Con Sẽ Làm Được!

Chương 5 – JAMES VÀ JOYCE XÁC ĐỊNH QUYỀN HẠN



Trong bữa họp mặt tiếp theo, cả James và Joyce đều hào hứng muốn chia sẻ với vợ chồng Jones những chuyện đã xảy ra. Suốt hai tuần vừa qua, cả hai đều theo bọn trẻ về phòng sau mỗi bữa tối để bảo đảm chúng đang tiến hành làm các bài tập đã ghi chú trên lịch. Họ cũng cập nhật các thông tin về lịch học, lịch ngoại khóa mới với bọn trẻ.

Sau hai tuần, cả Jake và Jolie đều sử dụng lịch thành thạo và tự giác cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, chúng cũng bắt đầu nhận được phản hồi tốt từ thầy cô trong trường vì đã hoàn thành bài tập đúng hạn.

Nhưng khi mọi chuyện đang diễn ra theo đúng kế hoạch thì họ đã gặp một trục trặc bất ngờ khác; và vấn đề này đã được mang ra bàn luận trong cuộc gặp gỡ ngày hôm đó. Mặc dù chuyện này mới chỉ xảy ra ở nhà, nhưng nó hoàn toàn có thể lặp lại ở trường nếu không kịp thời khắc phục. Do đó, họ muốn biết liệu trước đây Janes với Jone có gặp phải những tình huống tương tự như thế hay không.

– Chào mọi người! – Jones lên tiếng khi vừa bước vào cửa. – Anh chị lại đến ăn ké nữa đây!

Joyce gọi vọng ra:

– Mời anh chị vào, chúng em đang ở trong bếp.

Jane bước vào đầu tiên, lần lượt ôm Joyce và James.

– Ôi, thơm quá! Hôm nay hai người làm món gì thế?

– Fettuccine Alfredo! – Joyce trả lời. – Món yêu thích của chị đấy.

– Ôi, chị đang phải ăn kiêng đấy! – Jane nói, giọng hài hước. – Và anh Jones cũng vậy.

– Ăn kiêng gì chứ? – Jones đùa. – Phương châm của anh là: “Cứ ăn hôm nay đã, ngày mai hẵng bắt đầu ăn kiêng”, nhưng ngày mai thì không bao giờ đến cả.

– Bởi khi ngày mai ấy đến, nó lại biến thành ngày-hôm-nay mất rồi. Thôi, đừng ngại ngần gì hết, hãy cứ ăn uống thỏa thích tối nay đi.
– James nói khi dọn bàn xong. – Mời mọi người ngồi vào bàn nào.

– Mọi chuyện tốt đẹp cả chứ? – Jane nóng lòng hỏi.

– Tuyệt lắm! – James trả lời.

– Ít ra thì kế hoạch làm theo lịch cũng tốt, việc học ở trường cũng vậy. – Joyce nói thêm. – Tuy nhiên, tụi em cũng gặp chút rắc rối ở nhà, hy vọng anh chị chia sẻ được.

Jane tò mò:

– Ồ, chuyện gì thế?

– James, anh kể với anh chị trong lúc em vào mang đồ ăn ra nhé?

– Joyce đề nghị.

– Được thôi. Xem nào, chuyện xảy ra vào cuối tuần vừa rồi. Thật ra đó là một ngày khá thú vị. – James cười. – Sau khi ăn sáng, vợ chồng em đi ra cửa hàng tạp hóa còn bọn trẻ sẽ ở nhà rửa chén đĩa. Và anh chị biết không, khi chúng em về đến nhà thì thấy tất cả chén dĩa, kể cả đồ sứ, đều đã nằm trên kệ.

Jane nhướng mày ngạc nhiên:

– Thế chuyện gì xảy ra?

– Chao ôi! – Joyce giải thích. – Có vẻ như bọn trẻ rất hào hứng khi đã làm bố mẹ ngạc nhiên. Dường như chúng muốn cảm ơn vì bố mẹ đã giúp chúng giải quyết những khúc mắc trong học tập và cải thiện thành tích ở trường. Thế là chúng quyết định làm nhiều hơn việc rửa chén bằng cách lau chùi toàn bộ tủ chén dĩa và sắp xếp lại đồ đạc trong đó.

– Ôi! – Jane thốt lên đầy ngạc nhiên và bắt đầu phá lên cười. – Vậy hai người đã xử trí thế nào?

– Chúng em cảm ơn sự chu đáo của hai con nhưng cũng cho chúng biết sở dĩ tủ chén dĩa được sắp xếp như cũ là vì những lý do nhất định. Việc thay đổi vị trí này sẽ khiến cho việc chuẩn bị bữa ăn hoặc lau dọn sẽ trở nên khó khăn hơn. Em biết bọn trẻ khá buồn. Chúng đã cố gắng biểu hiện thiện chí, nhưng mọi chuyện lại không được như chúng mong muốn.

Jones cười một mình, lắc đầu.

– Sao? – James hỏi. – Anh đang nghĩ gì thế?

– Anh chị cũng gặp chuyện tương tự với Jamie ở trường. Sau một thời gian dài cố gắng, con bé tiến bộ rõ rệt trong môn Khoa học thường thức. Thấy vậy, giáo viên môn này quyết định khen thưởng con bé và giao cho nó một nhiệm vụ mới. Lúc đầu con bé rất tự hào về điều đó. Nhưng vài tuần sau, Jamie về nhà với vẻ mặt đầy chán nản.

– Đúng rồi! – Jane gật gù. – Đó là câu chuyện về con rùa!

– Chuyện về con rùa? – Joyce hỏi lại. – Đúng vậy! – Jones tiếp tục. – Mỗi ngày, Jamie được giao nhiệm vụ chăm sóc con rùa của lớp sau giờ học. Con bé rất hào hứng và tự hào khi cô giáo giao cho nó nhiệm vụ ấy. Nó tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ có vẻ rất đơn giản đó. Tuy nhiên, dẫu sao nó vẫn là một đứa trẻ mà. Con bé muốn làm cho giáo viên ngạc nhiên hơn, giống như việc Jake và Jolie muốn làm cho bố mẹ ngạc nhiên vậy.

– Thế con bé đã làm gì? – James hỏi.

– Không hỏi và cũng không nói với ai, con bé quyết định cho lũ cá cảnh trong hồ ăn luôn. Con bé không hề biết buổi sáng đã có học sinh khác cho chúng ăn rồi. Sau vài ngày, trong hồ xuất hiện cá chết và nổi lên trên mặt nước. Ngày hôm sau cá lại chết nhiều hơn. Dù không hiểu tại sao cá lại chết nhiều và đột ngột như vậy, nhưng để trấn an học sinh, cô giáo đã vô tình nói rằng cá chết là vì ăn quá nhiều. Jamie đứng bật dậy, phản đối: “Nhưng em đâu có cho chúng ăn quá nhiều!”. Thế là mọi chuyện đã sáng tỏ: Con bé cho cá ăn trong khi bạn học cũng làm việc đó. Mọi người có thể tưởng tượng được con bé cảm thấy buồn bã, thất vọng như thế nào khi biết mình đã gây ra nguyên nhân làm cho cá chết, và phân nửa các bạn trong lớp đều giận con bé trong khi con bé chỉ cố gắng trở nên tốt hơn.

– Nghe tệ thật đấy! – Joyce thốt lên. – Tội nghiệp Jamie! Thế anh chị đã làm gì để an ủi con bé?

Cô giáo dạy môn Khoa học cũng không giúp được gì nhiều vì cô ấy cũng đang buồn bực mặc dù cô rất hiểu mục đích của Jamie. Anh chị biết mình cần giúp con bé thoát khỏi cảm giác tồi tệ ấy bằng mọi cách. Nhưng sâu xa hơn, điều anh chị thật sự muốn làm là ngăn không cho những chuyện tương tự xảy ra nữa. Và thế là anh chị gọi cho cô Edwards.

Quả là cô ấy luôn biết cần phải làm gì. Cô ấy bảo rằng: “Khi giao bất kỳ nhiệm vụ hay công việc nào cho trẻ, chúng ta cũng phải xác định quyền hạn và trách nhiệm thật rõ ràng”. Điều đó có nghĩa là chúng không được làm ít hơn và cũng không nên làm quá những gì được giao. Cô ấy cũng lưu ý chúng ta nên giải thích với bọn trẻ lý do tại sao lại như vậy. Cô Edwards cho biết cô đã rút ra kinh nghiệm này từ cách hành xử của chính con trai mình. Một lần, cậu bé đã mượn xe của bố mẹ để đi xem phim với một vài người bạn. Thế nhưng, vài giờ sau, cô nhận được điện thoại của con, báo rằng xe đã bị nổ lốp ở một thị trấn cách nhà 50 kilômét. Tất nhiên, mọi người có thể tưởng tượng được vợ chồng cô ấy đã giận dữ như thế nào khi biết con trai mình lấy xe đi chơi lòng vòng chứ không phải đi xem phim. Từ đó trở đi, cô luôn xác định rõ giới hạn trách nhiệm và quyền hạn của con mỗi khi đưa ra một quyết định nào đó. Thật hay là cô ấy đã áp dụng kinh nghiệm này với các học sinh của mình khi phân chia nhiệm vụ cho chúng. Và cô thường ghi lại điều này, giống như việc cô vẫn hay ghi lại bài tập đã giao cho học sinh.

– Ồ! – James thốt lên. – Vấn đề này đáng để suy nghĩ đây. Thật may mắn vì sơ sót của chúng ta chưa gây ra chuyện gì nghiêm trọng. Vậy nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là phải dạy cho bọn trẻ hiểu về giới hạn của chúng.

– Đúng đấy, anh chị cũng rút ra kinh nghiệm như thế! – Jones hưởng ứng. – Chẳng ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra. Sẽ tốn thời gian trong giai đoạn đầu đấy. Nhưng về sau, mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn và chúng ta sẽ tránh được những rắc rối không đáng có.

– Vậy thì để em nhắc lại xem có đúng không nhé! – Joyce nói. –

Chúng ta nên vạch ra cho bọn trẻ phạm vi giới hạn của quyền hành xử

– bao gồm trách nhiệm và tự do – mỗi khi giao nhiệm vụ cho chúng, đúng không?

– Đúng vậy! – Jane xác nhận và bổ sung. – Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên nói chuyện kỹ với các con để chúng biết rõ về những gì chúng có thể và không thể làm sau khi được giao nhiệm vụ. Cách tốt nhất là yêu cầu chúng diễn giải lại điều bố mẹ vừa nói; cách này sẽ giúp chúng ta biết được liệu chúng có không hiểu hay bỏ qua phần nào hay không.

Một điều nữa là anh chị đã gợi ý cho bọn trẻ một số việc mà chúng có thể làm để giúp bố mẹ, tất nhiên là bất cứ khi nào chúng muốn. Bằng cách đó, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất hữu ích từ bọn trẻ, và thật thú vị vì chúng đã làm điều đó trong những lúc mà mình hoàn toàn không nghĩ đến.

– Ý kiến tuyệt vời! – Joyce thốt lên. – Em rất thích điều này.

– Anh nghĩ là đến giờ về rồi! – Jones nhìn đồng hồ nhắc nhở.

– Vâng, đã trễ rồi! – Jane đồng ý. – Chúng ta nên về thôi. Chúc vợ chồng em may mắn trong hai tuần tới nhé!

Ngay buổi tối hôm sau, James và Joyce đã có cơ hội thực hành những điều họ vừa mới tiếp thu. Jake có buổi tập bóng rổ ngay sau giờ học. Sau đó, cậu bé định sẽ cùng một số bạn trong lớp đi ăn chút gì đó rồi trở lại trường chuẩn bị cho vở kịch sắp tới. Dạo này điểm số của Jake đã được cải thiện đáng kể nên cậu có thể lại tham gia vào các hoạt động ngoại khóa ở trường; và lần này, Jake đảm nhiệm phần dựng cảnh cho vở kịch. Sau khi dựng cảnh, Jake và các bạn định ghé nhà Jeff nghe đĩa nhạc mà chúng đã tặng cho Jeff nhân dịp sinh nhật. Ngay khi cậu bé thông báo kế hoạch này, James và Joyce biết là họ phải can thiệp vào. – Nào, để bố nhắc lại những việc con định làm nhé. Con muốn đi tập bóng rổ, sau đó đi ăn rồi quay lại trường dựng cảnh cho vở kịch, và cuối cùng là đến nhà Jeff nghe nhạc, đúng không? Con không thấy như vậy là mình phải làm quá nhiều việc trong một buổi chiều sao? – James bắt đầu.

– Như vậy mới vui mà bố. – Jake trả lời ngay.

– Ừm! Nghe cũng có vẻ vui đấy! – Joyce lên tiếng. – Nhưng hãy kiểm tra lịch của con để bảo đảm rằng sẽ không có gì nằm ngoài kế hoạch nhé.

Jake chán nản bước theo bố mẹ về phòng.

– Nào, chúng ta cùng xem nào! – James di chuyển ngón tay theo lịch. – Jake này! Theo lịch thì con có một bài tập lớn phải nộp vào ngày mai, đúng không?

– Vâng! – Jake trả lời. – Mọi thứ sẽ ổn cả thôi, mẹ ạ! Con sắp làm xong rồi. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi.

– Vậy hôm nay con có định làm nó không? – Joyce hỏi, giọng ân cần động viên. – Dạ có ạ. – Jake buồn bã trả lời.

– Vậy khi nào con sẽ bắt đầu? – Joyce thúc giục.

– Dạ con chưa biết! Khi nào có thời gian con sẽ làm.

– Jake này! – James giải thích. – Bố thấy rằng con sẽ không có đủ thời gian nếu như con muốn làm hết những việc con muốn.

Bố hỏi con nhé, chuyện gì quan trọng hơn với con? Làm hết những kế hoạch chơi đùa kia hay hoàn thành bài tập đúng thời hạn để có thể tiếp tục tham gia các hoạt động khác trong tương lai?

– Ước gì con không phải chọn lựa. Nhưng bố ơi! Con cũng muốn đi chơi với bạn.

– Bố biết chứ. – James vòng tay qua vai con. – Vậy thế này nhé! Con sẽ đi tập bóng rổ, đi ăn, quay lại trường dựng cảnh cho vở kịch, và sau đó về nhà làm bài tập, được không? Bằng cách này, con vừa có thời gian chơi với bạn, vừa có thể làm bài cho xong. Con thấy thế nào, con trai?

– Vâng, thế cũng được ạ. – Jake trả lời, giọng miễn cưỡng. Có vẻ thằng bé vẫn không hề muốn bỏ phần nào trong kế hoạch của mình.

– Bố không ép con đâu nhé. Đó là lựa chọn của con và con phải có trách nhiệm về những hậu quả có thể xảy ra sau này.

– Vâng! – Cuối cùng Jake cũng đồng ý.

– Con sẽ làm như thế vậy.

– Được rồi! Vậy bây giờ con hãy nói cho mẹ biết con sẽ làm gì để chúng ta cùng rõ nào. – Joyce hỏi khi nhớ ra rằng mình phải yêu cầu bọn trẻ diễn giải lại những gì chúng nghe được để đảm bảo chúng hiểu đúng.

– Con sẽ đi tập bóng rổ ngay sau giờ học, sau đó đi ăn, rồi quay trở về trường dựng cảnh cho vở kịch sắp tới, rồi cuối cùng là về nhà làm bài tập.

– Tốt! – James động viên con. – Vậy con tập bóng rổ khoảng bao lâu?

– 50 phút.

– Rồi con sẽ ăn ở đâu?

– Cửa hàng McDonald’s ạ!

– Khi nào thì con về trường dựng cảnh?

– Để con xem nào. – Jake vừa nói vừa đếm ngón tay. – Từ 4 giờ đến 5 giờ là luyện tập bóng rổ, từ 5giờ đến 5 giờ 30 phút con sẽ đi ăn. Vậy tụi con sẽ về lại trường vào khoảng 5 giờ 30 phút ạ.

– Vậy con dự định dựng cảnh cho vở kịch trong bao lâu? Con cần bao nhiêu thời gian để làm bài tập?

– Con cần khoảng chừng hai tiếng để dựng cảnh, nên con sẽ rời trường khoảng 7 giờ 30 phút ạ.

– Vào lúc 7 giờ 30 phút?

– Vâng ạ.

– Được rồi! – James nhắc lại. – Tập luyện khoảng 1 giờ, ăn ở McDonald’s khoảng 30 phút, dựng cảnh trong 2 giờ, và về nhà không quá 7 giờ 45, được chứ? Không kế hoạch khác, cũng không la cà chỗ khác, nhé?

– Vâng, thưa chỉ huy! – Jake nói, đặt tay xéo lên trên chân mày, bắt chước kiểu chào quân đội và cười.

– Cho nghỉ! – James cũng đùa lại với con.

Jake chuyển sang giọng rên rỉ:

– Bố ơi, bố đã tập huấn con xong rồi đấy, con đi được chưa ạ?

– Bây giờ con đi, nhưng bố vẫn có quyền bắt con tập lại vào lần sau đấy.

Joyce ôm con khi cậu bé chuẩn bị rời khỏi phòng. Sau khi con đi khỏi, James thở ra thật chậm:

– Chúng ta làm tốt chứ?

– Tuyệt lắm anh à! – Joyce gật đầu. – Câu cuối cùng của anh: “Không có kế họach khác, không la cà vào chỗ khác” chính là điều mà chúng ta đã học được từ gia đình Jones: xác định giới hạn quyền của bọn trẻ. Em đã quên mất phần ấy.

– Nhưng em lại nhớ phần bắt thằng bé diễn giải lại mọi chuyện. Joyce cười:

– Vậy ra chúng ta phối hợp ăn ý nhỉ? – Dĩ nhiên rồi.

Tối hôm đó, khi chuẩn bị đi ngủ, Joyce lại cầm cuốn sổ tay lên và viết:

Vạch rõ ràng giới hạn quyền của bọn trẻ.

Đảm bảo rằng chúng hiểu rõ ranh giới trách nhiệm và tự do của chúng.

Hãy nói với bọn trẻ thật cụ thể điều này.

Yêu cầu chúng diễn giải lại những gì chúng nghe để chắc chắn là chúng đã hiểu.

Tiếp theo, hai vợ chồng James suy nghĩ về những việc mà hai đứa con họ có thể làm. Sau 15 phút, họ đã có một danh sách khá dài.

– Ngày mai chúng ra sẽ xem lại tất cả và đưa cho bọn trẻ xem vào cuối tuần. – Joyce đề nghị.

Tuy nhiên, khi cô quay lại thì James đã ngủ mê mệt. Cô hôn nhẹ lên má chồng và nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh. Cô cảm thấy niềm hạnh phúc lớn lao đang trào dâng trong lòng. Cô tin rồi mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ như cô mong đợi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.