Thăm Dò Tiềm Thức

CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH GIẤC MƠ



Khi bắt đầu thiên khảo này tôi đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa một ký hiệu và một biểu tượng. Ký hiệu không bao giờ nói hết những ý nghĩa của ý niệm ghi lại bằng ký hiệu ấy còn biểu tượng thì gợi đến một nội dung to lớn hơn ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp của biểu tượng. Vả chăng, biểu tượng là cái gì đó tự nhiên và ngẫu nhiên. Không một người có thần khí (génie) nào lại cầm một cái bút và nói rằng: bây giờ ta tạo ra một biểu tượng. Không ai có thể lấy một ý tưởng hữu lý do kết quả của sự suy luận hay dụng tâm tạo ra một ý tưởng rồi cho nó một hình thức “biểu tượng”. Dù ý tưởng có hóa trang cách nào, có kỳ quái đến mức nào, một ý tưởng như thế cũng chỉ là một ký hiệu có ý nghĩa, một ý tưởng có ý thức và chỉ dính dáng đến ý thức, chứ không thể là một biểu tượng gợi đến cái gì chưa biết. Trong giấc mơ, biểu tượng ngẫu nhiên xuất hiện bởi vì giấc mơ là biến cố xảy ra chứ không phải là sáng kiến. Như vậy, giấc mơ là nguồn gốc chính để ta tìm hiểu biểu tượng.

Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng biểu tượng không phải chỉ xuất hiện trong giấc mơ mà thôi. Nó tham dự vào tất cả mọi loại biểu lộ của tâm thần. Có những ý tưởng và tâm tình có tính cách biểu tượng, có những hành động và hoàn cảnh có tính cách biểu tượng. Thường thường hình như những đồ vật vô tri hợp tác với tiềm thức trong việc cấu tạo những hình thức biểu tượng. Có nhiều chuyện đồng hồ ngưng lại khi chủ nó chết, thí dụ chuyện xảy ra với Frédérice le Grand ở Sans-Souci. Những chuyện khác rất phổ biến là chuyện cái gương vỡ, bức tranh rơi xuống đất khi có người chết. Hay chuyện đồ vật đổ vỡ trong nhà một người bị khủng hoảng tâm tình, chuyện không đánh mạnh vào tâm trí cho lắm nhưng cũng không cắt nghĩa được. Nếu không phải là người dễ tin thì không thể chấp nhận được những chuyện như thế nhưng nó vẫn xuất hiện, và như thế đủ chứng tỏ nó có một tầm quan trọng về phương diện tâm lý.

Tuy nhiên có rất nhiều biểu tượng có khi rất quan trọng, không có tính cách cá nhân mà có tính cách đoàn thể, kể cả phương diện tính chất lẫn phương diện nguồn gốc. Phần nhiều đó là những hình ảnh tôn giáo. Người tin đạo gán cho những hình ảnh ấy nguồn gốc thần linh và cho rằng chúng có tính cách một mặc khải. Người bi quan cả quyết rằng đó chỉ là sự bịa đặt. Cả hai bên đều nghĩ lầm. Đúng như người bi quan đã nói, biểu tượng và khái niệm tôn giáo là đối tượng của sự tôi luyện công phu và rất tự giác trong nhiều thế kỷ. Cũng đúng như lời nói của người sùng đạo, nguồn gốc biểu tượng và khái niệm tôn giáo đưa ta đi ngược trở lên chỗ u minh quá khứ đến nỗi hình như chúng không còn có nguồn gốc nhân loại nữa. Nhưng thực ra đấy là những “ý tưởng tập thể” thoát thai từ những giấc mơ, từ trí tưởng tượng của người thượng cổ. Và vì như vậy cho nên biểu tượng và khái niệm tôn giáo là những biểu lộ phi ý thức, ngẫu phát, không có gì là sáng kiến có suy tính.
Sự kiện ấy có ảnh hưởng trực tiếp quan trọng đến sự lý giải giấc mơ, sau này tôi sẽ nói đến. Hẳn nhiên nếu người ta cho rằng giấc mơ tượng trưng cho một cái gì đó, người ta sẽ giải thích nó khác hẳn người nào cho rằng giấc mơ mượn sinh lực chính yếu của một ý tưởng hay một xúc động quen thuộc bị hóa trang đi mà thôi. Trong trường hợp sau này đem giấc mơ ra giải thích sẽ chẳng có mấy ý nghĩa bởi vì người ta chỉ thấy cái gì người ta đã biết rồi.

Bởi lẽ ấy tôi vẫn bảo học trò của tôi rằng: “Hãy học cho hiểu vấn đề biểu tượng càng nhiều càng hay, rồi khi phân tích giấc mơ thì quên hết những điều đã học được.” Sự khuyên bảo này có một tầm quan trọng thực tiễn đến nỗi tôi tự buộc mình phải nghĩ rằng mình không hiểu rõ giấc mơ của người khác để có thể giải thích được đúng. Tôi làm như vậy để tôi không đem những đợt sóng hội ý và phản ứng của tôi thay thế vào những điểm mà người bệnh còn ngập ngừng và lưỡng lự. Về phương diện trị bệnh, điều quan trọng bậc nhất là người phân tích nắm vững được bức thông điệp riêng của giấc mơ (nghĩa là phần đóng góp của tiềm thức vào ý thức), họ cần thăm dò nội dung bức thông điệp rất cẩn thận.

Khi tôi còn làm việc với Freud, tôi đã có một giấc mơ làm sáng tỏ điểm ấy. Tôi nằm mơ thấy mình đang ở nhà, trên tầng một, trong một căn phòng khách đẹp đẽ tiện nghi trang hoàng theo kiểu thế kỷ XVIII. Tôi ngạc nhiên rằng trước đây chưa hề trông thấy căn phòng ấy và bắt đầu tự hỏi xem nhà dưới giống phòng nào. Tôi đi xuống, và tôi nhận thấy dưới nhà có vẻ tối, tường lát gỗ, đồ đạc thì to lớn đồ sộ kiểu thế kỷ XVI hay trước nữa. Tôi càng thêm ngạc nhiên và hiếu kỳ. Tôi muốn xem toàn thể kiến trúc căn nhà. Tôi bước xuống hầm và thấy một cái cửa trông ra một cầu thang, cầu thang đưa đến một căn phòng rộng hình vòm. Sàn lát đá lớn, tường có vẻ rất cổ. Xem đến hồ vữa thì biết rằng hồ vữa có gạch vụn. Rõ ràng là tường này có nguồn gốc La Mã. Tôi càng thêm hiếu kỳ. Trong một góc nhà tôi thấy một cái vòng sắt đóng chặt vào một phiến đá. Nhấc lên thì thấy một cầu thang nhỏ đưa đến một thứ hầm giống như một ngôi mộ cổ, trong đó có hai cái sọ người, vài cái xương và một vào mảnh đồ gốm. Tôi tỉnh dậy.

Nếu Freud phân tích giấc mơ này và theo phương pháp của tôi dò xét những hội ý liên lạc trực tiếp với giấc mơ, nội dung giấc mơ, chắc rằng ông sẽ gạt đi vì cho rằng đó chỉ là ý muốn thoát khỏi một vấn đề mà thực ra vấn đề ấy lại là của ông chứ không phải của tôi. Thực ra giấc mơ đã thâu tóm cả cuộc đời tôi, nhất là sự tiến triển của tâm trí tôi. Tôi lớn lên trong một căn nhà cổ có từ 200 năm trước, đồ đạc phần nhiều đã có từ 300 năm, về phương diện kiến trúc thì cuộc phiêu lưu tinh thần của tôi xảy ra từ khi tôi đọc Kant và Schopenhauter. Biến cố quan trọng lúc ấy là tác phẩm của Charles Darwin. Mới trước đây tôi còn sống trong cái thế giới Trung cổ của cha mẹ tôi; cha mẹ tôi tin rằng thế gian và nhân loại đều do thiên thần toàn năng và thiên hựu cai quản. Từ đây thế gian ấy đã già nua và hết hiệu lực. Tín ngưỡng Ky Tô giáo của tôi mất tính chất tuyệt đối vì sự khám phá ra các tôn giáo Đông phương và triết lý Hy Lạp. Bởi vậy cho nên tầng dưới căn nhà tối tăm, lạnh lùng thế và không có người ở.

Khi tôi làm y sĩ trợ tá tại Viện Giải phẫu học, tôi nghiên cứu khoa hóa thạch học bằng phương pháp giải phẫu so sánh, tôi bắt đầu say mê môn Lịch sử Nhân loại. Tôi say mê những đốt xương của người hóa thạch, nhất là người Néanderthal đã gợi lên nhiều cuộc tranh luận, và sọ người Pitthécanthrope của Dubois cũng gợi lên những cuộc tranh luận sôi nổi hơn nữa. Thực ra đó là những hội ý thực sự về giấc mơ của tôi. Nhưng tôi không dám nói đến sọ, bộ xương hay tử thi với Freud vì kinh nghiệm cho tôi biết rằng ông ta ghê tởm những đề tài ấy. Ông có ý nghĩ lạ lùng rằng tôi mong cho ông chết sớm. Ông đi đến kết luận ấy từ khi tôi tỏ ra chú trọng đến những xác ướp ở Bleikeller, tại Brême mà chúng tôi đã cùng viếng thăm vào năm 1909 khi đi tàu qua Mỹ châu.

Bởi vậy tôi ngập ngừng không muốn cho ông biết ý kiến riêng, do kinh nghiệm mới đây tôi biết rõ cái hố sâu ngăn cách quan điểm và căn bản học thuyết của Freud với tôi, cái hố sâu ấy gần như không vượt qua được. Tôi sợ mất tình thân hữu nếu tôi nói cho ông biết thế giới tâm tưởng của tôi. Tôi cho rằng ông sẽ lấy làm kỳ dị lắm. Tôi cũng không tin học thuyết của tôi một cách tuyệt đối, tôi gần như tự động nói dối về “hội ý tự do” của tôi để khỏi phải làm một việc không thể được là nói cho ông hiểu cơ cấu tâm thần rất riêng biệt của tôi hoàn toàn khác hẳn cơ cấu tâm thần của ông.

Xin độc giả thứ lỗi cho tôi vì đã nói nhiều đến rắc rối giữa tôi và Freud khi nói chuyện giấc mơ của tôi. Nhưng đó là một thí dụ hay để nêu ra những khó khăn trong việc phân tích giấc mơ, vì phải kể nhiều đến sự khác biệt giữa cá tính người phân tích với người nằm mơ.

Rồi tôi hiểu rằng Freud tìm kiếm trong tôi vài “ý muốn không chịu thú nhận”. Bởi vậy tôi đưa ra ý kiến rằng những cái sọ tôi nằm mơ thấy có lẽ liên hệ đến một vài người trong gia tộc mà vì lẽ này hay lẽ khác tôi muốn họ chết. Sự giả thiết ấy được ông tán thưởng nhưng riêng tôi, tôi không thỏa mãn với cách giải thích dối trá ấy.

Trong khi tìm một cách trả lời thích hợp với những câu hỏi thích hợp của Freud, bất thần tôi xúc động bởi một trực giác: yếu tố chủ quan cũng đóng một vai trò trong sự hiểu biết tâm lý. Trực giác đó mạnh mẽ đến nỗi tôi chỉ có một ý định là làm sao thoát khỏi tình trạng rắc rối này, tôi bèn dùng đến phương tiện dễ dàng là nói dối. Điều đó không thanh nhã lắm và đứng về phương diện đạo đức thì không có cách gì biện minh, nhưng nếu tôi không làm thì sẽ tuyệt giao với Freud, vì nhiều lẽ tôi không thể làm như ông được.
Trực giác của tôi đã cho tôi hiểu một cách bất ngờ và bất thần rằng giấc mơ của tôi chỉ có ý nghĩa cho tôi, cho đời sống của tôi, cho vũ trụ của tôi, cái thực thể của tôi như vậy chống đối lại một cơ cấu lý thuyết lập ra bởi một bộ óc xa lạ với tôi, vì những lý lẽ và để trả lời cho những mục đích của riêng nó. Không phải là giấc mơ của Freud. Đó là giấc mơ của tôi. Chỉ trong một chớp nhoáng, tôi hiểu bức thông điệp ấy.

Cuộc xung đột này làm sáng tỏ một điểm chính yếu trong sự phân tích giấc mơ. Sự phân tích ấy không hẳn là một kỹ thuật có thể học thuộc rồi đem áp dụng theo những nguyên tắc đã biết, mà còn là sự trao đổi có tính biện chứng giữa hai cá tính con người. Nếu người ta dùng kỹ thuật máy móc để phân tích thì cá tính tâm thần của người nằm mơ không thể bộc lộ được và vấn đề trị bệnh chỉ là câu hỏi: người phân tích giấc mơ hay người nằm mơ nắm vai chủ động và lấn át người kia? Vì lẽ đó tôi không dùng đến phương pháp thôi miên nữa, tôi không muốn bắt buộc người khác theo ý muốn của tôi. Tôi muốn để tự cá tính người bệnh tìm lấy đường lối làm cho mình khỏi bệnh, chứ không đề ra một đường lối chỉ có công hiệu nhất thời. Mục đích của tôi là bảo vệ tự do và tư cách của con người cho được toàn vẹn để họ có thể xây dựng cuộc đời theo ý muốn của họ. Trong cuộc trao đổi ý kiến này với Freud, lần thứ nhất tôi biết rằng muốn lập những thuyết tổng quát về người và linh hồn trước hết phải biết nhiều hơn về con người một cách thực sự và chính xác.

Cá nhân là một thực thể duy nhất. Chúng ta càng đi xa, chúng ta càng thay thế cá tính của mỗi người bằng những ý niệm trừu tượng về loài homo sapiens, chúng ta càng dễ lầm lộn. Ở thời đại xã hội đảo lộn và thay đổi nhanh chóng, nên biết nhiều hơn về con người, kể riêng rẽ từng cá nhân, bởi vì nhiều người tùy thuộc vào những đức tính tinh thần và đạo đức của mỗi người trong số họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nhìn sự vật cho đúng, ta phải hiểu quá khứ của loài người cũng như thực tại của loài người. Bởi vậy cho nên tìm hiểu thần tượng (mythe) và biểu tượng là điều chính yếu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.