Truy Tìm Bức Tranh Thánh

CHƯƠNG 9



Viên hạ sĩ thì thầm vào tai Adam:
-Cho hắn ta chết đi, thưa ngài.
Adam lầu bầu và nhảy vào giữa vòng người:
-Không hòng thế đâu.
Người huấn luyện viên chắc nịch cuồn cuộn bắp thịt đang đứng chờ, nói:
-Thử vài vòng xem sao?
Adam nhún người vờn quanh người huấn luyện viên thể dục tìm cách ra đòn. Anh nhảy sang trái và bị đấm một quả trúng mũi như trời giáng. Viên thượng sĩ nói:
-Giơ cao tay lên!
Adam lại nhảy sang bên, giáng trúng cho tay huấn luyện viên một quả đấm vào giữa ngực nhưng liền sau đó bị chọc mạnh vào một bên đầu. Anh choáng váng, hai tai lùng bùng nhưng lần này đã kịp giơ nấm đấm lên phòng thủ trong khi liên tiếp bị bồi một nhát bên phải rồi một phát bên trái nữa.
-Ngài ngốc lắm, vấn đề là ở chỗ đó, thưa ngài. Thậm chí ngài không thể đấm thủng vỏ một cái bánh nướng nữa kia.
Adam giơ tay phải lên nhử rồi vung tay trái lấy hết sức đấm một quả đúng giữa cằm tay thượng sĩ, khiến anh ta loạng choạng rồi ngã dụi xuống.
Viên hạ sĩ đứng bên cạnh vòng dây cười khoái chí trong khi người huấn luyện viên vẫn chưa đứng dậy nổi. Cuối cùng anh ta cũng gượng đứng lên được.
Adam nói, hai tay giơ lên thủ thế:
-Rất tiếc.
-Đừng áy náy đồ ngốc.. thưa ngài. Quả là một cú đấm rất đẹp. Một cú nốc ao kỹ thuật, chính xác, vì thế tôi sẽ phải mất một hai ngày nữa mới có thể phục thù được.
Adam thở phào nhẹ nhõm và buông hai tay xuống.
-Nhưng như vậy không có nghĩa là ngài thoát đâu. Bây giờ đến bài tập thể lực dành cho anh. Bài tập chống hai tay hôn đất bắt đầu.
Suốt một giờ sau đó người huấn luyện viên truy đuổi, đá, thúc giục và hành Adam cho đến khi anh gục xuống sàn không cầm nổi một tờ báo nữa.
Anh ta nói:
-Không đến nỗi nào, thưa ngài. Tôi cảm thấy chắc chắn Bộ Ngoại giao sẽ có thể tìm được một chỗ thích hợp cho ngài. Cũng nhắc cho ngài là công việc đó cũng nhiều cái bẩn thỉu lắm, thậm chí ngài còn có dịp để cảm thấy xấu hổ nữa kia.
Adam nằm ngửa nói:
-Ông quả là một tay xu nịnh bật nhất, thượng sĩ ạ.
Người huấn luyện viên ra lệnh:
-Ngài đứng dậy đi chứ.
Adam cố hết sức lảo đảo ngồi dậy thật nhanh. Anh nói với người huấn luyện viên:
-Chớ có nói với tôi rằng – Rồi hai người cùng đồng thanh – Chính là sự phục hồi nhanh mới chứng tỏ thẻ lực chứ không phải là tốc độ.
Lúc quay lại phòng thay quần áo của câu lạc bộ Nữ hoàng, người huấn luyện viên nói:
-Thật tiếc là anh đã rời khỏi quân đội. Không có mấy sĩ quan có thể quật ngã tôi xuống sàn đâu – Anh ta đưa tay sờ nhẹ vào cầm – Như vậy chứng tỏ là tôi đã đánh giá thấp một kẻ đã sống sót sau chín tháng bị giam trong rừng rậm ở Chink. Vậy thì ta cũng hy vọng Bộ Ngoại giao cũng sẽ không đánh giá thấp anh.
Anh ta đứng lại cạnh tủ đựng đồ riêng của mình:
-Thứ Tư, cũng giờ này chứ?
-Thượng sĩ, thứ Tư không thể được. Có thể lúc đó tôi vẫn ở Geneva chưa về kịp.
-à ra bây giờ chúng ta hoàn toàn lượn lờ ở châu Âu thôi nhỉ?
Adam lờ đi như không nghe thấy câu nói chế nhạo.
-Có thể sáng thứ Năm nếu anh thấy tiện.
-Thứ Hai tới anh sẽ phải đến mấy lão lang băm để kiểm tra sức khỏe, nếu tôi nhớ không lầm.
-Đúng vậy.
-Vậy thì mười giờ sáng thứ Năm, như vậy anh sẽ có nghĩ thêm được một chút về cú móc phải của tôi.
Vị Chủ tịch đọc bản báo cáo trước mặt, có cái gì đó nghe không thật.
Ông ngước nhìn Romanov:
-Cậu đến ngân hàng Bischoff et Cie vì họ bảo là họ đang giữ một bức tranh Thánh từ thế kỷ mười lăm và có thể là bức tranh chúng ta đang tìm kiếm phải không?
-Đúng như vậy, chính Chủ tịch ngân hàng Gosbank đã thu xếp cuộc gặp gỡ đó.
-Nhưng rồi bức tranh Thánh đó hóa ra lại là bức về Thánh Peter chứ không phải bức Thánh George và Con Rồng?
-Vâng.
-Và sau đó, buổi tối ấy cô Petrova đã lỡ hẹn với cậu một cách bí ẩn?
Romanov nói:
-Một cách không giải thích nổi.
Yuri nói
-Nhưng đó là điều mà cậu đã báo cáo cho ông Melinski ở Đại sứ quán – ông ngừng lại một lúc – cậu chịu trách nhiệm về việc chọn Petrova, đúng không?
-Đúng vậy.
-Như vậy về phía cậu cũng thiếu thận trọng, đúng không?
Yuri quay lại tờ báo cáo.
-Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, cậu vẫn không thấy tăm hơi cô gái đâu?
Romanov nói:
-Cô ta cũng không quay lại để ăn sáng như đã hẹn. Và khi tôi đi vào phòng cô ta thì tất cả đồ đạc của cô ta đã biến mất.
-Điều đó khiến cậu nghĩ rằng cô ta đào ngũ?
Romanov đáp:
-Vâng.
Yuri nói:
-Nhưng cảnh sát Thụy sĩ đã không tìm thấy dấu vết nào của cô ta. Vì thế tôi phân vân mãi lý do gì khiến cô ta đào ngũ. Gia đình ruột thịt và chồng cô ta sống đây, và đây không phải là lần đầu tiên cô ta đi công tác ở một nước phương Tây.
Romanov không nói gì.
-Có lẽ Petrova đã mất tích bởi vì cô ta có thể nói ra một vài điều mà cậu không muốn chúng tôi biết chăng?
Romanov vẫn không nói gì.
Một lần nữa Yuri lại đưa mắt nhìn tập tài liệu:
-Tôi cứ phân vân không hiểu Petrova có thể cho chúng tôi biết điều gì? Hay là về chuyện cậu đã ngủ với ai đêm đó?
Romanov thấy ớn lạnh, không hiểu Yuri biết rõ sự thật đến đâu?
Yuri ngừng một lát và lại xem gì đó trong tập hồ sơ:
-Có thể cô ấy nói cho chúng tôi biết vì sao cậu quay lại ngân hàng Bischoff et Cie lần thứ hai – Yuri lại ngừng lại lần nữa – Tôi nghĩ có lẽ cần mở cuộc điều tra về trường hợp mất tích của Anna Petrova. Bởi vì, Romanov, khi cậu quay lại ngân hàng lần thứ ba – giọng Yuri cao dần lên – thì bất cứ một tên gián điệp hạng hai nào từ đây cho đến Istambul đều hiểu rằng chúng ta đang tìm kiếm một vật gì đó.
Yuri lại ngừng lại lần nữa, Romanov vẫn tuyệt vọng cố nghĩ xem ông ta có thể có một bằng chứng thật nào không. Một hồi lâu sau không ai nói gì.
-Thiếu tá Romanov, bao giờ cậu cũng là người cô độc, và tôi không phủ nhận rằng đôi khi những thành tích của cậu khiến tôi bỏ qua những trực giác nhất định. Nhưng tôi không phải là một người cô độc. Tôi là một cán bộ bàn giấy và không thể để cho cậu hành động một cách tự do – Ông gõ chiếc chặn giấy hình con tàu Luna 9 lên mặt bàn – tôi là một người của hồ sơ và giấy tờ. Tôi bao giờ cũng lập báo cáo làm ba bản, trả lời các câu hỏi làm bốn bản, giải thích một quyết định làm năm bản.
Romanov vẫn im lặng, đó là một thói quen mà nhiều năm làm việc cho Ủy ban đã thấm vào anh ta. Anh ta bắt đầu tin rằng Yuri chỉ mới ước đoán. Nếu như ông ta mà nghi ngờ sự thật thì cuộc phỏng vấn này ắt đã phải thay bằng một cuộc hỏi cung thiếu lịch sự hơn nhiều.
Yuri đứng hẳn lên, nói:
-Mặc dù ở phương Tây người ta bôi nhọ hình ảnh của chúng ta, nhưng ở nước ta người ta điều tra một cái chết có nghi vấn kỹ lưỡng hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Và Romanov ạ, cậu sẽ thấy cái nghề mà cậu đã chọn dễ theo hơn nhiều nếu như cậu sinh ra ở Châu Phi, Nam Mỹ hay thậm chí ở Los Angeles.
Romanov không dám liều mạng nói bất cứ câu gì.
-Sáng nay sếp đã báo với tôi rằng ông không hài lòng với những cố gắng mới đây, nhất là sau bước khởi đầu xuất sắc. Mặc dầu vậy sếp chỉ quan tâm đến một việc duy nhất, đó là tìm cho ra bức tranh Thánh của Sa Hoàng, nếu như ông chưa quyết định chấm dứt điều tra. Nhưng nếu như cậu còn hành động vô trách nhiệm như vậy một lần nữa thì sẽ không còn chỉ bị gọi đến đối mặt nữa đâu, mà sẽ là một phiên tòa quân sự kia. Và tất cả chúng ta đều biết thừa cái gì sẽ đến nếu Romanov phải ra một phiên tòa quân sự – Ông đóng tập hồ sơ lại.
-Trái với ý kiến của tôi và bởi vì chúng ta chỉ còn lại chưa đầy một tuần, tôi sẽ cho phép cậu có một dịp thứ hai và tin rằng cậu sẽ thật sự lần ra được bức tranh đó. Tôi nói đã rõ chưa? – Ông quát lên.
Romanov nói:
-Rất rõ!
Romanov lịch sự quay gót và vội vã ra khỏi phòng.
Yuri chờ cho cánh cửa đóng lại hẳn rồi quay lại đăm đăm nhìn tập hồ sơ. Cần phải biết Romanov đã làm gì, ông chợt nhận thấy sự nghiệp của chính bản thân mình lúc này cũng đang cheo leo. Ông ấn vào một cái nút gắn bên cạnh, ra lệnh:
-Cho tìm thiếu tá Valcheck.
Adam thú nhận:
-Anh chưa bao giờ nếm trứng cá cavia với champagne cả.
Anh ngước nhìn cô gái xinh đẹp ngồi đối diện bên kia bàn. Anh rất thích kiểu buộc tóc, cách ăn mặc, điệu cười và đặc biệt là cái cách cô mỉm cười.
-Ồ đừng sợ. Là vì em không thể hình dung có bao giờ món trứng cá cavia lại có thể xuất hiên trong thực đơn này – Heidi nói – Nhưng có lẽ không bao lâu nữa khi nào anh đã là chủ bức tranh Thánh của Sa hoàng, nghĩa là nếu ngài Roesenbau…
Adam đặt ngón tay lên môi:
-Không một ai khác biết về chuyện đó đâu, kể cả Lawrence.
Heidi thì thào:
-Có lẽ như vậy là khôn ngoan. Nếu không anh ấy sẽ muốn anh đầu tư tiền đó vào cái ngân hàng chán ngắt của mình.
Adam hỏi, cố đoán xem cô gái biết được những gì:
-Sao em lại nghĩ là anh sẽ có một chiếc Rolls – Royce.
-Không có việc làm thì anh chớ có nên thuê lái xe đấy nhé.
-Nhưng anh chỉ có mỗi một chiếc mô tô mà thôi.
Cô gái phá lên cười:
-Vậy thì anh sẽ phải bán nó nếu bức tranh Thánh hóa ra chỉ là một vật vô giá trị.
Người bồi ban đang thu dọn bàn, hy vọng sẽ có được hai vị khách nữa trước khi đóng cửa, hỏi:
-Sau đây các vị uống cà phê chứ ạ?
Adam nói:
-Vâng, hai cà phê sữa – Anh quay lại Heidi – Buồn cười lắm, lần duy nhất anh gọi điện tìm Lawrence tại ngân hàng thì người trực tổng đài lại không nhớ ra anh ấy ngay.
Heidi hỏi:
-Tại sao như vậy lại rất đáng ngạc nhiên?
Adam nói:
-Vì cứ như là cô ta chưa bao giờ nghe thấy tên anh ấy vậy. Nhưng có lẽ đó là do anh tưởng tượng ra thôi.
-Một ngân hàng cở ấy nhất định phải có hàng ngàn nhân viên. Anh có thể làm việc ở đó hàng năm mà không hề biết những người khác.
Adam nói khi người ta bưng hai tách cà phê đến:
-Chắc là em nói đúng.
Heidi nhấm một ngụm cà phê và thấy nó nóng quá. Cô hỏi:
-Bây giờ anh định đi Geneva?
-Sáng sớm thứ Tư. Hy vọng là tối hôm đó sẽ quay về ngay.
-Tuyệt đấy.
-Em nói thế nghĩa là thế nào?
-Chọn đúng ngày em được nghỉ để bay đi mất. Nghe chẳng lãng phí tí nào cả.
Adam nhoài người qua bàn, nắm lấy tay cô và hỏi:
-Vậy thì tại sao em không đi cùng với anh?
-Ồ, như vậy có lẽ hóa ra còn ấn tượng hơn cả việc ăn món xúc xích cùng với anh nữa nhỉ.
-Anh mong như vậy. Với lại đằng nào em cũng sẽ có ích nữa.
Heidi nói:
-Đằng nào anh cũng nói được.
-Em biết là anh không cố ý mà, đơn giản là anh không nói được tiếng Đức hay tiếng Pháp nào, và cũng chưa bao giờ đến Thụy Sĩ, trừ một lần trượt tuyết hồi còn đi học, mà lần ấy anh toàn bị ngã.
Heidi lại nhấp một ngụm cà phê. Adam hỏi, vẫn không buông tay cô ra:
-Nhé?
Cuối cùng Heidi nói:
-Người Thụy Sĩ nói tiếng Anh rất giỏi. Với lại nếu anh gặp khó khăn gì với ngân hàng, anh có thể liên lạc với Lawrence kia mà.
Adam nói:
-Chỉ có một ngày thôi mà.
-Nhưng sẽ lãng phí tiền của anh.
Adam nói:
-Chẳng lãng phí tí nào.
-Tuyệt!
Adam nói:
-Nói đến chuyện tiền. Sau khi trừ tiền mua vé khứ hồi cho em, anh chỉ còn gần hai mươi bảng. Không hiểu anh sẽ làm thế nào đây.
Heidi nói, lần đầu tiên tỏ vẻ nghiêm túc:
-Anh nói thật đấy à? Nhưng phụ nữ đâu có phải là loại bốc đồng?
-Em luôn mang Jochen đi cùng cơ mà.
Heidi cười phá lên:
-Anh ấy sẽ không chui vừa vào máy bay đâu.
Adam nói:
-Vậy thì em nói em sẽ đi đi.
-Với một điều kiện.
Adam nhe răng cười:
-Đi riêng máy bay à?
-Không. Nhưng nếu bức tranh đó là vô giá trị thì phải để em thanh toán vé máy bay cho mình.
Adam nói:
-Nó không thể rẻ hơn ba mươi mốt bảng. Cho nên anh đồng ý với điều kiện của em – anh nhoài người sang hôn vào môi Heidi, nói – Có khi mất hơn một ngày kia đấy. Vậy thì em sẽ nói gì nào?
Heidi đáp:
-Vậy thì em sẽ đòi ở một khách sạn khác, nếu như họ không đòi phải trả giá cao bằng tiền Thụy Sĩ – Cô nói thêm.
-Romanov, bao giờ anh cũng rất đáng tin cậy. Anh có được phẩm chất đầu tiên cần có để một nhà hoạt động ngân hàng thành công.
Romanov nhìn kỹ ông lão, cố tìm một dấu hiệu nào cho thấy ông biết rõ ở ngân hàng đó có gì đang chờ anh ta.
-Còn ông luôn luôn có hiệu quả, phẩm chất duy nhất luôn luôn cần có đối với nghề của tôi.
Ông lão nói và châm một điếu thuốc.
-Trời ơi. Chúng ta nói cứ như hai chính ủy già trong cuộc họp mặt hàng năm vậy. Zurich ra sao?
-Giống như một cái máy kéo bóng vậy. Cái cỗ máy đó làm việc rất tuyệt.
Chủ tịch ngân hàng nói:
-Và tôi có thể đoán rằng cỗ máy đã không sản xuất ra được bức tranh Thánh của Sa hoàng chứ gì?
-Đúng vậy. Nhưng ngài Bischoff rất được việc. Mọi yêu cầu của tôi đều được đáp ứng.
-Mọi yêu cầu ư?
Ramanov đáp:
-Vâng.
Poskonov nói:
-Bischoff là một người tốt. Chính vì thế nên tôi mới giới thiệu anh tới đó đầu tiên.
Romanov hỏi:
-Ngoài việc ông ta là người tốt thì còn lý do gì khác để ông giới thiệu tôi đến đó nữa không?
Poskonov nói:
-Có năm lý do khác nữa, nhưng chúng ta không nên mất thì giờ nói đến chuyện đó trước khi anh tìm ra bức tranh.
Romanov quả quyết:
-Có lẽ tôi muốn mất thì giờ ngay lúc này hơn.
Ông lão nhướng lông mày:
-Tôi đã sống lâu hơn hai Romanov rồi và không muốn sống lâu hơn Romanov thứ ba nữa làm gì. Bây giờ hãy cứ gác lại đã, tôi tin rằng chúng ta sẽ đi đến một sự hiểu biết khi nào người ta thôi không chú ý tới anh nữa.
Romanov gật đầu.
-Vậy, có lẽ anh sẽ hài lòng khi biết rằng trong lúc anh đi vắng tôi cũng không hề lười biếng. Nhưng e rằng những kết quả của tôi cũng giống như cỗ máy kéo bóng lộn thôi.
Poskonov vẫy tay mời Romanov ngồi xuống một chiếc ghế rồi mới mở tập hồ sơ ra, lần này trông tập hồ sơ dày hơn lần trước nhiều. Ông bắt đầu:
-Thoạt tiên anh đã đưa cho tôi danh sách gồm mười bốn ngân hàng – Mười một trong số đó khẳng định không giữ bức tranh Thánh của Sa Hoàng.
Romanov hỏi:
-Tôi đã tự hỏi không hiểu có nên tin lời họ không?
Poskonov đáp:
-Không cần thiết. Nhưng công bằng mà nói người Thụy Sĩ thích nói dối hơn là dính vào chuyện này. Sớm muộn rồi cũng biết ai là kẻ nói dối thôi và tôi thì vẫn còn ngồi ở cái văn phòng điều hành tiền tệ của tám nước kia mà. Có thể tôi sẽ không sử dụng đến cái người ta gọi là sức mạnh tài chính nhưng vẫn có thể có một ảnh hưởng nào đó đến hệ thống tiền tệ của thế giới tư bản.
Romanov nói:
-Chúng ta vẫn còn lại ba ngân hàng phải không ạ?
-Đúng thế, thứ nhất là Bischoff et Cie, chỗ này anh đã đến rồi. Nhưng hai ngân hàng còn lại từ chối hợp tác.
-Tại sao ảnh hưởng của ông lại không với tới hai ngân hàng đó?
Poskonov đáp:
-Những lý do hiển nhiên nhất là có những ảnh hưởng khác mạnh hơn. Ví dụ nếu như nguồn tài chính lớn nhất của anh là dựa vào các gia đình Do Thái hoặc Mỹ chẳng hạn thì sẽ không có thế lực nào bắt anh chơi với Nga được nữa.
Romanov gật đầu, Poskonov tiếp tục nói:
-Trường hợp này là thế, nhưng vẫn còn cơ hội nữa là nếu như hai ngân hàng này giữ bức tranh Thánh và bởi vì họ sẽ không bao giờ chấp nhận Mẹ Nga của chúng ta tôi thì không chắc lắm là sẽ khuyên anh như thế nào.
Ông ngồi dựa lưng ra sau và chờ Romanov thấm thía những điều ông vừa nói.
Poskonov châm một điếu thuốc nữa rồi nói:
-Anh là người hay im lặng nhỉ.
Romanov nói:
-Ông đã gợi cho tôi một ý nghĩ. Tôi nghĩ người Mỹ gọi cái đó là một “cú bắn tầm xa” mới.
-Bóng chày là một món tôi chẳng bao giờ hiểu nổi, nhưng mặc dầu vậy tôi vẫn vui mừng được sử dụng nó vào một ngày nào đó. Mặc dầu tôi cũng không tin là anh còn cần đến cái này nữa, dẫu cho “cú bắn tầm xa” của anh có là cái gì chăng nữa – Ông rút một tờ giấy ra khỏi tập hồ sơ trước mặt và đưa cho Romanov. Trên đó có mấy chữ: Simon et Cie, Zurich (từ chối). Roget et Ci, Ceneva ( từ chối) – Không nghi ngờ gì về việc anh sẽ sớm quay lại Thụy Sĩ.
Romanov nhìn thẳng vào ông chủ tịch. Ông lão nhìn trả lại.
-Anh sẽ thấy là tôi không dễ dàng bị rũ đi như Anna Petrova đâu – ông nói thêm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.