Vụ bí ẩn Vách đá rực lửa

CHƯƠNG 2 – PHÁO ĐÀI



Ngày hôm sau, lúc mười hai giờ trưa, cả nhóm khởi hành với chiếc xe tải to nhất Thiên Đường Đồ Cổ, do anh Konrad lái. Những thứ ông Barron mua đã được chất lên sau xe. Hannibal, Bob và Peter chèn mình giữa mấy cái bếp lò cũ và những món khác từ đống đồ của chú Titus.
– Cậu có tìm lại được bài báo nói về Barron không? – Hannibal hỏi Bob trong khi xe chạy lên hướng bắc dọc theo đường cao tốc ven bờ biển.
Bob gật đầu, lấy vài tờ giấy xếp từ trong túi ra.
– Trong mục tài chính của Thời báo, cách đây bốn tuần – Bob nói – Mình photo lại ở thư viện.
Bob mở mấy tờ giấy ra.
– Tên đầy đủ của ông ấy là Charles Emerson Barron – Bob nói – Ông ấy giàu lắm. Giàu từ xưa đến giờ. Cha ông ấy sở hữu Barron International, công ty chế tạo máy kéo và máy móc nông trang. Dòng họ Barron còn là chủ Barronsgate nữa, thành phố gần Milwaukee nơi Charles Barron sinh ra. Đó là một thành phố của công ty thời xưa, tất cả những ai sống ở đó đều làm việc cho xưởng máy kéo và tuân lệnh dòng họ Barron.
Ông Barron thừa kế Barron International khi hai mươi ba tuổi và suốt thời gian đầu mọi việc suôn sẻ. Nhưng sau đó công nhân ở Barron International bắt đầu đình công đòi giảm giờ làm, tăng lương. Rốt cuộc ông Barron phải cho họ những gì họ đòi. Điều này khiến ông giận điên lên, nên ông bán xưởng máy kéo, mua công ty sản xuất lốp xe. Nhưng chính phủ lại phạt nhà máy lốp xe của ông vì tội gây ô nhiễm môi trường, ông bán công ty đi, mua một công ty có vài cái bằng phát minh về quy trình rửa ảnh. Rồi ông lại bị kiện vì tội phân biệt đối xử trong khi thuê người làm. Rồi Barron từng sở hữu tòa báo, dây chuyền đài phát thanh, vài ngân hàng, và ông luôn gặp rắc rối vì các quy định chính phủ, vấn đề lao động hoặc bị kiện cáo. Nên cuối cùng ông bán đi tất cả, dời nhà ra một trang trại tại thung lũng phía bắc San Luis Obispo, ở đó ông sống trong ngôi nhà nơi ông đã sinh ra…
– Mình tưởng ông ấy sinh ra gần Milwaukee chứ. – Peter nói.
– Đúng. Ông đã cho dời cái nhà đó đến Californie. Người ta có thể làm những việc như thế khi có cả núi tiền, mà ông Barron thì rất thừa tiền. Ông ấy kiếm lời được khi bán đi các thứ. Người ta gọi ông ấy là Bá tước – kẻ trộm.
– Dĩ nhiên, – Hannibal nói – ông ấy là kẻ cậy quyền y như các nhà công nghiệp bá tước – kẻ trộm thế kỷ vừa qua. Chứ biết gọi ông ấy là gì?
– Có thể gọi ông ấy là nhà vô địch thế giới về tính khí cục cằn – Bob nói – Theo suy nghĩ của ông Barron, thì bọn mọi rợ đang chiếm lĩnh thế giới, không ai còn biết coi trọng lao động, chẳng bao lâu tiền sẽ không còn đáng giá gì nữa cả. Những thứ duy nhất đáng giá và đáng giữ gìn sẽ là vàng và đất, chính vì vậy mà ông ấy đã mua trang trại Valverde. Ông ấy nói sẽ sống suốt quãng đời còn lại ở Valverde, tự trồng lấy thực phẩm và thí nghiệm các giống cây trồng mới.
Bob nhét tờ báo trở vào túi. Ba thám tử ngồi trên xe. Xe tải chạy ngang qua những ngôi làng nhỏ, rồi qua những vùng đồng quê nơi những ngọn đồi đã chuyển sang màu nâu dưới nắng hè.
Đến gần ba giờ thì Konrad rẽ từ đường cao tốc bờ biển sang đường cao tốc quốc gia, một con đường hai làn xe chạy về hướng đông. Một hồi sau, xe tải leo một đoạn ngắn rất dốc. Sau đó con đường chạy xuống một thung lũng nhỏ hẹp. Không có nhà, không có chiếc xe nào khác.
– Sắp đến những vùng hoang dã. – Peter nhận xét.
– Sẽ càng hoang dã hơn – Hannibal nói với Peter – Mình có xem bản đồ trước khi rời khỏi Rocky. Không có thành phố nào giữa đây và thung lũng San Joaquin.
Chiếc xe tải chạy qua nhiều ngọn đồi nữa, rồi giảm tốc độ khi bắt đầu xuống nhiều đoạn rất dốc với những khúc cua gấp. Ba Thám Tử Trẻ nhận thấy xe đang xuống đến một vùng chậu tự nhiên rộng lớn, đáy phẳng, xung quanh là vách đá thẳng đứng. Con đường ngoằn ngoèo quay ngược lại một vòng trên chính nó. Động cơ xe gầm gừ rên rỉ, rồi cuối cùng xe xuống được đến đáy và chạy trên đất phẳng. Bụi rậm mọc đen rì phía bên phải con đường, còn bên trái là hàng rào liền rất cao. Phía sau hàng rào là một hàng cây trúc đào. Những lỗ hổng thỉnh thoảng có trong hàng rào cho thấy những cánh đồng xanh mơn mởn.
– Trang trại Valverde. – Bob phán.
Konrad lái xe chạy thêm một dặm nữa rồi mới giảm tốc độ, rẽ trái. Xe tải chạy qua một cổng mở vào một con đường rải sỏi đi về hướng bắc giữa những cánh đồng trồng trọt và khu trồng cây chanh.
Hannibal đứng dậy, nhìn qua mui xe tải, thấy những khu cây bạch đàn rộng lớn phía đằng trước, với những tòa nhà núp phía dưới. Phía bên phải đường là một tòa nhà trang trại hai tầng trải dài ra hướng nam, nhìn ra con đường. Phía bên phải, và cũng nhìn sang trái là tòa nhà kiểu xưa, mái cao, trông gần giống như một dinh thự, được trang trí với gô màu bánh mật và có những tháp nhô ra bên hông, mái hiên ở mặt trước và hai bên.
– Chắc chắn đây là căn nhà ông Barron cho dời từ Milwaukee đến đây. – Bob nói.
Hannibal gật đầu. Một hồi sau xe chạy qua giữa ngôi nhà lớn và tòa nhà trang trại giản dị, nơi trẻ con tóc đen mắt đen đang nô đùa. Lũ trẻ ngưng chơi để vẫy tay khi xe tải chạy qua. Không thấy người lớn đâu, cho đến khi xe đến một khu vực ngoài trời rộng lớn ở cuối đường rải sỏi. Đó là chỗ xe tải và xe kéo đậu cạnh những nhà kho và kho thóc cao rộng. Khi Konrad thắng lại, một người đàn ông tóc đỏ, mặt đỏ xuất hiện ở ngưỡng cửa một nhà kho. Ông cầm tấm bìa kẹp hồ sơ trong tay và liếc nhìn Konrad.
– Anh từ Thiên Đường Đồ Cổ đến phải không? – Ông hỏi.
Hannibal nhảy xuống từ phía sau xe.
– Cháu là Hannibal Jones, – Hannibal nói ra vẻ quan trọng rồi huơ tay về phía Konrad – còn đây là anh Konrad Schmid, kia là hai bạn, Peter Crench và Bob Andy.
Người đàn ông tóc hung mỉm cười.
– Tôi là Hank Detweiler, – Ông nói – tôi làm đốc công cho ông Barron.
– Rất hân hạnh, – Konrad nói – vậy anh muốn chúng tôi dỡ hàng vào đâu?
– Tôi không muốn thế – Detweiler nói – Người của tôi sẽ lo liệu.
Như thể đó là tín hiệu, ba người đàn ông bước ra từ nhà kho, tiến hành lấy đồ từ xe tải xuống. Cũng giống như trẻ con gần mấy ngôi nhà nhỏ, những người đàn ồng này cũng tóc đen. Họ nói chuyện nhỏ nhẹ bằng tiếng Tây Ban Nha, còn Hassel Detweiler kiểm tra những món hàng theo một danh sách kẹp trên tâm bìa cứng, ông đốc công có bàn tay thô thiển to dày với móng tay cắt ngắn và vuông. Gương mặt ông đỏ gay, như bị cháy gió, và có những vết nhăn nhỏ ở khóe mắt và quanh miệng.
– Sao? – Ông hỏi đột ngột khi nhìn lên và thấy Hannibal đang nhìn mình – Cậu cần hỏi điều gì hả?
Hannibal mỉm cười.
– Thì, nếu chú có thể xác nhận một suy luận của cháu. Suy luận về người ta như là thú vui giải trí của cháu. – Hannibal giải thích.
Hannibal nhìn quanh các vách đá bao quanh trang trại từ ba phía, biến trang trại thành một ốc đảo giữa đất liền bình lặng và yên tĩnh trong buổi chiều có nắng.
– Thấy nước da rất rám nắng, cháu suy ra rằng chú chưa ở thung lũng kín gió này bao lâu – Hannibal nói – Cháu nghĩ chú quen với những khoảng không ngoài trời nhiều gió.
Nỗi buồn thoáng hiện trong mắt Detweiler.
– Giỏi lắm – Ông nói – Cậu nghĩ đúng. Trước kia tôi làm đốc công cho trang trại Armstrong gần Austin, bang Texas, cho đến khi ông Barron đến tham quan chỗ đó năm ngoái và thuê tôi đi. Ông ấy trả lương rất hậu, nhưng nhiều khi tôi thấy chỗ này tù túng quá.
Detweiler bỏ tấm bìa kẹp hồ sơ xuống mui một chiếc xe tải nhẹ đậu gần nhà kho.
– Các cậu từ Rocky xuống đây giúp dỡ hàng à? – Ông hỏi – Các cậu tử tế quá. Chưa chắc gì tôi làm được như thế lúc còn bằng tuổi các cậu. Các cậu thích xem trang trại không?
Hannibal hăng hái gật đầu. Detweiler mỉm cười.
– Được rồi – Detweiler nói – Nếu các cậu có thời gian, thì tôi sẽ dẫn đi xem một vòng. Chỗ này thú vị lắm. Không phải như các trang trại bình thường khác.
Ông đốc công dẫn đường vào nhà kho nơi số hàng mua từ kho bãi đồ linh tinh được đưa vào cất. Konrad và ba thám tử nhìn thấy một kho hàng đầy nhóc đến tận rui nhà, với đủ thứ vật dụng, từ các linh kiện máy móc cho đến da thuộc và những kiện vải vóc.
Kế bên nhà kho là một kiến trúc nhỏ dùng làm xưởng cơ khí. Tại đó nhóm tham quan được giới thiệu với John Aleman, một người đàn ông trẻ là thợ cơ khí cho trang trại.
– John bảo đảm xe và máy móc ở trang trại đều chạy tốt – Detweiler nói – Dĩ nhiên chỗ của John không phải ở đây. Lê ra John phải đang ngồi thiết kế những nhà máy điện và hệ thống tưới tiêu to lớn.
– Thật khó tìm việc làm thiết kế nhà máy điện khi bỏ học sau lớp mười. – John Aleman nói.
Nhưng trông anh không có vẻ buồn rầu.
Sau xưởng cơ khí là những nhà kho dùng để trữ thực phẩm, và sau cùng là một nhà xưởng làm bơ sữa.
– Ở trang trại này có giống bò sữa Guernsey – Detweiler nói – Hiện cả đàn đang gặm cỏ ngoài đồng ô cuối hướng bắc, dưới đập. Chúng tôi có bò thịt nữa, và cừu, heo, gà. Và tất nhiên là có cả ngựa.
Detweiler bước vào chuồng ngựa, nơi một cô gái tóc vàng tên Mary Sedlack đang cúi xuống cạnh một chú ngựa giống palomino tuyệt đẹp. Cô đang cầm móng guốc chân sau trái và chau mày nhìn một cái gì đó trong chân con ngựa.
– Mary săn sóc cho gia súc khi chúng bệnh – Detweiler nói – Còn bình thường cô ấy chỉ cưng chiều chúng thôi.
– Lui ra đi – Cô gái cảnh cáo – Asphodel hay sợ khi nó thấy đông người.
– Asphodel là một chú ngựa chưa quen người, – Hank Detweiler nói – chỉ có mình Mary là gần nó được.
Detweiler và nhóm khách tham quan rút về bãi đậu xe, lên một chiếc xe nhỏ. Detweiler chạy từ từ dọc theo một con đường dơ bẩn đi về hướng bắc qua những cánh đồng, xa khỏi các nhà kho.
– Ở đây có bốn mươi bảy người làm việc cho trang trại đốc công nói. Tất nhiên đó là chưa tính lũ trẻ, hoặc những người mà ông Barron coi như nhân viên của riêng ông – những chuyên gia như cô Mary – và người giám sát. Tôi là giám sát trưởng, tôi chịu trách nhiệm những gì nhập vào hoặc xuất ra khỏi nơi này. Kia là Rafael Banales.
Detweiler vẫy tay với một người đàn ông mảnh khảnh, không cao lấm đang đứng ở mép một cánh đồng, nơi người làm công đang trồng một giống cây.
– Rafael phụ trách nhân công làm ngoài đồng. Anh ấy là một nhà nông tiến bộ. Anh ấy tốt nghiệp trường Đại học Californie ở Davis.
Xe chạy tiếp. Detweiler chỉ tòa nhà nhỏ nơi John Aleman thử nghiệm năng lượng mặt trời. Detweiler chỉ sườn dốc dưới vách đá về hướng đông, cách đó vài dặm, nơi đàn bò thịt đang gặm cỏ. Cuối cùng xe đến một cánh đồng xanh tươi, phía sau khu trồng cà rốt, xà lách, ớt và bí. Đàn bò sữa đang ở đó, phía sau cánh đồng cỏ là cái đập xi măng.
– Chúng tôi có nguồn cấp nước riêng cho trường hợp khẩn cấp – Detweiler nói với Konrad và ba thám tử – Hiện chúng tôi dùng giếng phun. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể tự phát điện cho máy bơm và cho tất cả nhu cầu điện. John Aleman đã thiết kế các máy phát điện chạy diesel. Nếu hết dầu diesel, thì chúng tôi có thể chuyển sang than hoặc gỗ.
Detweiler quay đầu xe, chạy ngược trở về.
– Chúng tôi có nuôi ong nữa, để có nguồn đường – Ông nói – Chúng tôi còn có nhà hun khói để xử lý thịt. Chúng tôi có bình chứa dầu hỏa dưới đất và hầm chứa khoai tây, củ cải. Chúng tôi có kệ tủ dài mấy dặm để cất những đồ hộp mà Elsie và những người phụ nữ khác làm ra khi mùa màng đã thu hoạch xong.
– Elsie à? – Hannibal hỏi.
Detweiler mỉm cười.
– Elsie là một chuyên viên rất nặng ký – Ông nói – Cô ấy nấu ăn cho John, Rafael, Mary và tôi, và cho cả ông bà Barron nữa. Nếu mọi người có thời gian ghé qua nhà trước khi lên đường về, thì chắc chắn cô ấy sẽ khui vài chai nước ngọt.
Detweiler đậu xe bên các nhà kho, rồi dẫn Konrad và ba thám tử đến nhà.
Elsie Spratt là một người phụ nữ thật thà ngoài ba mươi. Cô có mái tóc vàng cắt ngắn, với nụ cười tươi rói. Elsie quản lý một nhà bếp tràn trề ánh nắng và ấm cúng với mùi thức ăn đang nấu. Khi Hank Detweiler giới thiệu khách, Elsie lật đật đi rót mấy tách cà phê, và lấy trong tủ lạnh mấy chai nước ngọt cho ba thám tử.
Elsie tự rót cho mình một tách trà. Khi Elsie ngồi xuống lấy một muỗng đường, Hannibal nhận thấy tay phải cô hơi bị dị dạng: một mẩu xương thịt nhô ra ở ngón tay út.
– Ông Barron tin rằng vàng và đất là những khoản đầu tư an toàn duy nhất, phải không? – Hannibal nói – Rõ ràng ông ấy nghĩ rằng hệ thống tiền tệ hiện hành sẽ sụp đổ.
Elsie Spratt nhìn thám tử trưởng.
– Cậu luôn nói chuyên như thế à? – Cô hỏi.
Peter cười khúc khích.
– Babal thích dùng từ ngữ câu văn cao siêu.
Hannibal làm ngơ trước câu chế giễu.
– Cô chú có thật sự nghĩ rằng thế giới sẽ tan tành không ạ?
Elsie nhún vai.
– Không, tôi nghĩ là không có đâu.
– Theo tôi, chỉ có một mình ông Barron thật sự tin như vậy – Detweiler nói – Ông ấy nói rằng chính phủ hay xỉa mũi vào nhửng chuyện không phải của mình, rằng ngày nay người ta không cần phải làm việc nếu không thích làm việc, nên phần lớn không ai làm việc, ông ấy nói rằng sớm muộn gì đồng tiền sẽ mất giá…
– Sụyt! – Elsie kêu.
Elsie đặt tay lên cánh tay Detweiler, nhìn ra sau ông. Bà Barron đang đứng đó, phía bên kia lưới.
– Tôi vào được chứ? – Bà hỏi.
– Dĩ nhiên – Elsie đứng dậy nói – Chúng tôi đang uống cà phê. Chị uống một tách nhé?
– Không, cám ơn.
Bà Barron bước vào nhà bếp mỉm cười với Hannibal, Bob và Peter.
– Tôi thấy các cậu vào – Bà nói – Các cậu có muốn ở lại thêm một chút ăn cơm tối với vợ chồng tôi không?
Konrad ra vẻ bực mình.
– Babal ơi, hơn năm giờ rồi, – Konrad nói – ta phải đi thôi.
Bà Barron quay sang Elsie.
– Ta có thể ăn sớm mà, phải không? – Bà hỏi.
Elsie có vẻ ngạc nhiên.
– Chắc là được.
Bà Barron mỉm cười, dò xét nhìn Hannibal, rồi quay sang Bob và Peter.
– Tuyệt đấy! – Peter nói.
– Đừng lo – Bob nói với Konrad – Rồi ta sẽ về đến San Jose thôi.
– Vậy là thỏa thuận nhé – Bà Barron nói – Ta sẽ ăn lúc năm giờ rưỡi.
Bà đi ra, trở về nhà lớn.
– Anh không thích thế tí nào – Konrad nói – Lẽ ra ta nên đi.
– Rồi ta sẽ đi – Hannibal nói – Một hai tiếng sẽ không ảnh hưởng gì.
Các suy luận và tiên đoán của Hannibal thường chính xác. Nhưng lần này Hannibal không thể nào sai lầm hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.