Khổng Tử Tinh Hoa

Phần III: THẾ ĐẠO



Trong thế giới hiện đại, nhờ email và tin nhắn, chúng ta có giữ liên lạc thường xuyên với những người cách ta hàng ngàn dặm, ấy thế mà ta lại không bỏ chút nỗ lực nào để hiểu những người hàng xóm của mình.

Hơn bao giờ hết, cách chúng ta đối xử với những người khác ngày nay trở nên rất thiết yếu.

Trong môi trường xã hội phức tạp và đầy biến động này, chúng ta phải đối xử với những người khác như thế nào?

Khi có người đối xử với ta không công bằng, ta phải phản ứng ra sao?

Đâu là những nguyên tắc mà chúng ta nên áp dụng để cư xử với những người thân thiết?

Khổng Tử đưa ra cho chúng ta nhiều quy tắc về cách cư xử trong xã hội và qua đó giúp ta trở thành một người đứng đắn. Có thể, các quy tắc ấy ban đầu có vẻ cứng nhắc, thậm chí khắt khe, nhưng thực tế chúng chứa đựng sự mềm dẻo đến không ngờ.

Nói đơn giản, ông đưa ra cho chúng ta các nguyên tắc điều tiết hành động của mình và mức độ mà chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ấy.

Chúng ta thường tự hỏi ta phải làm gì và không nên làm gì; cái gì là tốt và cái gì là xấu.

Thực tế, khi đưa ra những câu hỏi ấy, chúng ta cũng nhận ra rằng các sự vật thường không được phân chia dựa theo các ý niệm đơn giản về đúng và sai, tốt và xấu, có hoặc không. Thời điểm và mức kỳ vọng của chúng ta khi làm một điều gì đó luôn có ảnh hưởng trực tiếp tới cách chúng ta hành động. Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh sự cân nhắc mức độ nào là cần thiết trong khi ta làm bất cứ điều gì. Khi hành động, chúng ta cần phải tránh càng nhiều càng tốt sự thái quá, hoặc ngược lại, là sự thiếu quan tâm.

Vì vậy, dù Khổng Tử ủng hộ đức Nhân và sự bác ái, nhưng ông không khuyên chúng ta tha thứ mọi lỗi lầm của người khác với lòng Nhân không phân biệt. Có người hỏi Khổng Tử rằng: “Ngài nghĩ sao về câu nói: Khi người ta oán hận mà hãm hại mình, mình nên đem ân đức ra mà báo đáp?”.

Khổng Tử đáp rằng: “Vậy nếu người ta đem ân đức ra mà giúp đỡ mình thì mình lấy gì để báo đức? Nên lấy chính trực mà đáp lại sự oán hận, nên lấy điều ân đức mà đáp lại điều ân đức.” (Luận Ngữ, XIV, 36). Chính việc ý thức về các giới hạn của điều gì có thể chấp nhận được nơi những người khác là một dấu hiệu nổi bật của bậc quân tử chân chính.

Chúng ta cần nhấn mạnh, điều mà Khổng Tử ủng hộ ở đây là sự tôn trọng phẩm giá của con người.

Dĩ nhiên, Ngài không gợi ý là phải lấy oán hận để đáp trả lại oán hận. Nếu chúng ta luôn phải đối mặt và ứng xử với những việc sai trái người khác gây ra cho mình một cách ác ý và thù oán bằng thái độ tương tự, thì chúng ta sẽ bị giam vào trong một vòng luẩn quẩn không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta sẽ đánh mất không những hạnh phúc của riêng ta, mà còn cả hạnh phúc của những thế hệ sau khi mắc vào sợi dây thù hận truyền kiếp.

Đáp trả oán hận bằng đức hạnh thì cũng không thực tế. Nếu bạn quá hào phóng với lòng tốt và lòng nhân của mình, đối xử với những người làm điều sai với mình bằng sự tốt bụng thái quá hay thiếu suy xét, thì điều ấy cũng là một sự lãng phí.

Nhưng có một thái độ thứ ba, đó là phải đối mặt với tất cả điều ấy một cách điềm tĩnh, với sự vô tư, công bằng, cởi mở và chính trực, tức là phải tiếp cận nó với một tính cách đạo đức cao cùng khả năng suy xét sâu sắc.

Nói rộng ra, Khổng Tử nhấn mạnh rằng chúng ta phải sử dụng tình cảm và trí óc của ta đúng chỗ cần thiết.

Ngày nay, mọi người đều tìm cách tiết kiệm các nguồn tài nguyên, tuy nhiên chúng ta lại xem nhẹ sự hoang phí về tinh thần và lãng phí năng lượng trong chính cơ thể chúng ta mỗi ngày.

Sự thịnh vượng vật chất và tốc độ ngày càng tăng của các nhịp điệu cuộc sống ngày nay đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những phán đoán thật khôn ngoan. Chúng ta phải lựa chọn con đường tốt nhất để sống, một con đường thật sự là của riêng chúng ta.

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp các tình huống gây bối rối:

Cha mẹ quá yêu thương con, nhưng điều ấy lại chỉ đẩy họ xa đứa con mình.

Bạn bè thân cận, gần gũi hết mức, nhưng lại thường kết thúc bằng việc làm tổn thương lẫn nhau.

Có người tìm mọi cách cố gắng cải thiện mối quan hệ gần gũi hơn với cấp trên và các đồng nghiệp của mình, nhưng kết quả thường hoàn toàn ngược lại.

Làm sao lại ra nông nỗi này?

Khổng Tử dạy rằng cả sự tách biệt thái quá lẫn sự thân cận thái quá đều không phải là lý tưởng. Đối với ông, “đi rất xa cũng tồi tệ như đi quá gần”. Sự gần gũi thái quá không phải là một tình huống lý tưởng cho hai người muốn sống hòa thuận với nhau.

Vậy, làm thế nào ta đạt được “những mối quan hệ tốt đẹp”?

Tử Du – học trò của Khổng Tử nói rằng: “Can gián mà người trên không nghe thì mang nhục. Khuyên lơn mà bằng hữu không sửa thì mất tình bằng hữu.” (Luận Ngữ, IV, 25). Hay nói khác đi, nếu bạn luôn quanh quẩn bên cấp trên của mình, xem liệu mình có giúp gì được cho họ hay không, dù bạn đang tỏ ra gần gũi thì bạn cũng sẽ sớm rước nhục vào thân. Cũng vậy, nếu bạn luôn bám kè kè bên cạnh bạn bè mình, dù có vẻ như các bạn không thể chia xa, thì việc mất tình bằng hữu sẽ chẳng còn lâu nữa.

Có câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa có một đàn nhím, tất cả đều có lông nhọn trên lưng, nằm rúc vào nhau để giữ ấm qua mùa đông. Hẳn là chúng không bao giờ có thể biết được rằng nếu tách xa nhau thì chúng sẽ ra sao. Chỉ một chút xê dịch ra xa thôi là chúng không thể giữ ấm cho nhau được, vì thế chúng rúc lại gần nhau hơn; nhưng chúng càng ép lại gần nhau, các gai nhọn lại châm vào nhau, thế là chúng lại bắt đầu tách xa nhau ra; nhưng khi chúng làm vậy, chúng lại bị lạnh. Phải mất một thời gian khá dài để đàn nhím nhận ra khoảng cách thích hợp giữa chúng, để chúng có thể giữ ấm cho nhau mà không làm nhau bị thương.

Trong xã hội của chúng ta ngày nay khi trào lưu đô thị hóa ngày càng phát triển, nhất là ở các thành phố lớn, những khoảnh sân nhỏ của các đại gia đình thời xưa đều bị phá bỏ để xây dựng các tòa nhà lớn. Cho đến ngày mừng năm mới, một gia đình làm bánh bao đem ra khoảnh sân nhỏ để cùng chung vui với hàng xóm như thường niên thì họ ngỡ ngàng khi thấy không còn ai ra đấy nữa. Khoảnh sân chung cũng không còn, thậm chí những láng giềng sống ba, bốn năm đi chung trên một chiếc cầu thang cũng hầu như không biết nhau.

Do các mối quan hệ của chúng ta với những người sống quanh ta đã trở nên lạnh nhạt hơn, chúng ta càng khó để giao tiếp với nhau hơn.

Rồi điều này gia tăng gánh nặng lên một vài người bạn mà chúng ta trông cậy.

Có thể bạn nghĩ rằng: Nếu người bạn thân thiết nhất của tôi đối xử với tôi tốt hơn một chút, thì tôi sẽ cởi mở để đối xử với họ tốt hơn. Hoặc: Nếu gia đình bạn có chuyện, một vụ cãi nhau với vợ chẳng hạn, tại sao bạn lại không nói với tôi? Tôi có thể can thiệp và hòa giải giúp bạn mà!

Nhiều người trong chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng chúng ta hãy nhớ lời Tử Du: sự gần gũi thái quá có xu hướng làm tổn thương người khác.

Vậy chúng ta nên sống hòa hợp với bạn bè của ta như thế nào?

Có lần Tử Cống đã hỏi Khổng Tử câu hỏi này và Khổng Tử đã trả lời rằng: “Như bằng hữu có lỗi, mình nên hết lời can gián, mà phải nói một cách khéo léo dịu ngọt. Như bằng hữu không nghe, thì mình nên thôi; đừng nói dai mà mang nhục.” (Luận Ngữ, XII, 22). Khi bạn thấy một người bạn đang làm điều gì đó sai trái, bạn nên cảnh báo cho họ và can gián bằng thiện chí, nhưng nếu họ thực sự không lắng nghe, thì hãy thôi. Đừng nói gì thêm nữa, nếu không bạn sẽ bị tổn thương.

Vì vậy, với những người bạn tốt thì cũng cần có giới hạn. Thái quá thì sẽ bất cập.

Các nhà tâm lý học có một thuật ngữ để chỉ loại hành vi mà chúng ta thường thấy trong sự tương tác của những con người hiện đại là “hành vi không-yêu [12] thương” . Nó mô tả chính xác điều xảy ra khi người ta dựa vào danh nghĩa tình yêu để cư xử theo một cách thức gượng ép, cưỡng bách đối với những người thân yêu nhất của họ. Điều này thường xảy ra giữa chồng – vợ, giữa những người đang yêu nhau, giữa cha mẹ – con cái, hay nói khác đi, giữa những người thân thiết nhất với nhau.

Khổng Tử khuyên rằng chúng ta phải giữ một khoảng cách nhất định với bạn bè hoặc với người trên của ta, và phải biết đâu là ranh giới nằm giữa sự thân cận và xa lạ.

Còn với gia đình, những người thân yêu với ta hơn bất kỳ ai khác, liệu chúng ta có nên gần gũi hết mức không?

Hay chúng ta cũng nên giữ một khoảng cách nhất định giữa cha mẹ và con cái, chồng và vợ, hoặc giữa những người yêu nhau?

Một người vợ có thể sẽ nói với chồng rằng: “Hãy nhìn xem em đã từ bỏ những gì để yêu anh. Em đã làm điều này điều kia chỉ vì cái gia đình này, vậy mà bây giờ anh đối xử với em như thế này sao?”.

Nhiều bà mẹ nói với con cái của mình rằng: “Con nhìn xem – sau khi sinh con, mẹ chậm thăng tiến trong công việc, mất đi vóc dáng tươi trẻ của mình, mẹ đã hy sinh mọi thứ cho con, vậy sao con không thể gắng học thêm chút nữa hả?”.

Mọi hành vi “không-yêu thương” này đều mang tính chất ép buộc, mang danh nghĩa tình yêu để bắt người khác cư xử theo cách mà chúng ta muốn.

Có lần tôi đọc một cuốn sách về việc nuôi dạy con cái của một nhà tâm lý học người Anh, trong đó tác giả đã đưa ra một số điều rất sáng suốt:

Tình yêu hầu như luôn là việc mang con người lại gần nhau hơn. Nhưng có một, và chỉ một loại tình yêu mà mục tiêu của nó là sự ngăn cách: tình yêu của cha mẹ đối với con cái của họ. Tình yêu cha mẹ thật sự trọn vẹn có nghĩa là để con trẻ độc lập càng sớm càng tốt; bạn để con mình biết tự lập càng sớm thì bạn càng thành công trong vai trò làm cha mẹ.

Hãy hiểu như thế này, sự độc lập và một khoảng cách tôn trọng là thiết yếu đối với phẩm giá của một cá nhân. Nó phải được duy trì, cho dù là giữa những người thân thiết nhất với nhau.

Dù giữa cha mẹ và con cái, hoặc giữa vợ chồng cưới nhau đã lâu, một khi khoảng cách tôn trọng bị vi phạm, một khi bạn đi quá giới hạn đến giai đoạn gọi là “quấy rầy”, thì bạn sẽ không còn độc lập một cách thích đáng với nhau nữa. Rồi sẽ có vấn đề xảy ra, sự tổn thương ngấm ngầm làm mất đi tình bằng hữu hoặc thậm chí một sự sụp đổ hoàn toàn trong các mối quan hệ sẽ sớm xuất hiện.

Dù đối với bạn bè hay gia đình, chúng ta đều phải biết các giới hạn của chúng ta nằm ở đâu. Trung dung là tốt nhất.

Khổng Tử dạy rằng chúng ta phải tôn trọng con người một cách bình đẳng và hợp lý, duy trì một khoảng cách đủ để mỗi người có một không gian riêng tư cần thiết.

Tư tưởng này rất giống với trạng thái mà Thiền Phật giáo gọi là “Hoa không nở hết, trăng chưa tròn vành”.

Đây là trạng thái tinh thần tốt nhất nên tồn tại giữa con người. Khi một bông hoa nở hết, nó sẽ bắt đầu phai tàn; ngay khi mặt trăng tròn vành vạnh, nó bắt đầu khuyết dần. Nhưng khi bông hoa ấy còn đang chúm chím, hoặc mặt trăng ấy chưa đủ độ tròn, bạn sẽ có cảm giác còn điều gì đó để chờ mong.

Khổng Tử nói rằng: “Dốc lòng tin, ham sự học, giữ cho vững dẫu chết cũng không thay đổi, làm cho cái đạo hay hơn lên. Không vào nước đã nguy, không ở nước có loạn, đời có đạo thì ra làm mọi việc, đời không có đạo thì ẩn mà sửa mình. Nước có đạo mà mình nghèo và hèn là xấu hổ; nước không có đạo mà mình giàu sang là xấu hổ.” (Luận Ngữ, VIII, 14).

Đối với cả bạn bè lẫn gia đình chúng ta cũng vậy. Bằng cách cho họ khoảng không cần thiết, bạn sẽ nhận ra những chân trời mới vốn luôn mở ra trước mắt mình.

Thực tế khi bạn đi xin việc – đặc biệt là với các công ty nước ngoài, trưởng phòng Nhân sự sẽ đưa cho bạn một bản mô tả chi tiết công việc đã được viết sẵn, ghi rõ vị trí và công việc bạn sẽ làm. Mọi người đều có một bản như vậy, từ thư ký và nhân viên đánh máy cho đến quản trị viên cấp cao.

Chúng ta luôn nói rằng những người trẻ phải làm việc chăm chỉ và thật tốt, người nào có khả năng làm công việc của ba người là giỏi nhất. Điều này rất lạ lùng và dường như đi ngược lại tinh thần quản trị doanh nghiệp hiện đại: Người chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ phải là người hết lòng quan tâm đến nó, theo cách này, mọi người đều hợp lại với nhau như bộ phận của một chiến lược chặt chẽ.

Khổng Tử nói: “Nếu mình không có chức vị trong một xứ, thì chẳng cần mưu tính chính sự của nước ấy.” (Luận Ngữ, XIV, 27). Nói khác đi, dù bạn đang ở vị trí nào, bạn phải làm bổn phận của mình, không được vượt quá thẩm quyền của mình mà can thiệp vào công việc của người khác, vượt quá vấn đề của mình để làm những việc mà bạn không phải làm. Thái độ chuyên nghiệp này đối với công việc là một thái độ mà xã hội hiện đại của chúng ta hẳn sẽ đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, có một điều kiện được hàm ý ở đây là: “Khi ta có chức vị trong một xứ, thì phải mưu tính chính sự của xứ ấy”. Vậy thì, bạn phải quan tâm đến các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình như thế nào?

Làm thế nào để chúng ta biết mình phải làm gì?

Khổng Tử nói rằng: “Quân tử đối với việc của thiên hạ, không có việc gì cố ý làm, không có việc nào cố ý bỏ, hễ hợp lễ nghĩa thì làm.” (Luận Ngữ, IV, 10).

Khổng Tử có ý muốn nói: Người quân tử không cố cưỡng ép, không chống đối sự việc mà không có lý do, không đòi hỏi quá cao mà cũng không nhân nhượng thái quá, không quá gần gũi mà cũng không quá lảng tránh. Tất cả mọi hành động đều theo Lễ và sự công chính. Lễ và sự công chính phải là những nguyên tắc và chuẩn mực cho việc cư xử của tất cả chúng ta.

Một khi chúng ta biết cái gì quy định cách hành động của mình, thì chúng ta phải quan tâm đến chính những hành động của ta.

Giữa “lời nói” và “việc làm”, Khổng Tử đánh giá cao “việc làm”. Khổng Tử cực kỳ cảnh giác với những người khoe khoang và phô trương.

Khổng Tử nói rằng: “Kẻ nào miệng nói lời hoa mỹ; còn mặt mày thì trau chuốt, hình dạng kiểu cách, áo quần lòe loẹt, hẳn kẻ ấy kém lòng nhân.” (Luận Ngữ, I, 3). Bạn không thể tìm thấy người có đức hạnh thực sự giữa loại người miệng nói lời hoa mỹ và có thái độ kiểu cách.

Vậy Khổng Tử ủng hộ điều gì? Rất đơn giản – nói ít, làm nhiều. Bạn phải nhiệt tình trong các hành động của mình, nhưng Ngài khuyên nên “nói năng thận trọng” – không được nói những gì bạn không thể làm. Tục ngữ có câu “Thần khẩu hại xác phàm” (Cái miệng hại cái thân), chí ít thì những lời khoác lác cũng làm giảm giá trị con người bạn, “càng nói nhiều thì càng mất nghĩa”.

Học trò của Khổng Tử là Tử Trương trong khi đi học có ý muốn làm quan hưởng lộc. Ông hỏi Khổng Tử xem mình nên làm gì. Khổng Tử nói rằng: “Nên nghe cho nhiều. Những điều mình nghe chẳng tỏ, hãy còn hồ nghi thì để qua một bên, đừng có nói. Còn những điều mình nghe được rõ ràng, mình nên nói một cách dè dặt. Như vậy, người ta ít có dịp mà quở trách mình. Nên thấy cho nhiều. Những điều mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì để qua một bên, đừng có làm. Còn những điều mình xét chẳng có hại, mình nên làm một cách dè dặt. Như vậy, mình ít có dịp phải ăn năn. Nói mà ít bị quở, làm mà ít ăn năn, bổng lộc tự nhiên ở đó rồi.” (Luận Ngữ, II, 18).

“Nên nghe cho nhiều. Những điều mình nghe chẳng tỏ, hãy còn hồ nghi thì để qua một bên, đừng có nói” có nghĩa là trước hết bạn phải biết cách lắng nghe xem người ta đang nói gì với bạn, những phần nào bạn không chắc thì phải để qua một bên. Chúng ta gọi việc học hỏi từ những gì xảy ra với ta là kinh nghiệm trực tiếp, trong khi việc học hỏi từ các kinh nghiệm của người khác, kể cả những thất bại và bất hạnh, được gọi là kinh nghiệm gián tiếp.

“Những điều mình nghe được rõ ràng, mình nên nói một cách dè dặt” có nghĩa là bạn phải cẩn thận khi bàn luận về những gì mình đã nghe, kể cả những phần mà bạn nghĩ là mình đã hiểu rõ.

“Nên thấy cho nhiều. Những điều mình thấy chẳng rõ, có thể nguy hại thì để qua một bên, đừng có làm” nghĩa là hãy nhìn xung quanh bạn và để qua một bên những gì bạn còn chưa chắc chắn. Sự lẫn lộn cũng như hầu hết những sai lầm con người gặp phải là kết quả của một tầm nhìn bị giới hạn: Làm thế nào một con ếch ngồi đáy giếng có thể hiểu được sự bao la của đại dương hay sự cao rộng của bầu trời?

Ngay khi bạn dày dạn kinh nghiệm, bạn vẫn phải cẩn trọng trong các hành động của mình. Loại cẩn trọng trong cách cư xử này được mô tả “như đi xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng.” (Luận Ngữ, VIII, 4).

Hãy suy ngẫm nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, thận trọng trong lời nói và trong hành động của mình. Lợi ích mà bạn thu được khi thực hiện những điều này là bạn sẽ ít hối tiếc hơn.

Trong thế giới này không nơi đâu có thuốc chữa trị cho những điều hối tiếc. Ngay khi một người biết họ đã làm điều gì đó sai trái, thì sự việc ấy cũng đã xảy ra rồi, và có thể là không bao giờ sửa chữa được nữa. Nếu một người tránh được việc trách móc, than phiền khi nói và tránh được những hành động có thể dẫn đến hối tiếc về sau thì chắc chắn sẽ thành công trong những gì họ đang dự định làm.

Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:

Ngày xưa, có một cậu bé tính hay nóng giận. Mỗi lần cáu kỉnh, cậu bé lại nói năng lỗ mãng, cục cằn với mọi người xung quanh. Cha mẹ khuyên răn nhưng cậu vẫn chưa sửa được.

Một ngày nọ, cha cậu đưa cho con trai một túi vải chứa đầy đinh và dặn, mỗi lần không giữ được bình tĩnh thì cậu cứ vác búa ra hàng rào gỗ quanh nhà và đóng lên đó một cây đinh. Vâng lời cha, hễ nổi nóng là cậu bé lại phang búa đóng một cây đinh vào hàng rào gỗ.

Mới cuối ngày đầu tiên, trên mặt gỗ đã xuất hiện 37 cây đinh. Ngày tháng trôi qua, túi đinh vơi dần, tính tình của cậu bé cũng dần thay đổi. Số đinh xuất hiện mỗi ngày trên hàng rào ít dần đi, cậu thấy mình giữ được bình tĩnh tốt hơn trước. Cuối cùng thì túi đinh cũng đã hết sạch. Cậu bé hoan hỉ thưa với cha rằng cậu đã học được cách tự kiềm chế. Người cha chỉ mỉm cười. Ông dặn con trai rằng từ nay trở đi, nếu một ngày trôi qua mà cậu không nổi nóng thì cậu được quyền nhổ bớt một cây đinh trên hàng rào. Chẳng bao lâu sau, cậu bé đưa lại cho cha một túi đinh đầy, nặng trĩu hệt như ông đã từng đưa cho cậu ngày nào.

Người cha dắt tay con trai ra hàng rào. Thật tội nghiệp, mặt gỗ phẳng phiu ngày xưa nay chi chít những lỗ đinh. Người cha nói với con trai: “Cha rất mừng là con đã biết giữ bình tĩnh. Nhưng con hãy nhìn mặt gỗ kia mà xem. Mỗi lần con nóng giận, ăn nói thô lỗ, là con đã gây ra cho những người xung quanh những nỗi đau hệt như nỗi đau mà mặt gỗ kia phải chịu đựng khi con đóng đinh vào nó. Cho dù con đã học được cách giữ bình tĩnh và đã rút đinh ra thì những lỗ đinh sâu hoắm kia vẫn còn đó.

Tương tự, dẫu con có hối cải, có xin lỗi bao nhiêu lần đi chăng nữa thì những người bị con xúc phạm không bao giờ còn cảm xúc tốt đẹp với con như xưa. Con phải nhớ rằng một lời nói cục cằn cũng tạo ra một vết thương lòng không kém một vết dao đâm, một lỗ đinh đóng vào da thịt”.

Câu chuyện trên là một sự giải thích hoàn hảo cho điều mà Khổng Tử muốn nói qua câu “Nói mà ít bị quở, làm mà ít ăn năn”.

Trước khi quyết định một điều gì đó, chúng ta phải ngừng lại một chút để suy xét các hậu quả, nếu không cũng giống như một khi cây đinh đã được đóng vào hàng rào thì dù nó được nhổ ra ngay đi nữa, nó vẫn không bao giờ có thể trở về nguyên trạng như trước. Khi chúng ta làm điều gì đó, chúng ta phải có cái nhìn sâu rộng và phải thận trọng với mọi điều có thể xảy ra. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể tránh được việc làm tổn thương người khác và sẽ ít phải hối tiếc hơn về sau.

Trong lời nói, chúng ta phải suy nghĩ thật cẩn trọng; trong hành động, chúng ta phải suy xét đến các hậu quả. Đây là điều quan trọng nhất cần phải nhớ trong mọi sự tương tác của chúng ta.

Nếu bạn muốn có khả năng xử lý mọi kiểu quan hệ khác nhau trong xã hội phức hợp và đa dạng ngày nay, thì điều quan trọng hơn hết là phải biết hòa nhã.

Vậy Khổng Tử nói thế nào về sự hòa nhã?

Khổng Tử rất xem trọng Lễ trong đời sống hàng ngày. Ngài tôn trọng sự hòa nhã và quan sát chăm chú các buổi lễ, nhưng không bao giờ chỉ để xem mà như là một cách tự-tu dưỡng. Khi những người có quan chức, những người mặc tang phục và những người mù đi ngang qua, Ngài luôn đứng dậy, cho dù người ấy trẻ hơn mình và cúi chào họ theo tôn ti trật tự xã hội. Nếu phải đi qua mặt những người ấy, Ngài sẽ bước nhanh, từng bước nhỏ, để tỏ lòng tôn kính.

Đó là sự hòa nhã.

Trong mọi tình huống, Khổng Tử đều có cách cư xử hết sức chuẩn mực. Người ta nói về Khổng Tử như sau: “Khi dự tiệc rượu với người trong làng, ngài chờ cho mấy người già chống gậy ra trước, rồi Ngài mới ra sau. Khi người trong làng làm lễ Na, tức lễ cúng tế chống ôn dịch, thì Khổng Tử vận triều phục đứng ở bậc thềm phía đông mà tiếp lễ.” (Luận Ngữ, X, 10).

Có rất nhiều tiểu tiết trong các buổi lễ. Thậm chí có lẽ chúng ta ngạc nhiên tự hỏi tại sao các nhà văn viết các sách cổ và các bản ghi chép lại bận tâm ghi chép việc một người rất thông thái như thế thực hiện những điều lặt vặt ấy. Không phải mọi người đều biết làm loại việc đó sao? Không phải điều ấy chỉ tô điểm thêm cho người hiền triết ấy sao?

Thực tế, cái được gọi là ngôn ngữ và hành động của bậc hiền nhân thực sự chỉ đơn giản như vậy, quá đơn giản đến độ thậm chí nó làm cho người ngày nay có chút hoài nghi. Những câu chuyện ấy gần gũi đến mức nó có thể thường xuất hiện trong xóm làng, hoặc trong nhà của bạn.

Nhưng chúng ấm áp làm sao! Nó khiến ta có cảm giác rất gần gũi với Khổng Tử, dù Ngài vĩ đại nhưng vẫn rất thực và giống với chúng ta. Một lần nữa, Khổng Tử chỉ ra cho ta những chân lý mà Ngài đã khám phá và những sự việc mà Ngài đã trải nghiệm, để chúng ta cùng chia sẻ.

Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng các hành động nhìn bề ngoài có vẻ như vô nghĩa lại thực sự quan trọng khi chúng xuất phát từ tâm và hồn.

Học trò của Khổng Tử là Tử Lộ có lần hỏi Khổng Tử làm thế nào để một người có thể trở thành bậc quân tử. Khổng Tử nói với Tử Lộ rằng: “Nên lấy lòng kính trọng mà sửa mình”. Tức là tự sửa mình bằng một thái độ tôn trọng, nghiêm túc. Tử Lộ hỏi lại: “Bằng cách tự sửa mình thì có thể trở thành một người quân tử, chỉ có thế thôi sao?”.

Khổng Tử thêm rằng: “Người quân tử tự sửa mình, nhờ đó mọi người được an trị”. Trước hết hãy rèn luyện mình tốt hơn, rồi sau đó có thể nghĩ đến những cách thức làm người khác hạnh phúc.

Tử Lộ không thỏa mãn với câu trả lời này, nên hỏi tiếp: “Chỉ có vậy thôi sao?”.

Khổng Tử trả lời: “Người quân tử tự sửa mình, nhờ đó mà trăm họ được yên trị. Sửa mình để yên trị trăm họ, việc ấy chẳng dễ đâu, dẫu cho bậc Thánh Vương như vua Nghiêu, vua Thuấn còn làm chẳng hết được!” (Luận Ngữ, XIV, 45). Thậm chí người quân tử và các bậc hiền nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn còn thấy khó thực hiện và không thể làm hết được. Nếu bạn có thể làm được điều ấy, bạn chắc chắn sẽ trở thành một người quân tử!

“Luận Ngữ” viết rất nhiều về những câu chuyện nhỏ, tuy đơn giản nhưng đầy ý nghĩa có thể xảy đến cho bất kỳ ai trong chúng ta. Hầu như hiếm khi chúng ta bắt gặp những đoạn viết dài dòng nào về việc thực hành lễ một cách viển vông. Trước đây, chúng ta thường nghĩ những tư tưởng của Khổng Tử rất khó nắm bắt và thực hiện, nhưng kỳ thực chúng rất gần gũi trong cuộc sống của mỗi người.

Điều mà Khổng Tử khuyên ta phải tập trung trước hết không phải là làm thế nào mang đến cho thế giới sự ổn định, mà là làm thế nào trở thành phiên bản tốt nhất có thể có của chính bản thân chúng ta. “Tu thân” – sự tự tu dưỡng tính cách đạo đức của một người – là bước đầu tiên đi đến việc chịu trách nhiệm cho đất nước và cho xã hội, tức trách nhiệm “trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng Tử và các học trò của ông đã luôn đấu tranh gian khổ để trở thành “phiên bản tốt nhất” của chính họ, nhưng mục tiêu mà họ hướng đến khi thực hiện điều này là để làm tốt hơn trách nhiệm của mỗi người đối với xã hội mà họ đang sống.

Khổng Tử nói rằng: “Người đời xưa vì mình mà học đạo, người đời nay vì người mà học đạo.” (Luận Ngữ, XIV, 25). Người xưa học để hoàn thiện bản thân, biến mình thành những con người tốt đẹp hơn; còn ngày nay, chúng ta học để chứng tỏ mình, và để lấy lòng người khác.

Người nào thật sự tôn trọng tri thức thì mới học để hoàn thiện tinh thần của mình. Học từ sách vở, học từ xã hội, học từ khi sinh ra cho đến khi già. Từ tất cả những điều ấy, bạn sẽ học được khả năng nắm giữ hạnh phúc.

Trước tiên, hãy trở thành một công dân trung nghĩa, có giáo dục và có hiểu biết, rồi sau khi đã trang bị tất cả những điều ấy, hãy đi tìm vị trí của mình trong xã hội và vai trò của mình trong cuộc sống. Mục tiêu của việc học là hoàn tất tiến trình tìm kiếm vị trí của mình và hoàn thiện chính mình.

Vậy, thế nào là “vì người mà học đạo”?

Đó là việc xem kiến thức nhận được như một công cụ, một kỹ năng đơn thuần để làm hài lòng người khác, giúp mình kiếm được một công việc, hoặc lợi ích thuần túy cá nhân nào đó.

Khổng Tử không nói rằng bạn phải trở nên giống như bất kỳ ai để là một bậc quân tử. Theo Ngài, là một bậc quân tử có nghĩa là trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính bạn, dựa trên vị trí bạn đang có lúc này, bắt đầu với những sự việc quanh bạn và bắt đầu ngay ngày hôm nay, sao cho tinh thần của bạn có thể đạt được một trạng thái cân bằng hoàn hảo nhất. Vì chỉ khi nào bạn có được một tinh thần và một tâm hồn thật sự điềm tĩnh, kiên định và gắn kết với cuộc sống thì bạn mới có thể không bị chao đảo trước những thăng trầm, thành công hay thất bại trong đời.

Điều này nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ:

Có ba người thợ may, mỗi người mở một cửa hiệu trên cùng một con đường.

Mỗi người đều muốn thu hút nhiều khách hàng cho mình.

Người thợ may thứ nhất treo lên một tấm bảng hiệu lớn, trên đó viết: “Tôi là người thợ may giỏi nhất tỉnh”.

Khi người thợ may thứ hai nhìn thấy tấm biển, ông muốn chơi trội hơn nên làm một bảng hiệu lớn hơn, với dòng chữ “Tôi là người thợ may giỏi nhất nước”.

Người thợ may thứ ba nghĩ: Mình có nên nói rằng mình là thợ may giỏi nhất thế giới không nhỉ? Ông suy xét vấn đề này trong một thời gian rất dài, sau đó ông chỉ đưa ra một bảng hiệu rất nhỏ. Nhưng tấm biển nhỏ ấy đã thu hút tất cả khách hàng trên con đường ấy đến cửa hiệu của ông, làm cho hai cửa hiệu kia vắng teo.

Tấm bảng hiệu của người thợ may thứ ba đã viết gì? Trên đó chỉ viết: “Tôi là người thợ may giỏi nhất trên con đường này”.

Ông đã nhìn lại những điều đang ở trước mặt ông, bắt đầu từ cái thực tế và gần gũi nhất. Và đó là lý do tại sao ông được khách hàng chấp nhận.

Làm việc của chính mình thật tốt và làm một người tử tế, đầy thiện chí là điều kiện tiên quyết cho một bậc quân tử. Nhưng nếu chỉ là một người tử tế, thiện chí thì liệu có đủ để biến bạn thành một bậc quân tử chưa? Không hẳn.

Làm một người tốt, với tâm hồn và tinh thần ở trạng thái cân bằng hoàn hảo, là một điều kiện cần để trở thành một bậc quân tử. Nhưng chỉ có điều ấy thì chưa đủ. Theo Khổng Tử, bậc quân tử không những là người tốt, mà họ còn phải là người cao cả và đáng kính phục, luôn trăn trở việc thiên hạ, đồng thời phải có nghị lực và năng lực thật sự.

Cổ sử Trung Quốc ghi lại rất nhiều tấm gương quân tử như thế: các học giả và trí thức nổi tiếng tuy phải sống trong những hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt và nghèo khổ nhưng vẫn luôn nghĩ tới đời sống của người dân.

[13] Vào lúc ngôi nhà tranh vách lá chỉ vừa đủ để nương thân của Đỗ Phủ bị gió thu thổi tốc mái, nhà thơ và là bậc hiền nhân này đã viết: “Ước gì có hàng nghìn vạn gian nhà rộng để che cho tất cả người nghèo trong thiên hạ, khiến mặt ai cũng được tươi vui”. Ngày nay đọc lại những lời ông nói, chúng ta cảm thấy rằng điều này đối với Đỗ Phủ không phải là một lời khoa trương sáo rỗng. Thay vào đó, chúng ta cảm kích và khâm phục tấm lòng nhân đạo của ông.

Một ví dụ nữa là nhà thơ Phạm Trọng Yêm đã tin rằng dù một người quân tử “ở miếu đường trên cao” hay “ở sông nước ngoài xa”, thì người ấy tất cũng cảm thấy lo lắng cho các bậc cai trị đất nước và cho thường dân trong thiên hạ, và vì thế “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ [14] vậy!” .

Ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của Khổng Tử trong ngôn từ của nhà thơ ấy.

Đến đây, có lẽ bạn bắt đầu băn khoăn không biết liệu ý tưởng của Khổng Tử cho rằng “đất nước là trách nhiệm của tôi” phải hoàn toàn có nghĩa là cá nhân hy sinh các lợi ích của mình chăng?

Thực tế, Khổng Tử không ủng hộ một sự hy sinh như thế. Trái lại, lý thuyết có tính thực tế và sâu sắc của ông về các mối quan hệ con người gợi ý rằng thái độ dốc lòng cho xã hội chính là sự bảo vệ lớn nhất có thể cho các quyền và lợi ích của tất cả mọi người.

Khổng Tử nói rằng: “Đạo quân tử có ba điều mà ta chẳng làm được một: Có nhân, chẳng bao giờ lo rầu; có trí, chẳng bao giờ lầm lạc; có dũng, chẳng bao giờ sợ sệt”. Tử Cống thưa rằng: “Thầy nói khiêm đó thôi.” (Luận Ngữ, XIV, 30).

Tuy nhiên, Khổng Tử tin rằng khi tìm kiếm lợi ích cá nhân, con người phải kiên định trên con đường đúng đắn, và cũng đừng bao giờ tìm kiếm các con đường tắt hay những thắng lợi nhỏ mọn.

Khổng Tử cho rằng sự khác biệt giữa bậc quân tử và kẻ tiểu nhân là việc họ chọn lấy con đường đúng đắn hay những con đường tắt.

Khổng Tử nói: “Quân tử tinh tường về việc nghĩa; tiểu nhân rành rẽ về việc lợi.” (Luận Ngữ, IV, 16). Từ “nghĩa” ở đây hàm ý về đạo đức. Nghĩa là, con đường mà người quân tử chọn là đường đi đúng đắn nhất và phù hợp nhất từ điểm khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Trong khi đó, một kẻ tiểu nhân lại tập trung vào lợi ích cá nhân và theo đuổi lợi ích ấy, vì vậy, họ rất dễ rơi vào những con đường lầm lạc, ma quỷ.

Vậy, sự khác biệt giữa một người quân tử và một kẻ tiểu nhân bộc lộ ra như thế nào?

Khổng Tử nói: “Bậc quân tử mong cho đức hạnh của mình ngày càng cao; còn kẻ tiểu nhân thì mong cho có chỗ ăn chỗ ở cho sướng cái thân. Bậc quân tử ghi nhớ pháp luật để giữ mình, còn kẻ tiểu nhân thì ghi nhớ ân huệ để cậy nhờ.” (Luận Ngữ, IV, 11). Hay nói khác đi, một người quân tử không có mối quan tâm thường nhật và tầm thường như kẻ tiểu nhân.

Không ngày nào trôi qua mà một người quân tử không nghĩ về Lễ và sự tự tu dưỡng, trong khi một kẻ tâm địa hẹp hòi chỉ tính toán đến những điều trước mắt của riêng mình – tức nhà của họ hoặc những nhu cầu và những ham muốn cá nhân của họ. Người quân tử luôn sống bằng các quy tắc của một bộ luật đạo đức nghiêm ngặt vốn không thể bị phá vỡ, trong khi kẻ tiểu nhân trong đầu chỉ toàn nghĩ về những ân huệ vụn vặt và làm thế nào để chiếm được ưu thế.

Người nào ngày ngày bận tâm đến những chuyện riêng của gia đình họ, như làm thế nào có thể mua được một ngôi nhà sang trọng hoặc trèo cao trên nấc thang sự nghiệp, người mà lòng chỉ toàn những mưu đồ nhỏ nhen để phụng sự cho lối sống của gia đình mình, thì đó là loại tiểu nhân mà Khổng Tử đang nói đến. Dĩ nhiên không có gì sai khi làm những việc ấy, nhưng nếu người ta để tâm hồn mình trở nên tù túng khi sục sạo tìm kiếm những lợi ích cá nhân vụn vặt; nếu họ vứt bỏ những sự kiềm chế của Lễ hay của Luật để bảo vệ hoặc mở rộng những lợi ích nhỏ nhoi ấy, thì điều đó có thể rất nguy hiểm.

Người quân tử luôn tôn trọng Lễ và Luật. Nó cũng giống như bất kỳ ai trong chúng ta khi đứng đợi đèn xanh và đi bộ qua đường tại vạch dành cho người đi bộ: chấp hành điều ấy có vẻ như ta bị quản thúc, nhưng những quản thúc nhỏ ấy đảm bảo an toàn cho ta, thực sự cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau giữa mọi người và làm tăng giá trị của xã hội.

Những kẻ tiểu nhân, những người ham muốn lợi ích trước mắt, những người luôn tìm kiếm sơ hở để giành lấy những lợi ích nhỏ bé và riêng tư, có thể sẽ nhận được cái mà họ muốn một hai lần, nhưng có một mối nguy cơ tiềm ẩn là không sớm thì muộn họ rất dễ đi đến chỗ làm những việc xấu xa hơn, tạo ra những tác hại lớn. Hãy quay trở lại ví dụ về việc băng qua đường lúc nãy: ngay khi một kẻ tiểu nhân thấy đèn giao thông chuẩn bị đổi, không cần đợi tín hiệu dành cho người đi bộ, họ chạy qua luôn, có thể họ vẫn sẽ vượt qua được vài lần, nhưng không sớm thì muộn cũng gây ra tai nạn.

Những kẻ tiểu nhân không bao giờ xem xét sự việc theo cách đúng đắn mà luôn háo hức chộp lấy những điều lợi nhỏ.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể làm gì để trở thành một bậc quân tử? Chúng ta bắt đầu với ý niệm về “sự bền chí” hay còn gọi là sự kiên trì. Khi còn trẻ, chúng ta đều sống quá lý tưởng, đầy ước vọng và khát khao đạt được cái gì đó hữu dụng cho mọi người. Nhưng thường thì ta lại không cố gắng theo đuổi và thực hiện được những ước vọng ấy. Tại sao? Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải đối mặt với nhiều lựa chọn phức hợp; và với mọi sự kích động và khuấy động này, chúng ta rất khó đưa ra các quyết định khi lưỡng lự giữa vô vàn các lựa chọn. Chúng ta cảm thấy không thể lựa chọn được phải đi theo con đường nào để đạt được các ước vọng của ta. Và điều này cho thấy ta thiếu “sự bền chí”.

Nếu chúng ta thật sự bền chí và học cách nhìn thật rộng, cho dù chúng ta không đạt đến trạng thái cao quý của những người mà Khổng Tử đã mô tả như “không có một chỗ ở nhất định nhưng có một trái tim kiên định” – biết quan tâm nhiều đến thế giới nội tâm hơn cuộc sống bên ngoài, thì chúng ta vẫn đang đi đúng đường để trở thành một bậc quân tử.

Có một tiêu chuẩn thứ hai cho người quân tử, đó là: “Quân tử nghiêm chính mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng”.

Nói khác đi, một bậc quân tử là phải sống hòa thuận với mọi người, giữ phẩm giá và không bao giờ tranh giành với những người quanh mình. Một người quân tử hẳn cũng sẽ không bao giờ kết bè kết đảng hoặc lập mưu vì lợi ích cá nhân.

Đây là điều mà Khổng Tử ngụ ý khi ông nói rằng: “Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân về hùa với mọi người mà không hòa với ai”.

Trong bất kỳ tập thể lớn nào, những xác tín cá nhân của mọi người sẽ không bao giờ chính xác như nhau, nhưng một bậc quân tử chân chính sẽ biết lắng nghe từng quan điểm riêng và tôn trọng cũng như thấu hiểu lý lẽ của mọi người trong khi vẫn bám chắc vào lý lẽ của riêng họ. Điều này duy trì cả sự thống nhất lẫn sự hài hòa, trong khi vẫn đảm bảo rằng tiếng nói của tất cả mọi người đều được lắng nghe. Ngày nay, dù ở bất kỳ quốc gia nào, chúng ta cũng luôn muốn xây dựng một Xã hội Hài hòa, điều này có nghĩa là lắng nghe các tiếng nói khác nhau của tất cả mọi người và hòa quyện chúng thành một tiếng nói có tính tập thể to lớn hơn.

Những kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn đối lập lại, họ “về hùa với mọi người mà không hòa với ai”.

Chẳng hạn, chúng ta vẫn gặp phải các tình huống nơi làm việc, ở trường học hoặc trong các mối quan hệ xã hội mà ở đó những kẻ tiểu nhân luôn tìm cơ hội nịnh bợ người khác để lấy lợi. Như một nhânviên khi nghe ông chủ nói chưa hết câu đã nhảy dựng lên và nói lời nịnh bợ: “Vâng, vâng, ông nói đúng quá đi mất!”, hay ba hoa: “Đúng quá đi mất! Ý tưởng ấy mới xuất chúng làm sao!”. Nhưng ngay khi buổi họp kết thúc, họ quay sang người khác và nói: “Lần này gã lại muốn gì nữa đây? Tôi hoàn toàn không đồng ý với hắn”.

Khổng Tử nói rằng: “Quân tử hòa nhi bất đồng; tiểu nhân đồng nhi bất hòa.” [Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân về hùa với mọi người mà không hòa với ai.] (Luận Ngữ, XIII, 23).

Khổng Tử đưa ra một mô tả nữa về những cách thức mà trong đó người quân tử và kẻ tiểu nhân cư xử rất khác nhau: “Quân tử hợp quần được với mọi người mà không kết bè đảng. Tiểu nhân kết bè đảng, mà không hợp quần được với mọi người.” (Luận Ngữ, II, 14).

Bậc quân tử “hợp quần được” với những người khác, giống như họ, có tiêu chuẩn cao về Lễ và sự công chính trong cách ứng xử hàng ngày, vì thế họ được nhiều người yêu mến, ủng hộ. Bất kể người quân tử chân chính có bao nhiêu bạn, họ luôn giống như ôxy trong không khí mà chúng ta thở, làm cho những người bạn của họ cảm thấy hạnh phúc và được quan tâm. Ký tự tiếng Trung Quốc, chữ “Tỉ”, tức “kết bè đảng”, trông giống như hai người đang đứng sát vào nhau. Điều này có nghĩa là những kẻ tiểu nhân thích tụ tập lại với nhau trong những phường, hội của riêng họ mà không thích bị hút vào các tập thể lớn.

Ví dụ, tại một bữa tiệc, một người quân tử sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái với mọi người ở đó, dù là bạn bè cũ hay những người xa lạ; nhưng những kẻ tiểu nhân sẽ lẩn vào một góc rồi thầm thì to nhỏ với nhau.

Tại sao lại có sự khác nhau này? Một lần nữa, đó là vì người quân tử và kẻ tiểu nhân không sống trong cùng trạng thái đạo đức. Khổng Tử nói rằng: “Bậc quân tử bao giờ trong bụng cũng thản nhiên lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng âu lo ngay ngáy.” (Luận Ngữ, VII, 36). Sở dĩ ta thường thấy kẻ tiểu nhân mưu đồ cùng với những người khác là vì họ có lương tâm không thư thái, và muốn bày mưu để kiếm lợi riêng cho mình cũng như bảo vệ những gì mà họ đã có.Đây đúng là ý nghĩa của từ “bè lũ”. Trái lại, tinh thần của bậc quân tử thì thư thái và điềm tĩnh; vì họ sống trong trạng thái thản nhiên không vị kỷ, họ luôn giữ được trạng thái nội tâm bình yên, hòa hợp với mọi người một cách chân thành, thân ái.

Quan niệm phương Đông xem sự hài hòa như một biểu hiện của cái Đẹp. Nhưng đâu là sự hài hòa đích thực? Khổng Tử lặp đi lặp lại nhiều lần để chỉ ra cho chúng ta rằng, hài hòa chính là sự khoan dung đối với người khác. Đó là sự hợp nhất và hòa trộn, mà hoàn toàn vẫn giữ được những tiếng nói và những quan điểm khác nhau. Đây cũng là đạo của bậc quân tử trong xã hội.

Bởi vì có quá nhiều sự khác nhau giữa một người quân tử và một kẻ tiểu nhân, lối cư xử cần có của bạn đối với hai đối tượng này cũng sẽ rất khác nhau.

Khổng Tử nói rằng: “Quân tử dễ thờ mà khó làm đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng thì không đẹp lòng, có dùng người thì tùy tài mà dùng. Tiểu nhân khó thờ nhưng dễ làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng thì cũng đẹp lòng, có dùng người thì lại cần người hoàn bị mới dùng.” (Luận Ngữ, XIII, 25).

Khổng Tử giải thích những điểm khác nhau ấy bằng cách đặt người quân tử và kẻ tiểu nhân kề nhau để so sánh.

Rất dễ để hòa hợp với một người quân tử, nhưng bạn sẽ cảm thấy rất khó để lấy lòng người ấy. Nếu bạn muốn làm vui lòng họ bằng cách sử dụng thủ đoạn gian dối, thì bạn chắc chắn sẽ thất bại. Họ là những người công chính và sẽ không thỏa hiệp với bạn chỉ để đối lấy vài ân huệ nhỏ. Nhưng nếu họ chọn bạn để giao việc, họ sẽ sắp đặt một vị trí phù hợp với bạn, dựa trên tài năng và năng lực của bạn. Đây chính là điều được nhắc đến trong câu “tùy tài mà dùng”.

Đặc điểm để nhận ra kẻ tiểu nhân là họ rất dễ nịnh, nhưng lại rất khó để hợp tác một cách ngay thẳng. Ví dụ, nếu bạn mua chuộc họ bằng một vài điều nhỏ nhặt, giúp họ theo một cách thức nào đấy, hay chỉ là cho họ ăn uống, thì họ cũng cảm thấy thỏa lòng. Thậm chí nếu phương cách bạn làm vui lòng họ không hoàn toàn đạo đức, hoặc ngay cả là vô liêm sỉ, họ vẫn không phản đối. Nhưng loại người này rất khó hợp tác. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ sẽ thật lòng giúp bạn. Thậm chí nếu bạn hết sức nỗ lực và bỏ ra rất nhiều tiền để đút lót họ, thì ngay lúc họ thực sự muốn dùng người, họ sẽ không sắp xếp cho bạn một công việc phù hợp theo tài năng và năng lực của bạn, mà sẽ đòi hỏi sự hoàn hảo và than phiền rằng bạn không đủ tiêu chuẩn ở chỗ này, không đủ phù hợp ở chỗ kia, bỏ mặc mọi nỗ lực của bạn. Họ sẽ tìm cách làm khó bạn và xếp bạn vào những vị trí hết sức bất lợi. Làm việc với những người như vậy là rất khó.

Có người hỏi Tử Lộ: “Khổng Phu Tử là người thế nào?”. Tử Lộ chẳng đáp. Biết chuyện, Khổng Tử nói với Tử Lộ: “Sao ngươi không đáp như vầy: Ấy là người khi suy ngẫm đạo lý thì vui sướng đến quên các nỗi lo buồn; mải chuyên tâm về Đạo đến chẳng hay cái già nó sắp đến.” (Luận Ngữ, VII, 18).

Đây thực sự là một bức chân dung về Khổng Tử, và còn là hình mẫu về tính cách đạo đức mà mọi bậc trí giả đều mong muốn đạt được.

Khi được lưu truyền, mục đích học thuyết của Khổng Tử là để nuôi dưỡng và giáo dục một tầng lớp ưu tú gồm các quan lại-học giả vốn có nhiệm vụ chính yếu là phục vụ đất nước và phát triển nền văn hóa Khổng học.

Trong bài “Nhạc Dương Lâu ký”, Phạm Trọng Yêm mô tả vai trò của đội ngũ này là: “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Đối với ông, nó có nghĩa là mỗi người quên hết những thành công và thất bại cá nhân mà hòa mình vào trong những lợi ích tập thể to lớn.

Nhưng một lần nữa, chúng ta thấy rằng sự xác tín và cảm quan sâu sắc này về trách nhiệm đối với xã hội được đặt trên nền tảng từ những sự việc đơn giản, mộc mạc, bắt đầu ngay trong hoàn cảnh và thời điểm thực tế của hiện tại. Xuất phát điểm nằm ở sự tu dưỡng của chính bản thân mỗi người, để họ trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính con người họ.

Vì vậy, khi chúng ta nghe người ta than phiền rằng xã hội bất công và khó mà cư xử được với thế giới quanh ta, thì thay vì than van về số phận của mình hoặc trách cứ người khác như thế, tốt hơn hết chúng ta hãy nhìn nhận và đánh giá lại chính mình. Nếu chúng ta hiểu đầy đủ những giới hạn của bản thân, biết thận trọng trong lời nói cũng như hành động, biết hòa nhã với thế giới, biết phát triển cả tinh thần và thể chất của ta, chúng ta sẽ bớt gây khó khăn cho mình, từ đó chúng ta sẽ biết cách trở thành một người tốt, biết cách cư xử tốt với cuộc đời.

Tôi không nghĩ tham vọng đạo đức này chỉ đơn thuần là những giá trị chỉ tồn tại trong quá khứ. Nó là đạo nhân sinh mà mỗi người chúng ta đều có thể thực hành cả trong thế kỷ 21, và chúng ta có thể bắt đầu ngay từ hôm nay. Theo cách này, hạnh phúc mà Khổng Tử và các học trò của ông đã theo đuổi là một suối nguồn cho hạnh phúc của chúng ta ngày nay. Đây có lẽ là bài học lớn nhất mà Khổng Tử có thể trao cho chúng ta.

Nếu chúng ta có thái độ lạc quan và tích cực, có sự hiểu biết đúng về những ranh giới và những giới hạn của việc đối xử với người khác, chúng ta có thể trở thành dạng người mang lại hạnh phúc cho mọi người. Khi ấy, hạnh phúc riêng của chúng ta sẽ trở thành một nguồn năng lượng chiếu sáng lên những người chung quanh, đem lại cuộc sống tràn ngập niềm vui, tiếng cười hạnh phúc cho gia đình, bạn bè, thậm chí cho toàn xã hội. Nhưng, với tư cách một quân tử, trước hết chúng ta hãy bắt đầu từ bạn bè.

Chú thích:

[12] Nguyên văn: “non-loving behaviour”.
[13] Đỗ Phủ (712 – 770): Được mệnh danh “thi Thánh” của Trung Quốc, là tác giả nổi bật thời nhà Đường, cùng với Lý Bạch, ông được xem là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc.
[14] Phạm Trọng Yêm (989 – 1052): Nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự thời Bắc Tống, nguyên văn đoạn được tác giả Vu Đan trích ở đây lấy từ tác phẩm “Nhạc Dương Lâu Ký” của Phạm Trọng Yêm: “cư miếu đường chi cao, tắc ưu kỳ dân; xứ giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân. Thị tiến diệc ưu, thối diệc ưu; nhiên tắc hà thì nhi lạc gia? Kỳ tất viết: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc dư”. (Dịch nghĩa: Ở miếu đường trên cao, tất lo cho dân; ở sông nước ngoài xa, tất lo cho vua. Dù tiến cũng lo, lui cũng lo; vậy thì vui được khi nào đây? Tất nói là: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ vậy).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.