Phù thủy xứ Oz

Chương 4



Sau vài giờ đồng hồ, con đường bắt đầu khấp khểnh. Chuyến bộ hành bỗng chốc khó khăn khiến Bù nhìn vấp ngã luôn trên đám gạch vàng rất đỗi gồ ghề ở quãng đường này. Đôi lúc, chúng bị hỏng hoặc biến mất cả, để lại những cái hố mà Toto phải nhày qua còn Dorothy phải bước vòng. Duy chỉ có Bù nhìn vì chẳng có óc nên anh ta cứ thằng tiến, rồi sa xuống hố và ngã dài trên những viên gạch cứng. Tuy vậy, không bao giờ anh ta đau, và được Dorothy kéo dậy cho ngay ngắn, rồi cùng cô cười thật tươi về rủi ro của mình.

Đồng ruộng nơi đây không được chăm nom như trước. Nhà cửa ít hơn, cây ăn quả thưa, và họ càng đi xa, khung cảnh càng u ám và đơn độc.

Tới trưa, họ ngồi xuống bên đường, gần một con suối nhỏ. Dorothy mở giỏ lấy ra một ít bánh mỳ. Cô mời Bù nhìn một miếng, nhưng anh ta từ chối.

“Tôi không bao giờ đói”, anh ta bảo, “và thế là may. Vì miệng của tôi chỉ là sơn mà. Nếu tôi khoét một cái lỗ ở đó để mà ăn thì rơm trong người sẽ tràn ra, và thế là hỏng mất cái đầu của tôi”.

Dorothy thấy ngay điều đó, nên cô chỉ gật đầu và tiếp tục ăn bánh.

“Cô kể cho tôi điều gì về mình đi, về xứ sở mà từ đó cô tới”, Bù nhìn nói khi cô đã ăn xong bữa tối. Vậy là cô kể anh ta nghe về Kansas, về màu xám bao trùm vạn vật, và làm thế nào cơn lốc xoáy mang cô tới vùng đất kỳ lạ này của Oz. Bù nhìn chăm chú lắng nghe, rồi bảo, “Tôi không hiểu tại sao cô lại mong rời cái chốn xinh đẹp này để trở về cái nơi khô cằn, xám xịt mà cô gọi là Kansas”.

“Đó là vì anh không có óc”, cô bé trả lời. “Dù quê hương có tồi tàn, ảm đạm bao nhiêu, con người ta bằng xương bằng thịt vẫn mong sống ở đó hơn bất kỳ nới nào dù đẹp đẽ đến mấy. Có nơi đâu bằng nhà mình”.

Bù nhìn thở dài.

“Đương nhiên là tôi không thể hiểu”, anh ta nói. “Nếu đầu người ta nhồi đầy rơm như tôi đây, có lẽ họ sẽ sống hết những nơi tươi đẹp, và Kansas sẽ trống vắng không còn một ai. Thực may cho Kansas là người ta còn có óc”.

“Anh kể tôi nghe chuyện gì đi, trong lúc ta nghỉ?”, cô bé hỏi.

Bù nhìn có vẻ xấu hổ, và đáp, “Đời tôi mới ngắn quá nên tôi quả thực chả biết gì. Tôi mới được làm ra từ ngày hôm kia. Những điều xãy ra trên thế gian này trước đó tôi chẳng hề hay. May mà khi làm cái đầu cho tôi thì bác nông dân sơn tai trước nên tôi liền nghe được chuyện gì đang diễn ra. Có một người Munchkin cùng với bác, và thoạt tiên tôi nghe bác ta bảo, “Anh thấy đôi tai này thế nào?”

“Chưa được thẳng lắm”, người kia đáp.

“Chẳng sao”, bác nông dân nói. “Tai nào cũng thế cả, vậy là giống rồi”.

“Giờ ta làm mắt”, bác nông dân nói. Rồi bác vẽ mắt trái cho tôi, và khi vừa xong tôi thấy mình đang nhìn bác và mọi thứ xung quanh vô cùng tò mò, vì đó là cái nhìn đầu tiên của tôi ra thế giới.

“Mắt nó đẹp đấy”, người Muchkin đang xem bác nông dân làm, nhận xét. “Xanh nước biển chính là màu dành cho mắt”.

“Tôi sẽ cho mắt kia to hơn một chút”, bác nông dân bảo. Và xong con mắt thứ hai, tôi đã nhìn rõ hơn nhiều. Rồi bác ta làm mũi, làm miệng cho tôi, nhưng tôi không nói gì, vì lúc đó tôi chưa biết công dụng cái miệng. Tôi thấy vui vui liếc xem họ làm thân mình, tay chân, và sau cùng khi họ xiết đầu tôi vào, tôi thấy tự hào lắm, vì tôi nghĩ mình cũng là một con người như ai.

“Gã này sẽ đuổi quạ hết sẩy”, bác nông dân bảo, “trông cứ như người”.

“Sao nào, hắn chính là người mà”, người kia nói, và tôi hoàn toàn đồng tình với anh ta. Bác nông dân cắp tôi tới ruộng lúa rồi đặt tôi lên ngọn sào dài nơi cô đã thấy. Bác ta và bạn mình sau đó bỏ đi ngay, mặc tôi ở lại.

“Tôi không muốn bị bỏ lại như thế, nên muốn chạy theo họ. Nhưng chân không chạm nổi đất, và tôi buộc phải ở lại trên cái sào. Thực là một cuộc đời cô lẻ, vì tôi chẳng có gì để nghĩ, khi mới ra đời có lâu la gì. Lũ quạ và chim khác bay vào ruộng lúa, thấy tôi chúng liền bay đi, vì nghĩ rằng tôi là người Muchkin. Điều đó khiến tôi dễ chịu và cảm thấy mình là người quan trọng. Được một lát, có con quạ bay đến gần tôi, hồi lâu chăm chú, nó đậu lên vai tôi và bảo, “Ta tự hỏi có phải lão nông dân cho rằng có thể lừa ta một cách vụng về như thế. Bất cứ con quạ khôn ngoan nào cũng thấy mi chỉ là rơm nhồi”. Rồi nó nhảy xuống chân tôi và chén no bụng lúa. Bọn chim khác, thấy tôi chẳng làm gì được nó, cũng lao vào chén lúa, và chỉ một lúc thôi, cả bầy cả lũ chúng nó đã bu quanh tôi.

“Chuyện đó khiến tôi đau lòng, vì nó cho thấy rút cục tôi chẳng phải là Bù nhìn tốt. Nhưng quạ già an ủi tôi rằng, “ Một khi ngươi có trí khôn trong đầu, ngươi cũng là người như tất thảy bọn họ, và còn tốt hơn một vài trong số đó. Trí khôn là điều duy nhất đáng giá trên đời này, dù người hay quạ”.

“Khi quạ đi rồi, tôi nghĩ mãi về điều này, và quyết định sẽ kiếm cho được một chút trí não. May thay cô đã tới và giải thoát tôi ra khỏi cái sào, và qua những gì cô kể, tôi chắc ông Oz vĩ đại sẽ cho tôi một bộ não chừng nào chúng ta tới được Thành Ngọc Xanh”.

“Tôi cũng hy vọng thế”, Dorothy nhiệt thành đáp, “vì anh đã mong mỏi điều này biết bao”.

“Phải rồi, tôi mong chứ”, Bù nhìn đáp. “Thực là một cảm giác khó chiụ khi thấy mình là đồ ngốc”.

“Thôi được rồi”, cô bé nói, “giờ ta đi thôi”. Và cô đưa chiếc giỏ cho Bù nhìn.

Giờ đây không còn dãy hàng rào ngự trị bên đường, và vùng đất thì hoang vu xù xì. Chiều tối, họ đến một khu rừng lớn, nơi cây cối to và dày đến mức cành của chúng đan cài vào nhau trên đường lát gạch vàng. Trời đã gần như tối bên dưới tán cây, vì lá che hết cả mặt trời. Nhưng các bạn của chúng ta không dừng bước, họ tiến vào rừng.

“Khi đường vào rừng thì nó sẽ ra khỏi rừng”, Bù nhìn nói, “và Thành Ngọc Xanh ở cuối con đường, nên ta cứ tiến lên dù có tới nơi đâu”.

“Ai mà chả biết”, Dorothy nói.

“Hẳn rồi, thế nên tôi mới biết”, Bù nhìn đáp lại. “Nếu cần phải có trí khôn mới biết thì đã không đến lượt tôi”.

Sau khoảng một giờ, ánh sáng tan biến dần và họ thấy mình đang dò dẫm trong bóng tối. Dorothy không thể nhìn thấy gì, nhưng Toto thì có, vì một vài loài chó nhìn trong đêm rất giỏi, còn Bù nhìn thì tuyên bố rằng anh ta thấy rõ như ban ngày. Vậy nên cô nắm tay anh ta và mau mắn đi theo.

“Nếu anh thấy bất kỳ ngôi nhà hay một chỗ nào qua đêm được”, cô bảo, “anh phải bảo tôi, vì đi lại trong bóng tối thật là bất tiện”.

Ngay sau đó Bù nhìn dừng lại.

“Tôi thấy có túp lều tranh nhỏ ở bên phải chúng ta”, anh ta bảo, “bằng gỗ với cành cây. Ta đến đó chứ?”

“Phải rồi”, cô bé đáp. “Tôi mệt quá rồi”.

Thế là Bù nhìn dẫn cô xuyên qua đám cây tới bên túp lều, Dorothy bước vào và thấy trong góc một cái giường bằng lá khô. Cô lập tức nằm xuống, và cùng với Toto ở bên, cô chìm ngay vào giấc ngủ ngon lành. Anh Bù nhìn, người không bao giờ biết mệt, liền đứng vào góc kia, kiên nhẫn đợi bình minh tới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.