Khi bóng khung cửa kính hiện lên trên những tấm rèm ở vào khoảng giữa bảy và tám giờ và thế là tôi trở lại với thời gian, nghe chiếc đồng hồ quả quýt. Nó là của ông nội và khi bố đưa nó cho tôi, ông nói, Quentin, bố cho con nấm mồ của mọi hy vọng và ước muốn, điều đáng suy tư hơn là con sẽ dùng nó để lĩnh hội cái mô hình phi lý của toàn bộ Kinh nghiệm nhân sinh có thể chẳng thích hợp với những nhu cầu cá nhân của con cũng như của ông nội hay cụ nội. Bố cho con không phải để con nhớ thời gian mà để con có thể đôi lúc quên nó đi và đừng có kiệt sức tàn hơi cố gắng chinh phục nó. Bởi vì không có trận đánh nào từng gọi là thắng cả, ông nói. Ngay cả trận đánh cũng không có. Bãi chiến trường chỉ khải thị cho con người sự điên rồ và tuyệt vọng của chính họ, và chiến thắng chỉ là một ảo tưởng của các triết gia và những thằng ngốc.
Nó tựa vào cái hộp cổ cồn và tôi lắng nghe nó. Nghe nó, thế thôi. Tôi chắc chẳng có ai để ý lắng nghe một cái đồng hồ quả quýt hay một cái đồng hồ treo tường. Chẳng ai làm như vậy. Người ta có thể lãng quên cái âm thanh ấy thật lâu, rồi trong một tích tắc nó tạo ra trong tâm tưởng triền miên chuỗi thu giảm dằng dặc của thời gian mà người ta đã không nghe. Như bố nói trượt theo những tia sáng dài dặc và lẻ loi, người ta có thể thấy Jesus đang bước đi, vậy đấy. Và cả thánh Francis nhân hậu nói Cô Em Tử Thần dẫu chẳng hề có chị em gì.
Tôi nghe bên kia tường tiếng lò xo giường của Shreve và rồi tiếng dép của nó lệt xệt trên sàn. Tôi nhỏm dậy tới chỗ cái kệ và lướt tay trên đó tìm chiếc đồng hồ, lập úp xuống rồi trở lại giường. Nhưng bóng khung cửa kính vẫn ở đó, và tôi đã tập để nói đúng từng phút, nên tôi quay lưng lại, cảm thấy như những con thú có mắt ở sau đầu khi lưng ngứa ngáy tột độ. Những thói quen vô ích người ta có được luôn luôn là cái người ta sẽ hối hận. Bố nói thế. Rằng Christ không bị đóng đinh, ông chỉ bị bào mòn bởi tiếng tích tắc của những bánh xe bé xíu. Cái đó chẳng có chị em gì.
Và ngay khi biết mình không thấy nó, tôi tự hỏi là mấy giờ rồi. Bố nói rằng thắc mắc thường trực về vị trí của những cây kim máy móc trên một mặt số tuỳ tiện chính là triệu chứng của bệnh thần kinh chức năng. Cứt bố nói giống như sự tra tấn. Và tôi nói Đúng. Thắc mắc. Cứ sống và thắc mắc.
Nếu trời xấu tôi có thể nhìn ra cửa sổ, nghĩ tới những gì ông nói về các thói quen vô ích. Thời tiết như thế này mà xuống New London thì thật là thú.sao lại không nhỉ? Tháng của cưới xin, của giọng nói thì thào. Nàng chạy khỏi tấm gương, khỏi làn hương ướp. Những đóa hồng. Những đóa hồng. ông bà Jason Richmond Compson thông báo lễ thành hôn của những đóa hồng. Không phải các trinh nữ như cây sơn thù, cây bông tai. Tôi nói con đã phạm tội loạn luân, bố a, tôi nói. Những đóa hồng. Quyến rũ và thanh thản. Nếu người ta vào Harvard một năm mà không đi xem đua thuyền thì sẽ được bồi hoàn. Để Jason hưởng cái đó. Cho Jason một năm Harvard.
Shreve đứng ở cửa, đeo cổ cồn, mắt kính lấp lánh màu hồng, cứ như nó đã rửa kính bằng gương mặt của nó. “Mày lại bỏ học sáng nay?”
“Muộn rồi à?”
Nó nhìn đồng hồ. “Hai phút nữa là chuông”.
“Tao không biết đã muộn đến thế”. Nó vẫn nhìn đồng hồ, miệng nhệch ra. “Tao phải phóng đi đây. Tao không thể bỏ học buổi nữa được. Thầy trưởng khoa đã rầy tao tuần vừa rồi”. Nó nhét đồng hồ vào túi. Vậy nên tôi không nói nữa.
“Tốt hơn là mày xỏ quần dài vào và chạy” nó nói. Nó đi ra.
Tôi dậy, đi đi lại lại, lắng nghe nó qua tường. Nó vào phòng khách, tới cửa.
“Mày chưa xong à?”
“Chưa. Chạy đi. Tao đi sau”.
Nó đi ra. Cửa đóng lại. Chân nó đi xuống hành lang rồi tôi lại nghe thấy chiếc đồng hồ. Tôi sững lại rồi đi tới cửa sổ kéo rèm và nhìn chúng chạy tới ngôi giáo đường, những kẻ hệt nhau chen lấn những vai áo khoác nhấp nhô hệt nhau, những quyển sách và những chiếc cổ áo lật phật hệt nhau bập bềnh trôi qua như những mảnh ván trên dòng nước lũ, và Spoade. Gọi Shreve là chồng. Ồ, mặc kệ nó, Shreve nói, nếu nó thích chạy theo mấy con ranh con bẩn thỉu thì đấy là việc của nó. Ở miền Nam này, người ta xấu hổ vì còn trinh. Bọn choai choai. Bọn người lớn. Đều nói láo về chuyện đó. Bởi vì chuyện đó chẳng mấy ý nghĩa với đàn bà, bố nói. Ông bảo là bọn đàn ông bày đặt ra chuyện trinh tiết chứ không phải đàn bà. Bố nói chuyện đó cũng như cái chết: chỉ là một trạng thái được dành cho kẻ khác và tôi nói, Nhưng tin chuyện đó có sao đâu và ông nói, Đấy là điều đáng buồn của mọi sự, chẳng riêng gì trinh tiết, và tôi nói, Tại sao không phải là con mà lại là em con mất trinh, và ông nói, Đó cũng là lý do làm mọi sự thành đáng buồn, có thay đổi điều ấy cũng chẳng đáng gì, và Shreve nói, nếu nó thích chạy theo mấy con ranh con bẩn thỉu và tôi nói, Mày có đứa em gái nào không? có không? có không?
Spoade ở giữa chúng như một con rùa trên nẻo phố đầy lá rụng cuồn cuộn, cổ áo dựng lên tận tai, bước đi đủng đỉnh như lệ thường. Hắn an từ nam Carolina, là sinh viên năm cuối. Hội của hắn khoác lác là hắn chẳng bao giờ chạy đến nhà thờ, chẳng bao giờ tới đó đúng giờ, chẳng bao giờ vắng mặt suốt bốn năm học và chẳng bao giờ tới dự lễ hay dự bài giảng đầu tiên mà mặc sơ mi và đi tất. Khoảng mười giờ hắn ghé vào qúan Thompson sợ, gọi hai tách cà phê, ngồi xuống và lấy tất ra khỏi túi, tháo giày rồi xỏ tất vào, trong lúc cà phê nguội. Khoảng trưa nó nta thấy hắn lại sơ mi cổ cồn như bất kỳ ai. Những đứa khác hối hả chạy vượt qua hắn nhưng hắn chẳng bao giờ rảo bước. Một lúc sau sân trường vắng tanh.
Một con sẻ bay chéo qua tia nắng, đậu lên bậc cửa sổ, và nghiêng đầu nhìn tôi. Mắt nó tròn xoe và sáng ngời. Đầu tiên nó nhìn tôi bằng một mắt, rồi vụt một cái nó nhìn bằng mắt bên kia, cổ họng phập phồng nhanh hơn cả mạch đập. Đồng hồ bắt đầu điểm chuông. Con sẻ thôi đổi mắt và nhìn tôi chăm chú bằng một bên mắt đến khi tiếng chuông ngưng, như thể nó cũng đang lắng nghe. Rồi nó bay vút khỏi bậc cửa sổ đi mất.
Một lúc sau, tiếng chuông cuối cùng mới hết rung động. Nó ngưng trong không khí, cảm thấy hơn là nghe thấy, một hồi lâu. Giống như tất cả những quả chuông đã từng rung và còn ngân vang trong những tia sáng dài dặc tắt dần và Jesus và Thánh Francis nói về em gái mình. Vì nếu như chỉ đoạ địa ngục, nếu như đó là tất cả. Hết. Nếu như mọi sự chỉ là hết. Không một ai khác ở đó ngoài em và tôi. Nếu như chúng tôi thực đã làm một điều xấu xa đến nỗi mọi người phải bỏ chạy khỏi địa ngục ngoại trừ chúng tôi. Con đã phạm tội loạn luân tôi nói. Bố ạ, đó là con chứ không phải Dalton Ames. Khi anh ta đặt khẩu súng vào tay tôi tôi đã không. Đó là lý do tôi không. Anh ta sẽ ở đó và em và tôi. Dalton Ames. Dalton Ames. Dalton Ames. Nếu như chúng tôi thực đã làm một điều xấu xa như vậy và bố nói Cái đó cũng đáng buồn, con người không thể làm một điều gì xấu xa như thế nếu họ không thể làm bất kỳ một điều gì quá đỗi xấu xa ngày mai họ không thể ngay cả nhớ lại cái điều mà hôm nay họ coi là xấu xa và tôi nói, Người ta có thể lẩn tránh mọi sự và ông nói, Ồ người ta có thể lẩn tránh được hay sao. Và tôi sẽ nhìn xuống và thấy những lóng xương thì thầm của tôi và nước thẳm sâu như gió, như một mái nhà của gió và rất lâu sau này người ta không còn phân biệt nổi những lóng xương trên nền cát hoang vu cô quạnh. Cho đến Ngày Phán xử khi Người truyền Đứng dậy sẽ chỉ có chếic bàn ủi nổi lên. Không phải là khi người ta nhận thức rằng chẳng có gì cứu giúp được mình – tôn giáo, niềm kiêu hãnh, bất cứ điều gì – mà là khi người ta nhận thức rằng người ta chẳng cần cái gì cứu giúp. Dalton Ames. Dalton Ames. Dalton Ames. Nếu tôi là mẹ anh ta nằm với thân thể mở phơi cất lên tiếng cười, tay tôi nắm lấy tay bố anh ta kìm lại, nhín và thấy anh ta chết trước khi chào đời. Một thoáng em đứng trong khung cửa.
Tôi đến chỗ cái kệ và cầm đồng hồ lên, mặt kính vẫn úp xuống. Tôi đập mặt kính vào góc kệ và nhặt những mảnh kính vỡ bỏ vào cái gạt tàn và vặn cả mấy cây kim vứt lên khay. Chiếc đồng hồ vẫn chạy. Tôi lật nó lại, mặt số trống trơn với những bánh xe tích tắc đàng sau, không biết điều gì hơn. Jesus bước đi ở Galilee và Washington không nói dối. Bố mang một cái kính vạn hoa từ Hội chợ Saint Louis về cho Jason, một ống thiếc gắn gương, nhắm một mắt lại ta thấy một toà nhà chọc trời, một vòng đu quay như mạng nhện. Thác Niagara trên mũi kim. Có một vết đỏ trên mặt nó. Khi tôi thấy nó thì ngón tay cái của tôi bắt đầu đau. Tôi đặt chiếc đồng hồ xuống và đi vào phòng Shreve, lấy iod bôi lên chỗ tay đứt. Tôi lấy khăn mặt lau sạch cái vành gắn mặt kính.
Tôi lấy ra hai bộ quần áo lót, tất, sơ mi, cổ cồn, cà vạt và thu xếp vali. Tôi nhét tất cả vào ngoại trừ bộ đồ mới và một bộ cũ, hai đôi giày, hai cái mũ và sách vở. Tôi ôm sách ra phòng khách và xếp đứng trên bàn, những cuốn tôi mang ở nhà đến và những cuốn Bố nói trước kia để đánh giá một con người cứ xem những cuốn sách mà anh ta có, còn bây giờ để đánh giá một con người cứ xem những cuốn sách mà anh ta mượn và không trả lại và khoá vali rồi ghi địa chỉ. Chuông mười lăm phút vang lên. Tôi ngừng tay lắng nghe cho đến khi tiếng chuông dứt…
Tôi tắm và cạo râu. Nước làm ngón tay tôi hơi xót, thế là tôi lại bôi thuốc. Tôi mặc bộ đồ mới, móc đồng hồ vào và xếp bộ đồ kia cùng những đồ lặt vặt với dao cạo và bàn chải vào túi xách tay, gói chìa khoá vali trong một tờ giấy, nhét vào phong bì và ghi địa chỉ bố, viết hai lá thư rồi niêm phong tất cả.
Bóng râm chưa rời hàng hiên. Tôi dừng lại bên trong cửa sổ, nhìn bóng râm xê dịch. Nó xê dịch gần như thấy được, bò giật lùi bên trong cửa, đẩy vạch tối lùi về phía cửa. Chị là em chạy mất khi tôi nghe thấy. Trong tấm gương em đang chạy trước khi tôi kịp hiểu gì. Nhanh thoăn thoắt, đuôi áo vắt lên cánh tay em chạy khỏi gương như một áng mây, tấm voan cuộn từng dải lấp loáng gót chân em mỏng mảnh và tay kia em kéo vội áo lên vai, chạy khỏi gương làn hương những đoá hồng, những đóa hồng, giọng nói thì thào bên trên vườn Địa Đàng! Rồi em băng qua ngõ, tôi nghe thấy những gót chân em rồi trong ánh trăng như một áng mây, cái bóng bập bềnh của tấm voan chạy qua thảm cỏ vào tiếng gào khóc. Em chạy ra khỏi tấm áo, giữ chặt vòng hoa cưới chạyvào tiếng gào khóc nơi T.P. Trong sương Hu Rượu thuốc Benjy rống lên dưới cái hòm. Bố có một mảnh giáp bạc hình chữ “V” trên lồng ngực phập phồng.
Shreve nói “Chà, mày không…Đám cưới hay nghỉ hè đấy?”
“Không có chuyện ấy đâu” tôi nói.
“Không mà diện oách thế? Chuyện gì vậy? mày tưởng hôm nay là Chủ nhật hẳn?”
“Tao nghĩ chẳng đến nỗi vì mặc bộ đồ mới mà bị cảnh sát bắt” tôi nói.
“Tao nghĩ đến bọn sinh viên ký túc xá. Mày kiêu hãnh đến mức không thèm tới lớp nữa à?”
“Tao đi ăn cái đã” Bóng râm trên hàng hiên đã biến mất. Tôi bước vào ánh nắng, tìm lại bóng tôi. Tôi bước xuống các bậc thềm ngay trước nó. Chuông nửa giờ điểm. Rồi tiếng chuông ngưng và tắt lịm.
Lão Trợ tế cũng không thấy ở bưu điện. Tôi dán tem hai cái phong bì, gửi một cái cho bố và bỏ cái của Shreve vào túi áo trong, và rồi tôi nhớ ra nơi tôi thấy lão Trợ tế lần gân đây nhất. Đó là vào ngày Tuyên dương công trạng (Memorial Day: ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong) trong bộ đồ đồng phục G.A. R (Grand Army of Republic: Đại quân Cộng hoà), giữa đoàn diễu hành. Nếu chịu khó đợi ở một góc đường, thế nào người ta cũng thấy lão trong một đoàn diễu hành nào đó kéo qua. Lần trước là lễ sinh nhật Columbus hoặc Garibaldi hoặc ai đó. Lão ở trong khốii Những Người Quét Đường, đội mũ ống khói, cầm lá cờ Italy dài hai mét, hút xì gà giữa đám chổi và xẻng. Nhưng lần chót là đoàn G.A.R. Vì Shreve nói:
“Trông kìa! Thử nhìn xem ông nội mày làm lão già đen khốn khổ kia thành cái gì”.
“Ừ” tôi nói. “Bây giờ lão có thể đi diễu hành hết ngày này sang ngày khác. Nếu chẳng nhờ ông nội tao, lão đã phải quần quật như dân trắng”.
Tôi không thấy lão ở đâu cả. Nhưng ngay cả một gã da đen cày cuốc người ta cũng khó mà tìm ra lúc cần đến huống hồ một kẻ gặp may không phải trông vào đất cát để sống. Một chiếc xe đi qua. Tôi tới thị trấn, vào quán Parker s chén một bữa sáng ngon lành. Trong lúc ăn tôi nghe thấy chuông đồng hồ điểm một giờ. Nhưng tôi tính phải mất ít nhất một thời gian dài hơn cả lịch sử để thâm nhập vào tiến trình máy móc của nó.
Xong bữa sáng, tôi mua một điếu xì gà. Cô bán hàng nói loại ngon nhất giá năm mươi xu, nên tôi lấy một điếu, châm lửa và đi ra phố. Tôi đứng đó rít vài hơi, rồi tay cầm xì gà đi tới góc đường. Tôi đi qua ô cửa một hiệu đồng hồ, nhưng nhìn lảng đi. Ở góc đường, hai thằng bé da đen đánh giày túm lấy tôi, mỗi đứa một bên, the thé khàn khàn, như những con chim sáo. Tôi cho một đứa điếu xì gà, còn đứa kia một đồng kền. Rồi chúng để tôi yên. Đứa được điếu xì gà gạ bán nó cho đứa kia để lấy đồng kền.
Có một chiếc đồng hồ, cao tít trong nắng, và tôi nghĩ, khi người ta không muốn làm một điều gì, tại sao cơ thể người ta lại cứ cố dụ dỗ để làm điều đó, một cách vô thức. Tôi cảm thấy những thớ thịt trên gáy tôi, và rồi tôi nghe thấy chiếc đồng hồ của tôi kêu tích tắc trong túi và trong chốc lát, tôi đã gạt bỏ mọi âm thanh khác, chỉ giữ lại tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trong túi. Tôi trở lại phố, đến trước ô cửa. ông thợ đang cắm cúi trên bàn, sau ô cửa. Đầu ông đã hói. Có một cái kính ở mắt ông – một cái ống kim loại xoáy vào mặt. Tôi bước vào cửa hiệu.
Nơi đây đầy ắp những tiếng tích tắc, như dế kêu trong cỏ tháng Chín, và tôi nghe thấy tiếng một chiếc đồng hồ lớn trên tường, ngay trên đầu tôi. ông nhìn lên, con mắt lớn, mờ mờ và hấp háy sau kính. Tôi lấy chiếc đồng hồ của tôi đưa cho ông.
“Tôi đánh vỡ nó”.
Ông lắc lắc nó trong tay. “Chắc chắn là thế rồi. Cậu còn dẫm lên nữa”.
“Vâng, thưa ông. Tôi đánh rơi nó từ trên kệ và dẫm lên nó trong bóng tối. Vậy mà nó vẫn chạy”.
Ông mở nắp sau và nheo mắt nhìn vào bên trong. “Hình như chưa sao. Nhưng tôi cũng phải xem kỹ rồi mới nói được. Chiều nay tôi sẽ xem”.
“Vậy lát nữa tôi sẽ mang lại” tôi nói. “Ông làm ơn cho biết chiếc đồng hồ nào trong cửa hiệu chỉ đúng giờ?”
Ông cầm chiếc đồng hồ của tôi trong lòng tay và ngước lên nhìn tôi bằng con mắt mờ hấp háy.
“Tôi đánh cuộc với một người bạn” tôi nói. “Và sáng nay tôi lại để quên kính”.
“Không sao, được mà” ông nói. Ông đặt chiếc đồng hồ xuống và nhổm khỏi ghế nhìn qua rào ngăn. Rồi ông liếc lên tường. “Mười hai”.
“Không cần” tôi nói. “thưa ông, ông chỉ cần bảo tôi cái nào trong số đó đúng giờ thôi”.
Ông lại nhìn tôi. ông ngồi xuống ghế và đẩy kính lên trán. Nó để lại một vòng tròn màu đỏ quanh mắt ông và khi không có kính, toàn bộ khuôn mặt của ông như bị bóc trần. “Hôm nay cậu ăn mừng gì vậy?” ông nói. “Tuần tới mới đua thuyền kia mà?”
“Không, thưa ông. Đây chỉ là dịp mừng riêng tư. Lễ sinh nhật. Cái nào đúng giờ vậy ông?”
“Chẳng cái nào cả. Tất cả đều chạy thử và phải lấy lại giờ. Nếu cậu định mua cái nào thì…”
“Không, thưa ông. Tôi không cần mua. Ở nhà đã có một cái treo trong phòng khách. Tôi sẽ sửa cái này vào lúc khác”. Tôi chìa tay ra.
“Cậu để nó lại thì hơn”.
“Tôi sẽ mang lại sau” Ông đưa cho tôi chiếc đồng hồ. Tôi nhét vào túi. Tôi vẫn nghe thấy nó trên tất cả những cái khác. “Tôi làm phiền ông quá. Hy vọng là tôi đã không làm ông mất nhiều thời gian”.
“Không sao. Khi nào cần thì cậu cứ mang lại đây. Và cậu nên dời dịp lễ mừng này đến khi mình thắng cuộc đua thuyền”.
“Vâng, thưa ông. Tôi cũng nghĩ vậy”.
Tôi đi ra, khép lại cánh cửa trước những tiếng tích tắc. Tôi nhìn lại ô cửa. ông nhìn theo tôi qua rào ngăn. Có khoảng một tá đồng hồ trong cửa hiệu, chỉ một tá giờ khác nhau, và chỉếc nào cũng đoan chắc một cách đầy mâu thuẫn, với sự quả quyết như nhau, y hệt chiếc đồng hồ chẳng còn cây kim của tôi, kêu tích tắc trong túi, dù chẳng ai thấy nó, dù nó chẳng chỉ được gì nếu như có ai thấy đi nữa.
Và tôi tự nhủ hãy giữ chiếc này. Bởi vì bố nói những chiếc đồng hồ đã giết thời gian. Ông nói những bánh xe nhỏ xíu còn kêu tích tắc thì thời gian còn chết, chỉ khi nào đồng hồ ngừng chạy, thời gian mới bắt đầu sống. Những cây kim xoãi ra, chênh chếch khỏi đường chân trời một góc mờ, như cánh chim âu chao trong gió, ôm giữ tất cả những gì ta thường hối tiếc như trăng non giữ nước, bọn đen nói vậy. Người thợ đồng hồ lại cắm cúi gập mình trên bàn, cái ống ăn sâu vào khuôn mặt. Tóc ông rẽ ngôi giữa. Một bên tóc chải vắt lên mảng hói, như một cái đầm lầy cạn nước vào tháng Chạp.
Tôi thấy một cửa hàng ngũ kim ở bên kia đường. Tôi không biết người ta mua những chiếc bàn ủi theo trọng lượng.
Người bán hàng nói “Những cái đó nặng mười pound”.
Có điều chúng lớn hơn tôi tưởng. Cho nên tôi lấy hai chiếc nhỏ sáu pound, vì khi gói lại chúng trông như một đôi giày. Cả hai chiếc cộng lại cũng khá nặng, nhưng tôi lại nghĩ tới điều bố đã nói về cái mô hình phi lý của kinh nghiệm nhân sinh, nghĩ tới cơ hội độc nhất tôi đã có thể áp dụng ở Harvard. Có lẽ là năm tới, mà cũng có thể phải mất hai năm ở trường để học làm điều đó một cách xứng đáng.
Nhưng chúng dường như chỉ đủ nặng trong không khí. Một đoàn tàu chạy tới. Tôi leo lên. Tôi không thấy tấm bảng phía trước. Toa đầy ắp, hầu hết những người có vẻ khá giả đang đọc báo. Chỗ trống duy nhất bên cạnh một gã da đen. Gã đội mũ quả dưa và đi đôi giày bóng lộn, tay cầm một mẩu xì gà đã tắt. Tôi thường nghĩ là một anh chàng miền Nam thì luôn luôn bận tâm về dân da đen. Tôi đinh ninh rằng những người miền Bắc nhìn nhận anh ta như vậy. Lần đầu tiên tới miền Đông, tôi luôn tự nhủ: Mày phải nhớ họ là những người da màu chứ không phải bọn mọi đen và nếu như tôi đã không ăn chung ở lộn với vô số người da đen, tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để học cách cư xử với tất cả mọi người, dù đen hay trắng, là để mặc họ, họ nghĩ họ là gì cũng được. Đó là khi tôi nhận thức rằng một gã da đen là một cung cách ứng xử hơn là một con người, một kiểu đảo gương của dân da trắng mà gã chung sống. Nhưng thoạt đầu tôi đinh ninh rằng tôi cảm thấy thiếu đám da đen xung quanh là vì tôi cũng ở tâm trạng mà những người miền Bắc gán cho tôi, mãi đến buổi sáng hôm ấy ở Virginia, tôi mới biết rằng tôi thực sự cảm thấy thiếu Roskus và Dilsey và họ. Con tàu đứng lại khiến tôi tỉnh dậy và tôi kéo tấm mành cửa sổ nhìn ra ngoài. Tàu dừng ở một ngã tư đường, nơi có hai hàng rào trắng chạy xuống một quả đồi rồi xoè ra và lượn xuống như bộ khung của một cây kèn, và một gã da đen trên con lừa beg những vệt lún bánh xe khô cứng, chờ con tàu chuyển bánh. Gã ở đó đã bao lâu tôi không biết, ngồi thõng chân trên lưng lừa, đầu trùm tấm chăn, như thể người ta đã dựng lên ở đó cùng với hàng rào và con đường, hoặc với quả đồi, chạm khắc vào chính quả đồi như một tấm biển đặt ở đó ghi Ngươi lại về nhà. Gã không có cả một cái yên và hai bàn chân thõng gần sát đất. Con lừa trông như một con thỏ. Tôi kéo cửa sổ lên.
“Này lão”, tôi nói. “Làm ăn vậy hả?”
“Ông?” gã nhìn tôi, rồi nới lỏng tấm chăn và kéo nó ra khỏi tai.
“Quà Gíang sinh đây!” tôi nói.
“Phải mà, ông chủ. ông không gạt tôi chứ?”
“Tôi tha cho lão lần này”. Tôi lôi chiếc quần dài ra khỏi cái võng nhỏ và lấy một đồng hai mươi lăm xu. “nhưng liệu lần sau. Tôi sẽ về qua đây ngày mùng 3 Tết, và coi chừng đấy”. Tôi ném đồng xu ra ngoài cửa sổ. “Mua lấy mấy món quà Giáng sinh”.
“Vâng, thưa ông” gã nói. Gã leo xuống nhặt đồng xu và chùi vào chân. “Cám ơn, cậu chủ. Cám ơn”. Rồi con tàu bắt đầu chuyển bánh. Tôi vươn người ra ngoài cửa sổ, vào không khí lạnh lẽo, nhìn trở lại. Gã đứng đó bên con lừa còm nhom trông như một con thỏ, cả hai tiều tuỵ, bất động và bình thản. Con tàu lắc lư qua khúc quanh, đầu máy phụt những luồng hơi ngắn nặng nhọc, và họ khuất lấp êm ả sau cảnh vật, với tất cả những phẩm chất của tiều tuỵ, kiên nhẫn phi thời gian và bình thản đến tĩnh tại; nó pha trộn giữa thơ ngây và dốt nát vốn dĩ với sự đáng tin đầy nghịch lý là những gì đã cưu mang và che chở họ để yêu hết lòng và trộm cắp thường xuyên và trốn trách nhiệm cùng bổn phận một cách trơ tráo đến độ không thể gọi là lẩn tránh và khi trộm cắp hay đào nhiệm mà bị tóm cũng cứ hồn nhiên và chất phác thán phục kẻ thắng như một bậc chính nhân quân tử bái phục bất cứ ai đánh bại mình trong một cuộc quyết đấu ngay thẳng, hơn nữa còn trìu mến và khoan dung, đầy nhẫn nại đối với những thói hư tật xấu của người da trắng như thể một người ông đối với lũ cháu phiền nhiễu và trái chứng, điều mà tôi đã quên lãng. Và suốt ngày hôm đó, trong lúc con tàu hổn hển trườn qua những đoạn đèo gấp khúc đột ngột và men theo những bờ vực chỉ có âm thanh nặng nhọc của đầu máy phụt hơi và bánh xe nghiến và những ngọn núi vĩnh cửu mờ trên nền trời đầy mây, tôi nghĩ về nhà, về cái nhà ga heo hút với bùn với những người da đen và dân quê túm tụm uể oải trên sân ga, nghĩ về những con khỉ đồ chơi và những toa xe với những túi kẹo và dãy nến cắm, và lòng tôi xốn xang như mỗi lần ở trường nghe tiếng chuông rung.
Tôi chưa bắt đầu đếm, tới khi đồng hồ điểm chuông ba giờ. Rồi tôi bắt đầu, đếm đến sáu mươi lại gập một ngón tay và nghĩ tới mười bốn ngón tay nữa đang đợi để gập xuống rồi mười ba rồi mười hai rồi tám rồi bảy, cho đến hết, rồi bỗng nhiên tôi nhận thấy sự im lặng và những ý nghĩ căng thẳng và tôi nói “Thưa cô?” “Tên em là Quentin phải không?” cô Laure nói. Rồi im lặng tiếp và những ý nghĩ căng thẳng tàn nhẫn và những bàn tay rụt vào trong im lặng. “Nói cho Quentin ai đã phát hiện ra sông Mississippi, Henry!” “De Soto”. Rồi các ý nghĩ đi mất, và một lúc sau tôi sợ mình bị chậm trễ và tôi đếm nhanh hơn và gập xuống một ngón tay nữa, rồi tôi lại sợ là nhanh quá và tôi đếm chậm lại, rồi tôi lại sợ và lại đếm nhanh. Cứ thế tôi không thể nào đếm khớp với tiếng chuông, và sự cồn cào giải thoát của những bàn chân đang di chuyển, cảm nhận mặt đất trên sàn tàu chật chội, và ô cửa kính hắt ra một ánhs áng, ngọn gió sắc, và lòng tôi xao động, tôi vẫn ngồi yên. Xao động vẫn ngồi yên. Một thoáng em đứng trong khung cửa. Benjy. Gào rống. Benjamin đứa trẻ bằng tuổi tôi đang gào rống. Caddy! Caddy!
Chị sẽ đi khỏi đây. Nó oà khóc. Em tới và vuốt ve nó. Nín. Chị không đi đâu. Nín. Nó nín. Dilsey.
Nó ngửi thấy cái gì người ta nói với nó khi nó muốn. Chẳng cần lắng nghe hay trò chuyện.
Nó ngửi thấy cái tên mới người ta đặt cho nó không? Nó ngửi thấy nỗi bất hạnh không?
Nó cần gì phải ưu tư về số phận? số phận không thể nào làm nó tổn thương.
Vậy họ đổi tên cho nó làm gì nếu như không phải là cố giúp cho số phận của nó?
Con tàu dừng lại, chạy, rồi lại dừng. Bên ngoài cửa sổ, tôi thấy lố nhố những đầu người qua lại dưới những chiếc mũ rơm mới còn chưa bạc màu. Bây giờ trên toa có cả những người đàn bà, với giỏ đi chợ, vvz người đàn ông mặc quần áo lao động bắt đầu nhiều hơn giày bóng cổ cồn.
Gã da đen chạm khẽ vào đầu gối tôi. “Xin lỗi” gã nói.
Tôi xoay chân ra ngoài để gã đi qua. Chúng tôi đi bên cạnh một bức tường trống trơn, tiếng động lách cách dội vào trong toa, đến những người đàn bà với giỏ đi chợ đặt trên đầu gối và một người đàn ông đội chiếc mũ bạc phếch với cái tẩu gài trên băng mũ. Tôi ngửi thấy mùi nước, và qua một mảng vỡ trên tường, tôi thấy ánh lấp lánh của nước và hai cột buồm, và một con hải âu bất động trên không trung như trên một sợi dây vô hình giăng giữa hai cột buồm, tôi nhắc tay lên và qua lần áo khoác, sờ những lá thư tôi vừa viết. Khi tàu dừng lại, tôi xuống.
Cầu đã mở để một chiếc tàu buồm lớn đi qua. Nó được đẩy đi, chiếc tàu đẩy thúc bên mạn khoang một phần tư phút dưới, nhưng chiếc tàu buồm như tự chuyển động bằng cách nào đó không thấy. Một anh chàng cởi trần trùng trục đang cuộn một sợi dây đàng mũi. Người anh ta cháy nắng màu lá cây thuốc lá. Một người khác đội chiếc mũ rơm mất chỏm đang cầm lái. Chiếc tàu cắt qua cầu, lừ đừ đi với những cây cột trơ trụi như một bóng ma giữa thanh thiên bạch nhật, với ba con hải âu lởn vởn đàng đuôi tàu như những con chim đồ chơi treo trên một sợi dây vô hình.
Khi cầu đóng lại tôi điqua sang bờ bên kia và cúi mình trên lan can nhìn xuống những nhà thuyền. Bến trống trơn và các cửa đã đóng. Bây giờ đội đua chi tập vào buổi chiều muộn, trước đó họ nghỉ. Bóng cây cầu, dãy lan can, bóng tối ngả dài trên mặt nước, tôi lừa nó quá dễ nên nó chẳng rời tôi. ít nhất cũng khoảng năm mươi bộ, và giá như tôi có cái gì đó để dìm nó xuống nước, giữ tới khi nó chìm nghỉm, bóng cái bọc như một đôi giày gói lại nằm trên mặt nước. Bọn da đen bảo rằng bóng một kẻ chết đuối lúc nào cũng rình rập họ ở dưới nước. Nó long lanh và lấp loáng, như đang thở, bến thuyền dập dềnh chậm rãi như cũng đang thở, và những mảnh ván nhấp nhô, cuốn nhau ra biển cả và những hang động của nước. Nước dịch chuyển làm mọi vật bình đẳng. Cái mô hình phi lý của toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh, và hai chiếc bàn ủi sáu pound nặng hơn một cái bàn ủi cổ ngỗng của thợ may. Dilsey sẽ bảo hoang phí là phải tội. Benjy biết cái đó khi bà nội chết. Nó khóc. Nó ngửi đúng. Nó ngửi đúng.
Chiếc tàu đẩy quay trở lại xuôi dòng, nước cuộn vào những trục lăn dài, đu đưa bến thuyền ở cuối hành trình bằng tiếng vang của nó, bến thuyền lảo đảo trên trục lăn với một âm thanh bập bềnh và tiếng ồn chói tai kéo dài như tiếng cửa được kéo lại và hai người đàn ông nhô ra, khiêng một chiếc xuồng. Họ đặt xuồng xuống nước và một lát sau Bland ra, mang những mái chèo. Hắn mặc bộ đồ flannel, áo khoác xám, đội mũ rơm cứng. Hoặc hắn hoặc bà mẹ hắn đọc được ở đâu đó rằng sinh viên Oxford khi bơi thuyền phải mặc đồ flannel và đội mũ cứng, thế là ngay từ đầu tháng Ba người ta sắm cho Gerald một đôi xuồng và hắn diện bộ đồ flannel, đội mũ cứng, rồi chèo xuồng ra sông. Những nhân viên nhà xuồng doạ gọi cảnh sát nhưng hắn đã chèo đi mất. Mẹ hắn tới trong một chiếc xe hơi thuê, mặc áo lông thú kín mít như một nhà thám hiểm Bắc cực, nhìn hắn chèo đi trong một ngọn gió hai mươi lăm dặm và những tảng băng đều đều trôi như đàn cừu bẩn.
Kể từ đó tôi tin rằng Thượng Đế không chỉ là một kẻ hào hoa và một nhà thể thao, Ngài còn là một người Kentucky nữa. Khi hắn đã ra xa, bà ta vòng xe lại và xuôi theo dòngsông song song với hắn, chiếc xe chạy chầm chậm. Người ta nói chẳng ai có thể bảo là họ đã quen biết nhau từ trước, như ông hoàng bà chúa, không cả nhìn nhau nữa, chỉ đi bên nhau băng qua Massachusetts trên một hành trình songsong như một cặp sao đôi vậy.
Hắn vào xuồng và chèo đi. Bây giờ hắn chèo điệu nghệ lắm. Thế là phải. Người ta nói mẹ hắn đã thử thuyết phục hắn gác chèo để làm một việc gì khác mà những kẻ cùng trang lứa với hắn không làm nổi hoặc không muốn làm, nhưng lần này hắn tỏ ra ương ngạnh. Nếu người ta có thể gọi là ương ngạnh cái phong thái ngồi uể oải vương giả của hắn, với mái tóc vàng lượn sóng và đôi mắt màu tím và hàng mi dài và bộ đồ New York, trong lúc mẹ hắn khoe với chúng tôi nào là những con ngựa của Gerald, nào những người hầu da đen của Gerald, nào những tình nhân của Gerald. Những đức ông chồng và các bậc phụ mẫu ở Kentucky hẳn phải thở phào nhẹ nhõm khi bà ta đưa Gerald đi Cambridge. Bà có một căn hộ ở ngoài thị trấn, Gerald cũng có một căn hộ ở đó không kể những phòng của hắn ở trường. Bà chấp nhận việc Geral giao du với tôi, ít ra vì tôi cũng để lộ cái ý tưởng ngớ ngẩn về con nhà nòi bởi mình đã sinh ra với những cái họ Maxon và Dixon, và một vài cái họ khác mà môn địa lý đã đáp ứng sự đòi hỏi (tối thiểu). ít ra đã tha thứ. Hoặc đã bào chữa. Nhưng kể từ lần bà gặp Spoade ở nhà thờ ra, hắn nói bà chẳng phải là phu nhân, làm gì có phu nhân nào ở ngoài đường vào cái giờ khuya khoắt ấy, bà không bao giờ có thể tha thứ cho hắn về việc hắn dùng những năm cái họ, kể cả họ của một quận công Anh quốc đương thời. Tôi chắc là bà tự an ủi bằng cách thuyết phục mình rằng một gã vô lại Maingault hoặc Mortemar hắn đã chung chạ với con gái lão chủ qúan trọ. Cái đó cũng đúng thôi, cho dù bà có đơm đặt hay không, Spoade quả là vô địch thế giới về môn nịnh đầm, phóng đãng và sở khanh.
Chiếc xuồng giờ đây là một cái chấm, những mái chèo loang loáng gạt nắng, như thể thân chiếc xuồng đang nhấp nháy. Mày có đứa em gái nào không? Không nhưng chúng nó toàn bọn điếm. Mày có đứa em gái nào không? Một thoáng em. Bọn điếm. Không phải điếm một thoáng em đứng trong khung cửa. Dalton Ames. Dalton Ames. Dalton Shirts! 1. Trước nay tôi cứ tưởng chúng là vải kaki, hàng kaki quân nhu cho tới khi tôi biết chúng là hàng lụa thô Trung Hoa hoặc flannel cực mịn vì chúng làm gương mặt anh ta nâu đến thế, mắt anh ta xanh đến thế. Dalton Ames. Thiếu hẳn sự trang nhã. Trang phục sân khấu. Đúng là hàng mã, sờ mà xem. Ồ. Amiăng. Đâu phải là đồng. Nhưng sẽ không gặp anh ta ở nhà.
Hãy nhớ rằng Caddy cũng là một người đàn bà. Em cũng hành động với những lý lẽ của đàn bà.
Sao em không đưa anh ta vào nhà, Caddy? Sao em làm như một mụ đàn bà da đen ngoài đồng ngoài rãnh trong bụi trong bờ lén lút mê cuồng nơi rừng tối?
Và một lát sau tôi thỉnh thoảng lại nghe tiếng chiếc đồng hồ của tôi và tôi cảm thấy bức thư sột soạt qua lần áo khoác, ép vào lan can, và tôi cúi mình trên lan can, nhìn bóng tôi, thử lừa nó. Tôi xê dịch dọc theo lan can, vả lại bộ đồ của tôi sẫm quá và tôi có thể chùi tay, nhìn bóng tôi, thử lừa nó. Tôi dẫn nó lẫn vào bóng của bờ kè. Rồi tôi đi về hướng đông.
Harvard đứa trẻ Harvard của tôi Harvard Harvard. Thằng nhóc mặt mụn mà em gặp ở cuộc hội họp ngoài sân với những dải băng màu. Thập thò dọc hàngrào như một con chó con cố huýt sáo gọi em ra. Bởi vì người ta không thể dụ hắn vào phòng khách được. Mẹ tin là hắn có bùa mê, hắn sẽ bỏ bùa mê em khi hắn tóm được em một mình. Cái thằng cha căng chú kiết. Nó đang nằm cạnh cái hòm dưới cửa sổ mà rống có thể lái một chiếc Limousine với ho cài trên khuyết áo. Harvard Quentin à đây là Herbert. Đứa trẻ Harvard của tôi. Herbert sẽ là một người anh lớn đã hứa cho Jason chỗ làm ở ngân hàng.
Săn đón, dai dẳng như một gã chào hàng. Mặt chỉ thấy đầy những răng trắng nhờn nhưng không có một nụ cười. Cháu đã nghe nói về anh ấy ở trường. Chỉ thấy răng, chẳng thấy một nụ cười. Em cầm lái à?
Lên xe đi Quentin.
Em cầm lái.
Xe của nó đấy con có hãnh diện không em gái của con là người đầu tiên ở trong tỉnh có xe hơi quà tặng của Herbert đấy. Sáng nào Louis cũng dạy nó tập lái con có nhận được thư nhà không. ông bà Jason Richmond Compson thông báo lễ thành hôn của ái nữ là cô Candace với ông Sydney Herbert Head vào ngày hai mươi lăm tháng Tư năm một nghìn chín trăm mười tại Jefferson Mississipi. Tiếp khách tại tư gia sau ngày mùng một tháng Tám năm Cái gì Đó Gì Đó Đại lộ South Bend Indiana. Shreve nói Mày chẳng thèm bóc thư ra nữa à? Ba ngày. Giờ. Ông bà Jason Richmond Compson. Chàng Lochinvar phóng ra khỏi miền Tây hơi sớm quá, phải không?
Tôi là người miền Nam. Anh thật hài hước.
Ồ vâng, tôi biết vài nơi ở nông thôn.
Anh thật hài hước, phải không? anh nên vào một gánh xiếc.
Tôi đã từng làm. Tôi bị hỏng mắt cũng do phun nước bắt rận cho voi. Ba lần. Bọn con gái nông thôn ấy mà. Chẳng biết kể gì về họ cả, phải không? Ừ dù sao Byron cũng chưa khi nào thoả nguyện, ơn Chúa. Nhưng không đánh một kẻ đeo kính. Mày chẳng thèm bóc thư ra nữa à? Nó nằm trên bàn mỗi góc bàn thắp một ngọn nến hai đoá hoa giả trên chiếc phong bì buộc dải băng hồng vấy bẩn. Không đánh một kẻ đeo kính.
Người dân quê khốn khổ chẳng hề thấy một chiếc xe hơi đến khi chúng nhan nhản bóp còi kìa Candance. Em không muốn nhìn tôi họ sẽ tránh đường không muốn nhìn tôi bố con sẽ phiền lòng nếu con cán phải một ai đó chắc là trước sau gì ông ấy cũng tậu một chiếc tôi thật ân hận là cậu đã mang xe lại Herbert à tôi thích nó lắm dĩ nhiên là có xe ngựa nhưng hễ tôi muốn đi đâu đó là ông Compson lại sai mấy thằng đen làm việc này việc nọ tôi có đòi bằng được thì ông ấy nhắc đi nhắc lại là Roskus lúc nào cũng sẵn sàng đợi tôi gọi đến nhưng tôi biết thừa là thế nào rồi tôi biết là người ta chỉ hứa hẹn để lương tâm khỏi cắn rứt rồi cậu có đối xử với con bé nhà tôi như thế không Herbert nhưng tôi biết chả đời nào cậu làm thế Herbert đã cướp mất của gia đình mình đến suốt đời Quentin à có phải mẹ đã viết cho con rằng cậu ấy định đưa Jason vào làm ở ngân hàng của cậu ấy khi nào Jason tốt nghiệp Json sẽ là một nhà tài chính sáng giá nó là đứa duy nhất trong mấy đứa nhà tôi có đầu óc thực tiễn cậu có thể cảm ơn tôi vì điều đó nó giống bên họ tôi còn những đứa khác đều là họ Compson. Jason cung cấp hồ dán. Chúng làm diều ở ngã sau và nó bán cho chúng cứ mỗi chiếc một đồng kền, nó và thằng con nhà Patterson. Jason là thủ quỹ.
Không còn một người da đen nào trên chuyến tàu này và những chiếc mũ rơm còn chưa ngả màu trôi qua dưới cửa sổ. Đến Harvard. Chúng tôi đã bán của Benjy. Nó nằm lăn trên đất dưới cửa sổ, rống lên. Chúng tôi đã bán đồng cỏ của Benjy để Quentin có thể đi học ở Harvard một đứa em của cậu. Đứa em út của cậu.
Có một chiếc xe hơi thật tiện lợi vô cùng anh nghĩ sao Quentin cháu gọi anh ấy là Quentin ngay bác thấy không cháu đã nghe Candace kể nhiều về anh ấy.
Cậu gọi thế là phải tôi muốn cậu với nó thân thiết phải đấy Candace với Quentin thân nhau lắm. Bố à con đã phạm cậu thật đáng thương chẳng có em trai em gái gì Không em gái Không emgái không có em gái Đừng hỏi Quentin nó với ông Campson cứ như bị xúc phạm khitg đủ sức xuống cầu thang dùng bữa ở bàn ăn bây giờ tôi đâm ra khó tính chắc sau này tôi sẽ gánh chịu mọi chuyện và cậu đã cướp mất của tôi đứa con gái bé bỏng Đứa em gái bé bỏng của con đâu còn. Nếu con nói được mẹ à. Mẹ.
Trừ phi tôi làm điều mà tôi bị xúi giục là đòi cậu thế vào chỗ đó tôi cũng nghĩ là ông Compson có thể bắt kịp xe.
Ồ Herbert Candace con có nghe thấy không Em không nhìn tôi nơi góc hàm dịu dàng ương bướng không hề ngoảnh lại Con chẳng cần phải tị cậu ấy đang muốn làm đẹp lòng một bà già có con gái đến tuổi gả chồng tôi không tin đâu.
Chả lẽ nào trông bác còn như thiếu nữ trẻ hơn cả Candace nữa má hồng như con gái thế kia. Một gương mặt trách móc đẫm lệ một mùi hương của long não và của nước mắt một giọng thổn thức đều đều và êm dịu bên kia cánh cửa mập mờ cái hương thơm màu hoàng hôn của hoa kim ngân. Đưa những chiếc hòm không xuống cầu thang xép chúng âm vang như những chiếc quan tài. French Lick? 2 không phải là đi tìm cái chết ở bãi liếm muối.
Mũ rơm thô và không mũ. Suốt ba năm tôi không thể nào đội được một cái mũ. Tôi không thể. Đã là. Phải chăng đó sẽ là những cái mũ kể từ lúc tôi không còn và rồi cũng không còn Harvard. Những tư tưởng hay nhất bố nói bám ở đâu đó như những dây nho chết bám trên phế tích xưa. Vậy là không có ở Harvard. Dù sao cũng không ở tôi. Lại nữa. Buồn hơn. Buồn tột cùng. Lại nữa.
Spoade mặc áo sơ mi, phải thế thôi. Khi tôi có thể thấy lại cái bóng của mình nếu không chú ý lừa nó xuống nước tôi sẽ lại dẫm lên cái bóng không thấm nước ấy. Nhưng không có em gái. Lẽ ra tôi không làm điều đó. Tôi không muốn con gái tôi bị theo dõi. Lẽ ra tôi không.
Làm sao tôi có thể điều khiển được chúng khi lúc nào ông cũng dạy chúng không tôn trọng tôi và những ý muốn của tôi tôi biết ông coi thường họ hàng nhà tôi nhưng đấy không phải là lý do để ông dạy các con tôi con của chính tôi mà tôi mang nặng đẻ đau không tôn trọng tôi Dẫm c cô lóng xương của bóng tôi xuống mặt bê tông bằng những gót chân tàn nhẫn và rồi tôi nghe thấy chiếc đồng hồ, và tôi sờ lá thư qua lần áo khoác.
tôi sẽ không để ông hay Quentin hay bất kỳ ai theo dõi con gái tôi nó làm gì không phải là chuyện các người để làm.
Ít ra bà cũng đồng ý là có lý do để canh chừng nó chứ.
Lẽ ra tôi không lẽ ra tôi không. Tôi biết lẽ ra bà không tôi không định nói thẳng như vậy nhưng đàn bà thường ít tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng chính mình.
Nhưng tại sao mẹ Chuông bắt đầu điểm lúc tôi dẫm lên cái bóng của tôi, nhưng đó là chuông mười lăm phút. Không thấy lão Trợ tế ở đâu cả nghĩ là con làm hoặc có thể làm.
Bà ấy không có ý như thế đó là cái lối của đàn bà vì bà ấy thương Caddy.
Những ngọn đèn đường đi xuống đồi rồi leo lên về phía thị trấn. Tôi dẫm lên giữa bóng tôi. Tôi có thể xòe bàn tay ở bên ngoài nó, cảm thấy bố sau lưng tôi bên kia bóng tôi xào xạc của mùa hè và tháng Tám những ngọn đèn đường. Bố và tôi che chở những người đàn bà người này khỏi người kia và khỏi chính họ những người đàn bà của chúng tôi. Đàn là như vậy họ không chịu hiểu người khác còn chúng ta sống cho cái đó họ sinhra với sự phong nhiêu thực tiễn của ngờ vực thương chín rộ từng vụ gặt họ có một quan hệ thân thuộc với các ác cung ứng tất cả những gì cái ác còn khiếm khuyết lôi kéo cái ác theo họ một cách bản năng như người ta kéo khăn trải giường trong cơn mê ngủ bồi bổ ý tưởng cho các ác đến khi cái ác đạt mục đích của nó cho dù mục đích ấy tồn tại hay không. Lão đang đi giữa hai chàng lính mới. Lão chưa hết ngây ngất từ cuộc diễu hành, vì lão chào tôi rất mực chính quy.
“Tôi muốn gặp bác một chút” tôi nói và dừng lại.
“Gặp tôi? được thôi. Tạm biệt nhé, các chú em” lão nói, dừng bước rồi quay lại. “hân hạnh được hầu chuyện cậu” Đó chính là lão Trợ tế, hoàn chỉnh. Lại nói đến những nhà tâm lý học tự nhiên. Họ bảo rằng lão không hề bỏ lỡ một chuyến tàu ngày khai trường nào suốt bốn mươi năm, rượu lão chỉ liếc mắt cũng có thể chỉ ra một anh chàng người miền nam. Lão không bao giờ lầm, và chỉ cần nghe anh ta nói, lão có thể biết anh ở tiểu bang nào. Lão mặc bộ đồng phục chuyên để đi đón tàu, thuộc loại Túp lều của bác Tom, vá víu đủ kiểu.
“Vâng ạ. Đi lối này, cậu chủ, đây ạ” rồi xách túi cho anh. “Này nhóc, lại đây mang mấy thứ này đi!” Ngay lúc đó một núi hành lý di động hé ra một thằng bé da trắng khoảng mười lăm tuổi, và lão Trợ tế treo cái túi nữa lên người nó rồi đẩy nó đi. “Nào, nào, đừng có đánh đổ. Vâng, thưa cậu chủ, cậu đưa số phòng của cậu cho lão khọm này, kẻo rồi lúc cậu tới, phòng cứ là lạnh cóng”.
Từ đó trở đi lão suốt ngày quanh quẩn ra vào phòng anh, nhòm nhỏ và ba hoa, quần áo càng tươm tất thì cung cách của lão càng có vẻ miền Bắc hơn, và rồi chinh phục được anh hoàn toàn, lão bòn rút anh tới khi anh mở mắt ra lão gọi anh là Quentin hay bất cứ tên gì, và lần sau anh đã thấy lão diện bộ đồ Brooks phế thải với một cái mũ có dải băng Hội Princeton tôi không nhớ là băng gì mà một người nào đó đã cho lão làm lão rất mực khoái trá và tin chắc như đinh đóng cột đấy là một mảnh của dải băng quân công của Abe Lincoln. Người ta kháo nhau cách đây vài năm, khi lão chẳng rõ từ đâu xuất hiện lần đầu tiên ở trường, rằng lão đã tốt nghiệp ở một trường thần học. Và khi lão hiểu cái đó có nghĩa là gì, lão liền vớ lấy, tô vẽ thêm câu chuyện, rốt cuộc lão đâm ra tin mình thực sự đã có như vậy. Lão móc nối những giai thoại dây cà dây muống về thời sinh viên của lão, kể một cách thân hữu về những giáo sư đã chết hay đã thuyên chuyển bằng tục danh của họ, tên nọ xọ tên kia. Nhưng lão đã là hướng đạo tinh thần và bạn chí cốt của vô số lứa lính mới ngây thơ ngơ ngác. Và tôi thiết tưởng với tất cả những mánh khóe nhỏ nhen và đạo đức giả của lão, lão cũng chẳng bốc mùi thối tha hơn bất kỳ ai trong những lỗ mũi của thiên đàng.
“Ba bốn hôm nay sao chẳng thấy cậu đâu?” lão nói, nhìn tôi chăm chú với vẻ nhà binh cứng nhắc. “Cậu ốm à?”
“Không, tôi vẫn khoẻ. Bận thôi. Nhưng tôi thấy bác”.
“Vậy hả?”
“Trong buổi diễu hành hôm nọ”.
“À, ra thế. Phải, tôi có đi. Tôi chẳng quan tâm gì lắm đến cái trò đó, cậu biết đấy, nhưng bọn trẻ chúng thích có tôi đi với chúng, cựu chiến binh mà. Các bà thì muốn tất cả những tay cựu trào góp mặt, cậu biết đấy. Vậy mình đi để chiều ý họ”.
“Và ở ngày hội Wop 3 nữa. Bác chiều ý cả W.C.T.U 4 nữa à?”
“Cái đó hả? tôi đi hôm ấy là vì thằng con rể. Nó định xin việc ở Sở Công chánh. Một chân quét đường. Tôi bảo nó là liệu đời mày chỉ ước một cái chổi để ngủ thôi sao. Cậu thấy tôi à?”
“Vâng, cả hai lần”.
“Chắc là mặc đồng phục. Trông tôi thế nào?”
“Oách lắm. Trông bác oách hơn hết thảy. Lẽ ra người ta phải phong bác làm đại tướng, bác Trợ tế ạ”.
Lão sờ cánh tay tôi, nhẹ nhàng, bàn tay lão có cái phẩm tính hiền diệu của những bàn tay da đen. “Nghe này cậu. Đây là chuyện chúng mình với nhau. Tôi nói với cậu vì cậu với tôi là chỗ cánh hẩu, có trước có sau”. Lão hơi nghiêng người về phía tôi, mắt nhìn đi chỗ khác. “Tôi đang chuẩn bị một vố, sẵn sàng cả rồi. Chờ đến sang năm. Cứ chờ đi. Rồi thấy tôi diễu hành ở đâu. Chả cần nói với cậu là tôi thu xếp cách nào. Tôi bảo cứ chờ xem, anh bạn trẻ ạ”. Rồi lão nhìn tôi, vỗ nhẹ lên vai tôi và lắc lư người trên những gót chân, lão gật đầu với tôi. “Vâng, thưa ngài, tôi trở thành đảng viên Dân chủ đã ba năm nay chẳng để làm gì sao? Thằng con rể tôi ở Sở Công Chánh, còn tôi – Vâng, thưa ngài, chỉ cần trở thành đảng viên dân chủ là thằng chó đẻ ấy có việc làm…Còn tôi, cậu cứ đứng ở góc đường ấy sau một năm nữa kể từ hôm kia, và nhìn xem”.
“Tôi mong như vậy. Bác xứng đáng lắm, bác Trợ tế ạ. Và nhân thế” tôi lấy lá thư trong túi “bác cầm cái này lại phòng tôi ngày mai và đưa cho Shreve. Nó sẽ có chút quà cho bác. Nhưng nhớ là đến ngày mai đấy”.
Lão cầm thư và ngắm nghía “Niêm phong rồi”.
“Phải. Trong có thư. Đến mai hãy đưa”.
“Hừm” lão nói. Lão nhìn cái phong bì, miệng mím lại. “Cậu bảo là có quà cho tôi?”
“Phải. Một món quà tôi biếu bác”.
Rồi lão nhìn tôi, chiếc phong bì trắng trong bàn tay lão đen nhẻm, ở giữa nắng. Mắt lão dịu dàng, không có lòng đen cả màu nâu, và bỗng nhiên tôi thấy Roskus nhìn tôi từ đàng xa tất cả những trò phô trương của dân trắng nào đồng phục nào chính trị nào cung cách Harvard, cái nhìn khiêm nhường, lừa đảo, mơ hồ và buồn bã. “Cậu không đùa cợt lão già này đấy chứ?”
“Bác biết là tôi không làm thế. Đã có một người miền Nam nào đùa cợt bác như thế chưa?”
“Cậu nói đúng. Họ là những người tử tế. Nhưng mình không thể sống với họ được”.
“Bác đã thử chưa?” tôi nói. Nhưng Roskus đã biến mất. Một lần nữa lão lại là cái con người mà lão tự có, tự dạy mình phải có cái vẻ ở trước mắt bàn dân thiên hạ, huênh hoang, giả tạo, và phần nào thô kệch.
“Tôi sẽ làm theo ý cậu, cậu bé ạ”.
“Đến ngày mai, bác nhớ nhé.”
“Nhất định” lão nói. “Tôi hiểu, cậu bé ạ. À…”
“Tôi mong là” tôi nói. Lão nhìn tôi hạ cố, ân cần, thâm thuý. Bỗng nhiên tôi đưa tay ra và chúng tôi bắt tay nhau, lão trịnh trọng từ đỉnh cao huênh hoang của giấc mơ dô thị và binh nghiệp của lão. “Bác là một người bạn tốt, bác Trợ tế ạ. Tôi mong là..Bác đã giúp đỡ biết bao nhiêu bạn trẻ, ở bất kỳ đâu”.
“Tôi đã cố gắng ăn ở phải chăng với mọi người” lão nói. “Tôi đâu quản ngại việc chung. Đối với tôi, một con người là một con người, dù tôi gặp họ ở đâu đi nữa”.
“Tôi mong là lúc nào bác cũng có nhiều bạn bè như bác đã có xưa nay”.
“Bọn trẻ à? Tôi cùng cảnh với họ mà. Có sao họ cũng chẳng quên tôi” lão nói, vung vẩy lá thư.
Lão nhét nó vào túi và cài khuy áo khoác. “Vâng, thưa ngài” lão nói. “Tôi có nhiều bạn tốt”.
Chuông lại bắt đầu điểm nửa giờ. Tôi đứng giữa bóng tối và lắng nghe từng hồi chuông đều đặn và êm đềm trải dài trong nắng, giữa đám lá non mỏng mảnh. Đều đặn, thanh bình và trong sáng, ngay cả giữa tháng cưới xin, tiếng chuông vẫn luôn luôn mang đầy những đặc tính của mùa thu. Nằm lăn trên đất dưới cửa sổ rống lên. Hắn liếc nhìn em và chợt hiểu. Từ miệng bọn trẻ con nói ra. Những ngọn đèn đường. Tiếng chuông ngưng. Tôi quay lại nhà bưu điện, dẫm bóng tôi trên mặt hè đường. Đi xuống đồi rồi leo lên về phía thị trấn như những chiếc đèn lồng treo trên tường cái nọ trên cái kia. bố nói bởi vì bà ấy thương Caddy bà ấy thương người dù họ có thiếu sót. Cậu Maury dạng chân trước lò sưởi phải với dài tay để uống Giáng Sinh. Jason vẫn chạy, tay cho vào túi ngã phịch xuống và nằm ở đó như con gài bị buộc chặt để đem quay đến khi Versh nâng nó dậy. Sao cậu không thể để tay ở ngoài lúc chạy nếu ngã cậu mới có thể đứng dậy được. Lăn đầu cậu ấy trong nôi lăn ở phía gáy. Caddy bảo Jason Versh nói là sờ đi cậu Maury không làm được việc gì vì hồi nhỏ cậu hay lăn đầu ở trong nôi.
Shreve trên lối đi, lóng ngóng, sốt sắng một cách ngờ nghệch, đôi mắt kính lấp lánh dưới vòm lá sáng như hai vũng nước nhỏ.
“Tao đưa lão Trợ tế một lá thư dặn vài việc. Chiều nay có thể tao không về, mày đừng đưa cho lão cái gì cả, mai hẵng hay nghe không?”
“Được” nó nhìn tôi. “Nói tao hay, hôm nay mày làm những gì, mày sao vậy? đóng bộ vào rồi đi loanh quanh như sắp đọc diễn từ ở lễ hoả thiêu. Sáng nay mày có dự giờ Tâm lý không?”
“Tao chẳng làm gì cả. Đến mai hẵng hay nhé?”
“Mày định làm gì thế?”
“Chẳng có gì. Đôi giày tao đóng lại đế. Đến mai hẵng hay, nghe không?”
“Yên trí, được mà. À nhân tiện, sáng nay mày có cầm lá thư ở trên bàn không?”
“Không”.
“Ở đấy mà. Thư từ Semiramis. Có xe đưa tới lúc trước mười giờ”.
“Được. Tao sẽ xem. Chẳng hiểu bà ta muốn gì nữa”.
“Chắc lại hoà nhạc. Thằng Gerald sẽ lại tò tí te. Trống lớn hơn tí nữa. Quentin. Ơn Chúa, tao sung sướng vì cóc phải làm quý tộc”. Nó bỏ đi, cắp quyển sách, sốt sắng một cách ngốc nghếch và hơi kỳ cục. Những ngọn đèn đường con có nghĩ thế không bởi vì các cụ tổ bên nội có thống đốc và ba vị tướng còn bên mẹ lại chẳng có ai.
Một người còn sống thì hơn một người đã chết nó không một người còn sống nào hơn một người còn sống khác hoặc không một người chết nào hơn một người chết khác. Dù sao mẹ cũng nghĩ thế. Hết. Hết. Thế là tất cả chúng ta đã bị đầu độc con lẫn lộn tội lỗi với đạo lý đàn bà họ không làm như vậy mẹ của con ưu tư về đạo lý còn có là tội lỗi hay không bà ấy không bận tâm.
Jason tôi phải đi thôi ông giữ lấy mấy đứa con kia còn tôi sẽ mang thằng Jason đến nơi nào không ai biết mẹ con tôi để nó có cơ hội trưởng thành và quên đi những chuyện này những đứa kia không thương tôi chúng nó chẳng bao giờ yêu thương bất cứ cái gì với cái thói ích kỷ và sĩ diện hão của họ Compson chỉ có Jason là đứa duy nhất tôi thương hết lòng mà không phải e sợ.
Vớ vẩn Jason có sao đâu tôi nghĩ rằng ngay khi bà cảm thấy đỡ hơn bà với Caddy có thể đến French Lick.
Và để Jason lại đây chẳng có ai ngoài ông với bọn đen con bé rồi sẽ quêN đi và mọi chuyện đàm tiếu rồi cũng hết không phải đi tìm cái chết ở bãi liếm muối.
Có lẽ tôi phải gả chồng cho nó không phải cái chết ở bãi liếm muối.
Chiếc xe tới và dừng lại. Chuông nửa giờ vẫn đang rung. Tôi đếm và nó lại điểm, quá nửa giờ. Không: bốn mươi lăm phút. Rồi chỉ còn mười phút nữa. Rời bỏ Harvard giấc mơ của mẹ ngươi để bán đồng cỏ của Benjy – để.
Tôi đã làm gì để phải có những đứa con như thế Benjamin chưa đủ là hình phạt hay sao mà bây giờ lại đến nó không cần biết tới tôi đến mẹ đẻ của nó tôi khổ sở vì nó ước ao lo lắng hy sinh cho nó đến mòn mỏi thân tôi mà chưa bao giờ kể từ khi nó mở mắt đến nay nó thực lòng nghĩ đến tôi một đôi lần tôi nhìn nó mà tự hỏi liệu nó có phải là con tôi hay không chỉ có thằng Jason là chưa khi nào làm tôi buồn khổ ngay từ lần đầu tiên bế nó trên tay tôi đã biết ngay rằng nó là nguồn vui của tôi nguồn cứu rỗi của tôi tôi nghĩ là Benjamin đã đủ để trừng phạt mọi tội lỗi tôi đã phạm tôi nghĩ nó là sự trừng phạt đối với tôi về cái tội đã gạt sang một bên lòng kiêu hãnh để lấy một người đã đặt mình cao hơn tôi tôi cũng chẳng phàn nàn tôi đã yêu người ấy hơn bất cứ ai vì điều đó và vì bổn phận mặc dù Jason ông lúc nào cũng làm lòng tôi đau đớn nhưng bây giờ tôi hiểu rằng tôi khổ sở còn chưa đủ bây giờ tôi hiểu rằng tôi phải trả giá cho những tội lỗi của ông cũng như của tôi ông đã làm gì dòn ghọ cao sang của ông đã phạm những tội lỗi gì khiến tôi phải gánh chịu nhưng rồi ông sẽ phải nhận lấy chúng lúc nào ông cũng biện bạch cho dòng họ của ông chỉ có thằng Jason là tồi tệ bởi vì nó là Bascomb nhiều hơn là Compson trong khi chính đứa con gái của ông đứa con gái bé bỏng của tôi con bé cưng của tôi nó đấy nào nó có hơn gì đâu khi tôi còn con gái tôi không may chỉ là một Bascomb tôi được dạy rằng một người đàn bà hoặc là một mệnh phụ hoặc không chứ không thể nửa đời nửa đoạn nhưng tôi chẳng bao giờ tưởng tượng thấy khi tôi ôm nó trong tay rằng con gái tôi lại có thể là đứa bỏ đi ông biết không tôi có thể nhìn vào mắt nó mà nói ông nghĩ là nó đã nói với ông nhưng nó đâu có nói với ông những gì nó giữ kín ông không biết nó còn tôi biết những gì nó đã làm mà đến chết tôi cũng không để ông biết ông cứ mắng thằng Jason cứ kết tội tôi sai nó canh chừng con bé như thể đấy là một tội ác trong khi chính con gái ông có thể phạm tôi biết ông không thương gì thằng bé ông muốn dổ cho nó những lỗi lầm mà ông chưa khi nào thấy nhạo báng nó như ông vẫn nhạo báng Maury ông chẳng thể làm tôi đau đớn hơn bất kỳ điều gì các con ông đã làm và rồi tôi sẽ đi còn Jason sẽ không một ai thương nó che chở nó nữa ngày ngày tôi nhìn nó mà lo sợ cái dòng máu Compson rốt cục lại bắt đầu lộ ra ở nó với con chị nó sa đoạ để xem ông gọi cái đó là gì rồi liệu ông có để mắt đến thằng ấy không liệu ông có để tôi thử tìm xem nó là đứa nào không chẳng phải cho tôi đâu tôi làm sao chịu đựng nổi việc gặp nó đấy là vì lợi ích của ông để che đỡ cho ông nhưng ai mà cưỡng lại nổi cái dòng máu xấu xa sao ông không để tôi thử xem mình cứ ngồi yên thúc thủ trong khi con bé chẳng những lôi tên tuổi ông xuống bùn nhơ mà còn đầu độc cả không khí các con ông thở Jason ông phải để tôi đi còn ông giữ những đứa khác chúng đâu phải máu thịt của tôi như nó chúng là những kẻ xa lạ chẳng có gì là của tôi cả và tôi sợ chúng tôi có thể mang Jason đi đến nơi nào không ait biết mẹ con tôi tôi sẽ quỳ xuống và cầu xin ơn trên tha thứ cho những tội lỗi của tôi để nó có thể thoát khỏi sự nguyền rủa này cố quên rằng những đứa kia là
Nếu đó là bốn mươi lăm phút thì còn không quá mười phút nữa. Một chuyến xe vừa rời khỏi và đã lại có người chầu chực chuyến kế tiếp. Tôi hỏi, nhưng ông ta cũng không rõ đến trưa còn có chuyến nào nữa không bởi vì cậu biết đấy, xe liên tỉnh mà. Vậy là chiếc xe đầu tiên tới sau đó là xe điện. Tôi lên. Người ta có thể cảm thấy buổi trưa. Không biết những người thợ mỏ ở dưới lòng đất sẽ còn đến thế nào. Đó là nguyên do của tiếng còi tầm: bởi vì có người đổ mồ hôi, và nếu đủ xa khỏi mồ hôi người ta không nghe thấy còi tầm và ở Boston chỉ trong tám phút người ta sẽ rời xa mồ hôi. Bố nói con người là tổng số những nỗi bất hạnh của hắn. Một ngày nào ta nghĩ nỗi bất hạnh của ta bối nói. Một con hải âu lơ lửng trên một sợi dậy vô hình giăng ngang qua không trung. Người ta mang cái biểu tượng về thất vọng của mình vào vĩnh cửu. Rồi đôi cánh lớn hơn bố nói chỉ những ai biết chơi đàn thụ cầm.
Cứ lúc nào xe ngừng tôi lại nghe thấy chiếc đồng hồ của tôi nhưng không thường xuyên người ta đã ăn rồi ai có thể chơi Sự việc ăn bên trong người ta cả không gian nữa không gian và thời gian lẫn lộn. Dạ dày nói buổi trưa trí não nói ăn giờ Được tôi tự hỏi thời gian là cái gì có cái gì. Người ta xuống xe. Bây giờ chiếc xe điện không dừng luôn nữa, rỗng đi bởi sự ăn.
Rồi qua hết. Tôi xuống và đứng trong cái bóng của tôi và một lát sau một chuyến xe chạy suốt đến và tôi đi lên ngược trở lại chỗ bến xe liên tỉnh. Ở đó có một chiếc xe sắp chạy, tôi tìm một chỗ cạnh cửa sổ rồi xe khởi hành và tôi nhìn chuyến xe loạng choạng lao vào vùng đầm lầy nước mặn tẻ nhạt và rồi là những rặng cây. Đôi lúc tôi thấy sông và tôi nghĩ rằng thời tiết này quả là thú vị cho họ ở New London và chiếc xuồng của Gerald đường bệ lướt đi trong nắng sớm lấp lánh và tôi tự hỏi chẳng biết bà già ấy muốn gì nữa mà gửi tôi một lá thư trước mười giờ sáng. Bức hình của Gerald tôi cũng là một kẻ Dalton Ames ồ amiăng Quentin đã bắn làm nền. Như tất cả những cô gái. Đàn bà họ có luôn luôn giọng của hắn ở trên cái giọng lắp bắp đã thì thào một quan hệ thân thuộc với cái ác, đã tin rằng không có người đàn bà nào đáng tin, nhưng có một số đàn ông quá ngây thơ không tự bảo vệ được. Những cô gái vô duyên. Những họ hàng xa lắc xa lơ và những bạn bè gần gũi mà sự quen biết giao du chỉ là để thi hành bổn phận của con nhà gia thế. Và bà ngồi đó nói với chúng tôi trước mặt họ thật đáng xấu hổ khi cả nhà chỉ có Gerald là ưa nhìn vì đàn ông chẳng cần cái đó, không có cái đó còn tốt hơn, nhưng một cô con gái mà không xinh đẹp thì chỉ có vứt đi. Kể cho tôi nghe về các tình nhân của Gerald bằng một Quentin đã bắn Herbert nó đã bắn cái giọng của hắn xuyên qua sàn phòng Caddy giọng tán thưởng đầy tự mãn. Khi nó mười bảy tuổi, một hôm tôi bảo nó “Thật là ngượng, một thằng con trai mà lại có cái miệng như thế kia, đấy là miệng của con gái mới phải” và các cậu thử hình dung xem tấm rèm kéo nghiêng vào ánh hoàng hôn trên mùi thơm của cây táo đầu em dựa vào hoàng hôn tay em đặt sau đầu vạt Kimono xoè ra giọng nói thì thào bên trên vườn địa đàng những khăn trải gx bởi cái mũi thấy trên trái táo nó nói sao? Mười bảy tuổi đầu. “Mẹ ạ” nói bảo “thế là thường”. Và hắn ngồi đó với giáng điệu vua chú ngắm một lúc hai ba cô qua hàng mi. Các cô thì ngây ngất như những con én đâm bổ vào hàng mi của hắn. Shreve nói nó luôn luôn Anh sẽ trông nom Benjy và bố chứ.
Em nói hoài về Benjy và bố như thể lúc nào em cũng quan tâm đến họ Caddy à.
Anh hứa đi
Em không phải băn khoăn về họ nhiều đến thế em tỏ ra chu đáo quá đấy
Anh hứa đi em đang ốm anh phải hứa đi tự hỏi ai đã bày đặt ra cái chuyện đùa cợt ấy nhưng quả là hắn luôn luôn để ý đến bà Bland một người đàn bà còn đáng để ý lắm nó bảo bà ta o bế thằng Gerald để rồi có ngày chài được một quận chúa. Bà gọi Shreve là chàng mập Canada hai lần bà dọn dẹp căn phòng mới cho tôi mà không cần hỏi ý kiến tôi, một lần khi tôi chuyển phòng, một lần là
Nó mở cánh cửa trong ánh hoàng hôn. Mặt nó trông như một cái bánh bí ngô.
“Thôi đành âu yếm già từ nhau. Số phận cay nghiệt đã chia lìa đôi ta, nhưng tôi sẽ không bao giờ còn yêu ai khác nữa. Không bao giờ nữa”.
Mày diễn vở gì đấy?”
“Tao đang nói về cái số phận nghiệt ngã trong tám thước lụa đào mà nặng ngàn cân của một kẻ nô lệ chèo thuyền và đấng chủ nhân duy nhất và người sở hữu của kẻ bán hàng rong được chấp thuận của Cựu Liên Bang”. Rồi nó kể cho tôi nghe là bàta đã đến gặp viên giám thị đòi đuổi nó như thế nào và viên giám thị đã mềm mỏng cự tuyệt là trước tiên phải tham khảo ý kiến Shreve như thế nào. Rồi bà ta yêu cầu cho gọi Shreve tới ngay mà hỏi, và ông ta không làm, thế là sau đó bà ta trở mặt với Shreve. “Tao vốn không bao giờ nói xấu đàn bà” Shreve nói “nhưng con mẹ ấy quả là điếm đàng hơn bất kỳ người đàn bà nào trên khắp các tiểu bang có chủ quyền này”. Và nào là thư tay để trên bàn, tặng hoa lan thơm phức đủ màu. Nếu bà ta biết là tao đã đi qua gần như ngay dưới cửa sổ biết chẳng thiếu điều gì.
Thưa bà tôi chưa được hân hạnh nhận thông báo của bà nhưng mong bà tha lỗi trước cho là hôm nay hoặc hôm qua hoặc ngày mai hoặc khi nào. Tao lại nhớ lần mới đây thằng Gerald đã ném tên da đen của nó xuống cầu thang ra sao, và tên mọi nằn nì xin theo lớp thần học để được gầncj chủ Gerald rasao rồi chạy bộ đến tận nhà ga bên cạnh chiếc xe ngựa với đôi mắt đẫm lệ ra sao khi cậu chủ Gerald ra đi tao sẽ chờ đến ngày về chuyện gã chồng thợ xẻ tới cửa bếp với một khẩu súng ngắn và Gerald đi xuống bẻ khẩu súng làm đôi rồi đưa lại cho gã và chùi tay vào một cái khăn lụa xong vứt cái khăn vào lò tao mới nghe chuyện đó hai lần.
Bắn hắn xuyên qua Tôi thấy anh tới đây tôi nghĩ vậy là có cơ hội để chúng ta làm quen với nhau anh hút xì gà không
Cám ơn tôi không hút
Chẳng thay đổi gì mấy so với hồi tôi còn học tôi hút được chứ
Anh cứ việc
Cảm ơn tôi đã nghe nhiều tôi nghĩ bà cụ anh sẽ không phiền trách nếu tôi vứt diêmsau màn cửa chứ đã nghe nhiều về anh lúc nào Candace cũng kể về anh ở đó ở Lick ấy làm tôi phát ghen tôi tự nhủ Quentin là cái anh chàng như thế nào mình phải gặp xem mồm ngang mũi dọc rasao bởi vì tôi bị choáng váng ngay từ lúc mới gặp cô bé tôi nói thật với anh tôi không hề nghĩ là cô ấy lúc nào cũng kể về chính anh trai mình ca ngợi anh hết lời như thể anh là người duy nhất trên thế gian xứng đáng là một người chồng anh không muốn hút à anh đổi ý hút một điếu nhé
Tôi không hút
Vậy thì tôi cũng không ép mặc dù đây là loại hảo hạng một người bạn ở Havana mua sỉ giùm tôi hai mươi lăm đô la một trăm phải tôi chắc trường đã thay đổi nhiều tôi luôn bảo mình phải về thăm trường dễ đến mươi năm nay tôi không trở lại nơi này để đập một trái bóng tôi không làm sao dứt được công việc ở nhà ngân hàng những cung cách lề thói đã thay đổi cả chắc anh biết những điều gì là quan trọng với một sinh viên anh kể tôi nghe.
Nếu anh đến chỉ để nói những chuyện đó thì tôi khỏi cần nói lại với bố mẹ tôi
Khỏi cần nói lại với ồ chuyện ấy anh nói về chuyện ấy phải không anh nên hiểu rằng tôi cóc cần biết anh có nói lại hay không đó là một điều rủi ro chứ nào phải tội lỗi gì tôi chẳng là người đầu tiên cũng chẳng là kẻ cuối cùng tôi chỉ không gặp may thôi có lẽ anh may mắn hơn tôi
Anh nói láo
Bình tĩnh nào tôi đâu có bắt anh phải kể những gì anh không muốn dĩ nhiên tôi không hề có ý xúc phạm bây giờ anh còn trẻ năm năm nữa anh sẽ thấy những chuyện đó chẳng đến nỗi quan trọng như bây giờ
Tôi không biết bất kỳ một phương cách nàoq đối phó với lũ bịp bợm tôi thiết nghĩ ở Harvard tôi cũng không được học điều đó
Chúng mình nói chuyện còn hay hơn kịch chắc anh phải học lớp sân khấu rồi phải anh nói đúng chẳng cần kể lại cho ông cụ bà cụ làm gì cái gì đã qua cứ cho qua kìa không lẽ anh với tôi lại để một chuyện nhỏ mọn như thế làm mếch lòng nhau tôi mến anh lắm Quentin à tôi thích phong thái của anh anh khác hẳn bọn nhà quê kia tôi rất mừng nếu chúng ta bỏ qua chuyện đó thế này nhé tôi có hứa với bà cụ anh là sẽ giúp đỡ Jason nhưng tôi cũng muốn giúp cả anh nữa Jason ở đây cũng tốt chán nhưng ở một cái xó như nơi này làm gì có tương lai cho một gã trai như anh
Cảm ơn anh cứ cặp với Jason thì hơn nó hợp với anh hơn tôi
Xin lỗi anh về chuyện làm ăn ấy nhưng hồi còn bé tôi đâu có được một bà mẹ như bà cụ anh để dạy tôi điều hơn lẽ thiệt mẹ tôi có biết điều này đi nữa cũng chỉ khổ tâm vô ích phải anh nói đúng dĩ nhiên không kể Candace
Tôi nói bố tôi và mẹ tôi
Nhìn này nhìn tôi xem anh đấu với tôi được bao lâu
Nếu anh học cả trò đánh nhau ở trường thì chắc tôi chẳng được mấy nỗi nhưng cứ thử đi khắc biết tôi đấu được bao lâu
Anh bạn trẻ anh thử nghĩ xem anh đang đi đến đâu
Cứ thử xem
Ấy chết điếu xì gà bà cụ anh sẽ nói sao nếu thấy có vết cháy trên mặt lò cũng may còn kịp Quentin à suýt nữa mình làm một việc mà rồi cả hai sẽ hối tiếc tôi mến anh ngay từ đầu vừa gặp anh tôi đã có cảm tình tôi bảo dù hắn là ai đi nữa hắn cũng phải thế nào Candace mới rối lên thế chứ nghe này tôi đã lăn lộn với đời mười năm nay chẳng có chuyện gì là quá quan trọng rồi anh sẽ hiểu ra điều đó anh với tôi đều là những đứa con của Harvard cổ kính ta hãy hoà thuận với nhau và tôi nghĩ tôi cũng chẳng biết nơi nào tốt hơn đám trẻ để tôi gửi các con tôi đến đó cho chúng được đào luyện tử tế hơn tôi ngày xưa chờ chút đừng đi vội mình bàn lại chuyện này đã tuổi trẻ là vậy đấy tôi hoàn toàn tán thành việc rèn giũa tính cách ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường điều đó rất có lợi vì giữ được truyền thống nhưng khi vào đời người ta phải tự mình tìm lấy con đường hay nhất bởi vì người ta sẽ thấy ai cũng làm như ai và mẹ kiếp nào ta hãy bắt tay chuyện đã qua cho qua luôn vì bà cụ anh nên nhớ bà cụ không được khóc nào đưa tay đây này nhìn xem tay anh như mới ở tu viện ra không một vết chai một nếp nhăn cũng không
Xéo xuống địa ngục với tiền của anh
Thôi thôi nào bây giờ thì tôi cũng là người trong gia đình vả lại tôi cũng biết các bạn trẻ sống thế nào biết bao nhiêu việc cần tiêu mà tiền đâu có dễ gì moi tiền ông già vì tôi biết tôi đã từng ở đó cũng mới đây thôi nhưng bây giờ tôi sắp lấy vợ và còn đủ thứ chuyện nhất là ở đó nào nào đừng có ngốc nghe tôi này khi ta đã có dịp trò chuyện thẳng thắn với nhau tôi muốn nói với anh về cô gái goá xinh xắn dưới phố
Chuyện ấy tôi cũng có nghe rồi hãy giữ lấy đồng tiền cao quý của anh
Cứ coi như là tôi cho anh vay vậy chỉ cần anh nhắm mắt và một phút sau anh sẽ có năm mươi
Bỏ tay khỏi người tôi anh lấy điếu xì gà trên mặt lò đi
Thử nghĩ xem mẹ kiếp nếu anh không điên khùng quái quỷ như thế thì anh đã được những gì anh thấy đấy tôi rất chi ly với những thằng em dở dở ương ương như Galahad bà cụ anh có kể cho tôi về tính tình của anh kiêu căng tự phụ lắm vào đây nào em yêu vào đây anh với Quentin vừa làm quen với nhau nói chuyện về Harvard thôi em không muốn à cô ấy không thể sống xa ông già được phải không
Herbert anh tạm ra ngoài một chút em muốn nói chuyện với Quentin
Vào đây vào đây mình nói chuyện làm quen anh vừa bảo Quentin là
Kìa Herbert ra ngoài một chút thôi
Thôi được anh nghĩ chắc em với ông anh cần gặp nhau một lần nữa
Anh lấy điếu xì gà trên mặt lò đi
Sẵn sàng như mọi lần cậu bé ạ tôi đi dạo quanh đây vậy cứ để người ta quần anh tơi tả chừng nào người ta còn làm được Quentin à từ ngày kia trở đi hẳn ông già sẽ hài lòng phải không này cưng hôn bọn anh một cái đi
Ồ thôi để dành đến ngày kia
Nếu thế thì phải tính lời cho anh đấy đừng để Quentin làm bất cứ việc gì mà anh ấy không hoàn tất được à nhân tiện không biết anh đã kể cho Quentin câu chuyện con vẹt của thằng cha nào đó và những gì xảy ra cho nó chưa nhỉ một câu chuyện thật buồn nhớ nhắc anh kể nhé em cũng phải nghĩ chứ chà chà trông em cứ như trong tờ tạp chí hài hước
Sao
Ờ
Bây giờ anh định làm gì nào
Chẳng gì cả
Anh lại can thiệp vào chuyện của em nữa cả vụ hè vừa rồi chưa đủ sao
Caddy em lại sốt rồi em ốm làm sao em ốm
Em chỉ biết là ốm thôi. Em không thể hỏi
Bắn giọng hắn qua
Thằng đê tiện ấy thì đừng Caddy à
Đôi lúc con sông lấp lánh sau những vật che khuất, ánh sáng loang loáng như đâm bổ xuống, qua buổi trưa và buổi chiều. Phải, ngay cả sau này, chúng tôi đã đi qua nơi hắn chèo ngược dòng với gương mặt uy nghi của thánh thần. Còn hơn thế. Thánh thần. Ở Boston ở Massachusetts đến Thượng Đế cũng trở nên hèn hạ. Có lẽ không phải là chồng. Những mái chèo ướt loang loáng đẩy hắn đi với ánh nhấp nhánh chói mắt và những bàn tay phụ nữ. Phỉnh nịnh. Phỉnh nịnh nếu không phải chồng chắc chắn hắn phớt lờ cả Chúa. Thằng đê tiện ấy Caddy Con sông lấp lánh xa dần đến bên kia khúc ngoặt đột ngột.
Em ốm anh phải hứa
Ốm em ốm thế nào
Em chỉ biết là ốm. Em không thể nhờ ai hãy hứa là anh sẽ
Nếu họ có cần chăm sóc thì cũng chỉ vì em em ốm thế nào.
——————————–
1 Dalton Shirts: một nhãn hiệu áo sơ mi nổi tiếng thời bấy giờ ở miền Nam nước Mỹ.
2 French Lick: một vùng suối nước nóng ở bang Indiana (Mỹ). Câu tiếp theo giải thích việc rất nhiều thú rừng bị thợ săn giết, ở những bãi muối mà chúng thường tìm đến để liếm. Trong trường hợp này, chỉ người chồng mà Candace tìm ở French Lick và không chết.
3 Wop Holiday: ngày hội của những di dân Mỹ gốc Italy.
4 W.C.T.U (Women s Christina Temperance Union: hiệp hội Phụ nữ Tiết độ Thiên chúa Giáo.