Khổng Tử Tinh Hoa

Phần VI: ĐẠO NHÂN SINH



Khổng Tử mô tả cuộc đời của Ngài qua sáu giai đoạn.

Cuộc du hành của Khổng Tử qua cuộc đời vẫn có một tầm ý nghĩa rất lớn cho chúng ta trong thế giới hiện đại ngày nay.

Điều cốt yếu là ta phải nhận ra những gì Ngài muốn gửi gắm qua sự minh triết trong tư tưởng của mình, để làm cho cuộc sống của ta hiệu quả và có giá trị nhiều hơn.

Trong lịch sử, con người thường kêu than về sự vuột trôi của thời gian nhiều hơn bất kỳ điều gì khác.

Người Trung Quốc đều biết câu đối do Tôn Nhiêm viết trên đôi cột ở Lầu Đại Quan vùng Côn Minh [18] . Câu đầu tiên viết: “Năm trăm hải lý hồ Điền Trì trải rộng trước mắt ta”. Câu thứ hai viết: “Ngàn năm vật đổi sao dời trải qua trong nháy mắt”.

Đối với một triết gia, dòng nước triều dâng, trôi chảy của một dòng sông không chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Có một thứ nữa cũng trôi chảy giống như nước của một dòng sông và không bao giờ có thể bị ngăn lại hoặc quay lại như cũ được, ấy là thời gian.

Trong bài thơ Ai giang đầu (Thương đầu sông) của mình, nhà thơ Đỗ Phủ [19] viết: “Việc đời nghĩ lại lệ ướt ngực; hoa, nước trên sông đâu cùng cực” . Và trong bài thơ Tây Tái sơn hoài cổ (Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái), Lưu Vũ Tích viết: “Nhân thế bao lần thương chuyện cũ: hình non còn gối [20] lạnh dòng sâu” .

Cuộc đời con người chỉ như một gang tay, trong khi tự nhiên là vĩnh cửu; sự tương phản ghê gớm ấy cũng đủ làm tinh thần rung cảm, mắt rơi lệ sầu.

Không ngạc nhiên gì khi nhà thơ đời Đường Trương Nhược Hư đã đặt một câu hỏi muôn đời cho Trăng trong bài thơ “Xuân giang hoa nguyệt dạ” [Đêm trăng hoa trên sông xuân] rằng:

Trong suốt trời sông suốt một màu,

Trên sông vằng vặc một trăng cao.

Ai người đầu đã trông trăng ấy?

Trăng ấy soi người tự thuở nao?

Người cứ đời đời sinh nở mãi,

Trăng đã năm năm sông nước giãi.

Soi ai nào biết được lòng trăng,

[21] Chỉ thấy sông dài đưa nước chảy.

Khổng Tử cũng không ngoại lệ. “Khổng Tử đứng bên bờ sông, nói rằng: ‘Cũng như nước này trôi chảy, mọi vật đều đi qua. Ngày và đêm, không có vật chi ngừng nghỉ.’” (Luận Ngữ, IX, 16). Tuy là một câu nói khá mơ hồ, nhưng chứa đựng bên trong là một sự thương tiếc sâu sắc về những biến đổi cùng những khó nhọc của đời người.

Giữa vũ trụ bao la vô tận này, giữa những vòng tuần hoàn bất tận của Tự nhiên, cuộc đời của mỗi con người là quá nhỏ bé, trôi qua trong một chớp mắt. Vậy, ta nên hoạch định cuộc sống ngắn ngủi của ta như thế nào đây?

Cùng lúc Khổng Tử thở dài bên dòng sông khi nó chảy qua, Ngài cũng nói về một đạo Nhân sinh qua cuộc đời của chính mình cho các học trò và cho hàng ngàn thế hệ sau này biết, rằng:

Ta, mười lăm tuổi để tâm trí vào sự học; ba mươi tuổi vững chí mà lập thân; bốn mươi tuổi thì tâm trí sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, chẳng còn nghi hoặc; năm mươi tuổi thì biết mệnh trời; sáu mươi tuổi thì hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được; bảy mươi tuổi, trong tâm dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép tắc, lễ nghi. (Luận Ngữ, II, 4).

Đây là một chuỗi sắp xếp đơn giản về từng giai đoạn của cuộc đời con người, trong đó mỗi giai đoạn đều được nhấn mạnh bởi những sự việc đặc biệt. Thử liếc nhanh qua con đường cuộc đời mà bậc hiền nhân đã mô tả cho ta, để xem có thể rút ra những bài học gì từ đó, và nó có ý nghĩa gì đối với ta ngày nay.

Một cuộc đời của con người không khác gì một khoảnh khắc ngắn ngủi được vay mượn từ thời gian; khi năm tháng trôi qua, chúng ta nắm lấy một vài năm ngắn ngủi ấy và khắc chúng thành một hình dạng nào đó, hy vọng sẽ tạo ra một vật trường cửu, để ta được tưởng nhớ một khi qua đời.

Như ta đã thấy, tất cả chúng ta đều có các ý hướng và các sự việc thúc đẩy ta, nhưng ta phải bắt đầu bằng việc biết chấp nhận xã hội mà ta đang sống. Việc học bắt đầu bằng sự biến đổi một con người tự nhiên thành một con người được nhào nặn bởi các quy tắc xã hội. Khi Khổng Tử nói rằng: “Ta mười lăm tuổi để tâm trí vào sự học”, thì Ngài đang nói đến xuất phát điểm của Ngài trên hành trình ấy và đó cũng là điều Ngài đòi hỏi nơi các học trò của mình.

Khổng Tử thường tự nói rằng: “Chẳng phải ta sinh ra là tự nhiên hiểu biết đạo lý. Thật ra ta là người hâm mộ kinh thi của thánh hiền đời xưa, cho nên ta cố gắng tầm mà học vậy.” (Luận Ngữ, VII, 19). Dĩ nhiên, Khổng Tử đâu phải sinh ra đã biết mọi thứ. Nhưng vì quan tâm sâu sắc đến văn hóa và những kinh nghiệm của người xưa, nên Ngài có thể làm việc không biết mệt mỏi để học một cách chuyên cần.

Ngày nay, chúng ta muốn xây dựng một xã hội có nền giáo dục mà ai cũng có thể tự do tiếp cận. Nhưng loại học vấn nào mới là học vấn tốt đây?

Trong thời đại thông tin ngày nay, thực sự có quá nhiều điều để học. Trẻ em ngày nay không còn đợi cho đến tuổi mười lăm mới bắt đầu “để tâm trí vào sự học” nữa; nhiều em đã bắt đầu học trước khi chúng lên năm. Nhưng thực sự thì chúng học được gì? Một vài đứa trẻ nhớ được các trị số của số π (pi) đến rất nhiều đơn vị đằng sau dấu chấm thập phân; những đứa khác thì có thể đọc thuộc lòng những bài thơ dài trong kinh điển Trung Quốc để góp vui trong các buổi tiệc. Nhưng những điều ấy có thực sự có ích cho phần còn lại của cuộc đời chúng không? Có bao nhiêu “xu hướng ham học” của ngày nay là cái mà Khổng Tử nói đến như “học để tự hoàn thiện bản thân”? Và có bao nhiêu sự học để sử dụng những gì mà chúng ta đã học được?

Trong thời hiện đại, điều gây lo lắng nhất cho chúng ta là có quá nhiều thông tin; khó khăn lớn nhất của ta là có quá nhiều chọn lựa. Chúng ta rất cần một kế hoạch được sắp đặt tốt đẹp để hướng dẫn chúng ta đi qua mê cung của sự lựa chọn để có thể học được cái mà thật sự cần học.

Thái độ của Khổng Tử luôn luôn là “đi quá xa thì cũng tệ như đi quá gần”. Tất cả những điều tốt nhất cũng đều phải có chừng mực; nếu bạn tham ăn, bạn sẽ cắn một miếng quá to nhưng bạn không nhai được; hay khi bạn nhập quá nhiều dữ liệu vào não, bạn sẽ trở nên giống như ổ cứng của một máy vi tính, đầy những thông tin thụ động vốn chẳng để làm gì cả. Bạn sẽ làm tốt hơn nếu biết sử dụng những tri thức có giới hạn của mình và học cách thành thạo chỉ một vấn đề thôi, để hấp thụ nó vào trong cuộc đời của bạn.

Khổng Tử nói rằng: “Học mà chẳng chịu suy nghĩ, thì chẳng được thông minh. Suy nghĩ mà chẳng chịu học, thì lòng dạ chẳng yên ổn.” (Luận Ngữ, II, 15). Bạn phải học, song song với việc suy nghĩ và sử dụng những gì bạn đã học được.

Thông qua việc học, kinh nghiệm và luyện tập, chúng ta sẽ dần dần tiến bộ, đi đến chỗ hiểu được các sự việc cả về mặt trí tuệ lẫn về mặt trực quan. Đấy là trạng thái mà ta có được khi đến tuổi ba mươi.

“Ba mươi tuổi vững chí mà lập thân.”

Có lẽ “Tam thập nhi lập” vẫn là một câu nói mà bạn thường được nghe. Vào tuổi này, gần như tất cả mọi người đều nhìn lại bản thân và tự hỏi: “Vị trí của tôi là ở đâu?”.

Vậy, vị trí của một người có được là gì? Có phải bạn phải có xe, có nhà, hoặc có sự nghiệp trước khi bạn có thể được xem là có một vị trí? Và quan niệm “tam thập nhi lập” có ảnh hưởng đến ta như thế nào?

Ngày nay, dường như chúng ta ngày càng đạt đến tuổi trưởng thành chậm hơn, đặc biệt là trong các thành phố lớn, nơi những người 30 tuổi vẫn còn bị gọi là “những cô bé, cậu bé”. Vậy, chúng ta phải đánh giá một người có hay không có “vị trí” trong thế giới này như thế nào cho thỏa đáng? Và việc “có vị trí” bao hàm những trách nhiệm gì?

Ví dụ, khi trẻ em bắt đầu đến trường mẫu giáo, chúng tin rằng mặt trời thì sáng, hoa thì tươi thắm đẹp đẽ, tâm hồn con người đều tốt, thế giới đầy những tình cảm yêu thương, một thế giới mà hoàng tử và công chúa sống bên nhau hạnh phúc trọn đời, không có bất kỳ phiền não hay đau buồn nào.

Nhưng khi đến tuổi thiếu niên, ở trẻ sẽ xuất hiện xu hướng muốn nổi loạn mạnh mẽ, và đến tuổi hai mươi, khi trẻ bắt đầu bước vào xã hội của người lớn, chúng sẽ cảm thấy rằng thế giới này không diễn ra như chúng nghĩ, thế giới của người lớn đã lừa gạt chúng, cuộc sống chỉ toàn những điều xấu xa, tồi tệ và giả dối. Đó là những “người trẻ giận dữ” mà chúng ta thường nghe nói đến. Thời gian trưởng thành này có sự trống vắng đặc biệt, là kết quả của một phản ứng không thể tránh được trong tâm trí người trẻ. Nhưng khi đến tuổi ba mươi, chúng ta đạt đến một trạng thái hiểu biết đầy đủ, nghĩa là ta không còn nghĩ rằng mọi thứ trước mặt ta đều đẹp đẽ và tươi sáng như khi mười tuổi nữa, và cũng không nghĩ rằng mọi thứ đều xấu xa đen tối như lúc ta ở độ tuổi hai mươi.

“Tam thập nhi lập” trước hết và trên hết là một thế đứng nội tâm; còn việc tìm kiếm một vị trí trong xã hội là hệ quả từ đó.

Từ điểm nhìn của sự độc lập tinh thần nội tâm, sự học thật sự tốt có nghĩa là áp dụng tất cả những gì chúng ta đã học vào cho bản thân ta, để những gì ta đã học trở thành vốn riêng của mình. Đây là quan niệm về việc học mà văn hóa Trung Quốc từ xưa đã đặt ra và còn giá trị mãi đến hôm nay.

Vì vậy, khoảng thời gian từ 15 tuổi đến 30 tuổi là khoảng thời gian dành cho việc học. Nhưng làm thế nào một người đạt đến được trạng thái thống nhất, nơi mà mọi điều chúng ta đã học được trở thành của riêng ta?

Theo truyền thống, người Trung Quốc tiếp cận việc học theo hai cách: một là [22] cái mà chúng ta gọi là “Tôi cắt nghĩa Lục kinh ”, cách khác là “Lục kinh cắt nghĩa tôi”.

Phương pháp đầu đòi hỏi một sự học cả đời về các kinh điển, kéo dài mãi cho đến lúc già; vào lúc tóc đã bạc trắng và đã đọc hết mọi sách vở, bạn sẽ đủ sức để bình giải về các kinh điển.

Nhưng phương pháp thứ hai, tức “Lục kinh cắt nghĩa tôi”, nói chung là nằm ở một mức độ cao hơn. Nó gồm việc sử dụng tinh thần của các Kinh điển để cắt nghĩa và thể hiện toàn bộ cuộc đời của chính bạn.

Ba mươi là tuổi bắt đầu xây dựng sự tự tin nội tâm. Sự tự tin này không được đưa ra trong sự đối lập với những sự vật bên ngoài. Đúng hơn, nó tạo ra một sự hài hòa, trong đó cái bên trong và cái bên ngoài đều được nâng lên. Điều này giống như hai câu đối trên núi Thái Sơn: “Biển vươn xa tận cùng cực, trời là bờ; Leo đến đỉnh cao nhất của ngọn núi, ta trở thành đỉnh của ngọn núi đó”. (“Hải đáo tận đầu thiên tố ngạn; Sơn đăng tuyệt đỉnh ngã vi phong.”) Đây là một trong những cách thức mà người Trung Quốc thể hiện sự cảm thông với sông núi. Mục tiêu của chúng ta không phải là chế ngự hay khuất phục chúng, mà thay vào đó, núi và sông đều được xem như nâng cao chúng ta lên. Giống như biển trải dài vô tận, không có bờ bến nào ngoài bầu trời, làm cho chúng ta có cảm giác như toàn bộ thế giới được trải rộng ra trước mắt ta; và khi ta lên đến đỉnh cao nhất của một ngọn núi, vấn đề không phải là ta đang đạp chân lên ngọn núi cao mà là đỉnh ngọn núi đã nâng ta lên một tầm cao mới.

Đây là trạng thái mà chúng ta gọi là “Lục kinh cắt nghĩa ta”.

Khổng Tử luôn dạy các học trò của mình phải sống mộc mạc và giản dị: tức làm tốt hết mức có thể đối với những gì có ngay trước mắt mình; không cần phải lo lắng gì về các sự việc khác.

Ví dụ, chúng ta đều biết rằng, “Khổng Tử không giảng luận về bốn việc này: Quái dị, dũng lực, phản loạn, quỷ thần.” (Luận Ngữ, VII, 20). Khổng Tử không thích nói về những việc như quỷ thần, vì sự quan tâm của Ngài tập trung vào những hành vi hữu hình, có thực.

Có lần khi Tử Lộ hỏi Ngài về đạo thờ quỷ thần, Khổng Tử bình thản nói: “Đạo thờ người còn chưa biết, sao biết được đạo thờ quỷ thần?” (Luận Ngữ, XI, 11). Trong tâm trí của mình, thậm chí bạn còn chưa thể hiểu đúng được việc của những người đang sống; thì làm thế nào bạn nghĩ đến việc đi thờ những người đã chết? Nghĩa là, trước khi bạn bắt đầu học, bạn phải luôn ghi nhớ và bắt đầu với những gì đang có trước mắt bạn. Đừng suy nghĩ ngay về những điều thâm sâu, khó nắm bắt.

Tử Lộ vẫn chưa từ bỏ, ông hỏi tiếp: “Dám hỏi thầy về sự chết?”.

Lần nữa, Khổng Tử lại trả lời rất từ tốn: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?”.

Lời Khổng Tử cho đến nay vẫn còn dạy ta được nhiều điều: Khi học, trước hết phải gắng hết sức để hiểu những sự việc trong cuộc sống mà chúng ta có thể với đến được. Đừng vươn mình quá xa để suy nghĩ về những gì vượt khỏi giới hạn của bạn hay những gì quá thâm sâu. Đến khi nào đạt đến tuổi “nhi lập”, thì chính thông qua việc học mỗi lần một ít mà chúng ta thực sự “lập thân” được.

Do đó, đối với tôi, “tam thập nhi lập” không phải là một phương tiện để đánh giá liệu bạn có xứng đáng với những tiêu chuẩn xã hội bên ngoài hay không. Mà đúng hơn, nó là một cách đánh giá cuộc đời của bạn dựa vào các tiêu chuẩn bên trong của Tâm và Hồn, để xác minh xem bạn đã bắt đầu đạt được nội quan sáng rõ, điềm tĩnh và không vội vã hay chưa. Qua đó cho biết bạn đã đạt đến một trạng thái mà bạn có thể tự tin giải quyết những công việc của chính mình hay chưa.

Vượt khỏi lợi lộc vật chất và tập trung vào những điều bên trong, đối với tôi, đó là minh chứng vĩ đại nhất rằng một người đã “nhi lập”.

Trong văn hóa Trung Quốc, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều minh chứng cho thái độ sống như vậy. Thơ ca có hình ảnh ông lão câu cá trong bài thơ “Giang tuyết” (Sông tuyết) của Liễu Tông Nguyên, đang “một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh”, đu đưa lưỡi câu của mình mà chẳng vì cái gì cả. Hay chẳng hạn như chuyến đi của đại thi hào và học giả Vương Hy Chi trên một chiếc thuyền nhỏ trong một đêm tuyết phủ để đến thăm người bạn Đới Quỳ của ông: khi ông đến trước cửa nhà người bạn, ông quay trở về mà không buồn gõ cửa. Tại sao vậy? Vì đầu tiên ông có một động lực thúc đẩy, đó là việc nhớ người bạn ấy; nhưng khi đến trước cửa nhà bạn, động cơ ấy biến mất, thế là ông đi về. Những người xưa đều rất trung thực với tâm hồn của riêng họ; hướng đi mà tâm hồn chỉ ra cho họ quy định hướng đi trong các hành động của họ.

Giữa tuổi ba mươi và bốn mươi, người ta đi từ những năm tháng “lập thân” để đến cái mà Khổng Tử gọi là những năm tháng “chẳng còn nghi hoặc”.

Đây hẳn là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của ta.

Nhưng có phải là ai cũng có thể đạt đến việc “chẳng còn nghi hoặc” khi đến tuổi bốn mươi?

Trong xã hội hiện đại của chúng ta, những người ở tuổi bốn mươi là đã đạt đến nửa đời người. Họ đã có tiếng tăm và được tôn trọng trong nghề nghiệp, nhưng trên họ có một thế hệ già hơn, dưới họ có một thế hệ trẻ hơn, điều này gây áp lực rất lớn lên họ. Vậy, trong tình huống thử thách ấy, đâu là con đường tốt nhất để giúp tâm hồn ta chẳng còn nghi hoặc và lo sợ?

Khổng Tử thường xuyên đào sâu ý tưởng “chẳng còn nghi hoặc”. Làm thế nào một con người có thể thoát khỏi những nghi hoặc và lo sợ? Nó đòi hỏi phải thật sự có Trí.

Những năm tháng từ lúc “lập thân” đến khi “chẳng còn nghi hoặc” là thời gian ý nghĩa nhất của đời người. Trước khi đến tuổi ba mươi, người ta sống bằng sự thêm vào, không ngừng tiếp nhận từ thế giới: kinh nghiệm, của cải, những mối quan hệ, danh tiếng, v.v. Nhưng càng có nhiều của cải vật chất, chúng ta càng trở nên nghi hoặc và bối rối.

Sau tuổi ba mươi, chúng ta phải bắt đầu học cách sống bằng sự loại ra – tức bạn phải học cách buông bỏ những điều mà tâm hồn của bạn thực sự không cần đến.

Tâm hồn của bạn giống như một ngôi nhà: khi người chủ vừa mới dọn vào ở, họ muốn bày biện đầy đồ đạc, rèm cửa, những đồ trang trí khác. Kết quả là, ngôi nhà bị chồng chất đầy những thứ linh tinh đến nỗi ta không còn chỗ để chứa chính bản thân mình. Chúng ta trở thành nô lệ cho tài sản của mình.

Học cách sống bằng sự loại ra có nghĩa là bỏ đi những người mà ta không muốn làm bạn, từ chối làm những việc mà ta không muốn làm, không màng đến tiền tài mà ta không muốn kiếm. Chỉ khi chúng ta dám buông bỏ và biết cách buông bỏ, thì chúng ta mới có thể thực sự giải thoát bản thân khỏi những nghi hoặc.

Vậy, việc thoát khỏi những nghi hoặc là gì? Đó là khi một người có thể nghĩ và làm theo những ý tưởng được trình bày trong “học thuyết Trung dung”.

Trung dung là một trong Tứ Thư [23] vốn đã trở thành những bản văn cốt lõi của học vấn Nho gia, giúp xác định những chuẩn mực cư xử cao nhất trong xã hội Trung Hoa cổ đại. Nói theo triết học, nó liên quan đến “chừng mực” đúng đắn nhất mà nhờ đó một sự vật được tạo ra. Ngày nay, nó thường bị hiểu sai là ám chỉ đến sự tầm thường, sự ranh mãnh hay sự xảo trá thấp hèn; đa số nhìn nhận thuyết Trung dung như là đại diện cho sự thỏa hiệp về nguyên tắc là có lợi, thậm chí có khi làm mờ đi ranh giới giữa cái đúng và cái sai.

Thuyết Trung dung nói rằng: “Những tình cảm như vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc khi chưa phát sinh nơi tâm ta, thì gọi là Trung; khi mà cái tâm ta tự nhiên ở mức giữa, không chênh bên này, không lệch bên kia, tới chừng đối cảnh mà chúng phát sinh một cách phải thế, thì gọi là Hòa… Trung là cội lớn của thiên hạ… Hòa là đạo thông đạt của thiên hạ.” (Trung Dung, 1). Nghĩa là, trạng thái lý tưởng là một trạng thái mà mọi sự vật đều nằm trong sự hài hòa, với trời, đất và vạn vật trong tự nhiên, mỗi cái đều an nhiên trong vị trí riêng của mình. Thái độ này có nghĩa là thậm chí nếu thế giới bên ngoài đối xử không công bằng với bạn, thì lúc này bạn cũng biết nơi bạn đang đứng và việc biết ấy sẽ giúp bạn xử lý những tai họa, những hối tiếc này để tìm lại cho bạn một chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời.

Nhà triết học lớn Phùng Hữu Lan có lần nói rằng: “Học từ các triều đại trong quá khứ để giúp trật tự mới; các lý tưởng của chúng ta phải cực cao, nhưng các hành động của ta phải đi theo Đạo Trung dung”. Đạo Trung dung thực sự bao hàm việc đạt đến một trạng thái đạo đức rất cao bằng phương pháp thích hợp nhất. Như người Trung Quốc xưa đã nói: “Khi đến cực điểm, vinh quang sẽ quay lại con đường Trung dung”. Khi ở tuổi hai mươi và ba mươi, chúng ta xông pha trong cuộc đời, nhưng phải đến độ tuổi bốn mươi, tức những năm tháng chẳng còn nghi hoặc, chúng ta mới có thể tỏ ra có sự điềm tĩnh thản nhiên và một cảm thức về trách nhiệm. Và khi ai đó đạt đến trạng thái này, một sự thay đổi sẽ diễn ra trong các chuẩn mực của người ấy.

Vào tuổi năm mươi, Khổng Tử nói rằng, Ngài “biết mệnh trời”. Ngài muốn nói gì? Liệu có phải là điều mà chúng ta có ý đề cập khi nói rằng: “Nếu một sự vật có số, thì trước sau gì nó cũng xảy ra như vậy, nếu một sự vật không được định trước, thì đừng có ép nó” chăng? Liệu điều ấy có nghĩa là khi chúng ta đến tuổi năm mươi, chúng ta phải nhượng bộ trước số mệnh?

Sau đó, khi mười năm nữa trôi qua, chúng ta đến tuổi năm mươi, nhiều thay đổi hơn nữa sẽ xảy ra.

Nếu chúng ta muốn trả lời câu hỏi này, trước hết ta phải hiểu rõ Khổng Tử muốn nói gì qua câu “Tri thiên mệnh”.

Khổng Tử nói rằng: “Ta không oán Trời, ta không trách người. Còn về đạo lý thì ta khởi học từ mức thấp để đạt lần lên mức cao. Biết ta chăng, chỉ có Trời.”(Luận Ngữ, XIV, 37). Học giả ngôn ngữ học cổ điển Hoàng Khản đã giảng về ý này như sau: “Khởi học từ mức thấp là học những vấn đề của con người; đạt lần lên mức cao là đạt đến việc biết mệnh trời. Tôi đã có một nghiên cứu về những vấn đề của con người: những vấn đề của con người có cái may và cái rủi, vì thế tôi không trách người; bên trên là mệnh Trời, mệnh Trời có thể ủng hộ hoặc chống lại tôi, vì thế tôi không oán Trời”. Như chúng ta đã thấy, chìa khóa cho điều này là từ “Tri” (biết): bạn phải có khả năng biết chấp nhận những gì số mệnh đã dành sẵn cho bạn. Khi bạn có thể làm điều ấy là bạn đã nhận ra tất cả những thuận lợi hay khó khăn, điều tốt hay xấu trong đời đều là hoàn toàn tự nhiên; nhờ đó, bạn có thể khắc phục nó một cách hợp lý và phản ứng lại nó một cách điềm tĩnh.

“Ta không oán Trời, ta không trách người” có lẽ là câu nói ta rất thường được nghe, thậm chí cả trong xã hội ngày nay. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Nếu bạn có thể thôi không phàn nàn, nếu bạn có thể kiềm chế mọi sự chê bai và chỉ trích nơi tâm hồn mình, thì bạn cũng sẽ trở thành người không còn trách móc những người khác nữa.

Ý tưởng giữ im lặng này còn có quan hệ đến việc nói xấu người khác. Khổng Tử nói rằng: “Ngươi quân tử thì tấn lên mức cao; còn tiểu nhân thì chỉ giữ được mức thấp mà thôi.” (Luận Ngữ, XIV, 24). Chỉ có kẻ tiểu nhân mới dành hết thời gian để ngồi lê đôi mách và cãi nhau vì những chuyện cá nhân vặt vãnh. Bậc quân tử, trái lại, quan tâm nhiều hơn đến nội tâm, đến việc xây dựng những sự xác tín cho mình và theo đuổi số mệnh của mình. Khổng Tử nói rằng: “Chẳng hiểu mệnh trời, chẳng đáng gọi là quân tử. Chẳng biết lễ, không thể đứng được với người. Chẳng biết phân biệt lời nói của người, thì chẳng hiểu người.” (Luận Ngữ, XX, 3).

Ngài tin rằng sự hoàn hảo nội tâm của một người và khao khát của họ muốn tuân theo số mệnh là quan trọng hơn rất nhiều so với việc áp đặt những mệnh lệnh của mình lên xã hội hoặc bắt người ta cư xử theo một cách nhất định.

Đối với Khổng Tử, ba giai đoạn cuộc đời – “hiểu mệnh trời”, “biết lễ” và “biết phân biệt lời nói của người” – xuất hiện theo trình tự ngược lại. Chúng ta học ăn học nói rồi đi đến chỗ hiểu người khác, hiểu xã hội bằng cách giao tiếp với người khác và đọc sách vở. Nhưng chỉ một mình việc biết phân biệt lời nói của người không thôi thì chưa đủ để biết lễ nghi – tức mọi việc giúp bạn biết tôn trọng người khác. Nếu sự tôn trọng nhiều hơn một chút sẽ giúp bạn ít phàn nàn hơn. Cấp độ cao nhất là hiểu mệnh trời. Hiểu mệnh trời là trở thành một bậc quân tử – lý tưởng của Khổng Tử. Khi trở thành người quân tử, bạn sẽ tạo ra được một hệ thống các giá trị của bản thân, nội tâm bạn sẽ tràn ngập một sức mạnh điềm tĩnh, thực tế, và chúng ta có thể sử dụng sức mạnh ấy trong mọi sự tương tác với thế giới bên ngoài.

Tri thiên mệnh có nghĩa là, đến tuổi năm mươi, bạn sẽ có một sự kiên định nội tâm. Bạn sẽ đạt đến trạng thái “không oán Trời và không trách người”: bạn sẽ không bị dao động bởi những sự việc bên ngoài.

Triết gia cổ đại Trang Tử cũng có một quan điểm tương tự: “Khi cả thiên hạ nịnh bợ, cũng không làm hắn nỗ lực thêm chút nào, khi cả thiên hạ chê cười, hắn cũng không lấy làm chán nản. Kẻ ấy vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa cái bên trong và cái bên ngoài, đồng thời hiểu được sự khác biệt giữa sự vẻ vang và hổ thẹn đích thực, nhưng hắn dừng lại ở đây”.

Nói khác đi, khi cả thế giới ca ngợi bạn, bạn sẽ không phản ứng lại với sự ca ngợi ấy, ngược lại, khi mọi người xung quanh soi mói sai lầm của bạn, bạn cũng không gục ngã, mà sẽ kiên trì theo đuổi những điều bạn tin tưởng. Đây là điều được nói đến qua câu “vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa cái bên trong và cái bên ngoài” và hiểu được “sự vẻ vang” cùng “sự hổ thẹn”.

Điều đó được chúng ta gọi là sự trưởng thành và chín chắn. Nó là một tiến trình mà tâm hồn chúng ta dần trở nên mạnh mẽ hơn qua kinh nghiệm, và ta có được năng lực dẫn dắt những sự việc bên ngoài và biến chúng thành sức mạnh bên trong của ta.

Trạng thái “tri thiên mệnh” là điều gì đó thường khiến chúng ta tự nhiên có xu hướng liên tưởng đến các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Trong các tiểu thuyết võ thuật Trung Quốc, khi một kiếm sĩ trẻ lần đầu xuất hiện, họ thường cầm một thanh bảo kiếm sắc bén vô cùng, khắp nơi không có địch thủ, và biểu diễn kiếm khí của mình với một dáng vẻ phong nhã, như vũ đạo. Nhưng qua thời gian, khi anh ta đã thuần thục các kỹ năng võ thuật bằng sự chuyên chú và rèn luyện, thực sự muốn sống một cuộc đời kiếm sĩ, và trở thành một tay kiếm có chút tên tuổi nào đó, thanh kiếm mà anh sử dụng có lẽ chỉ là một thanh kiếm cùn mà anh không buồn mài sắc. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, sự bén nhọn của thanh kiếm không còn quan trọng với anh nữa, khi trí tuệ bên trong và kinh nghiệm của anh đã trở nên phong phú hơn và vững chắc hơn. Và qua thời gian, anh trở thành một kiếm sĩ bậc thầy danh tiếng, và kỹ năng của anh đã vượt qua mọi kiếm thủ đến đấu với anh. Đối với anh, sự sắc bén và chất lượng của kim loại lúc này không còn quan trọng nữa; tất cả những gì anh cầm trong tay đều là kiếm cả. Anh đã đạt đến trạng thái cao nhất – trạng thái Độc cô cầu bại, người anh hùng đã tìm kiếm không mệt mỏi một đối thủ có thể đấu với mình một trận – anh không mang vũ khí nào cả: mọi kỹ năng kiếm thuật của anh đã hòa vào trong tâm hồn và tâm trí anh qua những tháng năm tập luyện miệt mài, và anh ta có thể tạo ra một thanh kiếm chỉ bằng cách duỗi cánh tay của mình ra. Vào lúc này, những kẻ thù của anh không có chiến lược hoặc mưu mẹo nào để đấu với anh, vì anh đã đạt đến trạng thái không cần gì nữa rồi. Vì anh chiến đấu mà không có bất kỳ chiến lược hoặc mưu mẹo nào, đối thủ của anh đều thua cuộc, không thể đoán được anh sẽ làm gì, và bất lực không thể đánh bại được anh.

Trong văn hóa Trung Quốc, trạng thái cao nhất mà ai cũng có thể đạt đến là trạng thái tinh thông. Điều mà Khổng Tử gọi là “tri thiên mệnh” đạt được thông qua những năm tháng học tập và luyện tập miệt mài, hấp thụ mọi chân lý và cuối cùng thông qua chúng đạt đến sự hài hòa cao nhã. Và chỉ khi ấy bạn mới sẵn sàng đạt đến trạng thái cao hơn nữa.

Khổng Tử nói rằng: “Sáu mươi tuổi thì hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được”. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Như ta đã thấy, một sự “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” là năng lực biết lắng nghe mọi điều, bất kể những điều ấy thuộc loại nào, và khi xem xét bất kỳ vấn đề nào cũng luôn đứng trên quan điểm của người đang nói những điều ấy.

Tuy nhiên, trong cuộc sống thực, chúng ta thường gặp những điều không như ý muốn và nghe những điều mình không muốn nghe. Làm sao ta có thể thực sự đạt đến việc “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được”?

Một khi bạn có sự hiểu biết thấu đáo về thiên mệnh và có một sức mạnh kiên định nội tâm, bạn sẽ đạt đến trạng thái mà Khổng Tử mô tả là “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” . Bạn sẽ đạt đến năng lực cao nhất có thể khi biết tôn trọng người khác, bạn có thể hiểu lập luận đằng sau mọi vấn đề, bạn có thể nghe mọi điều bằng một tinh thần cởi mở, biết đặt mình vào vị trí của người khác, để hiểu những điều họ nói.

“Tri thiên mệnh” là thái độ kiên định theo đuổi một mục đích mà chúng ta có thể dùng để ứng đối với thế giới bên ngoài.

Có một thành ngữ Trung Quốc thường được dùng để mô tả điều này đại ý là “buồn cho đời và tiếc cho người”. Nói khác đi, qua việc hiểu những động cơ và ham muốn của mọi người, bạn sẽ đạt đến một sự hiểu biết và khoan dung nhiều hơn.

Khi chúng ta nhìn lối sống của những người khác bằng hệ thống giá trị của riêng mình, chúng ta có thể bị sốc; nhưng nếu chúng ta biết điều gì đã đưa người ấy đến chỗ đứng hiện tại thì có lẽ chúng ta sẽ hiểu họ hơn.

Châm ngôn cổ có câu: “Hai đám mây chỉ có thể hội tụ để tạo ra mưa khi chúng gặp nhau ở cùng một độ cao”.

Vậy, ai là người “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được”? Họ là những người, dù đám mây của họ ở 5.000 hay 500 mét độ cao, họ cũng luôn ý thức về nơi người khác đang đứng. Đây là cách mà Khổng Tử đã áp dụng với mọi học trò của mình, giúp cho mỗi bài học phù hợp với từng học trò.

Những người muốn đạt đến tầm “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” phải để lòng mình rộng mở để gặp gỡ những tinh thần khác ở nhiều độ cao khác nhau; chứ không bám vào những chuẩn mực bất biến của riêng mình và ngoan cố bảo vệ chúng.

Sau khi đã có đủ kiến thức và được tôi luyện qua những trải nghiệm cuộc sống, mọi sự học hỏi và lao động vất vả của ta sẽ mang lại cho ta sự tinh thông thật sự. Trạng thái “hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” của Khổng Tử là sự hội tụ những quy tắc của thế giới bên ngoài vào bên trong tâm hồn ta.

Có lần tôi đọc được câu chuyện sau:

Ngày xưa, trong một ngôi đền có một bức tượng Phật được khắc từ đá granite hết sức tinh xảo. Hàng ngày đều có nhiều người đến khấn vái, cầu nguyện. Những bậc thang dẫn đến bức tượng Phật cũng được cắt gọt từ cùng loại đá đã làm ra bức tượng ấy.

Đến một ngày nọ, những bậc thang trở nên bất mãn và đưa ra lời phản kháng rằng: “Chúng ta vốn là anh em, cùng sinh ra từ một tảng đá. Cớ gì mà họ có quyền chà đạp lên chúng tôi mà lại cúi đầu trước anh? Anh có gì hay nào?”.

“Hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được” là một sự cảm thông với thế giới và với mọi người trong thế giới ấy, tức là thái độ thấu hiểu và khoan dung.

Phiến đá tạo nên bức tượng Phật điềm tĩnh trả lời: “Đó là vì anh chỉ phải chịu bốn nhát dao là đã có hình dáng như ngày nay rồi, nhưng tôi đã phải chịu mười ngàn nhát cắt và đục thì mới trở thành một bức tượng Phật”.

Hãy nhìn vào trạng thái của cuộc đời con người mà Khổng Tử đã nói, chúng ta càng đi xa trong cuộc đời, chúng ta càng có nhiều hơn cái mà Ngài nhấn mạnh là nội tâm, và chúng ta càng trở nên điềm tĩnh, thư thái hơn. Nhưng trước khi bạn có thể đạt đến trạng thái điềm tĩnh này, bạn phải được trui rèn và phải bị biến đổi hàng trăm, hàng ngàn lần.

Chúng ta nên xem sự tiến bộ của cuộc đời con người từ tuổi mười lăm đến tuổi bảy mươi mà Khổng Tử đã nói như một tấm gương nâng đỡ cho ta, trong đó chúng ta có thể kiểm thảo bản thân mình tại mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời mình. Thông qua đó, chúng ta sẽ có thể thấy liệu tinh thần của riêng ta có vững hay không, chúng ta có dần bớt đi sự nghi hoặc hay không, chúng ta có bắt đầu gặt hái được những chân lý lớn lao của thế giới hay không, chúng ta có thể tỏ ra hiểu biết và cảm thông với những thất bại của người khác không, hoặc chúng ta có thể đi theo khao khát của tâm hồn mình không. Nếu vào tuổi hai mươi hoặc ba mươi, chúng ta có thể đạt đến, vượt kế hoạch, trạng thái mà chúng ta sẽ có ở tuổi bốn mươi, năm mươi, và đã xây dựng được một hệ thống các giá trị rõ ràng và sáng sủa, có khả năng biến những áp lực của xã hội lên ta thành một sức mạnh linh động cho phép ta phục hồi lại, và nếu chúng ta có khả năng đạt đến sự điềm tĩnh, vững vàng của khao khát tâm hồn mà ta đang theo đuổi nhưng không đi quá ranh giới… thì chúng ta có thể chắc chắn nói rằng mình đã sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa.

Các nhà khoa học có lần đã tiến hành một thí nghiệm sau:

Để đạt được một sự đo lường chính xác khả năng chịu đựng của quả bí ngô, họ đặt một vật nặng lên mấy quả bí – trong hạn mức cao nhất mà mỗi quả có thể chịu đựng được.

Trong số quả bí ngô được thí nghiệm có một quả đặc biệt chịu được nhiều áp lực nhất. Từ một vài gram một ngày cho đến mười gram cho ngày tiếp theo, đến hàng trăm gram, rồi cuối cùng là hàng kilogram. Khi quả bí ngô ấy lớn, nó chịu được một sức nặng hàng trăm kilogram đặt lên nó.

Kết thúc cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học cắt trái bí ngô ấy và các trái khác ra để xem có gì khác thường giữa chúng.

Họ cắt những trái bí ngô khác rất dễ dàng ngay nhát dao đầu tiên, nhưng đến trái bí ngô đặc biệt kia thì con dao cứ nảy ngược trở lại, cuối cùng họ phải dùng một cưa gỗ để cắt nó. Ruột của nó cứng như một thân cây trưởng thành!

Đây là thí nghiệm gì? Nó là một thí nghiệm về cuộc đời, một bức chân dung về tất cả chúng ta trong môi trường hiện đại mà chúng ta đang sống và về sức mạnh linh động trong tâm hồn ta.

Học về Luận Ngữ của Khổng Tử, về bất kỳ kinh điển nào, về mọi kinh nghiệm của những bậc hiền nhân, những nhà thông thái xưa, sau cùng đều có một mục đích thiết yếu là làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn dưới ánh sáng hiền minh của họ. Nhờ đó, ta có thể rút ngắn con đường ta phải đi, giúp ta bắt đầu suy nghĩ và cảm nhận, phát triển lòng nhân ái và sự bao dung như người quân tử càng sớm càng tốt. Chúng ta sẽ có khả năng sống tốt với những tiêu chuẩn công bằng xã hội của bậc quân tử, có khả năng đứng dậy với sự kiêu hãnh, cân bằng về nội tâm và những bổn phận xã hội, bổn phận nghề nghiệp của ta.

Tôi tin rằng điều quan trọng nhất về những bậc hiền nhân là cách họ mô tả cuộc du hành lớn của đời người bằng ngôn ngữ giản dị – cách mà con cái, cháu chắt và những hậu duệ sau này của họ đã thực hành, từ thế hệ này qua thế hệ khác, dù có ý thức hay không, dù khổ đau hay vui sướng. Theo con đường này, tâm hồn của một dân tộc đã được thành hình.

Dù bạn ở đâu, bạn cũng có thể để sức mạnh tinh thần của các kinh điển xưa hòa quyện với những luật lệ và các quy tắc đương đại, để nó trở thành một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, để mỗi người có thể xây dựng cho mình một cuộc sống có giá trị. Đây chắc chắn là ý nghĩa tối hậu mà tư tưởng của Khổng Tử mang đến cho chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Chú thích:

[18] Thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
[19] Bản dịch của Hoàng Tạo, Tương Như.
[20] Bản dịch của Trần Trọng San.
[21] Bản dịch của Khương Hữu Dụng.
[22] Lục kinh: Sáu bộ kinh sách cổ điển của Trung Quốc, gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Kinh Nhạc. Sau này Kinh Nhạc bị thất lạc nên các bộ sách kinh điển này thường được gọi là Ngũ kinh.

[23] Tứ Thư: Bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Cùng với Ngũ Kinh, Tứ Thư hợp thành bộ 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo, thường gọi tắt là “Tứ Thư, Ngũ Kinh”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.