Ai Rồi Cũng Chết!
Lời cảm ơn
Có quá nhiều người tôi cần phải cảm ơn vì sự hoàn thiện của cuốn sách này. Người đầu tiên và quan trọng nhất chính là mẹ tôi, bà Sushila Gawande, và em gái tôi, Meeta. Thật khó khăn cho họ khi tôi quyết định kể câu chuyện của cha trong quyển sách này, bởi để làm được điều đó, tôi đã khơi lại nhiều ký ức đau thương mà cả mẹ và em gái tôi đều không muốn nhắc lại hay diễn giải chi tiết ra như tôi đã làm. Mặc dầu vậy, họ chính là những người hỗ trợ tôi nhiệt tình nhất, trả lời mọi câu hỏi của tôi, chấp nhận “đào xới” mọi ký ức tôi muốn biết, và giúp tôi truy lại mọi thông tin cần thiết – từ những sự việc đáng ghi nhớ cho đến các tài liệu y học – để làm nguyên liệu cho quyển sách này.
Tôi còn nhận được nhiều sự hỗ trợ quan trọng từ những người thân và họ hàng ở trong và ngoài nước. Từ Ấn Độ, chú tôi – Yadaorao Raut – đã cất công lục lại và gửi cho tôi nhiều thư từ và ảnh chụp cũ của gia đình, tập hợp nhiều những ký ức về ông nội của tôi và cha tôi từ các thành viên khác trong dòng họ, giúp tôi xác nhận và kiểm chứng nhiều thông tin được sử dụng trong sách. Trong khi đó. Nan, Jim, Chuck và Ann Hobson là những người thân yêu đã giúp tôi viết nên được câu chuyện sống động về cuộc đời bà Alice Hobson.
Tôi cũng mang ơn rất nhiều những con người tuyệt vời mình đã gặp gỡ và phỏng vấn về những kinh nghiệm của họ đối với các vấn đề bệnh tật, tuổi già, và nghệ thuật hành xử trong gia đình. Hơn hai trăm người đã đồng ý dành ra rất nhiều thời gian để trò chuyện với tôi, kể tôi nghe những câu chuyện của họ, cho phép tôi được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào cuộc sống của họ. Những người được nêu tên trong cuốn sách này chỉ là một phần nhò trong số họ. Nhưng ở đây, sự biết ơn và kính trọng của tôi dành cho họ là như nhau.
Kế đến, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tập thể những anh chị công tác trong lĩnh vực y tế cũng như chăm sóc người cao tuổi, các chuyên gia về chăm sóc xoa dịu và giảm đau, đội ngũ nhân viên của các trung tâm chăm sóc cuối đời, những người cải tiến nhà dưỡng lão, những nhà tiên phong, và những cá nhân “nổi loạn” đã chỉ cho tôi thấy những chân trời mới ngoài sức tưởng tượng của mình. Tôi đặc biệt muốn cảm ơn hai người: Robert Jenkens, người đã có công mở cánh cửa và dẫn tôi bước vào thế giới của những nhà tiên phong và cải cách công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, và cô Susan Block đến từ Viện Ung Thư Dana Farber, vì cô không chỉ đã và đang góp công phát triển lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời của ngành y tế, mà cô còn đồng ý làm cộng sự của tôi trong việc nghiên cứu và tìm hiểu các vấn đề chuyên môn mà chúng tôi đề cập trong quyển sách này cũng như đã và đang thực hành trong cuộc sống.
Tôi xin cảm ơn Bệnh viện Brigam and Womens và Khoa Y Tế Công Cộng của ĐH Harvard vì đã luôn là ngôi nhà lý tưởng để tôi được làm việc và cống hiến trong suốt mười lăm năm qua. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cộng sự ở Ariadne Labs – một trung tâm liên hiệp về lĩnh vực y tế cộng đồng do tôi lãnh đạo, mà việc đảm nhiệm cùng một lúc nhiều công việc gồm bác sĩ phẫu thuật, nghiên cứu y học và viết lách không chỉ khả thi với tôi, mà còn là một niềm vui sống khôn tả của tôi. Cuốn sách này sẽ không thể nào trọn vẹn nếu không có những sự góp sức đặc biệt của Khaleel Seecharan, Katie Hurley, Kristina Vitek, Tanya Palit, Jennifer Nadelson, Bill Berry, Arnie Epstein, Chip Moore, và Michael Zinner. Và tôi còn phải đặc biệt cảm ơn cô bạn Ami Karlage thông minh và dạn dĩ, người đã dành ra đến ba năm song hành cùng tôi trong việc viết quyển sách này với vai trò là phụ tá nghiên cứu, người lên kịch bản, biên tập bản thảo, đóng góp và kiểm chứng các ý tưởng tôi viết, và khi cần, sẵn sàng làm cho tôi những ly cocktail Bourbon Bramble ngon “tuyệt cú mèo”!
Tạp chí The New Yorker là một ngôi nhà khác nơi tôi được thỏa sức sáng tạo. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được trở thành cộng tác viên cho ấn phẩm xuất chúng đó (cảm ơn anh rất nhiều, David Remnick), và tôi còn hạnh phúc hơn khi được sát cánh bởi Henry Finder – một người bạn kiêm biên tập viên chỉnh sửa bản thảo cho tôi. Nhờ những sự hướng dẫn và chỉ bảo của anh, tôi viết được hai bài báo được đăng trên The New Yorker – để rồi chúng trở thành nền tảng giúp tôi khai sinh ra “Ai rồi cũng chết!”. Finder cũng chính là người dẫn dắt tôi tiếp cận được những ý tưởng tuy phụ trợ nhưng lại có tính chất nòng cốt làm nên giá trị cuốn sách. (Chẳng hạn, chính anh đã khuyên tôi nên đọc sách của Josiah Royce.)
Tina Bennett không chỉ là một người bạn học chung đại học, mà còn là một trợ lý mẫn cán không biết mệt mỏi của tôi, luôn nỗ lực giúp tôi bảo vệ những thành quả của mình. Mặc dù ngành công nghiệp xuất bản đã và đang không ngừng đổi thay với tốc độ chóng mặt, cô ấy vẫn luôn tìm ra cách giúp tôi xây dựng và duy trì một lượng độc giả của riêng mình, và viết ra những điều tôi muốn viết. Thật không ngoa khi tôi gọi cô ấy là “siêu trợ lý”!
Trung tâm Bellagio thuộc tổ chức từ thiện Rockefeller Foundation chính là nơi tôi “thai nghén” và bắt đầu viết cuốn sách này, và cũng là nơi tôi trở lại để hoàn thiện bản thảo đầu tiên của nó. Về sau, các cuộc trò chuyện về bản thảo của tôi với Henry, Tina, David Segal, và Jacob Weisberg đã làm tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của mình đối với cuốn sách, khiến tôi quyết định viết lại nó từ đầu đến đuôi. Leo Carey là người sửa lỗi chính tả và chỉnh lại ngữ pháp của bản thảo cuối cùng, và chính khả năng biên tập nghiêm túc và yêu cầu cao của anh về mặt ngôn ngữ đã nâng giá trị quyển sách này lên một tầm cao mới. Riva Hocherman đã giúp đỡ chúng tôi trong mọi bước đi, và là người duyệt bản thảo lần cuối trước khi in. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Grigory Tovbis và Roslyn Schloss vì những đóng góp quan trọng của họ cho sự ra đời quyển sách này.
Vợ tôi, Kathleen Hobson, chính là nhân vật quan trọng hơn cả quyển sách (mặc dù cô ấy không biết điều này.) Cô ấy chính là người đã luôn chia ngọt sẻ bùi với tôi, sống và trải nghiệm cùng tôi những câu chuyện và sự kiện từ ngọt ngào đến đắng cay được kể lại trong tác phẩm này. Cô ấy đã và đang luôn là một nguồn động viên xuyên suốt của tôi trong mọi việc. Tôi không phải là một tay viết dễ dãi. Tôi không biết các nhà văn hay những tay viết khác thường làm thế nào đế viết ra những ý tưởng và từ ngữ chạy nhảy trong đầu họ. Đối với tôi, mỗi con chữ trong các quyển sách của mình đểu là kết quả của vô vàn nỗ lực lặp đi lặp lại và chậm mà chắc. Nhưng Kathleen đã luôn ở bên cạnh tôi, giúp tôi tìm ra được những từ ngữ hay và chính xác để diễn đạt hiệu quả các ý tưởng bất kể sự khó nhọc dài hơi của công việc này. Cô ấy và ba đứa con dễ thương của chúng tôi là Hunter, Hattie và Walker, đã luôn ủng hộ và động viên tôi trong mỗi bước đi của tôi.
Nhân vật quan trọng cuối cùng mà tôi muốn gửi lời cảm ơn nhiệt thành nhất chính là Sara Bershtel, người biên tập viên phi thường của tôi. Cô ấy đảm trách công việc đảm bảo chất lượng nội dung cuốn sách sao cho nó hoàn hảo nhất có thể, nên Sara buộc phải ăn, ngủ và sống với những sự kiện thăng trầm được kể lại trong quyển sách – và cũng đổng thời được phản ánh trong hiện thực gia đình cô ấy. Cô hoàn toàn có quyền quyết định rút lui để tránh đau thương, không phải làm công việc biên tập đầy khó khăn này cho cuốn sách của tôi. Nhưng cô ấy vẫn làm, và làm với một sự toàn tâm toàn ý không chê vào đâu được, khi cô kiểm tra từng bản thảo của tôi một cách tỉ mỉ, rà soát kỹ từng đoạn văn một để đảm bảo rằng những gì tôi viết vừa chất lượng, vừa trung thực, lại vừa chính xác về mặt chính tả và ngữ pháp hết mức có thể. Nhờ sự tận tụy gần như hoàn hảo của Sara, cuốn sách này đã truyền đạt thành công những điều tôi muốn nói với độc giả. Và đây chính là lý do vì sao tôi muốn đặc biệt dành tặng cuốn sách này cho cô ấy.
ATUL GAWANDE
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.