Thi Nhân Và Sát Nhân

CHƯƠNG 11: QUAN ÁN SÁT CHỦ TOẠ MỘT BUỔI DẠ TIỆC ĐẦY CHẤT THƠ NGƯỜI ĐÀO HUYỆT CŨNG LÀM THƠ



Đúng lúc nữ thi sĩ Dược Lan lảo đảo sắp ngã thì quan án sát, người ngồi gần nhất, đã kịp chạy tới đỡ lấy cánh tay bà ta.
– Bà bị thương à? – Ông hỏi giật giọng.
Nữ thi sĩ ngước cặp mắt mất hết thần sắc của mình nhìn quan án sát.
– Cô… cô ấy chết rồi. Cổ… cổ họng đứt. Tôi có… trên tay.
– Mẹ kiếp! Bà ta ấp úng cái gì thế? Bị chém à? – Viện sĩ thét lên.
– Không. Hình như cô vũ nữ gặp chuyện không may. – Quan án sát bình tĩnh nói với cử toạ. – Để chúng tôi xem có thể làm gì giúp cô ấy!
Quan ám sát ra hiệu cho quan tri huyện rồi đưa nữ thi sĩ ra khỏi phòng tiệc. Bà ta ngả người dồn hết sức nặng của mình vào cánh tay quan ám sát. Trong gian phòng nhỏ kế bên, viên cố vấn và viên quan giám quận đang dặn dò một nữ gia nhân. Thấy nữ thi sĩ đi qua, họ đứng ngây ra nhìn. Người nữ gia nhân thì rụng rời chân tay, cái khay đang cầm trên tay rơi xuống đất. Quan tri huyện hối hả chạy vào gặp quan án sát. Quan án sát nói thì thầm trong hơi thở:
– Cô vũ nữ bị ám sát!
Quan tri huyện bảo
– Ông Cao, ông chạy ra chỗ cổng chính hạ lệnh cấm không cho ai ra vào! Rồi đi gọi người nhân viên khám nghiệm đến đây cho tôi. – Quay sang rỉ tai viên giám quận. – Ông đóng chặt ngay tất cả các ngõ ngách vào khu dinh thự và gọi bà quản lý các bà vợ tôi đến đây!
Nói xong quan tri huyện đi vòng quanh người nữ gia nhân vẫn còn đứng sững sờ, ông quát:
– Đưa cô Dược Lan vào tiền sảnh ở đầu hành lang, cho ngồi tử tế vào ghế bành rồi ở đấy mà trông nom cô ấy cho đến khi ông giám quận tới nghe chưa!
Quan án sát lấy chiếc khăn mặt đứa nữ tỳ giắt ở thắt lưng, vội vã lau máu dính đầy hai bàn tay nữ thi sĩ. Ông không thấy vết thương nào.
– Buồng này còn lối vào nào nữa không? Giao nữ thi sĩ cho đứa nữ tì trông nom à? – Quan án sát hỏi quan tri huyện.
– Ông đi theo tôi!
Quan án sát vội đi theo quan tri huyện vào một hành lang hẹp sát vách bên trái phòng tiện. Đến đầu hành lang, ông đẩy cánh cửa và đứng sững ở ngưỡng cửa, mồm há hốc. Ông đưa mắt nhanh vào chỗ bậc thang tối om trước khuôn cửa, rồi bước theo quan tri huyện vào một gian buồng thuôn thuôn, hẹp, sặc mùi mồ hôi và hương liệu. Không có ai ở đây cả. chiếc đèn lồng bọc lụa trắng có chân đã soi rõ thi thể gần như trần truồng của Tiểu Phượng nằm ngửa vắt ngang qua tấm ghế dài bằng gỗ mun. Cô gái chỉ mặc có một chiếc áo lót trong suốt, hai cẳng chân trắng nõn và tròn lẳn thõng xuống đất. Hai cánh tay mảnh dẻ giang rộng và đôi mắt đã mất hết thần sắc, trân trân nhìn lên trần nhà. Bên trái cổ chỉ còn là một vết thương ghê tởm, máu từ đó vẫn ứa ra nhỏ giọt. Đôi vai gầy của cô gái có những vết bàn tay máu in lên. Dưới lớp son phấn, bộ mặt như mặt nạ của vũ nữ với cái sống mũi dài, cái miệng xấu xí hé ra một hàng răng nhỏ và nhọn, gợi lên trong óc quan án sát hình ảnh của cái mõm cáo.
Quan tri huyện để tay lên ngực trái, chỗ dưới bầu vú nhỏ và rắn của cô gái.
– Việc này chỉ mới xảy ra cách đây độ vài phút là cùng! – Ông vươn thẳng người lên lẩm bẩm, rồi trỏ tay vào một chiếc kéo dính đầy máu vứt trên mặt đất nói thêm. – Còn đây là vũ khí của tên sát nhân!
Trong lúc quan tri huyện cúi xuống nhìn cho rõ chiếc kéo, quan án sát để ý đến những bộ quần áo của phụ nữ gấp cẩn thận xếp trên chiếc ghế tựa kê trước cái bàn trang điểm đơn giản. Một tấm áo dài to tướng màu xanh lục, ống tay rộng, một thắt lưng điều và hai dải khăn choàng bằng lụa trong suốt, tất cả đều treo trên mắc áo ở góc buồng.
– Cô vũ nữ bị giết trong lúc sắp mặc bộ quần áo khiêu vũ này. – Ông quay về phía ông bạn đồng nghiệp, nhận xét.
Quan án sát nhặt quyển sổ chép nhạc của phó bảng Tống ở trên bàn đút vào trong ống tay ái. Mặt ông không rời khuôn cửa nhỏ vuông góc với cái khuôn cửa mà ông và quan tri huyện vừa vào.
– Cửa kia ăn thông ra đâu nhỉ?
– Thông sang phòng tiệc, – quan tri huyện giải thích. – Nó nằm đúng phía sau tấm màn che tường.
Quan án sát xoay núm cửa. Cánh cửa vừa hé mở, ông đã nghe tiếng nói của thi sĩ triều đình lọt sang.
– …rằng quan tri huyện có hẳn một thầy thuốc riêng. Bởi vì…
Quan án sát khép cánh cửa lại rất nhẹ nhàng.
– Nhất định quan bác phải thân chinh xem xét lại một lượt tất cả chỗ này, bác Lã ạ. – quan án sát nói. – Đệ có nên trở lại phòng tiệc thay mặt quan bác tiếp khách không nhỉ?
– Ồ có chứ, tôi đề nghị như vậy, ông Địch ạ! Cũng rất mừng ông đã nói với mọi người đây chỉ là tai nạn rủi ro. Chúng ta hãy cứ giữ cách giải thích ấy. Chẳng cần làm cho các vị khách xôn xao lo lắng một cách không cần thiết. Cứ nói là cô vũ nữ dùng kéo vô ý nên bị thương. Tôi sẽ hỏi suốt lượt những người có mặt ở đây. Lát nữa tôi trở lại.
Quan án sát gật đầu đi ra. Ông ra lệnh cho đám gia nhân hoảng sợ đang tụ tập ở gian bếp, ai vào việc nấy. Rồi ông đi sang phòng tiệc.
– Vừa rồi, cô vũ nữ dùng kéo vô ý bị thương ở chân phải, – quan án sát vừa ngồi xuống vừa tuyên bố, – cô ấy bị đứt mạch máu chân. Bà Dược Lan đã cố tìm cách cầm máu nhưng cảm thấy mình sắp bị ngất nên vội chạy vào đây nhờ chúng ta hỗ trợ. Hiện giờ quan tri huyện đang bận giải quyết sự việc xảy ra. Tôi xin mạo muội thay mặt quan tri huyện tiếp các vị.
– Các ông cứ việc tin vào đàn bà để rồi phải chạy theo họ mà giải quyết những việc không đâu! – Viện sĩ hàn lâm nói. – Tôi rất mừng vì người bị thương không phải là bà Dược Lan. Nhưng dù sao tôi cũng lấy làm đau buồn cho cái cô vũ nữ bé nhỏ ấy. Tuy nhiên không vì thế mà tôi tiếc vì không được xem cô ta múa điệu con cáo đâu! ọp với nhau đây vì mục đích cao cả hơn nhiều chứ không phải chỉ để xem một vài con nhãi ranh làm trò nhảy đập chân.
– Làm vũ nữ mà bị thương ở chân thì thật đáng buồn, – thi sĩ triều đình ái ngại. – Nào bây giờ còn bốn người, chúng ta có thể bỏ qua tất cả các nghi thức khuôn sáo được rồi đấy. Tại sao chúng ta không nhập ba cái bàn tiệc này vào làm một nhỉ… Nếu Dược Lan trở lại, ta vẫn có thể thu xếp cho bà ấy một chỗ cơ mà!
– Ý kiến rất hay! – Quan án sát hưởng ứng. Ông vỗ hai bàn tay vào nhau và ra lệnh cho đám gia nhân đẩy hai cái bàn hai bên sát vào với bàn tiệc danh dự.
Ông di chuyển ghế của mình. Người Đào Huyệt cũng làm theo. Hai người ngồi đối diện với Triệu và Trương ở một bên kia bàn tiệc hình vuông vừa được tuỳ cơ ứng biến. Rồi quan án sát lại hạ lệnh cho gia nhân rót rượu. Sau khi mọi người cạn chén chúc mừng cho sức khoẻ cô vũ nữ mau hồi phục, có hai gia nhân bưng vào một mâm vịt quay đồng thời dàn nhạc nổi lên một bản nhạc mới. Lập tức viện sĩ hàn lâm xua tay kêu lên:
– Hãy bảo gia nhân mang mâm vịt quay đi, ông Địch! Và đuổi luôn cả những người kéo nhị nữa. Chúng ta đã ăn và nghe nhạc quá đủ rồi! Bây giờ chỉ cần uống thôi! Tất cả chúng ta đều uống, uống thực sự!
Thi sĩ triều đình liền đề nghị một đợt nâng cốc chúc mừng, rồi đến Lỗ Huynh, và cuối cùng đến lượt quan án sát nhân danh chủ tiệc đề nghị nâng cốc chúc ba vị thượng khách. Viện sĩ hàn lâm lôi kéo thi sĩ triều đình vào một cuộc tranh luận rắc rối xung quanh vấn đề so sánh những giá trị văn học cổ điển với văn học hiện đại. Thế là có dịp để quan án sát nói chuyện với Lỗ Huynh. Từ đầu bữa tiệc, Người Đào Huyệt đã uống rất nhiều. Những lời tuyên thệ kiêng kị của ông ta rõ ràng là không bao gồm cái khoản rượu vang! Trên bộ mặt thô ráp của nhà sư đã xuất hiện một lớp mồ hôi mỏng, khiến cho bộ mặt ấy càng giống cóc hơn bao giờ hết. Quan án sát mở đầu câu chuyện:
– Đầu bữa tiệc tôi nghe ông nói ông không thuộc giới Phật giáo. Thế mà ông lại lấy biệt hiệu Người Đào Huyệt là thế nào?
– Tôi nhận cái danh hiệu ấy từ lúc còn ít tuổi và nó cứ thế tồn tại cho đến giờ, – nhà sư giải thích bằng một giọng nói thô. – Sai bét cả. Tôi đã nhận ra điều đó. Bởi vì tôi muốn, không phải tôi, mà cái chết tự chôn vùi sự đau khổ của nó! – Nhà sư nói rõ thêm ý đó và uống một hơi cạn chén rượu.
– Ở huyện này hình như có rất nhiều đạo Phật. Tôi đã thấy ở một phố có đến nửa tá đền thờ Phật giáo khácau, nhưng tôi chỉ có thì giờ vào thăm một ngôi đền: đền Đạo Tiên Nghiệm. Ngôi đền ấy thuộc giáo phái nào hả ông?
Đôi mắt to của Người Đào Huyệt đang bốc lên ngùn ngụt những tia đỏ mờ ảo kỳ dị khi xoáy nhìn vào quan án sát.
– Nó không thuộc giáo phái nào cả. Những ngôi đền ấy đã phát hiện ra rằng con đường ngắn nhất đi đến chân lý tuyệt đối nằm ngay trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta không cần Đức Phật Thích Ca chỉ bảo đâu là chân lý và tìm nó bằng cách nào. Chúng ta không cần đền thờ tráng lệ nguy nga, không cần sách thánh. Không cần cúng bái long trọng ầm ĩ. Nơi đây là chốn hiền hoà và là nơi tôi nương náu mỗi lần đến Tần Hoài.
– Này, – ông viện sĩ cất tiếng sang sảng. – Ông Trương vừa cho tôi biết thơ của ông ấy ngày một cùn đi nếu thi sĩ vẫn tiếp tục con đường cũ ông ấy đang đi, và chẳng bao lâu nó sẽ ngắn ngủn chỉ còn độ hai, ba dòng cũng như thơ của ông ấy, Người Đào Huyệt ạ!
– Nếu ít ra tôi có quyền được làm như thế! – Mặt nhà thơ đỏ bừng, giọng nói đượm vẻ hối tiếc.
– Lỗ Huynh ạ, thơ của ông mới đọc tưởng như hết sức tầm thường, – thi sĩ lắc đầu nói tiếp. – Đôi khi người ta có cảm giác nó chẳng nói lên cái gì cả! Nhưng rồi nó cứ lẩn quẩn trong đầu và đến một lúc nào đó người ta bỗng hiểu ra. Xin quý vị nâng cốc chúc mừng nhà thơ lớn của chúng ta!
Mọi người cùng cạn chén. Thi sĩ lại nói:
– Bây giờ chỉ còn bốn người trong cái phòng tiệc này, nếu có thể được, tôi xin đưa ra một ý kiến là chúng ta sẽ viết lên tấm màn che kia một vài câu châm ngôn để ghi nhớ cuộc họp mặt thú vị đêm nay! Nên chăng Người Đào Huyệt? Nghệ thuật viết chữ có một không hai của ông sẽ có tác dụng an ủi quan tri huyện về tất cả những lần chúc rượu ông ấy không có mặt!
Vị nhà sư có bộ mặt xấu xí đặt cốc rượu xuống bàn lạnh lùng đáp:
– Tôi ấy à, tôi chỉ quen làm những việc thiết thực thôi. Ông quá rộng rãi với tôi về những chuyện tầm phào của ông đấy, ông Trương ạ!
– Ồ, Người Đào Huyệt! – Tiếng nói của viện sĩ hàn lâm oang oang. – Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ lý do thoái thác nào của ông đâu. Ông không dám viết là bởi ông đang còn làm cao. Nhưng tôi tin chắc rằng ông sẽ không thể khăng khăng từ chối mãi được. Nào lại đây, hoặc là hôm nay, hoặc là sẽ không bao giờ
Thi sĩ triều đình phá lên cười.
Người Đào Huyệt không chú ý đến thi sĩ, thản nhiên phân trần với quan án sát:
– Bây giờ hạ tấm màn này xuống thì phiền phức lắm. Không biết các gia nhân sẽ xoay xở ra sao. Nếu ông tìm được cho tôi một tờ giấy, tôi sẽ viết vào đấy một bài thơ tặng vị chủ nhân của chúng ta ngay tại cái bàn này.
– Thế thì hay lắm! – Viện sĩ Viện hàn lâm thốt lên. – Chúng tôi là những người hào hiệp. Nếu ông vì quá say mà không viết nổi chữ to thì chúng tôi để ông viết chữ nhỏ vậy. Bảo những cậu con trai kia đem mực và giấy lại đây, ông Địch!
Hai gia nhân dọn mặt bàn, còn một người mang giấy trắng với một khay nghiên bút đến. Quan án sát chọn một tờ giấy trắng và dày khổ rộng một chiều bốn thước một chiều gần hai thước trải ra mặt bàn. Trong khi đó Người Đào Huyệt khuấy mực trong chiếc nghiên bằng đá, cặp môi dày lập bập thốt ra những tiếng gắt gỏng. Vị nhà sư thân hình to lớn vừa cầm cây bút lông chuẩn bị viết thì quan án sát đã nhanh nhảu xoè bàn tay chặn lên đầu tờ giấy. Người Đào Huyệt ngắm nghía tờ giấy một tí rồi hạ bút viết lên hai câu thơ, hầu như chỉ bằng hai nhát bút lông, nhanh và chính xác như một làn roi quất.
– Trời! – Viện sĩ thốt lên: – Đích thực cái mà các cụ thường gọi là nét chữ có linh hồn đây. Chưa nói đến nội dung làm tôi xúc động nhường nào, chỉ nói riêng về nghệ thuật viết chữ đã xứng đáng khắc vào bia đá cho hậu thế!
Thi sĩ triều đình cất cao giọng ngâm:
“Tất cả đều trở về nơi chúng ta xuất phát!
Nơi ngọn lửa hồng cây đèn tắt ra đi!”
– Ông có thể giải thích câu thơ của ông cho chúng tôi nghe được không. Người Đào Huyệt?
– Không, – nhà sư đáp.
Rồi nhà sư chọn một cây bút long nhỏ nhất đề mấy chữ tặng bài thơ cho quan tri huyện, dưới ký tắt một cái tên rắc rối: “Già Lỗ”.
Quan án sát bảo đám gia nhân đem dán tờ giấy lên chính giữa tấm màn che tường và cho đến lúc đó ông mới kinh ngạc nhận ra rằng hai câu thơ hoàn toàn có thể dùng làm văn bia cho cô vũ nữ trẻ tuổi, thi thể còn nằm trong gian buồng ngay phòng tiệc!
Viên cố vấn vào phòng tiệc, đến gần quan án sát, cúi xuống ghé vào tai ông nói nhỏ mấy câu. Quan án sát quay về phía các quan khách tuyên bố:
– Thưa các quý vị, ông bạn đồng nghiệp của tôi yêu cầu tôi thông báo với các quý vị rằng ông rất lấy làm tiếc không thể tiếp tục dự tiệc cùng chúng ta. Nữ thi sĩ Dược Lan, nạn nhân của chứng đau đầu cấp tính, cũng gửi lời xin lỗi quý vị. Tôi hy vọng các vị thượng khách vẫn vui lòng trao cho tôi cái đặc ân được thay mặt chủ nhân tiếp tục chủ toạ bữa tiệc vui tối nay.
Viện sĩ uống cạn chén rượu nói:
– Ông xoay chuyển tình thế tài lắm, ông Địch ạ. Thôi, chúng ta nên kết thúc ở đây. Có phải thế không các ngài?
Viện sĩ đưa tay chùi bằng ria mép rồi đứng dậy nói thêm:
– Sáng mau khi đến xem bày cỗ Tết trung thu, chúng ta sẽ cảm ơn quan tri huyện một thể.
Quan án sát và viên cố vấn tiễn chân viện sĩ đến tận bậc thềm lớn, đi sau ông là thi sĩ triều đình và Người Đào Huyệt. Trong lúc mọi người đi trên các bậc thềm, viện sĩ Triệu tươi cười nói với quan án sát:
– Lần sau ông Địch nhé. Lần sau nhất định tôi với ông phải nói chuyện với nhau thật lâu! Tôi rất muốn biết suy nghĩ của ông về một vài vấn đề cai trị. Đối với tôi bao giờ nó cũng là vấn đề hấp dẫn. Tôi muốn biết những ông quan trẻ tuổi nói gì về…
Nói đến đấy viện sĩ chợt ngừng lại nhìn quan án sát bằng con mắt ngờ ngợ, hình như đã có lần ông nói và cũng đã nghe ý kiến trả lời của ông án sát về vấn đề này thì phải. Viện sĩ bèn giả tảng nói một câu kết thúc vui vẻ:
– Dù sao ngày mai chúng ta sẽ gặp lại nhau! Thôi, chúc ông ngủ ngon!
Sau khi chào ba vị thượng khách và nhìn họ đi khuất vào các gian phòng, quan án sát hỏi viên cố vấn:
– Quan tri huyện hiện giờ đang ở đâu, ông Cao?
– Thưa ngài, ở tiền sảnh, tầng dưới ngôi dinh thự chính. Tôi sẽ đưa ngài đến đấy.
Quan tri huyện đang ngồi bên bàn trà thu người trong chiếc ghế bành, khuỷu tay chống lên mặt bàn đầu cúi gục. Nghe tiếng bước chân của uan án sát, ông ngẩng đầu lên, vẻ mặt ngơ ngác. Khuôn mặt tròn trĩnh của ông lúc này trở nên bơ phờ, bộ ria mép rủ xuống trông thật thảm hại.
– Hỏng mất, ông Địch ơi! Đến hỏng mất! – Ông thốt lên giọng trầm trầm. – Sụp đổ hoàn toàn… Sụp đổ thật sự rồi ông Địch ạ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.