Thăm Dò Tiềm Thức
CHƯƠNG 5: VẤN ĐỀ CHIA LOẠI NGƯỜI VỀ PHƯƠNG DIỆN TÂM LÝ HỌC
Trong những ngành khoa học khác, áp dụng một giả thuyết vào một trường hợp chung, vô cá tính, là một cách làm việc chính đáng. Nhưng phân tâm học đặt chúng ta trước tâm hồn hai cá nhân sống thực mà không thể gạt bỏ được cạnh khía chủ quan của người ta, cũng không thể làm cho người ta mất cá tính đi. Người phân tích tâm lý và người bệnh có thể đồng ý với nhau để cùng góp sức giải quyết một vấn đề một cách vô tư và khách quan. Nhưng dẫu sao, khi đã thảo luận với nhau, họ đã tham dự bằng toàn diện cá tính của họ. Đến lúc ấy, họ chỉ có thể tiến hành được nếu họ đạt tới được một sự thỏa thuận chung. Như vậy có thể có được một sự nhận định khách quan về kết quả chung cuộc chăng? Chỉ có thể được nếu đem so sánh những kết quả chúng ta đạt được với những nguyên tắc thường thường có giá trị đối với tầng lớp xã hội của người bệnh. Vả chăng cũng còn phải xét xem người ấy có cân bằng tâm trí hay không (tâm thần bình thường). Bởi vì không thể tiết giảm cá tính của mỗi người để làm cho thích ứng với những tiêu chuẩn xã hội, như thế sẽ đưa đến một tình trạng giả tạo. Trong một xã hội lành mạnh và bình thường, người ta thường không đồng ý với nhau, bởi vì đã bước ra khỏi lĩnh vực bản năng thì ít khi có sự đồng ý. Tuy rằng trong một xã hội, sự bất đồng ý kiến là cỗ xe chuyên chở đời sống tinh thần, nhưng ta không thể cho rằng đó là cứu cánh. Sự đồng ý cũng quan trọng. Nền tảng của tâm lý đặt trên sự quân bình những cái trái ngược, một điều xét đoán không thể coi là chung quyết nếu người ta không kể đến điều xét đoán khác tương nghịch với nó. Sở dĩ có đặc điểm ấy là vì không thể đứng ở trên hay ở ngoài tâm lý để thẩm định chung quyết về tính chất của cái psyché.
Tuy rằng nhận định về giấc mơ phải nhận định riêng tư từng người một, nhưng cũng phải có những nhận định chung nếu nhà tâm lý học muốn xếp loại và lọc lựa những tài liệu thu thập được để nghiên cứu một số đông người. Không thể lập một thuyết tâm lý học và không thể đem giảng dạy cho người khác nếu người ta chỉ mô tả thực nhiều những trường hợp ấy có gì giống nhau, có gì khác nhau. Tiêu chuẩn đại cương nào cũng có thể dùng được. Thí dụ người ta có thể phân biệt những người có cá tính hướng ngoại với những người có cá tính hướng nội (1). Đó chỉ là một trong nhiều cách tổng quát hóa có thể làm được, nhưng nó cũng làm xuất hiện ngay những khó khăn nếu ông thầy thuốc thuộc về một loại mà con bệnh lại thuộc về loại khác.
[Phân tích cặn kẽ một giấc mơ rốt cuộc cần phải đem đối chiếu cá nhân của ông thầy với cá nhân của người bệnh – VĐL lược dịch]. Khi cho rằng mọi sự phân tích sâu sắc một giấc mơ đều dẫn đến việc đối chiếu hai cá nhân thì việc họ thuộc vào cùng một kiểu cá tính, hoặc vào hai kiểu cá tính khác nhau dĩ nhiên có một tầm quan trọng lớn. Nếu cả hai người cùng thuộc một kiểu cá tính thì họ có thể cộng tác êm đẹp với nhau lâu dài. Nhưng nếu người này là một kẻ hướng ngoại còn người kia hướng nội thì quan điểm khác biệt và trái ngược của họ có thể va chạm nhau ngay lập tức, đặc biệt nếu họ không hiểu chút nào về kiểu cá tính của nhau, hoặc nếu họ xác tín rằng kiểu cá tính ấy là duy nhất tốt đẹp. Chẳng hạn, người có cá tính hướng ngoại luôn chấp nhận quan điểm của đa số. Người hướng nội, theo nguyên tắc, lại bác bỏ điều đó, bởi vì cho rằng quan điểm của đa số là thời thượng. Sự đối lập này dễ dàng giải thích sự kiện: điều được người này xem là có giá trị thì lại vô giá trị với người kia. Ví dụ như Freud coi người hướng nội như một cá nhân quan tâm đến bản thân mình một cách bệnh hoạn. Nhưng sự nội quan và sự hiểu biết về chính mình lại vẫn có thể là những giá trị cao nhất.
[ Bởi vậy cho nên rất cần phải biết cá tính của ông thầy và con bệnh hợp nhau, xung khắc nhau hay lưỡng tương bổ túc – VĐL dịch]. Có một điều cần thiết cốt tử để tính đến những khác biệt như thể cá tính trong việc giải thích những giấc mơ. Người ta không thể xuất phát từ giả thiết rằng nhà phân tích là một siêu nhân, ở bên trên những khác biệt đó, đơn giản bởi vì ông ta là thầy thuốc, được phú cho một lý thuyết tâm lý học và kỹ thuật tương ứng. Ông ta chỉ có thể tự cho mình cái ảo tưởng về ưu thế của mình trong chừng mực ông ta xem lý thuyết và kỹ thuật của mình như những chân lý tuyệt đối, có khả năng bao quát hết toàn bộ cái psyché của con người. Khi cho rằng một niềm tin như thế là không thể phản bác thì chỉ có thể xác tín vào nó mà thôi. Hậu quả là ông ta bị những hoài nghi âm thầm xâm chiếm khi ông ta đối chiếu toàn thể con người là bệnh nhân của ông ta với một lý thuyết và một kỹ thuật (chỉ là một giả thuyết và một dự tính điều trị) thay vì đối chiếu nó với tổng thể sinh động của chính mình. Cá tính trọn vẹn của nhà phân tích là cái tương đương duy nhất thích hợp với cá tính của bệnh nhân. Kinh nghiệm thực hành và tri thức về tâm lý học chẳng qua chỉ là lợi thế để hành nghề của nhà phân tích. Chúng không đặt ông ta đứng lên trên sự rối rắm, mà ông ta cũng như bệnh nhân của mình đều bị thử thách. Quan trọng là làm thế nào để biết được liệu cá tính của họ là hòa hợp, xung khắc hay lưỡng tương bổ túc cho nhau.
Hướng nội và hướng ngoại chỉ là hai tỉ dụ về những cách sử kỷ tiếp vật (particularités du comportement) của con người. Điều đó hiển nhiên và rất dễ nhận thấy. Nếu ta nghiên cứu những người có cá tính hướng ngoại, người ta thấy ngay họ khác nhau ở nhiều điểm. Hướng ngoại là một tiêu chuẩn khái quát và hời hợt quá, nó không thể là đặc tính chân xác của một cá nhân. Bởi vậy cho nên đã từ lâu tôi thử tìm những đặc điểm nòng cốt có thể dùng để xếp đặt thứ tự những cá tính bề ngoài tưởng như khác biệt nhau vô cùng.
Tôi vẫn để ý thấy một số lớn người hết sức tránh việc sử dụng trí năng, trái lại cũng có một số lớn người dùng trí năng để suy luận một cách ngu muội. Tôi cũng ngạc nhiên rằng nhiều người rất thông minh minh mẫn lại không biết sử dụng đến tai mắt của mình. Họ không trông thấy sự vật ở ngay trước mắt, không nghe thấy những tiếng vang động bên tai, không nhận thấy cái gì họ sờ vào hay cho vào miệng. Có người không ý thức được chính thân thể của mình.
Một số người khác hình như sống với một tâm trạng kỳ dị họ cho địa vị hiện tại của họ mãi mãi như thế, cuộc đời và linh hồn họ bất động, không thể thay đổi được và cứ phải như vậy mãi mãi. Những người như thế hình như không có một chút tưởng tượng nào, họ hoàn toàn phụ thuộc vào cảm giác của ngũ quan. Sự ngẫu nhiên và khả dĩ không có trong vũ trụ của họ, trong cái “ngày hôm nay” của họ không làm gì có cái “ngày mai” thực sự. Tương lai chỉ là diễn lại quá khứ.
Ở đây tôi muốn hé cho người đọc thấy những cảm tưởng đầu tiên của tôi khi tôi bắt đầu nhận xét những người tôi gặp. Chẳng bao lâu tôi thấy hiển nhiên rằng những người dùng đến trí năng là những người suy tư, nghĩa là họ cần đến cơ năng trí tuệ để thích ứng với người và hoàn cảnh. Còn những người cũng thông minh như thế nhưng lại không suy nghĩ, họ tin chắc vào cảm năng của mình để tìm thấy đường lối xử sự. (2)
Khi tôi đem đối chiếu những người dùng cảm năng và những người dùng suy luận, tôi thiên về sự phán đoán giá trị: cái khoái trá và cái khó chịu, cái tốt và cái xấu… Cảm năng, hiểu theo cách định nghĩa trên đây, không phải là một xúc động (xúc động không tùy thuộc ý muốn). Như vậy khi tôi nói “cảm thấy”, cũng như nói “nghĩ rằng”, xin hiểu là một cơ năng lý trí (nghĩa là có bài trí), còn như trực giác thì là một cơ năng phi lý trí (nghĩa là thuộc tri giác). Trực giác là cái gì do “tâm đắc” (3) nó không phải là một tác động ý trí. Ta phải coi là một sự kiện phi lý trí, tùy thuộc những điều kiện nội quan và ngoại quan, chứ không phải là một xét đoán (nghĩa là một tác động). Trực giác gần với sự tri giác của ngũ quan. Sự tri giác này cũng là một hiện tượng phi lý trí, khi nó chỉ tùy thuộc những khích động khách thể, khi có những nguyên nhân thể chất gây ra chứ không phải những nguyên nhân tâm thần.
Bốn loại cơ năng trên đây tương ứng với bốn phương tiện mà lương tâm của ta dùng để định hướng khi tiếp xúc với kinh nghiệm. Cảm giác (nghĩa là sự tri giác của cảm quan) cho biết rằng cái gì có thực. Tư tưởng cho ta biết cái đó là thế nào. Tình cảm (cảm năng) cho ta biết cái đó làm cho ta khoái trá hay khó chịu.Trực giác khải thị cho ta biết cái đó từ đâu đến và hướng về đâu.
Xin độc giả hiểu rằng bốn tiêu chuẩn trên đây dùng để xác định bốn loại thái độ, bốn cách cư xử kỷ tiếp vật, đó cũng chỉ là một quan điểm trong số những quan điểm khác, thí dụ như ý chí, tính tình, trí tưởng tượng, trí nhớ v.v… Không có gì là một chủ thuyết. Nhưng những tính chất chủ yếu của chúng dùng làm những tiêu chuẩn thích hợp để xếp loại. Tôi thấy những tiêu chuẩn ấy rất đắc lực để giải thích những phản ứng của cha mẹ đối với con cái, vợ chồng đối với nhau. Chúng cũng giúp ta hiểu những thành kiến của ta.
Chính vì tất cả những lý do ấy mà nếu ta muốn hiểu giấc mơ của kẻ khác thì cần phải hi sinh những ưa thích của riêng mình, và gạt bỏ những thành kiến của chúng ta. Điều đó không dễ dàng và cũng chẳng dễ chịu gì, bởi vì nó đòi hỏi một nỗ lực tinh thần mà không phải ai cũng muốn làm. Nhưng nếu nhà phân tích không cố gắng giữ một thái độ phê phán đối với quan điểm riêng của mình và thừa nhận tính tương đối của nó, thì nhà phân tích sẽ không nhận được thông tin đúng đắn, càng không có được một sự cảm thông đầy đủ để hiểu được điều gì đang diễn ra trong tâm trí bệnh nhân. Nhà phân tích trông đợi nơi bệnh nhân một thiện ý nào đó để lắng nghe và xem trọng ý kiến của mình. Dành cho bệnh nhân cùng một quyền đối với nhà phân tích là điều bình thường. Mặc dù sự có đi có lại ấy là cần thiết cho mọi sự thấu hiểu, và là lẽ tất nhiên, nhưng cần phải luôn nhắc lại rằng từ quan điểm điều trị, làm cho bệnh nhân hiểu là quan trọng hơn việc nhà phân tích nhận được sự xác nhận về những giả thiết mang tính lý thuyết của mình. Sự kháng cự của người bệnh chống lại sự lý giải của nhà phân tích không phải bao giờ cũng là một phản ứng sai lầm; trái lại, nó chỉ ra một cách chắc chắn rằng có điều gì đó không ổn. Hoặc là người bệnh chưa đạt tới điểm để có thể lĩnh hội, hoặc là sự lý giải không thỏa đáng.
Trong sự cố gắng giải thích biểu tượng trong giấc mơ của người khác, chúng ta thường hay bị cản trở vì có khuynh hướng dùng cách phóng đại (projection) để bổ túc những chỗ hiểu biết còn thiếu sót, giả tỉ như nhà phân tâm học tri giác hay suy nghĩ cái gì thì người nằm mộng cũng phải như thế. Vì muốn ngăn ngừa những nguyên do lầm lỗi đó mà tôi vẫn nhấn mạnh đến điểm quan trọng là chỉ căn cứ vào nội dung của mỗi giấc mơ riêng biệt, còn thì loại hết những giả thuyết căn cứ vào lý thuyết đại cương về giấc mơ, ngoại trừ những giả thuyết có ý nghĩa nào đó đối với giấc mơ ấy.
Qua những điều tôi nói trên đây, đã rõ rằng không thể đưa ra những quy luật chung có hiệu lực đối với tất cả các trường hợp giải thích giấc mơ. Khi tôi giả thiết rằng đại loại giấc mơ có nhiệm vụ đền bù những bất lực và những thiên lệch của tâm thức, tôi muốn nói rằng giả thiết như thế là cách hiệu quả nhất để bước vào cuộc nghiên cứu từng giấc mơ riêng rẽ. Trong một vài trường hợp, nhiệm vụ ấy được thực tế chứng minh rõ ràng.
Một trong những người bệnh của tôi có tính tự cao tự đại mà không biết rằng hầu hết mọi người đều ghét ông ta làm phách. Ông ta đến thăm tôi vì nằm mơ thấy một anh du thủ du thực ngã lăn xuống hố. Trông thấy thế ông ta chỉ thương hại mà phê bình: “Thật là đáng sợ khi nom thấy một người sa ngã xuống thấp đến như vậy!” Dĩ nhiên giấc mơ khó chịu ấy ít ra cũng là một cách quân bình ý nghĩ quá đáng về tài trí của ông ta. Nhưng còn có cái gì hơn thế. Tôi khám phá ra ông ta có người em nghiện rượu nặng. Giấc mơ còn cho biết rằng thái độ tự cao tự đại của ông ta nhằm mục đích bù lại cả trong lẫn ngoài chỗ yếu của ông là có người em không đẹp đẽ gì.
Một trường hợp khác: một người đàn bà tự đắc là mình hiểu tâm lý học, nhiều lần mơ thấy một người đàn bà khác mà bà ta có quen biết. Ngoài đời bà ta không ưa người đàn bà ấy vì bà ta coi đó là một mụ xúc xiểm, dối trá và vẩn vơ. Nhưng trong giấc mơ mụ lại hiện ra là một người thân như chị em ruột, tử tế và dễ thương. Bà khách hàng của tôi không hiểu tại sao lại mơ thấy người mình không ưa hiện ra với vẻ mỹ miều như vậy. Nhưng giấc mơ đã muốn tỏ cho bà ta biết rằng tính nết của bà ta có một khía cạnh phi ý thức rất giống mụ kia, đã rọi “bóng mờ” vào cá tính của bà ta vậy. Bà khách hàng của tôi có định kiến về cá tính của mình, bà ta khó mà biết được giấc mơ liên hệ đến mặc cảm tự cường, đến những lý lẽ thầm kín đã làm cho bà hơn một lần cãi cọ với chúng bạn. Bà ta vẫn bắt bẻ người khác nhưng không hề nói động đến mình.
Không phải chúng ta chỉ không biết dồn nén cái “bóng mờ” của nhân vị ta. Ta cũng có thể không biết rõ những đức tính tích cực của ta nữa. Tôi biết một người có dáng vẻ tầm thường, khiêm nhường, xử sự hòa nhã, trong một cuộc họp mặt ông ta ngồi ở hàng chót và chỉ kín đáo tỏ ra mình có mặt. Khi được hỏi ý kiến, ông ta trình bày ý kiến rất xác đáng nhưng không bao giờ làm cho người khác phải nghe theo mình. Tuy nhiên ông gợi ý rằng vấn đề có thể giải quyết thỏa đáng hơn ở một trình độ cao hơn (ông ta không nói tại sao).
Trong giấc mơ ông luôn luôn gặp những vĩ nhân lịch sử như Napoléon hay Alecxandre Đại đế. Ta thấy khá rõ ràng, giấc mơ bù lại một mặc cảm tự ti. Nhưng giấc mơ còn có ý nghĩa khác. Nó muốn nói rằng: ta phải là nhân vật như thế nào để tiếp kiến những nhân vật lừng danh thế giới như vậy? Về phương diện này thì giấc mơ cho biết một ý nghĩa tự cao tự đại kín đáo để đền bù mặc cảm tự ti của người nằm mơ. Ý niệm vô thức muốn cao sang như thế đã làm ông tách mình rời khỏi hoàn cảnh thực tại. Người khác tất phải làm gì để thỏa mãn khát vọng cao sang, còn ông, ông không đếm xỉa đến. Ông không cần phải tỏ cho người khác hay cho chính mình biết rằng ông có kiến thức lỗi lạc cho nên sự thẩm xét của ông là cao minh.
Thực ra, ông vô tâm mà theo đuổi một trò chơi nguy hiểm, giấc mơ cố gắng làm cho ông ý thức được điều ấy một cách khó hiểu. Nói chuyện xưng mày tao với Napoléon, thân cận với Alecxandre Đại đế, đó là những ám ảnh đặc biệt của mặc cảm tự ti. Nhưng tại sao giấc mơ không có ý nghĩa trực tiếp rõ ràng? Sao nó không nói ra điều nó muốn nói mà lại nói một cách mơ hồ?
Người ta thường hỏi tôi câu ấy, và tôi cũng đã tự hỏi. Tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên rằng giấc mơ đi những lối quanh co, không cho biết cái gì đích xác, có khi quên điểm chính. Freud giả thuyết rằng cái psyché có một chức vụ đặc biệt gọi là sự “kiểm duyệt” (censure). Ông cho rằng sự kiểm duyệt đã làm méo mó những hình ảnh của giấc mơ đến nỗi không nhận ra được nữa hay bị nhầm lạc, nó làm như vậy để cho người nằm mơ không biết rõ ý nghĩa tế nhị của giấc mơ là để bảo vệ cho giấc mơ khỏi bị xúc động vì hồi tưởng những điều khó chịu. Nhưng tôi có thái độ bi quan vì thuyết ấy cho rằng giấc mơ bảo vệ giấc ngủ. Bởi vì rất nhiều khi giấc mơ quấy rối giấc ngủ.
Tôi nghĩ rằng hình như nội dung vị đáo (subliminal – chưa đạt tới ý thức) của cái psyché khi tới gần ý thức thì lánh đi. Hình ảnh và ý tưởng chỉ giữ nguyên cái nội dung vị đáo đó khi nó còn ở một mức độ thấp so với mức độ mà nó đạt được khi đã đến ý thức. Ở tình trạng vị đáo nó không có những nét sáng sủa. Sự liên lạc giữa những hình ảnh và ý tưởng đó hơi kém phần hợp lý và chỉ dựa vào những nét hơi na ná nhau mà thôi, kém phần hữu lý nghĩa là không thể hiểu được. Người ta có thể thấy hiện tượng ấy trong những trạng thái gần với giấc mơ như khi nhọc mệt, nóng sốt hay nhiễm độc tố. Nhưng nếu có cái gì làm cho những hình ảnh ấy thêm áp lực, hình ảnh sẽ bớt màu sắc vị đáo, sẽ thêm rõ ràng khi càng gần ngưỡng của trí thức.
Bởi thế cho nên chúng ta có thể hiểu được tại sao giấc mơ thường biểu lộ bằng những hình thức tương đồng, tại sao những hình ảnh giấc mơ lại trộn lộn vào nhau và tại sao giấc mơ không tôn trọng sự hữu lý và thời gian như lúc người ta thức. Đối với tiềm thức thì hình thức giấc mơ như vậy là bình thường vì hình thức ấy là của riêng những vật liệu xây dựng nên giấc mơ, những vật liệu đó còn ở trạng thái vị đáo (chưa đạt đến ý thức). Giấc mơ không bảo vệ giấc ngủ chống lại cái mà Freud gọi là “thèm muốn không thể thỏa hiệp được” (désir incompatible – sự thỏa hiệp của thèm muốn với ý thức đạo đức). Cái ông gọi là “ngụy trang” (travestissement) của giấc mơ thực ra chỉ là hình thức tự nhiên của những kích thích trong tiềm thức. Bởi vậy cho nên giấc mơ không thể tạo ra một ý tưởng rõ ràng minh bạch. Nếu nó tạo ra được thì không còn là giấc mơ nữa, vì đã vượt qua ngưỡng cửa ý thức. Bởi vậy cho nên giấc mơ hình như bao giờ cũng nhảy qua những sự kiện được ý thức cho là có tầm quan trọng hơn cả, nó bộc lộ một “mép viền” của ý thức, như tia lấp lánh yếu ớt của các ngôi sao khi có nhật thực toàn phần.
Chúng ta phải hiểu rằng những biểu tượng giấc mơ phần nhiều là bộc lộ một phần cái psyché mà phần đó ý thức của ta không kiểm soát được. Không phải chỉ có trí óc con người mới có tiềm năng về chiều hướng, về ý hướng. Tất cả giới sinh vật đều có tiềm năng đó. Nguyên tắc phát triển của chất hữu cơ không khác gì nguyên tắc phát triển tâm thần người ta. Cũng như một cái cây sinh ra hoa, cái psyché tạo ra những biểu tượng. Mộng mị nào cũng biểu lộ tiến trình ấy.
Bằng cách ấy, những sinh lực của bản năng ảnh hưởng đến sinh hoạt của ý thức bằng phương tiện giấc mơ (phải kể thêm những cái gọi là linh cảm, sự thôi thúc ngẫu nhiên, bất thần, ta không thể nào biết trước được). Ảnh hưởng ấy tốt hay xấu là tùy theo nội dung đích thực của tiềm thức. Nếu tiềm thức chứa đựng quá nhiều những yếu tố mà bình thường phải ở lĩnh vực tri thức thì sự tác động của tiềm thức ắt là phải rối loạn và sai lệch. Có những ý tưởng xuất hiện trong tiềm thức nhưng không phải là phát hiện của những bản năng thực sự, chúng chỉ hiện diện và có tầm quan trọng tâm thần vì chúng bị xua đẩy vào tiềm thức do một trường hợp dồn nén hay vì người ta lười biếng không nghĩ tới nó nữa. Những ảnh tượng ấy bao vây cái psyché phi ý thức bình thường và làm xoắn vẹo những biểu tượng và những ý tượng chủ yếu. Bởi vậy cho nên nhà phân tích phân tâm học muốn tìm rõ nguyên do rối loạn tâm thần phải bắt đầu để người bệnh tự thú nhận và hiểu rõ điều mình yêu hay sợ.(4)
Điều này cũng giống như việc hành lễ thú tội xa xưa hơn nhiều trong Giáo hội, mà, trên nhiều điểm, là một sự đón trước những kỹ thuật của tâm lý học hiện đại. Thực tiễn hành lễ ấy ít nhất cũng có giá trị trong quy tắc. Nhưng đôi khi nó cũng có thể gây hại. Thực tế, bệnh nhân có thể bị chìm đắm trong những cảm xúc tự ti hay yếu đuối nghiêm trọng, khiến cho anh ta khó, nếu không muốn nói là không thể, nhìn trực diện vào một bằng chứng bổ sung cho sự kém cỏi của cá nhân mình. Chính vì thế tôi thường thấy hiệu quả hơn khi bắt đầu bằng cách đưa ra cho bệnh nhân một điểm nhìn tích cực. Điều đó mang lại cho anh ta cảm giác an toàn, rất có lợi khi phải đề cập tới những điều tiết lộ hết sức khó chịu.
Ta hãy lấy một giấc mơ về danh vọng làm ví dụ, trong đó, ta thấy mình đang dùng trà với Nữ hoàng Anh, hoặc được tọa đàm thân mật với Giáo hoàng. Nếu người nằm mơ không phải là người bị tâm thần phân liệt thì việc cắt nghĩa những biểu trưng (symboles) phụ thuộc nhiều vào trạng thái tinh thần tại thời điểm ấy, nghĩa là vào trạng thái cái Tôi của anh ta. Nếu người nằm mơ đánh giá quá cao giá trị của mình thì ta dễ dàng chỉ ra (xuất phát từ những sự liên tưởng) những ý định của anh ta là ấu trĩ và ít phù hợp với thực tế ở điểm nào vào trong chừng mực nào thì những ý định ấy bắt nguồn từ khát khao được ngang bằng hoặc vượt lên bố mẹ mình của anh ta. Nhưng nếu đó là một trường hợp của sự tự ti, trong đó cá nhân có cảm giác mình hoàn toàn ti tiện đến mức cảm giác ấy bóp nghẹt hết mọi phương diện tích cực trong cá tính của mình, thì thật là hoàn toàn sai lầm nếu khiến anh ta sa sút tinh thần hơn nữa khi làm cho anh ta cảm thấy rằng mình trẻ con, lố bịch hay hư hỏng. Điều đó làm trầm trọng hết mức cảm giác tự ti của anh ta, và anh có nguy cơ kích thích một sự kháng cự không chính đáng và không cần thiết cho việc điều trị.
Chẳng có kỹ thuật nào cũng chẳng có luận thuyết điều trị nào mà người ta có thể áp dụng theo một cách chung, vì mỗi người bệnh xuất hiện trước nhà phân tích là một cá nhân trong một tình trạng đặc thù của riêng mình. Tôi nhớ lại một bệnh nhân mà tôi đã phải chăm sóc trong khoảng thời gian chín năm. Tôi chỉ gặp anh ta vài tuần mỗi năm, vì anh ta sống ở ngoại quốc. Ngay từ đầu, tôi đã biết anh ta đã thực sự bị bệnh như thế nào, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng nếu cố làm cho anh ta nhận ra sự thật sẽ đụng chạm ngay tới những phản ứng phòng vệ quyết liệt đến mức chúng có nguy cơ phá vỡ mọi mối liên hệ giữa chúng tôi. Dù muốn hay không, tôi cần phải làm hết sức mình để giữ cho mối quan hệ của chúng tôi được liên tục bằng cách chiều theo xu hướng tựa vào những giấc mơ của anh ta, và việc ấy ngày càng kéo chúng tôi ra xa khỏi những nguồn gốc của chứng rối loạn thần kinh của anh ta. Những cuộc trò chuyện của chúng tôi thường lạc đề đến mức tôi thường trách mình đã làm cho bệnh nhân của mình lạc lối. Chỉ có điều: chính tình trạng dần dần tốt lên rõ rệt đã ngăn tôi cho anh ta đối mặt một cách tàn nhẫn với sự thật.
Tuy nhiên, đến năm thứ mười, bệnh nhân của tôi cho rằng mình đã bình phục, và được giải thoát khỏi mọi triệu chứng bệnh hoạn. Điều đó khiến tôi ngạc nhiên, bởi vì trên lý thuyết, tình trạng của anh ta là vô phương cứu chữa. Nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi, anh ta cười, và nói đại ý như thế này: “Tôi muốn cảm ơn ông vì ông đã tỏ ra tế nhị và nhẫn nại khi cho phép tôi tránh né nguyên nhân khó chịu của căn bệnh rối loạn thần kinh của mình. Bây giờ, tôi sẵn sàng kể hết với ông. Nếu giá như tôi có đủ sức để nói thoải mái về điều đó thì tôi sẽ làm ngay ở lần khám bệnh đầu tiên của mình. Nhưng điều đó sẽ phá hủy toàn bộ mối quan hệ giữa chúng ta. Và thế thì tôi sẽ ra sao? Tôi sẽ càng suy sụp tinh thần. Suốt mười năm nay, tôi đã học cách tin tưởng ông. Và dần dần niềm tin của tôi tăng lên, bệnh tình của tôi thuyên giảm. Bệnh tình thuyên giảm vì quá trình chậm rãi ấy cho phép tôi bắt đầu lại tin tưởng vào chính mình. Bây giờ, tôi cảm thấy khá mạnh dạn để nói với ông về điều đã hủy hoại bản thân tôi.”
Và anh ta thú nhận với tôi vấn đề của anh ta với một sự thẳng thẳn kinh khủng làm cho tôi hiểu được những lí do của tiến trình đặc biệt đã cần dùng đến cuộc chữa trị của chúng tôi. Cú sốc ban đầu quá mạnh mẽ khiến anh ta thấy bất lực khi phải đơn độc đối diện với nó. Anh ta cần đến sự giúp đỡ của một người khác, và nhiệm vụ điều trị đặt ra cho tôi là từng bước thiết lập những quan hệ dựa trên niềm tin chứ không phải chứng minh cho một lý thuyết lâm sàng.
Những ca bệnh dạng ấy dạy cho tôi hiểu rằng phải áp dụng những phương pháp của mình thích ứng với những nhu cầu của bệnh nhân theo từng trường hợp cá biệt hơn là dấn thân vào những nghiên cứu mang tính lý thuyết phổ quát chẳng thể áp dụng được ca bệnh đặc thù nào. Sự hiểu biết về bản tính con người mà tôi đã tích lũy được trong suốt sáu mươi năm kinh nghiệm thực hành của mình làm tôi hiểu được rằng phải xem mỗi ca bệnh là một ca bệnh mới, mà đối với nó, trước hết tôi phải tìm ra một phương pháp tiếp cận đặc thù.
Đôi khi, tôi không ngần ngại lao vào việc nghiên cứu tỉ mỉ những ảo ảnh và những sự cố thời ấu thơ [của bệnh nhân]. Nhưng, ở những trường hợp khác, tôi lại bắt đầu từ trên đỉnh, dẫu rằng điều đó buộc tôi phải nâng mình lên tận những tư biện siêu hình trừu tượng nhất. Điều cốt yếu là hiểu được ngôn ngữ riêng của cá nhân, và theo đuổi những mò mẫm của tiềm thức của anh ta hướng đến ánh sáng. Mỗi ca bệnh đều có phương pháp của riêng nó.
Điều này là rất thật khi ta muốn lý giải những biểu trưng. Hai cá nhân khác nhau có thể mơ gần như chính xác cùng một giấc mơ. (Điều này được kinh nghiệm lâm sàng phát hiện nhanh chóng và không hiếm hoi như kẻ ngoại đạo đã tưởng.) Nhưng nếu, chẳng hạn, một người nằm mơ còn trẻ còn người kia đã già thì vấn đề làm cho mỗi người trong bọn họ rối loạn lại khác nhau, và sẽ là phi lý khi giải thích những giấc mơ của họ theo cùng một cách.
Một ví dụ chợt đến trong tâm trí tôi: đó là một giấc mơ, trong đó một nhóm thanh niên cưỡi ngựa đi qua một mảnh đất rộng. Người nằm mơ là người dẫn đầu, nhảy băng qua một con mương đầy nước, vượt qua được ngay chướng ngại vật. Những người khác thì bị rơi xuống nước. Chàng thanh niên đầu tiên đã kể cho tôi nghe giấc mơ ấy có tính thận trọng và là một người hướng ngã. Nhưng cũng giấc mơ như thế do một ông già thuật lại cho tôi, ông ta lại là người có tính táo bạo, dám nghĩ dám làm, người đã sống một cuộc đời kinh doanh năng động. Vào lúc mơ giấc mơ ấy, ông ta khiến cho nhiệm vụ của các bác sĩ và y tá của mình trở nên khó khăn. Đã xảy ra một chuyện thực sự tồi tệ do ông ta thường xuyên quấy quả và từ chối tuân thủ những hướng dẫn điều trị của thầy thuốc.
Với tôi, rõ ràng là giấc mơ nói với anh thanh niên điều mà anh ta cần làm. Còn với ông già, nó biểu lộ điều mà ông ta vẫn còn đang làm. Trong khi nó khích lệ chàng thanh niên vượt qua những sự rụt rè thì ông già lại không cần kiểu khích lệ như thế: đầu óc ham kinh doanh vẫn còn tác động mới là kẻ thù lớn nhất của ông ta. Ví dụ này cho thấy việc giải thích những giấc mơ và những biểu trưng phụ thuộc phần lớn vào những hoàn cảnh đặc thù của người nằm mơ và vào trạng thái tinh thần của người ấy đến thế nào.
________
(1) Personnalité extravertie, personnalité introvertie.
(2) Tác giả gọi cảm năng là “Gefuhl” và chú thích là “sentiment” (Pháp) “Feeling” (Anh).
(3) “Inspiération”. Nếu gọi là “cảm hứng” thì nghĩa là hời hợt. Á Đông có từ “tâm đắc”, chỉ quan niệm của Nho học chủ trương lý hội bằng trực giác. Vậy chữ “tâm đắc” thích hợp hơn.
(4) Chúng tôi loại bỏ những đoạn chỉ có ích cho y sĩ phân tâm học nên rất khó đọc, và có thể làm cho độc giả mất liên lạc tư tưởng để hiểu toàn diện.
Đề tài không vì sự xóa bỏ đó mà kém sáng sủa.
Ghi chú: những đoạn in nghiêng là do nxb Tri Thức dịch thêm, không có trong bản dịch của Vũ Đình Lưu
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.