Khổng Tử Tinh Hoa

Phần IV: ĐẠO BẰNG HỮU



Trong tất cả các mối quan hệ mà ta có, bạn bè chính là những người trực tiếp nhất cho thấy ta là loại người gì.

Nếu bạn muốn hiểu ai đó thì chỉ cần nhìn vào bạn bè của họ, bạn sẽ biết các giá trị và ưu tiên của họ.

Bạn bè cũng được phân chia thành hai loại: tốt và xấu. Bạn tốt có thể giúp bạn rất nhiều, còn bạn xấu sẽ mang đến cho bạn vô vàn rắc rối, thậm chí có thể dẫn bạn vào con đường sai trái. Do đó, việc lựa chọn bạn bè của mình một cách khôn ngoan là điều cực kỳ quan trọng.

Vậy, loại bạn nào là bạn tốt, loại bạn nào là bạn xấu? Làm thế nào để tìm được những người bạn tốt?

Khổng Tử cho rằng tác động của bạn bè lên sự phát triển của một con người là cực kỳ quan trọng. Ngài dạy các học trò của mình chỉ nên giao du với những người bạn tốt và tránh xa những người bạn xấu.

Theo Khổng Tử, có ba loại bạn có thể giúp đỡ chúng ta.

Loại đầu tiên là những người bạn ngay thẳng. Ngay thẳng ở đây có nghĩa là chính trực, thiện lương và công bình.

Một người bạn ngay thẳng thì luôn chân thành và hào hiệp, họ hiểu rõ giá trị bản thân và không bao giờ có tính nịnh nọt. Tính cách của họ có ảnh hưởng tốt đến bạn. Họ sẽ mang đến cho bạn lòng can đảm khi bạn nhút nhát, sự quả quyết và kiên cường khi bạn do dự.

Loại thứ hai là những người bạn trung thành và đáng tin.

Loại bạn này thì chân thành và tử tế trong cách cư xử với người khác, họ không bao giờ giả dối. Kết giao với loại bạn này chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu, yên tâm và an toàn. Họ thanh lọc và nâng cao tinh thần chúng ta.

Loại thứ ba là những người bạn có kiến thức. Loại bạn này rất am hiểu cuộc đời và có nhiều trải nghiệm về thế giới.

Thời Khổng Tử sống là thời Tiên – Tần (trước năm 221 Tr.CN) rất khác với thời đại ngày nay. Chúng ta ngày nay được tiếp cận mọi thứ: máy vi tính, Internet, các nguồn thông tin đa dạng và mọi loại truyền thông. Còn trong thời đại của Khổng Tử, người ta sẽ làm gì khi muốn mở rộng tầm nhìn của mình? Cách dễ dàng nhất là tìm một người bạn có tri thức, tiếp thu những cuốn sách mà người ấy đã đọc và biến kinh nghiệm của họ thành kinh nghiệm trực tiếp của riêng mình.

Khổng Tử nói rằng: “Có ba loại bạn có ích và có ba loại bạn có hại. Bạn ngay thẳng, bạn tín nghĩa, bạn nghe nhiều học rộng: Đó là ba loại bạn có ích cho mình.

Bạn giả dối, bạn khéo chiều chuộng, bạn hay xảo mị: Đó là ba loại bạn có hại cho mình.” (Luận Ngữ, XVI, 4).

Khi bạn cảm thấy dao động trước một vấn đề, không thể đi đến một quyết định chắc chắn, cách tốt nhất là bạn nên tìm một người bạn có kiến thức. Kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng của người ấy sẽ giúp bạn có được lựa chọn đúng đắn và phù hợp cho mình.

Một người bạn có kiến thức cũng giống như một cuốn bách khoa thư; chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều mình cần và học được nhiều bài học hữu ích từ họ.

Khổng Tử nói rằng có ba loại bạn xấu, “Bạn giả dối, bạn khéo chiều chuộng, bạn hay xảo mị”.

Qua câu “khéo chiều chuộng”, Khổng Tử muốn nói đến những kẻ nịnh hót và a dua – tức những kẻ bợ đỡ vô liêm sỉ.

Chúng ta thường gặp phải loại người này trong cuộc sống. Bất kể bạn nói gì, họ sẽ luôn tán dương: “Thông minh quá!”; bất kể bạn làm gì, họ sẽ luôn ca ngợi: “Thật đáng ngạc nhiên!”. Họ sẽ không bao giờ nói “không” với bạn. Trái lại, họ sẽ đi theo và a dua với bạn, tán dương và đưa ra những lời ca tụng bạn.

Loại bạn này có năng khiếu đong đo lời nói cũng như chú ý đến từng biểu lộ nhỏ nhặt của bạn. Họ nương theo chiều gió để đảm bảo không bao giờ làm điều gì có thể khiến bạn phật lòng.

Họ là loại người hoàn toàn trái ngược với người bạn chân chính. Lòng dạ của họ không ngay thẳng, cũng không chân thật, họ không quan tâm đến việc đúng – sai. Mục tiêu của họ chỉ là lấy lòng bạn nhằm kiếm được cái lợi nào đấy.

Hầu hết chúng ta có thể đã biết về vị tham quan Hòa Thân qua một loạt phim truyền hình Trung Quốc. Tên tham quan này xu nịnh Hoàng đế Càn Long bằng mọi cách có thể. Hắn là loại người nịnh hót tồi tệ nhất và hầu như không có gì mà hắn không khom mình. Hắn là một điển hình của loại bạn xấu.

Một người bạn như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu và vui sướng một cách bất thường, giống như Hoàng đế Càn Long trong loạt phim truyền hình kia: Vị vua biết rất rõ rằng Hòa Thân đang ăn của đút lót và làm sai phép tắc, nhưng dù vậy Ngài vẫn không thể chịu được cảnh thiếu Hòa Thân. Như Khổng Tử nói, làm bạn với loại người ấy là cực kỳ nguy hiểm!

Tại sao?

Là vì sau khi bạn được nghe tất cả những gì muốn nghe, được phỉnh nịnh đến độ thỏa mãn; những điều ve vuốt ấy bắt đầu đi vào trong đầu óc bạn như một thói quen, cái tôi của bạn sẽ mất kiểm soát và bạn sẽ trở nên tự cao tự đại một cách mù quáng, chẳng biết đến ai ngoài chính mình. Bạn sẽ đánh mất năng lực cơ bản nhất là tự biết mình, và không lâu sau đó, bạn sẽ tự chuốc lấy tai ương từ sự mù quáng này.

Loại bạn “khéo chiều chuộng”, a dua xu nịnh là độc dược ngấm từ từ và giết chết linh hồn bạn.

Loại bạn có hại thứ hai là người mà Khổng Tử gọi là “giả dối” hay còn gọi là loại người hai mặt.

Họ trông rất vui vẻ và ngọt ngào trước mắt bạn, hết sức rạng rỡ khi đưa ra những lời khen ngợi và nịnh nọt. Họ chính là loại người mà Khổng Tử gọi là “Kẻ miệng nói lời hoa mỹ; còn mặt mày thì trau chuốt”. Nhưng sau lưng bạn, họ sẽ gieo rắc các tin đồn và những lời vu khống ác ý.

Chúng ta thường nghe người ta phàn nàn rằng: “Bạn của tôi có vẻ rất tử tế và đáng yêu, lời nói của anh ta rất hòa nhã, hành vi rất chín chắn, tôi tin anh ta là người bạn thân thiết nhất, gần gũi nhất của mình, tôi thật lòng tận tâm giúp đỡ anh ta, tôi cũng trút hết tâm tư của mình cho anh, nói cho anh biết những bí mật thầm kín nhất của mình. Nhưng anh ta lại phản bội tôi, lạm dụng lòng tin của tôi cho các mục đích cá nhân; anh ta bắt đầu đàm tiếu về tôi, lan truyền các bí mật của tôi, phá hoại thanh danh tôi. Và sau đó khi tôi đối diện anh ta, anh ta trơ tráo phủ nhận tất cả với vẻ mặt ngây thơ vô tội”.

Đó là loại người giả dối và đạo đức giả, khác hoàn toàn với người bạn trung hậu và đáng tin.

Những người như vậy thực sự đều là “kẻ tiểu nhân” nhỏ nhen, với lòng dạ đen tối.

Tuy nhiên, những người này thường đeo một cái mặt nạ là người tốt. Vì muốn che giấu động cơ của mình, ngoài mặt họ sẽ rất thân thiện với bạn, thậm chí có thể tử tế với bạn gấp trăm lần người khác. Vì vậy, nếu bạn không cẩn thận và để những người như vậy lợi dụng, thì bạn đã tự đeo còng vào mình: bạn sẽ khó thoát khỏi họ khi chưa trả một cái giá đắt nào đó. Đây là một thử thách cho phán đoán của chúng ta, cho sự hiểu biết của chúng ta về con người cũng như các quy tắc của cuộc đời.

Loại thứ ba được Khổng Tử gọi là “bạn hay xảo mị”, chỉ những kẻ khoe khoang khoác lác. Ta thường gọi họ là “những kẻ ba hoa”.

Những người này thường có những lập luận có thể cuốn bạn theo, làm bạn không còn biết phương hướng để nhận chân sự việc. Họ muốn bạn tin những gì họ nói đều là sự thật. Nhưng thực tế, ngoài tài ăn nói liến thoắng ra, họ hoàn toàn chẳng có gì hết.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa loại người được mô tả ở trên với người “có kiến thức” là họ chẳng có tài năng hay kiến thức thực sự gì hết. Một người “hay xảo mị” là người có miệng lưỡi liến thoắng, nhưng bên trong lại rỗng tuếch.

Khổng Tử luôn nghi ngờ những người ăn nói huyên thuyên và giọng điệu ngọt ngào. Một người quân tử phải nói ít làm nhiều. Khổng Tử tin rằng vấn đề không phải là một người nói cái gì mà là anh ta làm được cái gì.

Dĩ nhiên, xã hội hiện đại đã có sự thay đổi trong một số thái độ và giá trị: người có tài năng và uyên thâm thật sự cũng cần biết giao tiếp hiệu quả để không gây cản trở cho nghề nghiệp và cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, với người chỉ biết nói mà không có năng lực thực sự thì đúng là tồi tệ.

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể nhận diện được đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu? Làm thế nào chúng ta có thể kết giao được với những người bạn tốt và tránh xa những người bạn xấu?

Nếu muốn kết giao bạn tốt, tránh bạn xấu, bạn cần có hai điều: một là, phải có mong muốn kết giao với bạn tốt; hai là, phải có khả năng để thực hiện việc kết bạn ấy. Chúng ta đã biết “Nhân” và “Trí” là hai phẩm chất quan trọng như thế nào, và nó chính là chìa khóa để ta kết giao với bạn tốt. Ham muốn kết bạn tốt đến từ đức Nhân và năng lực thực hiện được điều ấy đến từ đức Trí.

Khi Phàn Trì hỏi Khổng Tử rằng Khổng Tử muốn nói gì khi nói đến đức Nhân, Ngài trả lời chỉ bằng hai chữ: “thương người”.

Sau đó Phàn Trì hỏi, thế thì cái gì được gọi là Trí. Khổng Tử trả lời, lần này cũng chỉ bằng hai chữ: “biết người”. Biết người là có Trí.

Như vậy là, nếu chúng ta muốn kết giao bạn tốt, trước hết ta phải có một trái tim nhân hậu, ân cần, sẵn lòng thân thiết với con người và có khao khát muốn kết bạn; hai là, chúng ta phải có khả năng phân biệt. Chỉ bằng cách này, một người mới có thể tìm được những người bạn thực sự. Một khi bạn có tiêu chuẩn cơ bản này, bạn sẽ kết giao được với những người bạn tốt.

Có thể nói, kết giao với một người bạn tốt là bắt đầu một chương mới đẹp đẽ trong cuộc đời của chúng ta. Bạn bè của ta giống như một tấm gương: khi nhìn vào họ, chúng ta có thể thấy khiếm khuyết của chính bản thân ta nằm ở đâu.

Tuy nhiên, có một số người thiếu suy nghĩ nên sống gần hết cả đời với bạn bè mình mà có vẻ như không bao giờ đưa ra được những so sánh ấy.

Có một ví dụ rất hay về điều này trong lịch sử Trung Quốc:

Án Tử [Án Anh], tể tướng nổi tiếng của nước Tề, là một người thấp bé, có khuôn mặt chất phác, thô kệch, không có điểm gì nổi bật. Nhưng ông có một người đánh xe ngựa trông rất cao ráo, bảnh bao.

Người đánh xe này rất lấy làm tự hào khi được đánh xe cho Tể tướng nước Tề. Hắn thấy tự hào về địa vị của mình: mỗi ngày ngồi trước xe ngựa, hắn đánh roi lên những con ngựa cao lớn, trong khi Án Tử ngồi trong buồng có mái che ở đàng sau. Hắn nghĩ rằng công việc của hắn với tư cách là một người đánh xe ngựa quả thực là một điều tuyệt vời nhất!

Một ngày, người đánh xe ngựa trở về nhà thì thấy vợ đang gói ghém đồ đạc, khóc lóc một cách chua chát. Hắn ngạc nhiên hỏi: “Mình đang làm gì đấy?”. Vợ hắn đáp: “Tôi không thể chịu được nữa, tôi sẽ bỏ anh. Tôi xấu hổ khi sống với anh”.

Người đánh xe sửng sốt: “Nhưng mình không nghĩ là tôi tuyệt vời sao?”. Người vợ bác lại: “Thế anh nghĩ thế nào là tuyệt vời? Hãy nhìn ông Án Anh xem, một người tài năng nắm quyền trên cả nước, nhưng ông ta rất khiêm tốn, ngồi trong xe ngựa mà không chút ồn ào hay tỏ mình. Anh chỉ là một tên đánh xe, mà anh lại cho rằng hào quang của riêng anh là không ai sánh được, đi đứng thì khệnh khạng, thái độ thì cao ngạo và trịch thượng! Anh đi cả ngày với một người như Án Anh, nhưng anh lại không có chút trí khôn nào để học được điều gì từ ông ấy để ngẫm lại chính mình – đó chính là điều làm tôi thất vọng về anh. Sống với anh là điều hổ thẹn nhất trong đời tôi”.

Sau này, Án Anh nghe được chuyện ấy và nói với người đánh xe của mình rằng: “Vì ngươi có một người vợ tốt như vậy, ta sẽ cho ngươi một vị trí tốt hơn”. Và ông cất nhắc cho người đánh xe ấy.

Câu chuyện này ngụ ý rằng những người quanh ta, với lối sống và thái độ của họ trong quan hệ với thế giới xung quanh, có thể trở thành một tấm gương cho ta. Điều cốt yếu là ta phải biết cảnh giác về bản thân mình.

Những con người mà Khổng Tử tán thành để kết tình bằng hữu là những người có thể giúp ích cho ta. Tuy nhiên điều đó không bao hàm ý là người bạn ấy sẽ nâng đỡ ta vì Khổng Tử không bao giờ ủng hộ việc giao thiệp với những người giàu có hay quyền thế để mưu lợi. Thay vào đó, Ngài ủng hộ việc kết bạn với những người có thể hoàn thiện tính cách đạo đức của bạn, gia tăng sự tự tu dưỡng của bạn và làm giàu bản ngã của bạn.

Trong kinh điển Trung Quốc có một trường phái gọi là thơ điền viên. Các nhà thơ thuộc trường phái này nổi tiếng vì khao khát muốn rút lui khỏi xã hội để sống trong ẩn dật và hòa mình với thiên nhiên. Họ ngợi ca những niềm vui với tự nhiên và sống một cuộc đời dân dã, giản dị.

Vậy, chúng ta có thể tìm thấy sự cảm thông với tự nhiên ở đâu? Nó không nằm nơi núi cao rừng sâu, mà là trong đời sống thực. Người ta nói rằng: “Dễ tìm thấy sự cô liêu nơi chốn thành thị hơn là nơi hoang dã”. Chỉ một người quy ẩn chưa hoàn thiện năng lực tự tu dưỡng của mình mới ẩn lánh nơi núi cao và tự tạo cho mình một nơi tu đạo giả tạo. Một ẩn sĩ đích thực không cần rút lui khỏi thế giới trần tục, vẫn có thể sống giữa trung tâm thành phố náo nhiệt, ồn ào, làm những việc bình thường như mọi người xung quanh, nhưng chỉ khác là họ có sự điềm tĩnh và vững vàng nội tâm.

Đào Uyên Minh, một trong những ẩn sĩ không bao giờ thỏa hiệp lý tưởng của mình, là người đặt nền tảng cho trường phái thơ điền viên. Đào Uyên Minh sống trong hoàn cảnh khá túng quẫn, nhưng ông rất hạnh phúc. Cuốn Nam Phương truyện (Southern Histories) còn ghi rằng Đào Uyên Minh không có kiến thức gì về âm nhạc, nhưng ông có một cây đàn tam thập lục. Cây đàn tam thập lục này chỉ là một khúc gỗ lớn dài, nó thậm chí không có dây. Mỗi lần ông mời bạn hữu đến nhà, ông đều chơi đàn bằng cách đánh vào khúc gỗ. Ông dốc hết tâm trí vào việc chơi đàn, có khi hàng giờ liền. Và mỗi lần ông đánh đàn, những bạn hữu thực sự hiểu âm nhạc đều xúc động dâng tràn cùng nỗi niềm của ông. Đào Uyên Minh đánh lên âm nhạc tâm hồn ông trên cây đàn tam thập lục không dây, trong khi bạn hữu của ông uống rượu và trò chuyện vui vẻ. Sau cuộc vui, ông sẽ nói: “Tôi say và buồn ngủ rồi, các ngài về được rồi”. Bạn bè ra về mà không gây ồn ào, sau đó sẽ tiếp tục gặp gỡ vào những dịp khác. Những người bạn như vậy là những người bạn đích thực, vì tâm hồn bạn bè cùng chia sẻ một sự cảm thông không cần nói ra. Và cách sống ấy mới là cách sống mang lại niềm hạnh phúc đích thực.

Hãy kết giao với những người bạn biết sống hạnh phúc và vui vẻ trong cuộc đời của họ như họ đang sống lúc này.

Có lần tôi đọc được một bài viết của nhà văn nổi tiếng Lâm Thanh Huyền của Đài Loan, viết về một ngườibạn hỏi xin chữ ông để treo trong phòng đọc sách. Người bạn ấy đã nói với ông: “Viết cho tôi chữ gì đó thật đơn giản, nhưng hữu ích cho tôi khi tôi nhìn nó mỗi ngày”. Lâm Thanh Huyền suy nghĩ một thời gian dài, rồi ông chỉ viết bốn chữ bằng tiếng Trung Quốc. Bốn chữ ấy có nghĩa là: “Thường Nghĩ về Một và Hai”. Người bạn đọc không hiểu và hỏi ông ý nghĩa của câu ấy. Lâm Thanh Huyền giải thích: “Chúng ta đều biết câu nói: “Trong mười điều trên thế giới này, thì có đến tám, chín điều không như ý ta muốn; và số người tôi có thể giao thiệp được chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Giả thử ta chấp nhận câu nói ấy, thì sẽ vẫn còn ít nhất một hoặc hai điều trong mười điều ấy có thể như ý ta muốn. Tôi không thể giúp bạn quá nhiều, tất cả những gì tôi có thể làm là nói với bạn rằng hãy nghĩ về “một hoặc hai” điều kia thôi, để hướng tâm trí của bạn vào những điều tốt đẹp, để khuếch đại ánh sáng của hạnh phúc, để tránh xa sầu muộn trong tâm hồn bạn. Với tư cách là một người bạn, đây là điều tốt nhất tôi có thể làm cho bạn”.

Có một câu truyện cổ phương Tây kể về một ông vua sống hết sức xa hoa trong rượu, phụ nữ, âm nhạc và những cuộc phiêu lưu… Tất cả mọi điều đẹp đẽ nhất và quý giá nhất trên thế giới đều có sẵn để ông dùng, nhưng ông vẫn không hạnh phúc. Ông không biết được cái gì đã khiến ông không hạnh phúc nên đã cho gọi quan ngự y đến.

Vị quan ngự y khám cho ông, rồi kê ra một phương thuốc chữa bệnh: “Bệ hạ hãy cho người tìm kiếm người hạnh phúc nhất trong vương quốc của mình, mặc áo của người ấy thì nó sẽ làm bệ hạ thấy hạnh phúc”.

Nhà vua liền phái người đi tìm người hạnh phúc nhất vương quốc và cuối cùng họ cũng tìm thấy một người đàn ông thật sự hạnh phúc. Nhưng các vị quan lại trở về tay không và tâu với vua rằng họ không thể nào mang áo của người đàn ông ấy về để vua mặc được.

Nhà vua hỏi: “Tại sao thế? Các ngươi phải mang cái áo ấy về cho ta!”.

Các quan thưa: “Người ấy là một gã cùng khổ, gã thậm chí không có nổi một cái áo”.

Điều này có ý nghĩa gì? Phải chăng nó nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống hạnh phúc đích thực chính là hạnh phúc của tâm hồn, và không nhất thiết phải phụ thuộc nhiều đến các điều kiện sống vật chất bên ngoài. Khổng Tử sống trong một thời đại rất nghèo nàn về vật chất và trong thời đại của Ngài, sức mạnh của niềm hạnh phúc đích thực chính là đến từ một cuộc sống nội tâm phong phú, từ việc cư xử đúng đạo, từ những khát vọng, những khao khát và từ sự học hỏi lẫn nhau.

Khi đã hiểu được thế nào là một người bạn tốt, chúng ta cũng cần phải biết cách sống hòa thuận với họ. Nhưng khi có một người bạn tốt, có phải là lúc nào chúng ta cũng phải sát cánh bên họ?

Bất kỳ thứ gì trên thế giới này mà thiếu sự cân xứng hoặc các giới hạn riêng thì cuối cùng cũng sẽ đi đến một kết thúc không như mong đợi. Do đó, khi cư xử với bạn bè, chúng ta phải chú ý đến các giới hạn riêng. Ví dụ, khi chúng ta kết giao với một người quân tử, chúng ta cần phải biết khi nào nên nói, khi nào không nên nói và biết chúng ta có thể tiến bao xa là hợp lý.

Khổng Tử nói: “Khi mình hầu chuyện với người quân tử, nên lưu tâm tránh ba điều lỗi này: Người chưa kịp hỏi mà mình nói, đó là hấp tấp. Người đã hỏi mà mình không nói, đó là giấu giếm. Mình nói mà không xem sắc diện người, coi người đã để ý nghe mình chưa, đó là mù lòa.” (Luận ngữ, XVI, 6).

Việc xen ngang vào và phát biểu các ý kiến của mình nhằm đạt được điều gì đó trong một cuộc nói chuyện sẽ bị xem là hấp tấp, vô ý tứ, và đó không phải là điều tốt. Tất cả chúng ta đều có những quan tâm riêng, nhưng bạn phải đợi cho đến khi thời gian chín muồi, khi chủ đề mà bạn lựa chọn đã trở thành tâm điểm của sự chú ý chung, và mọi người đều chờ đợi nghe nói về nó, và chỉ khi đó, không cần vội vã quá mức, hãy nói lên quan điểm của bạn.

Thời nay, nhiều người có các trang blog cá nhân, hoặc sử dụng các trang web mà trên đó họ háo hức thể hiện những tâm sự sâu kín nhất của mình với mọi người. Nhưng trong quá khứ, không có những phương tiện truyền thông như vậy và mọi người đều phụ thuộc vào lời nói để giao tiếp cũng như để hiểu người khác. Khi chúng ta họp mặt bạn bè, sẽ luôn có một số người nói đi nói lại về những chuyện riêng của họ: ngày hôm trước tôi đã chơi golf, tôi vừa mới được thăng chức, v.v. Hoặc khi một số phụ nữ tụ lại với nhau, có thể sẽ có người kể lể lê thê về chuyện chồng con mình. Dĩ nhiên, đó là tất cả những gì mà cô ta thật sự rất muốn nói, nhưng có ai quan tâm đến những điều ấy? Nghĩa là, trong khi cô ta là người duy nhất nói, cô đã tước đi quyền được chọn lựa chủ đề nói chuyện của người khác. Nhảy chồm lên và giành phần nói khi chưa đúng thời điểm, đó chắc chắn là điều không tốt.

Nhưng có một thái cực khác: “Người đã hỏi mà mình không nói”. Khổng Tử gọi lỗi này là “giấu giếm”.

Nói khác đi, cuộc trò chuyện tự nhiên sẽ có lúc đến chỗ mà bạn phải là người đưa câu chuyện đi xa hơn, nhưng bạn lại dè dặt và từ chối nêu lên ý kiến của mình. Với thái độ đó, bạn đã bỏ mặc cảm xúc của mọi người. Vì khi chủ đề đã đi xa đến đây, tại sao bạn lại không nói gì? Liệu đó có phải là sự tự vệ? Bạn cố ý giữ mình cách biệt? Hay bạn đang cố kích thích sự tò mò của người khác? Tóm lại, việc giữ im lặng khi bạn nên nói cũng là một điều không tốt.

Tình huống thứ ba được Khổng Tử nêu ra là “Nói mà không xem sắc diện người, coi người đã để ý nghe mình chưa, đó là mù lòa”. Ngày nay chúng ta xem đó là một biểu hiện không quan tâm đến người khác.

“Mù lòa” trong ngữ cảnh này là một sự lên án rất nặng. Một người nói liên tục mà không để ý đến những biểu hiện của người khác là một kẻ vô học trên phương diện xã hội. Bạn phải quan tâm đến việc hiểu người mà bạn đang nói chuyện và phải cân nhắc xem nên nói gì, và điều gì tốt hơn là không nên nói. Đây là sự tôn trọng lịch thiệp cần có giữa những người bạn.

Và không chỉ với bạn bè, trong các mối quan hệ khác như giữa chồng – vợ, cha – con… chúng ta cũng cần phải khéo léo tránh những trường hợp có thể gây tổn thương đến người khác. Cuộc sống của mỗi người trưởng thành đều chứa đựng cả những thành công lẫn đau khổ riêng, một người bạn đích thực phải hiểu và không chạm vào những nỗi đau đó. Điều này cho thấy sự tinh tế của bạn thông qua khả năng đoán biết tâm trạng người khác. Dĩ nhiên, đây không phải là cách đoán ý để xu nịnh mà nó nhằm tạo ra một không khí thân thiện, hòa nhã cho bạn giao tiếp thoải mái và thắm tình bằng hữu.

Có một ví dụ nổi tiếng cho điều này.

Nữ diễn viên Vivien Leigh đạt được danh tiếng lẫy lừng với bộ phim “Cuốn theo chiều gió”, bộ phim đã giành được 10 giải Oscar sau đó. Phim này mang lại cho cô thành công ngay lập tức và đưa cô lên đỉnh cao danh vọng. Cô được mời đến thăm khắp châu Âu và ở đâu Leigh đặt chân đến luôn có hàng ngàn phóng viên háo hức đổ xô đến khi máy bay riêng của cô hạ cánh xuống đường băng.

Nhưng có một phóng viên, do kém hiểu biết đã dạt mọi người ra để tiến lên trước và vồ vập hỏi Leigh khi cô vừa mới bước xuống máy bay: “Thưa cô, cô có thể cho biết cô đã đóng vai nào trong phim đó không?”. Nghe câu hỏi,Leigh quay gót ngay vào trong máy bay và không bước ra nữa.

Liệu việc đặt một câu hỏi như thế trong tình huống ấy có khác gì sự mù lòa không?

Vậy còn khi muốn khuyên bạn thì ta phải làm sao? Thậm chí khi các ý định của bạn là tốt chăng nữa thì bạn cũng phải có khả năng hiểu được rằng bạn có thể đi xa đến đâu.

Tử Cống hỏi về tình bằng hữu. Khổng Tử đáp rằng: “Nếu bạn có lỗi, mình nên hết lời can gián, mà phải nói một cách khéo léo dịu ngọt. Nếu bạn không nghe, thì mình nên thôi; đừng nói dai mà mang nhục.” (Luận Ngữ, XII, 22).

Tức là, bạn không nhất thiết phải trở nên giống như một liều thuốc đắng, bạn không nên bốp chát vào mặt họ và thét lớn vào tai họ. Điều tốt nhất là bạn nên nói lên ý kiến của mình một cách thuyết phục và thật nhã nhặn, tức là “nói một cách khéo léo dịu ngọt”. Nếu bạn không thể làm điều ấy và họ không muốn nghe thì nên thôi. Đừng đợi cho đến khi họ mất kiên nhẫn với bạn và bạn phải chuốc lấy sự khó xử.

Người ta kết giao với những người bạn khác nhau trong mỗi giai đoạn của cuộc đời.

Làm thế nào có được những người bạn phù hợp nhất cho chúng ta vào mỗi giai đoạn ấy?

Dù làm bất kỳ điều gì, bạn cũng không thể chỉ ra lệnh để buộc người ta làm theo. Ngày nay, thậm chí các bà mẹ cũng không thể mong đợi sự tuân lệnh như thế ở con mình. Mỗi cá nhân đều đáng được tôn trọng, và với bạn bè càng đặc biệt phải giữ sự tôn trọng lẫn nhau. Cho họ lời khuyên tốt, hoặc một lời cảnh báo đúng, bạn làm bổn phận của mình và chỉ vậy thôi; đây là điều mà những người bạn tốt phải làm.

Khổng Tử nói rằng bảy mươi, tám mươi năm đời người dường như là một thời gian dài, nhưng nó có thể chia ra làm ba giai đoạn khác nhau: thời trẻ, thời chín chắn và thời già. Trong mỗi giai đoạn, có ba sự việc mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý, mà đôi khi chúng ta gọi là các cạm bẫy. Nếu bạn có thể vượt qua được cả ba cạm bẫy này, thì bạn sẽ không gặp phải bất kỳ trở ngại nào khác trong cuộc đời mình. Và để vượt qua ba cạm bẫy ấy, chúng ta cần có sự giúp đỡ của bạn bè.

Khổng Tử nói: “Trong lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, khí huyết đương bồng bột, chưa yên định, nên phòng ngừa việc nữ sắc.” (Luận Ngữ, XVI, 7). Những người trẻ có xu hướng nghiêng về các hành vi mang tính bốc đồng, trong đó rắc rối về tình ái là dễ vướng phải nhất. Chúng ta thường thấy các học sinh phổ thông trung học và sinh viên đại học vướng vào những tình cảm rắc rối. Vào thời điểm này của cuộc đời, một người bạn tốt sẽ cư xử như một người ngoài cuộc để xem xét các sự việc khách quan và rõ ràng hơn, sau đó, họ có thể đưa ra những giải pháp cho các vấn đề nan giải mà người trong cuộc không thể tự mình giải quyết được.

Khi cạm bẫy này qua đi, chúng ta chuyển tiếp qua giai đoạn giữa. Khổng Tử nói rằng: “Đến lúc tráng niên, bấy giờ khí huyết đã đầy đủ, mạnh mẽ, nên phòng ngừa việc tranh đấu”.

Khi người ta bước đến tuổi trung niên, cuộc sống gia đình thường đã vững, và họ đã lập thân trong sự nghiệp của mình, vậy trong tâm trí họ lúc này điều gì là đáng quan tâm nhất? Đó chính là ham muốn thăng tiến, mở rộng sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, những điều này đều có khả năng gây ra những mâu thuẫn và xung đột với người khác, và có thể dẫn đến chỗ đối đầu. Thay vì đấu tranh với những người khác, tốt hơn là nên tranh đấu với chính mình và cố gắng tìm những hướng đi mới để hoàn thiện bản thân. Nếu cuối cùng, bạn mất cơ hội thăng tiến ấy, bạn nên tự hỏi mình liệu đó có phải là vì bạn không thể làm tốt hơn ở một vài phương diện nào đó hay không.

Thay vì đấu tranh với những người khác, tốt hơn là nên tranh đấu với chính mình và cố gắng tìm những hướng đi mới để hoàn thiện bản thân.

Vì thế, trong giai đoạn này, bạn phải kết bạn với những người điềm tĩnh và có đầu óc thực tế. Họ sẽ giúp bạn có được cách nhìn sâu rộng về những thắng lợi cũng như những thất bại tạm thời, vượt qua những cám dỗ của vật chất, đạt được sự thoải mái tinh thần, tìm được một chỗ nghỉ ngơi và thư giãn cho tâm hồn.

Và đến những năm tháng cuối đời, chúng ta nên phòng tránh điều gì để có cuộc sống thanh thản? Theo Khổng Tử “Kịp lúc tuổi già, khí huyết lần lần suy yếu, nên phòng ngừa việc ky cóp”.

Khi đến tuổi già, tâm trí con người có xu hướng chậm lại. Triết gia Bertrand Russell so sánh giai đoạn này với một dòng sông đang chảy nhanh, lao xuyên qua những ngọn núi rồi khi đến cuối nguồn chuẩn bị hòa vào biển cả, nó chảy chậm dần, dòng chảy rộng hơn và yên bình hơn. Tại giai đoạn này của cuộc đời, người ta phải học cách hành xử với những gì mình đang có và đã gặt hái được trong cả cuộc đời một cách thận trọng.

Khi trẻ, chúng ta sống một cuộc sống của sự thu vào nhưng đến một thời điểm nhất định nào đó, chúng ta phải học cách sống của sự loại ra.

Xã hội mang lại cho ta tình bạn, tiền tài, thành công cùng các mối quan hệ con người, và qua thời gian, bạn già đi, khi ấy bạn đã đạt được nhiều điều, giống như một ngôi nhà dần dần được chất đầy đồ đạc. Nếu tâm hồn của bạn bị cản trở bởi những gì mình đang có, thì sau cùng chúng cũng sẽ kéo bạn lại.

Những người bạn già nói gì khi họp mặt? Đa số thời gian là họ càu nhàu với nhau. Họ than phiền con cái không dành thời gian chăm sóc họ, rằng: “Tôi đã làm việc cật lực để nuôi dạy chúng, tôi đã làm đủ mọi việc cho chúng – tắm rửa, thay tã! – nhưng giờ chúng lại bận bịu, thậm chí không có thời gian ghé qua thăm tôi”. Họ càm ràm về sự bất công xã hội: “Vào thời tôi, chúng tôi say mê với lý tưởng, làm việc quên thân mà chỉ nhận được một đồng mỗi tháng, bây giờ thử nhìn cháu gái tôi xem, nó làm việc trong một công ty nước ngoài và kiếm được ngay mỗi tháng ba, bốn ngàn đồng. Liệu có công bằng đối với những người như chúng ta vốn đã làm việc tận tâm tận lực hết sức không?”.

Nếu bạn cứ bị dằn vặt và nhắc đi nhắc lại những điều như thế, thì ngay cả những điều hạnh phúc đến với bạn cũng có thể trở thành đau khổ, một gánh nặng tiềm ẩn đang kéo lê bạn xuống. Vào thời điểm này, bạn bè chính là những người bạn cần, để giúp bạn biết chấp nhận cuộc đời, học cách buông bỏ những điều không như ý và những nỗi thất vọng.

Một điều mà chúng tôi chú ý qua việc đọc Luận Ngữ là trong đó thực sự không có nhiều ví dụ chỉ đơn thuần nói về tình bằng hữu, mà việc chọn bạn bao hàm cả việc chọn lựa một cách sống. Loại bạn bè mà chúng ta kết giao trước hết sẽ phụ thuộc vào chính tâm trí và sự tự tu dưỡng của ta; rồi sau đó là vào nhóm bạn bè riêng của ta, dù đó là bạn bè có hại hay có lợi trong cuộc sống.

Tóm lại, khi chúng ta tập trung vào chính trái tim và tâm hồn mình, và vào những người quanh ta, chúng ta phải lưu tâm đến những mục tiêu mà ta đã đặt ra trong đời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.