Phía Sau Nghi Can X
Chương 08 – Phần 1
Tiếng đế giày trượt trên sàn, kèm theo cả những tiếng bật khe khẽ. Đó là những âm thanh đầy hoài niệm với Kusanagi.
Kusanagi đang đứng trước cửa phòng tập thể dục, mắt nhìn vào bên trong. ở khoảng sân đối diện Kusanagi, Yugawa đang cầm vợt với tư thế sẳn sang. So với hồi còn trẻ, cơ bắp của Yugawa có vẻ đã hơi yếu đi nhưng hình thể thì không có gì thay đổi.
Đối thủ của Yugawa hìn như là một sinh viên. Cậu tay đánh rất khá, đỡ được cả những cú hiểm hóc của Yugawa. Cậu sinh viên đập bong. Yugawa ngồi thụp xuống để đỡ. Anh nhăn mặt, thốt ra điều gì đó. Đúng lúc ấy anh nhìn thấy Kusanagi. Sau khi trao đổi vài câu với cậu sinh viên, anh cầm vợt tiến lại gần Kusanagi.
– Hôm nay có chuyện gì thế?
Kusanagi khẽ né người ra sau trước câu hỏi của Yugawa.
– Cậu không phải nói thế chứ. Chính cậu gọi cho tôi. Tôi tưởng có chuyện gì nên mới đến đây.
Điện thoại của Kusanagi vẫn còn lưu cuộc gọi nhỡ của Yugawa.
– Sao cơ? Vậy à? Chẳng có gì quan trọng nên tôi không để lại lời nhắn. Tôi thấy cậu tắt máy nên nghĩ cậu đang bận.
– Lúc ấy tôi đang xem phim.
– Xem phim? Trong giờ làm việc? Vị trí của cậu cũng không tồi đấy nhỉ!
– Không phải vậy. Tôi xem để xác nhận lại chứng cứ ngoại phạm của vụ án hôm nọ. Tôi muốn thử xem bộ phim thế nào. Không làm thế thì sao có thể xác nhận được độ tin cậy những điều mà nghi can nói.
– Dù sao thì đó là vì công việc chứ gì.
– Tôi xem phim vì công việc nên chẳng thấy hay gì cả. Nếu không có việc gì quan trọng thì đáng lẽ tôi không đến thì hơn. Tôi có gọi điện tới phòng nghiên cứu thì thấy bảo cậu đang ở phòng tập thể dục.
– Thôi cậu đã đến đây rồi thì đi ăn cơm với tôi nhé. Mà tôi có chuyện muốn nói với cậu thật đấy. – Yugawa thay giày ở cửa ra vào.
– Thế cuối cùng là có chuyện gì?
– Về vụ đó thôi. – Yugawa nói khi bắt đầu bước đi.
– Vụ đó?
Yugawa dừng lại, chĩa cây vợt về phía Kusanagi: “Về vụ rạp chiếu phim.”
Hai người vào một quán rượu cạnh trường đại học. Hồi Kusanagi còn học ở đây thì quán này chưa có. Họ ngồi vào bàn trong cùng.
– Hai mẹ con nghi can nói là đi xem phim vào hôm mồng mười, tức là hôm xảy ra vụ án. Hôm mười hai, cô con gái có kể chuyện này với bạn cùng lớp. – Kusanagi vừa nói vừa rót bia vào cốc của Yugawa. – Ban nãy tôi vừa mới đi xác minh xong. Tôi đi xem phim là để chuẩn bị cho việc xác minh đó.
– Tôi hiểu lý do cậu đi xem phim. Thế kết quả thăm dò người bạn cùng lớp thế nào?
– Không thể nói được gì. Chẳng có gì là không tự nhiên trong lời khai của cô bé đó. Cô bé tên là Ueno Mika. Đúng là hôm mười hai, Hanaoka Misato có kể cho cô bé nghe chuyện đi xem phim với mẹ. Phim này Mika cũng đã xem nên hai đứa nói chuyện với nhau rất sôi nổi.
– Hai ngày sau vụ án thì cũng đáng quan tâm đấy nhỉ. – Yagawa nói.
– Đúng thế. Bình thường, nếu muốn kể với người bạn cũng từng xem phim thì phải kể ngay hôm sau. Nên tôi nghĩ thế này: liệu có phải ngày xem phim là ngày 11 không?
– Có khả năng đó sao?
– Không thể nói là không có. Chị ta làm việc đến sáu giờ, cô con gái sau khi tập cầu lông xong, nếu về nhà ngay thì sẽ kịp đi xem phim chiếu lúc bảy giờ. Thật ra thì họ có khai là đi xem phim hôm mồng mười sau khi về nhà như thế.
– Cầu lông? Cô con gái có tham gia câu lạc bộ cầu lông à?
– Khi tôi đến nhà họ lần đầu tiên, thấy có vợt treo trong nhà nên tôi biết ngay là cô bé tập cầu lông. Tôi cũng băn khoăn về chuyện tập cầu lông này. Có lẽ cậu cũng biết, đó là môn thể thao mất khá nhiều sức. dù mới cấp II thôi nhưng tập ở câu lạc bộ đã khá vất vả rồi.
– Nếu cô bé chuồn về như cậu trốn làm vừa rồi thì lại là chuyện khác đấy. – Vừa nói, Yugawa vừa lấy miếng konyaku ra từ nồi lẩu rồi chấm vào ớt.
– Cậu đừng ngắt lời tôi. Tóm lại điều tôi muốn nói là ….
– Một cô bé cấp II mệt rã rời sau buổi tập ở câu lạc bộ, ngoài chuyện sau đó đi xem phim, đằng này lại còn đi hát karaoke đến tận khuya nữa thì thật không tự nhiên. Cậu muốn nói thế đúng không?
Kusanagi ngạc nhiên nhìn người bạn. Đó đúng là điều anh muốn nói.
– Nhưng không thể nói là không tự nhiên được. Giả sử như đó là một cô bé có thể lực tốt.
– Ừ thì thế, nhưng trông gầy thế thì thường là không được khỏe.
– Có thể buổi luyện tập hôm đó không mệt chăng. Hơn nữa, các cậu đã xác nhận là họ có đi hát karaoke vào tối mồng mười đúng không.
– Ừ.
– Họ vào quán karaoke lúc mấy giờ?
– Chín giờ bốn mươi phút.
– Công việc ở cửa hàng cơm hộp kết thúc lúc sáu giờ. Hiện trường vụ án ở Shinozaki, nếu trừ thời gian cả đi và về thì thời gian để gây án chỉ có hai tiếng đồng hồ. chẳng phải là không thể sao? – Yugawa khoanh tay, trong khi vẫn cầm đũa.
Nhìn dáng vẻ đó của Yugawa, Kusanagi nghĩ bụng không biết có phải mình đã nói với Yugawa là nghi can đang làm ở cửa hàng cơm hộp hay không.
– Này, sao tự nhiên cậu lại có hứng thú với vụ này thế. Ít khi cậu bảo tôi kể cho nghe tình hình điều tra lắm mà.
– Cũng không đến mức là có hứng thú. Tôi chỉ quan tâm tới vụ này thôi. Tôi khá thích những vụ có chứng cứ ngoại phạm vững chắc.
– Không phải là vững chắc, mà đó là những chứng cứ ngoại phạm khó kiểm chứng. Vì vậy mà chúng tôi hơi gặp khó khăn.
– Nghi can đó không phải vô tội như các cậu nói à?
– Có thể là vô tội nhưng hiện giờ không còn người nào đáng nghi ngờ nữa cả. Hơn nữa, đúng vào tối xảy ra án mạng, họ lại đi xem phim và hát karaoke. Cậu không nghĩ là quá trùng hợp ư?
– Tôi hiểu cậu đang nghĩ gì nhưng cũng cần có những phán đoán dựa trên lý trí. Cậu cũng nên xem xét những phần khác ngoài các chứng cứ ngoại phạm.
– Không cần cậu nói thế thì tôi vẫn đang làm việc nghiêm túc đây. – Kusanagi rút từ trong túi áo khoác đang vắt trên ghế ra một tờ giấy. Anh mở ra và đặt lên bàn. Trong tờ giấy vẽ một người đàn ông.
– Gì đây?
– Chúng tôi đã phác họa lại hình dáng của nạn nhân lúc còn sống. Vài điều tra viên đã cầm bức phác họa này để đi điều tra xung quanh ga Shinozaki.
– À, lại chuyện đống quần áo cháy dở à? Có phải là áo khoác màu xanh nước biển, áo len màu xám, quần màu đen không? Ở đâu chả có người mặc thế.
– Đúng thế! Có rất nhiều người nói là “Hình như tôi có nhìn thấy người đàn ông này”. Nhiều đến mức phát ngấy lên ấy. Mấy cảnh sát đi điều tra giờ cũng chịu thua rồi.
– Tức là hiện giờ không có thông tin gì có ích à?
– Cũng có người nói rằng đã nhìn thấy một người ăn mặc giống như vậy ở gần ga. Một nữ nhân viên văn phòng nhìn thấy anh ta chẳng làm gì cả mà chỉ lang thang ở đó thôi. Chúng tôi có dán bức phác họa này ở nhà ga, chị ta nhìn thấy và báo cho chúng tôi.
– Cũng có những người hợp tác tốt nhỉ. Cậu thử hỏi kỹ hơn người phụ nữ đó xem thế nào.
– Chẳng cần bảo thì tôi cũng hỏi rồi. Nhưng có vẻ người chị ta nhìn thấy khác với nạn nhân.
– Sao cậu biết?
– Ga chị ta nói không phải là ga Shinozaki mà là trước đó một ga, ga Mizue. Khuôn mặt cũng khác. Khi chúng tôi đưa ảnh nạn nhân cho chị ta xem thì chị ta bảo hình như mặt anh ta tròn hơn.
– Mặt tròn?
– Ừ, công việc của bọn tôi cứ luôn đi vào ngõ cụt như vậy đó. Không như công việc của cậu chỉ cần đúng lý thuyết là được công nhận. – Kusanagi vừa nói vừa dùng đũa hốt nốt những miếng khoai tây đã bị vỡ.
Yugawa không phản ứng gì trước câu nói của Kusanagi. Khi Kusanagi ngẩng lên thì thấy Yugawa đang nhìn vào không trung, hai bàn tay khẽ lồng vào nhau. Kusanagi biết rõ hình ảnh này của nhà vật lý mỗi khi anh phải suy nghĩ điều gì.
Ánh mắt của Yugawa dần dần tập trung hơn. Rồi ánh mắt đó quay về phía Kusanagi.
– Mặt của nạn nhân bị đập nát đúng không?
– Đúng vậy. vân tay cũng bị đốt sạch. Có vẻ như hung thủ không muốn cảnh sát tìm ra tung tích nạn nhân.
– Hung thủ dùng vật gì để đập nát mặt nạn nhân?
Sau khi nhìn quanh không có ai, Kusanagi chồm hẳn người lên bàn và nói:
– Chúng tôi chưa phát hiện được nhưng có lẽ hung thủ đã chuẩn bị búa hay cái gì đó tương tự. Hung thủ dùng cái đó đập nhiều nhát vào mặt nạn nhân để làm vỡ xương. Răng và cằm cũng bị đập nát nên chúng tôi không thể đối chiếu với bệnh án bên nha khoa.
– Hung thủ dùng búa à… – Yugawa vừa dùng đũa để xắn củ cải trong nồi lẩu vừa lẩm bẩm.
– Thì sao cơ? – Kusanagi hỏi.
– Giả sử người phụ nữ ở quán cơm hộp đó là hung thủ, cậu thử nghĩ xem, ngày hôm đó chị ta sẽ hành động thế nào? Cậu cho rằng việc đi xem phim là nói dối.
– Tôi không cho rằng đó là nói dối.
– Được rồi. Thế kể cho tôi xem suy luận của cậu thế nào. – Yugawa giơ một tay lên ra hiệu, tay kia cầm cốc bia lên uống.
Kusanagi nhăn mặt. Anh liếm môi.
– Cũng không hẳn là suy luận, nhưng tôi nghĩ thế này… Người phụ nữ làm ở cửa hàng cơm hộp… mà thôi, cứ gọi là chị A cho tiện. Chị A làm việc xong và ra khỏi cửa hàng lúc hơn sáu giờ. Từ cửa hàng đi bộ đến ga Hamacho mất khoảng mười phút. Chị ta đi tàu điện ngầm tới ga Shinozaki mất khoảng hai mươi phút nữa. Giả sử từ Shinozaki, chị ta đi xe buýt hoặc taxi đến gần hiện trường vụ án là song Edogawa thì chắc chắn bảy giờ chị ta đến nơi.
– Thế lúc đó nạn nhân làm gì?
– Nạn nhân cũng đang trên đường đến hiện trường. Có thể anh ta hẹn với chị A. tuy nhiên để đến ga Shinozaki, nạn nhân lại dùng xe đạp.
– Xe đạp?
– Đúng. Bên cạnh xác nạn nhân có một chiếc xe đạp. Dấu vân tay trên xe trùng với dấu vân tay của nạn nhân.
– Vân tay? Chẳng phải là vân tay đã bị đốt hết à?
Kusanagi gật đầu.
– Chúng tôi xác định được dấu vân tay sau khi tìm được tung tích của nạn nhân. Ý tôi là trùng với dấu vân tay thu được ở căn phòng nạn nhân thuê. À, tôi hiểu điều cậu định nói rồi. Nghĩa là dù có thể chứng minh người thuê phòng sử dụng xe đạp nhưng chưa chắc đó là nạn nhân đúng không? Có thể thủ phạm chính là người thuê phòng và sử dụng chiếc xe đạp đó. Nhưng tôi cũng đã kiểm tra mẫu tóc tìm được ở phòng trọ. Nó trùng với tóc của nạn nhân. Hiện bọn tôi cũng đang kiểm tra AND.
Yugawa nhăn mặt trước kiểu nói nhanh của Kusanagi.
– Hiện tại tôi không nghĩ là cảnh sát có nhầm lẫn gì trong việc xác định tung tích nạn nhân. Tôi quan tâm tới chi tiết là chiếc xe đạp kia. Nạn nhân để xe đạp ở ga Shinozaki à?
– À chuyện đó thì…
Kusanagi kể cho Yugawa chuyện về chiếc xe đạp bị mất cắp.
Sau cặp kính gọng vàng, đôi mắt Yugawa mở to chăm chú.
– Nghĩa là nạn nhân mất công lấy trộm xe đạp ở ga để đi đến hiện trường mà không đi xe buýt hay taxi?
– Đúng vậy. Chúng tôi điều tra và biết được nạn nhân đang thất nghiệp, hầu như không có tiền. Có thể anh ta tiếc cả tiền đi xe buýt chăng?
Yugawa ngồi khoanh tay, gương mặt có vẻ không hài lòng. Hơi thở anh phả mạnh từ đằng mũi.
– Được rồi. Như vậy chị A và nạn nhân gặp nhau tại hiện trường. Cậu kể tiếp đi.
– Mặc dù có hẹn gặp nhưng chị A trốn ở đâu đó. Khi thấy nạn nhân xuất hiện, chị ta nhẹ nhàng lại gần từ phía sau. Chị ta quàng chiếc dây thừng vào cổ nạn nhân và siết thật mạnh.
– Khoan đã. – Yugawa giơ một tay ra hiệu. – Nạn nhân cao bao nhiêu?
– Khoảng hơn một mét bảy. – Kusanagi trả lời, cố kiềm chế cảm giác muốn tặc lưỡi. anh hiểu Yugawa muốn nói gì.
– Còn chị A?
– Khoảng một mét sáu gì đó.
– Nghĩa là chênh nhau hơn mười centimet. – Yugawa chống cằm, nhếch môi. – Cậu hiểu ý tôi muốn nói rồi chứ?
– Đúng là khó mà thắt cổ được người cao hơn mình. Từ góc của vết thắt trên cổ nạn nhân thì rõ ràng là nạn nhân bị thắt cổ từ trên. Tuy nhiên cũng có thể lúc đó nạn nhân đang ngồi, ngồi trên xe đạp chẳng hạn.
– Ra thế? Cậu đang ngụy biện đấy à?
– Đó không phải là ngụy biện. – Kusanagi đấm xuống mặt bàn.
– Thế còn sau đó? Hung thủ cởi quần áo nạn nhân, dùng chiếc búa mang theo đập nát mặt nạn nhân và dùng bật lửa đốt sạch các vân tay. Rồi sau đó đốt quần áo và chạy khỏi hiện trường. Đúng thế không?
– Vậy thì việc có mặt ở Kishincho lúc chin giờ là không thể.
– Về mặt thời gian thì đúng là không thể. Cách suy luận đó có quá nhiều điểm vô lý. Không phải là tất cả mọi người ở đội điều tra đồng ý với suy nghĩ đó của cậu đấy chứ?
Kusanagi bặm môi, uống cạn cốc bia. Anh gọi thêm bia với người phục vụ đi ngang qua, sau đó quay về phía Yugawa.
– Nhiều người trong đội cho rằng phụ nữ thì không thể làm được việc đó.
– Có lẽ thế. Dù có tấn công bất ngờ đi nữa nhưng nếu người đàn ông chống cự thì không thể nào thắt cổ được anh ta. Mà người đàn ông đó chắc chắn sẽ chống cự. Ngay cả việc xử lí cái xác cũng là khó đối với một phụ nữ. Đáng tiếc là tôi không thể tán thành với ý kiến này.
– Tôi cũng nghĩ cậu sẽ nói thế. Bản thân tôi cũng không tin suy luận này là đúng. Tôi chỉ nghĩ đó là một trong nhiều khả năng thôi.
– Cậu nói như thể còn có ý tưởng khác nữa ấy. Đến đây rồi thì cậu đừng giấu nữa. Thử kể cho tôi nghe giả thiết khác xem nào.
– Không phải tôi giấu gì cả. giả thiết tôi vừa nói ở vào trường hợp nơi tìm thấy cái xác là hiện trường vụ án. Cũng có thể có trường hợp giết ở một nơi khác và đem vứt tại hiện trường. hiện giờ có nhiều người trong tổ điều tra nghiêng về giả thiết đó. Tạm gác chuyện chị A có phải là thủ phạm hay không sang một bên.
– Chẳng phải thông thường thì sẽ nghĩ theo cách đó là gì. Nhưng sao lại không cho đó là giả thiết đầu tiên. Tại sao thế?
– Đơn giản thôi. Nếu chị A là thủ phạm thì không có chuyện đó. Chị ta không có xe ô tô. Vả lại chị ta cũng không biết lái xe. Như vậy là không có cách gì để chở cái xác.
– Ra vậy. Đó là điều không thể bỏ qua.
– Ngoài ra còn chuyện về chiếc xe đạp ở hiện trường nữa. Có thể coi đấy là cách ngụy trang rằng đó là nơi xày ra vụ án nhưng nếu thế thì việc để lại dấu vân tay ở hiện trường chẳng còn ý nghĩ gì nữa. Vì dấu vân tay ở trên thi thể đã bị đốt cháy hết.
– Đúng là chiếc xe đạp đó vẫn còn là một dấu hỏi, theo tất cả các nghĩa. – Yugawa gõ năm đầu ngón tay trên mép bàn như thể đang chơi đàn piano. Anh dừng lại và nói: “Dù sao thì cũng nên nghĩ theo hướng thủ phạm là nam giới nhỉ.”
– Phần lớn mọi người trong đội điều tra đều nghĩ vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là tách riêng chị A ra.
– Nghĩa là chị A có đồng phạm là nam giới?
– Hiện giờ bọn tôi đang thanh lọc những người xung quanh chị ta. Trước kia chị ta từng là tiếp viên nên rất có khả năng có mối quan hệ với đàn ông.
– Tiếp viên cả nước này mà nghe cậu nói thế chắc sẽ nổi khùng lên mất. – Yugawa nhăn mặt cười và uống bia. Nhưng rồi nét mặt anh trở lại nghiêm nghị: “Cho tôi xem bức phác họa ban nãy được không?”.
– Cái này á? Kusanagi đưa bức phác họa quần áo của nạn nhân ra.
Yugawa nhìn bức ảnh, lẩm bẩm:
– Hung thủ cởi quần áo nạn nhân ra để làm gì nhỉ?
– Có lẽ là để che giấu tung tích nạn nhân chăng?
– Nếu thế thì chỉ cần đem quần áo đi thôi là được. Vì quần áo không cháy hết nên cảnh sát vẽ lại được quần áo như thế này.
– Chắc do hung thủ vội quá.
– Từ trước tới giờ, ngoài ví và bằng lái xe ra, có xác định tung tích bằng quần áo và giày không? Việc cởi quần áo của nạn nhân có rủi ro rất lớn. Trong khi hung thủ muốn chạy trốn càng sớm càng tốt.
– Tóm lại ý cậu là sao? Có lý do khác để hung thủ cởi quần áo nạn nhân?
– Tôi không thể khẳng định. Tuy nhiên giả sử như có, nếu chưa tìm ra được điều đó thì các cậu không thể bắt được hung thủ đâu. – Yugawa di ngón tay vẽ một dấu hỏi lớn trên bức phác họa.
Kết quả thi cuối kì môn toán của lớp ba khối mười một vô cùng thảm hại. Không chỉ có lớp ba mà cả khối mười một đều rất tệ. Ishigami cảm thấy cứ mỗi một năm, khả năng động não của học sinh lại càng kém đi.
Sau khi trả bài đi. Ishigami thông báo lịch thi lại. Ở trường này, tất cả các môn đều có một mức giới hạn điểm tối thiểu, học sinh nếu không đạt được mức điểm đó thì sẽ không được lên lớp. Tất nhiên là trên thực tế, các kì thi lại được tổ chức rất nhiều lần nên chẳng có mấy học sinh bị ở lại lớp.
Học sinh tỏ vẻ không thích khi nghe thấy lịch thi lại. Đó là phản ứng thường thấy nên Ishigami không quan tâm. Tuy nhiên có một học sinh nói vọng về phía Ishigami.
– Thưa thầy, có những trường đại học không thi đầu vào bằng môn toán. Ai thi vào những trường đó thì điểm môn toán thế nào mà chẳng được hả thầy.
Ishigami nhìn về phía có tiếng nói. Cậu học sinh tên là Morioka. Cậu ta đưa tay gãi gãi gáy và nói với các bạn xung quanh: “Mọi người nhỉ!”
Tuy không phải là giáo viên chủ nhiệm nhưng Ishigami cũng biết cậu Morioka nhỏ con này là thủ lĩnh của lớp. Cậu ta bị nhắc nhở nhiều lần vì lén dùng xe máy đi học.
– Em sẽ thi trường như thế hả Morioka? – Ishigami hỏi.
– Nếu thi thì em sẽ chọn trường như thế tuy bây giờ em chưa muốn học lên đại học. Nhưng dù thế nào thì lên lớp mười hai, em sẽ không học môn toán nữa. Điểm toán sẽ chẳng quan trọng gì đối với em. Ngay cả thầy cũng mệt vì phải dạy những đứa dốt như bọn em rồi. Thôi thì chúng ta, nói thế nào nhỉ, hãy cư xử như người lớn với nhau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.