijñānavādin), được xem là Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Người ta cho rằng Sư sinh tại Peshāwar (địa danh ngày nay), sống tại Kashmir và mất tại A-du-đà (ayodhyā). Sư vừa là em vừa là đệ tử của ngài Vô Trước (sa. asaṅga), người sáng lập phái Duy thức. Vô Trước là người đã khuyến dụ Thế Thân theo Đại thừa. “Thế Thân”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
19.4. Pháp Xứng (sa. dharmakīrti) Một trong những Luận sư quan trọng nhất của triết học đạo Phật, đại điện quan điểm của Duy thức tông (sa. vijñānavādin) và Nhân minh học (sa. hetuvidyā), sống trong thế kỉ thứ 7 (~ 600-650) tại Nam Ấn Độ và là môn đệ của Hộ Pháp(sa. dharmapāla) tại Na-lan-đà. “Pháp Xứng”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Rajendra Prasad (1884 – 963) tổng thống đầu tiên của nước Ấn từ 1948 đến 1950, là lãnh đạo đảng Quốc Đại. “Rajendra Prasad”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Sarvepalli Radhakrishnan (1888-1975), là một triết gia Ấn. Ông được xem là người có công đặt cầu nối giữa các tư tưởng triết học Đông-Tây. Là người du nhập lý tưởng Tây phương vào Ấn và ngược lại Trình bày các các triết lý tôn giáo và tiết học Ấn sang Anh ngữ. Ông là phó tổng thống đầu tiên của Ấn (1962-1967). “Sarvepalli Radhakrishnan”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Căn bản trung quán luận tụng (*) (sa. [mūla-] madhyamaka-kārikā), cũng được gọi là Trung quán luận tụng, hoặc Trung quán luận (sa. madhyamaka-śāstra), được ngài Cưu-ma-la-thập dịch Hán văn. Tác phẩm này còn lưu giữ trong Phạn ngữ. Xem nguyên văn Phạn ngữ và bản dịch Việt của Thích Chân HIền từ bản tiếng Hán của Ngài Cưu Ma La thập
↑ Thomas Merton (1915-1968) Là một trong những tác giả Thiên chúa giáo có nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỉ thức 20, ông thuộc dòng Trappist. “Thomas Merton”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Huston Cummings Smith (1919 –??) là một trong những nhà nghiên cứu về tôn giáo xuất sắc. Tác phẩm của ông mang tên “The World’s Religions” (Các Tôn Giáo của Thế Giới) là một tác phẩm bán được hơn hai triệu bản. “Huston Smith”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
Một trong những người thầy đầu tiên của tôi về khoa học – và là một trong những người bạn khoa học thân cận nhất – là nhà vật lý và triết học người Đức Carl von Weizsäcker [1]một người anh của tổng thống Tây Đức. Mặc dù ông ta tự mô tả mình như là một giáo sư hoạt động triết lý chính trị, vốn được đào tạo trong ngành vật lý, thì trong thập niên 30 von Weizsäcker đã làm phụ tá cho nhà vật lý lượng tử Werner Heisenberg[2]. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên thí dụ truyền cảm và gợi hứng của Weizsäcker như là một người lúc nào cũng lo lắng về các hậu quả của khoa học – đặc biệt là các hậu quả về đạo đức và chính trị. Ông ta theo đuổi một cách không mệt mỏi để ứng dụng sự nghiêm ngặt của truy cứu triết học lên hành vi của khoa học, để thử thách nó một cách liên tục.
Ngoài các cuộc thảo luận không chính thức dài, tôi còn may mắn nhận được một số buổi học chính thức từ von Weizsäcker về các đề tài khoa học. Những điều này tạo nên một kiểu cách không khác chi những buổi chuyển giao tri thức một (thầy) – một (trò), tức là một dạng quen thuộc của việc giảng dạy trong truyền thống Phật giáo của riêng chúng tôi. Có vài dịp, chúng tôi đã có thể xếp riêng hai ngày tròn cho một lần nhập thất khi mà ngài von Weizsäcker hướng dẫn tôi một khoá học cấp tốc về vật lý lượng tử và các hệ lụy triết học của nó. Tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc về lòng tốt – ông dành cho tôi nhiều thì giờ quý báu cũng như sự kiên nhẫn bền bỉ của mình, đặc biệt là khi tôi tự thấy chật vật với một khái niệm khó hiểu nào đó, mà tôi phải thú nhận là cũng không ít tình huống như thế. Von Weizsäcker thường nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương thực nghiệm trong khoa học. Ông ta nói, sự kiện có thể được nhận thức theo hai cách – nó có thể được xảy ra như một hiện tượng hay nó có thể được suy luận ra. Chẳng hạn, một đốm nâu trên một trái táo có thể thấy bằng mắt; đó là xảy ra một cách hiện tượng. Nhưng việc có một con sâu bên trong trái táo là sự kiện mà ta có thể suy luận từ cái đốm và từ hiểu biết tổng quát về các trái táo và các con sâu.
Trong triết học Phật giáo, có một nguyên lý cho rằng các giá trị cho bởi một đề xuất đặc biệt được kiểm nghiệm phải nên phù hợp với bản chất của chủ thể được phân tích[3]. Chẳng hạn, nếu một đề xuất có liên hệ tới các dữ kiện thật có thể quan sát được trong thế giới, bao gồm cả sự tồn tại của chính nó thì qua kinh nghiệm thực nghiệm, đề xuất đó có thể được xác nhận hay bị bác bỏ. Do đó, Phật giáo đặt phương pháp thực nghiệm của việc trực tiếp quan sát lên trên hết. Ngược lại, nếu đề xuất đó quan hệ đến sự tổng quát hoá dẫn xuất từ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới (thí dụ như bản chất ngắn ngủi của cuộc sống hay mối quan hệ tương hỗ của thực tại), thì bởi do nó chủ yếu là một hình thức của suy luận, nên đề xuất có thể được chấp nhận hay bác bỏ. Cho nên, Phật giáo chấp nhận phương pháp suy luận – giống nhiều với mô hình được trình bày bởi von Weizsäcker.
Sau cùng từ quan điểm Phật giáo, còn có một mức xa hơn của thực tại, nó có thể còn bị che mờ đối với tâm thức chưa giác ngộ. Một minh họa truyền thống cho điều này là những vận hành vi tế nhất của luật về nghiệp[4], và câu hỏi lý do nào có rất nhiều chủng loại chúng sinh trên thế giới. Chỉ riêng trong phạm vi này về những lời xác nhận thì kinh điển được trích dẫn như là một nguồn thẩm quyền đúng đắn một cách mạnh mẽ, dựa trên một cơ sở đặc biệt mà đối với các Phật tử, lời tuyên thuyết của đức Phật đã được chứng minh là khả tín trong việc kiểm nghiệm về bản chất của sự tồn tại và lộ trình để giải thoát. Mặc dù nguyên lý về ba phương pháp để kiểm nghiệm – tức là kinh nghiệm trực tiếp, suy luận, và dựa vào thẩm quyền[5] [của kinh điển hay của người đã giác ngộ] – được ẩn chứa trong các phát triển sơ khai nhất của tư tưởng Phật giáo, nó đã được các nhà luận lý học[6] Ấn Độ Vực Long (thế kỉ thứ 5)[7] và Pháp Xứng (thế kỉ thứ 7) là người đầu tiên công thức hoá nó như là một phương pháp luận triết học hệ thống. Trong thí dụ sau cùng này, thì Phật giáo và khoa học rõ ràng có phần chung, vì khoa học, tối thiểu về nguyên tắc, không tiếp nhận bất kì một dạng nào của thẩm quyền kinh điển[8]. Nhưng trong hai phương diện đầu – tức là ứng dụng của kinh nghiệm thực nghiệm và lập luận – có một sự hội tụ to tát giữa hai truyền thống khảo sát. Mặc dù thế, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường hay và có thói quen sử dụng phương pháp thứ ba để kiểm thử lại các luận điểm về thực tại. Chẳng hạn, ta chấp nhận ngày sinh của mình qua chứng thực bằng miệng của những người họ hàng của ta và trong mối quan hệ với chứng thực bằng giấy tờ của giấy khai sinh. Ngay cả trong khoa học, ta chấp nhận các kết quả được công bố bởi những người thực hành trong các tạp chí chuyên môn[9] mà không có sự tái lập thí nghiệm từ chính mình.
Ý hướng của tôi về khoa học một cách không nghi ngờ gì đã trở thành một ý tưởng sâu sắc hơn nhiều nhờ việc gặp gỡ nhà vật lý đáng ghi nhận là David Bohm[10], một trí thức vĩ đại và một người cởi mở nhất mà tôi từng được giao tiếp. Tôi gặp ông ấy lần đầu tại Anh năm 1979 trong lần chuyến đi thứ nhì của tôi thăm châu Âu, và chúng tôi cảm thấy có quan hệ ngay lập tức – dĩ nhiên, sau này tôi tìm ra rằng ngài Bohm cũng là dân tỵ nạn, ông đã buộc phải rời Mỹ trong vụ ngược đãi của thời kì McCarthy[11]. Chúng tôi đã trở thành một đôi bạn tri kỷ và là một cuộc mạo hiểm trí thức chung. Ngài David Bohm đã hướng dẫn cho hiểu biết của tôi về các khía cạnh vi tế nhất của tư tưởng khoa học, đặc biệt là trong vật lý, và vạch ra cho tôi phương diện tốt đẹp nhất của thế giới quan khoa học. Trong khi lắng nghe cẩn thận trong cuộc đối thoại chi tiết với một nhà vật lý như là Bohm hay von Weizsäcker, tôi cảm thấy là mình có thể nắm bắt được các điểm phức tạp của toàn bộ lý lẽ; thật không may, khi các buổi mạn đàm qua đi thì thường không còn gì lớn lao ở lại! Bàn thảo của tôi với Bohm hơn 2 thập niên đã kích khởi tư duy của chính tôi về những cách mà các phương pháp Phật giáo truy cứu có thể quan hệ tới các phương pháp được dùng trong khoa học hiện đại.
Tôi đặc biệt thán phục sự cởi mở hết sức của ngài Bohm đối với tất cả các lãnh vực kinh nghiệm về con người, không chỉ trong thế giới vật chất thuộc chuyên môn của ông mà còn trong tất cả các khiá cạnh chủ quan, bao gồm vấn đề về ý thức. Trong cuộc đối thoại, tôi cảm thấy sự hiện diện của một tâm hồn khoa học vĩ đại sẵn sàng tiếp nhận giá trị của sự quan sát và các thấu suốt từ những cơ chế khác của tri thức hơn là kiến thức khoa học khách quan.
Một trong các phẩm chất riêng biệt mà Bohm là một điển hình chính là sự đam mê và phương pháp triết học cơ bản về việc dẫn xuất của một truy cứu khoa học từ các giá trị của các thí nghiệm suy tưởng. Diễn tả đơn giản là, thực hành này gợi ra một tình huống tưởng tượng trong đó một giả thuyết đặc biệt được thử nghiệm bằng việc kiểm tra các hậu quả mà nó có thể có với các thừa nhận thường được cho là không thể tránh khỏi. Một công lao lớn của Einstein về tính tương đối giữa không và thời gian[12] đã được dẫn xuất từ các giá trị của những thí nghiệm đã được suy tưởng, mà các thí nghiệm đó đã thử thách sự hiểu biết về vật lý trong thời của ông ta. Một thí dụ nổi tiếng là nghịch lý trẻ sinh đôi[13], trong đó một người anh em ở lại trái đất trong khi người kia du lịch trong một phi thuyền không gian với vận tốc đủ gần vận tốc ánh sáng. Với người ở trong con tàu thì thời gian phải nên chậm lại. Nếu người này trở về sau 10 năm thì anh ta phải thấy ra rằng người anh em của mình ở trên trái đất phải già hơn mình một cách đáng kể. Việc đánh giá đầy đủ của nghịch lý này đòi hỏi hiểu biết về các phương trình toán phức tạp vượt khỏi kỹ năng của tôi.
Trong ý hướng đối với khoa học, tôi luôn hứng thú rất mạnh tới phương pháp phân tích vì sự song hành gần gũi của nó với tư tưởng triết lý Phật giáo. Trước khi chúng tôi gặp nhau, Bohm đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu nhà tư tưởng Ấn Độ là Jiddu Krishnamurti[14], và ngay cả tham dự một số cuộc đối thoại với ông ấy. Trong nhiều dịp Bohm và tôi tìm hiểu các cách thức mà phương pháp khoa học có thể quan hệ tới thực hành thiền định, điều mà theo quan điểm Phật giáo là có thực nghiệm tính như nhau.
Ảnh minh họa buồng bọt: Với phát minh buồng bọt này, nhà vật lý và thần kinh sinh học Donald A. Glaser (1926 – ) nhận giải Nobel vật lý (1952). Hình chụp cho thấy qũy đạo của các hạt vật lý trong buồng bọt của Brookhaven National Laboratory.
Mặc dù có cơ sở nhấn mạnh lên thực nghiệm và lập luận tương tự nhau, Phật giáo và khoa học có nhiều khác biệt sâu sắc về cấu trúc của kinh nghiệm thực nghiệm và các hình thức của lập luận được dùng bởi hai hệ thống này. Khi Phật giáo nói về kinh nghiệm thực nghiệm[15], có một sự hiểu biết rộng hơn của chủ trương thực nghiệm bao gồm các trạng thái thiền định cũng như là bằng chứng về các tri giác. Do sự phát triển của công nghệ trong vòng hai trăm năm cuối này, khoa học có thể mở rộng khả năng của các tri giác tới mức không thể tưởng tượng được [so với] trong thời gian trước đó. Do đó, các nhà khoa học có thể dùng mắt trần với sự giúp đỡ của các công cụ mạnh như các kính hiển vi và các kính thiên văn, để quan sát một cách đáng ghi nhận cả hiện tượng trong phút chốc như là các tế bào và các cấu trúc nguyên tử phức hợp, lẫn các kết cấu khổng lồ của vũ trụ. Trên cơ sở về các chân trời rộng mở cho các tri giác thì khoa học đã có thể đẩy lui các giới hạn của sự suy luận xa khỏi mức mà tri kiến nhân loại chưa từng đạt tới. Giờ đây, trong câu trả lời về những dấu vết để lại trong các buồng bọt, các nhà khoa học có thể suy đoán được sự tồn tại của các hạt cấu trúc nên các nguyên tử, bao gồm ngay cả các phần tử bên trong của hạt neutron như là các quark và gluon[16].
Khi còn là đứa bé thí nghiệm với kính thiên văn của đức Dalai Lama thứ 13, tôi có một kinh nghiệm rõ ràng về năng lực của sự suy luận dựa trên quan sát thực nghiệm. Trong chuyện dân gian Tây Tạng chúng tôi kể về thỏ và mặt trăng [Ngọc Thố và Hằng Nga] – Tôi tin rằng người Âu châu thấy một người đàn ông thay vì một con thỏ. Cách nào đi chăng nữa, thì trong một đêm trung thu, khi ánh trăng sáng rõ đặc biệt, tôi quyết định kiểm tra con thỏ bằng kính viễn vọng. Thật ngạc nhiên, tôi thấy cái dáng giống như các bóng đen. Tôi đã hứng thú đến mức yêu cầu hai người trợ giảng đến và nhìn qua kính viễn vọng. Tôi tranh luận rằng sự có mặt của các bóng đen trên mặt trăng là bằng chứng mặt trăng được chiếu rọi bởi ánh sáng mặt trời cùng một cách như là trái đất. Họ trông bối rối nhưng đã đồng ý với nhận thức về các bóng đen trên mặt trăng là không thể nghi ngờ được. Sau đó, khi nhìn thấy các ảnh chụp các miệng hố mặt trăng, nhận ra cùng một hiệu quả – là trong nội miệng hố thì đã có một bóng đen về một phía nhưng không ở phía bên kia. Từ đây, tôi suy diễn rằng phải có một nguồn sáng làm hắt các bóng đen, như là trên mặt đất. Tôi kết luận mặt trời phải là nguồn ánh sáng tạo nên các bóng đen của các hố trên mặt trăng. Tôi đã rất hứng thú khi sau này phát hiện ra điều đó là sự thật.
Nói một cách nghiêm túc, tiến trình lập luận này không hoàn toàn là của riêng Phật giáo hay của riêng khoa học; đúng hơn, nó phản ảnh hoạt động cơ bản của tâm thức con người mà chúng ta sử dụng một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Việc dẫn nhập chính thức về sự suy luận như là một nguyên lý của luận lý học cho các tu sĩ thực tập trẻ tham gia vào việc minh họa về cách mà người ta có thể suy luận về sự hiện diện của lửa từ xa bởi vì nhìn thấy một cột khói bốc lên phía bên kia núi, và từ lửa, ở Tây Tạng sẽ dễ dàng suy ra về sự cư trú của con người. Người ta có thể tưởng tượng một cách dễ dàng về một lữ khách, đói khát sau một ngày dài đi bộ, sẽ cảm thấy sự cần thiết của một tách nước trà. Ông ta thấy khói và do đó suy luận về lửa và chỗ dừng chân, nơi mà ông ta có thể có chỗ trọ qua đêm. Trên cơ sở của sự suy luận này, người lữ khách có thể thoả mãn thèm muốn được uống trà. Từ một hiện tượng quan sát được, một chứng cớ trực tiếp cho tri giác, người ta có thể suy luận đến điều vẫn còn là ẩn số. Hình thức lập luận này thông dụng trong Phật giáo và khoa học.
Trong suốt lần viếng thăm đầu tiên tại châu Âu vào năm 1973, tôi hân hạnh được gặp gỡ một trong tư tưởng vĩ đại của thế kỷ thứ 20, là nhà triết học Sir Karl Popper[17]. Cũng như tôi, Popper đã một lần đào tỵ – khỏi quê hương Vienna [thuộc nước Áo] của ông trong thời kỳ Quốc-xã – và ông ta trở thành nhà phê phán mạnh mẽ lên chủ nghĩa chuyên chế. Nên chúng tôi tìm thấy có nhiều điểm chung. Popper đã cao tuổi khi tôi gặp ông, hơn 70, với mắt sáng và trí óc rất nhạy bén. Tôi có thể đoán ra được ông ta đã phải mạnh mẽ như thế nào trong thời trai trẻ do cảm xúc mạnh mà ông ta lộ ra khi chúng tôi bàn thảo về vấn đề của các chính quyền độc tài. Trong cuộc gặp gỡ này, Popper đã lo lắng nhiều về sự đe dọa ngày càng lớn của chủ nghĩa cộng sản, về hiểm họa của các hệ thống chính trị độc tài, về những thách thức về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, và về sự duy trì của một xã hội cởi mở hơn là việc ông ta thích thú trong sự khám phá các câu hỏi gắn liền đến các mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Nhưng chúng tôi đã bàn thảo đến các vấn đề về phương pháp trong khoa học.
Anh ngữ của tôi đã không tốt như hiện nay, và người thông dịch thì cũng không mấy thành thạo. Không như khoa học thực nghiệm, triết học và phương pháp đòi hỏi nhiều thảo luận hơn nhiều. Kết quả là tôi được lợi ích từ cơ hội gặp gỡ với Popper có lẽ ít hơn là từ các cuộc gặp mặt với những người như là David Bohm và Carl von Weizsäcker. Nhưng chúng tôi trở một tình bằng hữu, và tôi lại thăm ông ta mỗi khi đến Anh, kể cả một cuộc viếng thăm đáng nhớ vào năm 1987 để uống trà ở nhà ông ta tại Kenley, Surrey[18], tôi có một tình cảm đặc biệt với các loài hoa và vườn cây, đặc biệt là hoa lan, và Sir Karl rất tự hào cho tôi tham quan mảnh vườn và nhà kính yêu quý của ông. Lần đó, tôi phát hiện ra ảnh hưởng của Popper lớn như thế nào vào triết lý của khoa học, và đặc biệt là về vấn đề của phương pháp khoa học.
Một trong những đóng góp cơ sở của Popper là việc làm rõ các vai trò quan hệ giữa lập luận quy nạp và lập luận suy diễn trong việc khẳng định và chứng minh một lý thuyết khoa học. Bằng quy nạp, ta có ý xây dựng sự tổng quát hóa từ một chuỗi các thí dụ được quan sát một cách thực nghiệm. Có nhiều kiến thức hằng ngày của chúng về các mối quan hệ của nguyên nhân và hậu quả đều là quy nạp; chẳng hạn, trên cơ sở các quan sát lập đi lập lại về quan hệ tương hỗ giữa khói và lửa, ta tổng quát hoá thành nơi nào có khói thì nơi đó có lửa. Suy diễn thì lại là quá trình ngược lại, dẫn ra từ hiểu biết về sự chân thật tổng quát lên các quan sát riêng biệt. Chẳng hạn, người ta biết rằng tất cả các xe hơi sản xuất tại châu Âu kể từ sau 1995 chỉ sử dụng xăng không pha chì[19], thì khi người ta nghe về một chiếc xe riêng đời 2000 của người bạn, người đó có thể suy diễn rằng xe đó phải dùng xăng không pha chì. Dĩ nhiên, trong khoa học thì các hình thức này sẽ phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là suy luận suy diễn, vì nó bao gồm cả việc sử dụng toán cao cấp.
Một trong những lãnh vực về lập luận mà Phật giáo khác với khoa học thuộc về vai trò của suy diễn. Điều khác biệt nhất của lập luận trong khoa học so với lập luận trong Phật giáo là ứng dụng của nó được phát triển cao trong việc lập luận toán học phức tạp. Phật giáo, như tất cả triết học Ấn-Độ cổ điển khác, một cách lịch sử, việc sử dụng luận lý học được giữ lại rất cụ thể, ở chỗ lập luận không bao giờ tách rời khỏi nột nội dung cụ thể. Ngược lại, việc lập luận toán học của khoa học cho phép một mức độ trừu tượng rất lớn, cho nên hiệu lực hay bất hiệu lực của một lý lẽ có thể được xác quyết đơn thuần trên cở sở của sự đúng đắn của một phương trình toán học. Do đó, trong một ý nghĩa thì tổng quát hoá đạt được thông qua toán học sẽ ở cấp độ cao hơn nhiều mà các hình thức lập luận truyền thống khả dĩ đạt tới. Với thành công tuyệt vời của toán học, thật không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người tin rằng các luật của toán học là tuyệt đối và rằng toán học là ngôn ngữ chân thật của thực tại, chính là bản chất của tự nhiên.
Một trong những khác nhau nữa giữa khoa học và Phật giáo, mà tôi thấy, nằm trong việc thiết lập một lý thuyết có hiệu lực. Ở đây, cũng vậy, phát họa của Popper về nội hàm của một câu hỏi khoa học nghiêm túc là điển hình cho một thấu suốt to tát. Đây là luận điểm khả phản bác[20] của chủ trương Popper, cho rằng mỗi lý thuyết khoa học phải dung chứa trong nó các điều kiện mà qua đó lý thuyết khoa học này có thể trở thành sai. Chẳng hạn, Lý thuyết cho rằng Thượng Đế sáng tạo ra thế giới sẽ không bao giờ là một lý thuyết khoa học vì nó không thể hàm chứa một giải thích về các điều kiện mà qua đó lý thuyết này có thể được chứng minh là sai. Nếu ta tiếp nhận tiêu chuẩn này một cách nghiêm túc, thì nhiều vấn đề liên quan đến sự có mặt của con người như là đạo đức, mỹ thuật, và tâm linh sẽ nằm bên ngoài nội hàm của khoa học. Ngược lại, nội hàm của sự truy cứu trong Phật giáo không có giới hạn về đối tượng. Nó cũng bao hàm cả thế giới chủ thể cũng như là câu hỏi về các giá trị. Nói cách khác, khoa học làm việc với các dữ kiện thực nghiệm nhưng không quan hệ với siêu hình và đạo đức; trong khi Phật giáo, thì truy cứu phê phán lên tất cả ba đối tượng này là cốt yếu.
Chủ thuyết khả phản bác của Popper hoà điệu với một nguyên lý phương pháp luận chủ yếu trong truyền thống triết học Phật giáo Tây Tạng của chính tôi. Chúng ta có thể gọi là “nguyên lý về nội hàm của sự phủ nhận”. Nguyên lý này phát biểu rằng có một sự khác nhau nền tảng giữa hai thuật ngữ “không tìm thấy” và “tìm thấy rằng [nó] không tồn tại”. Nếu tôi tìm kiếm điều gì đó mà thất bại để kiếm ra nó thì không có nghĩa là điều mà tôi đi tìm không tồn tại. Việc không nhìn thấy một sự vật không đồng nhất với việc nhìn thấy sự không tồn tại của nó. Để có được một trùng hợp giữa việc không thấy một sự vật và việc thấy sự không tồn tại của nó, thì phương pháp của việc tìm kiếm và trạng thái của hiện tượng phải tương xứng. Thí dụ, việc không nhìn thấy một con bọ cạp trên trang giấy mà bạn đang đọc là bằng chứng xứng hợp rằng không có con bọ cạp nào trên trang giấy. Vì nếu có một con bọ cạp trên trang giấy này thì nó phải thấy được bởi mắt trần. Mặc dù vậy, việc không thấy acid trong giấy trên đó trang này được in thì không đồng nhất với với việc thấy là giấy này không có acid[21], bởi vì để thấy được acid trong giấy người ta phải dùng các dụng cụ khác hơn là mắt trần. Thêm vào đó, triết gia của thế kỷ 14, Tsongkhapa[22], nhận định tương tự rằng có một sự khác biệt giữa điều bị phủ nhận bởi lập luận và điều không được xác nhận bởi lập luận, cũng như là sự khác biệt giữa điều không thể đứng vững qua phân tích đánh giá và điều bị làm yếu đi bởi sự phân tích như thế.
Sự phân biệt phương pháp luận này có thể dường như tế nhị, nhưng chúng có thể tạo ra những sự phân nhánh quan trọng cho hiểu biết của một người về nội hàm của phân tích khoa học. Chẳng hạn, thực sự khoa học không chứng minh được sự tồn tại của Thượng Đế không có nghĩa là Thượng Đế không tồn tại đối với những người thực hành trong một truyền thống hữu thần. Tương tự, chỉ vì khoa học chưa có chứng minh nào vượt qua được bóng đen của sự nghi ngờ về các chúng sinh đều tái sinh không có nghĩa rằng việc đầu thai không thể xãy ra. Trong khoa học, thực sự cho đến nay việc chúng ta không tìm thấy sự sống trên hành tinh nào ngoài trái đất của ta, không chứng minh được rằng sự sống không tồn tại ở nơi nào khác.
Cho đến giữa thập niên 1980, trong nhiều chuyến đi từ Ấn, tôi đã gặp nhiều nhà khoa học và triết học và đã tham dự nhiều cuộc đàm thoại với họ, kể cả riêng tư và công cộng. Một số trong họ đặc biệt vào lúc ban đầu, đã không dễ chịu. Một lần tại Moscow, ở cao điểm của thời Chiến Tranh Lạnh, tôi có gặp một vài nhà khoa học, khi đó cuộc bàn thảo của tôi về ý thức đã gặp phải sự chống đối ngay lập tức về khái niệm tôn giáo về linh hồn, khái niệm mà họ nghĩ rằng tôi cổ súy. Tại Úc, một khoa học gia đã mở bài diễn trình với một tuyên bố không mấy thân thiện về phương cách mà ông ta ở đó để tự vệ cho khoa học nếu có bất kì tấn công nào từ phía tôn giáo. Mặc dù vậy, năm 1987 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hoạt động của tôi với khoa học. Đó là năm lần đầu tiên hội nghị Mind and Life [23]tiến hành tại nơi tôi trú ngụ là Dharamsala.
Cuộc gặp gỡ này đã được tổ chức bởi nhà thần kinh học người Chi Lê Francisco Varela[24], giảng dạy tại Paris, và nhà thương mãi Hoa Kì Adam Engle[25]. Varela và Engle tiếp cận tôi với một đề xuất là họ sẽ mang đến một nhóm các nhà khoa học từ nhiều lãnh vực mà họ có cảm tình với tinh thần của đối thoại và rằng tôi tiến hành một cuộc bàn thảo không giới hạn và tư nhân không chính thức trong vòng một tuần lễ. Tôi nắm lấy ý kiến này. Đây là một cơ hội hiếm để học hỏi nhiều hơn về khoa học và để khám phá về các nghiên cứu và tiến bộ trong tư duy khoa học. Tất cả những người tham dự ở lần đầu tiên đã rất hứng khởi cho nên tiến trình này đã tiếp diễn cho đến nay với một tuần lễ dài gặp mặt sau mỗi hai năm.
Tôi gặp Valera lần đầu tiên tại một hội nghị ở Áo. Trong cùng năm đó tôi có cơ hội gặp riêng ông và lập tức bắt đầu một tình bạn. Valera là một người gầy ốm, đeo kính, và ăn nói rất mềm mại. Ông tà là sự kết hợp giữa tâm thức lý luận và tế nhị với sự rõ ràng trong biểu thị, khiến cho ông trở thành một nhà giáo tài năng. Ông ta nhận thức triết học Phật giáo và truyền thống thiền định của nó rất nghiêm túc, nhưng trong bài diễn giải của mình, ông lại chuyển tải suy nghĩ hiện có trong dòng tư duy của khoa học theo một cách không tô vẽ và không thiên vị. Tôi không đủ từ để nói lên lời biết ơn của mình đối với Valera và Engle cũng như là Barry Hershey người đã cống hiến một việc làm giá trị lớn là đem các nhà khoa học đến Dharamsala. Tôi được một sự hỗ trợ trong các đối thoại này bởi hai người thông dịch học giả Phật giáo Hoa Kỳ là Alan Wallace và người chuyển dịch của tôi Thupten Jinpa[26]
Trong lần hội nghị Tâm Thức và Đời Sống đầu, tôi đã được nghe trình bày lần đầu tiên một đánh giá lịch sử đầy đủ về các phát triển của phương pháp khoa học ở Phương Tây. Tôi đặc biệt hứng thú vào ý kiến về sự dịch chuyển mẫu hình[27] – tức là những thay đổi nền tảng trong thế giới quan của một nền văn hóa và các tác động của chúng lên mọi khía cạnh của hiểu biết khoa học. Một thí dụ cổ điển là việc chuyển đổi xảy ra ở đầu thế kỷ 20 từ vật lý Newton cổ điển sang thuyết tương đối và cơ học lượng tử. Ban đầu ý niệm chuyển mẫu hình đến như là một cú sốc với tôi. Tôi đã thấy khoa học như là một sự tìm kiếm vô cảm đến chân lý tối hậu về thực tại, trong đó những khám phá mới điển hình cho những bước tiến trong việc góp nhặt và tăng trưởng tri thức về thế giới của nhân loại. Lý tưởng của tiến trình này mà chúng ta có thể đạt tới là giai đoạn cuối cùng của kiến thức đầy đủ và hoàn thiện. Giờ thì tôi được nghe rằng có những phần tử chủ quan[28] tham gia trong sự hình thành của mẫu hình riêng biệt bất kì và rằng do đó có cơ sở để lưu ý trong lời nói về thực tại khách quan hoàn toàn mà khoa học cho phép ta truy cập.
Khi nói chuyện với các nhà khoa học và triết học cởi mở, thì thì rõ ràng họ có một hiểu biết sâu sắc và khoa học và một sự công nhận về các giới hạn của kiến thức khoa học. Đồng thời có nhiều người, cả bên ngoài lẫn bên trong giới khoa học gia có vẻ tin rằng tất cả các khía cạnh của thực tại phải và sẽ rơi vào trong nội hàm của khoa học. Giả định này đôi khi được tạo ra, như là từ các tiến bộ xã hội, khoa học sẽ liên tục phát giác ra những sai lầm của các tín tưởng của chúng ta – đặc biệt là các tín ngưỡng – cho nên một xã hội thế tục giác ngộ có thể dần dần hình thành. Quan điểm này được chia sẻ bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng Marxist, mà tôi phát hiện ra khi quan hệ với các lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa trong thập niên 1950 và trong khoá học của tôi về tư tưởng chủ nghiã Marx[29]tại Tây Tạng. Trong quan điểm này, khoa học được hiểu như là việc làm phản bác nhiều luận điểm của tôn giáo, chẳng hạn như sự tồn tại của Thượng Đế, ơn trời, và linh hồn vĩnh cửu. Và trong khuôn khổ khái niệm này, mọi thứ vốn không được chứng minh hay khẳng định bởi khoa học đều bằng một cách nào đó hoặc là sai hoặc là không quan trọng. Những quan điểm như thế là các giả định triết học phản ảnh một cách hiệu lực các thành kiến siêu hình của người những lập luận của chúng. Tương tự như khi ta phải tránh chủ nghĩã giáo điều trong khoa học, thì chúng ta phải bảo đảm rằng tâm linh cũng không có cùng các giới hạn như vậy.
Khoa học đối diện với khía cạnh đó của thực tại và với kinh nghiệm nhân loại mà nó tự bổ xung bằng một phương pháp riêng biệt về sự truy cứu nhạy cảm với quan sát thực nghiệm, với định lượng và đo lường, với sự lập di lập lại, và với sự kiểm nghiệm chủ quan tương hỗ – tức là có nhiều hơn một người có khả năng lên tiếng “Vâng, tôi cũng chứng kiến cùng một sự kiện. Tôi nhận được cùng kết quả”. Vậy nên, việc nghiên cứu khoa học chính thống bị giới hạn vào thế giới vật lý, bao gồm cơ thể người, các vật thể thiên văn, năng lượng có thể đo được, và cách thức mà các cấu trúc hoạt động. Những tìm tòi thực nghiệm được tiến hành theo cách này sẽ tạo thành cơ sở cho việc thử nghiệm xa hơn và cho các tổng quát hóa mà có thể được kết hợp vào nội dung rộng lớn hơn của tri kiến. Một cách hệ quả, đây là mẫu hình hiện tại của cơ cấu khoa học. Thật rõ ràng mẫu hình này không và không thể nghiên cứu hết tất cả mọi khiá cạnh của thực tại, đặc biệt là về bản chất của sự tồn tại con người. Cộng thêm vào thế giới khách quan vật chất mà khoa học là kẻ thám hiểm bậc thầy, còn có tồn tại thế giới chủ quan của các cảm giác, các xúc động, các tư tưởng, và các giá trị và ước vọng tinh thần dựa trên chúng. Nếu ta đối xử với thế giới này như là nghĩ rằng nó không có vai trò cấu thành trong sự hiểu biết về thực tại, thì ta đã đánh mất sự phong phú về sự tồn tại của chúng ta và hiểu biết của ta sẽ không thể nào toàn vẹn. Thực tế, bao gồm cả sự tồn tại của chính chúng ta, thì phức tạp hơn nhiều so với những điều mà chủ nghĩa duy vật khoa học khách quan cho phép.
Chú thích
↑ Carl Friedrich Freiherr von Weizsäcker (1912 – 2007) nhà vật lý và triết học Đức và là anh ruột của tổng thống Tây Đức Richard von Weizsäcker(1920–) Lĩnh vực nghiên cứu của ông là về Vật lý nguyên tử và hạt nhân. “Carl Friedrich von Weizsäcker”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Werner Heisenberg (1901 –1976) nhà vật lý lý thuyết người Đức ông nghiên cứu trong các lĩnh vự cơ học lượng tử, vật lý hạt nhân, lý thuyết trường lượng tử và vật lý các hạt. Ông được giải Nobel vật lý 1932. “Werner Heisenberg” Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
↑ Đây là một trong 4 nguyên lý của lập luận, (nguyên lý chứng minh hợp lý) trong Phật giáo. Xin xem thêm chi tiết trong dịch phẩm “Tứ Diệu Đế” phần Nghiệp và Thế Giới Tự Nhiên và Phụ Lục 2 Các Quán Chiếu Phật Giáo. Tải về tại: http://rongmotamhon.0fees.net/taive.htm
↑ Nghiệp (sa. karma), là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karma được dịch ý là Nghiệp và cũng được phiên âm là Yết-ma, và đặc biệt có sự phân biệt giữa cách dùng. Một số giải thích chi tiết về nghiệp có thể tìm thấy ở nhiều phần trong dịch phẩm “Tứ Diệu Đế”.
↑ Xem thêm chi tiết về phát biểu của phương pháp suy diễn này trong dịch phẩm “Tứ Diệu Đế”, phụ lục 2 — phần Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ
↑ Bộ môn này trong Phật giáo được gọi là Nhân Minh Học. “Phật học Cơ Bản Tập 4 – GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ NHÂN MINH HỌC PHẬT GIÁO”. BuddhaSasana. Minh Chi.
↑ Trần-na (sa. (mahā-)dignāga, diṅnāga), ~480-540, cũng được gọi theo tên dịch nghĩa là (Đại) Vực Long, là một Luận sư nổi tiếng của Duy thức tông (sa. vijñānavādin, yogācārin). Sư là người cải cách và phát triển ngành Nhân minh học (sa. hetuvidyā). “Trần-na”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Tuy nhiên, việc phủ nhận một cách tuyệt đối các “thẩm quyền” trong khoa học có thể đã không xãy ra hoàn toàn. “Ứng dụng các Nguyên Lý Phật giáo vào Nghiên Cứu và Phát Triển trong Khoa Học”. Làng Đậu. So sánh các ý tưởng khoa học trong lòng tin vào các luận điểm khoa học với ý trưởng lòng tin vào quyền năng kinh điển của Phật học. Thư Viện Hoa Sen. Truy cập 2009.
↑ Từ chữ “peer-viewed Journals” tức là các tạp chí đã được đọc qua và chấp thuận bởi các chuyên gia khác với tác giả trước khi đề tài đó được công bố.
↑ David Joseph Bohm (1917-1992) Nhà vật lý lượng tử Hoa Kỳ, Ông là người có đóng góp lớn vào các lãnh vực vật lý lý thuyết, triết học, và thần kinh học. “David Bohm”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Chủ trương McCathy thuộc vào chiến tranh lạnh với Liên Xô; thời kỳ nghi ngờ và chống cộng mạnh mẽ tại Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1940 cho đến cuối thập niên 1950. Bohm bị nghi ngờ vì trước đó ông có các hoạt động tham gia tổ chức Young Communist League (Liên Minh Cộng Sản Trẻ). “McCathyism”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Đức Dalai Lama đề cập đến kết quả của các thí nghiệm cho thấy sự mâu thuẫn với các hiểu biết về vất lý đương thời. Einstein đã đề xuất thành tuyết tương đối hẹp vào năm 1905 giải thích được các kết quả này. “History of Special Relativity”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Xem thêm chi tiết tính toán:
↑ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) một tác giả và diễn giả nổi tiếng người Ấn về triết học và các đề tài tâm linh. Các chủ đề của ông bao gồm: mục tiêu của thiền định, các mối quan hệ con người, và làm thế nào để tạo ra biến đổi tốt trong xã hội toàn cầu. “Jiddu Krishnamurti”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Thuật ngữ thường dùng trong Phật giáo là chứng ngộ hay chứng nghiệm
↑ Neutron là một hạt cấu trúc thành phần của hạt nhân (thành phần còn lại là proton) Khối lượng neutron hơi lớn hơn proton một ít. “Neutron”. Wikipedia. Truy cập 2009.
Quark là loại hạt vật lý tổng quát tương tác qua 4 loại lực cơ bản (lực hạt nhân, lực điện từ, lực yếu và lực hấp dẫn) và tạo thành một trong hai cấu trúc cơ bản của vất chất (cấu trúc còn lại là lepton). Các quark có thể kết hợp theo những cách đặc biệt để tạo thành proton và neutron. “Quark”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009.
Gluon là hạt cơ bản làm cho các quark tương tác và gián tiếp tạo nên liên kết giữa các proton và neutron trong một nhân nguyên tử. “gluon”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Sir Karl Popper ( 1902 – 1994) là một nhà triết học người Áo, người đề xuất các ý tưởng về một xã hội mở, một xã hội mà ở đó sự bất đồng chính kiến được chấp nhận và đó được xem như một tiền đề để tiến tới việc xây dựng một xã hội hoàn thiện. Ông cũng được xem như là người sáng lập Chủ nghĩa Duy lý phê phán. “Karl Popper”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Kenley, Surrey là một thị trấn nhỏ thuộc phần mở rộng phía nam Luân Đôn, Anh quốc. “Kenley”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Trước đây (trước 1 tháng Giêng 1996 tại Hoa Kì) thì người ta thường pha thêm một lượng nhỏ nguyên tố chì (Pb) — trong dạng hợp chất tetra-ethyl chì — vào trong xăng giảm trừ hiện tượng máy bi tự đánh lửa trong buồng máy (dựa trên các nghiên cứu của. A.H. Gibson và Harry Ricardo ở Anh và Thomas Midgley và Thomas Boyd ở Hoa Kỳ) Nhưng sau đó người ta tìm ra chì có khả năng gây hại cho sức khoẻ và môi trường nên dần dần đã bị cấm hẳn tại các nước phương Tây. Và người ta thay thế nó bởi các chất khác bao gồm aromatic hydrocarbons, ether, và rượu (thường là ethanol hay methanol).”Gasoline”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Từ chữ “falsifiability”. được hiểu là khả năng logíc để cho một khẳng định nào đó trở thành sai bởi một sự quan sát hay bởi một thí nghiệm vật lý. Nói rằng điều gì đó là khả phản bác không có nghiã là điều đó sai mà đúng hơn nó có nghĩa là nếu điều gì đó sai thì ta có thể chỉ ra được bởi quan sát hay thí nghiệm. Một điều mà Popper đi xa hơn là ông khẳng định rằng một lý thuyết là khoa hoc chỉ khi nó là khả phản bác. “Falsifiability”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Từ chữ “acid-free”. Giấy có độ acid trung tính hay kiềm (pH>=7) sẽ có độ bền cao hơn ít bị ngã màu vàng hơn theo thời gian hơn là giấy có độ acid cao (độ pH < 7).
↑ Tsongkhapa (Tibetan: ཙོང་ཁ་པ་; Wylie: Tsong-kha-pa) (1357 – 1419) còn được phiên âm là Tông Khách Ba, tên của ngài được dịch nghĩa là “Người từ thung lũng củ hành”, là một đại sư nổi tiếng và là sơ tổ của tông phái Cách Lỗ (Geluk) một trường phái Phật giáo quan trọng nhất ở Tây Tạng. Ngài còn có Pháp danh là Lobsang Drakpa (Blo-bzang Grags-pa) hay đơn giản là “Je Rinpoche” (Rje Rin-po-che). “Tsongkhapa”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Dịch nghĩa là Tâm thức và Đời sống, Hội nghị này do chính đức Dalai Lama khởi xướng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học về các chuyên ngành khác nhau để tạo nhịp cầu đối thoại, tìm những ứng dụng thực tiễn, và bổ túc giữa khoa học và Phật học. Mind & Life Institute. Truy cập 2009.
↑ Francisco Javier Varela García (1946 – 2001) là nhà sinh học, triết học và thần kinh học. Ông cùng với người thầy là giáo sư Humberto Maturana đưa ra khái niệm tự sinh tồn (autopoiesis) trong sinh học. “Francisco Valera”. Wikipedia. Truy cập 2009. .
↑ Adam Engle là một luật sư, nhà kinh doanh và thầu khoán –Ông hoạt động trong cả hai lãnh vực bất vụ lợi và vụ lợi. Ông là người sáng lập Mind and Life Institute (học viện Tâm Thức và Đời Sống) năm 1990. The Science and Clinical Applications of Meditation. 2003. Mind and Life Instiute. Truy cập 2009..
↑ B. Alan Wallace (1950 – ) là tác giả, dịch giả, thông dịch viên, giáo chức, nhà nghiên cứu và Phật tử người Hoa Kỳ. Ông hoạt động nhiều trong những nghiên cứu về liên hệ giữa khoa học và các lĩnh vực ý thức. B. Alan Wallace. Truy cập 2009.
Thupten Jinpa (1958-) người gốc Tây Tạng là tiến sĩ triết học tại đại học Cambridge, ông là người thông dịch cho đức Dalai Lama từ 1985. Ông cũng là người hiệu đính và chuyển dịch nhiều sách Phật giáo Tây Tạng sang Anh ngữ. “Thupten Jinpa”. Wikipedia. Truy cập 2009.
↑ Từ chữ “paradigm shift”. Khái niệm này được định nghĩa lần đầu tiên bởi Thomas Kuhn. Xem thêm các minh họa về khái niệm dịch chuyển mẫu hình tại “Mẫu Hình”. Wikipedia. Truy cập 2009. .
↑ Một trường hợp khả dĩ của sự chủ quan này có thể tiềm ẩn trong dạng các tiên đề (trong toán học và trong vật lý lý thuyết) được công nhận không có chứng minh. Chẳng hạn, trong mô hình cơ học của Newton, thì tính chủ quan này đã xãy ra qua việc mặc nhiên công nhận thời gian trôi đều và hoàn toàn độc lập với không gian.
↑ Trong khi Lý thuyết tương đối đã loại bỏ điều này để đi đến một nền cơ học tương đối chính xác hơn.
Karl Heinrich Marx (thường được phiên âm là “Các Mác”) (1818 — 1883) là nhà tư tưởng, nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Marx được nhắc đến với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất với những phân tích lịch sử dựa trên thuật ngữ đấu tranh giai cấp, được tổng kết lại trong những lời mở đầu cho Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. “Karl Marx”. Wikipedia. Truy cập 17/02/2009.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.