Thi Nhân Và Sát Nhân

CHƯƠNG 17: CÁC THI NHÂN NGẮM CẢNH MẶT TRỜI LẶN HỌ LÀM THƠ VÀ NÓI CHUYỆN VỀ DĨ VÃNG CUỘC ĐỜI



Quan án sát đi theo mọi người vào trong đình. Tàn một tiệc trà, quan tri huyện dẫn các vị khách ra dãy lan can bằng đá hoa cương chạm trổ xây dọc theo mép bờ vực. Mọi người lặng lẽ ngắm vầng dương đỏ rực tròn như cái mâm đang chìm xuống và khuất dần sau rặng núi. Bóng tối lan rất nhanh từ dưới hẻm núi giữa hai bờ vực thẳng đứng. Quan án sát hơi ngả người nhìn xuống vực, ước lượng chỗ này phải sâu đến hàng trăm thước. Một màn sương mỏng toả ra từ dòng thác đang ầm ầm đổ xuống đáy vực, uốn ngoằn ngoèo như rắn bò giữa những tảng đá nham nhở.
– Ôi, phong cảnh đẹp tuyệt trần, không thể nào quên được! – Thi sĩ định quay mặt lại thốt lên đầy vẻ thán phục. – Nếu ít ra tôi có thể nắm bắt được bằng một vài lời thơ cái cảnh huy hoàng, nó gợi ra…
– Miễn sao ông đừng có chép nguyên văn bài thơ của tôi là được! – Viện sĩ thoáng mỉm cười ngắt lời thi sĩ. – Tôi còn nhớ lần đầu tiên đến thăm phong cảnh nổi tiếng này. Lần ấy có cả ông Chu, cố vấn Hội đồng quốc gia cùng đi. Tôi đã viết vài đoạn thơ mô tả cảnh mặt trời lặn. Ông cố vấn triều đình đã cho khắc những vần thơ ấy và đặt vào trong cái đình này, hình như thế, ta đi thử xem, ông Trương ạ!
Tất cả cùng đến xem độ một tá tấm bảng gỗ lớn nhỏ đủ các cỡ chữ treo trên các thanh rui mái đình. Các tấm bảng trên có ghi những bài thơ và những bài tiểu luận của các vị khách tham quan nổi tiếng. Viện sĩ bảo gia nhân thắp những cây đèn có chân và sai một người cầm một cây đèn giơ cao lên.
– Ông Triệu! Bài thơ của ông đây rồi! – Thi sĩ triều đình nói to sau khi chăm chú nhìn vào một tấm bảng – Nó ở trên cao quá, nhưng tôi vẫn nhận ra được. Một phong cách cổ điển! Đẹp!
– “Tôi bước đi nhờ cái nạng là những câu dẫn cổ xưa…” – Viện sĩ cất tiếng ngâm nga. – Dẫu sao bài thơ vẫn cứ chiếm lĩnh một vị trí tốt nhất. Phải, tôi nhớ ra rồi, cái lần ấy cố vấn Hội đồng quốc gia đã đặt tên cho cuộc họp của chúng tôi là “cuộc họp mặt trên chín tầng mây”. Giờ đây ta có thể lấy tên gì để đặt cho cuộc họp mặt đêm nay nhỉ?
– “Cuộc họp mặt trong sương mù!” – Một giọng nói ồm ồm cất lên. Mọi người nhìn ra thì thấy Lỗ Huynh đã mặc một chiếc áo dài màu đỏ tía gấu viền đen, đang đi tới.
– Tuyệt lắm! – Thi sĩ triều đình lập tức tán thưởng. – Rõ ràng lúc này có rất nhiều sương mù. Kìa! Từng dải sương mù lơ lửng giăng ra qua khắp các lùm cây.
– Không, đây không phải là điều tôi muốn nói! – Người Đào Huyệt cải chính.
– Chúng ta đang trông đợi mặt trăng đêm nay sẽ sáng tỏ, – quan án sát nói. – Cái vui đêm trung thu phụ thuộc vào đó.
Gia nhân đã rót đầy rượu vang vào các cốc bày trên chiếc bàn tròn sơn son kê sát hàng lan can, cùng với các thức nhắm nguội.
Quan tri huyện nâng cốc:
– Xin nhiệt liệt chào mừng cuộc họp trong sương mù! Đây là một bữa tiệc rất đơn sơ, quê kệch. Tôi đề nghị các vị châm chước cho những lễ nghi theo quy ước.
Quan tri huyện săn sóc đến chỗ ngồi của viện sĩ. Ông mời viện sĩ ngồi bên phải mình và bố trí nhà thơ triều đình ngồi ông bên trái. Không khí ngoài trời lạnh, nhưng các ghế đều lót đệm bọc vải bông và mỗi ghế lại có một bệ bằng gỗ cho khách để chân. Quan án sát ngồi đối diện với người bạn đồng sự của mình, giữa Lỗ Huynh và nữ thi sĩ.
Các gia nhân bưng những bát to đựng thịt băm viên nóng sốt đặt lên bàn. Người đầu bếp của quan tri huyện rõ ràng đã tinh ý hiểu rằng ngồi ở ngoài trời đêm lạnh lẽo trên vùng vách đá này, đầu bữa tiệc các thực khách sẽ ăn ít món nguội. Hai nữ gia nhân đứng hầu rượu.
Sau khi uống một hơi, cạn chén. Người Đào Huyệt nói giọng khàn khàn tuyên bố:
– Tôi vừa được thưởng thức một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp. Dọc đường tôi gặp một con công có bộ lông vàng óng, hai con vượn đánh đu trên cây, lại gặp cả một con cáo đen nữa… rất to… nó…
– Thôi, tối nay xin ông miễn cho những chuyện gở về con cáo đen đi, Lỗ Huynh ạ! – Nữ thi sĩ tươi cười ngắt lời nhà sư. – Cứ coi như chúng ta đã nhìn thấy nó lần cuối cùng ở vùng hồ. Nó đã cho chúng ta toàn thịt gà mái!
Quan án sát thấy vẻ mặt của nữ thi sĩ tươi tỉnh hơn lúc buổi trưa, có thể đó là do tài nguỵ trang khéo léo của nữ thi sĩ.
Người Đào Huyệt giương đôi mắt lồi nhìn chòng chọc vào nữ thi sĩ:
– Cũng có lúc nó còn cho tôi cách nhìn hai mặt nữa đấy, – nhà sư thản nhiên đối đáp. – Nếu nói ra với những người khác những điều mà chỉ riêng tôi nhìn thấy thì họ sẽ cho tôi là một tên láu cá định tung hoả mù để là tiêu tan nỗi khiếp sợ thật sự của chính mình! Bởi vì tôi cũng chẳng ưa gì những điều tôi nhìn thấy. Tôi chỉ thích ngắm nghía những con vật trong thiên nhiên mà thôi!
Vẻ mặt ủ rũ lạnh lùng của Người Đào Huyệt đập vào mắt quan án sát.
– Khi sống tại nhiệm sở của tôi ở Hàn Viễn, – ông nói, – tôi thấy rất nhiều con vượn sống trong khu rừng ngay sau nhà tôi ở, sáng nào tôi cũng ra hành lang uống trà, xem chúng đánh đu trên các cành cây.
– Yêu loài vật là một đức tính tốt. – Người Đào Huyệt chậm rãi nói. – Người ta chẳng bao giờ biết kiếp trước mình là con gì và cũng chẳng biết kiếp sau mình chết sẽ hoá thành con gì?
– Tôi hình dung kiếp trước ông là một con cọp dữ, quan án sát ạ, – nữ thi sĩ hóm hỉnh nói đùa quan án sát.
– Thưa bà, một con chó giữ nhà thì đúng hơn! – Quan án sát đối đáp, rồi quay sang nói với Người Đào Huyệt. – Thế nào, ông đã khẳng định ngay từ đầu là không theo đạo Phật sao lại tin vào thuyết luân hồi?
– Vâng, đúng thế. Tại sao người ta có kẻ sống khổ sở, ti tiện suốt từ mới lọt lòng mẹ cho đến khi xuống mồ? Vì sao một đứa trẻ thơ dại phải chết đau đớn trong sự tàn bạo? Câu trả lời duy nhất là những người đó đã phải chuộc tội lỗi của họ đã gây ra từ kiếp trước. Thật vậy, các đấng tối cao làm sao có thể phán xét ngay tức khắc tất cả các tội lỗi của chúng ta chỉ trong thời hạn quá ngắn của một kiếp người?
– Thôi, thôi, tôi xin các vị! – Viện sĩ hàn lâm thốt lên, cắt ngang câu chuyện giữa ba người, quan án sát, Lỗ Huynh và nữ thi sĩ. – Ông Lã ạ, ông nên đọc cho chúng tôi nghe một bài trong số những bài thơ phóng đãng của ông. Hãy chứng minh tiếng tăm của mình là một kẻ si tình vĩ đại.
– Tôi biết quan tri huyện bao giờ cũng say mê tình yêu, – nữ thi sĩ buông ra một lời nói xằng. – Ông ấy đùa giỡn với tất cả, bởi vì ông ấy không thể yêu nhất thiết một ai!
– Đó là một cảm nghĩ khó chịu đối với vị chủ nhà hào hiệp của chúng ta, – thi sĩ triều đình nhận xét. – Như vậy cần phải phạt bà Dược Lan. Bà Dược Lan, bà phải cho chúng ta thưởng thức một bài thơ của bà về tình yêu!
– Tôi không đọc thơ tình yêu. Không bao giờ nữa! Nhưng tôi sẽ viết cho ông một bài, ngay tại đây.
Quan tri huyện ra hiệu cho viên giám quận bằng cách chỉ tay vào cái án thư để giấy mực đã chuẩn bị sẵn từ trước. Quan án sát thấy người bạn đồng sự của ông mặt mày tái mét. Rõ ràng ý nghĩ vừa rồi của Dược Lan đã đánh trúng vào chỗ nhạy cảm trong tâm hồn ông. Trong lúc viên giám quận còn đang chọn một tờ giấy, viện sĩ hàn lâm nói to:
– Không! Nhà thơ lớn Dược Lan của chúng ta không viết những câu thơ bất tử của mình trên mảnh giấy tầm thường! Bà hãy viết lên cái cột kia! Hãy khắc nó vào gỗ cho những thế hệ mai sau có thể đọc và chiêm ngưỡng!
Nữ thi sĩ nhún vai. Bà đứng lên bước đến cái cột gần nhất. Một nữ gia nhân mang bút mực theo sau. Một nữ gia nhân khác cầm cây đèn nến giơ cao. Dược Lan sờ tay vào thân cột tìm một khoảng nhẵn. Một lần nữa những ngón tay thon nhỏ và khéo léo của nữ thi sĩ lại đập vào mắt quan án sát. Nữ thi sĩ nhúng bút vào nghiên mực, viết lên cột đình những hàng chữ duyên dáng:
Một mình một bóng, ngọn đèn xanh
Thơ phú khôn ghi nỗi hận tình
Tổ ấm sum vầy, người thoả giấc
Phòng loan gối chiếc, khách buồn tênh
Xào xạc vườn thu cây trút lá
Lạnh lùng, gió thốc giữa đêm thanh
Chị Hằng! Chị bị ai ruồng bỏ
Bóng chị bơ vơ hiện trước mành?…
– Chà! – Viện sĩ viện hàn lâm thốt lên. – Bao nhiêu tinh chất não nùng của mùa thu đều thâu tóm trong những câu thơ này! Nữ thi sĩ của chúng ta đã được thể tất! Mọi người hãy nâng cốc chúc mừng sức khoẻ của nữ thi sĩ!
Nhiều chầu rượu chúc mừng kế tiếp không ngớt. Trong khi đó, các gia nhân tiếp tục bưng lên những đĩa thức ăn nóng hổi. Bốn lò than lớn bằng đồng cháy đỏ rực được đặt ở bốn góc đình bởi đêm đã xuống, trời bắt đầu lạnh hơn. Sương mù ẩm ướt từ dưới vực sâu ùn lên khắp vách đá.
Những đám mây đen ở đâu chợt kéo đến che khuất mặt trăng. Quan tri huyện đang mải miết ngắm những chiếc đèn xếp treo trên các cây thông, chợt ngả người ra phía trước hỏi:
– Ba cái anh lính chết tiệt nào mà lại đốt lửa ở dưới gốc cây thông đằng kia thế nhỉ?
– Đó là những người lính áp giải tôi đấy quan tri huyện ạ, – nữ thi sĩ lặng lẽ trả lời.
– Hừ, những tên vô lại mất dạy này! – Quan tri huyện thốt lên. – Tôi phải cho chúng biết tay mới được!
Hình 8. Nữ thi sĩ đề thơ lên cột
– Phạm vi trách nhiệm của ông là ở bên trong hàng rào dinh quan huyện cơ! – Nữ thi sĩ gay gắt nhắc nhở quan tri huyện.
– À… (Quan tri huyện đằng hắng). Vâng… tôi hiểu. Ông giám quận đâu! Món cá chép nấu dấm sao chưa mang lên hả? – Quan tri huyện hỏi bằng một giọng gắt gỏng.
Quan án sát tự tay rót đầy ly rượu vào cốc của Dược Lan rồi nói với nữ thi sĩ:
– Thưa bà, ông Lã bạn tôi đã cho tôi xem hồ sơ việc của bà. Ông ấy cho rằng tôi có thể giúp bà tự biện hộ. Tôi viết không giỏi nhưng cũng đã đọc kỹ các văn bản trong tập hồ sơ và…
– Xin hoan nghênh sự ân cần đáng yêu của ông, thưa quan án sát, – nữ thi sĩ đặt ly rượu xuống bàn, ngắt lời quan án sát. – Nhưng sáu tuần lễ vừa trải qua trong các nhà tù đã cho tôi tất cả thời gian để cân nhắc. Dĩ nhiên dẫu tôi còn thiếu sự hiểu biết của ông về khoa ngữ pháp hình sự dài dòng thì tôi vẫn cứ muốn chỉ một mình tôi là người có tư cách pháp nhân duy nhất có thể đứng ra bảo vệ cho tôi! Xin được rót rượu mời ông!
– Đừng có ngốc nghếch thế, bà Dược Lan! – Người Đào Huyệt đột nhiên nói xen vào. – Tiếng tăm của ông Địch ở cái xứ này chẳng hoá ra vô tích sự lắm sao!
– Sự việc xảy ra đã làm tôi hết sức quan tâm, – quan án sát cứ điềm nhiên nói. – Tôi nhận thấy người ta không hiểu hết mức độ nghiêm trọng của sự việc ở chỗ nó được tung ra bằng một lá thư nặc danh. Tôi tin chắc rằng chẳng một ai đặt vấn đề xem người viết lá thư đó là người nào? Và tại sao họ lại biết có cái xác người chôn dưới gốc cây anh đào? Bức thư nhất định phải do một người có học vấn cao viết. Điều đó loại trừ đám trộm cướp. Thưa bà, lẽ nào bà không nghĩ một tí gì đến bản sắc lá thư tố giác bà?
– Có chứ, tôi có nghĩ, – nữ thi sĩ chua chát đáp. – Và tôi sẽ thông báo ý nghĩ của tôi cho các ông áát sao… hoặc cũng có thể là không thông báo gì cả, – nữ thi sĩ nói thêm sau khi uống cạn chén rượu của mình.
Cuộc nói chuyện đến đó bỗng lặng đi. Thi sĩ triều đình buông một câu bâng quơ:
– Phi lý là đặc tính riêng của các bà các cô có nhan sắc và có trí tuệ. Tôi xin nâng cốc chúc sức khoẻ bà Dược Lan!
– Cả tôi nữa! – Viện sĩ nói như sắp gầm lên.
Quan án sát thấy những giọng cười trong bữa tiệc nói chung có vẻ giả tạo. Mọi người đã uống khá nhiều rượu, nhưng ông biết ba vị thượng khách tửu lượng rất cao. Không người nào trong bọn họ biểu lộ chút gì gọi là say. Trái lại, đôi mắt của nữ thi sĩ thì đã sáng long lanh như người đang lên cơn sốt. Trông bà ta hình như đã mấp mé một cơn bộc phát thần kinh. Nhất định phải gợi cho bà ta nói nhiều hơn nữa bởi vì những biểu hiện cuối cùng trên nét mặt chứng tỏ bà ta đang lo sợ cho một người nào đó và người ấy hiện đang ngồi ở bàn tiệc ngay trước mặt bà ta.
– Thưa bà, lá thư nặc danh tố giác bà, – quan án sát cố nài, làm tôi nhớ đến một lá thư khác viết tại Tần Hoài cách đây mười tám năm. Đó là lá thư đã đẩy đại tướng Mạc đến chỗ sụp đổ. Nó cũng là công trình của một người có trình độ học vấn giỏi giang…
Nữ thi sĩ nhìn quan án sát bằng đôi mắt sắc nhọn.
– Ông nói cách đây mười tám năm hả? – Nữ thi sĩ sửng sốt đứng dậy. – Tôi không hiểu điều ông nói sẽ giúp ích gì cho tôi?
– Số là, – quan án sát cứ nói tiếp, – tôi vừa gặp một người liên quan thì đúng hơn. Cuộc tiếp xúc đã đưa tôi đến những kết luận lý thú, đó là cuộc tiếp xúc với cô con gái một nàng hầu của ông đại tướng. Người nàng hầu đó tên là Tống.
Quan án sát quay sang nhìn Người Đào Huyệt, nhưng hình như từ nãy đến giờ ông ta không để ý theo dõi câu chuyện của những người xung quanh, mà đang thực sự bị đĩa măng xào thu hút! Còn viện sĩ Viện hàn lâm và thi sĩ triều đình thì vẫn chăm chú nghe nhưng có vẻ chỉ nghe theo phép lịch sự mà thôi. Thấy cái vẻ sững sờ trong đáy mắt thi sĩ, ông chợt làm một con tính nhẩm: lúc đó bà ta mới mười hai tuổi, vậy thì phải có người nào đó kể lại câu chuyện đại tướng Mạc Đức Linh với bà ta, người đó hẳn phải biết rõ từng chi tiết của sự việc!
– Tống á? – Người Đào Huyệt chợt nhắc lại cái tên, tay đặt đôi đũa của mình xuống bàn. – Cái chàng phó bảng bị gôm rồi cũng tên ấy thì phải?
– Đúng thế! Chính vì mối quan tâm đặc biệt đến vụ án mà ông bạn của tôi và tôi đã đi ngược thời gian đến tận câu chuyện làm phản của đại tướng Mạc Đức Linh.
– Tôi hết sức băn khoăn về cái việc ông định tìm hiểu, – viện sĩ hàn lâm nói. – Nếu ông cho rằng việc xử án không công minh thì ông hoàn toàn nhầm đấy ông Lã ạ! Tôi là cố vấn cho quan ngự sử, người thay mặt đức vua, ông hiểu chứ, và tôi đã theo dõi hầu hết quá trình thảo luận cân nhắc vụ án đó. Hãy tin lời tôi nói rằng ông đại tướng đích thị là có tội. Đó là một điều đáng tiếc bởi vì ông ta vốn là một quân nhân ưu tú, nhìn bề ngoài là một con người hoạt bát, khoẻ mạnh và dễ gây thiện cảm, nhưng trong nội tâm có cái gì đó đã mục rỗng. Câu chuyện đen tối về thăng cấp thăng chức đã làm ông ấy bực bội, bất mãn…
Thi sĩ triều đình gật đầu đồng ý, tay nâng cốc tợp một ngụm rượu vang:
– Tôi rất dốt về các việc hình sự ông Lã ạ, – thi sĩ nói bằng giọng trong trẻo, – nhưng tôi lại rất ham những chuyện rắc rối khó hiểu. Ông có thể cho tôi biết giữa những vụ phản nghịch trước kia với vụ giết anh chàng phó bảng hiện nay có liên quan gì với nhau không?
– Chàng phó bảng họ Tống, chúng tôi nghĩ có thể là anh cùng cha khác mẹ của người con gái, con riêng người hầu mà ông Địch, bạn đồng sự của tôi vừa ám chỉ.
– Điều ông vừa nói có vẻ là một giả thuyết kỳ cục đấy! – Thi sĩ triều đình phản đối.
Thấy Dược Lan như định nói, quan án sát vội nói thêm:
– Không hoàn toàn như vậy đâu. Ông thử nghĩ người hầu thiếp của đại tướng Mạc đã bỏ rơi đứa con gái bà ta có mang với người tình. Theo chúng tôi, khi chàng phó bảng biết cô con gái cùng mẹ khác cha và cả người tình của mẹ anh ta vẫn đang sống ở Tần Hoài, anh ta liền đến Tần Hoài để tìm tung tích họ. Thực tế ông bạn đồng sự của tôi và tôi đã phát hiện việc chàng phó bảng nghiên cứu các hồ sơ của toà án là để tìm xem còn những ai là bạn hữu và những người quen biết ông đại tướng.
– Ông Lã, xin chúc mừng ông! – Viện sĩ thốt lên. – Ông chẳng những làm tròn các công vụ mà còn tiếp đãi chúng tôi đến nơi đến chốn! Còn cái sự việc rất kín kẽ kia, chúng ta sẽ chẳng bới ra được cái gì đâu! Thế ông đã có tin gì mới về vụ anh chàng phó bảng chưa?
– Tất cả công lao đều thuộc về ông Địch, bạn đồng sự của tôi. Chính ông ấy vừa cho tôi biết những phát hiện cuối cùng của ông ấy.
– Thưa các vị, cũng là tình cờ thôi, – quan án sát khiêm tốn nói, – cũng là ngẫu nhiên tôi đã tìm ra chỗ ở của người em gái cùng mẹ khác cha của Tống. Đó chính là cô gái giữ miếu Cáo Đen ở gần Cửa Nam. Cô giá hơi loạn trí, nhưng…
– Trong chừng mực tôi biết, – thi sĩ triều đình nói xen vào, – người không có đầy đủ năng lực tinh thần thì làm sao toà án có thể chấp nhận làm nhân chứng!
Người Đào Huyệt xoay người trên ghế, trố mắt nhìn quan án sát.
– Thế hả ông Địch. Ông cũng biết Hoàng Liên à! – Nhà sư thốt lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.