Lớp học cuối cùng

Chương 15



TUẦN THỨ NĂM
Tác giả: Mitch Albom
Bấy giờ là tuần lễ đầu tháng Chín, thời điểm tựu trường. Lần đầu tiên sau 35 mùa thu liên tục, không có một lớp học nào trong khuôn viên trường đại học chờ đợi vị giáo sư già của tôi. Thành phố Boston tràn ngập sinh viên. Họ đậu xe san sát hai bên phố, mải miết lôi rương hòm từ thùng xe ra. Và đây, thầy Morrie đang ngồi trong phòng làm việc của mình. Cảnh tượng này thật bất công, nó giống như một cầu thủ bóng đá về hưu lần đầu tiên ngồi nhà xem trận banh qua truyền hình thay vì mặc áo ra sân và bực bội tự nhủ: Mình vẫn đá được kia mà. Từ kinh nghiệm tôi khám phá ra rằng tốt nhất là cứ để mặc họ – những cầu thủ với một thời oanh liệt đã qua – một mình. Đừng nói gì với họ. Thế nên, tôi cũng không nên nhắc nhở thầy Morrie về quỹ thời gian đang teo tóp lại của ông.
Để thu âm những cuộc nói chuyện với thầy Morrie, chúng tôi không sử dụng chiếc micro cầm tay nữa bởi lẽ đối với thầy việc cầm lâu trong tay một vật đã trở nên khó khăn – mà chuyển qua dùng loại micro gắn ve áo rất thịnh hành trong giới phóng viên truyền hình. Tuy nhiên, vì thầy Morrie chỉ mặc áo sơmi vải bông mềm và rộng thùng thình trùm lên cái thân thể đang co rút lại nên chiếc micro cứ tụt xuống treo lủng lẳng và tôi thường xuyên phải đưa tay sửa lại vị trí của nó. Thầy Morrie có vẻ thích thú lắm vì động tác này kéo tôi sát, gần như là muốn ôm lấy thầy. Ở thầy, nhu cầu được tiếp xúc với da thịt sống mạnh hơn bao giờ hết. Khi cúi người về phía thầy, tôi nghe thấy tiếng thở khò khè, tiếng ho nhẹ trong cổ họng thầy, còn thầy khẽ chép môi trước khi nuốt nước bọt.
“Nào, anh bạn của ta”, thầy Morrie cất giọng. “Hôm nay chúng ta sẽ nói chuyện gì?”
“Về gia đình được chứ, thưa thầy?”
“Gia đình”. Thầy nhắc lại và ngẫm nghĩ một thoáng. “Con thấy đó, gia đình ta, tất cả ở bên ta”.
Thầy hất đầu về phía những tấm hình trên giá sách: hình của chính thầy khi còn nhỏ chụp chung với bà ngoại; hình chụp với cậu em trai David khi thầy đã là một thanh niên; hình thầy chụp với vợ, cô Charlotte; hình thầy Morrie chụp với hai người con trai. Rob, một nhà báo ở Tokyo và Jon, một chuyên gia máy tính ở Boston.
“Trong tinh thần những gì chúng ta nói với nhau trong mấy tuần qua, ta cho rằng vấn đề gia đình sẽ trở nên quan trọng hơn”, thầy Morrie nói.
“Sự thật là không có nền tảng nào, không có mảnh đất an toàn nào mà người ta có thể đứng vững trên đó nếu không phải là gia đình. Đối với ta, điều này trở nên hiển nhiên khi ta lâm vào cảnh bệnh tật. Nếu ta không nhận được sự chu cấp, yêu thương, chăm sóc và quan tâm từ phía gia đình, ta sẽ chẳng có gì. Tình yêu là thứ quan trọng nhất, như thi sĩ vĩ đại Auden của chúng ta từng viết ‘Hãy yêu nhau nếu không muốn lụi tàn'”.
“Hãy yêu nhau nếu không muốn lụi tàn”. Tôi chép lại câu thơ. “Auden nói thế thật sao?”
“Hãy yêu nhau nếu không muốn lụi tàn”, thầy Morrie nhắc lại. “Một câu thơ hay, phải không? Và lại đúng nữa. Không có tình yêu chúng ta như những chú chim gãy cánh.
“Nói giả dụ ta đã ly dị, hay sống độc thân hay không có con cái. Căn bệnh này – mà ta đang phải đi qua – sẽ trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Ta không đoan chắc là mình có thể chịu đựng nổi. Chắn chắn là mọi người nào là bạn bè, đồng nghiệp sẽ tới thăm ta. Thế nhưng, điều đó không giống với việc con có một người không bao giờ rời bỏ con, không giống khi con có được một người mà con biết rằng người đó để mắt tới con, luôn theo dõi con.
“Đây là một phần của cái gọi là gia đình. Trong gia đình không chỉ có tình yêu. Gia đình là nơi để các thành viên của nó hiểu rằng có những thành viên khác đang chú ý, trông chừng họ. Đây cũng là thứ mà ta rất thiếu sau khi mẹ ta qua đời và giờ đây ta gọi nó là “sự che chở tinh thần”, tức là khi gia đình của con bảo vệ con. Không gì có thể đem lại cho con sự che chở đó. Tiền bạc? Không. Không phải danh tiếng”.
Thầy nhìn tôi chằm chằm và nói thêm:
“Công việc cũng không nốt.”
Tuy việc lập gia đình có ghi trong một danh sách nhỏ của tôi, nhưng nó là một trong những việc mà chúng ta chỉ muốn giải quyết trước khi quá muộn. Tôi kể cho thầy Morrie về tình thế khó xử của thế hệ chúng tôi trong chuyện có con, rằng chúng tôi thường xem con cái như sợi dây cột chân tay, buộc chúng tôi vào những công việc của các “bậc phụ mẫu” mà chúng tôi không thích. Bản thân tôi cũng chia sẻ những cảm giác như vậy.
Nhìn qua thầy Morrie tôi tự hỏi nếu tôi ở vào tình cảnh của thầy, tức sắp chết, nhưng tôi lại không có gia đình, không con cái thì liệu tôi có chịu nổi sự trống trải hay không? Thầy nuôi dạy được hai cậu con trai trở thành những người biết yêu thương và chăm sóc và cũng giống như thầy, cả hai đều không ngại bày tỏ những cảm xúc của mình. Nếu thầy muốn, các con thầy sẽ ngưng công việc họ đang làm để về ở bên cha từng phút một trong những tháng cuối cùng của thầy. Nhưng đó lại là điều mà thấy không mong muốn.
“Đừng để cuộc sống của các con dừng lại”, thầy dạy. “Nếu không, căn bệnh này sẽ huỷ hoại cả ba chúng ta thay vì mình cha”.
Như vậy dẫu đang chết dần chết mòn, thầy Morrie vẫn tỏ ra tôn trọng những thế giới riêng của con cái. Thế nên, không có gì ngạc nhiên trước dòng thác âu yếm, vô vàn những cái hôn, những câu chuyện đùa vui khi các con thầy ngồi bên giường bệnh, cúi xuống nắm tay cha.
“Hễ người ta hỏi ta về chuyện nên có con hay không, chua bao giờ ta bảo họ phải làm gì”, thầy Morrie nói, mắt nhìn tấm hình cậu con trai cả. “Ta chỉ nói: ‘Trong chuyện này không có cái gọi là kinh nghiệm’. Việc nào cũng vậy. Không có ai có thể thay thế cho con trong tình bạn và tình yêu. Nếu con muốn trải nghiệm cái cảm giác được chịu trách nhiệm về một sinh linh khác, con hãy học cách yêu và ràng buộc với nhau một cách sâu đậm nhất và lúc đó mới nên có con”.
“Thế thầy có định làm lại cuộc đời một lần nữa không?” Tôi hỏi.
Tôi liếc nhìn tấm hình: Rob đang hôn thầy Morrie vào trán, còn thầy đang cười nhắm tít cả hai mắt.
“Ta có định trải nghiệm một lần nữa không à?”, thầy hỏi tôi với ánh mắt ngạc nhiên. “Mitch, ta không muốn đánh mất bất cứ cảm giác nào mà ta đã từng đi qua trong đời, kể cả…”
Thầy nuốt nước bọt và đặt tấm hình vào trong lòng.
“Kể cả khi phải trả một cái giá đau đớn”, thầy nói.
“Vì thầy sẽ rời bỏ họ mà đi”. Tôi tiếp lời.
“Vì ta sẽ sớm rời bỏ họ mà đi”, thầy Morrie nói.
Thầy mím môi, nhắm mắt lại và tôi nhìn thấy giọt lệ đầu tiên lăn xuống gò má thầy.
“Giờ thì”, thầy Morrie thì thào. “Con kể đi”.
“Con ư, thưa thầy?”
“Về gia đình con. Ta biết cha mẹ con. Nhiều năm trước trong lễ tốt nghiệp của con, ta đã gặp họ. Con có một người chị gái, đúng không?”
“Vâng”, tôi đáp.
“Và một cậu em trai, phải vậy không?”
Tôi gật đầu.
“Vậy là giống ta”, thầy nói. “Ta có một người em trai”.
“Người đó giống thầy”, tôi nói.
“Nó cũng đến dự lễ tốt nghiệp của con, phải không?”
Tôi chớp mắt và trong ký úc tôi thấy lại tất cả: Mười sáu năm về trước, mặt trời mùa hè nóng đỏ, những bộ đồng phục xanh dương, tất cả chúng tôi vừa liếc ngang vừa choàng tay nhau để chụp hình bằng một chiếc máy ảnh tự động Instanmatic, tiếng ai đó đếm “Một, hai, baaaa…”
“Chuyện gì vậy”, thầy Morrie hỏi khi thấy tôi chợt im lặng. “Con đang nghĩ gì vậy?”
“Không có gì, thưa thầy”. Tôi đáp và chuyển sang đề tài khác.

Quả thực tôi có một đứa em trai, nhỏ hơn tôi hai tuổi tóc vàng hoe, mắt xanh lục trông không giống tôi và cũng chẳng giống người chị tóc đen của tôi.
Chúng tôi thường chòng ghẹo thằng em, nói với nó rằng những người lạ đã bỏ nó trên bậc thềm nhà chúng tôi khi nó còn bé tí tẹo. “Một ngày nào đó, người ta sẽ quay lại để bắt mày đi”, tôi và chị tôi bảo nó thế. Mỗi khi nghe nói vậy thằng em khóc ré lên, nhưng chúng tôi cứ lặp lại câu chuyện đó.
Như bao đứa trẻ khác, thằng em tôi lớn lên trong nuông chiều, yêu thương và cả những trò hành hạ ngấm ngầm. Nó nuôi mộng trở thành nghệ sĩ hoặc ca sĩ. Trong bữa ăn, nó nhại lại từng nhân vật trong các chương trình truyền hình đã xem. Lúc nào trên môi nó cũng chực xuất hiện một nụ cười rạng rỡ. Tôi là một học trò giỏi, nhưng nó thì quá tệ. Tôi ngoan ngoãn dễ bảo, nó phá bỏ luật lệ. Tôi tránh xa rượu và ma tuý, nó từng thử qua mọi thứ mà người ta có thể đưa vào người được. Tốt nghiệp trung học chưa được bao lâu, nó liền bỏ sang châu Âu vì ưa cách sống tuỳ tiện ở đó hơn. Tuy vậy, nó vẫn được cả gia đình yêu mến. Mỗi khi nó về thăm nhà, sự có mặt đầy hoang dã và vui nhộn của nó khiến tôi cảm thấy mình cứng nhắc và bảo thủ.
Từ sự khác biệt giữa hai anh em, tôi suy luận rằng một khi chúng tôi trưởng thành, số phận sẽ đẩy chúng tôi về hai hướng đối ngược nhau. Tôi đã tính đúng, ngoại trừ một điều. Từ khi cậu tôi qua đời, tôi tin rằng tôi cũng sẽ phải đón nhận một cái chết tương tự một căn bệnh bất ngờ sẽ đem tôi đi. Vì thế tôi làm việc với tốc độ phát sốt phát rét. Tôi đem bệnh ung thư ra dọa bản thân. Tôi đã cảm thấy nhịp thở của nó. Tôi biết là nó sắp đến. Tôi chờ đợi nó theo cái cách mà kẻ tử tội chờ đao phủ xuất hiện.

Và tôi đã đúng. Nó đã tới.
Nhưng nó lại bỏ qua tôi.
Nó nhắm vào em trai tôi.

Nó cùng một dạng ung thư đã giết cậu tôi – ung thư tụy – một dạng khá hiếm. Và thế là người trẻ nhất trong gia đình tôi, thằng bé với mái tóc vàng hoe và đôi mắt xanh lục, phải qua điều trị bằng hoá chất và tia phóng xạ. Mái tóc em tôi rụng dần, khuôn mặt hốc hác chỉ còn xương. Lẽ ra phải là mình kia, tôi nghĩ. Nhưng em tôi không phải là tôi và cũng không phải là cậu tôi. Từ thủa nhỏ nó đã là thằng cứng đầu. Khi hai anh em tôi vật nhau dưới tầng hầm, nó nghiến răng cắn chiếc giày tôi đang đi cho tới khi tôi thét lên vì đau đớn và buông nó ra.
Và thằng em tôi đã chống chọi. Sống ở Tây Ban Nha, thằng em tôi vật lộn với căn bệnh ung thư nhờ sự trợ giúp của một loại thuốc đang được thử nghiệm. Lúc đó – và cho tới hiện nay – thứ thuốc đó chưa có mặt tại Mỹ. Em tôi đã bay khắp châu Âu để chữa trị. Sau năm năm, thứ thuốc đó có vẻ như đã đẩy lui căn bệnh của em tôi.

Đấy là tin mừng. Còn tin buồn là em tôi không muốn tôi, không phải chỉ mình tôi mà là bất kỳ ai trong gia đình, có mặt bên cạnh nó. Dù chúng tôi đã nhiều lần cố gọi điện và tìm cách ghé thăm nhưng nó không cho ai lại gần, khăng khăng rằng nó phải tự chống chọi với bệnh tật. Nhiều tháng đã qua đi nhưng chúng tôi không được tin gì của nó. Những lời nhắn vào máy điện thoại của nó không có hồi âm. Lòng tôi nặng trĩu ân hận vì những gì tôi phải làm cho em nhưng không làm được. Tôi giận dữ vì lẽ nó đã không cho chúng tôi làm những điều mà chúng tôi cho là đúng.

Vì thế một lần nữa tôi lao vào công việc. Tôi thích làm việc vì tôi có thể chế ngự được công việc. Tôi thích làm việc vì công việc là cái mà tôi có thể hiểu được và tôi có thể chịu trách nhiệm về nó. Mỗi lần tôi gọi điện thoại tới căn hộ của đứa em trai ở Tây Ban Nha và nghe câu thông báo bằng tiếng Tây Ban Nha do thằng em tôi ghi sẵn trong máy – một dấu hiệu nữa cho thấy anh em tôi ngày càng trôi dạt xa cách – tôi lại dập máy và làm việc nhiều hơn.

Có lẽ đây chính là một nguyên nhân khiến tôi bị thầy Morrie cuốn hút. Thầy để cho tôi có mặt ở những nơi thằng em tôi không chấp nhận.
Ngoảnh lại quá khứ, có lẽ thầy Morrie đã biết điều này từ rất lâu rồi.

Đó là một mùa đông khi tôi còn nhỏ, trên một ngọn đồi phủ đầy tuyết ở khu ngoại ô của chúng tôi. Tôi và đứa em trai nằm sấp trên một chiếc xe trượt, nó ở trên, tôi nằm phía dưới. Tôi cảm thấy hai gò má nó chạm vào vai tôi, hai chân nó tì vào hai đầu gối tôi.
Chiếc xe trượt lao ầm ầm lên mặt băng phía dưới chúng tôi. Chiếc xe tăng tốc và chúng ta lao xuống đồi.

“XE!”, ai đó hét lên.
Chúng tôi nhìn thấy chiếc xe đang chạy trên phố, hướng về bên tay trái chúng tôi. Chúng tôi la thất thanh và cố lái chiếc xe trượt sang hướng khác nhưng con lăn không nhúc nhích. Tài xế đập nhấn kèn và đạp mạnh thắng còn chúng tôi làm như mọi đứa trẻ khác trong tình thế đó: Chúng tôi nhảy ra khỏi xe trượt. Thu lu trong nhũng chiếc áo da trùm đầu, chúng tôi vừa lăn lông lốc như những cây gỗ dọc theo sườn đồi đầy tuyết ẩm ướt vừa chờ một sự va chạm với bánh xe cao su cứng ngắc. Chúng tôi hét lên: “A a a a aaa”. Chúng tôi sợ hãi tới mức ù cả hai tai, lăn tròn, thế giới hết ngược lại xuôi.

Nhưng sau đó là chấm hết. Chúng tôi thôi lăn lộn và nằm thở hổn hển, lấy tay chùi những hạt tuyết đang tan trên mặt. Người tài xế ngoặt sang phố khác, vẫy mấy ngón tay về phía chúng tôi. Chúng tôi thoát nạn. Chiếc xe trượt của chúng tôi chui tọt vào bờ tuyết, còn đám bạn bè vỗ vai chúng tôi ‘Tuyệt” và “Các cậu nhẽ ra đi đời nhà ma rồi”.

Tôi nhìn thằng em và cười tới mang tai, niềm tự hào trẻ con đã kết nối chúng tôi. Cũng không nặng nề cho lắm, chúng tôi nghĩ thế, và chúng tôi sẵn sàng chết một lần nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.