Phía Sau Nghi Can X

Chương 01 – Phần 1



Bảy giờ ba mươi lăm phút sáng, như thường lệ. Ishigami rời khỏi căn hộ. Đã sang tháng Ba nhưng trời vẫn còn se lạnh. Anh quấn khăn kín cằm rồi mới bước ra ngoài. Trước khi bước xuống đường, Ishigami đưa mắt nhìn chỗ để xe đạp. Có vài chiếc đang dựng ở đó nhưng không có chiếc màu xanh lá cây mà anh quan tâm

Đi được khoảng hai mươi mét về phía Nam, anh ta đến một con đường rộng. Đường Shin-ohashi. Về phía trái, hướng Đông là hướng đi sang quận Edogawa, hướng Tây dẫn đến khu Nihonbashi. Trước Nihonbashi là sông Sumida. Muốn sang bên kia sông phải đi qua cầu Shin-ohashi.

Cách nhanh nhất để tới chỗ làm của Ishigami là tiếp tục đi xuôi về phía Nam. Đi thêm vài trăm mét nữa sẽ đến công viên Kyosumi. Trường cấp III tư thục trước cửa công viên nơi Ishigami làm việc. Anh là giáo viên dạy toán.

Ishigami nhìn đèn tín hiệu giao thông trước mặt chuyển sang màu đỏ rồi rẽ phải. Anh đi bộ về phía cầu Shin-ohashi. Chiếc áo khoác ngoài bay ngược gió. Cho hai tay vào túi áo, anh rảo bước, người hơi cúi về trước

Những đám mây dày phủ kín bầu trời. Màu mây phản chiếu xuống mặt nước nhuốm sông Sumida trong một màu xám đục. Một chiếc thuyền nhỏ đang trôi ngược lên thượng nguồn. Ishigami đi qua cầu để sang bên kia sông, mắt vẫn dõi theo chiếc thuyền

Sang đến bên kia, anh rẽ xuống những bậc thang dưới chân cầu, rồi cứ thế men dọc bờ sông. Hai bên bờ đều có những khoảng đất rộng để người dân vui chơi. Tuy nhiên, chỗ mà các gia đình và các cặp tình nhân thường đi dạo lại là đoạn gần cầu Kyobashi ở mạn trên. Đoạn chỗ cầu Shin-ohashi này thì ngay cả ngày nghỉ cũng hiếm có người qua lại. Lý do là bởi ở đây có cả một khu toàn những căn lều vải bạt xanh của người vô gia cư. Phía bên trên là đường cao tốc nên đây là nơi lý tưởng để tránh mưa bão. Ngược hẳn với bên này, bên kia sông tuyệt nhiên không có bóng dáng của những căn lều màu xanh. Chắc hẳn người vô gia cư có lý do riêng khi tập trung lại với nhau như thế này.

Ishigami lặng lẽ đi qua dây lều bạt xanh. Những căn lều chỉ cao ngang đầu người, có cái chỉ đến thắt lưng. Có lẽ nên gọi đó là những cái hộp thì đúng hơn. Nếu chỉ để ngủ thì thế là đủ. Cạnh mỗi căn lều hay chiếc hộp như vậy đều có những mắc phơi quần áo, như thể ngụ ý rằng chỗ này đích thị là một không gian sinh hoạt.

Một người đàn ông tựa mình vào dãy lan can sát mép đê. Ông ta đang đánh răng. Ishigami hay gặp người đàn ông này. Ông ta cỡ khoảng trên sáu mươi tuổi, mái tóc dài điểm bạc buộc túm phía sau. Có vẻ ông ta không còn ý định làm gì nữa. Nếu ông ta có ý định làm mấy công việc chân tay thì giờ này đã không quanh quẩn ở đây. Những công việc như thế thường được dàn xếp từ sáng sớm. Mà ông ta cũng chẳng có vẻ muốn đến trung tâm giới thiệu việc làm. Giả sử ông ta có được giới thiệu cho công việc nào đó thì cũng không thể phỏng vấn với mái tóc dài thế kia. Vả lại, ở tầm tuổi ấy, khả năng ông ta được giới thiệu việc làm gần như bằng không.

Một người đàn ông khác đang ngồi ép đống vỏ hộp bên cạnh cái “tổ chim” của mình. Từng nhiều lần thấy cảnh này nên Ishigami thầm dặt cho ông ra biệt hiệu là “ông vỏ hộp”. “Ông vỏ hộp” khoảng năm mươi tuổi. Ông ta có đầy đủ các vật dụng cá nhân, thậm chí còn có cả xe đạp mà chắc là chỉ những lúc đi thu lượm vỏ hộp, ông mới phát huy “tính cơ động” của nó. Trong cái không gian tập thể này, vị trí ở khoảng trong cùng thường được coi là đặc biệt. Vì vậy, Ishigami đoán nhiều khả năng “ông vỏ hộp” là “thành viên kỳ cựu” ở đây.

Cách dãy lều bạt không xa, một người đàn ông nữa đang ngồi trên ghế đá. Anh ta mặc một chiếc áo choàng hình như vốn là màu be nhưng do bụi bẩn mà nay đã gần ngả sang màu tro. Bên trong áo choàng, anh ta còn mặc cả áo khoác, rồi cả áo sơ mi trắng nữa. Ishigami đoán có lẽ cà vạt đang nằm trong túi áo choàng. Trong thâm tâm, Ishigami đặt tên cho anh chàng này là “kỹ sư”. Bởi hôm trước, anh có trông thấy anh ta đọc một cuốn tạp chí công nghiệp. Anh ta để tóc ngắn, râu ria cạo nhẵn nhụi. Điều này chứng tỏ anh chàng “kỹ sư” vẫn chưa từ bỏ ý định tìm việc. Chắc hôm nay anh ta lại ra trung tâm giới thiệu việc làm. Nhưng có khả năng anh ta sẽ không tìm được việc. Muốn có việc, đầu tiên anh ta cần phải dẹp bỏ tính sĩ diện đi đã. Ishigami nhìn thấy anh chàng “kỹ sư” xuất hiện ở đây từ khoảng mười hôm trước. Anh ta vẫn chưa quen được với cuộc sống ở nơi này. Anh ta muốn vẽ một đường ranh giới với cuộc sống trong những căn lều bạt xanh kia. Chính vì thế mà dù đang ở đây nhưng anh ta lại không biết làm thế nào để tiếp tục cuộc sống như một kẻ không nhà.

Ishigami tiếp tục đi dọc bờ sông Sumida. Một cụ bà dắt ba con chó đi dạo chỗ cầu Kyoashi. Chúng thuộc giống chó chồn. Mỗi con đeo một chiếc vòng cổ khác nhau, con màu đỏ, con màu xanh, con màu hồng. Bà cụ nhận ra Ishigami khi anh đến gần. Bà khẽ mỉm cười chào. Anh cũng gật đầu chào lại.

– Chào bác. – Ishigami lên tiếng trước

– Chào cậu. Sáng nay trời lạnh thật!

– Vâng, lạnh thật! – Ishigami chau mày

Khi anh đi ngang bà cụ, bà cụ dặn thêm: “Cậu đi cẩn thận nhé”. “Vâng” Anh đáp lại dõng dạc.

Có lần anh nhìn thấy bà cụ xách cái túi của cửa hàng tiện lợi (cửa hàng mở cửa 24/24 có bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, có cả dịch vụ thu tiền điện thoại, điện nước, dịch vụ ATM…). Bên trong túi hình như là bánh sandwich. Chắc đó là bữa sáng của bà. Do vậy nên Ishigami đoán bà cụ đang sống một mình. Ngoài ra, nhà bà cũng không xa đây lắm. Anh đã từng nhìn thấy bà đi dép sandal. Mà đi sandal thì không thể lái xe được. Chồng bà đã mất và hiện giờ bà sống với ba con chó trong một căn hộ chung cư gần đây. Căn hộ khá rộng, đủ chỗ cho ba con chó. Bà không thể chuyển đến sống ở một căn hộ nhỏ hơn cũng chính là vì chúng. Chắc bà đã trả xong tiền mua nhà nhưng vẫn phải trả phí quản lý. Vậy nên bà phải tiết kiệm. Rốt cuộc thì mùa đông này bà không đi thẩm mỹ viện. Đến tóc bà cũng chẳng buồn nhuộm.

Ishigami lên cầu thang chỗ cầu Kyobashi. Muốn đến chỗ làm, anh phải đi qua cây cầu này để sang bên kia. Tuy nhiên anh lại đi theo hướng ngược lại.

Một tấm biển quay ra mặt đường, có chữ đề “Quán Mỹ Nhân”. Đó là biển hiệu của một quán cơm hộp nhỏ. Ishigami mở cánh cửa kính và bước vào trong.

“Xin chào”. Một giọng nói vọng ra từ phía quầy. Dẫu thường hay nghe giọng ấy, nhưng lúc nào nó cũng đem lại cho anh một cảm giác mới lạ. Hanaoka Yasuko, với chiếc mũ trắng trên đầu, đang mỉm cười chào anh.

Trong cửa hàng không có người khách nào ngoài Ishigami. Điều này khiến anh phấn chấn hơn rất nhiều.

– À, cho tôi suất cơm hộp loại thường…

– Vâng, của anh đây. Cảm ơn anh.

Yasuko nói bằng một giọng khá hồ hởi nhưng Ishigami không hiểu điều đó có ẩn chứa gì không. Vả lại anh đang mải nhìn vào ví nên không trông thấy gương mặt chị lúc ấy. Ngoài chuyện mua cơm hộp, anh cũng muốn nói cả những chuyện khác với chị, vì hai người sống cạnh nhà, nhưng anh lại chẳng nghĩ ra được đề tài nào.

Mãi đến lúc trả tiền, anh mới mạnh dạn bắt chuyện: “Hôm nay lạnh thật đấy!” nhưng tiếng mở cửa của một khách hàng đã át câu nói có phần lí nhí của anh. Yasuko liền hướng sự chú ý ra cửa.

Ishigami cầm suất cơm hộp rời cửa hàng. Bây giờ anh mới đi về hướng cầu Kyobashi. Lý do ban nãy anh đi đường vòng chính là vì cửa hàng cơm hộp này.

Qua giờ đi làm buổi sáng, quán Mỹ Nhân bớt bận rộn hơn. Bớt bận rộn hơn ở đây chỉ có nghĩa là không có khách, còn thực ra trong bếp mọi người lại bắt tay vào chuẩn bị cho buổi trưa. Cửa hàng có hợp đồng với vài công ty nên phải mang cơm cho họ trước mười hai giờ. Những lúc không có khách, Yasuko cũng phụ giúp cả việc trong bếp.

Quán Mỹ Nhân có tổng cộng bốn người, kể cả Yasuko. Nấu ăn chính là Yonezawa và vợ là Sayoko. Yonezawa cũng là quản lý chính của cửa hàng. Kaneko, nhân viên làm thêm, phụ trách giao hàng, còn việc bán hàng hầu như do mình Yasuko đảm nhiệm.

Trước khi làm ở quán Mỹ Nhân, Yasuko từng làm việc tại một câu lạc bộ (loại câu lạc bộ nơi khách hàng đến nói chuyện và giải khuây với phục vụ viên hay còn gọi là tiếp viên) ở Kinshicho. Yonezawa là một trong những khách hàng thường xuyên đến câu lạc bộ. Chỉ trước khi Sayoko tức “mama tổng quản” của câu lạc bộ nghỉ việc, Yasuko mới biết Sayoko là vợ của Yonezawa. Chị nghe điều này từ chính miệng Sayoko.

Khách hàng vẫn xì xào về chuyện Sayoko từ một mama của quán bar nay lại là vợ ông chủ quán cơm hộp. Tuy nhiên, theo như Sayoko thì mở quán cơm hộp là ước mơ từ lâu của hai vợ chồng. Sayoko đi làm ở quán bar là để thực hiện ước mơ đó.

Sau khi khai trương quán Mỹ Nhân, Yasuko thỉnh thoảng vẫn ghé qua. Việc kinh doanh có vẻ thuận lợi. Tròn một năm sau ngày khai trương, Yasuko nhận được lời đề nghị đến phụ giúp cho quán. Bởi nếu chỉ có hai vợ chồng Sayoko thì hơi quá sức.

– Yasuko này, em không thể làm cái nghề tiếp viên đó mãi được đâu. Misato rồi cũng sẽ lớn, nó sẽ cảm thấy xấu hổ vì mẹ mình làm tiếp viên. Có thể là chị hơi tọc mạch một chút. – Sayoko nói.

Misato là con gái duy nhất của Yasuko. Cô bé không có bố chăm lo. Yasuko đã ly dị cách đây năm năm. Chẳng cần tới Sayoko nói, Yasuko cũng hiểu không thể làm mãi cái nghề tiếp viên này. Vì Misato thì đương nhiên rồi, và chăng Yasuko còn lo lắng ở độ tuổi này, không biết con được nhận làm tiếp viên đến bao giờ nữa.

Cuối cùng Yasuko nhận lời đến làm ở quán Mỹ Nhân chỉ sau một ngày suy nghĩ. Câu lạc bộ cũng chẳng hề níu kéo. Họ chỉ bảo “ Vậy thì tốt quá”. Còn mọi người xung quanh thì nghĩ rằng chị đang lo lắng cho kết cục của một tiếp viên quá tuổi.

Do căn hộ cũ cách xa quán Mỹ Nhân nên mùa xuân năm ngoái, nhân tiện Misato lên cấp II, hai mẹ con đã chuyển đến căn hộ hiện nay. Khác với trước đây. Công việc hiện giờ của chị bắt đầu từ sáng sớm. Yasuko phải dậy từ sáu giờ sáng, sáu rưỡi ra khỏi nhà rồi đạp xe đến cửa hàng bằng chiếc xe đạp màu xanh lá cây.

– Anh giáo cấp III mọi khi ấy, sáng nay cũng đến chứ? – Sayoko hỏi lúc nghỉ giải lao.

– Có. Ngày nào anh ấy chả đến.

Nghe thấy thế, Sayoko quay sang mỉm cười đầy thích thú với chồng.

– Chị cười gì thế?

– Không, chị không có ý gì xấu đâu. Mà anh giáo đó có vẻ thích em đấy.

– Gì cơ? Yasuko xoay người lại, tay vẫn cầm cốc nước nóng.

– Hôm qua em nghỉ, anh giáo đó không đến đâu. Ngày nào cũng đến, thế mà đúng hôm em nghỉ, anh ấy lại không đến. Em không thấy lạ sao?

– Chỉ là tình cờ tôi.

– Không phải tình cờ đâu… anh nhỉ. – Sayoko quay sang chồng tìm đồng minh

Yonezawa gật đầu cười.

– Theo bà xã nhà tôi thì từ lâu đã thế rồi. Hôm nào cô nghỉ là anh giáo đó không đến. Sayoko nhà tôi đã để ý từ trước, hôm qua chỉ là xác nhận cho chắc thôi.

– Nhưng trừ những ngày nghỉ cố định của cửa hàng ra thì ngày nghỉ của em rất lung tung, có cố định là vào thứ mấy đâu.

– Thế mới càng đáng nghi hơn. Anh giáo đó chẳng phải đang sống cạnh nhà em hay sao. Chị nghĩ anh ta biết em nghỉ hay đi làm là bởi luôn để ý xem em có ra khỏi nhà hay không đấy.

– Nhưng em có gặp anh ta lúc ra khỏi nhà đi làm bao giờ đâu.

– Thì anh ta quan sát em từ đâu đó. Từ cửa sổ chẳng hạn.

– Em nghĩ là không thể nhìn thấy từ cửa sổ.

– Mà thôi, nếu anh ta có tình ý gì thì chẳng bao lâu nữa sẽ nói với cô thôi. Giờ thì cứ thân thiện với anh ta. Dù sao thì nhờ Yasuko mà nhà mình mới có khách quen.

Quả đúng là người có kinh nghiệm làm quen với khách hàng ở Kinshicho nhỉ! – Yonezawa nói như để kết thúc câu chuyện.

Yasuko cười gượng gạo, uống nốt cốc nước cầm trên tay. Chị nghĩ đến anh giáo cấp III vừa được nhắc tới. Anh ta họ Ishigami. Buổi tối hôm mới chuyển đến, chị có sang chào. Hôm đó chị cũng được nghe anh ta giới thiệu về mình là giáo viên cấp III. Anh ta có dáng người thấp đậm, mặt tròn và to. Mái tóc mỏng, được cắt ngắn. Trông anh ta xấp xỉ năm mươi, mặc dù có thể thực tế trẻ hơn thế. Có vẻ anh ta là kiểu người không chú ý đến vẻ bề ngoài, lúc nào cũng mặc những bộ quần áo gần giống nhau. Cả mùa đông này hầu như anh ta toàn mặc áo len màu nâu. Áo len nâu với áo khoác ngoài là trang phục anh ta hay mặc mỗi khi đến mua cơm hộp. Nhưng có vẻ anh ta vẫn giặt quần áo đều vì thỉnh thoảng Yasuko có nhìn thấy quần áo anh ta phơi ngoài ban công. Anh ta sống một mình. Yasuko nghĩ có lẽ anh ta chưa từng kết hôn

Dù vừa được Sayoko nói là anh giáo đó để ý đến mình nhưng Yasuko không hình dung được điều đó nghĩa là thế nào. Đối với Yasuko, những chuyện như thế, chị chỉ coi như vết nứt trên tường. Nghĩa là dù có biết là nó tồn tại, chị cũng chưa bao giờ quá bận tâm, mà cũng chẳng cần phải bận tâm.

Nếu gặp thì chào nhau. Cũng có lần chị trao đổi với anh ta về việc quản lý khu nhà. Yasuko không biết mấy về anh ta. Gần đây, chi mới biết anh ta là giáo viên dạy toán nhờ một lần nhìn thấy chồng tài liệu tham khảo môn toán buộc bằng dây thừng đặt trước cửa nhà anh ta.

Yasuko nghĩ, nếu anh ta không đến mới mình đi chơi thì chưa có vấn đề gì. Nhưng rồi Yasuko chua xót cười một mình. Giả sử con người khô khan cứng nhắc ấy mà đến mời mình đi chơi thì không hiểu anh ta sẽ bắt đầu với bộ mặt thế nào nhỉ?

Cứ đến trưa là cửa hàng khá bận, nhất là tầm hơn mười hai giờ. Ngoài một giờ chiều mới bắt đầu vãn khách. Ngày nào cũng vậy.

Yasuko đang thay băng giấy ở máy tính tiền thì có người kéo cửa bước vào. Yasuko cất tiếng chào rồi ngẩng lên nhìn khách. Ngay lập tức, người chị đông cứng. Mắt chị mở to, miệng không thốt ra được lời nào.

– Trông cô vẫn khỏe mạnh đấy nhỉ. – Người đàn ông vừa cười vừa tiến lại gần. Mắt anh ta đục ngầu.

– Anh… Sao anh lại ở đây?

– Cô không cần phải ngạc nhiên thế đâu. Tôi mà muốn thì sao không tìm được chỗ của vợ mình chứ. – Hai tay đút trong túi áo gió, người đàn ông đưa mắt nhìn quanh cửa hàng như thể đang săn tìm vật gì.

– Bây giờ anh còn cần gì nữa? – Yasuko hạ giọng nhưng vẫn giữ vẻ sắc lạnh. Chị không muốn vợ chồng Yonezawa ở trong bếp nghe thấy.

– Cô đừng có giương mắt lên nhìn tôi như thế. Lâu lắm rồi chúng ta mới gặp nhau, ít ra cô cũng nên mỉm cười, cho dù là không muốn. Phải không nào? – Togashi cười khó chịu.

– Tôi chẳng có việc gì với anh cả. Anh về đi.

– Tôi đến đây là vì có việc đấy. Rất tiếc là tôi có chuyện muốn nói với cô. Cô nghỉ một lát được không?

– Anh hỏi hay thật đấy. Anh không thấy là tôi đang phải làm việc à? – Dứt lời, ngay lập tức chị cảm thấy hối hận vì nói ra câu đó. Nói thế sẽ khiến hắn hiểu rằng nếu không phải làm việc thì chị có thể tiếp hắn ta

– Mấy giờ cô xong việc? – Gã đàn ông liếm môi.

– Tôi không muốn nghe chuyện của anh. Xin anh hãy về đi. Đừng đến đây nữa.

– Lạnh nhạt quá nhỉ!

– Đương nhiên rồi!

Yasuko đưa mắt ra phía cửa. Chị mong sẽ có người khách nào đó vào cửa hàng lúc này, nhưng dường như chẳng có ai.

– Thôi thì đành chịu vậy. Vậy tôi sẽ đến đó nhé? – Gã đàn ông đưa tay gãi gáy.

– Đến đó là đến đâu? – Yasuko linh cảm điều gì không hay.

– Nếu vợ tôi không chịu nghe tôi, tôi chỉ còn cách đến gặp con gái thôi. Trường nó gần đây phải không? – Hắn nói trúng điều mà Yasuko đang lo sợ.

– Anh không được đến gặp con bé.

– Vậy cô hãy chọn đi. Tôi thì thế nào cũng được.

Yasuko thở dài. Giờ đây chị muốn đuổi hắn ra đi cho khuất mắt.

– Tôi làm đến sáu giờ.

– Từ sáng sớm đến sáu giờ cơ à? Cô phải làm nhiều quá nhỉ!

– Chẳng liên quan gì đến anh.

– Vậy sáu giờ tôi quay lại nhé?

– Anh đừng đến đây! Phía trước cửa hàng, bên phả có một ngã tư rất lớn. Chỗ đấy có nhà hàng Family, hãy đến đó lúc sáu rưỡi!

– Được rồi. Cô nhất định phải đến đấy. Nếu mà cô không đến…

– Tôi sẽ đến. Anh đi ngay cho.

– Tôi biết rồi. Cô thật lạnh lùng. – Gã đàn ông đưa mắt quanh cửa hàng một lần nữa trước khi bỏ đi, không quên đóng sầm cửa lại.

Yasuko đặt tay lên trán. Một cơn đau váng vất xuất hiện. Chị thấy buồn nôn. Cảm giác tuyệt vọng từ từ lan tỏa trong lồng ngực.

Tám năm trước, chị kết hôn với Togashi Shinji. Khi đó Yasuko đang làm tiếp viên ở Akasaka. Togashi là một trong những khách hay lui tới nhà hàng nơi Yasuko làm việc. Lúc ấy, Togashi buôn bán xe ô tô ngoại nên khá giàu có. Hắn thường mua cho Yasuko những món quà đắt tiền hoặc dẫn chị đến những nhà hàng sang trọng. Chính vì thế khi nhận được lời cầu hôn, Yasuko cảm thấy như mình là Julia Roberts trong bộ phim “Người đàn bà đẹp”. Yasuko đã thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Chị mệt mỏi với cuộc sống vừa phải đi làm vừa phải nuôi con một mình.

Thời kỳ đầu sau khi cưới, chị sống rất hạnh phúc. Thu nhập của Togashi ổn định nên Yasuko có thể hoàn toàn thoát khỏi nghề tiếp viên. Ngoài ra, hắn cũng rất chiều Misato. Đáp lại, Misato cũng rất cố gắng coi Togashi như bố mình.

Nhưng rồi bỗng chốc, tất cả sụp đổ. Togashi bị công ty sa thải. Người ta phát hiện hắn biển thủ tiền của công ty suốt một thời gian dài. Nhờ ông sếp khéo léo che đậy do sợ bị truy tố về trách nhiệm quản lý nên Togashi không bị kiện ra tòa. Hóa ra hắn chẳng có gì cả. Số tiền hắn ta vung vãi ở Akasaka toàn là tiền bẩn.

Kể từ đó, Togashi thay đổi hoàn toàn. Không, phải nói là hắn bộc lộ bản chất mới đúng. Cả ngày hắn chỉ lang thang hoặc đánh bạc, chẳng chịu làm gì. Hễ Yasuko phàn nàn là lập tức bị hắn đánh đập. Hắn uống rượu nhiều hơn. Luôn luôn say xỉn, ánh mắt lúc nào cũng hằn học.

Yasuko đành quay lại nghề tiếp viên như một kết cục đương nhiên. Nhưng số tiền chị kiếm được đều bị Togashi lấy hết. Thậm chí khu Yasuko định giấu tiền đi, hắn mò đến tận chỗ làm, tự động lĩnh trước tiền lương của chị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.