Bài Học Diệu Kỳ Từ Chiếc Xe Rác
Cam kết thứ năm: Cuộc Sống Không Có “Xe Rác”
Đừng mất công tranh cãi người tốt phải là người như thế nào, mà hãy trở thành một trong số đó.
– Marcus Aurelius Antoninus Augustus
Hãy để cam kết này thấm nhuần trong con người bạn, trở thành phản xạ bản năng trong mọi hành vi ứng xử của bạn. Mỗi ngày.
Chúng ta hãy cam kết tạo dựng một cuộc sống không có “xe rác” và cùng tôn trọng cam kết đó.
9
Sức mạnh của lòng biết ơn
Năng lượng tồn tại và tác động đến mọi sự vật trên trái đất. Dù bạn cho đó là sức mạnh của Thượng Đế, của các thế lực siêu nhiên, của quỷ dữ, hay chính là bản thể của mỗi con người, thì năng lượng đó vẫn tồn tại.
Khi bạn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bày tỏ lòng biết ơn, khi bạn có niềm tin, lòng nhân hậu, và khi bạn chia sẻ thái độ sống tích cực, lạc quan với những người khác, nghĩa là bạn đang cho và nhận năng lượng đó – năng lượng mà tôi gọi là “lòng biết ơn”.
Ngược lại, khi tâm trí bạn quẩn quanh với những điều tồi tệ, hành xử nóng vội, bạn nuôi tính đố kỵ, thường xuyên phàn nàn, chỉ trích, suy nghĩ bi quan, nghĩa là bạn đang phát tán một dạng năng lượng khác. Khi đó, cuộc sống của bạn bị vướng vào vùng ảnh hưởng của thứ năng lượng mà tôi gọi là “rác rưởi”.
Khi bạn ở trong vòng ảnh hưởng của những điều tồi tệ, bạn cảm thấy tự mãn và tin rằng có gì đó không ổn với thế giới bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của bạn. Những người khác đều sai lầm. Tất cả những thứ khác đều có vấn đề. Điểm mấu chốt là đừng để người khác lôi kéo bạn vào những suy nghĩ tiêu cực, cách hành xử tồi tệ. Hãy tỉnh táo để nhận ra cái bẫy bạn đang vướng vào và sau đó nhanh chóng thoát ra khỏi đó.
Mỗi ngày sống đều mở ra cho bạn hai lựa chọn: sống trong vòng ảnh hưởng của lòng biết ơn hay trong vòng ảnh hưởng của “rác rưởi”. Có những hấp lực mạnh mẽ sẽ cuốn bạn đến gần hai lựa chọn trên.
Chọn cách sống nào là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
10
Ảnh hưởng dây chuyền
Một buổi sáng cách đây vài năm, tôi đụng phải một “chiếc xe rác” ngay tại nơi làm việc. Sự cố này khiến tâm trạng tôi trở nên nặng nề suốt cả ngày hôm đó. Kế hoạch trong ngày của tôi đã bị hoãn lại và tôi phải mất nhiều thời gian hơn bình thường để tìm ra các giải pháp cho công việc thường nhật. Tôi bực bội, cáu kỉnh với mọi người. Đến 3 giờ 10 phút chiều, tôi chợt nhớ ra phải đến trại hè tham dự buổi trình diễn của con gái lớn, Eliana, lúc đó mới lên bốn tuổi. Tôi đã hứa với Eliana là sẽ đến dự cùng vợ tôi và em gái nó là Ariela. Từ chỗ tôi đến trại hè phải mất 30 phút lái xe, trong khi chỉ còn 20 phút nữa là bắt đầu buổi trình diễn của Eliana.
Tôi bỏ hết mọi việc ở văn phòng, lao ra bãi đậu xe và phóng như bay trên đường. Tôi lạng lách, liên tục bấm còi, vượt qua đèn vàng. Mỗi tín hiệu đèn đỏ hay bất cứ tay lái nào chạy trước xe tôi tỏ ra chậm chạp đều khiến tôi nổi nóng. Tôi vừa quan sát đường, vừa liếc đồng hồ và không ngớt càu nhàu: “Làm sao mình lại quên khuấy mất việc quan trọng này chứ?”.
Khi đến nơi, tôi lại phải lượn mấy vòng quanh bãi xe đông đúc để tìm chỗ trống. Rốt cuộc, tôi cũng tìm được một chỗ đậu ở một góc rất xa. Tôi vội vàng khóa xe rồi chạy như bay tới hội trường. Nhưng tôi vẫn đến muộn 9 phút và không kịp có mặt trong giây phút con gái tôi trông đợi tôi nhất. Chưa kể trên đường đi đến chỗ ngồi của mình trong hội trường, tôi đã che khuất tầm nhìn của nhiều khán giả, thậm chí giẫm cả lên chân họ.
Trở thành một “chiếc xe rác”
Trên đường đi làm vào sáng hôm sau, tôi cứ miên man suy nghĩ về chuyện đó. Làm sao tôi lại để lỡ giây phút quan trọng ấy, khi Eliana rất cần sự có mặt của tôi? Vì lẽ gì cơ chứ? Cuối cùng thì tôi cũng hiểu: Tôi đã trở thành một “chiếc xe rác” ngay từ khi tôi để cho một “chiếc xe rác” khác “làm bẩn” tâm trạng của tôi. Tôi là một “chiếc xe rác” khi để Dawn và Ariela phải ngồi chờ. Tôi là một “chiếc xe rác” khi giẫm lên chân người khác trong hội trường. Điều tồi tệ nhất là tôi đã bỏ lỡ cơ hội chia sẻ thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với con gái tôi.
Tôi đã nhận lấy “rác rưởi” của người khác và phát tán ra xung quanh, thậm chí cho cả những người tôi yêu thương nhất. Tôi vẫn tự hào cho rằng mình đã biết mọi điều về “chiếc xe rác”, nhưng không hiểu sao tôi vẫn phạm luật.
Lời cam kết nói Không với “xe rác”!
Giờ thì tôi đã hiểu rằng phải thực hiện một cam kết với chính mình. Tôi sẽ không để người khác “xả rác” lên mình, đồng thời ngừng ngay việc xả rác lên người khác. Nhờ việc tuân thủ cam kết đó mà tôi có thể nhận ra khi nào mình đang vượt quá giới hạn để kịp thời điều chỉnh hành vi của bản thân.
Tôi không chấp nhận rác rưởi trong cuộc sống của mình.
Khi gặp phải những chiếc xe rác, tôi không chịu đựng.
Tôi chỉ mỉm cười, vẫy chào, chúc tốt lành và tiếp tục tiến lên.
Và tôi không ném rác rưởi vào những người khác.
Tôi không phải là chiếc xe rác!
Tôi không chấp nhận rác rưởi trong cuộc sống của mình!
Tôi đọc to lời cam kết đó. Tôi chia sẻ nó với cha mẹ, bạn bè, người thân và đồng nghiệp. Tôi dán thông điệp này cạnh bàn làm việc và trên tường của văn phòng.
Sau đó, tôi áp dụng lời cam kết này vào cuộc sống của mình. Mỗi khi bắt gặp những “chiếc xe rác” chắn ngang lối đi, hay khi chợt nhận ra mình đang mang tâm trạng tồi tệ, dù ở nơi làm việc hay ở nhà, tôi liền tự nhủ: “Tôi không ném rác rưởi vào những người khác” hay “Tôi không phải là một chiếc xe rác”. Và tôi luôn nhắc nhở mình rằng: “Tôi không muốn là một chiếc xe rác.”
Tôi nhận ra những thói quen và quyết định tiêu cực đã biến tôi thành một “chiếc xe rác”, hậu quả là tôi đã làm tổn thương chính mình và cả những người khác. Chính vì thế mà tôi cần phải viết ra lời cam kết này.
Khi tôn trọng cam kết của mình, bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Không còn bị đè nặng bởi những thứ “rác rưởi” xấu xa kia, bạn trở nên tự do. Để tận hưởng cuộc sống từng ngày. Để yêu thương và chăm sóc những người thực sự có ý nghĩa với bạn. Và để tập trung vào những mục tiêu quan trọng trong đời bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.