Lớp học cuối cùng

Chương 18



TUẦN THỨ BẢY
Tác giả: Mitch Albom
Thầy Morrie đã buông xuôi. Thầy cần có người làm vệ sinh cá nhân cho thầy.
Thầy đối mặt với “sự cố tế nhị” đó thật dũng cảm. Khi ngồi bô, thầy không thể tự xoay xở một mình được nữa. Thầy thông báo sự bất lực của mình với cô hộ lý Connie.
“Cô có phiền lòng không khi làm cái công việc này cho tôi?”
Cô ấy trả lời là “không”.
Tôi nhận xét thấy thầy đã chủ động hỏi cô ấy trước. Thầy thừa nhận cần phải có thời gian để làm quen với điều đó vì nó chứng tỏ mình đã hoàn toàn đầu hàng bệnh tật rồi. Những điều riêng tư căn bản nhất bây giờ đã bỏ thầy ra đi – đi tắm, lau mặt mũi, rửa ráy các chỗ kín. Thầy dựa vào người khác hầu như tất cả mọi thứ. Ngoại trừ thở và nuốt thức ăn là thầy tự làm lấy!
Tôi hỏi thầy làm sao thầy có thể lạc quan trong tình trạng như thế.
“Mitch à, thật buồn cười! Ta là một người độc lập vì vậy ta có xu hướng đấu tranh chống lại các chuyện lôi thôi như được đỡ lên xe hay được thay quần áo giùm. Ta hơi xấu hổ vì nền văn hóa giáo dục chúng ta cho rằng, chúng ta phải xấu hổ khi không thể tự rửa đít cho mình. Nhưng sau đó ta suy nghĩ: hãy quên phứt những gì nền văn minh hô hào đi. Phần lớn quãng đời của mình, ta đã vứt bỏ nền văn minh, xếp xó nó rồi. Ta sẽ không xấu hổ nữa. Một sụ thỏa hiệp vĩ đại đấy chứ?
“Và con có biết điều gì xảy ra không? Điều lạ lùng nhất trần đời!”
Đó là điều gì vậy thưa thầy?
“Ta bắt đầu thích thú sự lệ thuộc của mình. Ta vui sướng khi người ta lật mình tới lật lui, xoa kem lên mông. Người ta lau trán, mát xa cẳng chân thầy. Thầy mê mẩn. Thầy nhắm mắt lại và chìm đắm trong trạng thái phiêu diêu. Dường như thầy với nó đã quen thuộc nhau từ lâu lắm rồi.
“Nó giống ta trở lại là một đứa trẻ. Ai đó nâng ta lên, vuốt ve ta. Tất cả chúng ta đều đã trải qua thời ấu thơ đã biết thế nào là một đứa trẻ. Nó ở bên trong con người ta. Với ta, chỉ là nhớ lại và hưởng thụ.
“Thật vậy. Khi mẹ ôm ta, vỗ về ta, xoa đầu ta, biết bao nhiêu cho vừa – không ai cảm thấy bằng lòng là đủ. Chúng ta hoài niệm, khắc khoải được trở lại những ngày bé thơ, được cưng nựng – tình yêu vô điều kiện, sự quan tâm vô điều kiện. Tất cả chúng ta đều chưa thưởng thức trọn vẹn.
“Thầy biết là mình đã thiếu thốn lắm!”
Tôi nhìn thầy và chợt hiểu. Thảo nào thầy rất thích tôi cúi xuống và chỉnh sửa chiếc micrô, vuốt lại mấy cái gối, hay lau mắt cho thầy. Sự đụng chạm giữa con người với nhau. Thầy đã cho đi như một người lớn, và nhận lại như một đứa trẻ.
Ngày hôm đó, chúng tôi nói về tuổi già, chính xác hơn là nói về nỗi ám ảnh tuổi già – một trong những vấn đề nằm trong danh sách “CÁI GÌ GẶM NHẤM THẾ HỆ TRẺ” của tôi. Ngồi trong xe từ sân bay Boston tới đây, tôi nhẩm đếm những bảng quảng cáo lớn treo vắt vẻo giữa phố. Một tráng niên đội mũ cao bồi, miệng ngậm điếu thuốc một cách điệu nghệ; hai cô gái xinh đẹp mỉm cười rạng rỡ bên chai dầu gội đầu; một thiếu niên hấp dẫn mặc quần Jeans không kéo khóa, một phụ nữ sexy trong chiếc váy nhung đen đứng ngả ngớn bên một người đàn ông mặc áo dạ hội – cả hai cùng cầm chung một ly rượu whisky nâng lên.
Tôi không ám chỉ tới bất kỳ ai đã bước qua tuổi 35. Tôi thú thật với thầy Morrie là hình như mình đã bước sang bên kia sườn đồi, đã cố nấn ná hòng ở lại đỉnh. Tôi làm việc như điên. Tôi kiểm tra đường ngôi trong gương. Tôi đã không còn ở giai đoạn tự hào về tuổi tác của mình nữa – không cần phải nuôi dưỡng hay o bế nó nữa. Nhưng có lẽ những gì tôi làm là để níu kéo nó ở lại vì lo sợ mình đã quá cận kề tuổi 40. Một sự quên lãng chuyên nghiệp!
Thầy Morrie nhìn tuổi tác với viễn cảnh sáng sủa hơn.
“Tất cả những thứ đó trĩu nặng trên vai tuổi trẻ – Ta không mua chúng đâu! Nghe này. Ta rành nỗi thống khổ của tuổi trẻ, vì vậy đừng nói với ta là điều đó thật tuyệt! Lũ trẻ đến cầu cứu ta với những cuộc đấu tranh, gây gổ, và cảm giác trống vắng. Quan niệm về cuộc đời của họ thật bi đát – thảm hại đến nỗi họ tự sát…
“Cộng với những bất hạnh, tuổi trẻ còn không thông thái. Họ u mê về cuộc đời. Ai mà thiết sống khi không hiểu cái gì đã, đang và sẽ diễn ra cơ chứ!? Khi người ta lừa phỉnh anh, dụ anh mua nước hoa để trở nên đẹp đẽ hoặc hãy mua quần jeans để trở nên gợi cảm – anh tin lời. Thật nhảm nhí!”
“Thế thầy chưa từng lo lắng tuổi già ập đến sao?” Tôi hỏi.
“Mitch à! Ta ôm ấp tuổi già, đón nhận nó vào lòng.”
“Ôm ấp cơ ạ?”
“Thật đơn giản, khi càng già ta càng học thêm được thêm nhiều điều. Nếu ta cứ mãi ở tuổi 22, thì ta luôn luôn ấu trĩ như tuổi 22. Già đi không có nghĩa là khô héo đi. Con biết không? Điều đó có nghĩa là ta lớn lên. Nó vượt xa cái ý nghĩ tiêu cực rằng ta sẽ chết. Nó tích cực ở chỗ ta hiểu rằng ta sẽ chết. Để rồi ta sẽ sống tử tế hơn”.
“Vâng, thưa thầy” – Tôi thắc mắc – “Nhưng nếu tuổi già quý báu như thế thì tại sao người ta cứ hay phải thốt lên: “Ôi, ước gì tôi được trẻ lại”. Thầy có bao giờ nghe ai đó thổ lộ kiểu: “Tôi mong mình 65 tuổi” chưa ạ?”
Thầy mỉm cười:
“Con có biết điều đó phản ánh cái gì không? Một cuộc sống không như ý! Sống không đầy đủ! Sống không có ý nghĩa! Vì nếu tìm ra niềm vui sống, ta sẽ không muốn quay trở lại. Ta muốn lớn lên. Ta muốn thấy nhiều hơn, làm nhiều hơn. Ta không thể chờ đến năm 65 tuổi”.
“Con nghe kỹ điều ta nói đây. Con phải biết một điều gì đó. Tất cả những người trẻ tuổi nên biết một điều gì đó. Nếu ta luôn chống chọi lại sự già nua, thì ta luôn luôn u uất vì nó sẽ đến. Và Mitch này…”
Thầy hạ giọng:
“Vấn đề là, rồi thế nào cuối cùng ta cũng phải chết!”
Tôi gật đầu.
“Điều ta tự nói với chính mình chẳng là cái gì cả”.
“Con biết, thưa thầy”.
“Nhưng hy vọng nó sẽ không lâu lắc”, thầy thì thào.
Thấy nhắm mắt trong vẻ bình thản, rồi nhờ tôi sửa lại cái gối sau đầu. Thầy cần sửa sang tư thế cho thoải mái luôn. Cơ thể thầy được chèn trong chiếc ghế đẩu bằng gối trắng, nệm mút vàng, và khăn lông xanh. Thoạt nhìn, trông cứ tưởng như thầy khăn gói để chuẩn bị nhổ neo ra khơi.
“Cám ơn con”, thầy nói khi tôi nắn lại chiếc gối.
“Dạ không có chi”.
“Mitch, con đang nghĩ gì vậy?”
Tôi ngập ngừng:
“À… Dạ… con đang tự hỏi làm sao mà thầy không ganh tị với những người trẻ trung, mạnh khỏe”.
“Ồ, thầy nghĩ là có đấy!”, thầy nhắm mắt lại – “Ta ganh tị họ có thể đi tới các câu lạc bộ thể dục thể hình, đi bơi, đi khiêu vũ – nhất là đi khiêu vũ. Nhưng sự ganh tị đến với ta, ta đuổi nó đi. Em có còn nhớ sự siêu thoát không? Hãy tống cổ nó đi. Hãy tự nhủ: “Đó là sự tị hiềm, tôi sẽ bứt rời ra khỏi nó và bước qua!”.
Thầy ho, một tràng dài. Thầy ấn một chiếc khăn vào miệng và khạc nhổ yếu ớt vào đó. Ngồi bên, tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn thầy gấp nhiều lần. Thật lố bịch! Tôi có thể cầm thầy lên, quăng thầy qua vai mình như thảy một bịch bông. Thế mà tôi lại cảm thấy lúng túng với ưu thế của mình. Có thể, tôi hiểu mình không thể vượt trội hơn thầy về bất cứ mặt nào khác.
“Làm thế nào thầy có thể lánh xa sự ganh tị…”
“Cái gì?”
“Thầy á?”
Thầy mỉm cười.
“Mitch này! Người già thật khó mà không ganh tị với người trẻ. Nhưng vấn đề là hãy công nhận mình là ai và hãy hoan hỉ với nó. Con đang ở tuổi ba mươi. Ta cũng đã có thời ở tuổi của con. Và bây giờ đây, ta đang ở tuổi 78.
“Con cần phải tìm cho ra xem hiện tại điều gì làm cho cuộc sống của con đẹp đẽ, chói lọi, và không ảo tưởng. Nhìn lui sẽ khiến con đua tranh. Mà tuổi tác không phải là ý niệm tranh đua”.
Thầy thở ra và hạ mắt xuống, như thể ngắm nhìn hơi thở mình phát tán trong không trung.
“Sự thật là, trong con người thầy có đủ mọi tuổi tác. Thầy là một đứa trẻ 3 tuổi, 5 tuổi; thầy là một thanh niên 37, một người đàn ông 50 tuổii. Thầy đã kinh qua tất cả và hiểu hết. Thầy sướng vui làm đứa trẻ khi thích hợp là trẻ con. Thầy mừng rỡ làm ông già hóm hỉnh nếu tình thế thích hợp cho thầy là một ông già. Thầy nghĩ đến tất cả những con người mà thầy có thể hóa thân vào. Thầy đã đi qua mọi lứa tuổi, cho đến tuổi hiện tại của thầy đây. Con hiểu chứ?”
Tôi gật đầu.
“Vậy thì ta còn ganh tị gì nữa khi chính mình đã từng trẻ tuổi?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.