Ba Vụ Bí Ẩn

CHƯƠNG 6



Ngày hôm sau, trong văn phòng nhà báo nhỏ, Peter Perkins tỏ ra rất lơ đễnh. Anh chỉ đọc lướt qua các câu đố và truyện cười do độc giả gởi đến để được đăng báo. Đến mười hai giờ trưa anh gọi điện thoại cho Grull.
– Xin lỗi thanh tra, tôi định hỏi thăm xem ông có biết được gì thêm qua năm kẻ bị tình nghi không?
– Không – Grull bực bội trả lời. Tất cả đều có chứng cớ ngoại phạm lúc mười hai giờ khuya. Thậm chí từ lúc mười giờ nữa kìa. Tôi không làm lộ tẩy được tên nào hết.
– Thật ra – Peter bắt đầu nói – anh biết không, tôi nghĩ rằng…
– Perkins, tôi đang bận! Grull đáp rồi cúp máy.
Peter cũng gác máy, lòng nặng trĩu. Phải chi anh có thể bàn về vụ này với một ai đó! Một người khác, cũng say mê câu đố, sẽ cho anh biết ý kiến theo cách nhìn mới… Còn chính anh, Peter Perkins, anh cảm thấy quá gần gũi với vụ này, có liên quan quá trực tiếp.
Peter lơ đãng mở một bức thư ra đọc.
Bức thư chứa một câu đố theo cách viết mật mã, khá hay. Và kí tên là Daniel Grull junior.
Peter giật mình.
Daniel Grull junior! Chắc chắn là con trai của thanh tra Grull. Và lại là một người thích câu đố!
Anh nhà báo ghi địa chỉ lại, chụp lấy cái nón và chạy ra khỏi văn phòng. Một chiếc taxi chở anh đến nhà thanh tra trong vòng mười phút.
Trong khu vườn nhỏ trước nhà, một cậu thiếu niên dong dỏng cao và khỏe mạnh đang quét lá khô.
Peter bước nhanh trên lối đi.
– Có phải Daniel Grull đó không? Peter hỏi.
– Xin chào chú Perkins – cậu bé trả lời. Hình chú trong báo rất giống: chú thấy không, cháu đã nhận ra chú. Chú nhận được câu đố bằng mật mã của cháu chưa ạ?
– Nhận rồi, và chú định cho đăng – Peter nói. Nhưng chú đến gặp cháu vì một lý do quan trọng hơn nhiều.
Peter kể nhanh cho Daniel nghe câu chuyện Fritz Sandoz và các đồng hồ chạy bậy.
– Cháu thấy không – Peter kết thúc – chú tin chắc rằng ông ấy đã cố để lại một bức thông điệp bằng cách dịch chuyển đồng hồ.
Cậu bé gật đầu.
– Cháu xem thử hình vẽ này – Perkins nói. Chắc chắn có một mật mã nào đó. Fritz rất giỏi mật mã và có lẽ ông nghĩ rằng chú cũng có thể đọc ra mật mã này. Nhưng quá ít số để có thể giải ra. Có thể cháu sẽ để ý được một chi tiết nào đó mà chú đã bỏ qua…
Cậu bé nhíu mày.
– Chắc chắn là mật mã – cậu bé nói nhỏ.
Hết sức chăm chú, cậu bé ngồi xuống thềm cửa và Peter cũng ngồi xuống theo. Cả hai cùng xem xét hình vẽ các đồng hồ bí ẩn. Cuối cùng Daniel ngước mắt lên.
– Chú biết không – cậu bé nói – mấy cây kim này làm cháu nghĩ đến tín hiệu cột. Có lẽ đó là một ý nghĩ kỳ cục, nhưng…
– Hoàn toàn không! Peter nắm cánh tay cậu bé kêu lên. Dĩ nhiên là tín hiệu cột! Thời trẻ, Fritz từng là quân nhân ở Thụy Sĩ, thuộc quân đoàn quân chủng thông tin liên lạc. Tín hiệu cột, chắc chắn ông biết cái này! Nhưng chú, thì chú không biết. Chú chỉ học mật mã thôi.
– Thưa chú Perkins, chắc là cháu lầm rồi – Daniel Grull trả lời. Cháu là hướng đạo viên, cháu biết tín hiệu cột và vị trí mấy cây kim này không có nghĩa gì cho cháu cả. Tình cờ vài chữ và vài hình không phải là chữ nữa.
– Dĩ nhiên rồi, Daniel ơi! Mắt Peter Perkins sáng rỡ vì xúc động. Kim đồng hồ không còn chỉ đúng giờ mà ông Fritz sắp chúng. Kim đã chạy tới. Để đọc được bức thông điệp của ông Fritz, ta phải biết được kim được chỉnh lúc nào và ta phải tính lại vị trí bình thường của kim.
– Vậy thì không thể nào làm nổi – cậu bé thở dài. Ông Sandoz có sáng kiến hay, nhưng ông không nghĩ rằng bức thông điệp của ông sẽ rất khó đọc.
– Có chứ, Daniel ơi, ông ta có nghĩ đến! Perkins la lên. Vì vậy mà ông đã cho đồng hồ điện chạy ngược. Cháu hãy nói cho chú biết đối với cháu, một đồng hồ bị đứng chỉ cái gì?
– Ồ! Dễ thôi, chú Perkins à. Cứ hai mươi bốn giờ, nó chỉ đúng giờ hai lần.
– Còn một đồng hồ chạy ngược, với độ chính xác và đều đặn hoàn hảo, nhưng luôn luôn đi về quá khứ, thì đối với cháu nó chỉ cái gì?
– Cháu không biết – Daniel mở mắt to ra nói. Có đồng hồ chạy ngược à?
– Có những đồng hồ điện thật cổ xưa. Máy của chúng quá thô sơ, nên ta có thể cho nó quay theo chiều này hay chiều kia gì cũng được. Bây giờ, cháu hãy xem cái này.
Peter cho cậu bé xem hình vẽ đầu tiên của anh tối hôm đó.
– Vậy là lúc đồng hồ ngược chỉ 2g10, thì thật ra là 6g40.
– Và nếu đúng hồ ngược chỉ giờ đúng khi nó bắt đầu quay ngược – Peter nói thêm – thì cứ mỗi phút trôi qua có thêm hai phút cách biệt nữa giờ mà đồng hồ chỉ vào giờ đúng.
– Hừm! Phải! Cậu bé vừa đồng tình vừa suy nghĩ, nhưng hai đồng hồ tiến đến một điểm, nơi chúng sẽ trùng nhau, và tương ứng với giờ đúng, và nơi các đồng hồ sẽ đi qua hai lần cứ mỗi hai mươi bốn giờ nếu ta tính hai phút cho một.
– Nói cách khác, nếu ta tiếp tục cho kim đồng chạy ngược chạy lui và kim của đồng hồ đúng chạy tới, thì điểm nơi hai đồng hồ chỉ cùng một giờ sẽ tương ứng với lúc đồng hồ ngược bắt đầu chạy, hay nói cách khác nữa, là giờ gần đúng khi mà Fritz bị ám sát.
Peter hét lên.
– Không, chờ một phút.
– Có cái gì không khớp hả chú Perkins? Daniel hỏi.
– Ta nhầm rồi – Perkins rên rỉ. Vì một đồng hồ đi tới và một đồng hồ đi lui, thì kim sẽ chỉ cùng một giờ mỗi sáu giờ, tức là bốn lần trong một ngày. Hai lần sẽ tương ứng với vị trí kim như lúc đồng hồ ngược bắt đầu chạy: hai lần kia sẽ có khoảng cách nhau sáu tiếng.
– Vậy ta sẽ không bao giờ tìm ra – Daniel thở dài.
Peter Perkins suy nghĩ thật lâu, nét mặt căng thẳng. Rồi nét mặt anh từ từ thư giãn ra,
– Dường như chú tìm ra rồi – Peter Perkins nói. Tất cả những người bị tình nghi đều có chứng cớ ngoại phạm sau mười giờ tối và chúng ta biết chắc rằng vụ án chỉ có thể được thực hiện sau sáu giờ tối, bởi vì đó là lúc Fritz đóng cửa hàng. Có nghĩa là vụ án nằm trong khoảng sáu giờ và mười giờ. Nhất trí không?
– Dạ, nhất trí, thưa chú Perkins.
– Vậy ta thử tính khi nào thì đến lúc kim của cả hai đồng hồ cùng chỉ một giờ – dĩ nhiên là với điều kiện rằng kim vẫn còn quay. Nếu đó là một giờ nằm giữa sáu và mười, ta sẽ biết rằng đó chính là giờ mà ta muốn tìm ra. Nếu đó là một giờ giữa mười và sáu, ta sẽ xê xích đi sáu tiếng và trở về lúc đầu.
– Dạ đúng – Daniel nói sau một hồi suy nghĩ. Phải tính kỹ, rồi mới hiểu nổi, nhưng hình như cháu hiểu ra rồi. Sẽ dễ hiểu hơn, nếu ta có hai đồng hồ và làm cho kim quay thật. Chú có đồng ý lấy hai đồng hồ chú và cháu đang đeo không? Ta có thể chỉnh theo giờ trên hình vẽ của chú trước và cho kim đồng hồ chú quay đúng chiều, còn kim đồng hồ của cháu quay ngược chiều, cho đến khi…
– Có thể làm vậy, Peter ngắt lời. Nhưng sẽ nhanh hơn nếu tính nhẩm. Đồng hồ ngược chạy lui từ lúc 2g10. Đồng hồ đúng chạy tới từ lúc 6g40. Sai số giữa hai cái là… để chú tính nào… năm giờ ba mươi phút. Tức ba trăm ba mươi phút. Hai đồng hồ sẽ gặp nhau – nghĩa là sẽ chỉ cùng một giờ – trong vòng ít hơn hai lần số phút đó. Ba trăm ba mươi chia hai bằng một trăm sáu mươi lăm, tức hai giờ bốn mươi lăm phút. Ta hãy cộng thêm hai giờ bốn mươi lăm phút vào 6g40 và ta sẽ được… khoan đã… ta sẽ được 9g25. Hoặc ta hãy trừ hai giờ bốn mươi lăm của 12g10 và ta sẽ được… chú không lầm chứ?… Phải, ta cũng được 9g25. Nói cách khác, hai đồng hồ sẽ chỉ cùng một giờ lúc 9g25, là một lúc hoàn toàn lọt vào cái khoảng mà ta đã xác định giữa 6 và 10. Suy ra…
– Suy ra – cậu bé la lên – ông Sandoz đã cho đồng hồ chạy lui vào lúc 9g25, vào tối ông bị giết!
– Đúng. Giờ đó, hai đồng hồ như sau:
– Bây giờ – Peter Perkins nói tiếp – ta đã biết Fritz dịch chuyển kim đồng hồ lúc mấy giờ rồi. Giả sử năm phút trôi qua giữa lúc đó và lúc tên sát nhân xuất hiện. Vậy lúc Fritz bắt đầu lên dây thiều các đồng hồ và viết thông điệp bằng kim, thì lúc đó phải là chín giờ rưỡi.
– Và khi chú nhìn thấy và vẽ lại, thì lúc đó 6g45 – Daniel nói tiếp. Thấy rõ trên hình thứ nhì của chú. Hiệu số giữa 9g30 và 6g45 là hai giờ bốn mươi lăm. Ta chỉ việc cộng thêm hai giờ bốn mươi lăm phút vào số giờ của mỗi đồng hồ và ta sẽ có các vị trí mà ông Fritz chỉ ít lâu trước khi chết.
– Ta chỉ mất chừng hai giây là có ngay…
Hai người mất nhiều thời gian hơn thế. Nhưng, một hồi sau, hai chú cháu có được một hình vẽ mới:
Dưới mỗi đồng hồ, Perkins vẽ thêm một thằng người nhỏ làm tín hiệu, đúng như vị trí kim đồng hồ.
– Đây? Có ý nghĩa gì không?
– Còn phải hỏi, chú Perkins ơi! Bằng tín hiệu cột, có nghĩa là…
Dưới mỗi hình người, Daniel viết một chữ cái bằng viết chì.
Anh nhà báo tròn mắt và nuốt nước bọt khó khăn.
– Daniel à – Peter nói – cháu vừa mới viết tên của một kẻ bị tình nghi thuộc danh sách của ba cháu. Cháu đã giải được vụ bí ẩn. Nhưng bây giờ, chú và cháu còn phải cùng nhau thuyết phục ba của cháu rằng chúng ta nghĩ đúng và rằng ba cháu phải áp dụng một cách thức không được chính thống lắm để buộc kẻ sát nhân nhận tội. Bởi vì, cháu biết không, ta sẽ có thể làm cho tòa án chấp nhận bức thông điệp kỳ diệu của ông Fritz tội nghiệp là một lời chứng có giá trị pháp lý.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.