Lớp học cuối cùng

Chương 21



TUẦN THỨ MƯỜI
Tác giả: Mitch Albom
Tôi mang theo một vị khách mới – vợ tôi.
Ngay từ ngày đầu tôi đến, thầy cứ nhắc nhở suốt: “Chừng nào thì thầy có thể gặp Janine đây?”, “Khi nào thì con mới đưa cô ấy tới thăm thầy?”. Tôi luôn kiếm cớ thoái thác, cho mãi gần đây khi tôi gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe thầy.
Phải chờ một lát mới nghe lao xao tiếng ai đó lọng cọng cầm ống nói ghé sát vào tai thầy – thầy thậm chí còn không tự nhấc nổi điện thoại lên!
“Hiiii” – Tôi nghe tiếng thầy thở phì phò.
“Thưa thầy, thầy có ổn không ạ?”
“Mitch… thầy của con… dạo này tệ hại lắm…”. Thầy thở hắt.
Giấc ngủ của thầy càng ngày càng chập chờn. Hầu như đêm nào thầy cũng phải xài bình dưỡng khí. Tiếng ho dùng dằng nghe thất kinh như bóp gan bóp ruột, và thầy chẳng thể biết nó có dừng lại hay không. Thầy luôn bảo rằng mình sẽ chết lúc bệnh lan tới phổi. Tôi ớn lạnh xương sống, thấy cái chết quá đỗi cận kề.
“Con sẽ gặp lại thầy vào thứ Ba tới”. Tôi hứa “Và thầy trò mình sẽ trò chuyện vui vẻ với nhau”.
“Mitch này! “
“Dạ ?”
“Vợ con có ở đó không vậy?”
“Có ạ! Cô ấy đang ngồi sát bên con”.
“Con chuyển ống nghe để thầy nói chuyện với cô ấy đi”.
Tôi lập gia đình với một phụ nữ nhạy cảm hơn mình gấp nhiều lần. Mặc dù chưa bao giờ gặp thầy Morrie nhưng Janine vẫn cầm máy – nếu là tôi thì chắc hẳn tôi đã lắc đầu nguầy nguậy và nhanh nhảu ra hiệu “tôi không có nhà” “tôi không có nhà” rồi!
Nhìn kiểu cách cô liên lạc với thầy cũ của tôi, không ai mà không tưởng là hai người đã từng quen biết nhau từ hồi ở trường đại học. Đầu dây bên này tôi chỉ thấy cô nhát gừng: “Uh-huh… vâng… anh Mitch có nói với con… dạ, cám ơn thầy…”.
Cô cúp máy và quyết định: “Thứ Ba này em sẽ cùng đi với anh”.
Đầu đuôi sự việc là thế.
Giờ đây chúng tôi đang ngồi trong phòng làm việc của thầy – xúm xít quanh chiếc ghế xếp. Thầy Morrie – với sự tự thỏa hiệp – quả là ga lăng một cách vô hại. Thường hay phải ngừng giữa chừng cuộc đàm đạo với khách để ho hoặc để ngồi bô, thế mà chẳng hiểu sao khi nói chuyện với Janine, thầy cứ như là đã dự trữ sẵn một nguồn năng lượng dồi dào để khỏi phải làm những việc “lặt vặt” đó! Thầy ngắm nghía tấm ảnh cưới của chúng tôi mà Janine mang theo.
“Con sinh trưởng ở Detroit phải không?” Thầy ân cần.
“Vâng ạ “.
“Vào cuối những năm 1940 thầy đã dạy học ở đó khoảng một năm. Thầy vẫn còn nhớ một câu chuyện buồn cười như thế này”.
Thầy ngưng lại, đôi tay lụm khụm cầm chiếc khăn mùi xoa. Tôi đỡ lấy cho thầy xì mũi vào (nhẹ hều). Tôi cẩn thận vắt sạch hai lỗ mũi thầy y như một bà mẹ chăm sóc con trong xe hơi.
“Cám ơn, Mitch”. Thầy nhìn Janine nháy mắt. “Trợ thủ đắc lực của thầy đấy”.
Janine mỉm cười.
“Nào, để thầy kể chuyện cho nghe. Lúc đó nhóm giáo viên xã hội học bọn thầy thường chơi bài tây với nhân viên các khoa khác – trong đó có một chàng bác sĩ phẫu thuật. Một đêm, sau khi chơi xong vài ván bài anh chàng đó đề nghị thầy: ‘Morrie này, tôi muốn xem anh giảng bài có được không?’ – Thầy đồng ý. Thế là chàng ta đến dự một trong những lớp học của thầy. Tan học, chàng này lại bảo: ‘Hay lắm, Morrie à. Thế anh có vui lòng muốn đến xem tôi làm việc hay không? Tối nay tôi có một ca mổ’. Vì muốn đáp lại tấm thịnh tình của bạn nên thầy nhận lời.
“Thầy được đích thân chàng bác sĩ chở đến bệnh viện. ‘Hãy tắm rửa sạch sẽ, đeo khẩu trang vào và khoác cái áo choàng này lên’, chàng ta ra lệnh cho thầy. Sau đó thầy chỉ biết rằng mình đứng ngay sát chàng ta bên bàn mổ. Một bệnh nhân, một phụ nữ, nằm dài trên bàn, trần truồng từ thắt lưng trở xuống. Anh chàng bạn thầy cầm con dao lên và rạch đánh xoẹt một đường. Như thế này này…”
Thầy khua ngón tay xuống.
“Thầy đứng trố mắt nhìn trân trân. Rồi thầy bắt đầu run lẩy bẩy. Ôi chao, máu! Máu ở đâu mà lắm thế! Cô y tá đứng cạnh thầy hốt hoảng hỏi: ‘Có chuyện gì vậy thưa bác sĩ?’. ‘Tôi đếch phải là bác sĩ. Hãy đưa tôi ra khỏi đây ngay lập tức!’ – Thầy quát vào mặt cô ta”.
Chúng tôi cùng cười vang. Cả thầy cũng cười – cười hết cỡ mà thầy có thể cười được. Đây là lần đầu tiên trong suốt mấy tuần nay thầy mới kể chuyện cũ rôm rả như thế. Thật lạ, tôi nghĩ bụng bảo dạ, thầy sợ điếng hồn khi nhìn người khác bị bệnh, vậy mà bây giờ chính thầy lại bị ốm kịch liệt.
Connie gõ cửa, báo rằng bữa trưa của thầy đã sẵn sàng. Chẳng phải món xúp cà rốt, bánh nướng rau, hay patê Hy Lạp tôi mua cho thầy từ cửa hàng Bread & Circus. Cho dù tôi đã cố tìm mua những thức ăn mềm nhất thì chúng vẫn nằm ngoài sức nhai và nuốt của thầy! Hầu như thầy chỉ ăn thức lỏng mà thôi, cùng lắm là một ít vụn bánh mì ngâm trong sữa cho nhão nhoét ra. Cô Charlotte chủ trương xay ép tất cả mọi thứ thành nước để thầy hút bằng ống hút. Mỗi tuần tôi đều ghé siêu thị mua thức ăn đem đến – chẳng phải để thầy ăn mà chỉ để được ngắm gương mặt rạng ngời của thầy khi nhìn mấy túi đồ tôi giơ lên khoe. Tôi mở tủ lạnh. Cơ man nào là thức ăn! Tôi thầm mong một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại và cùng thầy ăn một bữa trưa ra trò. Tôi có thể nhìn thấy thầy vụng về nhai nuốt cho thức ăn chảy ròng ròng thật vui mắt quanh miệng. Một hy vọng hão huyền!
“Thế thì… Janine này” Thầy gọi.
Janine nhoẻn miệng cười.
“Con rất đẹp. Con đưa tay đây cho thầy nắm”.
Cô đưa tay ra.
“Mitch bảo rằng con là một ca sĩ”.
“Vâng ạ”.
“Anh ấy nói là con hát rất hay”.
“Ồ không, ảnh chỉ nói thế thôi!” Cô cười.
Thầy nhướng đôi lông mày lên:
“Con có thể hát cho thầy nghe một bài được không?”
Cho đến bây giờ tôi đã nghe vô số người yêu cầu điếu này với Janine, kể từ khi tôi quen biết cô. Khi phải đi hát để kiếm sống, thì người ta luôn phải nghe khán giả la lối hạch sách: “Hãy hát bài này bài nọ đi!” Bị chạm tự ái nghề nghiệp, và vốn thường mực thước trong cư xử, Janine thường không bao giờ đáp ứng mà tìm cách lịch sự từ chối – điều mà bây giờ tôi mong chờ.
Nhưng cô đã cất tiếng hát.
Khi em mơ bóng anh
Em quên hết cuộc đời
Em quên hết cả những điều bình thường
Đó là một bản tình ca của Ray Noble, rất thịnh hành hồi thập niên 1930. Janine hát thật du dương – nhìn thẳng vào mắt thầy Morrie. Một lần nữa, tôi sững sờ về khả năng của thầy – biệt tài bắt người vốn dĩ thường hay dồn nén, che giấu cảm xúc phải bộc lộ ra ngoài. Căn phòng đong đầy giọng ca êm dịu của vợ tôi. Một nụ cười ngây ngất đọng trên môi thầy. Thật kỳ diệu! Trong khi cơ thể thầy xuôi xị như một bao cát thì ta lại có cảm tưởng hình như nó đang nhảy múa.
Gương mặt anh ẩn vào từng cánh boa
Em ngắm nhìn đắm say
Mắt anh lấp lánh trong ánh sao trời
Em chỉ mơ đến anh thôi
Em luôn nhớ về anh
Người yêu hỡi…
Janine hát xong. Đôi mắt thầy bỗng mở to và thầy để mặc cho hai hàng nước mắt lăn xuống má. Bao năm nay tôi đã nghe vợ mình hát rất nhiều lần, nhưng chưa lần nào tôi thả hồn vào bài hát như cái cách thầy lắng nghe lúc này.

Hôn nhân. Phần lớn những người mà tôi biết đều gặp phải rắc rối với nó. Người thì lận đận trên con đường bước vào. Người thì giãy giụa muốn thoát khỏi đường bước vào. Người thì giãy giụa muốn thoát khỏi ra. Thế hệ chúng tôi phải tranh đấu tận lực với nó, như thể nó là một con cá sấu xấu xí từ đầm lầy tăm tối ngoi lên!
Tôi đã từng tham dự nhiều đám cưới. Đã từng hôm trước nâng ly chúc mừng đôi uyên ương, thì hôm sau liền trông thấy chú rể ngồi ríu rít trong nhà hàng với một phụ nữ khác – mà hắn ta giới thiệu với tôi là “bạn” và phân bua nhẹ không: “Anh biết đấy, tôi đã chia tay với Susan (hay Annie gì đó) rồi”. Tại sao chúng tôi lại vướng víu vào lắm rối rắm? Tôi đem thắc mắc của mình ra hỏi thầy Morrie. Chính tôi đây đã phải đắn đo suốt bảy năm trời mới quyết định cưới Janine, kể từ bữa tôi ngỏ lời yêu cô. Phải chăng những người trạc tuổi tôi cẩn thận hơn lớp đàn anh, hay đơn giản chỉ vì chúng tôi nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn?
“Hừm! Thầy cảm thấy tội nghiệp cho thế hệ của con” – Thầy phân trần – “Sống giữa nền văn minh này, việc tìm ra được một mối quan hệ thương yêu với ai đó thật quan trọng, vì toàn bộ những gì còn lại của nền văn minh cũng không mang lại cho ta điều ta khao khát. Đám trẻ đáng thương ngày nay, họ hoặc là quá ích kỷ để dấn thân vào một mối yêu đương thực sự, hoặc là vội vã đâm đầu vào hôn nhân nhanh đến chóng mặt, để rồi sáu tháng sau, họ ly dị. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên – họ không biết chính mình là ai thì làm sao mà có thể biết được người mình lấy làm vợ hay chồng cơ chứ!?”
Vẻ mặt thầy rúm lại. Hồi còn đứng lớp thầy đã từng tư vấn cho nhiều cặp yêu nhau bất hạnh.
“Thật đáng buồn. Bởi vì người thân yêu là rất quan trọng. Chúng ta sẽ cảm nhận rốt ráo điều đó, nhất là khi ta phải ở trong tình cảnh như thầy đây – khi không còn hơi sức nữa. Một người bạn thì tuyệt vời thật đấy! Nhưng bạn bè không thể túc trực ở đây hàng đêm nhìn ta ho và mất ngủ. Ta cần một người ở bên mình suốt đêm để an ủi, vỗ về ta, cố gắng chia sẻ nỗi đau với ta.
Cô Charlotte và thầy Morrie đã cưới nhau được 44 năm – họ gặp nhau từ hồi sinh viên. Tôi quan sát họ ở bên nhau. Cô nhắc thầy uống thuốc; ngồi bên vuốt ve cổ thầy; hay chuyện trò về những đứa con. Cô thầy đã từng làm việc chung như một đội nhóm, không cần nhiều hơn một cái liếc mắt để hiểu ra ý nghĩ của nhau. Cô Charlotte là một người kín đáo dè dặt, trái ngược với vẻ hướng ngoại của thầy Morrie, ấy thế mà thầy vô cùng nể trọng cô. Tôi biết thế vì đôi lúc đang nói chuyện với tôi, thầy bỗng bảo. “Có lẽ Charlotte không thoải mái khi thầy bật mí điều này đâu!” rồi ngưng ngay. Đó thường là lý do duy nhất khiến thầy thu hồi câu chuyện.
“Thầy học được rất nhiều thứ từ hôn nhân. Qua nó, ta có thể được kiểm nghiệm. Ta tìm ra ta là ai và người bạn đời là ai, xem cả hai xứng với nhau hay không thích hợp cho nhau”.
“Thưa thầy, có quy tắc luật lệ nào báo cho ta biết cuộc hôn nhân của mình có suôn sẻ hay không?”
Tôi hỏi.
Thầy cười chúm chím:
“Sự đời không đơn giản đâu, Mitch ạ”.
Tôi hiểu.
“Nhưng, vẫn có những nguyên tắc mà thầy biết là rất ứng nghiệm trong tình yêu và hôn nhân. Nếu ta không tôn trọng người bạn đời, ta sẽ gặp rất nhiều phiền toái. Nếu ta không biết cách thỏa hiệp, ta sẽ gặp khổ đau. Nếu ta không thể nói chuyện thẳng thắn với nhau, ta sẽ sống trong cảnh ức chế ngột ngạt. Nếu ta không chia sẻ cho nhau giá trị của cuộc sống, ta sẽ gấu ó nhau suốt ngày. Cả hai người phải có chung những giá trị”.
“Con có biết trong mọi giá trị của cuộc sống thì đâu là giá trị lớn nhất?” Thầy chất vấn tôi.
“Không ạ.”
Thầy khụt khịt mũi và nhắm mắt trong giây lát.
“Riêng thầy” – thầy thở khọt khẹt, mắt vẫn nhắm – “Thầy nghĩ rằng hôn nhân là điều ta nhất thiết phải thực hiện. Ta sẽ bỏ lỡ vô số mùi vị cuộc sống nếu ta ruồng rẫy nó”.
Thầy kết thúc đề tài bằng cách trích dẫn câu thơ mà thầy tin như một lời cầu nguyện:
“Hãy yêu nhau đi, nếu không thì ngươi sẽ bị hủy diệt”.

“Thưa thầy, con xin phép hỏi thầy một câu”.
“Con muốn hỏi gì nào?”
“Thầy có nhớ câu chuyện về thánh Job không ạ?”
‘Trong sách Thánh kinh đó phải không?”
‘Đúng ạ. Job là một người tốt, nhưng Chúa bắt anh ta phải đau khổ để kiểm chứng niềm tin của anh ta”.
“Thầy nhớ rồi”.
“Chúa tước đi của anh ta mọi thứ – nhà cửa, tiền bạc, gia đình…”
“Và cả sức khỏe của anh ta nữa”.
“Bắt anh ta phải chịu đựng bệnh tật”.
‘Để chứng thực lòng trung kiên của anh ta .
“Đúng, để kiềm tra sức chịu đựng của anh ta. Vì vậy mà con tự hỏi…”
“Con tự hỏi điều gì?”
“Thầy nghĩ gì về điều Chúa đã làm ạ?”
Thầy ho dữ dội. Đôi bàn tay thầy run bần bật buông dọc theo thân người.
“Thầy nghĩ rằng Chúa thật quá đáng!” – Thầy cười mông lung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.