Bài Học Diệu Kỳ Từ Chiếc Xe Rác

Cam kết thứ ba: Đừng Biến Mình Thành “Chiếc Xe Rác”



Thông điệp này như một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho mọi người: Tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng biến thành “chiếc xe rác”, lúc này hay lúc khác. Điều đó xảy ra khi chúng ta ôm giữ trong lòng nỗi tức giận, thất vọng, lo lắng, oán hờn. Đến khi “cái gánh” đó trở nên quá nặng nề, chúng ta ắt phải phát tán “rác” ra môi trường xung quanh như một cách để tự giải thoát.

5

Báo thù là việc làm vô nghĩa

Nhiều người dành cả đời mình để cố gắng trả thù những “chiếc xe rác”. Họ cảm thấy bị sỉ nhục, bị thách thức. Chỉ cần một hành động nào đó không như ý là họ sẽ tìm cách “trả miếng” ngay. Hành động trả thù, hay mới chỉ là ý định trả thù, là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch. Trong một nghiên cứu, 255 sinh viên y khoa đã tiến hành thử nghiệm kéo dài 25 năm trên chính bản thân họ để đo lường mức độ chống đối. Kết quả là những người có hành vi phản kháng mạnh có khả năng mắc bệnh tim cao gấp năm lần so với những người biết kiềm chế hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy, những người có nguy cơ mắc bệnh tim là những người có giọng nói to, ít kiên nhẫn, hấp tấp và dễ nổi nóng.

Hiểm họa trên đường phố

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lái xe trong tâm trạng chịu nhiều áp lực có khả năng gây ra tai nạn chết người cao hơn gấp năm lần so với người bình thường. Chỉ cần lái xe trên đường cao tốc vài ngày liên tục, bạn sẽ được chứng kiến cách người ta “dạy” nhau về luật lái xe. Một số người tỏ ra bất mãn nếu có chiếc xe khác qua mặt họ. Một số khác quá nhạy cảm với những vụ va quệt nhỏ trong quá trình lưu thông. Nếu thấy có người vượt lên mà không bật đèn xin đường, họ sẽ bấm còi inh ỏi, đuổi theo sát đuôi xe kẻ kia, chửi bới điên cuồng hay có những hành vi gây hấn khác.

Hiện tượng tâm lý này có tên gọi là “xung đột hoán đổi”. Hiểu một cách đơn giản, xung đột hoán đổi là trút hết sự thất vọng, bực tức của mình vào người khác, tương tự như ý nghĩa của câu tục ngữ “Giận cá, chém thớt”.

Với những người có xu hướng kìm nén tâm trạng tiêu cực thì một nguyên cớ nhỏ cũng có thể châm ngòi cho cơn thịnh nộ dữ dội. Ngược lại, những người biết cách đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống thì dễ dàng bỏ qua các phiền phức nhỏ nhặt, và nhờ đó mà họ có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Thói quen nguy hiểm

Việc tự “gặm nhấm” nỗi đau chỉ làm chúng ta càng thêm đau đớn. Mỗi lần như thế, chúng ta lại làm trầm trọng hơn những vết thương người khác gây ra, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng lún sâu trong cảm giác tức giận, và hậu quả là chúng ta sẽ luôn giữ thái độ “Ăn miếng, trả miếng”.

Khi bạn coi sự trả thù là mục tiêu sống nghĩa là bạn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là sự an toàn của mọi người, trong đó có cả chính bạn.

Nói cách khác, nếu không biết bỏ qua những “chiếc xe rác”, bạn sẽ đặt người khác và chính mình vào vòng nguy hiểm.

6

Lòng bao dung

Lòng bao dung không phải là hành động đột xuất. Đó là thái độ sống.

– Martin Luther King, Jr.

Tôi dậy sớm để kịp chuyến bay lúc 7 giờ. Tôi rất mệt vì tối hôm trước phải thức khuya để chuẩn bị một loạt bài báo cáo cho cuộc họp hôm sau.

Tại thời điểm đó, tôi đang làm việc cho Yahoo!. Ở sân bay, tôi gặp hai đồng nghiệp và mua cho mỗi người một cốc cà phê. Sau khi lên máy bay, tôi đặt cốc cà phê xuống rồi nhấc chiếc vali để lên ngăn hành lý phía trên.

Tôi và các đồng nghiệp tranh thủ khoảng thời gian bay để xem lại tập tài liệu mang theo. Máy bay hạ cánh, mọi người lục tục đứng lên rồi chen chúc nhau ở cửa ra. Bỗng có một tiếng đàn ông hét lên: “Ai giở trò thế này?”. Tôi nhìn quanh và thấy một người đàn ông to lớn đứng ngay cạnh lối đi. Mọi người xung quanh dạt cả ra.

Ông ta gầm gừ: “Gã chết tiệt nào làm đổ cà phê ra áo khoác của tôi đây?”. Tôi giật mình. Cốc cà phê của tôi đâu rồi? Tôi không thấy đâu cả. Nhìn lại đám đông nhốn nháo, tôi thấy người đàn ông đó vẫn vừa chửi bới om sòm, vừa cầm chiếc áo khoác dính cà phê lem nhem, còn tay kia cầm một chiếc cốc không. Tôi nhận ra ngay cốc cà phê của mình. Tôi chính là thủ phạm mà ông ta đang tìm kiếm. Khi đặt chiếc vali lên ngăn để đồ phía trên, tôi đã tiện tay đặt cốc cà phê ngay bên cạnh, và rồi quên mất, nên nó bị đổ và làm bẩn chiếc áo kia. Thật chả ra sao cả!

Tôi lập tức lên tiếng: “Thưa ông, tôi thành thật xin lỗi. Cốc cà phê đó là của tôi”.

Người đàn ông bước về phía tôi. Mặt ông ta đỏ lên và trông điệu bộ như thể ông ta sắp đánh tôi vậy. “Đồ ngu”, ông ta rít lên qua kẽ răng. Tôi vội nói: “Tôi xin gửi ông tiền giặt áo. Để tôi liên hệ xem dưới sân bay có dịch vụ giặt khô không. Hay để tôi mua đền ông chiếc áo khác. Tất cả là do tôi bất cẩn. Một lần nữa, thật lòng xin lỗi ông”.

Người đàn ông không chấp nhận bất kỳ lời đề nghị nào của tôi. Những hành khách khác nhanh chóng rời khỏi máy bay. Chắc họ cũng muốn tránh xa vụ rắc rối này càng nhanh càng tốt.

Ông ta yêu cầu: “Đưa cho tôi danh thiếp của anh”.

Tôi mở ví và đưa danh thiếp cho ông ta.

“Tôi sẽ tố cáo anh với giám đốc của anh. Anh cứ đợi đấy”. Nói rồi, ông ta bước qua mặt tôi, rời khỏi máy bay, miệng vẫn lầm bầm chửi rủa.

Quả là tôi đã sai. Người đàn ông đó có lý do chính đáng để bực mình. Trông bề ngoài, tôi có thể đoán rằng ông ta đang trên đường đến dự một cuộc họp quan trọng, vậy mà chiếc áo khoác của ông ta lại bị dính cà phê. Tôi là một “chiếc xe rác” cản đường ông ta. Tôi đã đề nghị được sửa chữa những gì tôi đã gây ra. Đó là cách duy nhất tôi có thể làm để chuộc lỗi.

Một câu chuyện khác

Lần ấy, tôi ngồi trong một quán cà phê để đọc lại bản biên tập cuốn sách này. Một người khách trẻ tuổi khi đứng lên đã vô ý để rơi cả cốc cà phê xuống sàn. Cà phê bắn tung tóe, văng cả vào quần và túi xách của một thương gia ngồi ngay bàn bên cạnh. Ông giật mình, vội đứng lên. Một bên ống quần của ông bị ướt, túi xách cũng vậy. Chàng thanh niên vô cùng bối rối. Anh lúng túng xin lỗi vị khách kia. Người thương gia mỉm cười độ lượng và nói: “Ít nhất thì tôi cũng thích mùi cà phê”. Cả hai cùng phá lên cười, rồi mỗi người cầm một vài tờ giấy ăn và bắt đầu lau dọn chỗ cà phê bị đổ.

Lựa chọn cách phản ứng

Mặc dù cả hai trường hợp trên đều liên quan đến cốc cà phê bị đổ, nhưng cách phản ứng của người trong cuộc lại hoàn toàn khác nhau. Điều tôi muốn nói ở đây là dù bạn là người gây lỗi hay bạn là người vô tình gánh hậu quả từ sai phạm của người khác, bạn vẫn có toàn quyền quyết định cách phản ứng của mình.

Cuộc sống luôn chuyển động. Cách bạn kết luận về một sự việc sẽ chi phối cách phản ứng của bạn với sự việc tiếp theo. Cách bạn đối xử với một người sẽ chi phối cách ứng xử của người đó với người khác nữa. Cứ thế, nguồn năng lượng – cả tích cực lẫn tiêu cực – sẽ lan truyền từ người này sang người khác. Khi bạn tha thứ lỗi lầm của một ai đó, bạn đã tạo ra một làn sóng những cảm xúc tốt đẹp. Khi bạn trừng phạt họ bằng lời nói và hành động, bạn đã nhân rộng những cảm giác tiêu cực.

Các nhà tâm lý đã khẳng định rằng khi con người biết cách bao dung hơn, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ được tăng lên đáng kể. Trải nghiệm của lòng bao dung không chỉ là việc được trút bỏ gánh nặng, mà còn là cảm giác đầy hân hoan khi giải quyết được một vấn đề. Đột nhiên, phản ứng “đối đầu” được thay thế bởi cảm giác bình yên, như khi bạn đứng trước một đồng cỏ xanh mướt hay mặt hồ tĩnh lặng.

Bạn có thể chọn cách thể hiện lòng bao dung như vị thương gia trong câu chuyện thứ hai hay phán xét một cách khắc nghiệt như vị hành khách bay cùng chuyến với tôi. Điều đó phụ thuộc vào bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.