Có tiếng xì xào khích động trong phòng khi Perry Mason lên ngồi cạnh luật sư Lawrence Dormer và bị cáo. Chánh án Meehan phải ra lệnh giữ trật tự. Domer đứng lên nói:
– Nếu tòa cho phép, chúng tôi nhờ luật sư Perry Mason hợp tác với tôi trong vụ biện hộ này.
– Tòa đồng ý – ông chánh án trả lời.
Mason từ từ đứng lên tuyên bố.
– Thưa quý tòa, bên biện hộ xin rút lại lời phản kháng. Hôm qua trong câu của ông công tố hỏi người chứng Haggerty.
Ông công tố Copeland chẳng còn ngạc nhiên nào hơn. Ông có cảm giác người ta đang gài bẫy dưới chân ông. Ông nói:
– Rõ ràng là tòa hiểu câu hỏi ấy đặt ra với mục đích chỉ rõ bị cáo có chứa những chất hóa học cần thiết và biết rõ khi cho cyanua kim vào axit clohyđric thì sẽ sinh ra hơi độc.
Ông chánh án gật đầu và Mason cũng bắt chước theo, miệng cười hơi nhẹ.
Copeland lại càng lưỡng lự nhưng vì người chứng đã được gọi lên rồi nên phải đặt câu hỏi và được trả lời như mong muốn. Sau đó ông công tố nêu ra:
– Witherspoon đã đến nhà Milter khoảng ba mươi hay bốn mươi phút sau khi xác Milter được phát hiện và có nói với người chứng là muốn gặp luật sư Mason.
Haggerty trả lời là luật sư vừa đi thì Witherspoon nói rõ ông ta đi tìm khắp nơi và hy vọng sẽ tìm thấy luật sư ở đây. Như vậy Witherspoon có ý che giấu việc đến nhà Milter trước đó và cố làm cho người ta hiểu đây là lần đầu ông ta đến nhà Milter.
Không thấy bên biện hộ phản đối chút nào càng khiến Copeland không yên tâm. Sau cùng ông công tố tuyên bố.
– Nếu tòa cho phép, chúng tôi sẽ liên kết lời khai này với lời khai của người chứng tiếp theo để chứng minh rằng có người đã nhìn thấy bị cáo rời khỏi nhà của Milter vào khoảng thời gian Milter bị giết.
– Đồng ý – chánh án Meehan nói.
– Xin hỏi bên buộc tội còn điều gì hỏi người chứng nữa không?
Mason từ tốn hỏi khi thấy Copeland ngồi xuống. Ông này trả lời:
– Không, luật sư có thể đặt câu hỏi kháng biện.
– Thưa ông Haggerty, khi ông bước vào phòng khách nhà Milter, có phải ông đã chú ý đến một bể cá trong đó có con vịt phải không?
– Phản đối – Copeland gầm lên – Ở đây chỉ bàn đến vụ Milter theo mục đích rõ ràng rồi, chúng tôi không có ý tranh luận về vấn đề khác.
– Điều mà ông muốn hay không, không có gì khác cả – Mason vặn lại – ông đã hé mở cánh cửa vụ này, cái đó tùy ông. Nhưng luật về sự kháng biện cho phép tôi mở toang cánh cửa ấy ra và thưa ông công tố, tôi đang làm việc đó đấy.
– Thưa tòa, tôi phản đối! Điều này không hợp lẽ!
– Tại sao không? Ông đã muốn nối kết bị cáo vào với vụ Milter bị giết thì tôi chứng minh thân chủ của tôi không dính dáng gì đến vụ này hết, rằng trước khi Witherspoon bước lên thang gác ở đó thì Milter đã bị giết chết rồi. Tôi sẽ chứng minh điều này nhờ các người chứng của ông và một vài người chứng của tôi.
– Lời phản đối không được chấp nhận – chánh án Meehan tuyên bố – Người chứng tiếp tục trả lời câu hỏi.
– Đúng như vậy – Haggerty nói – Quả có con vịt trong bể nước.
– Con vịt ấy có dáng gì đặc biệt không?
– Có, hình như nó đang dẫy dẫy trong nước như… như là nó không biết bơi… như là nó sắp chìm vậy.
Cả phòng cười ồ lên khiến ông chánh án phải gõ búa nhiều lần để lập lại trật tự.
Mason mỉm cười tiếp tục:
– Chúng ta đang ở một vùng nông nghiệp nên ý kiến nêu ra về con vịt không biết bơi, phải chết đuối trong bể làm cử tọa cười là phải. Thưa ông Haggerty, ông có chắc là con vịt ấy chết đuối không?
– Phải nói là nó thật lạ. Nó chỉ còn thò mỏ và phần đầu trên mặt nước thôi.
– Ông có nghe ai nói về các con vịt lặn không?
Trong phòng có tiếng cười, Haggerty bắt bẻ:
– Có chứ nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy con vịt lặn mà cái đuôi lại xuống trước!
Lần này cả phòng cười như điên khiến ông chánh án dọa đuổi hết. Mason hỏi:
– Sau đó thì con vịt làm sao?
– Hình như sau đó nó hồi phục lại được. Lúc đó tôi bị khí độc làm nghẹt thở, nhưng khi trở lại bình thường tôi thấy con vịt lại nổi lên trên mặt nước.
– Khi bị cáo đến nơi thì con vịt còn trong bể cá không?
– Còn, ông ta nói là con vịt của ông ta.
– Ông không nói gì khác nữa sao?
– Ông cho biết Marvin Adams, một thanh niên, đến nhà ông lúc chiều khi đi đã mang con vịt này theo.
– Ông ta có chính thức nhìn nhận con vịt không?
– Có, ông ta nói sẵn sàng làm chứng rằng đó là con vịt của ông.
Mason mỉm cười nghiêng mình:
– Xin cám ơn. Ông thật là một người chứng quý giá, tôi không còn gì để hỏi ông nữa.
Ông công tố Copeland lại lưỡng lự một lần nữa, rồi lên tiếng:
– Alberta Cromwell!
Người chứng bước tới, giơ tay thề, ngồi xuống, mắt nhìn Mason có vẻ thách thức. Copeland đã lấy lại bình tĩnh lên tiếng hỏi sau những thủ tục:
– Vào lúc Milter bị giết, cô ở căn hộ bên cạnh thuộc ngôi nhà số 1162 Đại lộ Cinder Butte Avenue phải không?
– Thưa ông, vâng.
– Giữa hai căn hộ có lối thông nhau không?
– Thưa không.
– Buổi tối xảy ra vụ giết người, cô có thấy bị cáo không?
– Thưa có.
– Lúc nào và ở đâu?
– Vào khoảng nửa đêm kém mười lăm hay hai mươi phút thôi, tôi thấy ông ta rời căn hộ của Milter.
– Có chắc là ông ta không?
– Thưa chắc. Không phải chỉ thấy mà tôi còn ghi được cả số xe của ông ấy nữa. Tôi biết chắc đó là ông Witherspoon.
– Nhưng cô có chắc ông ta từ căn hộ của Milter đi ra không?
– Thưa chắc, tôi nghe thấy ông ấy bước xuống thang, mở cửa rồi khép lại trước khi nhìn thấy ông ấy ở ngoài đường.
– Làm thế nào mà cô thấy được?
– Tầng lầu có hai cửa sổ được lắp kính, mỗi căn hộ có một cửa. Từ cửa nhà tôi, tôi thấy cửa vào của nhà Milter.
– Xong… Xin mời kháng biện – Copeland nói.
Mason đứng dậy từ từ nhìn thẳng vào mặt người chứng hỏi:
– Cô có quan hệ với Leslie Milter không? Cô biết ông ta ở Los Angeles phải không?
– Phải.
– Cô có phải là vợ ông ta không?
– Nhất định là không.
– Có bao giờ cô tự xưng như thế không?
– Không.
– Cô không sống như vợ chồng với ông ta à?
– Phản đối! – Copeland lại gầm lên – Câu hỏi không lý do, chỉ nhằm làm rối người chứng thôi.
– Lời phản đối được chấp nhận.
Mason rút lui ý kiến theo quyết định của tòa.
– Thưa cô Cromwell, có phải là từ bao lơn phía sau căn hộ nhà cô, người ta có thể bước qua một hàng rào gỗ để đến bao lơn căn hộ của Milter phải không?
– Tôi nghĩ là có thể được.
– Có khi nào cô thử đi đường đó không?
– Không.
– Buổi tối xảy ra vụ giết người, cô không bước qua theo cách đó à?
– Nhất định là không.
– Tối hôm trước cô không gặp Milter sao?
– Có, vào lúc ông ta trở về nhà.
– Cô không ở trong phòng ông ta phải không?
– Thưa ông, không.
– Leslie Milter không pha rượu cho cô vào lúc chuông reo à? Ông ta không bảo cô đi nhanh về nhà cô sao?
– Thưa ông, không.
– Cô nói có thấy bị cáo đi ra. Như vậy là từ lúc còn sớm, cô đã chú ý rình nhìn ở cửa nhà Milter à?
– Thưa ông không. Tôi chỉ tình cờ đứng gần cửa khi bị cáo đi ra thôi.
– Nếu ông ta ngẩng đầu lên thì có thấy cô không?
– Không, chắc không thấy tôi. Tôi nhìn ra ngoài còn ông ta phải nhìn vào phía trong nhà nên không thể thấy được.
– Cô muốn nói là phía sau cô không có ánh đèn
– Đúng vậy.
– Như vậy là trong phòng không thắp đèn.
Alberta Cromwell lưỡng lự rồi trả lời:
– Không, tôi nghĩ là không.
– Các tấm mành sáo cuốn lên à?
– Tôi… tôi không rõ.
– Cô muốn khai với tòa là cô có thể nhìn thấy bị cáo qua tấm mành buông xuống sao?
– Không, chắc chắn là không.
– Thế thì cô muốn nói sao?
Trong khoảnh khắc cô như bị lâm vào bước đường cùng, mặt nhăn lại. Nhưng bỗng các nét trên mặt căng hết ra:
– Tôi chắc là ông muốn hỏi có phải mọi tấm mành đều cuốn lên hết không. Tôi nhớ là tấm mành trước mặt tôi không buông xuống còn các tấm khác thì không biết.
Cô ta mỉm nụ cười đắc thắng như muốn nói:
“Anh tưởng chộp được tôi à? Còn lâu”.
– Nhưng trong phòng không có đèn à?
– Chắc chắn là không.
– Tại sao cô lại đi vào trong căn phòng tối?
– Tại vì tôi không cần lấy đồ vật gì.
– Cánh cửa kính chỗ cô đứng là ở gần cửa chính hay phía đối diện.
– Phía đối diện. Phải đi hết căn phòng mới tới cửa kính.
– Nơi bật đèn ở cửa lớn phải không.
– Phải.
– Thế là khi vào căn phòng tối để lấy vật gì đó, cô không bật đèn mà lại đi thẳng đến cửa kính để nhìn vào cửa lớn nhà Milter à?
– Tôi vô tình đến đó thôi.
– Tôi hiểu. Sau đó, khi tôi đến bấm chuông nhà Milter, cô bước xuống thang gác nhà cô đi ra cửa phải không?
– Phải.
– Cô nói chuyện với tôi và chúng ta đi với nhau một lúc về trung tâm thành phố phải không?
– Phải.
– Sau đó cô đến bến xe?
Ông công tố đứng lên phản đối:
– Thưa ông chánh án, việc người chứng làm sau khi rời cản hộ số 1162 đối với chúng ta ít đáng được quan tâm hơn là vụ Milter được dẫn ra đây dù chỉ với tính cách tạm thời thôi.
– Quan điểm của ông công tố có vẻ có lý đấy, ông Mason ạ.
– Đúng rồi, thưa ông chánh án, rất đúng. Thôi, tôi không còn điều gì để hỏi người chứng nữa, xin cám ơn cô Cromwell.
Rõ ràng là người phụ nữ trẻ tưởng Mason quần cô nhiều điều hơn nữa vì phần lớn lời xác nhận của cô đều trái với những điều cô đã nói với ông trong đêm có án mạng. Cô sắp bước ra khỏi ghế người chứng thì Mason nói một cách như vô tình.
– Á, xin cô Cromwell một câu nữa. Tôi vừa thấy ông Raymond Allgood có mặt ở đây. Cô có biết ông ta không?
– Biết – cô trả lời sau một lúc lưỡng lự.
– Cô biết cả Cô Sally Elherton, thư ký của ông ta chứ?
– Biết.
– Cô có nói với một trong hai người đó cô là vợ của Milter không?
– Tôi… đó là…
– Xin mời cô Elherton đứng lên.
Cô thư ký tóc vàng có vẻ miễn cưỡng đứng lên.
– Cô có nói với người này cô là vợ của Milter không?
– Tôi không nói rằng tôi là vợ của anh ta. Tôi chỉ nói là cô nên để anh ta yên và không nên…
Alberta Cromwell chợt ngưng bặt và mím môi lại. Nhưng trên các khuôn mặt quay về phía cô, cô thấy rõ hiệu quả của lời nói vụt ra vừa rồi nên buông mình xuống ghế như là kiệt sức.
Mason nói:
– Cô cứ tiếp tục, tiếp câu nói dở dang đó…
– Ông giương bẫy tôi – người chứng tức giận phản đối – ông làm cho tôi tưởng là cuộc thẩm vấn đã hết rồi, rồi ông bảo cô gái ấy đứng lên.
– Cô có gì chống đối với “cô gái ấy” như cô đã nói? Xin cám ơn cô Elherton, xin mời cô ngồi xuống.
Người chứng hình như thốt nhiên quyết định:
– Được rồi, để tôi nói hết. Thực ra tôi chỉ giấu có một điều: tôi và Milter sống với nhau như vợ chồng, chỉ có điều anh ta không chịu cưới tôi vì cho rằng không cần thiết. Đi đâu anh ta cũng giới thiệu tôi là vợ anh ấy. Thế rồi cô gái này đến và anh ta quay đầu đi với tôi. Cô ta muốn tranh cướp của tôi.
Ông công tố choáng váng một chút rồi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh:
– Khoan đã. Thưa ông chánh án, điều này hình như quá xa với…
– Tôi không đồng ý – ông chánh án ngắt lời – Người chứng vừa khai những lời khác hẳn với những lời khai mới đây sau khi đã thề trước tòa. Như thế thì tòa muốn nghe lại người chứng giải thích hành động của mình. Xin cô Cromwell cứ tiếp tục.
Người phụ nữ trẻ quay về phía ông chánh án:
– Leslie bỏ rơi tôi đi El Templo. Tôi phải tìm ba ngày mới gặp anh ta. Anh ta nói là đến đây để làm việc và nếu tôi đến ở chung với anh thì mọi việc hỏng hết. Vì căn hộ bên cạnh còn trống nên tôi thuê để khỏi mang tiếng ở chung với anh ta. Tôi thật tình tin là anh ta đến đây vì công việc…
– Chẳng cần cô tin ra sao hết – Copeland ngắt lời – Xin cô cứ trả lời câu hỏi của ông luật sư đi.
– Có phải là cô đang giải thích tại sao cô khai không thống nhất không? – ông chánh án Meehan hỏi.
– Thưa ông chánh án, vâng.
– Thế cô cứ tiếp tục đi.
– Milter nói rằng nếu tôi để anh rảnh tay thì sẽ có rất nhiều tiền cho chúng tôi đi du lịch… Rồi đến tối anh ta bị giết, Milter cho tôi biết công việc sắp kết thúc, nhưng phải gặp cô Elherton để bàn về chuyện ấy. Anh nói là tôi đã lầm. Anh chỉ sử dụng cô Elherton để moi tin tức thôi, vì cô gái không có đầu óc, chẳng đáng giá gì.
– Tối đó cô có ở trong phòng của Milter không? – ông chánh án hỏi.
– Vâng, thưa có. Tôi ngồi nói chuyện với anh và anh pha cho tôi một ly rượu hồi. Cô Elherton phải quá nửa đêm mới đến. Thế rồi có tiếng chuông reo. Anh tức giận nói: “Anh đã đưa chìa khóa cho cô gái để nó khỏi bấm chuông chờ trước cửa, chắc nó làm mất rồi. Em về phòng nhanh lên, lúc nó đi rồi, anh sẽ gọi em, chắc chỉ mất gần một giờ thôi.”
– Rồi cô làm gì nữa? – Mason hỏi.
– Tôi leo qua hàng rào gỗ trở về, nghe tiếng Milter cài cửa bếp và đi ra phía trước.
– Cô có thấy ai đến không?
– Thưa không. Lúc tôi đến bên cửa sổ thì cô ta đã vào rồi. Tôi đành ngồi nghe rađiô.
– Rồi sao nữa?
– Sau một lúc tôi thấy xốn xang và hơi nghi ngờ. Tôi nhón gót đi lại bao lơn nhưng không thấy gì hết. Tôi đành dán tai vào vách lắng nghe… Hình như có ai đi bên ấy, đi rất nhẹ. Tôi nảy ra ý định đi lại cửa sổ để xem lúc cô ta ra. Tôi thấy có một chiếc xe hơi đậu bên lề, rồi ông này đây – cô chỉ vào Witherspoon – đi ra khỏi nhà bước lên xe. Milter không nói với tôi anh chờ một người đàn ông nên tôi nghĩ đó là một thanh tra cảnh sát.
– Tại sao lại là một thanh tra cảnh sát? – Mason hỏi.
– Ồ! Tôi chẳng hiểu tại sao… Nhưng đôi khi Milter cũng có liều và do đó, anh cũng gặp rắc rối. Để đề phòng tôi liền ghi số xe.
– Rồi sao nữa?
– Tôi liền bấm chuông nhà anh. Tôi cho là làm như thế thì anh sẽ đi xuống và nếu có ai ở trên phòng thì bắt buộc phải ở lại đó. Tôi chưa ăn mặc đàng hoàng, chỉ có một áo khoác ngoài nên tôi về phòng mặc áo. Tôi có ý định nhìn qua khung kính cửa nhà bếp. Cửa vẫn khóa và khi nhón gót lên tôi chỉ thấy nhà bếp khói bốc um lên. Tôi liền lấy một thùng gỗ kê đứng lên, nhìn thấy hai cẳng chân đàn ông duỗi trên đất và cái xoong rượu hồi đã khô cạn mà bếp ga vẫn cháy. Tôi đập cửa rồi đi vội về phòng để xuống nhà dưới vòng trở lên căn hộ của anh. Lúc đó thì ông đang bấm chuông, tôi không muốn tỏ ra là quan tâm tới Milter. Nhưng khi chia tay ông, tôi vội gọi giây nói báo cho cảnh sát. Sau đó tôi đi ra bến xe… Chuyện thật là như thế. Xin Chúa chứng giám cho tôi.
Ông chánh án Meehan quay sang hỏi Mason:
– Ông có cần hỏi gì thêm nữa không?
– Thưa ông chánh án, không.
Ông công tố cũng vậy. Ông chánh án hiền từ nói với cô:
– Cô xuống đi. Tôi không bắt lỗi cô đâu.
Alberta Cromwell khóc nức nở rồi lần mò rời khỏi hàng ghế người chứng.
Viên thừa phát lại bước gần Copeland đưa cho ông này mảnh giấy gấp đôi. Ông công tố lạ lùng đọc rồi nói với ông chánh án:
– Thưa ông chánh án, tôi vừa phát hiện ra một chuyện lạ và bất thường. Nếu tòa cho phép tôi xin mời một người chứng nữa.
– Được.
Ông công tố bước gần đến hàng rào ngăn công chúng, nhìn vào dáng người mặc đại tang của bà Burr:
– Tôi muốn mời bà Diana, vợ góa của ông Burr. Bà Burr, bà có chịu làm chứng không?
Bà có vẻ bất ngờ và tức giận nhưng phải tuân lệnh và lấy hết kiểu cách của một người đang chịu đau thương để gây sự xúc động chung quanh. Khi thủ tục đã tiến hành xong, ông Copeland đợi một lát để nhìn xung quanh xem đã gợi được sự chú ý của công chúng chưa rồi mời cất tiếng hỏi theo một cử chỉ đầy kịch tính:
– Bà Burr, có bao giờ bà nhìn thấy một con vịt chết đuối chưa?
Lần này cả phòng xử không ai dám lên tiếng cười cả.
– Thưa có – bà Burr nói với giọng tắc nghẹn.
– Thấy ở đây? – Copeland hỏi.
– Ở nhà ông Witherspoon cách đây khoảng một tuần.
– Trong trường hợp nào?
– Marvin Adams nói một con vịt có thể chết đuối nên chồng tôi cười nhạo cậu ta. Thế là Adams mang một bể nước và một con vịt con đến. Cậu ta bỏ cái gì vào nước và con vịt chìm ngay.
– Nó có chết không?
– Không, cậu Adams đã lôi nó ra kịp thời.
Ông công tố huênh hoang quay sang Mason:
– Kháng biện đi?
Mason vẫn yên lặng một lúc rồi mới hỏi:
– Ngày trước bà ở Winterburg phải không?
– Vâng.
– Bà gặp người chồng đầu tiên ở đó?
– Vâng.
– Bà bao nhiêu tuổi?
Bà Burr ngập ngừng:
– Ba mươi chín.
– Ở Winterburg, bà có gặp người nào tên là Corine Hassen không?
– Không.
– Bà có nghe thấy chồng bà nói về người này không?
Bà tránh cái nhìn của Mason và không trả lời.
Ông công tố chen vào:
– Chuyện này có ăn nhập gì? Tại sao ông không hỏi về chuyện con vịt?
Mason như không nghe lời ông ta, vẫn nhấn mạnh:
– Có bao giờ bà nghe chồng bà nói về Corine Hassen không?
– Ơ… có lâu rồi.
Mason ngồi xuống, dáng thỏa mãn.
Ông chánh án hỏi:
– Không hỏi gì nữa à?
– Thưa, không.
– Không cả việc làm sáng tỏ câu chuyện con vịt chết đuối à – Copeland hỏi với nụ cười cay độc.
– Không – Mason trả lời lại bằng nụ cười – Con vịt là việc của ông. Tôi không còn phải hỏi người chứng điều gì nữa.
– Thế thì tôi xin gọi người chứng tiếp theo, Marvin Adams – Copeland nói.
Marvin miễn cưỡng bước tới, giơ tay thề và ngồi xuống dưới ánh mắt ác cảm của ông công tố.
– Ông có nghe người chứng trước nói về con vịt chết đuối không?
– Thưa ông có.
– Ông đã làm một thí nghiệm như thế à?
– Thưa đúng.
– Ông có lặp lại thí nghiệm đó trong phòng của Leslie Milter tối hôm ông ta bị giết không?
– Thưa ông, không.
– Anh có biết Leslie Milter không?
– Thưa ông, không.
– Anh chưa bao giờ gặp ông ta à?
– Thưa chưa.
– Khi làm thí nghiệm ở nhà John L. Witherspoon, ông có giải thích cho mọi người có mặt ở đấy không?
– Thưa ông. có.
Copeland mừng rỡ:
– Và ông John L.Witherspoon có mặt trong nhóm người ấy à?
– Thưa ông không. Ông Witherspoon không có mặt ở đấy.
Ông công tố sửng sốt một lúc rồi hỏi tiếp để che ngượng:
– Anh làm thế nào? Thí nghiệm như thế nào?
Marvin giải thích chi tiết khiến cho cử tọa hết sức ngạc nhiên và ông chánh án cũng nghiêng mình tới lắng nghe. Sau đó Copeland lặng yên một lúc rồi hỏi:
– Anh có liên hệ gì với bị cáo phải không?
– Có, thưa ông, tôi là rể ông ta.
Copeland lắp bắp:
– Anh… anh muốn nói…
– Tôi nói tôi đã cưới con gái ông ta, cô Lois Witherspoon.
– Lễ thành hôn khi nào?
– Đêm vừa qua, một giờ sáng ở Yuma bang Arizona.
Cử tọa xầm xì trong khi Copeland lấy lại bình tĩnh, dè dặt hỏi một câu:
– Có thể nào một người tham dự buổi thí nghiệm đó nói lại với bị cáo không?
– Xin phản đối – Mason nói – Câu này làm cho người chứng bị hướng dẫn trước.
– Lời phản đối được chấp nhận.
– Có khi nào anh tranh luận với bị cáo về thí nghiệm đó không?
– Thưa không.
– Với cô con gái ông ta?
– Phản đối. Câu hỏi này không liên quan đến vấn đề.
– Lời phản đối được chấp thuận.
Copeland gãi đầu, nhìn đống hồ sơ trước mặt, liếc qua đồng hồ rồi bỗng hỏi:
– Khi anh rời trang trại của bị cáo ngay đêm Milter bị giết, anh có mang theo con vịt nhỏ phải không?
– Thưa phải.
– Con vịt đó là của bị cáo?
– Thưa phải, con gái ông ta nói với tôi là lấy được.
– Tất nhiên thôi. Anh muốn có con vịt để lặp lại thí nghiệm.
– Thưa vâng.
– Thế mà anh chắc chắn là không đến nhà Milter sau khi rời khỏi trang trại của bị cáo à?
– Tôi không bao giờ đến nhà của Milter.
– Anh có thể chịu nhận rằng con vịt trong bể cá nhà Milter không phải là con vịt anh mang đi không?
Marvin chưa kịp đáp thì Lois đã cất tiếng cao và rõ:
– Anh ấy không thể trả lời câu ấy được. Chỉ có tôi thôi.
Chánh án Meehan đập búa để giữ trật tự, nhưng lại lạ lùng nhìn cô gái. Mason vụt đứng dậy ngọt ngào nói:
– Thưa ông chánh án, dù thế nào thì tôi cũng phản đối câu hỏi ấy vì nó bắt người chứng phải suy luận từ các sự kiện. Mà ở đây tòa chỉ cần các sư kiện và bảo người chứng đã thề rồi lại thề lần nữa thì thật dư thừa.
– Về mặt lý thuyết, lời phản đối của ông đúng – ông chánh án nói – nhưng có lẽ vì câu hỏi ấy hơi vụng mà thôi.
– Thưa ông chánh án, đã hỏi cách khác thì câu hỏi ấy cũng bắt người chứng phải rút ra một kết luận. Thế mà người chứng chỉ có thể nói anh ta có đến nhà Milter hay không, có bỏ con vịt vào bể cá nhà Milter hay không, anh ta có giữ con vịt hay không, chứ anh ta không thể nói con vịt nào đó của một người nào đó thấy được có phải là con vịt anh ta có giữ trong một lúc nào đó. Tất nhiên là trừ phi con vịt có đặc điểm gì khác với các con đồng loại thôi.
– Tất nhiên rồi – ông chánh án nói – Tuy nhiên nếu người chứng không thể trả lời thì cũng phải xác nhận là không trả lời được.
– Được chứ! – Marvin chen vào mỉm cười nói – Con vịt tôi bỏ trong xe hơi…
– Khoan đã – Mason giơ tay ngăn lại – Chúng tôi vừa đưa ra lời phản đối, anh Marvin ạ. Xin anh khoan trả lời tòa phán quyết về lời phản đối đó đã.
Lois vẫn đứng lắp lại:
– Nhưng anh ấy không thể trả lời được. Chỉ có tôi thôi.
– Tòa xin cô Witherspoon ngồi xuống – ông chánh án nói.
– Nhưng thưa ngài tôi…
– Đủ rồi, thưa cô. Câu hỏi đặt ra cho người chứng và bên bị đã phản đối, luận cứ tuy có vẻ chỉ là chuyên môn, nhưng vẫn có giá trị. Và tôi vẫn để cho công tố có quyền đặt câu hỏi một cách khác.
– Tốt lắm, thưa ngài – Mason nghiêng mình nói – Nhưng nếu tòa cho phép, trước khi ông công tố đặt câu hỏi, chẳng biết tôi có xin được ông công tố trưng cái chứng cớ quan trọng nhất của vụ án này không?
Copeland giật nẩy mình quay sang hỏi Mason:
– Ông nói gì vậy?
– Nói về mảnh giấy mà người ta vừa đưa cho ông cách đây vài phút – Mason nói bằng giọng ngọt xớt.
– Thưa ông chánh án – Copeland phản đối – Đây không phải là một tang vật gì hết mà chỉ là một thông báo riêng, mật của một người có mặt nơi đây gửi cho chúng tôi thôi.
Mason hỏi:
– Người nào?
– Chẳng dính gì đến ông cả.
– Tôi xin quý ông! Còn cô Witherspoon, xin cô ngồi xuống.
– Nhưng, thưa ông chánh án…
– Ngồi xuống đi, cô sẽ khai sau này. Ông Mason, đối thủ của ông bảo rằng đó chỉ là mảnh giấy riêng tư và tôi tin là như thế thật.
– Đây cũng vẫn là một tang vật rất quan trọng và tôi xin tòa giữ lại tờ giấy này đến khi tôi chứng minh được tầm quan trọng của nó.
– Ông căn cứ vào đâu?
– Thưa ông chánh án, rõ ràng là mảnh giấy khuyên ông công tố gọi bà Burr lên làm chứng và hỏi bà ấy về cuộc thí nghiệm. Như thế mảnh giấy phải là của một người chứng kiến cuộc thí nghiệm. Bị cáo hoàn toàn không biết gì hết về thí nghiệm này và ông ta không viết giấy gì hết. Bà Burr cũng không thể viết. Cô Lois không, mà Marvin cũng không. Ông Burr thì không còn ở trên đời này nữa. Tôi vừa kể ra tất cả những người đã chứng kiến cuộc thí nghiệm. Thế mà người viết tờ giấy này hình như cũng biết. Do đó mong tòa đồng ý với tôi là mảnh giấy này là một tang vật quan trọng hết mức.
– Thưa ngài – Copeland chen vào – Công tố cũng như cảnh sát luôn luôn nhận được các tin báo mật có ích. Nếu được giữ kín thì họ mới có thể tiếp tục cộng tác được.
– Thưa – Mason nói – sắp trưa rồi. Tôi xin sẽ tranh luận vấn đề ở phòng kín và ở đó tôi sẽ chứng minh cho ngài và ông công tố tầm quan trọng của tờ giấy ấy.
Ông chánh án Meehan nói:
– Lúc này tôi thấy không lý do gì để ông công tố phản bội lòng tin của người đưa tin tức.
– Xin cảm ơn ông chánh án – Copeland nói.
– Mặt khác – ông chánh án nói tiếp – nếu mảnh giấy ấy là tang vật thì phải giữ lại.
– Thưa ngài, tôi không có ý định hủy nó đi – Copeland kiêu hãnh trả lời.
– Tôi cứ tưởng là ông công tố sắp vò ném tờ giấy đi đấy.
– Đây không phải là lần đầu tiên ông lầm trong vụ này đâu – Copeland nói mỉa.
– Dù tôi có lầm thì cũng không làm cho những kẻ vô tội bị kết án oan – Mason nghiêng mình trả đũa.
– Thôi quý ông, đủ rồi – ông chánh án Meehan can thiệp – Buổi thẩm vấn ngưng cho đến chiều. Tôi xin ông Mason gặp tôi trong phòng họp lúc một giờ rưỡi và xin ông công tố giữ lại tờ giấy đó. Buổi thẩm vấn tạm nghỉ.
Trong khi công chúng lần lượt ra khỏi phòng, Mason nhìn Della Street mỉm cười:
– Úi! Chỉ chút xíu nữa!
– Có phải ông chỉ tìm cách hoãn binh thôi không’?
– Trời! Tôi không thích Lois kể mọi chuyện ấy ra chút nào.
– Đến hai giờ thì cô ta sẽ nói.
– Biết rồi, nhưng ta còn được hai giờ nữa để tìm lối thoát hay là…
– Hay là sao?
– Hay là ta sẽ giải quyết vấn đề.
Lois rẽ người tiến đến bên họ:
– Ông thật khéo nhưng không ngăn được tôi phải nói ra..
– Được rồi, chỉ xin cô thư cho đến hai giờ chiều thôi.
– Tôi muốn nói hết với Marvin.
– Cô đợi đến khi cậu ta sắp lên chỗ khai.
– Không, tôi muốn nói ngay bây giờ.
– Nói gì anh thế – Marvin hỏi khi nghe thấy nhắc đến tên mình và tiến lại, choàng tay qua thân mình Lois.
– Nói về con vịt.
Một phụ tá quận trưởng tiến đến chỗ luật sư.
– John Witherspoon muốn gặp ông, ông Mason. Ông ta cũng muốn gặp cả con gái và – người này mỉm cười – cả chàng rể nữa.
– Thật đúng lúc để cậu lại thăm ông bố vợ – Mason khuyên chàng trai – Nói dùm rằng tôi sẽ cố gắng gặp ông ta trước phiên thẩm vấn.
° ° °
Luật sư bước đi ngoắc Drake:
– Anh có tìm được ra điều gì về lá thư gửi cho Marvin không.
– Không, Perry à, tuyệt đối là không. Như anh nói, số điện thoại là của một hãng lớn, ở đó không ai hay biết Lahey hết. Giấy thuộc loại bình thường có bán khắp nơi. Chỉ còn lại chữ viết nhưng lúc này thì chẳng có ích gì.
– Bây giờ thì không, nhưng sau này thì may ra. Paul, anh thử tìm xem cô y tá bị Burr đuổi đi…
– Perry, cô ta có trong phòng xử. Chờ một chút may ra tôi bắt cô lại được.
Nhà thám tử bước nhanh và trở lại với một người phụ nữ trẻ, khá đẹp.
– Perry, xin giới thiệu cô Field. Chính cô đã săn sóc ông Burr buổi sáng ngày ông ta bị giết.
Cô y tá bắt tay thật chặt Mason:
– Tôi thật thích thú thấy vụ án diễn biến như vậy nhưng tôi không thể tiếp chuyện ông được vì ông công tố bảo tôi ra làm chứng.
– Để nói là Burr bảo Witherspoon đem chiếc cần câu lại?
– Vâng, đó là một trong những điều làm chứng.
– Ông Burr không muốn cô sờ vào cái xắc phải không? Chính vì thế mà ông ta đuổi cô hả?
– Phải, tôi cứ vấp hoài cái xắc khốn nạn mà ông ta đặt bên cạnh giường để lục lọi cho thỏa thích. Tôi nói rằng để tôi đặt các vật trong xắc lên mặt tủ cho ông thấy và muốn lấy gì thì bảo tôi lấy hộ cho.
– Thế mà ông ta không bằng lòng?
– Phải nói là nổi xung lên mới đúng! Nhưng nửa giờ sau, tôi lại vấp phải cái xắc, tôi muốn tỏ quyền hành, tôi giật lấy. Có thế mà ông ấy vặn tay tôi. Tôi chỉ định báo cáo với bác sĩ thôi, nếu ông ta không đuổi tôi ra khỏi phòng và doạ đập tôi với một cái gì như là ống sắt.
– Cái ống ở đâu ra vậy?
– Ông ta hỏi tôi vật đó đêm hôm trước. Ông ta nhét vào trong đó những bản đồ họa hay cái gì đó tôi không biết.
– Sau khi định dùng nó đánh cô thì ông ta làm gì nó?
– Để xem… Hình như ông ta nhét nó dưới chăn. Tôi cũng không chú ý vì đang sợ hãi. Tôi chưa thấy người bệnh nào giận dữ đến như thế dù tôi thật hết sức chịu đựng. Tôi liền trình bày với bác sĩ và xin người khác thay thế.
– Thế nhưng ông bác sĩ không làm gì cả phải không?
– Không. Ông tưởng có thể thu xếp được vì không hiểu tình trạng của người bệnh.
– Đêm trước, Burr có nói với cô là người ta tìm cách giết ông ta phải không?
Người phụ nữ trẻ lúng túng:
– Thưa ông Mason, tôi không thể nói rõ về vấn đề này được vì tôi được gọi ra làm chứng.
– Tôi hiểu sự thận trọng của cô, cô Field ạ, tôi không dám hỏi thêm cô gì nữa. Cám ơn cô rất nhiều.