Con Mồi Táo Bạo

CHƯƠNG 12



Chánh án Clinton De Witt gật đầu với Hamilton Burger.
– Ông có muốn nói lời mở đầu không, ông Biện lý?
Burger gật đầu đứng dậy và hướng về phía bàn Bồi thẩm đoàn nói.
– Kính thưa quý vị Bồi thẩm, tôi xin được phép nói lời mở đầu một cách ngắn gọn. Chúng tôi xin giới thiệu bị cáo Jerry Conway, ngày mười sáu tháng mười này hiện là giám dốc Công ty California + Texas.
Ông Conway hiện đang tranh chấp với một cựu giới chức của Công ty tên là Gifford Farrell trong một trận chiến giành quyền ủy nhiệm của cổ đông. Đại hội cổ đông sẽ được triệu tập trong ba ngày nữa. Vì lý do yêu cầu của bị cáo, vụ án này được đưa ra tòa làm sáng tỏ trước khi đại hội bắt đầu.
Chúng tôi xin trình bày nạn nhân là Rose Calvert, thư ký riêng của ông Gifford Farrell. Cô ta đánh máy các bản danh sách mật, tên các cổ đông đã ủy nhiệm cho ông Farrell.
Chúng tôi sẽ trình bày rằng, bằng cách nào đó bị cáo đã biết được nạn nhân đánh máy bản đanh sách đó. Khi biết rằng không thể mua chuộc được, ông ta đã cướp danh sách đó. Nạn nhân đã chống cự và bị bắn chết.
Chúng tôi xin trình bày rằng bị cáo đã kể lại câu chuyện hoang đường của mình cho báo chí và cảnh sát về sự hiện diện của bị cáo trong phòng có xác chết. Bị cáo đã đến gặp luật sư Perry Mason rất lâu
trước khi người ta khám phá ra vụ giết người và luật sư Mason đã hành động ngay lập tức để bảo vệ cho bị cáo.
Bị cáo đã được đưa đi lánh mặt tại nhà trọ Gladedell Motel, trong phòng 21 suốt đêm.
Chúng tôi sẽ chứng minh hoặc tối thiểu cũng bằng suy luận hợp lý là trong đêm đó bị cáo đã đem chôn khẩu súng giết người.
Đây là khẩu súng Colt số 740818 cỡ 38 và chính khẩu súng này đã bắn viên đạn giết chết Rose Caivert.
Chúng tôi sẽ chứng minh rằng bị cáo tới khách sạn Redfern Hotel khai tên giả với thư ký khách sạn để viên thư ký lầm tưởng nạn nhân là thư ký của bị cáo sau đó bị cáo lên phòng nạn nhân. Chúng tôi sẽ chứng minh tiếp do sự xác nhận của bị cáo là bị cáo đã có chiếc chìa khóa căn phòng và mở cửa vào. Sau đó một lúc, bị cáo rời phòng và đi tìm gặp luật sư. Chúng tôi cũng trình bày rằng luật sư của bị cáo đã biết rõ nạn nhân là ai trước khi cảnh sát biết điều đó mà chúng tôi nghĩ rằng chỉ có một cách duy nhất để biết được điều này là do từ mồm của bị cáo ra mà thôi.
Và thưa quý vị, với những bằng chứng đó, chúng tôi xin buộc tội bị cáo là tội trạng sát nhân trong trường hợp gia trọng.
Hamilton Burger quay mặt bước chững chạc trở về phía bàn công tố.
Chánh án De Witt nhìn xuống Perry Mason.
– Bên bị cáo có muốn nói lời mở đầu không, hay muốn để dành lại về sau?
– Thưa quý tòa. Tôi muốn nói bây giờ.
Mason đứng dậy bước tới bục trước mặt Bồi thẩm đoàn.
– Kính thưa quý tòa và quý vị Bồi thẩm đoàn, tôi xin được phép nói lời mở đầu ngắn gọn mà tôi chưa từng làm từ trước tới nay.
Bị cáo bị buộc tội sát nhân trong trường hợp gia trọng. Ông ta đã liên quan đến một trận chiến giành quyền ủy nhiệm điều khiển Công ty California + Texas, một Công ty có nhiều cơ sở rộng lớn. Chúng tôi sẽ trình bày rằng một âm mưu đã gài bẫy bị cáo để ông ta bị buộc tội sát nhân hoặc bất cứ một vụ tội phạm nào khác với mục đích hạ uy tín hầu tranh giành quyền điều khiển Công ty.
Thưa quý vị, để gài bẫy như vậy, điều cần thiết là phải sử dụng một trong hai hoặc cả hai loại bằng chứng: Đó là bằng chứng khai gian và bằng chứng cơ hội. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng cả hai loại bằng chứng đó đều được sử dụng trong vụ án này. Và nếu quý vị thấy điều đó là đúng, xin quý vị quyết định miễn tố cho bị cáo.
Mason quay xuống bước về bàn luật sư bào chữa.
Chánh án De Witt quay sang bàn Biện lý.
– Tiến hành vụ xử.
Hamilton Burger nói.
– Nhân chứng đâu tiên là Trung sĩ Holcomb.
Trung sĩ Holcomb tiến lên bục, tuyên thệ và khai lại cuộc nói chuyện với Perry Mason, sau đó lên phòng khách sạn tìm thấy xác chết cô gái trên giường.
– Ông có hỏi luật sư Mason lý do nào mà ông ta phát giác ra xác chết không? – Burger hỏi.
– Có.
– Lúc đó ông Mason nói gì?
– Phản đối vì lý do vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể – Mason nói – Cuộc nói chuyện đó không có sự hiện diện của bị cáo.
– Thế ông Mason có xác nhận với ông rằng ông ta là luật sư đại diện của bị cáo khi ông ta phát giác ra xác chết hay không? – Chánh án De Witt hỏi.
– Ông ta có xác nhận.
– Vậy thì phản đối được chấp thuận.
– Trung sĩ đã lên phòng 729? – Burger hỏi.
– Vâng.
– Ông đã thấy gì?
– Xác một cô gái nằm trên giường.
– Cô ta đã chết?
– Vâng, đã chết.
– Ông có thể nói lại tư thế của xác chết?
– Xác chết nằm nghiêng một bên, cánh tay mặt giơ lên trên không khí với điệu bộ như đỡ một vật gì và…
– Tôi yêu cầu xóa bỏ đoạn này – Mason nói – Lý do, đó là kết luận của nhân chứng.
– Đoạn đó được xóa bỏ – Chánh án De Witt nói – Nhân chứng chỉ được nói vị trí của cánh tay nhưng không được nói lý do tại sao cánh tay lại ở vị trí đó.
– Hãy trình bày trước Bồi thẩm đoàn vị trí của cánh tay mà thôi – Hamilton Burger nói và mỉm cười một cách mãn nguyện vì mục đích đã đạt được trước Bồi thẩm đoàn dù chánh án đã bác bỏ.
Holcomb giơ cánh tay làm điệu bộ giống như xác chết.
– Ông tới khách sạn lúc mấy giờ? – Burger hỏi.
– Khoảng tám giờ thiếu mười.
– Và ông đã đi thẳng lên phòng?
– Vâng.
– Ông thấy xác chết lúc mấy giờ?
– Khoảng tám giờ. Trên sổ ghi của tôi có ghi tôi bắt đầu lục soát căn phòng lúc tám giờ bốn phút.
– Xin mời chất vấn. – Hamilton Burger nói.
– Có phải cánh tay nạn nhân ở đúng vị trí như ông đã diễn tả hay không? – Mason hỏi.
– Đúng như vậy.
– Còn cánh tay trái buông thõng xuống?
– Vâng.
– Ông có đụng đến xác chết không?
– Tôi chỉ sờ cổ tay để bắt mạch mà thôi.
– Cổ tay phải hay trái?
– Tay phải.
– Ông không thấy mạch nhảy?
– Vâng.
– Cánh tay phải giơ lên ở vị trí như ông đã diễn tả?
– Vâng.
– Nó không tựa vào mặt sao?
– Vâng, nó không tựa vào mặt.
– Như vậy có một khoảng cách giữa mặt và lưng bàn tay phải không?
– Vâng đúng.
– Bàn tay nằm ở vị trí như vậy và cô gái đã chết?
– Vâng, đúng như vậy – Trung sĩ Holcomb nói một cách mạnh dạn – Tình trạng đó được gọi là “xác cứng”.
– Ông có biết về “xác cứng”?
– Vâng, lẽ dĩ nhiên.
– Vậy nó là gì?
– Đó là tình trạng xảy ra sau khi một người bị giết và xác cứng lại.
– Như vậy cánh tay mặt của nạn nhân đã ở trong tình trạng “xác cứng”?
– Vâng.
– Thế còn tay trái thì sao?
– Nó buông thõng bên cạnh giường.
– Thế ông có sờ cánh tay trái không?
– Có, tôi có.
– Ông nói rằng nó buông thõng à?
– Vâng.
– Như vậy có phải ý ông muốn nói là cánh tay trái không cứng phải không?
– Tôi thấy nó buông thõng lủng lẳng trên vai.
– Thế ông có thử di chuyển cánh tay trái không?
– Tôi chỉ thử nhè nhẹ.
– Ông có thể lúc lắc được à?
– Vâng.
– Nó mềm nhũn à?
– Nó lủng lẳng trên vai. Tôi không có ý định bẻ khuỷu tay.
– Thôi được – Mason nói – Cám ơn ông.
– Nhân chứng kế tiếp là Gifford Farrell. – Hamilton Burger nói.
Farrell với dáng điệu trang nghiêm im lìm trong bộ mặt đau buồn im lặng bước lên bục nhân chứng. Một vài người đàn bà trong Bồi thẩm đoàn hơi dướn người về phía trước để nhìn rõ khuôn mặt chững chạc xạm nắng. Những người đàn ông trong Bồi thẩm đoàn vẫn bình thản trong sự đánh giá, nhưng cung cách của nhân chứng cũng rất được quan tâm.
Hamilton Burger nhường lại phần chất vấn cho viên phụ tá Biện lý Marvin Elliot.
– Ông có quen với bà Norton Calvert trong khi bà ta còn sống hay không?
– Tôi có quen.
– Tên bà ta là Rose phải không?
– Vâng.
– Bà ta đã có gia đình?
– Vâng, bà ta đã có chồng và đã ly thân.
– Ông có biết bà Calvert hiện giờ ở đâu không?
– Bà ta đã chết.
– Thế ông có nhìn thấy xác bà ta không?
– Có.
– Ở đâu?
– Ở nhà xác.
– Khi nào?
– Vào ngày mười bảy tháng mười năm này.
– Ông có biết về công việc làm của bà Calvert không?
– Bà ta làm việc cho tôi.
– Công việc gì?
– Bà ta là thư ký thân tín của tôi, có nhiệm vụ ghi chép đánh máy lại danh sách các cổ đông ủy nhiệm cho tôi trong cuộc chiến giành quyền điều khiển Công ty California + Texas.
Elliott quay sang Perry Mason nói.
– Ông Mason, tôi đưa ông xem một bản danh sách liệt kê các cổ đông ủy nhiệm mà trên đó có chữ ký của ông và của bị cáo. Chính ông đã trao danh sách này cho văn phòng Biện lý sáng ngày mười bảy tháng mười và ông nghĩ rằng nó có thể là một bằng chứng.
– Vâng, chính tôi có đề nghị đó. Và tôi có nhắc lại rằng đây là tập giấy tờ mà bị cáo đã tìm thấy bên dưới ghế xe tối hôm mười sáu tháng mười. Và tôi có trao lại cho Biện lý vào sáng ngày mười bảy tháng mười và nói rằng nó có thể là một bằng chứng. Đồng thời tôi có phát biểu rằng bị cáo không hề biết tại sao và khi nào xấp giấy tờ đó đã được giấu dưới ghế xe hơi của ông ta.
– Vâng – Elliott nói – Chúng tôi xác nhận là bị cáo có phát biểu điều đó, nhưng chúng tôi sẽ chứng minh điều đó là sai.
Elliott quay sang Farrell nói.
– Ông Farrell, tôi đưa ông xem một bản danh sách và hỏi ông, đó là cái gì?
– Vâng.
– Vậy đó là cái gì?
– Đó là một bản danh sách đề ngày mười bốn tháng mười có ghi tên các cổ đông ủy nhiệm.
– Ai đã giữ danh sách đó.
– Rose Calvert.
– Thưa quý tòa – Elliott nói – Chúng tôi đề nghị danh sách này được nhận làm bằng chứng.
– Khoan đã – Mason chận lại – Tôi muốn có vài câu hỏi liên quan đến danh sách này trước khi được đưa vào làm bằng chứng.
– Đồng ý. – Chánh án De Witt nói.
Mason hỏi Farrell.
– Tên tôi và tên bị cáo đã ký trên danh sách đó. Vậy có dấu nhận dạng nào của ông trên danh sách đó không?
– Không, không có.
– Như vậy làm sao ông biết được đó chính là danh sách mà Rose Calvert đã giữ.
Farrell nở một nụ cười chứng tỏ ông ta biết sẽ bị hỏi câu đó.
– Đó là một danh sách giả – Ông ta nói – đã được trao cho Rose Calvert đề phòng trường hợp nếu một ai cưỡng bức lấy danh sách thì Rose Calvert sẽ trao danh sách đó để đánh lạc hướng.
– Như vậy danh sách đó không phản ánh đúng tình trạng phải không?
– Đúng như vậy, nó không phản ánh đúng.
– Ai đã làm danh sách đó?
– Tôi đã đọc cho Rose Calvert đánh máy.
– Và Rose Calvert đã giữ nó?
– Đúng vậy.
Mason quay sang Chánh án De Witt nói.
– Tôi nghĩ rằng lời khai của nhân chứng nói rằng đã đưa danh sách đó cho Rose Calvert để đề phòng trao cho kẻ cưỡng bức, thì lời khai đó là một sự việc vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể. Nhưng bởi vì chúng ta rất muốn biết rõ sự thực trong vụ án này nên tôi không đề nghị xóa bỏ phần trả lời đó. Chúng tôi không có phản đối về việc đưa danh sách đó làm bằng chứng.
– Tót lắm – Chánh án De Witt nói – Nó được đánh dấu là bằng chứng của Công tố và thư ký tòa cho con số đánh dấu thích hợp.
Marvin Elliott nói.
– Ông Farrell, bây giờ tôi hỏi ông, ông có chỉ thị cho Rose Calvert vào ngày mười sáu tháng mười đến khách sạn Redfern Hotel và làm việc tại đó hay không?
– Tôi phản đối – Mason nói – Lý do vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể vì điều đó không liên quan đến sự buộc tội bị cáo. Ngoại trừ trường hợp đã chứng minh được rằng bị cáo đã hiện diện hoặc biết về cuộc nói chuyện đó!
– Phản đối được chấp thuận. – Chánh án De Witt nói.
Elliot nói.
– Thôi không còn hỏi nữa.
Mason nói.
– Tôi không có chất vấn.
Elliott nói.
– Nhân chứng kế tiếp, Robert King.
Robert King bước nhanh đến bục nhân chứng và tuyên thệ.
– Ông làm nghề gì? – Elliott hỏi.
– Tôi là thư ký của khách sạn Redfern Hotel.
– Vào chiều tối ngày mười sáu tháng mười, ông có dịp thấy xác chết trong khách sạn không?
– Tôi có thấy.
– Ai chỉ cho ông thấy?
– Trung sĩ Holcomb.
– Xác chết ở đâu?
– Trong phòng 729.
– Lúc đó ông có nhận dạng được xác chết không?
– Tôi không biết tên, nhưng tôi biết là khách của khách sạn.
– Ông đã từng thấy người đàn bà đó trong khi bà ta còn sống?
– Vâng.
– Ở đâu và khi nào?
– Bà ta đến khách sạn và nói rằng cần một căn phòng ở tầng bảy.
– Không cần để ý đến điều bà ta nói – Mason nói – Tôi phản đối trên căn bản vô thẩm quyền, không chính đáng và không cụ thể.
– Phản đối được chấp thuận. – Chánh án De Witt nói.
– Bà ta có đăng ký phòng không? – Elliott hỏi.
– Có.
– Dưới tên gì?
– Dưới tên Gerald Boswell.
– Ông có thể chất vấn. – Elliott nói với Mason.
– Khi người đàn bà này đăng ký phòng có đem theo hành lý hay không? – Mason hỏi.
– Tôi không thấy có hành lý.
– Có thể có hành lý mà ông không nhìn thấy hay không?
– Đó là bổn phận của nhân viên bồi phòng.
– Bà ta đã trả tiền phòng trước phải không?
– Vâng.
– Và dưới danh nghĩa Gerald Boswell?
– Vâng. Bà ta nói bà ta là…
– Ngừng đã! – Mason nói – Tôi không hề phản đối về lời khai này.
– Nếu vậy thì được – Chánh án De Witt nói. Robert King nói tiếp.
– Bà ta nói với tôi rằng bà ta là thư ký của ông Boswell, ông ta muốn bà thuê phòng cho ông ta và vì vậy bà đã trả tiền trước.
– Bà ta nói rằng bà làm như vậy vì bà không có hành lý phải không?
– Ông nhắc làm tôi nhớ là bà ta có nói như vậy.
– Lúc đó mấy giờ?
– Khoảng buổi chiều. Tôi không nhớ rõ. Sổ sách có ghi là khoảng hai giờ chiều.
– Ông bắt đầu làm việc lúc mấy giờ?
– Mười hai giờ trưa.
– Thông thường ông hết ca lúc mấy giờ?
– Tám giờ tối.
Mason nghĩ ngợi một chút rồi hỏi.
– Ông có chắc chắn đúng là người đàn bà đã thuê căn phòng đó không?
– Tôi chắc chắn.
– Trí nhớ của ông về các khuôn mặt không được tốt lắm phải không?
– Ngược lại, tôi rất nhớ.
– Không có câu hỏi nữa. – Mason nói.
– Như vậy đủ rồi – Elliott nói – Tôi muốn được hỏi lại nhân chứng này trong giai đoạn kế tiếp.
– Tôi phản đối việc cung khai trước tòa theo từng giai đoạn như vậy – Mason nói – Tôi muốn rằng nhân chứng này phải được chất vấn tại một thời điểm như một bằng chứng mà bên công tố khai triển để xác định vụ án.
– Thưa quý tòa – Elliott nói – Nếu như vậy thứ tự trình bày vụ án của chúng tôi có thể bị đảo lộn.
Chúng tôi phải đưa ra các báo cáo của chuyên viên giảo nghiệm và chúng tôi phải đưa ra các hình ảnh.
– Nhưng – Chánh án De Witt nói – nếu luật sư của bị cáo yêu cầu các bằng chứng phải được trình bày ngay bây giờ, tôi nghĩ rằng bên Công tố nên hỏi các câu hỏi cùng một lúc.
– Vâng cũng được – Elliott nói và quay sang Robert King hỏi tiếp – Ông có đưa một phong bì cho một người nào đó hỏi thư của ông Gerald Boswell vào chiều ngày mười sáu tháng mười không?
– Tôi có đưa cho người đó.
– Ai vậy?
– Chính bị cáo.
– Có phải người ngồi bên cạnh luật sư Perry Mason không?
– Đúng vậy.
– Lúc đó mấy giờ?
– Khoảng sáu giờ rưỡi. Tôi không thể nhớ giờ chính xác.
– Ông có nói chuyện thêm với bị cáo không?
– Tôi không nói chuyện thêm với bị cáo mà chỉ nói với luật sư của bị cáo và một người đàn ông đi với vị luật sư mà sau đó tôi được biết là thám tử Paul Drake.
– Và câu chuyện đó ra sao?
– Ông Drake hỏi có thư từ của Gerald Boswell không? Tôi hỏi ông ta về nhận dạng và ông ta đưa tôi xem chìa khóa phòng 729. Sau đó ông ta đi ra thang máy.
– Mang theo chìa khóa?
– Vâng.
– Ông có biết là ông ta lên phòng 729 không?
– Tôi chỉ được biết sau khi ông ta nói với tôi là ông ta đã lên phòng đó.
– Trước sự hiện diện của ông Mason?
– Vâng.
Mason nói.
– Thưa quý tòa. Tôi không có gì phản đối, và bởi vì tình trạng rất khó khăn cho tôi nếu đứng ra làm nhân chứng. Do đó tôi xác nhận rằng ông Drake và tôi đã đến khách sạn Redfern, ông Drake hỏi có thư từ của Gerald Boswell không, ông ta được trả lời không có và được yêu cầu nhận dạng, ông Drake đưa ra chìa khóa phòng 729. Sau đó ông ta lên phòng 729 và khám phá ra xác người đàn bà này trên giường và chúng tôi đã báo cáo cho cảnh sát.
– Rất tốt. Như vậy càng đơn giản vấn đề. – Elliott nói.
– Khoan đã – Mason nói – Tôi có một vài câu hỏi.
Quay sang Robert King, Mason hỏi tiếp.
– Khi ông Drake lần đầu tiên hỏi ông có thư của Boswell không, thì ông nói rằng đã đưa một phong bì cho ông ta rồi phải không?
– Lúc đó tôi nghi ngờ. Tôi…
– Tôi không có hỏi ông nghi ngờ hay không mà chỉ hỏi ông có nói như vậy hay không?
– Có, tôi có nói.
– Và bay giờ ông lại bảo rằng đã đưa cái phong bì đó cho bị cáo phải không?
– Vâng, vì tôi có dịp để nghĩ lại.
– Và có dịp nhìn thấy bị cáo phải không?
– Vâng.
– Vậy trong ngày mười sáu tháng mười, ông đã nói rằng Paul Drake chính là người mà ông đã đưa chiếc phong bì cho phải không?
– Tôi có thể đã nói như vậy.
– Nếu ông lầm lẫn giữa Paul Drake và bị cáo thì liệu có thể ông lầm lẫn giữa Rose Calvert và một người đàn bà nào khác đã thuê phòng 729 không?
– Không, tôi xác định chắc chắn không lầm lẫn.
– Thôi đủ rồi – Mason nói – Cám ơn ông.
– Tòa gọi bác sĩ Malone – Elliott nói.
Bác sĩ Malone tiến lên phía trước tuyên thệ, tự giới thiệu là bác sĩ Klenton Malone, chuyên viên phẫu thuật đã giảo nghiệm tử thi của Rose Calvert.
Bác sĩ xác định rằng một viên đạn độc nhất với hướng đi và vị trí đã gây tử thương tức thì, xuất huyết rất ít, vết thương thuộc loại tiếp xúc, có nghĩa là mũi súng được dí sát vào người nạn nhân.
– Sự chết xảy ra lúc nào? – Elliott hỏi.
– Tôi xác định thời gian chết vào khoảng giữa sáu giờ mười lăm và bảy giờ chiều tối ngày mười bảy tháng mười.
– Ông có thu được đầu đạn không?
– Có.
– Ông đã làm gì với nó?
– Tôi đã trao cho ông Redfield, chuyên viên xạ thuật.
– Ông ta có mặt lúc giảo nghiệm không?
– Có.
– Xin mời chất vấn. – Elliott quay sang Mason nói.
– Ông giảo nghiệm tử thi lúc nào? – Mason hỏi.
– Buổi sáng ngày mười bảy.
– Vào lúc mấy giờ?
– Khoảng bảy giờ sáng.
– Có phải đó là lúc ông vẫn thường bắt đầu làm việc không, bác sĩ?
– Không. Tôi được văn phòng Biện lý cho gọi đến để giảo nghiệm càng sớm càng tốt.
– Ông được gọi lúc mấy giờ?
– Khoảng mười giờ đêm.
– Tại sao ông không giảo nghiệm ngay trong đêm đó?
– Vì không khẩn cấp đến như vậy. Ông Biện lý muốn có các yếu tố vào lúc chín giờ sáng. Do đó tôi bắt đầu khởi sự lúc bảy giờ.
– Khi khám phá ra xác chết thì xác đã ở trong tình trạng “xác cứng” rồi phải không?
– Tôi nghĩ như vậy.
– Khi nào thì xác bắt đầu cứng.
– Cái đó còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
– Ông có thể cho biết một cách tương đối thời gian xác cứng được không? – Mason hỏi.
– Tôi không thể xác định được – Bác sĩ nói – Người ta đã tranh luận rất nhiều về sự khai triển xác cứng. Cái xác chết dưới tình trạng bị kích thích hoặc sợ hãi có thể triển khai xác cứng ngay lập tức. Trường hợp xác chết trước khi chết đã sử dụng sức lực một cách cao độ cũng vậy.
Tôi có thể nói rằng với những tình trạng xảy ra trong vụ án này, sự triển khai xác cứng đã xảy ra tương đối nhanh.
– Bác sĩ có xem yếu tố “xác cứng” là một yếu tố để xác định thời gian chết không?
– Không. Tôi xác định thời gian chết do các thứ còn lại trong dạ dày và ruột.
– Bác sĩ có biết bữa ăn cuối cùng vào lúc nào không?
– Tôi đã được cho biết thời điểm đó và có thể xác định được chính xác thời điểm chết. Tôi xác định được rằng sự chết đã xảy ra khoảng hai giờ sau bữa ăn cuối cùng.
– Bác sĩ đã được cho biết thời điểm nạn nhân ăn bữa cuối cùng à?
– Vâng.
– Bác sĩ chỉ nghe nói phải không?
– Lẽ dĩ nhiên, ông Mason. Tôi không có mặt lúc nạn nhân ăn bữa cuối cùng. Tôi chỉ có thể tin tưởng ở những gì mà người ta nói với tôi.
– Bác sĩ đã không xem “xác cứng” là một yếu tố để xác định thời gian chết phải không?
– Không. Tôi không xác định như vậy. Có những chỉ dấu cho thấy “xác cứng” đã triển khai hầu như ngay tức thì.
– Thế còn tình trạng bầm tím sau khi chết ra sao? – Mason hỏi.
– Tình trạng bầm tím mới bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên tôi không có mặt lúc phát hiện xác chết. Viên phụ tá giảo nghiệm đã có những nhận xét đó.
– Bây giờ tôi xin hỏi – Mason nói – có thể nào vết thương đó là do tự tử hay không?
Bác sĩ Malone do dự một chút rồi nói.
– Không. Không thể nào.
– Tại sao?
– Vì vị trí của vết thương và hướng đi của đầu đạn. Chắc chắn rằng không thể nào một người đàn bà thuận tay phải cầm khẩu súng đặt đúng vị trí đó được. Còn nếu cầm súng bằng tay trái thì dáng điệu phải co quắp và bất thường. Ngoài ra chúng tôi cũng đã cho thí nghiệm hóa học trên các bàn tay của tử thi để xem có chỉ dấu gì là đã cầm súng hay không, và chúng tôi không thấy gì cả.
– Bác sĩ đã cho sử dụng thí nghiệm pa-ra-phin phải không?
– Vâng.
– Thôi đủ rồi – Mason nói – Cám ơn bác sĩ.
Nhân chứng kế tiếp là Bác sĩ Reeves Garfield, khai rằng ông ta thuộc phòng giảo nghiệm. Ông đã đến hiện trường một tiếng đồng hồ sau khi khám phá ra xác chết. Ông đã cho chụp ảnh và xét nghiệm tại chỗ. Sau đó ông đã phụ giúp giảo nghiệm và đi đến kết luận sự chết đã xảy ra từ sáu giờ mười lăm đến bảy giờ.
– Mời chất vấn. – Elliott nói.
– Ông ta thấy xác chết?
– Vâng.
– Trong tình trạng xác cứng?
– Tôi xác nhận là chỉ có một phần xác cứng.
– Xin ông nói rõ hơn.
– “Xác cứng” bắt đầu triển khai từ cằm và các bắp thịt cổ và từ từ đi xuống toàn thân sau đó mềm đi cũng theo trình tự như vậy.
– Và thời gian xác cứng thay đổi?
– Đúng như vậy. Phần lớn là tùy thuộc ở tình trạng của từng cá nhân. Tôi đã được biết một trường hợp “xác cứng” xảy ra hầu như ngay lập tức.
– Xin cho biết lý do?
– Đó là trường hợp vận dụng sức lực cao độ. Một sự xáo trộn tâm lý trong lúc chết. Tôi cũng từng biết một trường hợp khác “xác cứng” chi triển khai trong vòng ba mươi phút.
– Còn bình thường thì lâu hơn phải không?
– Vâng, chậm hơn nhiều.
– Ông có nói rằng xác chết đã triển khai cứng một phần phải không?
– Vâng.
– Và ông đã có mặt khi xác được di chuyển khỏi khách sạn?
– Vâng.
– Vậy lúc đó tình trạng cứng của xác thế nào?
– Sự cứng đã được giải tỏa.
– Ông có thể nói rõ hơn không?
– Khi một người chết – Bác sĩ Garfield nói – các bắp thịt lúc đầu hoàn toàn mềm. Dầu có thể bẻ qua lại hai bên rất dễ dàng. Chân tay mềm nhũn. Sau đó một khoảng thời gian, tùy theo ở tình trạng và hoàn cảnh, sự cứng bắt đầu xuất hiện. Và khi sự cứng đủ khai triển hoàn toàn thì xác trở nên cứng đờ.
– Rồi sau đó?
– Sau một khoảng thời gian, các bắp thịt bị alkaline hóa, mất độ cứng và trở nên mềm lại.
– Xin bác sĩ nói rõ hơn về sự cứng được giải tỏa.
– Khi xác đã bị cứng, người ta có thể dùng sức để di động tứ chi và khi đó sự cứng được giải tỏa và nó không cứng trở lại nữa.
– Thưa bác sĩ – Mason nói – Có phải đó chính là trường hợp ông nhìn thấy xác nạn nhân tay phải thì cứng còn tay trái thì không, có đúng vậy không?
– Tôi không tuyên bố như vậy mà tôi chỉ có nhận xét là cánh tay trái không bị cứng.
– Nhưng cánh tay phải thì cứng phải không?
– Bàn tay phải giơ trước mặt cách khoảng hơn đốt ngón tay và đủ cứng để giữ nguyên ở vị trí đó.
– Cám ơn bác sĩ – Mason nói – Bây giờ tôi muốn xin hỏi thêm một câu hỏi nữa: Liệu có thể nào sự chết đã xảy ra sớm hơn không?
– Vấn đề đó… – Bác sĩ Garfield do dự.
– Xin cứ nói tiếp. – Mason nói.
– Có một vài triệu chứng khó hiểu. Đó là sự triển khai “xác cứng”, sự bầm tím sau khi chết và một sự hơi đổi màu da bên phía trái nạn nhân.
– Sự đổi màu da đó thế nào?
– Tôi không xác định được. Và tôi không muốn đề cập đến vấn đề này bởi vì chúng ta không thể đi đến một kết luận chính xác được.
– Nhưng có một sự đổi màu da?
– Thực ra thì không hoàn toàn đúng như vậy, mà chỉ là một vệt xám nhạt khó mà thấy nếu không có ánh đèn thật sáng. Chúng tôi đã bàn thảo và thấy rằng nó không có ý nghĩa. Hơn nữa chúng tôi đã có phương cách chính xác để xác định thời gian chết bằng cách phân tích các chất chứa trong dạ dày và ruột.
– Chính bác sĩ đã khám nghiệm các chất đó?
– Vâng.
– Bác sĩ có thể xác định thời gian chết kể từ lúc nạn nhân ăn bữa cuối cùng không?
– Tôi xác định vào khoảng từ hai tiếng đồng hồ cho tới hai tiếng mười lăm phút kể từ khi dùng bữa ăn cuối cùng.
– Và bác sĩ đã nghĩ rằng nạn nhân đã dùng bữa vào lúc bốn giờ rưỡi?
– Đúng vào lúc bốn rưỡi.
– Làm sao bác sĩ biết.
– Bồi phòng đã đem bữa ăn lên phòng đúng bốn rưỡi. Bữa ăn gồm có khoai tây, đã tìm thấy trong dạ dầy. Gà quay, đã tìm thấy trong dạ dầy, và một số thức ăn khác nữa.
– Chính bác sĩ đã khám nghiệm những thứ này?
– Dĩ nhiên.
– Và đã kiểm tra với nhà bếp khách sạn?
– Vâng.
– Và bác sĩ đã biết rõ?
– Biết rõ thời gian chết à?
– Không, biết rõ đầy đủ các món ăn.
Nhân chứng ngần ngừ do dự.
– Sao? Bác sĩ? – Mason hỏi.
– Khó mà trả lời câu hỏi của ông nếu không đưa ra các bằng chứng “nghe nói” – Bác sĩ Garfield nói – Nhà bếp khách sạn cho biết đã gửi lên món gà quay. Nạn nhân có gọi thêm món măng tây và chúng tôi đã tìm thấy tất cả các thứ đó trong dạ dầy.
– Thế ngoài ra còn có những thứ gì khác trong dạ dày nữa không? – Mason hỏi.
– Có.
– Món gì vậy?
– Đậu hạt.
– Nhưng đậu hạt không có ghi trong thực đơn phải không? – Mason hỏi – Như vậy phải từ ở một người nào khác?
– Nhà bếp xác nhận là có đậu hạt trong bữa ăn và họ nói là có thể sai sót nên không ghi trong hóa đơn.
– Nạn nhân có ký ngân phiếu trả tiền ăn không?
– Không. Bà ta trả bằng tiền mặt.
Elliott nói.
– Chúng tôi đã chứng minh cho thấy các món ăn đã được gửi lên phòng kể cả đậu hạt mà họ đã quên không ghi vào hóa đơn mà thôi. Tôi thấy không có gì phải bàn cãi trong vấn đề này cả.
– Thưa quý tòa – Mason nói – Tôi xin phản đối bên công tố nói rằng không có gì phải bàn cãi trong vấn đề này. Đó chỉ là phần tự kết luận của bên Công tố.
– Thưa quý tòa – Elliott nói – Tôi chỉ muốn đỡ mất thì giờ trong việc chất vấn nhân chứng này và để tránh gây sự phức tạp cho các sự kiện làm hoang mang Bồi thẩm đoàn.
Chánh án De Witt nói.
– Thưa quý vị. Bây giờ cũng đã tới giờ nghỉ. Tòa sẽ đình lại cho đến mười giờ sáng mai. Trong thời gian đó xin quý vị Bồi thẩm không thảo luận vụ án với bất cứ ai và cũng không cho phép bất cứ ai thảo luận trước mặt mình. Tòa sẽ đình đến mười giờ sáng mai.
Bị cáo vẫn còn bị giam giữ.
Mason quay sang Conway mỉm cười trấn an.
– Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công.
– Tôi không hiểu sao ông lại nghĩ như vậy – Conway nói – Tôi e rằng chúng ta thất bại.
– Sao ông lại nghĩ vậy? – Mason hỏi.
– Hy vọng duy nhất của chúng ta là đưa Gifford Farrell lộ nguyên hình trước Bồi thẩm đoàn. Vậy mà ông ta vẫn chẳng hề suy xuyển gì.
Mason cười.
– Ý ông muốn nói tôi chưa chất vấn ông ta đúng mức phải không?
Conway nói.
– Ông là người chủ trì mà. Nhưng ông phải thấy những gì đã xảy ra. Farrell đã khai xong và không gặp khó khăn gì. Tại sao ông không chất vấn ông ta về quan hệ của ông ta với nạn nhân và về các bức hình đó?
– Bởi vì – Mason nói – nếu làm tới, tôi sẽ ép Biện lý đẩy Gifford Farrell sang một vị trí khác, một vị trí của một tên đểu cáng. Và như vậy ông ta là một con người khác hẳn với con người dễ thương đứng trên bục nhân chứng.
– Thôi cũng được – Conway nói – Nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ mất quyền điều khiển Công ty.
Mason vỗ vai Conway.
– Không sao, ông Conway. Nhớ rằng thiên hạ đang nhìn ông. Đừng tỏ vẻ thất vọng. Cứ tỉnh bơ xem như là phải tất thắng.
Conway đứng thẳng người nhìn Mason và cười.
Mason đặt tay sau lưng Conway và nói lớn.
– Rồi! Gặp ông ngày mai. Tối mai ông có thể về nhà. Nhớ ngủ ngon.
Mason cầm cặp táp và rời phòng xử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.