Ai Rồi Cũng Chết!

2. Vụn vỡ



Sự phát triển của y học và y tế công cộng đã làm biến đổi biểu đồ cuộc sống của con người. Không tính thời kỳ phát triển của công nghiệp và các thành tựu khoa học, trong phần lớn chiều dài lịch sử loài người, cái chết được xem là một điều hiển nhiên và là một nguy cơ luôn hiện hữu suốt cuộc đời mỗi cá nhân. Không cần biết bạn năm tuổi hay năm mươi tuổi. Mỗi ngày trôi qua là một lần viên xúc xắc may rủi của số mệnh được gieo. Nếu phải thể hiện sự khả tử của con người bằng hình ảnh, nó sẽ trông như thế này:

Mạng sống và sức khỏe của mỗi người luôn song hành hòa thuận cùng nhau và không mấy khi gây chuyện. Nhưng khi chúng bị tấn công bởi bệnh tật, cả hai trở thành “đôi bạn cùng lùi” và rớt ạch xuống như một cánh cửa sập – điều đã xảy ra với bà nội của tôi, Gopikabai Gawande: Bà vẫn đang hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường, cho đến khi một cơn sốt rét bộc phát vào một ngày nọ cướp đi sinh mạng của bà ở độ tuổi chưa đầy ba mươi; hay trường hợp của Rich Hobson, qua đời ngay sau một cơn đau tim bất thình lình xuất hiện khi ông đang trên đường đi công tác.

Suốt những năm qua, sự phát triển không ngừng của các thành tựu y học đã giúp kéo dời điểm tử vong trên biểu đồ càng lúc càng xa hơn. Những tiến bộ trong các công cụ đo lường điều kiện vệ sinh và sức khỏe cộng đồng đã và đang giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm, đặc biệt ở trẻ em, trong khi các phương pháp điều trị bệnh tân tiến thì góp phần hạ thấp tỉ lệ tử vong do chấn thương nghiêm trọng hoặc trong quá trình sinh nở. Đến giữa thế kỷ hai mươi, cứ một trăm người ở các quốc gia công nghiệp hóa thì chỉ có bốn người qua đời trước tuổi ba mươi. Suốt bao thập niên từ đó đến đây, y học khai phá thêm nhiều cách thức để giảm thiểu tỉ lệ tử vong do các cơn đau tim, trụy tim, các bệnh về hô hấp, và vô vàn những bệnh tật và triệu chứng khác có tính chất đe dọa tính mạng con người. Hiển nhiên, không chóng thì chày, tất cả chúng ta đều sẽ phải chết vì một hay vài nguyên nhân nào đó. Nhưng điều quan trọng là tự cổ chí kim, y học không ngừng phát triển để đẩy lùi đòn chí tử của bệnh tật càng xa hơn và trễ hơn trong vòng đời của con người. Chẳng hạn, với trình độ phát triển của công nghệ y học hiện nay, những người mắc phải các chứng bệnh ung thư không chữa được vẫn có thể sống khỏe trong một thời gian rất dài sau khi được chẩn đoán. Họ trải qua quá trình điều trị. Mọi triệu chứng đều được kiểm soát. Họ có thể có một cuộc sống bình thường với căn bệnh. Họ không cảm thấy mình bị bệnh. Nhưng căn bệnh vẫn còn đó, chậm rãi và lặng lẽ, vẫn tiếp tục diễn biến trong cơ thể bệnh nhân, như một lữ đoàn gác đêm âm thầm phòng thủ biên cương.

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, căn bệnh cũng sẽ lộ diện và hiện nguyên hình, di căn đến phổi, hoặc lên não, hoặc cũng có thể “xâm lăng” cột sống – như đã xảy ra với Joseph Lazaroff. Từ lúc đó trở đi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ sa sút nhanh chóng, hệt như thời kỳ đầu phát bệnh. Cái chết rồi sẽ đến, nhưng điều này không làm thay đổi biểu đổ minh họa trên, rằng người bệnh vẫn có thể sống khỏe và sinh hoạt bình thường cho đến lúc đó. Nhưng kỳ thực là chỉ cần vài tuần hay vài tháng sau đó, cơ thể người bệnh sẽ bị quá tải hơn bao giờ hết. Đây chính là lý do vì sao mà nhiều người được chẩn đoán bệnh sớm đến mấy năm trời, nhưng vẫn có thể bị Thần Chết ghé thăm một cách bất đắc kỳ tử. Như bạn đã thấy ở hình minh họa bên trên, đường sinh đang phẳng lặng bình ổn bỗng dưng chúi xuống như một vách núi dựng đứng, ngay lập tức kết thúc hành trình của nó ở điểm Tử Vong, khiến người bệnh ra đi chóng vánh.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, sự phát triển của y học đã và đang góp phần làm cho biểu đồ trên dần thay đổi, đặc biệt là đối với những căn bệnh mãn tính như khí thũng, các bệnh về gan và suy tim sung huyết. Thay vì cái chết xảy đến bất đắc kỳ tử như biểu đồ đầu tiên, các biện pháp điều trị của chúng tôi có thể giúp kéo giãn quá trình suy yếu của cơ thể bệnh nhân cho đến khi nó không còn diễn tiến giống như một vách núi dựng đứng, mà sẽ giống một con đường đèo hiểm trở như hình minh họa sau:

Đường sinh trên tuy có nhiều “ổ gà” chóng mặt nhưng cũng đồng thời có những đoạn đường phục hồi bằng phẳng: Có thể chúng tôi không hoàn toàn ngăn chặn được những thiệt hại mà bệnh tật gây ra cho bạn, nhưng chúng tôi có thể làm chậm chân Thần Chết và kéo dài cuộc sống của bạn. Chúng tôi có đủ các loại thuốc, dịch truyền, trang thiết bị phẫu thuật, và đội ngũ nhân viên trình độ cao để giúp bạn vượt qua các cơn nguy kịch. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vô cùng tồi tệ, tồi tệ đến nỗi vài sự can thiệp của chúng tôi sau đó chỉ khiến bệnh tình của người đó thêm trầm trọng. Những tưởng người bệnh đã yếu ớt đến nỗi gần như đang trút ra những hơi thở cuối cùng của mình, ấy vậy mà lát sau họ lại hồi tỉnh. Kỳ thực khi đó, chúng tôi có thể cho phép họ về nhà – trong tình trạng yếu và suy kiệt hơn, bởi lẽ với tình trạng bệnh như thế, sức khỏe của họ không bao giờ có thể trở lại bình thường như trước. Bệnh tật càng tiến triển, những chấn thương bên trong cơ thể càng trầm trọng hơn, người bệnh càng lúc càng mất dần sinh lực, không còn đủ sức chịu đựng dù chỉ là một bất ổn nhỏ. Chỉ cần một cơn cảm lạnh nhỏ là có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Nhưng dù có duy trì cuộc sống thế nào chăng nữa, tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân đó sẽ vẫn tiếp tục sa sút, cho đến khi không còn có thể cứu chữa được nữa.

Tuy vậy, biểu đồ đường sinh gần đầy nhất mà những thành tựu y học tiên tiến nhất mang lại cho hầu hết các bệnh nhân không thuộc một trong hai hình vẽ mà tôi vừa trình bày ở phần trên. Thay vào đó, càng lúc càng có nhiều người trong chúng ta sống khỏe hơn, thọ hơn, và có xu hướng chết vì nguyên nhân tự nhiên, cụ thể chính là tuổi già. Tuổi già là một nguyên nhân không cần phải nhờ đến bác sĩ chẩn đoán. Hiển nhiên, để hợp lý hóa các thủ tục, tờ giấy chứng tử của mỗi chúng ta được yêu cầu điền vào đó vài nguyên nhân chết hợp lý và cụ thể – chẳng hạn như rối loạn hô hấp, đau tim hoặc trụy tim. Nhưng trong thực tế, chẳng có cái chết nào xảy ra chỉ vì một nguyên nhân đơn lẻ cả; nó là kết quả của sự chồng chất hàng loạt những bất ổn bên trong cơ thể một người, mà điều tốt nhất các bác sĩ có thể can thiệp khi đó là chắp vá vài điểm cần thiết và kéo dài thời gian sống cho người đó. Chúng tôi cố gắng làm giảm huyết áp chỗ này, ngăn chặn sự loảng xương ở chỗ kia, kiểm soát chỗ bệnh này, theo dõi triệu chứng kia, thay thế một khớp xương hay van tim không còn hoạt động hiệu quả, giám sát diễn biến của trung khu thần kinh… Trong trường hợp này, đường sinh của bệnh nhân lịm đi một cách chậm rãi và êm ái:

Ngành y học và y tế công cộng đã và đang có những bước phát triển vượt bậc – con người càng lúc càng sống thọ hơn, khỏe hơn, với nhiều trải nghiệm sống trọn vẹn hơn trước kia. Nhưng nếu được cho xem ba biểu đồ đường sinh không mấy hay ho trên, phần lớn chúng ta cảm thán rằng một cuộc sống xuống dốc như thế quả là tồi tệ và đáng xấu hổ. Chúng ta cần được giúp đỡ về mặt sức khỏe – một sự giúp đỡ trọn vẹn và diễn ra trong thời gian dài chứ không vừa, nhưng hầu hết chúng ta lại cho rằng đó là một nhược điểm đáng thương cần phải che lấp, chứ không thể nghĩ về nó như một điều hết sức bình thường của đời người. Chúng ta thích truy lùng và đề cao những câu chuyện về một cụ ông hay cụ bà chín mươi bảy tuổi nào đó chạy marathon khí thế không thua gì người trẻ, và cho rằng sống khỏe mạnh là phải như thế, chứ không chịu nhìn nhận những câu chuyện đó như những kỳ tích hay vài sự may mắn về mặt sinh học của các cá nhân đó – vốn dĩ rất hiếm trong tự nhiên. Cứ thế, đến khi nhận ra rằng cơ thể chúng ta không thể đáp ứng được kỳ vọng đó, chúng ta lại cảm thấy tồi tệ như thể mình có tội. Với những trường hợp như thế này, giới bác sĩ chúng tôi thật tình chẳng thể làm được gì để giúp bạn cả, bởi lẽ sự sa sút và lão hóa của cơ thể là một quá trình tự nhiên và tất yếu, trừ phi bạn có một triệu chứng hay một căn bệnh cụ thể nào đó mà chúng tôi có thể chữa được. Nói cách khác, những tiến bộ của y học hiện đại đặt ra cho chúng ta hai cuộc cách mạng: Thứ nhất, sinh mệnh của mỗi người chúng ta đang trải qua một quá trình biến đổi về mặt sinh học do những sự tiến bộ đó mang lại; và thứ hai, bản thân chúng ta cũng đang đồng thời trải qua một quá trình biến đổi về mặt văn hóa và nhận thức đối với sức khỏe cũng như sinh mệnh của mình trong thời đại mới.

* * *

Sự lão hóa không chỉ là câu chuyện của chúng ta, mà còn là câu chuyện của mỗi cơ quan bộ phận trên cơ thể chúng ta. Hàm răng của chúng ta là một ví dụ. Một trong những hợp chất phức tạp và khó tái tạo nhất trong cơ thể người chính là men răng. Theo thời gian, lớp men này càng lúc càng mòn đi, để lộ ra những lớp mềm và sẫm màu hơn bên trong. Trong khi đó, lượng máu cung cấp cho phần tủy răng và chân răng giảm dần, lượng nước bọt trong miệng càng lúc càng không còn nhiều như trước; nướu răng thì càng ngày càng có xu hướng nóng và dễ sưng như thể muốn buông lỏng những chiếc răng cắm trên đó, dần dần để lộ ra phần đáy răng, khiến cho những chiếc răng trở nên dài, hẹp và kém vững chãi, đặc biệt là răng ở hàm dưới. Các chuyên gia nói rằng họ có thể dự đoán tuổi tác của một người thông qua việc kiểm tra một chiếc răng của người đó với sai số tối đa là năm năm – với điều kiện ông ta hoặc bà ta còn răng.

Thói quen chăm sóc răng miệng cẩn thận có thể giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ hư răng, nhưng rồi nó cũng phải chào thua trước tuổi già. Chẳng hạn, chứng viêm khớp, chứng run và vài cơn đột quỵ nhẹ có thể gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, trong khi độ nhạy của dây thần kinh thì càng lúc càng giảm sút theo thời gian, nhiều người trong chúng ta thậm chí không hay biết là mình bị sâu răng hoặc gặp vấn đề về nướu cho đến khi mọi chuyện đã quá trễ. Trung bình trong vòng đời của một người, cơ hàm sẽ giảm 40 phần trăm khối lượng của nó, trong khi khối lượng các xương của hàm dưới giảm 20 phần trăm, trở nên xốp và yếu thay vì chắc chắn. Khả năng nhai thức ăn giảm sút, khiến người lớn tuổi phải chuyển qua ăn những loại thức ăn mềm hơn, mà phần lớn các loại thức ăn mềm này lại có thành phần chứa nhiều carbohydrate lên men dễ gây sâu răng. Ở một quốc gia công nghiệp như Mỹ, trung bình một người mất một phần ba số răng của mình khi bước sang tuổi sáu mươi. Gần như 40 phần trăm người già trên tám mươi lăm tuổi không còn cái răng nào trong miệng.

Trong khi xương và răng có xu hướng rụng hoặc yếu dần khi chúng ta già đi, những phần còn lại của cơ thể chúng ta thì lại càng lúc càng trở nên cứng nhắc. Mạch máu, các khớp xương, cơ bắp, van tim và cả phổi liên tục thu nhận lượng can-xi dự trữ và trở nên vôi hóa. Nếu quan sát các mạch máu và mô đó dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy hình dạng của chúng không khác xương là bao. Khi bạn làm phẫu thuật cho một bệnh nhân lớn tuổi và tiếp cận được động mạch chủ cũng như nhiều mạch máu khác của ông ta, bạn sẽ cảm thấy chúng cứng và giòn rụm dưới các ngón tay của bạn. Nghiên cứu đã chứng minh rằng sự sụt giảm mật độ xương là dấu hiệu dự báo khả năng tử vong của bệnh nhân xơ vữa động mạch chính xác hơn cả mức cholesterol trong máu. Nói một cách dễ hiểu, quá trình già đi của chúng ta có thể được ví von như sự chuyển dời của can-xi từ xương cứng sang mô mềm, khiến cho xương trở nên mềm trong khi mô thì càng lúc càng cứng.

Và thế là để duy trì sự lưu thông máu của cơ thể bên trong những ống mạch máu đã thu hẹp và xơ cứng đó, quả tim phải co bóp mạnh hơn để bơm máu với áp lực cao hơn. Kết quả là, hơn một nửa dân số đến tuổi sáu mươi lăm mắc bệnh cao huyết áp. Thành của tim càng lúc càng trương phình dày hơn do phải thường xuyên hoạt động dưới áp lực cao, trở nên cứng nhắc và kém linh hoạt trong việc đáp ứng các nhu cầu của cơ thể. Do vậy mà vận tốc co bóp của tim sa sút dần sau tuổi ba mươi. Càng lớn tuổi, con người không còn khả năng chạy nhanh hoặc leo thang bộ khỏe như hồi trẻ, nhiều người mới đi được vài bước đã cảm thấy khó thở hoặc thở gấp.

Do cơ tim trở nên dày hơn, một vài cơ khác phải mỏng đi. Đến khoảng tuổi bốn mươi, cơ thể người bắt đầu mất dần vài phần sức mạnh và khối tích cơ. Đến tuổi tám mươi, khối lượng cơ bắp của cơ thể người giảm từ một phần tư đến một nửa.

Bạn có thể chứng kiến toàn bộ quá trình trên chỉ trên bàn tay của mình: 40 phần trăm khối tích cơ tay thuộc về các cơ của lòng bàn tay và ngón tay cái; nếu bạn quan sát lòng bàn tay của một người lớn tuổi, ở vị trí gốc của ngón tay cái, bạn sẽ thấy bắp thịt ở đó phẳng lì chứ không hồng hào hoặc lồi lên rõ ràng như ở người trẻ. Quan sát một tấm ảnh chụp X-quang của lòng bàn tay người già, bạn sẽ nhìn thấy các đốm vôi hóa trong động mạch rất nổi bật, trong khi hình ảnh các xương thì lại mờ đục, bởi từ tuổi năm mươi trở đi, mật độ xương của cơ thể người giảm dần với tốc độ trung bình 1 phần trăm trong một năm. Bàn tay người có hai mươi chín khớp, mỗi khớp xương đều mong manh dễ vỡ trước sự tấn công của chứng viêm khớp mãn tính; điều này sẽ khiến cho bề mặt khớp xương trở nên mòn vẹt và xơ xác. Bản thân khớp xương cũng càng lúc càng thu hẹp không gian của nó theo thời gian. Bạn có thể thấy tình trạng xương này đụng xương kia mà không còn thông qua khớp. Vì lẽ đó mà người già thường có cảm giác sưng nóng chung quanh các khớp xương, gặp khó khăn trong việc cử động cổ tay, cầm nắm đồ vật và thường xuyên đau nhức khớp. Bàn tay con người còn chứa nhiều đầu dây thần kinh mà trong đó bốn mươi tám cái đã được y học xác nhận và gọi tên. Theo thời gian, khả năng cảm nhận được sự sờ chạm đồ vật hoặc các kích thích cơ giới của các ngón tay càng lúc càng kém nhạy. Sự mất dần các tế bào thần kinh vận động khiến chúng ta không còn khả năng phản ứng nhanh nhạy và khéo léo. Khả năng viết tay cũng theo đó mà sa sút Tốc độ hoạt động và khả năng cảm nhận rung động của bàn tay mai một dần. Ngay cả việc sử dụng một chiếc điện thoại di động thông thường với màn hình chạm và những cái nút nhỏ xíu cũng có thể là cả một cực hình.

Tiếc thay, đó lại là một quy trình tự nhiên và hết sức bình thường của con người. Mặc dù chúng ta có nhiều biện pháp để trì hoãn quá trình đáng buồn đó và làm nên kỳ tích – chẳng hạn như ăn uống điều độ và năng rèn luyện thể dục thể thao, sự lão hóa vẫn cứ tiếp diễn mà không một thế lực nào có thể ngăn cản. Hai lá phổi của chúng ta càng lúc càng suy giảm chức năng của chúng. Ruột càng ngày càng ì ạch. Các hạch không còn hoạt động năng nổ. Kể cả bộ não của chúng ta cũng nằng nặc đòi “nghỉ hưu”: Ở tuổi ba mươi, bộ não của chúng ta là một khối chất nặng chừng một ký rưỡi nằm vừa khít trong hộp sọ; đến tuổi bảy mươi, bộ não mất dân lượng chất xám, để lại nguyên một khoảng trống dày chừng hai phân rưỡi trong hộp sọ. Đây chính là lý do vì sao mà những người lớn tuổi như ông nội tôi rất dễ bị xuất huyết não ồ ạt sau chấn thương ở đầu – khi mà bộ não “lúc lắc” trong hộp sọ vì có quá nhiều khoảng trống. Phần não đầu tiên bị teo nhỏ chính là thùy trán – bộ phận có nhiệm vụ giúp chúng ta lên kế hoạch, nhận định và phán xét mọi sự, và hồi hải mã – bộ phận chịu trách nhiệm tổ chức và sắp xếp các ký ức của chúng ta. Đây là lý do vì sao mà khả năng ghi nhớ, thu thập và đánh giá nhiều thông tin ý tưởng cùng một lúc của chúng ta – hay còn gọi là khả năng đảm đương nhiều việc trong cùng một lúc – đạt cực đại ở giai đoạn trung niên để rồi sau đó sa sút thảm hại khi tuổi già cận kể. Khả năng xử lý thông tin của chúng ta kỳ thực đã bắt đầu giảm sút từ trước tuổi bốn mươi (đây hẳn là nguyên nhân vì sao mà phần lớn các nhà toán học và nhà vật lý học thường đạt phong độ cao nhất cũng như cho ra đời những công trình xuất sắc nhất của mình khi tuổi đời còn trẻ). Đến tuổi tám mươi lăm, khả năng ghi nhớ và phán xét của chúng ta sụt giảm và hỏng hóc đến mức bốn mươi phần trăm dân số ở độ tuổi này mắc phải bệnh đãng trí theo tiêu chuẩn đánh giá của y học.

* * *

Vì sao chứng ta già đi? Câu hỏi này đã luôn là đề tài của một cuộc bàn luận sôi nổi không hồi kết. Quan niệm cổ điển cho rằng sự già đi là một quá trình sa sút mang tính ngẫu nhiên của sinh vật. Còn quan điểm hiện đại thì nói rằng hiện tượng lão hóa là một quá trình có trật tự và đã được quy định trong gene của mỗi con người. Những người đề xướng quan điểm này chỉ ra rằng phần lớn các loài động vật cũng phải trải nghiệm sự lão hóa như con người, nhưng là với tuổi thọ và vòng đời khác nhau và riêng biệt. Ngỗng Canada có tuổi thọ trung bình là 23,5 năm; trong khi ngỗng hoàng đế chỉ thọ 6,3 tuổi. Có lẽ động vật cũng như thực vật, rằng phần lớn vòng đời của chúng được quy định và kiểm soát từ bên trong. Chẳng hạn, một số loài tre tồn tại dưới hình thức bụi và lũy, có thể sinh trưởng và cao lớn không ngừng suốt trăm năm, nở hoa cùng một lúc, rồi chết.

Việc một số sinh vật sống sinh trưởng mạnh mẽ rồi chết đột ngột thay vì trải qua giai đoạn già đi đã được giới khoa học nghiên cứu và phân tích trong những năm gần đây. Các nhà khoa học đang làm nghiên cứu trên loài giun nổi tiếng C. elegans (chỉ trong một thập kỷ mà đã có hai lần giải Nobel được trao cho các nhà khoa học làm việc với loài giun kỳ diệu này) đã khám phá rằng: Chỉ bằng cách biến đổi một gene đơn lẻ, họ đã cho ra đời những chú giun có tuổi thọ tăng gấp đôi và có quá trình lão hóa kéo dài hơn bình thường. Từ đó, giới khoa học đã cho ra đời các phương pháp biến đổi gene giúp làm tăng vòng đời sinh trưởng của ruồi giấm, chuột và nấm men.

Tuy vậy, những khám phá trên vẫn chưa đủ sức chống lại hàng loạt những bằng chứng thực tiễn phủ nhận rằng vòng đời cũng như tuổi thọ của chúng ta được quy định bởi những cấu trúc bên trong. Hãy nhớ rằng trong phần lớn quá trình lịch sử kéo dài vạn năm của con người – không tính vài trăm năm gần đầy nhất, tuổi thọ trung bình của con người chưa đầy ba mươi. (Nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân thời Đế quốc La Mã chỉ khoảng… hai mươi tám.) Thời đó, con người ta chết trước cả khi kịp già đi. Quả thật trong phần lớn lịch sử loài người, cái chết là một rủi ro “tai bay vạ gió” có thể đến với bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi nào và không có mối liên hệ gì với tuổi già. Montaigne từng miêu tả đời sống con người vào thế kỷ mười sáu như sau: “Chết vì tuổi già là một cái chết cực hiếm, đơn lẻ và phi thường, và không được xem là tự nhiên khi đặt lên bàn cân so với số đông; nó là kiểu chết tối thượng và cực đoan nhất của mọi cái chết.” Vậy mà cho đến ngày nay, tuổi thọ của người dân nhiều nước trên thế giới đều đã và đang vượt ngưỡng tám mươi, tức đủ tiêu chuẩn được xem là “kỳ tích” so với giới hạn trước giờ trong lịch sử. Cấn lưu ý rằng trong quá trình nghiên cứu tuổi già và sự lão hóa của con người, chúng ta không nên cố gắng tìm hiểu một quy trình tự nhiên như thế mà lại nhìn nhận nó một cách phi tự nhiên.

Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy tuổi thọ gần như không có tính chất di truyền như vài người thường lầm tưởng. Nhà nghiên cứu James Vaupel đến từ Viện Nghiên cứu Dân số Max Planck khám phá ra rằng tuổi thọ của cha mẹ chỉ có tác động trung bình khoảng 3 phần trăm lên tuổi thọ của con cái so với mặt bằng chung; Trái lại, chiều cao tối đa của bạn có 90 phần trăm chịu ảnh hưởng từ chiều cao của cha mẹ bạn. Kể cả những cặp sinh đôi cùng trứng cũng vân có vòng đời và tuổi thọ khác nhau đáng kể: rằng một trong hai người có thể qua đời trước người kia đến hơn mười lăm năm.

Nếu cấu trúc gene của chúng ta không đủ sức diễn giải điều mà chúng ta muốn biết, thế thì mô hình già-cỗi-như-một-quy-luật-tất-yếu cổ điển sẽ giải thích được nhiều điều hơn chúng ta tưởng. Nhà nghiên cứu Leonid Gavrilov đến từ Đại học Chicago lập luận rằng, cách thức con người già nua và chết đi cũng tương tự như sự già cỗi và kết thúc của mọi hệ thống thực thể trong tự nhiên: vừa ngẫu nhiên lại vừa từ từ từng bước một. Mọi kỹ sư và thợ máy đều thừa biết rằng máy móc không già đi. Chúng vẫn cứ vận hành bình thường cho đến khi một bộ phận quan trọng nào đó bị ngưng trệ, và chỉ cần có thế, toàn bộ cỗ máy trở thành sắt vụn. Tương tự, các loại đồ chơi vặn dây cót vẫn hoạt động hoặc phát tiếng nhạc trơn tru… cho đến khi một cái bánh răng hoặc một cái lò xo trong đó bị sứt mẻ hoặc bung ra, và thế là hỏng luôn toàn bộ món đồ chơi. Nhưng những hệ thống phức tạp và quan trọng hơn – chẳng hạn như nhà máy điện – vẫn phải được vận hành bền bỉ và vượt qua được mọi sự cố hỏng hóc mặc dù chúng được làm nên từ vô vàn những thành phần vừa cốt yếu lại vừa mong manh dễ vỡ không kém. Do vậy, các kỹ sư phải thiết kế và xây dựng những cỗ máy hoặc hệ thống phức tạp đó với thật nhiều lớp bảo vệ từ trên xuống dưới hay từ trong ra ngoài, gọi là những hệ thống dự phòng, thậm chí còn có cả hệ thống dự phòng cho hệ thống dự phòng. Các thành phần dự phòng có thể không hiệu quả và chắc chắn bằng các bộ phận chính, nhưng chúng có tác dụng đảm bảo cho cỗ máy hoặc nhà máy duy trì hoạt động bình thường kể cả khi xảy ra sự cố hoặc thiệt hại. Lập luận trên những thông số được thiết lập bởi bộ gene của con người, Gavrilov kết luận rằng đó cũng chính là cơ chế hoạt động của cơ thể người. Bằng chứng là chúng ta có hai quả thận chứ không phải một, hai lá phổi, tuyến sinh dục, và nhiều chiếc răng. ADN trong tế bào của chúng ta thường xuyên bị hư hại do nhiều tác động thường trực, nhưng các tế bào cũng đồng thời chứa những hệ thống dự phòng có tác dụng sửa chữa ADN. Nếu một gene quan trọng nào đó bị hư hại vĩnh viễn, nó sẽ được thay thế bởi những bản sao của chính mình ở gần đó. Trong trường hợp toàn bộ tế bào bị chết, sẽ có các tế bào khác lấp vào.

Mặc dầu vậy, khi mà số lượng khiếm khuyết trong hệ thống không ngừng gia tăng, rồi sẽ đến lúc “giọt nước làm tràn ly” – chỉ cần thêm một khiếm khuyết nữa là đủ phá hỏng toàn bộ công trình, dẫn đến tình trạng mà chúng ta thường gọi là sự hao mòn tàn tạ. Điều này đã và đang xảy ra với hàng loạt những cỗ máy, nhà máy, xe ô-tô, và nhiều công ty tập đoàn trên thực tế. Và nó cũng xảy ra với cơ thể con người: Không chóng thì chày, vài cái khớp xương sẽ mòn, vài ba cái mạch máu rồi sẽ bị vôi hóa. Rồi sẽ chẳng còn cái nào để dự phòng. Chúng ta hao mòn, rồi tiếp tục hao mòn, cho đến khi không còn gì để mòn nữa.

Sự hao mòn tàn tạ diễn ra dưới vô vàn những cách thức gây hoang mang khác nhau. Ví dụ điển hình chính là hiện tượng tóc bạc trắng, bởi lẽ cơ thể chúng ta mất dần những tế bào sắc tố có tính chất tạo màu cho tóc. Các tế bào sắc tố ở da đầu có vòng đời tự nhiên chỉ khoảng vài năm.

Chúng ta cần đến những tế bào gốc ở bên dưới bể mặt da đầu để điều phối và thay thế các tế bào chết. Tuy nhiên theo thời gian, trữ lượng tế bào gốc rồi cũng sẽ cạn kiệt. Kết quả là đến tuổi năm mươi, hơn nửa đầu chúng ta bạc phơ.

Bình thường, bên trong các tế bào da của chúng ta có những cơ chế chuyên trách nhiệm vụ đào thải chất bẩn hoặc cặn để bảo vệ và giữ cho làn da của chúng ta tươi sáng. Khi chúng ta già đi, những cơ chế này cũng đồng thời lụi tàn, để cho những chất cặn trong da kết tụ thành những đốm vàng nâu nhớp nháp gọi là lipofuscin, tên dân gian thường gọi là đồi mồi. Những đốm này đặc biệt phổ biến trên da của người lớn tuổi. Khi lipofuscin tích tụ trong các tuyến mô hôi, các tuyến này sẽ không thể hoạt động. Điều này giải thích vì sao người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao, dễ mệt mỏi, say nắng hoặc phát bệnh dưới thời tiết nắng nóng.

Trong khi đó, sự suy giảm chức năng của đôi mắt lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thủy tinh thể được cấu tạo từ những protein trong như pha lê và cực kỳ bền chắc, nhưng trong vòng đời của mình, chúng thường thay đổi về mặt hóa học theo những cách thức làm giảm tính đàn hồi của chính mình theo thời gian – lý do vì sao nhiều người trong chúng ta bắt đầu bị tật lão thị ở mắt từ tuổi bốn mươi. Đồng thời, quá trình này cũng dần dần làm đục thủy tinh thể, dù có hay không có cườm mắt (những phần phủ trắng đục làm mờ thủy tinh thể trong mắt, thường xuất hiện do tuổi già, do mắt tiếp xúc với tia cực tím, hoặc do nồng độ cholesterol cao, bệnh tiểu đường, hoặc do hút thuốc lá.) Vì vậy mà thị lực của một người khỏe mạnh sáu mươi tuổi thường chỉ bằng một phần ba thị lực của một người hai mươi tuổi khỏe mạnh.

Tôi từng trò chuyện về đề tài này với Felix Silverstone, người bác sĩ đứng đầu khoa Lão khoa của Viện Parker Jewish ở New York trong hơn hai mươi năm, và cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến sự lão hóa của con người. Ông khẳng định với tôi rằng “Sự lão hóa không phải là kết quả của một cơ chế tế bào thông thường đơn lẻ nào.” Theo thời gian, cơ thể chúng ta liên tục tích tụ lipofuscin, các gốc ô-xy tự do bị tổn thương, những sự đột biến ADN ngẫu nhiên nằm ngoài trật tự vốn có và vô vàn những vấn đề khác của các tế bào. Quá trình lão hóa diễn ra một cách chậm rãi nhưng càn quét và không gì ngăn được.

Tôi hỏi Silverstone, rằng liệu các bác sĩ lão khoa đã nghĩ đến ý tưởng về việc tạo lập cho cơ thể người một quy trình cụ thể khác dễ chịu hơn và có thể được tái thiết để thay thế cho sự lão hóa. “Điều đó là không thể,” ông bảo. “Tất cả chúng ta rồi phải “vụn vỡ” mà thôi.”

* * *

Đó không phải là một viễn cảnh hay ho nhỉ? Người ta thường không muốn nghĩ đến sự tàn lụi của chính mình, thậm chí chẳng muốn bàn về nó. Trên thị trường đã có hàng tá những cuốn sách bán chạy về sự già đi của con người, nhưng hầu hết chúng đều mang những cái tựa rất câu khách xoay quanh những ảo tưởng về tuổi trẻ như Trẻ hơn , Suối nguồn tuổi trẻ, Không tuổi, hoặc tác phẩm ưa thích nhất của tôi trong đây – Những tháng năm quyến rũ. Tuy nhiên, nếu cứ mãi níu kéo tuổi xuân và lảng tránh hiện thực bất biến về quy luật sinh-lão-bệnh-tử như thế, chúng ta sẽ phải trả những cái giá rất đắt. Chúng ta từ chối thích nghi với nó trong khi đây là một nghĩa vụ tất yếu của mỗi công dân trong một xã hội. Điều này chẳng khác nào chúng ta cũng tự đâm mù mắt mình trước những cơ hội mới giúp mỗi con người đạt được những trải nghiệm tích cực và viên mãn hơn khi cơ thể mình già đi.

Nhờ những thành tựu y học tiên tiến giúp kéo dài sự sống mỗi con người, kết quả mà chúng ta đạt được là một phép “tứ giác đạc” của sự sinh tồn. Trong suốt lịch sử nhân loại, dân số của mỗi một xã hội thường có hình dạng của một kim tự tháp (“tam giác đạc”): trẻ em chiếm số lượng đông nhất trong đó, làm thành phần đáy của kim tự tháp; độ tuổi càng lớn, số lượng người càng hẹp, lần lượt cho đến phần đỉnh nhọn và nhỏ nhất của kim tự tháp chỉ gồm thiểu số những người sống rất thọ. Vào năm 1950, trẻ em dưới năm tuổi chiếm 11 phần trăm dân số Hoa Kỳ, tỉ lệ người lớn từ bốn mươi lăm đến bốn mươi chín tuổi là 6 phần trăm, và số lượng người trên tám mươi tuổi chỉ chiếm 1 phần trăm. Ngày nay, chúng ta có số lượng người năm mươi lăm tuổi gần bằng với số lượng trẻ em năm tuổi, chỉ trong vòng ba mươi năm, số lượng các cụ ông cụ bà trên tám mươi tuổi đã tương đương với số trẻ em dưới năm tuổi. Mô thức này đã và đang trỗi dậy ở khắp các quốc gia công nghiệp.

Ngày nay, xu hướng “tứ giác đạc” dân số đang diễn ra bất chấp mọi nỗ lực kìm hãm của các xã hội và nhà quản lý. Chúng ta vẫn đang bám víu vào ý tưởng nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi lăm – một ý niệm đã từng rất hợp lý, khi mà lượng người già trên sáu mươi lăm tuổi chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong dân số, nhưng nay cái tỉ lệ khiêm tốn đó lại đang gia tăng gần đến tận 20 phần trăm, với một tốc độ chóng mặt và không thể kìm giữ được. Chưa kể, phần lớn người dân thời nay không mấy mặn mà với việc tiết kiệm tiền cho tuổi già như cha mẹ hay ông bà của họ thời kỳ Đại Suy Thoái. Hơn nửa số người cao tuổi hiện nay sống đơn thân và ít con cái hơn xưa, ấy vậy mà chẳng mấy ai trong số những người còn đang trẻ khỏe sung sức như chúng ta dành thời gian nghĩ xem mình sẽ sống ra sao khi tuổi già gõ cửa.

Có một điều đáng lo ngại không kém nhưng lại bị chúng ta lảng tránh nhiều nhất: Dù thành công trong việc kéo dài sự sống con người, y học lại đang rất chậm chạp trong việc đối diện với nhũng sự thay đổi do chính nó gây ra – ứng dụng những tri thức mà chúng ta đã đạt được vào việc cải thiện trải nghiệm tuổi già cho người dân, khi mà giờ đây, con người sẽ phải chịu đựng những năm tháng già nua lọm khọm của mình rất lâu, lâu hơn ngày xưa, như một cái giá tất yếu cho sự phát triển của y học. Mặc dù dân số cao tuổi không ngừng gia tăng, số lượng các bác sĩ lão khoa có năng lực và được chứng nhận hành nghề ở Mỹ lại giảm đến 25 phần trăm từ năm 1996 đến năm 2010. Số lượng hồ sơ nhập học các ngành chăm sóc sức khỏe người lớn sút giảm trầm trọng, trong khi một số ngành như phẫu thuật thẩm mỹ và X-quang đang lên ngôi với lượng sinh viên đăng ký đạt mức kỷ lục. Một phần nguyên nhân của tình trạng này hẳn là liên quan đến lương bổng – mức thu nhập của bác sĩ lão khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe người lớn thuộc hàng thấp nhất trong ngành y. Và một nguyên nhân quan trọng không kém – dù chúng ta có chịu thừa nhận hay không – nhiều bác sĩ không thích công việc chăm sóc người cao tuổi.

“Phần lớn bác sĩ nghe đến lão khoa là thấy nản, bởi họ không đủ năng lực nhẫn nại và chịu đựng với Người Già,” vị bác sĩ lão khoa gạo cội Felix Silverstone giải thích với tôi. “Người Già lãng tai. Người Già mắt mũi kèm nhèm. Người Già đãng trí lắm. Ở chung với Người Già, tụi bây làm gì cũng phải từ từ, chấm chậm, bởi lão ấy sẽ liên tục kêu gào tụi bây phải nhắc đi nhắc lại những gì mình vừa nói hoặc hỏi. Và Người Già không chỉ càm ràm một lần – mà Người Già lải nhải vào tai tụi bây đến mười lăm lần. Tụi bây định làm gì để làm hài lòng lão già khó tính đó đây? Tụi bây sẽ cảm thấy quá tải và muốn phát điên. Chưa kể, Người Già có hàng tá vẫn đề sức khỏe kéo dài suốt mấy mươi năm hoặc hơn. Mà tụi bây đâu chỉ phải chữa cho ổng vài ba cái vấn đề dai dẳng kinh niên ấy. Ổng bị cao huyết áp nè. Ổng bị tiểu đường nè. Ổng còn bị viêm khớp nữa. Tụi bây chẳng nhận được vinh hoa phú quý gì trong việc nhẫn nại đi chăm sóc chữa trị mấy cái bệnh đó cả.”

Kỳ thực, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là cả một nghệ thuật, có hẳn một hệ thống chuyên môn bài bản dành riêng cho công việc này. Chúng ta không thể chữa dứt mọi bệnh tật lặt vặt mà người già mắc phải, mà chúng ta học cách quản lý và kiểm soát chúng. Bản thân tôi cũng từng không hiểu được bản chất công việc của các bác sĩ lão khoa, không nhận thức được tầm quan trọng của nó… cho đến khi chính tôi được tận mắt chứng kiến những gì người ta đang làm trong phòng khám Lão khoa của bệnh viện mình.

* * *

Phòng khám lão khoa, hay còn gọi là Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Người Cao Tuổi – cái tên mà ban giám đốc bệnh viện đặt cho nó – nằm ở tầng dưới, cách khoa Ngoại của tôi một lầu. Suốt nhiều năm trời, tôi đi ngang qua nơi đó gán như mỗi ngày, áy vậy mà tôi chưa một lần suy nghĩ hay thắc mác điều gì về nó. Tuy vậy, trong một buổi sáng lang thang xuống các tầng dưới, tôi quyết định làm một chuyến thăm phòng khám lão khoa. Với sự cho phép của các bệnh nhân đang điều trị ở đó, tôi ngồi ở phòng chờ của họ để có cơ hội tiếp chuyện với vị bác sĩ trưởng của khoa Lão, Juergen Bludau.

“Điều gì khiến bà đến đây hôm nay?” vị bác sĩ hỏi Jean Gavrilles, bệnh nhân đầu tiên của buổi sáng. Bà ấy tám mươi lăm tuổi, nổi bật với kiểu tóc xoăn ngắn và bạc trắng, đeo cặp kính hình oval, mặc áo len màu tím oải hương, và nở một nụ cười nhẹ nhàng mà không kém phần ngọt ngào. Dáng người nhỏ con nhưng vững chãi, cụ tự tin đi bộ đến phòng khám với một tay cầm bóp cùng áo khoác, chân mang đôi giày chỉnh hình màu tím hoa cà, và cô con gái hộ tống mẹ từ phía sau. Cụ đến phòng khám lão khoa theo lời khuyên của vị bác sĩ nội khoa đã khám cho cụ trước đó.

“Bà có vấn đề cụ thể gì cần được chữa trị?” bác sĩ hỏi.

Câu trả lời có vẻ vừa có lại vừa không. Điều đầu tiên cụ Gavrilles kể là một cơn đau lưng đã hành hạ mình suốt vài tháng qua, gây ảnh hưởng đến chân của bà và khiến bà gặp khó khăn mỗi khi ngồi ghế hoặc nằm ngủ. Bà kể bà còn bị viêm khớp nặng, rồi cho chúng tôi xem tay của bà – với những ngòn tay bị sưng ở các đốt, rồi bà gập ngón tay lại để cho chúng tôi thấy sự dị dạng ở đó, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là tình trạng ngón tay cong hình cổ ngỗng. Cả hai đầu gối của bà đều đã bị thay khớp cách đó mười năm. Bà ấy cũng bị cao huyết áp, “dễ bị căng thẳng thần kinh” – bà nói, trước khi đưa cho Bludau xem toa thuốc bà đang dùng. Mắt bà bị tăng nhãn áp, nên cứ mỗi bốn tháng phải đi kiểm tra mắt một lần. Trước đây bà vẫn có thể tự làm vệ sinh cá nhân cho mình, nhưng gần đây, bà thừa nhận mình đã bắt đầu phải sử dụng tã giấy người lớn. Chưa hết, bà cũng mới vừa trải qua một cuộc phẫu thuật ung thư ruột kết, và hiện giờ phổi của bà đang có một bướu nhỏ có nguy cơ di căn – theo lời chẩn đoán của phòng X-quang, và họ khuyên bà nên làm phẫu thuật sinh thiết ngay khi có thể.

Bludau yêu cầu cụ Gavrilles kể ông nghe vài điều về cuộc đời bà, và cuộc trò chuyện của họ làm tôi nhớ đến cuộc đời của bà Alice mà tôi được biết trong lần đầu tiên gặp bà. Gavrilles kể rằng cụ đang sống một mình với một chú chó sục Yorkshire trong một căn nhà ở khu West Roxbury, thành phố Boston. Chồng bà đã qua đời vì bệnh ung thư phổi cách đó hai mươi ba năm. Bà không còn lái xe nữa. Bà có một con trai hiện đang sống trong cùng khu phố với bà, cậu ta đến thăm bà và đi siêu thị cho mẹ mỗi tuần một lần – “để biết chắc là tôi vẫn ổn,” bà cười bảo. Hai cô con gái và một người con trai khác của bà thì ở xa, nhưng vẫn đến đỡ đần bà khi cần. Dù có hay không có họ thì bà vẫn tự chăm sóc bản thân khá tốt. Bà tự mình nấu ăn và lau dọn nhà cửa. Bà cũng tự uống thuốc và chi trả các hóa đơn.

“Tôi không phải dạng vừa đâu, ngài bác sĩ,” bà bảo.

Bà tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Sau đó, bà xin làm thợ tán đinh tại xưởng đóng tàu Charlestown. Bà cũng từng có thời gian làm việc trong cửa hàng bách hóa Jordan Marsh ở khu trung tâm thương mại thành phố Boston. Nhưng đó là thời xa xưa rồi. Giờ bà chỉ ở nhà, cùng với sân nhà, chú cún và con cháu mỗi khi họ đến thăm.

Vị bác sĩ yêu cầu cụ Gavrilles miêu tả một ngày bình thường của mình. Bà bảo bà thường thức dậy vào khoảng năm hoặc sáu giờ mỗi sáng – già cả rồi, bà thấy mình chẳng cần ngủ nhiều. Nếu không quá đau lưng, bà sẽ rời khỏi giường ngay lập tức, đi tắm, và mặc quần áo. Sau khi xuống dưới lầu, bà bắt đầu uống thuốc theo toa, cho cún ăn, rồi chuẩn bị và tận hưởng bữa ăn sáng của mình. Bác sĩ Bludau hỏi bà thường ăn gì trong bữa sáng. “Ngũ cốc và chuối,” bà trả lời. Bà không thích chuối, nhưng bà nghe người ta nói ăn chuối tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể bà bổ sung kali, nên bà vẫn cố gắng ăn. Sau bữa sáng, bà dắt cún đi dạo trong sân nhà. Rồi bà lụi hụi làm việc nhà – giặt giũ, lau sàn, vân vân và vân vân. Đến gần trưa, bà ngồi nghỉ và mở ti-vi xem chương trình Hãy chọn giá đúng. Bữa trưa của bà gồm có bánh kẹp sandwich và nước cam. Nếu ngày hôm đó thời tiết ôn hòa, bà sẽ ra ngoài sân vườn nhà để ngồi thư giãn để tận hưởng khí trời. Bà thích chăm sóc vườn tược, nhưng do tuổi già sức yếu nên không còn có thể làm các công việc đó được nữa. Bà cảm thấy những buổi chiều trôi qua thật chậm chạp. Có thể bà lại tiếp tục làm việc nhà. Cũng có thể bà sẽ “nấu cháo” điện thoại với bạn bè hoặc chợp mắt một chút. Cuối cùng cũng đến bữa tối – một đĩa salad ăn kèm với khoai tây nướng hoặc trứng bác. Đến tối, bà lại bật truyền hình xem các đội bóng chày Red Sox hoặc Patriots mình ưa thích, hoặc các chương trình bóng rổ trường học – bà yêu thể thao lắm. Bà thường đi ngủ lúc nửa đêm.

Bác sĩ Bludau yêu cầu bà ngồi trên bàn khám bệnh. Bà tiến đến và ngôi vào vị trí một cách loạng choạng đến nỗi vị bác sĩ phải giữ chặt tay bà để đảm bảo bà không ngã. ông ấy kiểm tra huyết áp của bà và thấy kết quả bình thường, ông kiểm tra mắt và tai của bà, rồi yêu cầu bà há miệng. Với chiếc ống nghe của mình, ông lắng nghe thật kỹ nhịp tim và tình trạng phổi của bà. Ông bắt đầu khựng lại khi kiểm tra bàn tay của bà. Móng tay của bà được cắt sạch sẽ và gọn gàng.

“Ai cắt móng tay cho bà vậy?” Bludau hỏi.

“Là tôi đó,” cụ Gavrilles trả lời.

Tôi cố gắng nghĩ về ý nghĩa của cuộc khám bệnh này. So với tuổi tác của mình, bà ấy vẫn được xem là khỏe mạnh, nhưng kỳ thực bên trong cơ thể mình, bà ấy đang phải đối mặt với hàng tá bệnh tật và vấn để, từ chứng viêm khớp cho đến một khối u ruột kết có nguy cơ di căn. Tôi cảm nhận rằng trong một cuộc khám bệnh kéo dài chỉ bốn mươi phút này, bác sĩ Bludau sẽ phải hoặc xử lý vấn đề nguy hiểm nhất đến tính mạng của bà ấy (khối u ung thư ác tính sắp di căn), hoặc giải quyết vấn để đang gây ảnh hưởng nhất đến sinh hoạt hàng ngày của bà (chứng đau lưng). Ấy vậy mà ông ấy không nghĩ thế. Ông không đả động gì đến những vấn đề đó. Thay vào đó, trong phần lớn thời gian khám bệnh, tôi thấy ông hay quan sát bàn chân của bà ấy.

“Có cần phải làm vậy không thưa bác sĩ?” bà hỏi, lúc vị bác sĩ yêu cầu bà cởi giày và tất ra để ông xem.

“Vâng,” ông bảo. Sau khi cụ Gavrilles rời đi, ông bảo tôi rằng, “Anh phải luôn kiểm tra bàn chân của bệnh nhân.” Ông kể tôi nghe về một bệnh nhân nam từng được ông khám; cụ ông đó thắt cà vạt, diện quần áo bảnh bao và trông có vẻ rất khỏe mạnh… cho đến khi Bludau kiểm tra bàn chân: Cụ ấy không thể nào cúi gập người xuống để tháo giầy, nên kết quả là một đôi bàn chân không hề được rửa ráy trong nhiều tuần, cho thấy bệnh nhân sống trong tình trạng bị bỏ mặc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.

Quả thật, cụ Gavrilles cũng gặp khó khăn trong việc tự mình tháo giầy. Sau một lúc nhìn bà vật vã với việc đó, Bludau bèn ngồi xuống giúp bà. Sau khi tháo tất của bà ra, ông cầm chân bà lên quan sát, hết chân này đến chân kia. Ông kiểm tra mỗi chân của bà kỹ lưỡng đến từng chi tiết: lòng bàn chân, các ngón chân, và những phán kẽ chân kết nối giữa chúng. Sau đó, ông giúp bà mang tất và giày vào như cũ, rồi viết phiếu đánh giá đưa cho hai mẹ con bà.

“Bà ấy đã làm rất tốt,” ông bảo tôi. Cụ Gavrilles vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn lắm. Điều đáng sợ nhất với bà ấy lúc này chính là mất đi sức khỏe tốt và sự minh mẫn quý giá đó. Do vậy, thứ nguy hiểm nhất với bà ấy không phải là khối u ở phổi hay cơn đau lưng. Mà đó chính là nguy cơ té ngã. Trung bình mỗi năm ở Mỹ có 350.000 người bị té ngã vỡ xương hông. Trong số những người đó, 40 phần trăm phải nằm viện, và 20 phần trăm mất luôn khả năng đi lại. Ba nhân tố chủ đạo khiến người cao tuổi dễ té ngã là mất thăng bằng, uống thuốc trên bốn toa gây nguy cơ phản ứng phụ lên cơ thể, và tình trạng nhược cơ. Ngay cả những người cao tuổi không mắc phải điều nào trong ba điều trên vẫn có 12 phần trăm rủi ro té ngã. Còn những người nào có đủ ba điều trên thì khả năng té ngã đạt gần như 100 phần trăm. Jean Gavrilles có ít nhất hai trong ba nhân tố đó. Khả năng thăng bằng của bà ấy rất kém. Mặc dù bà ấy có thể tự đi bộ mà không cần chống gậy, Bludau đã quan sát thấy dáng đi chân bẹt vẹo ra của bà ngay khi bà bước vào phòng khám. Bàn chân bà ấy thì sưng phồng. Móng chân không được cắt và chăm sóc sạch sẽ. Có vài vết lở loét giữa các kẽ ngón chân của bà. Mặt dưới bàn chân bà có nhiều chỗ chai sạn rất dày.

Cụ ấy uống đến năm toa thuốc mỗi ngày. Hiển nhiên các toa thuốc đó cần thiết cho sức khỏe của bà, nhưng với liều lượng đó, khả năng gây tác dụng phụ là rất cao, cụ thể là tình trạng chóng mặt. Chưa kể, một trong những viên thuốc chữa huyết áp cao bà đang sử dụng có chất lợi tiểu; trong khi đó, bà ấy có vẻ uống rất ít nước, dễ dẫn đến nguy cơ mất nước và làm cho tình trạng chóng mặt thêm trầm trọng. Bởi trong lúc kiểm tra miệng bà, bác sĩ Bludau phát hiện lưỡi bà rất khô – một dấu hiệu của sự thiếu nước.

Bà ấy không có biểu hiện yếu cơ, và đây là điều tốt. Bludau kể rằng khi ông quan sát bà ngồi dậy từ ghế, ông thấy bà không phải chống tay lên ghế để đẩy cả người mình đứng lên như nhiều cụ ông cụ bà khác. Bà ấy đứng  dậy một cách đơn giản và dứt khoát – một dấu hiệu cho thấy các cơ vận động của bà vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, theo lời kể của bà về một ngày sinh hoạt bình thường cũng như những loại thực phẩm bà ăn hàng ngày, có vẻ như bà không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để duy trì khả năng vận động đó. Bludau có hỏi cụ Gavrilles rằng gần đây bà có thấy cân nặng của mình thay đổi không. Bà thừa nhận rằng mình vừa sụt hơn ba ký trong vòng sáu tháng qua.

Bludau bảo tôi rằng, công việc của một người bác sĩ thực thụ là cải thiện và nâng cao chất lượng sống của mọi người, mà trong đó có hai ý: hạn chế tối đa những sự thương tổn và thiệt hại mà bệnh tật mang lại cho họ, và duy trì được càng nhiều càng tốt những chức năng giúp cho bệnh nhân có được một cuộc sống năng động và hòa đồng được với những người xung quanh. Hầu hết các bác sĩ hiện nay chỉ tập trung vào việc chữa bệnh, còn những gì xảy ra sau đó thì… mặc kệ. Liệu người bác sĩ đó có được xem là đã làm hết trách nhiệm không, nếu bệnh nhân của anh ta sau khi chữa dứt bệnh lại trở nên yếu ớt hơn và phải trải qua phần đời còn lại trong viện dưỡng lão – đó chẳng phải cũng là một vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành y đó sao?

Với một bác sĩ lão khoa thì câu trả lời là “Vâng.” Con người không thể chống lại sự lão hóa của thể xác và tâm trí mình, nhưng chúng ta có nhiều cách để biến tuổi già thành một trải nghiệm tích cực hơn, làm chủ được nó và hạn chế tối đa những hiệu ứng tiêu cực đến từ sự già yếu và bệnh tật. Thế là Bludau giới thiệu cụ Gavrilles với một bác sĩ chuyên về bệnh tật ở chân, và khuyên bà nên đến gặp vị bác sĩ đó một lần sau mỗi bốn tuần, để ông ta theo dõi và chăm sóc bàn chân của bà. Về các toa thuốc bà đang dùng, ông thấy tất cả chúng đều cần thiết cho bà, và chỉ thực hiện một sự thay đổi nhỏ, là thay thế mấy viên thuốc lợi tiểu thành một loại thuốc chữa cao huyết áp khác hiệu quả hơn và không gây mất nước. Ông khuyên bà nên có thêm một bữa ăn nhẹ mỗi ngày, và yêu cầu bà tống khứ hết những loại thức ăn ít năng lượng hoặc có nồng độ cholesterol quá thấp.

Ông cũng đề xuất bà mời con cháu đến chung vui với mình trong các bữa ăn chính. “Ăn một mình thường không vui và không giúp kích thích cảm giác ngon miệng,” Bludau bảo. Ông yêu cầu cụ Gavrilles trở lại gặp ông sau ba tháng, để đảm bảo rằng những đề xuất của ông dành cho bà thực sự phát huy tác dụng.

Gần một năm sau, tôi mới có dịp gặp lại cụ Gavrilles và con gái bà. Khi đó bà tròn tám mươi tuổi. Bà đã ăn uống được nhiều hơn, và tăng được hơn một ký. Bà vẫn đang sống thoải mái và tự lập trong căn nhà quen thuộc của mình. Và bà chưa bị té ngã dù chỉ một lần.

* * *

Bà Alice đã có dấu hiệu té ngã thường xuyên từ rất lâu trước khi tôi được gặp bác sĩ Juergen Bludau và cụ Jean Gavrilles để rồi ngộ ra được nhiều vấn đề. Lúc đó, cả tôi lẫn mọi thành viên trong gia đình đều không ý thức được rằng những lần té ngã đó là hồi chuông báo động về tình trạng sức khỏe của bà Alice, không biết rằng chỉ cần vài thay đổi nhỏ thôi cũng đủ giúp cho bà có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và vui vẻ hơn, hoặc ít ra là duy trì được lâu hơn sự tự do tự tại mà bà muốn. Các bác sĩ của bà đã không thể nào hiểu được điều này. Và thế là mọi chuyện mỗi lúc một trở nên tồi tệ hơn.

Sự cố kế tiếp mà bà Alice gặp phải không còn là một cú ngã đơn thuần nữa, mà là tai nạn ô-tô. Sau khi bà lái chiếc Chevy Impala ra khỏi khu vực đường nội bộ, chiếc xe bất ngờ đâm xẹt ngang qua đường, băng lên cả vỉa hè, càn quét cả một khoảng sân nhà hàng xóm, và bà không thể thắng xe cho đến khi nó đâm sầm vào bụi cây trong vườn nhà người ta. Mọi người cho rằng bà đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng, còn Alice một mực cho rằng cái chân ga bị mắc kẹt. Trước giờ bà luôn tự hào rằng mình là một tay lái lụa và căm ghét bất kỳ ý kiến nào cho rằng tuổi tác khiến bà xuống phong độ.

Sự lão hóa xâm chiếm cơ thể chúng ta bằng con đường bò trườn lén lút và chậm rãi như một loại dây leo. Từng ngày trôi qua, bạn khó lòng nhận biết được sự thay đổi sa sút tinh tế đã và đang diễn ra trong cơ thể mình. Bạn đang dần dần thích nghi với nó mà không hay biết. Để rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, sự cố động trời xảy ra như một vụ “cháy nhà lòi mặt chuột,” khiến bạn ngộ ra rằng mình không còn được như trước. Vài cú té ngã vẫn không đủ khiến bạn “sáng mắt.” Ngay cả một vụ tai nạn xe hơi cũng chưa đủ sức để làm bạn tin vào hiện thực phũ phàng. Thay vào đó, bạn bắt đầu thừa nhận thực tế sau khi trở thành nạn nhân của một âm mưu thâm độc.

Không lâu sau sự cố đâm ô-tô, bà Alice thuê hai người đàn ông đến nhà để chăm sóc và làm mới lại sân vườn. Ban đầu họ thương lượng giá cả đường hoàng với bà, nhưng hẳn là lúc đó, họ đã nhìn bà như một miếng mồi tiềm năng. Sau khi xong việc, họ yêu cầu bà trả họ số tiền công “cắt gần một nghìn đô-la. Bà do dự. Bà vốn là người cẩn thận và kỹ tính trong chuyện tiền bạc. Nhưng hai gã đàn ông đó đùng đùng nổi giận và đe dọa bà. Bị hai kẻ đó làm khó và dồn vào chân tường, bà đồng ý ký séc cho họ số tiền họ yêu cầu. Bà run sợ, nhưng cũng đồng thời thấy ngại ngùng và xấu hổ, nên quyết không kể lại chuyện đó với ai, hy vọng mọi chuyện rồi sẽ qua. Ngay ngày hôm sau, hai gã đàn ông đó trở lại vào buổi tối và yêu cầu bà đưa thêm tiền. Ban đầu bà cãi lại họ, nhưng rồi sau đó cũng khuất phục và tiếp tục ký séc cho họ. Tổng số tiến họ trấn lột được từ bà Alice lên đến hơn bảy nghìn đô-la. Lần nữa, bà vẫn không chịu hé răng với ai. Tuy vậy đến tối hôm đó, vài người hàng xóm nghe thấy những tiếng cãi vã ồn ào lạ lùng phát ra từ nhà bà Alice, nên họ đã gọi điện thoại báo cảnh sát.

Hai gã đàn ông đã cuốn gói trước khi cảnh sát kịp đến. Một viên cảnh sát lấy lời khai của bà Alice và hứa sẽ điều tra vụ án và tìm bắt thủ phạm. Ngay lúc đó bà vẫn không chịu nói một lời với gia đình về vụ việc. Mãi một thời gian sau đó, khi bà lo sợ rằng vụ này sẽ là một rắc rối lớn, bà mới chịu kể lại với bố vợ tôi là Jim.

Jim hỏi han những người hàng xóm đã báo cảnh sát. Họ nói rằng càng ngày họ càng lo lắng cho bà Alice. Có vẻ như bà không nên sống một mình nữa. Họ kể lại vụ việc, và không quên đề cập cả vụ tai nạn liên quan đến chiếc Impala của bà. Chính họ cũng nhận thấy tuổi già sức yếu khiến bà gặp khó khăn ngay trong nhiều sinh hoạt đơn giản hàng ngày, đơn cử là chuyện đổ rác.

Cuối cùng cảnh sát cũng bắt được hai kẻ bất lương và khép họ vào tội ăn cắp tài sản có giá trị. Bọn chúng bị kết án và bỏ tù – một kết quả mỹ mãn cho bà Alice. Ấy vậy mà bà không nghĩ thế. Vụ việc đó cùng với những tai nạn gần đây khiến bà phải đối diện với sự tàn lụi của bản thân, thế là bà liên tục lải nhải và than trời trách đất về những sự cố đã xảy ra, thay vì để mọi chuyện ngủ yên và hướng về tương lai.

Sau khi những kẻ bất lương bị tống giam, Jim đề xuất với bà Alice về việc dẫn bà đi tìm hiểu các nhà dưỡng lão. Ông nhấn mạnh với bà rằng đây chỉ là một chuyến tham quan để biết những nơi đó như thế nào mà thôi. Nhưng cả hai người họ đều biết rằng mọi chuyện không đơn giản như thế.

* * *

Lão hóa muôn đời là số phận của mỗi người chúng ta; cái chết sớm muộn rồi cũng đến. Nhưng từ đây cho đến khi cái hệ thống dự phòng cuối cùng của cơ thể chúng ta lụi tàn, ngành y vẫn có vai trò tác động lên con đường đi qua tuổi già và điểm đến cuối cùng của mỗi chúng ta, để mặc nó lồi lõm chông chênh và vội vàng, hay làm cho nó bằng phẳng và dịu êm hơn, giúp chúng ta duy trì và kéo dài được những hoạt động mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Thật tình, chẳng mấy ai trong giới bác sĩ và dân ngành y chúng ta quan tâm đến vấn để này. Chúng ta rất giỏi chẩn đoán, chỉ ra bệnh tật và bày biện vấn đề: nào là ung thư ruột kết, huyết áp cao cho đến viêm khớp gối. Cứ ném cho chúng ta một căn bệnh, rồi chúng ta sẽ biết làm gì với nó. Nhưng khi người ta dẫn đến cho chúng ta một cụ bà mang trong người nào là huyết áp cao, viêm khớp gối trầm trọng, và hàng tá những bệnh tật từ lặt vặt đến nghiêm trọng khác – một bệnh nhân cao tuổi sắp mất đi cuộc sống khỏe mạnh bình yên mà bà hằng có – phần lớn chúng ta lại lúng túng chẳng biết phải làm gì, thậm chí còn khiến cho mọi chuyện thêm trầm trọng.

Nhiêu năm về trước, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Minnesota xác nhận được 568 cụ ông và cụ bà trên bảy mươi tuổi sống đơn thân đang có nguy cơ cao đối với chấn thương nặng hoặc tình trạng tàn phế bởi hàng loạt các vấn đề sức khỏe mãn tính, bệnh tật liên miên và những thay đổi về mặt nhận thức do sự lão hóa gây ra. Được sự đồng ý của những người cao tuổi đó, các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên một nửa trong số họ, và yêu cầu nhóm các cụ ông cụ bà này tiếp xúc với một đội ngũ gồm những y tá và bác sĩ lão khoa có kiến thức và chuyên môn về chăm sóc người già. Nhóm người cao tuổi còn lại được yêu cầu tiếp tục khám bệnh với vị bác sĩ riêng quen thuộc của họ, và tất cả những bác sĩ này đều biết về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mình. Trong vòng mười tám tháng sau đó, 10 phần trăm số bệnh nhân ở cả hai nhóm đều qua đời. Nhưng các bệnh nhân thuộc nhóm được tiếp xúc với đội ngũ lão khoa có tỉ lệ nguy cơ tàn phế giảm đi một phần tư, còn nguy cơ trầm cảm giảm một nửa. Tính cấp thiết đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia giảm 40 phần trăm ở nhóm bệnh nhân này.

Đó là những kết quả đáng kinh ngạc. Tưởng tượng nếu các nhà khoa học phát minh ra một thiết bị thần kỳ – tạm gọi là “cỗ máy hồi xuân” – không chỉ có tác dụng kéo dài cuộc sống mà còn loại bỏ mọi nguy cơ sức khỏe khiến bạn phải sống phần đời còn lại của mình trong chứng trầm cảm dai dẳng hoặc trong viện dưỡng lão tù túng, chúng tôi sẵn sàng ca hò hết cỡ để chúc mừng sự ra đời của nó. Khi đó, chúng tôi sẽ chẳng cần phải nhúng tay làm những chuyện kinh khủng như mở toang lồng ngực bạn rồi “hành hạ” tim bạn để bắt nó đập trở lại. Chúng tôi sẽ tổ chức hàng tá những chiến dịch ruy-băng hồng và tặng ruy-băng cho mọi cụ ông cụ bà bước qua tuổi bảy mươi lăm. Các hội nghị y khoa sẽ chỉ quanh đi quẩn lại chủ để làm sao để những người bước qua tuổi bốn mươi cũng nên sử dụng thiết bị thần kỳ đó. Sinh viên y khoa đổ xô đăng ký học thành những “chuyên gia hồi xuân,” còn Wall Street sẽ phải chào giá cổ phiếu công ty cao hơn.

“Cỗ máy” đó có thật – chính là các bác sĩ lão khoa. Những đội ngủ lão khoa chuyên nghiệp không làm sinh thiết phổi, không đi mổ lưng bệnh nhân mà cũng chẳng rảnh hơi đâu ngồi phát minh những thiết bị chữa bệnh thiếu cơ sở. Khác với bác sĩ thuộc các khoa khác, công việc chính của họ là đơn giản hóa thuốc men của bệnh nhân. Họ giúp bạn kiểm soát chứng viêm khớp. Họ đảm bảo rằng móng tay móng chân của bạn đã được cắt gọn và sạch sẽ, rằng những bữa ăn của bạn phải đẩy đủ cả về chất lẫn lượng. Điều khiến họ lo lắng nhất là nguy cơ bạn bị cách ly, bỏ mặc và không có người chăm sóc; và họ làm nhiệm vụ như những nhân viên xã hội, đảm bảo rằng bạn vẫn đang sống mạnh khỏe và an toàn trong nhà mình.

Ổ, vậy thì người ta thường tưởng thưởng những công việc thầm lặng và đầy nhân văn ấy như thế nào? Chad Boult, bác sĩ lão khoa kiêm người chủ trì cuộc nghiên cứu của Đại học Minnesota, có thể cho bạn câu trả lời. Chỉ vài tháng sau khi ông công bố kết quả nghiên cứu và chứng minh cho mọi người thấy rằng cuộc sống con người được cải thiện đáng kể thế nào nhờ sự chăm sóc đặc biệt của đội ngũ bác sĩ lão khoa, ban giám hiệu trường đại học đã quyết định… đóng cửa khoa lão ngay lập tức.

“Trường giải thích rằng họ không đủ khả năng tài chính để duy trì khoa lão,” Boult trả lời tôi từ Trường Y Tế Cộng Đồng Bloomberg thuộc Đại học Y Dược John Hopkins ở Baltimore, nơi làm việc mới của ông sau khi thất sủng ở Minnesota. Theo cuộc nghiên cứu của Boult, chi phí dịch vụ lão khoa trung bình tính trên đầu người là 1350 đô-la – một con số bội chi so với lợi nhuận thu lại và tiền quỹ của bệnh viện, trong khi đó thì Medicare – chương trình bảo hiểm dành riêng cho người cao tuổi ở Mỹ – không chịu thanh toán chi phí đó. Quả là một tiêu chuẩn kép lạ đời. Không ai chê một cái máy trợ tim trị giá 25.000 đô-la là đắt, và công ty bảo hiểm sẵn sàng chi trả một số tiến tương đương để sắm giá đỡ động mạch vành cho bệnh nhân mà không một lời than vãn làm khó. Họ bảo mình chỉ thanh toán cho những thứ mang lại ích lợi thực sự cho con người. Trong khi đó, hơn hai mươi thành viên trong đội ngũ y bác sĩ lão khoa chuyên môn cao của Đại học Minnesota bỗng dưng mất việc và phải xách hồ sơ tìm kiếm công ăn việc làm ở nơi khác. Rất nhiều trung tâm y tế trên toàn đất nước này đã và đang thu hẹp hoặc đóng cửa bộ phận lão khoa của họ. Nhiều đồng nghiệp của Boult không còn dám quảng cáo nghề nghiệp hay tự nhận mình là bác sĩ lão khoa, bởi lẽ họ sẽ không thể nào lo xuể số bệnh nhân cần đến mình. “Họ sẽ tự chuốc lấy rắc rối thực sự nếu làm thế,” Boult thở dài.

Tuy vậy, vấn đề tài chính ảm đạm của chuyên ngành lão khoa chỉ là một biểu hiện của một hiện thực sâu xa hơn: Người ta vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi thói quen và các mối quan tâm hàng đầu của mình trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều niềm nở chào đón những công nghệ chữa bệnh tối tân nhất và mong muốn chúng được các nhà lập chính sách ưu đãi để được tận hưởng những công nghệ đó một cách miễn phí hoặc với mức giá nhẹ nhàng nhất có thể. Chúng ta thích những bác sĩ nào hứa hẹn khả năng chữa dứt bệnh một cách tốt nhất. Nhưng còn những bác sĩ lão khoa thì sao? Có ai chào đón họ? Công việc của bác sĩ lão khoa là đảm bảo cho chúng ta một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, và cải thiện khả năng chống chịu của chúng ta trong những năm tháng tuổi già sức yếu – một nhiệm vụ đầy khó khăn và chẳng thú vị tí nào. Công việc này đòi hỏi người bác sĩ kiểm soát chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, thuốc men và những sinh hoạt thường ngày của người bệnh “còn hơn cả một bà vú em.” Và điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chiêm nghiệm và chấp nhận quy luật sinh-lão-bệnh-tử của tự nhiên, rằng có những điều không thể thay đổi, có những thứ không thể được cứu chữa, bao gồm cả sự sa sút và lão hóa của cơ thể mà con người không thể tránh khỏi, nhằm có thêm quyết tâm và động lực để làm những gì cần làm và tái thiết cuộc sống bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Trong khi nhiều người trong chúng ta vẫn muốn bám víu vào cái ảo tưởng rằng mình có thể trẻ mãi không già, một người bác sĩ lão khoa đích thực sẽ buộc bạn phải chấp nhận sự thật, rằng chúng ta là những sinh vật khả tử.

* * *

Đối với Felix Silverstone, việc chăm sóc người già, quản lý tuổi già và đối diện với những thực tế khắc nghiệt của nó chẳng khác nào “làm dâu trăm họ,” là cái nghiệp cả đời của ông. Ông đã giữ vững vị thế người bác sĩ lão khoa hàng đầu của cả nước suốt năm mươi năm qua. Đến khi tôi được gặp Felix, ông đã là một cụ già tám mươi bảy tuổi, ông có thể cảm nhận được sự lão hóa của tâm trí và cơ thể của chính mình; tất cả những thứ mà ông dành trọn cả đời để nghiên cứu nay đang diễn ra và hành hạ chính bản thân ông.

Có thể xem Felix là một trường hợp may mắn. Ông chưa bao giờ phải ngừng làm việc, kể cả khi ông từng lên cơn đau tim đến suýt mất mạng ở tuổi ngoài sáu mươi, với di chứng để lại là quả tim của ông giờ chỉ còn hoạt động được nửa chức năng trước kia của nó. Ngay cả một cơn trụy tim khác từng bất ngờ tấn công ông hồi ông bảy mươi chín tuổi cũng vẫn không đủ sức ngăn ông tiếp tục cày việc.

“Một buổi tối nọ, trong khi đang ngồi ở nhà, tôi bất chợt nhận ra tim mình đập nhanh,” Felix kể tôi nghe. “Lúc đó tôi chỉ đang đọc sách, và chỉ vài phút sau, tôi bỗng dưng khó thở. Một lúc sau nữa, tôi cảm thấy nặng nể nơi lồng ngực. Tôi vớ ngay chiếc máy đo huyết áp để tự đo mạch của mình, và nhìn thấy một con số lớn hơn hai trăm.”

Felix là người như thế, ngay khi bản thân mình bị đau ngực thì tranh thủ ngay cơ hội đó để đo mạch của chính mình.

“Tôi bàn với vợ tôi về việc có nên gọi xe cứu thương hay không. Và chúng tôi đã làm điều đó.”

Khi Felix được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ đã phải làm sốc điện trên người ông để tim ông đập trở lại. Ông bị rối loạn nhịp tim dạng nhịp nhanh thất, đến nỗi người ta phải cấy một chiếc máy khử rung tim tự động vào trong lồng ngực ông. Trong vòng vài tuần sau đó, khi ông đã cảm thấy khỏe khoắn trở lại, các bác sĩ làm phẫu thuật lấy chiếc máy ra khỏi người ông để ông có thể về nhà, tiếp tục làm việc toàn thời gian và sinh hoạt bình thường. Felix hình thành thói quen thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe và chăm sóc y tế cho bản thân kể từ sau sự cố đó cộng với vài lần nhập viện khác vì chứng thoát vị, phẫu thuật túi mật và chứng viêm khớp. Những bệnh tật đó cũng đồng thời kết thúc niềm đam mê chơi đàn piano của ông; Chưa kể, sự lão hóa còn làm ông bị lãng tai, khiến cột sống của ông có tình trạng nứt nẻ do co rút, khiến cho chiều cao một thước bảy của ông bị giảm mất gần tám phần.

“Tôi phải chuyển qua sử dụng ống nghe bằng điện để khám bệnh cho người ta,” Felix bảo. “Mấy cái bệnh người già đó phiền toái thật, nhưng tôi vẫn ổn.

Cuối cùng, ông vẫn phải nghỉ hưu ở tuổi tám mươi hai, không phải vì vấn đề sức khỏe của ông, mà là vì vợ ông, Bella. Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài hơn sáu mươi năm. Felix gặp Bella khi ông còn là một bác sĩ thực tập, còn bà là một bác sĩ dinh dưỡng ở bệnh viện Kings County ở Brooklyn. Họ có hai con trai ở Flatbush. Khi cả hai người con đều rời khỏi gia đình ở riêng, Bella lấy bằng sư phạm và làm công việc dạy học cho trẻ em khuyết tật. Tuy vậy, ở tuổi bảy mươi, vài căn bệnh võng mạc đã làm giảm thị lực của bà, khiến bà không thể làm việc được nữa. Mười năm sau đó, mắt bà gần như mù hẳn. Felix không cảm thấy yên tâm khi để bà ở nhà một mình trong tình trạng đó, thế là đến năm 2001, ông viết đơn từ chức để về hưu. Họ chuyển đến sống ở Orchard Cove, một cộng đồng hưu trí ở Canton, Massachusetts và nằm ngay ngoài rìa thành phố Boston, để được ở gần con cháu hơn.

“Tôi vẫn không tin rằng mình vẫn còn sống sau những gì đã xảy ra,” Felix nói. ông đã từng chứng kiến biết bao nhiêu bệnh nhân của mình vật lộn với những thay đổi của tuổi già. Sau khi khám xong cho bệnh nhân cuối cùng và thu dọn đồ đạc để về nhà, ông cảm thấy như thể mình sắp chết. “Cuộc sống của tôi cũng đang vụn vỡ như ngôi nhà của mình,” ông nhớ lại. “Thật khủng khiếp!”

Chúng tôi đang ngồi trò chuyện với nhau trong khu thư viện đằng sau phòng chờ của Orchard Cove. Căn phòng rộng ngập trong những dải ánh sáng mặt trời xuyên qua cửa sổ, những bức tranh tuyệt đẹp treo trên tường, những chiếc ghế bành bọc nệm theo phong cách văn phòng. Toàn bộ không gian trông như một khách sạn năm sao, trừ việc tất cả những người đang đi qua đi lại trong đây không có ai dưới bảy mươi lăm tuổi. Ở cộng đồng dân cư Orchard Cove này, Felix và Bella được sống trong một căn hộ hai phòng ngủ nhìn ra rừng cây và vô vàn không gian tự nhiên thoáng đãng. Trong phòng khách, Felix có cho đặt một chiếc đàn dương cầm lớn, còn trên bàn làm việc của ông thì chất đống những cuốn tạp chí y khoa mà ông đã đăng ký đặt mua dài hạn – “để bổi bổ cho tầm hồn mình,” ông giải thích. Căn hộ họ ở được xếp loại là đơn vị hộ gia đình độc lập. Nó được dành cho ông bà kèm với dịch vụ chăm sóc nhà cửa, thay tấm trải, và phục vụ bữa ăn tối. Khi cần, họ có thể trả thêm phí để nâng cấp thành gói dịch vụ chăm sóc toàn phần, bao gồm phục vụ cả ba bữa ăn chính trong ngày và mỗi ngày sẽ có một người đến chăm sóc cá nhân cho chủ nhà trong vòng một giờ.

Đó là một khu dân cư cao cấp và không dành cho người có thu nhập thấp. Kể cả khi bạn ở trong một khu dân cư thu nhập thấp, bạn cũng phải trả tiền thuê nhà trung bình 32.000 đô-la một năm. Tiền đặt cọc ban đầu thường dao động từ 60.000 đến 120.000 đô-la. Trong khi đó ở Mỹ, thu nhập trung bình của số dân từ tám mươi tuổi trở lên chỉ vào khoảng 15.000 đô- la/năm. Hơn phần nửa số người cao tuổi sống trong những cơ sở chăm sóc người già dài hạn đã tiêu sạch số tiền tiết kiệt cả đời của mình và phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính phủ – tức trợ cấp xã hội – để tiếp tục được chăm nom ở đó. Để rồi cuối cùng, theo thống kê, một người dân Mỹ trung bình thường phải sống trong cảnh tàn phế hoặc bị “giam lỏng” trong các viện dưỡng lão suốt ít nhất một năm tuổi già của mình, trong khi chi phí sống trong viện dưỡng lão đắt gấp năm lần chi phí sinh hoạt của một người bình thường độc lập – một kết cuộc mà Felix đang tìm mọi cách để không phải rơi vào.

Ông cố gắng lưu ý đến những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể mình một cách khách quan nhất có thể, như hồi còn làm bác sĩ lão khoa, ông nhận ra da mình khô hơn. Khứu giác của ông không còn nhạy với các mùi hương như trước. Khả năng nhìn của ông kém hẳn vào ban đêm, và ông rất mau mệt. Ông bắt đầu bị rụng răng. Nhưng ông cố gắng để ý và vận dụng mọi biện pháp để kìm hãm chúng hết mức có thể. Ông dùng kem dưỡng da đặc trị để hạn chế tình trạng da khô nứt nẻ, giữ mát cơ thể, tránh xa nhiệt độ cao để không mất nước; ông chạy xe đạp ba lần một tuần; ông đến phòng khám nha sĩ hai lần một năm.

Điều ông lo lắng nhất chính là những quá trình lão hóa trong não. “Tôi không còn có thể suy nghĩ sáng suốt và nhanh nhạy như trước,” ông nói. “Trước đây tôi có thể đọc hết tờ New York Times chỉ trong vòng nửa giờ. Giờ tôi mất đến một tiếng rưỡi để đọc xong tờ báo.” Kể cả sau khi đọc báo xong, ông cảm thấy mình không còn có thể tiếp nhận và hiểu các thông tin một cách nhạy bén như trước, và khả năng ghi nhớ là một vấn đề lớn đối với ông. “Nếu tôi mở tờ báo và xem lại những gì tôi đã đọc, tôi sẽ nhớ là mình đã đọc qua chúng, nhưng có những lúc tôi chẳng hề nhớ được điều gì mình vừa đọc dù chỉ là một chút,” ông bảo. “Trí nhớ ngắn hạn của tôi sa sút trầm trọng. Thật khó để thu nhận một tín hiệu rồi giữ nó yên vị trong não mình.”

Ông cố gắng vận dụng hết tất cả những phương pháp và mẹo ghi nhớ mà ông từng dạy cho các bệnh nhân của mình. “Tôi cố gắng hết sức để tập trung vào mọi việc mình đang làm một cách có ý thức; tôi không còn dám làm gì theo phản xạ nữa,” ông kể với tôi. “Tôi không đánh mất khả năng làm việc tự động, chỉ là tôi không còn có thể thể dựa dẫm vào nó như trước kia được nữa. Chẳng hạn, tôi không thể vừa mặc quán áo vừa suy nghĩ chuyện gì khác; nếu không, tôi sẽ rối tung hoặc khoác lên mình một đống “thảm họa” mà không hề hay biết.” Ông nhận ra rằng chiến lược làm mọi việc một cách có ý thức không phải lúc nào cũng hiệu quả, bởi có những khi trong cùng một cuộc chuyện trò với tôi, ông lặp đi lặp lại một câu chuyện hơn hai lần mà không nhận ra. Những dòng suy nghĩ trong tâm trí ông cứ ngoan cố “ngựa quen đường cũ” bất chấp mọi nỗ lực của ông trong việc hướng chúng sang đề tài mới. Những kiến thức và chuyên môn đã có của Felix về lão khoa buộc ông phải thừa nhận sự lão hóa của chính mình, nhưng chúng chưa bao giờ là lợi thế giúp việc đó dễ dàng hơn với ông so với người bình thường.

“Nhiều khi tôi ngồi thừ người một cách vô cớ,” ông bảo. “Tôi cho là mình đang trải qua những cơn trầm cảm đến và đi, đi rồi lại đến. Chúng không khiến tôi tàn phế, nhưng chúng thật là …” Ông ngừng một lúc để tìm ra một từ chính xác hơn để nói. “Chúng thực sự không thoải mái.”

Bất chấp sự lão hóa đang hành hạ Felix, thứ duy nhất đã và đang cứu rỗi ông và giúp ông vượt qua được những tháng ngày vật lộn của tuổi già chính là tinh thần “giữ lửa” mục đích sống, hay đúng hơn là lẽ sống của đời ông. Theo như ông nói, lẽ sống đó cũng chính là thứ đã dẫn dắt ông trở thành bác sĩ lão khoa và tận tụy với nghề suốt mấy chục năm đời người: được sống có ích, được phục vụ cộng đồng, được hữu dụng với những người xung quanh bằng cách này hay cách khác. Sau khi chuyển đến sống ở Orchard Cove được vài tháng, ông đã được người ta mời làm lãnh đạo trong một ủy ban nhằm mục đích cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đó. Ông sáng lập câu lạc bộ đọc sách dành cho các y bác sĩ về hưu. Ông còn nhận đỡ đầu cho một nữ bác sĩ lão khoa trẻ trong công trình nghiên cứu độc lập của cô – một cuộc khảo sát ý kiến người dân về thái độ của họ đối với việc nên hay không nên rút ổng thở của bệnh nhân để họ được trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng êm ái.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất giúp ông duy trì được cuộc sống khỏe mạnh, năng động và có ích bất chấp tuổi già chính là việc ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống vì con cháu, và vì bà Bella vợ ông. Tình trạng mù lòa và sa sút trí nhớ khiến bà không thể sống độc lập mà phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Không có ông bên cạnh, bà chỉ còn cách vào viện dưỡng lão. Ông giúp bà thay quần áo và đảm bảo các toa thuốc bà sử dụng, ông tự tay làm bữa sáng và bữa trưa cho bà. Ông hộ tống bà mỗi khi bà cần đi bộ hoặc đi khám bác sĩ. “Giờ thì bà ấy chính là lẽ sống của tôi,” ông nói.

Không phải lúc nào bà Bella cũng hài lòng với cách chăm sóc của ông.

“Chúng tôi cãi nhau thường xuyên – chúng tôi xâm phạm nhiều thứ của nhau,” Felix bảo. “Nhưng điều quan trọng là chúng tôi luôn bao dung và tha thứ.”

Ông không cảm thấy trách nhiệm chăm sóc bà là một gánh nặng. Từ khi về hưu và thu hẹp cuộc sống của mình, việc chăm sóc Bella chính là điều duy nhất khiến ông tự hào và cảm thấy bản thân mình còn giá trị.

“Tôi là “vú em” độc quyển của bà ấy,” ông nói. “Và tôi rất vinh hạnh với vị trí ấy.” Chính công việc này càng khiến Felix ý thức hơn về tuổi già của mình, nhắc nhở ông phải lưu tâm hơn đến những thay đổi đang diễn ra trong cơ thể và khả năng vận động của mình; ông sẽ không thể chăm sóc vợ hay làm được trò trống gì nếu không trung thực với bản thân và thừa nhận những giới hạn của chính mình.

Một bữa nọ, Felix mời tôi dùng bữa tối cùng gia đình ông. Địa điểm ăn tối là một không gian hạng sang với chỗ ngói đặt trước, phục vụ tại chỗ và thực khách phải mặc trang phục lịch sự và đúng chuẩn. Tôi đến đó từ bệnh viện với áo blouse trắng để nguyên trên người, nên phải mượn đỡ một chiếc áo com-lê xanh thâm của người chủ nhà hàng để được phục vụ. Hôm đó, Felix mặc một bộ com-lê nâu với áo sơ-mi màu đá nhạt bên trong, còn Bella mặc một chiếc đầm dài đến đầu gối với hoa văn màu xanh lam do chính tay ông lựa cho bà. Ông đưa tay ra cho bà nắm lấy, rồi nhẹ nhàng dẫn bà đến bàn ăn. Bà rất thân thiện, hòa nhã và thích nói chuyện suốt, với đôi mắt trông rất tinh anh và trẻ trung so với tuổi của bà. Vậy mà sau khi đã ngồi vào chỗ của mình, bà thậm chí không thể nhìn thấy cái đĩa được đặt ngay trước mặt mình, huống chi là thực đơn. Felix gọi món cho bà: súp gạo, trứng ốp-la, khoai tây nghiền, và súp lơ nghiên. “Không bỏ muối,” ông yêu cầu to rõ với người bồi bàn, vì bà bị cao huyết áp. Ông gọi món cá hồi và khoai tây nghiền cho mình. Còn tôi thì ăn súp và món thịt nướng Luân Đôn.

Khi các món ăn được dọn ra, Felix chỉ cho Bella cách tìm các đĩa thức ăn và vật dụng trên bàn bằng phương pháp sử dụng kim đồng hồ. Ông đặt một chiếc nĩa vào tay bà rồi quay trở lại thưởng thức bữa ăn của mình.

Cả hai người đều nhai thức ăn rất chậm. Bella là người đầu tiên bị mắc nghẹn, với món trứng ốp-la. Mắt bà rơm rớm nước. Bà bắt đầu ho sặc sụa.

Felix dâng một cốc nước đến tận miệng bà. Bà ngay lập tức uống nước và làm cho miếng trứng ốp-la trôi tuột xuống dạ dày.

“Khi anh càng lớn tuổi, tật ưỡn lưng ở cột sống sẽ khiến anh luôn phải ngẩng cao đầu,” ông bảo tôi. “Do vậy mỗi khi anh ngẩng đầu nhìn thẳng, người ta lại tưởng anh đang ngửa đầu lên trần nhà để nhìn thứ gì khác. Cố gắng nuốt thức ăn thật kỹ khi đang ngẩng đầu như thế: rồi sẽ có lúc anh bị mắc nghẹn, không lúc này thì lúc khác. Chuyện này xảy ra như cơm bữa với người già. Nên hãy nghe cho kỹ” Nghe ông nói, tôi mới nhận ra là trong phòng ăn này còn có một thực khách khác cứ vài phút là mắc nghẹn thức ăn một lần. Felix quay sang Bella dặn dò: “Cố gắng cúi đầu một chút rồi hãy ăn nhé em yêu!”

Mặc dù vậy, chỉ sau vài lần nhai thức ăn kế tiếp, đến phiên Felix bị nghẹn, mà “thủ phạm” lần này là món cá hồi. Ông bắt đầu ho liên hồi. Mặt ông đỏ bừng. Sau một lát ông cũng tự mình xử lý được miếng thứ ăn bị mắc nghẹn. Ông mất khoảng một phút để có thể hít thở bình thường trở lại.

“Giờ thì đến lượt tôi vi phạm lời khuyên của chính mình,” ông bảo.

Khỏi phải nói, Felix Silverstone quả là một người chiến binh đầy tự tin trước sự tấn công của những năm tháng tuổi già và lão hóa. Đã có một thời người ta xem việc sống thọ đến tuổi tám mươi bảy là một kỳ tích. Nhưng thời nay, khi số lượng người sống thọ không còn ít, kỳ tích nằm ở khả năng kiểm soát và làm chủ những năm tháng tuổi già của bản thân. Kể cả với một bác sĩ lão khoa như Felix, việc một ông lão tám mươi bảy tuổi mang một đống bệnh tật mãn tính trong người vẫn đang sống khỏe mạnh và độc lập, thậm chí còn kiêm luôn việc chăm sóc người vợ cũng già yếu không kém và tiếp tục cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học có thể xem là một điều kỳ diệu.

Mặt khác, Felix cũng có phần may mắn. Chẳng hạn, trí nhớ của ông không bị sa sút trầm trọng như nhiều người cao tuổi khác. Và ông biết cách quản lý cuộc sống tuổi già của mình. Mục tiêu của ông cũng đơn giản: có được một cuộc sống bình thường bằng những kiến thức và giới hạn của bản thân trong khả năng hết mức có thể. Vì thế mà ông tiết kiệm tiền ngay từ hồi còn trẻ khỏe và không về hưu sớm, nhờ đó mà ông không gặp khó khăn thiếu thốn về mặt tài chính khi về già. Ông duy trì các mối quan hệ xã hội và không để bản thân mình bị cô lập. Ông thường xuyến theo dõi tình trạng xương, răng miệng và cân nặng của bản thân. Và ông giữ liên lạc với những bác sĩ lão khoa có năng lực để giúp ông duy trì cuộc sống an toàn và độc lập.

* * *

Tôi hỏi bác sĩ Chad Boult, vị giáo sư lão khoa uy tín, rằng các nhà quản lý nên làm thế nào để đảm bảo đủ số lượng bác sĩ lão khoa đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của lượng người cao tuổi đang ngày một gia tăng trong dân số. “Không thể làm gì được nữa,” ông bảo. “Tất cả đã quá muộn.” Việc đào tạo ra một bác sĩ lão khoa cần rất nhiều thời gian, trong khi số lượng bác sĩ lão khoa có năng lực trong ngành hiện nay là rất ít. Trung bình trong một năm, số lượng bác sĩ lão khoa ra trường ở Mỹ chưa đầy ba trăm, thậm chí không đủ để thay thế lực lượng chuyên gia lão khoa sắp về hưu, chứ chưa nói đến chuyện đáp ứng nhu cầu xã hội trong một thập kỷ tới. Tương tự là đội ngũ y bác sĩ tâm thần lão khoa và nhân viên xã hội, họ cũng có vai trò quan trọng không kém đối với xã hội, nhưng cung vẫn cứ mãi không đủ cầu. Tình trạng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các quốc gia ngoài Mỹ có hoàn cảnh và đặc điểm hoàn toàn khác. Nhưng ở một số nước nọ, tình cảnh còn bi đát hơn.

Thế nhưng, bác sĩ Boult vẫn lạc quan tin rằng chúng ta còn rất nhiều thời gian để thực hiện một chiếc lược khác: Ông cắt cử các bác sĩ lão khoa vào công tác đào tạo kỹ năng chăm sóc người già cho các y bác sĩ thuộc lĩnh vực chăm sóc ban đầu bên cạnh công việc chuyên môn chính, mặc dù đây là một mệnh lệnh không đơn giản và có tầm vĩ mô – 97 phần trăm sinh viên y khoa không đăng ký học bộ môn Lão khoa, và chiến lược này đòi hỏi nhà nước chi trả cho các chuyên gia lão khoa đảm đương thêm công tác đào tạo thay vì chỉ làm chuyên môn và chăm sóc bệnh nhân. Nhưng ở đâu có ý chí, ở đó sẽ có con đường – Boult tin rằng chúng ta rồi sẽ xây dựng và thiết lập thành công bộ môn Lão khoa trong mọi ngôi trường đào tạo vẽ y dược, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, y tế công cộng và mọi chương trình đào tạo nghiệp vụ y khoa trong vòng mười năm.

“Chúng ta phải hành động thôi,” ông nói. “Để ngày mai những người cao tuổi sẽ có cuộc sống tốt hơn ngày hôm nay.”

* * *

“Tôi vẫn còn lái xe được, anh yên tâm,” Felix Silverstone bảo tôi sau bữa ăn tối. “Tôi tự hào là một tay lái lụa.”

Ông sẽ phải chạy xe vài quãng đường ở Stoughton nằm cách đây vài dặm để mua thuốc cho Bella, và tôi xin được theo cùng. “Xế hộp” của Felix là một chiếc Toyota Camry hộp số tự động màu đồng hơn mười tuổi và đã băng băng trên các cung đường được 39.000 dặm – chỉ số mà tôi nhìn thấy trên đồng hồ đo quãng đường. Chiếc xe chạy rất êm và trông còn mới nguyên từ trong ra ngoài. Ông đỗ xe một cách chuyên nghiệp trong một vị trí rất hẹp và vòng xe ra khỏi đó cũng cừ không kém. Ông cầm và xoay vô-lăng một cách thiện nghệ và không hề run tay. “Càn quét” qua đường phố Canton vào lúc chạng vạng tối trong một đêm trăng non, ông vẫn lái xe, dừng xe, chấp hành đèn đỏ và các tín hiệu giao thông một cách nghiêm chỉnh, thực hiện các động tác rẽ trái rẽ phải một cách suôn êm không tì vết.

Thật lòng là suốt thời gian ngồi trong xe ông lái, tôi rất run. Nguy cơ gây tai nạn giao thông ở người lái xe tám mươi lăm tuổi trở lên cao gấp ba lần nguy cơ tông xe ở tài xế “choai choai” trẻ tuổi. Theo những thống kê đó, tài xế cao tuổi mới là những “hung than” thực sự của đường phố. Tôi rùng mình nhớ lại vụ đâm xe của bà Alice và cảm thấy may mắn khi lúc đó không có đứa trẻ nào đang chơi đùa trong sân nhà người hàng xóm. Trước đó nhiều tháng ở Los Angeles, cụ ông George Weller bị kết án tội giết người chỉ vì đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng trong khi lái xe, khiến cho chiếc Buick của ông tông vào đám đông khách tham quan mua sắm ở Hội chợ Nông nghiệp Santa Monica. Kết quả là mười người tử vong và sáu người bị thương. Khi đó ông tám mươi sáu tuổi.

Vậy mà Felix lái xe trông rất ung dung thư thái. Trên chuyến đi của mình, chúng tôi phải đi qua một dọc lô cốt đào đường ngay ngã tư, buộc ông phải lái xe qua những làn đường tránh lô cốt rất hẹp. Felix lèo lái vô-lăng một cách khéo léo, giúp chiếc xe nhanh chóng hòa vào luồng giao thông chính suôn sẻ. Tôi không dám chắc ông còn có thể lái xe một cách thiện nghệ như thế này trong bao lâu nữa. Rồi sẽ đến một ngày ông phải buông tay với chiếc chìa khóa xe.

Kỳ thực là lúc đó, bản thân Felix hẳn là cũng chẳng nghĩ nhiều đến tương lai; ông cảm thấy vui và tự hào khi mình vẫn còn có thể lái xế hộp băng băng trên phố. Đường sá không còn đông đúc lúc ông rẽ vào Đường 138. Ông bắt đầu cho phép chiếc Camry của mình vượt quá mốc 72km/giờ. Ông cho hạ kính xe và đặt cùi chỏ lên khung cửa. Khí trời lúc đó thật trong lành mát mẻ, và chúng tôi lắng nghe tiếng xe lăn bánh trên đường.

“Một buổi tối đáng yêu, phải không anh bạn?” Felix nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.