Lớp học cuối cùng
Chương 27
HỒI KẾT
Tác giả: Mitch Albom
Đôi lúc tôi nhìn lại con người mình trước lúc gặp thầy Morrie. Tôi muốn nói chuyện với con người đó. Tôi muốn báo cho hắn biết điều gì cần nhìn nhận, lỗi lầm nào cần tránh. Tôi muốn bắt hắn phải rộng lượng, phóng khoáng hơn nữa. Tôi muốn khuyên răn hắn hãy làm ngơ trước những cám dỗ của các chương trình quảng cáo, thay vào đó, hãy quan tâm chú ý lắng nghe những người yêu thương nói chuyện như thể họ đang nói lần cuối cùng.
Hầu như lúc nào tôi cũng muốn đốc thúc hắn phải chạy ra phi trường, bay đến thăm ông già dịu dàng ở West Newton, Massachusetts – lúc này hay lúc khác, trước khi ông ta bị ốm hay không còn khả năng khiêu vũ.
Tôi biết mình không thể làm điều này. Không ai có thể quay ngược lại những gì mình đã làm hay sống lại cuộc đời mình đã sống. Nhưng nếu như giáo sư Morrie Schwartz có dạy tôi bất cú điều gì thì điều đó phải là: không bao giờ là “quá trễ” cho bất cứ điều gì trong đời. Thầy đã thay đổi cho mãi đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Không lâu sau khi thầy Morrie mất, tôi tới thăm em trai mình ở Tây Ban Nha. Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi tỏ ý rất tôn trọng khoảng cách của hai anh em và muốn giữ liên lạc – như hiện tại chứ không như trong quá khứ – để có em trong đời.
“Em là em trai duy nhất của anh. Anh không muốn mất em. Anh yêu quý em”.
Trước đây tôi chưa bao giờ nói với em những lời mặn nồng như thế
Vài ngày sau, máy fax của tôi nhận được một bức điện. Đó là mẩu giấy viết tay nghuệch ngoạc, đầy lỗi chính tả, tất cả đều là chữ in – kiểu chữ viết cố hữu của thằng em quý hóa của tôi. Nó mở đầu:
“XIN TRÀO ! Thằng em đã hòa nhập vào thập niên 90″.
Tiếp theo, nó kể lại vài chuyện xảy ra với mình trong tuần qua, có đùa cợt chút đỉnh. Và cuối cùng, nó lại kết thúc như thế này:
“EM VỪA BỊ THÓT TIM VÀ BỊ TÀO THÁO RƯỢT. CUỘC ĐỜI CHÓ MÁ. SẼ LÓI CHUYỆN PHIẾM SAU NHÉ.
(KÝ TÊN) CÁI CON C…”
Tôi cười rũ cho đến khi nước mắt ứa ra.
Quyển sách này ra đời phần lớn là do sự gợi ý của thầy Morrie. Thầy gọi nó là “đề án cuối cùng của chúng ta”. Giống như điểm lý thú của các công trình khác, nó tạo điều kiện cho chúng tôi xích lại gần nhau. Thầy Morrie rất vui mừng khi có một vài nhà xuất bản đánh tiếng, dẫu thầy chết trước khi gặp bất cứ ai trong số họ. Số tiền khá lớn kiếm được dùng vào việc trang trải chi phí thuốc men cho thầy – và đó là điều thầy trò chúng tôi lấy làm đắc chí.
Chúng tôi đã cùng ngồi trong phòng làm việc của thầy bàn bạc tựa sách. Thầy rất thích đặt tên các thứ. Thầy nêu ra nhiều cái tên, nhưng đến khi tôi đề xuất: “Thầy thấy tựa đề là Lớp học cuối cùng có được không ạ?”, thầy mỉm cười sướng mê – tôi biết thầy rất ưng ý.
Sau khi thầy mất, tôi lục lọi các hộp đựng tài liệu của thầy và phát hiện ra một tờ bài làm kiểm tra cuối khóa của tôi hồi còn học lớp thầy. Đã 20 năm qua rồi! Trên đầu tờ giấy là nét chữ tôi viết gửi thầy, bên dưới là lời nhận xét phản hồi của thầy.
Tôi ghi: “Kính gửi huấn luyện viên của con…”
Còn thầy thì ghi: “Mến gửi cầu thủ của ta…”
Không hiểu sao mỗi khi tôi nhìn tờ giấy là tôi lại nhớ thầy da diết.
Có bao giờ bạn thật sự có một người thầy? Một người trân trọng bạn như viên ngọc quý chưa được mài giũa, một thứ trang sức mà có thể lấy trí tuệ chà cho sáng bóng lên? Nếu bạn may mắn có một người thầy như thế, bạn sẽ luôn tìm ra con đường trở về gặp thầy. Đôi khi con đường đó chỉ thoáng hiện trong đầu bạn, nhưng đôi khi nó khiến bạn trằn trọc băn khoăn thâu đêm.
Lớp học cuối cùng của thầy tôi đã diễn ra mỗi tuần một lần. Ở ngay tại nhà thầy, bên cửa sổ phòng làm việc, nơi thầy nhìn thấy chậu bông dâm bụt nở hoa màu hồng. Lớp học nhóm vào những ngày thứ Ba. Không cần sách vở. Đề tài là ý nghĩa cuộc sống. Nó được giảng dạy từ chính kinh nghiệm của thầy.
Và bài học còn mãi.
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.