Byousoku 5 Centimeter (Năm centimet một giây)
Chương 2
Từ lần đầu gặp gỡ cho đến lúc chia tay Akari tôi vẫn luôn tin rằng chúng tôi tuy hai mà một. Chúng tôi đã chơi thân với nhau suốt ba năm – từ đầu năm lớp bốn cho đến hết lớp sáu. Đều vì công việc của ba mà chúng tôi phải chuyển nhà khá thường xuyên, để rồi rốt cuộc lại vào cùng một trường tiểu học ở Tokyo. Tôi từ Nagano chuyển đến Tokyo khi vừa lên lớp ba, năm sau thì Akari chuyển tới.
Cả hai đứa có khá nhiều điểm chung: đều cực chán môn Thể dục và giống như mấy ông bà già chỉ thích đọc sách và trò chuyện. Hồi đó ba tôi làm việc ở ngân hàng còn gia đình thì sống trong khu căn hộ sở hữu bởi một công ty nào đó. Tôi nghĩ nhà Akari cũng vậy, vì hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau và cùng về nhà. Và hồi đó cứ mỗi khi muốn tâm sự thì chúng tôi sẽ sẵn sàng bỏ ra vài giờ đi khắp phố Shizuoka để hàn huyên…
Đến tận lúc này tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô bé Akari đầy lo lắng và căng thẳng thế nào khi đứng trên bục giảng lớp tôi vào ngày đầu tiên nhập hoc. Cô bé đứng đó, đôi tay chắp đằng trước níu chặt lấy nhau, từ mái tóc suôn dài đến bờ vai nhỏ nhắn của cô đều sáng lên nhờ những tia nắng mùa xuân đang cố gắng len qua từng ô cửa sổ, tạo ra một cái bóng cũng nhỏ xíu như cái thân mình mảnh mai kia vậy. Bờ môi cô đỏ ửng lên vì bị mím chặt lại, đôi mắt không hề chớp lấy cái nào thì mở to và dường như ánh nhìn của nó chỉ dán vào một điểm cố định nào đó trong phòng. Cô bạn học mới khiến tôi nhớ lại chính mình, năm ngoái cũng từng rụt rè, e sợ khi đứng trước những người xa lạ như thế nào. Dường như ngay lập tức tôi cảm thấy mình gần gũi với cô ấy đến lạ lùng, và sự thực thì tôi là người đầu tiên bắt chuyện với Akari. Chúng tôi thân nhau rất nhanh.
Akari là người có lập trường và luôn nhất quyết bảo vệ lập trường ấy, nhưng hên là tôi và cô ấy hợp nhau khá nhiều về quan điểm. Chúng tôi cùng đồng ý rằng những người lớn lên ở Setagaya thường chững chạc hơn hẳn bạn đồng trang lứa, rồi không khí ở các trạm xe điện ngột ngạt thế nào, hay nước vòi có vị khó chịu ra sao. Tôi và Akari đều có vẻ ngoài nhỏ bé, yếu ớt lại hay bệnh nên những bất tiện trong đời sống gây nhiều khó khăn cho chúng tôi nhưng những người khác. Cũng vì thế mà thư viện là điểm đến ưa thích duy nhất của chúng tôi vào mỗi giờ ra chơi và sau giờ học.
Và tất nhiên, chẳng sớm thì muộn chúng tôi cũng vô tình trở thành “tâm điểm” của những trò trêu chọc của bọn bạn trong lớp. Công bằng mà nói thì cái cách tụi nó đùa cợt chúng tôi cũng vô tư và trẻ con như bao đứa nhóc hiếu động khác mà thôi. Nhưng với tôi, những trò quậy phá kia lại là quá sức chịu đựng và luôn khiến tôi thấy đau khổ. Nhưng phải đối mặt, phải nếm trải những nỗi đau ấy tôi mới biết rằng mình và Akari luôn cần có nhau. Chúng tôi luôn cần nhau biết chừng nào.
Có một kỉ niệm tôi nhớ khá rõ. Xảy ra vào một ngày kia, khi vừa từ WC tôi trở về lớp học thì thấy Akari đứng như trời trồng trước tấm bảng. Trên bảng có một hình vẽ từa tựa như cây dù có tên của tôi và Akari trên đó – một sản phẩm của tên nghịch ngợm nào đó muốn “ghép đôi” chúng tôi đây mà. Mấy đứa bạn ngồi dưới thi nhau vừa rủ rỉ bàn tán vừa nhìn chằm chằm vào tấm lưng của Akari. Cô ấy định lên bảng, nhưng có lẽ vì quá xấu hổ nên chỉ đi được vài bước đã dừng lại. Tôi ngẩn người ra nhìn Akari tội nghiệp cứ đứng ở đó như thế, rồi chẳng biết từ lúc nào tôi đã xộc thẳng vào lớp, cầm miếng mút xốp xóa sạch tất cả nội dung trên bảng. Đến khi nhận thức quay trở về tôi thấy mình đang nắm chặt tay Akari mà chạy, chạy thật nhanh ra khỏi lớp. Có thể nghe thấy những tiếng ồ à ngày càng náo nhiệt hơn nhưng tôi chẳng buồn quan tâm, cứ thế chỉ biết cắm đầu chạy. Đến tôi còn chẳng tin được mình lại “liều” đến thế, lần đầu được nắm bàn tay mềm mại của Akari làm tim tôi rộn ràng tới mức muốn văng khỏi lồng ngực. Chạy được một đọan thì cái thể trạng yếu ớt làm tôi choáng váng, mệt đến mức xém muốn ngất đi nhưng cũng thật là lạ. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy chẳng còn gì đáng sợ trên thế giới này nữa.
Tôi luôn biết rằng vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống, nhưng dù có là chuyển trường, thi cử, sống ở vùng đất mới, gặp gỡ những con người xa lạ hay bất cứ thứ gì khác, chỉ cần có Akari bên cạnh thì tôi tin rằng mình sẽ chịu được tất cả. Có lẽ còn quá sớm để nói lên từ “yêu”, nhưng khi ấy tôi thật sự mến Akari và dám chắc rằng cô ấy cũng đối với tôi như vậy. Ngày chúng tôi tay trong tay chạy ra khỏi lớp, tôi nhận ra tình cảm của mình dành cho Akari rõ rệt hơn cả.
Bên nhau chúng tôi dám tin rằng cả một thế giới rộng lớn và phức tạp này chẳng có đáng sợ chút nào hết!
***
Ba năm tiểu học cũng trôi qua. Chúng tôi quyết định sẽ thi vào cùng một trường sơ trung không xa nơi đây lắm. Tôi và Akari đều cùng cố gắng học thật chăm chỉ và nhờ đó chúng tôi ngày càng thân nhau hơn. Dần dần chúng tôi cũng thấy rằng mình “người lớn” hơn và sống nội tâm hơn trước – chúng tôi luôn tự thu mình vào một thế giới quan của mình mà tin rằng quả bóng nhỏ bé ấy sẽ chở che và là hành trang giúp chúng tôi vững bước trong cuộc sống. Học ở một ngôi trường mới, gặp những người bạn mới và chúng tôi sẽ lại có điều kiện khám phá nhiều hơn nữa thế giới tri thức bao la của nhân loại. Không ai bảo ai, chúng tôi cũng thầm mong những trải nghiệm mới mẻ ấy sẽ giúp mình thật sự xác định tình cảm dành cho nhau suốt bấy lâu. Khoàng cách giữa tôi và Akari, khoảng cách giữa chúng tôi và cuộc sống ngoài kia sẽ được thu hẹp lại. Rồi đây chúng tôi sẽ lớn hơn nữa, khỏe mạnh hơn nữa để cùng nhau tự do thực hiện ước mơ của mình.
***
Giờ đây tôi bắt đầu trăn trở. Phải chăng, hai đứa trẻ ngày ấy luôn ríu rít với nhau, đã cảm giác được rằng chúng rồi sẽ mất đi một điều gì đó? Rõ ràng là chúng yêu mến nhau, luôn mong ước được bên nhau mãi mãi. Nhưng vì đã từng phải chuyển đi nhiều lần, chúng biết rằng ước muốn của mình sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Chúng sợ điều tồi tệ ấy sẽ lại diễn ra. Đến tận bây giờ tôi mới nhận ra sao? Hai đứa trẻ ấy đã cố gắng trao cho nhau thật nhiều kỉ niệm đẹp, vì mai này có thể chúng sẽ phải nói lời chia tay mãi mãi…
Quả thật, đúng là tôi và Akari đã xa nhau, lời hứa cùng vào một trường đã không thành hiện thực. Vào một đêm Đông cuối năm chúng tôi học lớp sáu, cuộc điện thoại của Akari đã thông báo điều đó.
Trước giờ hiếm khi tôi và Akari trò chuyện điện thoại, thế nên việc Akari gọi đến, mà lại trễ như thế này (tôi nhớ là khoàng chín giờ tối) là thật bất thường. Vừa chạm tay vào chiếc điện thoại mẹ đưa, một cảm giác bất an kì lạ đã dâng lên trong tôi.
“Tớ xin lỗi, Takaki-kun.” Akari nói với giọng thì thào nhỏ tí. Những từ ngữ được thốt lên sau đó càng làm rõ cái điều mà tôi không bao giờ muốn nghe và muốn tin.
Thế đấy, chúng tôi chắc chắn sẽ không vào cùng trường trung học. Ba Akari đã quyết định chuyển đến sống ở một thị trấn nhỏ phía bắc Kantou vì công việc. Giọng cô ấy run rẩy, cứ như có thể bật khóc bất cứ lúc nào. Ôi, thật không thể nào hiểu được! Hình như một mụ phù thủy độc ác nào đó vừa yểm bùa cho đầu óc tôi đóng băng lại, còn cơ thể thì bị mụ thiêu đốt bằng hàng trăm con quỷ lửa. Tại sao không là ai mà lại Akari cơ chứ. Tại sao phải chính là Akari nói mới được? Không thể nào hiểu nổi!
“Ơ… thế còn… trường Nishinaka? Cậu và tớ đã đậu rồi mà?” Rốt cuộc cơ miệng của tôi cũng hoạt động lại được.
“Ba tớ bảo… ông sẽ sắp xếp để tớ vào trường ở Tochigi. Tớ… tớ xin lỗi…”
Tôi có thể nghe rõ tiếng xe chạy vọng vào, vậy là Akari đang dùng điện thoại công cộng. Tôi ngồi bệt lên sàn Tatami[4] mà co người lại, hai tay thắt chặt đầu gối. Dường như cái không khí lạnh lẽo của mùa Đông đã thâm nhập vào căn phòng ấm áp của tôi mà len lỏi vào từng kẽ ngón tay. Tôi không biết nói gì với Akari, nhưng cũng hiều rằng mình cần nói một điều gì đó.
[4] Tatami: là một loại nệm là từ rơm khô (ngày nay có thể thay bằng sợi hóa học) đan ép chặt với nhau, được dùng để lát mặt sàn nhà truyền thống của Nhật Bản.
“Không, Akari không có lỗi gì hết…”
“Tớ đã nói là muốn ở lại với dì ở Katsushika, nhưng bố bảo rằng tớ còn nhỏ quá nên…”
Cảm nhận được Akari đang cố giữ cho mình đừng khóc khiến tôi không chịu nổi, chỉ muốn gạt phắt cái điện thoại đi. Để rồi, tôi đã không tự chủ được mà lớn tiếng:
“Tớ hiểu nãy giờ cậu nói cái gì rồi mà!”
Tiếng nấc nghẹn sau đó của Akari không kiềm chế được tôi.
“Được rồi mà…” Tôi nhẹ giọng lại nhưng vẫn cương quyết. ”Xin cậu đừng nói gì nữa.”
“Xin đừng nói nữa…” Tôi lặp lại liên tục trong một nỗ lực vô vọng kiềm chế những giọt nước mắt. Tại sao chứ, tại sao mọi chuyện lại thành ra thế này?
Mười giây im lặng trôi qua, và Akari lại nói “xin lỗi” đầy thổn thức. Tôi ấn chặt ống nghe vào tai, đầu đã gục xuống tự lúc nào. Tôi không muốn nghe tiếp, cũng không thể cúp máy. Tôi hiểu rằng những lời vô tình vừa rồi đã làm tổn thương Akari, nhưng đó là do tôi không kiềm chế được bản thân. Tôi ghét mình đã không làm gì được cả!
Một hồi lâu sau khi Akari đã cúp máy, tôi vẫn ngồi đó, hai tay ôm chặt đầu gối.
***
Những ngày sau đó thật là khó chịu. Tôi quá xấu hổ với chính mình đã không nói được lời nào dễ nghe với Akari dù biết rõ cô ấy đang rất đau khổ. Chúng tôi không nói chuyện với nhau như trước, chúng tôi tránh mặt nhau đến tận ngày cuối cùng của bậc trung học. Ngay sau khi buổi lễ tốt nghiệp kết thúc, Akari đến và nói nhỏ nhẹ với tôi:
“Vậy là đến lúc tớ tạm biệt cậu rồi…”
Trời ơi, ai biết được lúc thấy tôi đau đến mức nào! Tôi không nói lời nào với cô ấy, bởi có nói cũng chẳng ích gì nữa. Trước đến giờ tôi đã dựa dẫm vào Akari quá nhiều. tôi đã tự hứa sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn để bảo vệ cô ấy, nhưng đến tận lúc chia tay tôi nhận ra mình không thể mạnh mẽ như thế. Tôi nhận ra mình chưa hơn gì một thằng nhóc cả, một thằng bé yếu đuối cứ mãi ngồi yên để cho thế lực vô hình nào đó cướp đi mọi hạnh phúc của mình mà không làm được gì.
Dù cho Akari đã không có quyền lựa chọn đi nữa, chúng tôi cũng không đáng phải chịu xa nhau như thế này, chúng tôi không-bao-giờ nên bị chia cắt mới đúng!
Buồn bã, tôi bước vào học kì đầu tiên ở ngôi trường mới. Dù không muốn tôi cũng phải một mình đối mặt với từng ngày trôi qua. Không còn Akari, tôi bắt đầu làm quen với vài người bạn, tôi cũng gia nhập đội bóng đá của trường và tập luyện rất tích cực. Cuộc sống cao trung bận rộn hơn nhiều so với trước. Nhưng với tôi thế cũng tốt, nó giúp tôi không có thời gian để suy nghĩ vẩn vơ nữa. Mỗi khi rảnh rỗi tôi lại để tâm trí mình trong sự ray rứt, khó chịu về những chuyện buồn ngày xưa và tôi cảm thấy mệt mỏi. Để giải tỏa tôi đã cố gắng bắt mình hoạt động càng nhiều càng tốt bằng việc dành hầu hết quỹ thời gian la cà với bạn bè, đến câu lạc bộ thật sớm và đi ngủ ngay sau khi hoàn thành bài vở.
Ở nhà mới chắc hẳn Akari cũng rất bận bịu. Tôi thầm mong rằng thời gian trôi qua sẽ giúp cô ấy dần quên tôi. Dù sao thì chính tôi đã chủ động rời xa cô ấy, thế nên tôi cũng tự dặn mình phải quên Akari đi. Những con người đã quen với lời tạm biệt phải học được cách quên đi quá khứ…
***
Mùa hè đã đến, và một ngày nọ tôi nhận được thư từ Akari.
Tôi còn nhớ việc nhìn thấy lá thư màu hồng lợt nằm gọn trong hộp thư khiến tôi bối rối nhiều hơn là hạnh phúc. “Sao lại là lúc này?”, tôi suy nghĩ. Trong khi đang cố gắng thích ứng với một cuộc sống không có Akari, lá thư làm tôi nhận ra mình đã luôn nhớ về cô ấy, nhớ biết chừng nào.
Đấy, thay vì cố quên thì bấy giờ trong tâm trí tôi lại chẳng có gì khác ngoài cô ấy. Tôi có bạn, nhưng những người bạn mới quen chỉ khiến tôi nhận ra Akari thật đặc biệt đối với mình. Ngày qua ngày tôi nhốt mình trong phòng để đọc thư của Akari. Hết lần này đến lần khác, thậm chí tôi còn kẹp vào vở để xem trong giờ học nữa chứ. Từng chữ, từng câu văn của bức thư như đã thấm nhuần, đã hòa hợp như một bài học vỡ lòng vào trí nhớ của tôi…
“Takaki Toono thân mến!”
Thư mở đầu như vậy, cái cảm giác bồi hồi khó tả chợt dâng trào khi lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn ngắm những nét chữ ngay ngắn của Akari.
“Khá lâu rồi không liên lạc với cậu, mong rằng cậu vẫn khỏe. Mùa hè ở đây nóng kinh khủng, nhưng dám chắc là dịu hơn Tokyo nhiều. Viết đến đây tớ lại nghĩ mình thích cái hè nóng ẩm của Tokyo nhiều hơn. Vào mùa này tớ nhớ những lớp nhựa đường bị nung nóng trông như muốn chảy ra, tớ nhớ những tòa cao ốc và trạm xe điện ngầm nhìn bên ngoài như muốn nổ tung vì sức nóng đối lập hẳn với không khí rét run bởi mấy cái máy điều hòa chạy hết công suất ở bên trong…”
Bức thư khá là ngộ nghĩnh, xen lẫn vài dòng chữ được viết rất đều và đẹp như-một-người-lớn của Akari tôi lại thấy mấy hình vẽ tí hon dễ thương (như ở đoạn vừa rồi cô ấy đã minh họa bằng hình ông mặt trời và một con ve sầu). Chúng khiến tôi vừa đọc vừa tự hình dung về cô bé Akari đang từng bước lớn lên như thế nào, và hiện tại thì trông ra sao. Lá thư ngắn ngủn kể cho tôi viết vài điều về cuốc sống mới của Akari: từ việc hàng ngày đi chuyến xe điện có bốn toa đến trường thế nào, cho đến quyết định tham gia vào câu lạc bộ bóng chuyền của trường để “giữ eo” và việc đã chấp nhận “hy sinh” mái tóc dài giờ chỉ còn ngang tai ra sao. Kì lạ là những thay đổi ấy không làm tôi khó chịu chút nào. Akari không viết rằng cô ấy nhớ tôi và qua từng dòng thư tôi phần nào có thể cảm nhận được cuộc sống mới của cô ấy đang tiến triển tốt đẹp và cô ấy thích nghi được với nó. Thật tình là tôi khá vui vì cô ấy đã không kể lể nhưng vậy. Khẳng định rằng chúng tôi đã xa nhau và nhớ nhau chỉ làm chính Akari và tôi thêm buồn mà thôi.
Từ đó, mỗi tháng chúng tôi lại viết cho nhau một lần, và tôi bắt đầu thấy cuộc sống của mình dễ thở hơn rất nhiều. Hình như tôi lại “có nhận thức” hơn thì phải. Một người bình thường luôn phản ứng đúng theo nhận thức của họ và cho đó là điều hiển nhiên, ví dụ như một tiết học chán ngắt thì… dĩ nhiên là chán ngắt. Khoảng thời gian có Akari đã khiến tôi bắt đầu biết khó chịu cuộc sống vô vị trước đây – toàn là những giờ tập luyện gay gắt hay những trò sai vặt vô lý của bọn đàn anh. Lại thêm một điều trái khoáy nữa, là khi thấy khó chịu như thế tôi nhận ra việc chịu đựng chúng lại trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi không than vãn cho nhau những khó khăn hay bất tiện trong cuộc sống bởi giờ đây chúng tôi không cần lo lắng điều đó. Qua những lá thư tôi dám mạnh dạn tuyên bố rằng: trên thế giới này chỉ có Akari là hiểu tôi, và chỉ tôi là người duy nhất đồng cảm với cô ấy.
Hè hết, rồi mùa thu cũng chóng qua đi. Mùa đông đã đến cùng với tuổi mười ba của tôi. Tôi đã cao hơn bảy centimet và có chút “cơ bắp” so với năm trước. Sức đề kháng tốt hơn cũng giúp tôi ít bị cảm cúm. Và hơn hết, tôi thấy mình ngày càng gần gũi đến thế giới bên ngoài hơn.
Cô ấy cũng mười ba rồi! Mỗi khi nhìn các bạn nữ sinh trong bộ đồng phục duyên dáng của mình, tôi lại cố mường tượng hình ảnh Akari mặc đồng phục thì như thế nào. Akari từng viết rằng muốn lại được cùng tôi ngắm hoa anh đào nở như hồi còn học tiểu học ấy. Có một cây anh đào lớn gần nhà Akari, trong một bức thư cô ấy có viết như thế.
“Mình chắc rằng những cánh hoa nơi đây cũng chầm chậm rơi xuống đấy với vận tốc là 5 cm/s!”
***
Tôi bước vào học kì thứ ba[5], đó cũng là lúc tôi nhận được tin mình sẽ chuyển trường lần nữa…
[5] Học kì thứ ba: đa số các trường của Nhật bản đều chia mỗi năm thành ba học kì, trong đó học kì thứ ba bắt đầu sau kì nghỉ đông và kéo dài từ tháng một đến tháng ba, học kì ba kết thúc bằng kì nghỉ Xuân (mỗi kì nghỉ Đông và Xuân kéo dài khoảng hai tuần).
Nhà tôi dự định sẽ chuyển đi vào kì nghỉ xuân sắp tới đến Kagoshima, một huyện đảo gần vùng Kyushuu. Mất đến hai tiếng bay từ sân bay Haneda ở Tokyo mới có thể đến được Kagoshima, và đối với tôi thế chẳng khác nào sống ở nơi tận cùng thế giới vậy. Dù gì thì tôi đã quen với những xáo trộn như thế trong cuộc sống của mình nhưng điều lớn nhất khiến tôi bận tâm chính là khoảng cách – cái khoảng cách địa lí giữa tôi và Akari. Từ hết tiểu học chúng tôi chưa gặp nhau lần nào dù nơi hai đứa ở không xa nhau lắm, chỉ ba tiếng xe điện là chúng tôi đã có thể gặp nhau vào mỗi thứ Bảy. Chứ một khi đã chuyển đến vùng cực Nam của Nhật Bản thì rất có thể tôi không còn cơ hội gặp Akari nữa…
Thế là tôi quyết định viết một lá thư cho Akari biết rằng tôi muốn gặp cô ấy lần cuối cùng trước khi đi xa. Một lô những địa điểm có thể gặp nhau được tôi liệt kê ra và cô ấy hồi âm gần như tức thì. Hào hứng là thế nhưng quả thật chúng tôi chẳng được rảnh rỗi cho lắm. Thi cuối kì xong là tôi phải bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa và thu xếp hành lý, Akari thì có những hoạt động ở trường và ở CLB phải lo. Vì vậy chỉ đến ngày đi học cuối cùng chúng tôi mới kiếm được một buổi tối.
Sau khi kiểm tra thật kĩ lưỡng, chúng tôi đã quyết định hẹn ở một trạm xe điện ngầm gần nhà Akari vào lúc bảy giờ tối hôm đó. Vậy là tôi sẽ cúp bữa tập của CLB bóng đá để có hai tiếng trò chuyện với Akari, sau đó vừa kịp bắt chuyến cuối cùng về nhà. Nếu về được trong ngày thì viện cớ xin ba mẹ cũng dễ dàng hơn. Hành trình của tôi dự định sẽ bắt đầu với chuyến xe đi trên tuyến Oda, đến Saikyou rồi chuyển xe để đi Utsu, cuối cùng đi tuyến Ryouke là tới nơi. Cả đi và về tốn tầm ba ngàn yên rưỡi[6]. Đó là một số tiền không nhỏ, nhưng gặp lại Akari với tôi mới là quan trọng nhất.
[6] 3500 yen: khoảng 770.000 VND
Còn hai tuần nữa là đến ngày hẹn. Tôi dành khoảng thời gian này để viết một lá thư dài cho Akari. Tôi gửi gắm vào bức “thư tình” đầu tiên trong đời mình tất cả – từ hy vọng về một tương lai hạnh phúc đến những câu nói hay, những ngôn từ sâu sắc nhất trong mọi quyển sách, bản nhạc tôi đọc tôi nghe mỗi ngày. Tôi cũng gửi vào đó, niềm tha thiết mong Akari hiểu rằng cô ấy quan trọng với tôi đến nhường nào. Dù có người sẽ coi thứ tình cảm đó là “con nít”, nhưng quả thật lúc ấy tôi đã quyết định sẽ thật lòng với bản thân và muốn bày tỏ tấm lòng ấy chân thành hết mức có thể. Khó mà nhớ hết được hồi đó tôi viết những gì, nhưng chắc chắn bức thư ấy đã dài đến tám trang. Tám trang giấy chất chứa biết bao câu chuyện, cảm xúc của tôi chỉ dành riêng cô ấy. Khi lá thư đến tay Akari cũng là lúc tôi tin rằng một phần của mình được ở bên cô ấy, và đó sẽ là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mới ở vùng đất Kagoshima xa lạ.
Không chỉ qua những bức thư, nỗi nhớ về Akari còn đến với tôi trong những giấc mơ…
Trong mơ tôi thường là một chú chim câu dang rộng cánh mà bay trong bầu trời đêm, xuyên qua đường hầm và những tòa cao ốc sừng sững của thành phố. Một cảm giác rùng mình khoái chí dâng trào trong chính tôi khi cảm nhận cái thân hình bé nhỏ của mình phóng vút đi với tốc độ gấp hàng chục hàng trăm lần so với việc chạy bộ trên mặt đất. Chú chim ấy vội vã bay đến một vùng đất xa xôi, nơi có một điều đặc biệt đang chờ đợi. Hòa mình vào một luồng gió thần tốc, chú chim thấy cả thành phố từ lúc nào đã bị bao phủ bởi cả nghìn dải ánh sáng. Thứ ánh xanh dịu nhẹ của những vì sao cao tít trên trời rũ xuống hòa với thứ ánh đỏ ấm áp của hàng chục chiếc xe điện hoạt động không ngừng nghỉ. Tokyo từ trên nhìn xuống bấy giờ trông chẳng khác nào một hệ thống động mạch, tĩnh mạch chằng chịt của một sinh vật khổng lồ đang ngủ yên trong lòng thành phố.
Tôi tiếp tục bay. Ánh sáng nhờ nhợ của ánh trăng chiếu qua những đám mây làm gờ của chúng ửng lên một màu xanh thẫm, làm tôi hoảng hồn cứ ngỡ mình mới ngủ quên mà cắm đầu xuống một đại dương rộng lớn nào vậy. Càng lên cao sự sống càng trở nên thưa thớt và cảnh vật thì càng kì ảo. Tôi như đang bay trong bầu khí quyển của một hành tinh khác. Cơ thể bao bọc trong lớp lông vũ run lên bần bật trong vui sướng, chưa bao giờ tôi được tự do làm bá chủ của một bầu trời như thế, một không gian rộng lớn như thế!
Biết mình sắp tới đích, tôi liền thu cánh mà háo hức lao xuống. Nơi cô ấy sống đã hiện ra trước mắt! Đó là những cánh đồng vắng hoe trải dài đến chân trời, đó là mái nhà trông như những ô vuông chấm thưa thớt trên bức họa làng quê điểm xuyến chút màu xanh lá mạ từ vài mảng rừng nhỏ xíu. Một vệt sáng bỗng dưng xẹt ngang qua, đó là đèn của xe lửa. Tôi chắc mẩm cái tôi con người đang ngồi trong đó, và ở trạm ga tôi thấy một cô gái chờ đợi. Cô bé có mái tóc ngắn ngang tai đang ngồi một mình, gần băng ghế có một cây anh đào lớn. Cây không có hoa nhưng tôi vẫn cảm nhận được luồng sinh khí toát ra ngoài lớp vỏ dày cui phủ đầy tuyết. Cô gái đã thấy tôi, cảm nhận được sự hiện diện của tôi rồi.
Đúng vậy, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.