Lớp học cuối cùng

Chương 16



TUẦN THỨ SÁU
Tác giả: Mitch Albom
Băng qua hàng nguyệt quế núi và cây gỗ thích Nhật bản, tôi bước lên mấy bậc thềm đá xanh trước nhà thầy Morrie. Cơn mưa trắng xóa như cái vung lớn đong đưa, úp chụp lên lối vào. Tôi nhấn chuông. Hiện ra trên ngưỡng cửa đón tôi không phải là chị giúp việc Connie mà là cô Charlotte, vợ thầy, một phụ nữ xinh đẹp tóc hoa râm với giọng nói thánh thót. Mọi lần tôi tới cô không có ở nhà – cô vẫn làm việc ở MIT như ý thầy muốn. Thế nên sáng nay gặp cô, tôi hơi ngỡ ngàng.
“Hôm nay thầy hơi khó ở” – Cô buồn rầu thông báo, mắt nhìn chằm chằm qua vai tôi một thoáng rồi quay người về phía bếp.
“Em xin lỗi” – Tôi lí nhí đáp lại.
“Không sao đâu! Ông ấy sẽ rất mừng khi được gặp anh” – Cô vội trấn an – “Cô chắc là…”
Ngưng bặt giữ chừng, đầu nghiêng nghiêng nghe ngóng một cái gì đó, rồi cô tiếp:
“Cô đoán chắc thầy sẽ cảm thấy khoẻ hơn khi biết anh đang ở đây”.
Tôi chìa ra mấy túi đồ mua ở siêu thị: “Đồ tiếp tế của em đây”, tôi nói nửa đùa nửa thật.
Một nụ cười chen lẫn đôi chút bực dọc thoáng qua trên gương mặt cô.
“Còn cả đống thức ăn kìa. Từ lúc anh về hồi tuần trước tới nay, thầy không ăn chút nào cả”.
Tôi ngạc nhiên quá đỗi.
“Thầy không ăn gì sao?” Tôi hỏi lại.
Cô mở tủ lạnh. Thịt gà, miến, nước trái cây, rau xà lách… xếp đầy ắp. Tất cả những thú tôi mua cho thầy vẫn còn nguyên xi. Cô mở tủ đông. Trong đó thậm thí còn đầy hơn!
“Thầy không ăn được những món này. Chúng cứng quá làm sao thầy nuốt nổi!? Bây giờ, thầy chỉ ăn được đồ mềm và đồ lỏng thôi,”
“Nhưng sao thầy không nói với em nhỉ?” – Tôi hỏi.
Cô cười “Thầy không muốn anh buồn”.
“Không! Điều đó không làm em buồn. Em chỉ muốn giúp thầy theo một cách nào đó. Ý em là, em chỉ muốn mang đến cho thầy một cái gì đó…”
“Thì anh đã mang đến cho ông ấy một cái gì rồi! Thầy mong anh suốt. Thầy khoe đang cùng anh thực hiện một công trình gì đó; rằng thầy phải tập trung toàn tâm toàn sức để chạy đua với thời gian. Cô nghĩ, việc này khiến thầy cảm thấy mình vẫn còn hữu ích…”
Một lần nữa, cô lại quay nhìn đi chỗ khác. Cô đứng đây mà tâm trí để ở đâu đâu. Tôi hiểu. Ban đêm là lúc những cơn ác mộng đến hành hạ thầy. Càng ngày thầy càng không thể ngủ được và dĩ nhiên, cả cô cũng thế. Thầy nằm thao thức, ho liên hồi nhiều giờ liền, cố buộc đống đờm dãi bướng bỉnh bật ra khỏi cổ họng. Hiện các hộ lý đã phải tức trực suốt đêm bên giường thầy. Ban ngày, học trò cũ, các giáo sư đồng nghiệp, và cả những hướng dẫn viên tham thiền nườm nượp ra vào thăm thầy. Có ngày, thầy phải tiếp đến nửa tá khách khứa. Họ ở lại tới tận khi cô Charlotte đi làm về. Cô chịu đựng “những kẻ đột nhập” với vẻ kiên nhẫn đáng nể dẫu rằng những giây phút quý báu của cô ở bên thầy đang bị những người khác tước đoạt.
“… cảm thấy hữu dụng” – cô tiếp – “Anh biết không, điều đó có ý nghĩa biết nhường nào!”
“Em cũng hy vọng như vậy” – Tôi thẫn thờ đáp.
Tôi giúp cô bỏ mớ thực phẩm mới vào tủ lạnh. Trên bệ bếp lỉnh kỉnh những mảnh giấy ghi chú, những tờ nhắn tin, hướng dẫn sử dụng thuốc. Mấy lọ thuốc mới hiện diện thêm trên bàn – Selestone dùng để kìm nén những cơn suyễn cho thầy. Afivan để giúp thầy ngủ, Naproxen để chống viêm nhiễm – cùng với một hộp sữa bột và thuốc nhuận tràng. Có tiếng gì như tiếng kẹt cửa vọng lại tù phía hành lang.
“Có lẽ thầy đó… Để cô đi xem sao”.
Cô Charlotte lại liếc nhìn đống thức ăn. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ quá. Ai đời lại đi mua những thứ mà thầy sẽ chẳng còn bao giờ được thưởng thức nữa.

Nỗi khủng khiếp về bệnh tật của thầy lớn dần lên khi tôi ngồi xuống cạnh thầy. Thầy ho dữ hơn. Một cơn ho khan khiến lồng ngực thầy rung lên bần bật, xô thầy nhổm về phía trước. Dứt cơn, thầy nằm bất động, mắt nhắm nghiền, chỉ có phần ngực còn nhúc nhích lấy hơi. Tôi ngồi yên, ngậm ngùi nhìn thầy vận dụng toàn bộ sức lực.
“Máy đã bật lên chưa?” – Thầy hỏi bất thình lình mà mắt vẫn nhắm nghiền.
“Rồi, rồi ạ!” – Tôi hấp tấp miệng trả lời thầy, tay cập rập nhấn đồng thời hai nút “Play” và “Record”.
“Điều thầy đang làm ngay lúc này đây là”, thầy nói tiếp, vẫn không mở mắt “tự siêu thoát khỏi nỗi thăng trầm của cuộc đời”.
“Tự siêu thoát?”
“Đúng vậy! Tự siêu thoát. Điều này không quan trọng đối với một người đang hấp hối như thầy bằng đối với con người đang tràn trề sức sống. Hãy học cách tự siêu thoát”.
Thầy mở mắt, thở hắt ra:
“Con có nhớ lời nhà Phật nói như thế này: Đừng bám víu vào cái gì cả, bởi lẽ mọi thứ đều vô thường”.
“Nhưng khoan đã, thưa thầy. Chứ không phải như thầy vẫn luôn nói về việc chiêm nghiệm cuộc sống đấy sao? Tất cả những cảm xúc dễ chịu cùng tất cả những cảm xúc tồi tệ?”
“Phải rồi!”
“Con không hiểu, làm sao thầy có thể làm thế nếu thầy siêu thoát?”
“Ồ! Con đã bắt trúng mạch suy ngẫm rồi đấy. Mitch à. Nhưng siêu thoát không có nghĩa là ta không để cho dòng đời thâm nhập vào ta. Trái lại, ta phải để cho nó tràn ngập vào con người mình. Đó là cách ta bứt phá khỏi nó.”
Tôi hoàn toàn mít đặc.
“Hãy cảm nhận mọi xúc cảm – yêu một người con gái, hay khóc than cho một người thân, hay chịu đựng điều thầy đang trải qua: nỗi khiếp đảm, sự đau đớn vì căn bệnh quái ác. Nếu ta kìm nén cảm xúc, nếu ta chạy trốn chúng, không cho chúng tự do chu du, thì ta sẽ không bao giờ siêu thoát được – vì ta còn mải sợ hãi!.. Ta sợ hãi nỗi đau, ta sợ hãi nỗi sầu bi, ta sợ hãi nỗi tê dại của tình yêu.
“Nhưng nếu ta dấn thân vào những cảm xúc đó, cứ lao mình vào dù có chìm lút cả đầu, thì cuộc đời ta sẽ lấp đầy bằng những kinh nghiệm. Ta sẽ biết đích xác nỗi đau xé da xé thịt là gì, sẽ hiểu tình yêu có hình dáng như thế nào, và sự khổ ải có màu sắc ra sao. Thầy đã bắt gặp cái cảm xúc đó. Bây giờ, thầy cần siêu thoát khỏi nó một lát”.
Thầy ngưng nói và nhìn tôi chăm chú như để đảm bảo là tôi đồng ý với thầy.
“Thầy biết con nghĩ thầy nói thế vì thầy sắp chết. Nhưng thầy không nói khác đi đâu! Khi ta học được cách chết, ta sẽ học được cách sống”.
Thầy Morrie kể về những giây phút hãi hùng nhất trong đời – khi thầy cảm thấy lồng ngực mình bị xé toang ra thành từng mảnh, khi thầy không biết chắc bao giờ hơi thở kế tiếp mới xuất hiện. Những thời khắc mới nghiệt ngã làm sao! Những cảm xúc đầu tiên của thầy là điếng hồn, chơi vơi, âu lo. Nhưng một khi thầy nhận ra chúng, nhìn thấy được kết cấu diện mạo cùng làn hơi của chúng, những cơn run lẩy bẩy dọc sống lưng, cơn bốc cháy chạy vụt qua óc, thì thầy “à” lên một tiếng: “Ôi dào! Đây là nỗi sợ ấy mà. Hãy từ từ bước qua nó. Hãy bước qua nó”.
Tôi ngẩn người ra suy nghĩ. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần điều này bao nhiêu lâu một lần? Có những lúc chúng ta cô đơn muốn khóc, nhưng chúng ta lại ép cho nước mắt chảy ngược vào trong, chỉ vì chúng ta không được mong đợi phải khóc. Có những khi ta cảm thấy dạt dào yêu thương một đồng sự, nhưng chúng ta lại nín thinh, bởi vì chúng ta lạnh gáy e ngại khi tưởng tượng đến những phản ứng của họ hàng mình trước những lời được thốt ra.
Biện pháp của thầy Morrie thì trái ngược hoàn toàn. Hãy mở vòi nước ra. Hãy đắm ướt mình trong những cảm xúc. Nó không làm hại anh đâu, mà chỉ giúp anh thôi! Nếu anh ôm nỗi sợ vào lòng, rồi lại cởi nó ra như cởi một cái áo sơmi, thì anh có thể tự nhủ: “Được rồi, nó chỉ là nỗi sợ. Mình sẽ không để nó điều khiển mình đâu, mà sẽ ngồi nhìn xem nó là cái gì”.
Nỗi cô đơn cũng thế. Anh buông lỏng, để cho nước mắt tuôn trào, cảm nhận đầy đủ vị mặn chát của nó. Nhưng cuối cùng lại nói: “Ô! Đây là thời điểm tôi cô đơn. Tôi cóc sợ cô đơn, bây giờ tôi sẽ để nỗi cô đơn qua một bên, còn thiếu gì những cảm xúc khác trên thế gian này, tôi sẽ khám phá cho chúng cho coi”.
“Hãy siêu thoát”, thầy Morrie nhấn mạnh.
Thầy nhắm mắt lại. Và ho.
Cơn ho ùn ùn kéo đến. Hết cơn này đến cơn kia. Bất ngờ, thầy ngạt thở, hai lá phổi căng phồng lên như muốn nổ tung – chốc chốc nhảy xổ ra rồi lại ngưng ngay giũa đường, chốc chốc lại rơi tõm xuống – cướp mất hơi thở của thầy. Chỉ có tiếng ho khô khốc đón lấy cơn nghẹn. Hai tay thầy quơ quào trong không khí. Nhìn đôi mắt nhắm nghiền và đôi tay giãy giãy của thầy, mồ hôi tôi túa ra từng giọt trên trán. Như một cái máy, chẳng hiểu thế nào mà tôi lại kéo xốc thầy lên được, vỗ mạnh mấy cái sau vai thầy. Hú hồn, thầy tống chiếc khăn tay vào miệng và lôi ra một cục đờm.
Ngừng ho, thầy Morrie đổ vật xuống đống gối thở lấy thở để.
– “Ta… ổn rồi”, thầy thì thào, giơ một ngón tay xương xẩu lên – “Chờ… chờ ta một chút”.
Im lặng, cho đến khi hơi thở của thầy trở lại bình thường. Tôi cảm thấy mồ hôi mình rịn ra cả da đầu. Thầy bảo tôi đóng cửa sổ lại. À, gió lùa làm thầy lạnh. Tôi chẳng để ý thấy điều đó, dù nhiệt độ bên ngoài là 80 độ F (tương đương 26,5 độ C).
Hồi sau, thầy thì thào khe khẽ: “Thầy biết là mình ao ước được chết ngay”.
Tôi lặng lẽ ngồi chờ.
“Ta muốn chết một cách êm ả. Một cách yên bình. Chứ không phải như con thấy thế này. Và đây là nơi dành cho sự siêu thoát len vào. Nếu thầy chết trong cơn ho, thì thầy cần phải siêu thoát khỏi nỗi khủng hoảng. Thầy cần phải nói: “Giờ khắc của mình đã điểm”.
“Ta không muốn mang theo nỗi kinh sợ ra khỏi thế giới này. Ta muốn mục kích diễn biến của nó, chấp nhận nó, đi tới một nơi an lành, và thư giãn. Con có hiểu không?”
Tôi gật đầu.
“Nhưng thầy đừng đi,còn bạn bè, đồng nghiệp”, tôi hốt hoảng nói thêm.
Thầy cố nở nụ cười: “Không. Chưa đâu! Thầy vẫn còn việc phải làm.”

“Thầy có tin vào sự đầu thai? – Tôi hỏi.
“Có lẽ có.”
“Thầy muốn đầu thai thành cái gì, thưa thầy?”
“Nếu được lựa chọn, ta muốn trở lại trần gian trong cái lốt của một con linh dương nhỏ.”
“Con linh dương, thưa thầy?”
Thầy cười ấm áp: “Con thấy lạ hả?”
Tôi ngắm nhìn thân thể gầy trơ xương của thầy, quần áo rộng thùng thình, đôi chân thầy nằm trong đôi bít tất, tựa cứng ngắc vào đống nệm lót, không cựa quậy, giống như một người tù trong lồng sắt. Tôi hình dung ra hình ảnh một con linh dương chạy xuyên qua sa mạc.
“Không ạ! Con không thấy có gì lạ cả.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.