Thăm Dò Tiềm Thức
CHƯƠNG 1: SỰ QUAN TRỌNG CỦA GIẤC MƠ
Loài người thường dùng tiếng nói hay chữ viết để chuyển đạt ý tưởng của mình cho người khác. Tiếng nói thường dùng biểu tượng (symbole), nhưng nhiều khi người ta cũng dùng những ký hiệu (signe) hay hình ảnh không hẳn là để diễn tả, như những chữ viết tắt, những mẫu tự: ONU, UNICEF, UNESCO, những nhãn hiệu thương mại, những tên các vị thuốc. Người ta cũng còn dùng những phù hiệu, những chữ chỉ chức tước, địa vị. Tuy những chữ dùng như thế tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng vì đã được phổ thông cho nên chúng trở nên có ý nghĩa đối với chúng ta, hay vì chúng ta đã có ý định gán cho chúng những ý nghĩa ấy. Tuy nhiên những chữ ấy không phải là biểu tượng, đó chỉ là những dấu hiệu, chỉ là cho ta nghĩ đến những đồ vật (objets) liên quan tới chúng mà thôi.
Chúng ta gọi là biểu tượng, một danh từ, một tên gọi hay một hình ảnh tuy đã quen thuộc với ta hằng ngày, nhưng còn gợi lên những ý nghĩa khác thêm vào ý nghĩa ước định hiển nhiên của nó. Biểu tượng gợi lên cái gì mờ mịt, xa lạ hay tàng ẩn đối với ta. Thí dụ như nhiều lâu đài ở đảo Crète có vẽ một cái búa hai lưỡi. Đồ vật ấy ai cũng biết, nhưng ý nghĩa tiêu biểu của nó ta không biết. Lấy một ví dụ khác: một người Da đỏ Mỹ châu, sau khi ở nước Anh thờ loài vật, vì anh ta trông thấy chim ó, sư tử, bò trong các giáo đường cổ. Cũng như nhiều người Công giáo, họ không biết rằng những con vật ấy là những biểu tượng mà các vị viết Kinh Phúc âm đã dùng, đó là những biểu tượng xuất phát từ những ảo giác như ảo giác của nhà tiên tri Ezéchiel (1), tương tự thần Mặt trời Horus và bốn người con của thần. Ngoài ra còn những đồ vật khác như cái bánh xe và hình thập tự, khắp thế giới ai cũng biết, nhưng có ý nghĩa biểu tượng trong một vài điều kiện. Ý nghĩa chính xác của những biểu tượng ấy vẫn còn phải tranh luận và vẫn được người ta khai thác.
Như vậy, một chữ hay một hình ảnh sẽ trở thành một biểu tượng khi nó gọi đến cái gì khác ngoài ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp. Chữ ấy hay hình ảnh ấy có một khía cạnh không thể ý thức được, sâu rộng hơn, chưa bao giờ được xác định phân minh, được giải thích đầy đủ. Vả chăng không ai có thể giải thích được. Khi muốn tìm hiểu một biểu tượng, trí óc người ta nghĩ miên man đến sự kiện ở ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Thí dụ hình ảnh cái bánh xe có thể gợi lên ý niệm mặt trời “thần linh”, lý trí của ta phải tự thú là vô thẩm quyền, vì con người không thể xác định được thế nào là “thần linh”. Trong giới hạn trí thông minh của ta, khi nào ta dùng chữ thần linh để chỉ một vật gì, thì đó chỉ là một danh từ dựa vào một sự tin tưởng chứ không bao giờ dựa vào một dữ kiện có thực.
Có biết bao sự kiện vượt khỏi phạm vi hiểu biết của người ta, bởi vậy chúng ta luôn luôn dùng những biểu tượng để hình dung những khái niệm mà chúng ta không thể định nghĩa và hiểu biết đầy đủ. Cũng vì lẽ ấy mà tôn giáo dùng thứ ngôn ngữ đầy biểu tượng và diễn đạt ý tưởng một cách có ý thức như thể chỉ là một phương diện của một sự kiện tâm lý rất quan trọng: vì rằng người ta cần tạo ra biểu tượng một cách ngẫu nhiên và phi ý thức.
Điều này không phải là dễ hiểu. Nhưng chúng ta phải hiểu nó nếu chúng ta muốn biết nhiều hơn về cách tác động của trí óc con người. Nếu chúng ta suy nghĩ về sự tri giác của chúng ta thì sẽ nhận thấy không bao giờ chúng ta tri giác được đầy đủ. Người ta có thể trông, nghe, sờ, nếm. Nhưng những cảm giác do mắt, tay, lưỡi mang lại còn tùy thuộc vào phẩm và lượng của giác quan. Sự tri giác thế giới bên ngoài bị hạn định bởi giác quan. Dùng dụng cụ khoa học thì có thể bù lại phần nào những khuyết điểm của giác quan. Thí dụ có thể phóng xa tầm mắt bằng viễn kính, có thể tăng thêm khả năng thính giác bằng máy phóng thanh, nhưng máy tinh vi đến đâu cũng không thể cho ta nhìn thấy những vật nhỏ li ti hay ở xa quá, nghe thấy những tiếng động yếu quá. Dùng dụng cụ nào thì cũng đến lúc người ta tới một giới hạn chót mà cảm giác của ta còn rõ ràng, ta không thể vượt qua được.
Vả chăng, người ta tri giác thế giới có thực còn bằng tiềm thức nữa. Trước hết, chúng ta phản ứng trước những hiện tượng có thực, trước những khích động thị giác và thính giác vì những cảm giác ấy được chuyển từ bên ngoài tâm trí ta, những cảm giác ấy trở thành những thực thể tâm thần (réalités psychiques). Ta không biết được tính chất của thực thể tâm thần (vì cái psyché (2) không biết được tính chất của chính nó). Bởi vậy cho nên trong mỗi cuộc thí nghiệm, còn có một số yếu tố không thể biết được, ấy là không kể rằng cái gì ta biết một cách cụ thể cũng vẫn còn có một khía cạnh kín mít, vì ta không biết rõ thể chất cuối cùng của vật chất.
Những sự kiện mà ta ý thức được còn có những khía cạnh mà ta không ý thức được, ngoài ra còn phải nói đến những sự kiện mà trí óc ta không ghi nhận một cách có ý thức, nhưng tiềm thức ta đã ghi nhận, và như thế, chúng ở dưới làn mức ý thức. Chúng ta đã ghi nhận, nhưng ghi nhận một cách vô tâm. Chúng ta có thể nhận ra những sự kiện ấy trong những lúc trực giác hành động hay trong những lúc suy tưởng sâu xa, bấy giờ chúng ta mới chợt nhận ra là những sự kiện đó có thể đã xảy ra cho ta lắm. Tuy rằng lúc khởi thủy ta không cho rằng những sự kiện ấy có sinh lực và có tầm quan trọng đối với cảm xúc của ta, nhưng sau này chúng sẽ âm thầm sống lại trong tiềm thức như một ý tưởng phụ thuộc.
Thí dụ, ý tưởng ấy có thể xuất lộ dưới hình thức một giấc mơ. Đó là trường hợp thường xảy ra: giấc mơ sẽ tố cáo những cảm giác mà ta ghi nhận một cách vô tâm, chúng không xuất lộ dưới hình thức hữu ý, nhưng dưới hình thức một hình ảnh tượng trưng. Trước tiên, các nhà tâm lý học khởi sự nghiên cứu giấc mơ, nhờ đó họ tìm cách thăm dò khía cạnh phi ý thức của những hoạt động tâm thần có ý thức.
Nhờ những khảo sát ấy các nhà tâm lý học đặt giả thuyết như có một cái psyché phi ý thức, tuy rằng nhiều triết gia và nhà bác học không thừa nhận. Họ ngây thơ mà phản đối rằng giả thuyết như vậy thì phải cho rằng có hai chủ động, hay nói theo ngôn ngữ thông thường phải có hai cá tính trong một người. Thì chính giả thuyết bao hàm ý nghĩa đó! Và thật là một sự không may cho con người thời đại, nhiều người lấy làm khổ sở vì chính mình có hai cá tính, bởi vì theo nguyên tắc, đó không phải là một triệu chứng bệnh hoạn. Đó là sự kiện thông thường, thời nào và ở đâu cũng có. Người vô tâm, tay phải không biết tay trái mình làm gì, trường hợp đó không phải là duy nhất. Tình trạng ấy chỉ là sự phát lộ của cái tiềm thức, một gia tài chung của nhân loại.
Quả thật, con người chỉ trở nên có ý thức dần dần, nhờ đã kiên nhẫn trải qua một tiến trình dài đằng đẵng hàng bao nhiêu thế kỷ để tiến tới giai đoạn văn minh (mà người ta định một cách võ đoán là vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên). Sự tiến hóa ấy còn lâu mới hoàn tất vì nhiều lãnh vực của tâm trí người vẫn còn mù mịt trong bóng tối. Cái mà ta gọi là psyché bất cứ trong trường hợp nào cũng không thể đồng nhất hóa với ý thức và nội dung của ý thức.
Người nào chối cãi cái tiềm thức đã giả thuyết rằng trên thực tế ngày nay chúng ta biết rõ toàn thể cái psyché. Giả thuyết ấy sai lầm hiển nhiên cũng như việc giải thích rằng chúng ta biết hết những gì cần phải biết về thế giới vật chất. Cái psyché của chúng ta là cái thuộc về thiên nhiên và sự bí mật của nó cũng không có giới hạn nào. Bởi vậy chúng ta không thể định nghĩa được thiên nhiên, cũng như không thể định nghĩa được cái psyché. Chúng ta chỉ có thể cả quyết rằng nó hiện hữu trong chúng ta và miêu tả được nó đến đâu hay đến đấy. Như thế, những kết quả thâu lượm được trong các cuộc tìm tòi y học và những bằng chứng luận lý xác đáng khiến cho chúng ta phải loại bỏ những lời khẳng định như: “Không, làm gì có tiềm thức.” Những lời khẳng định như thế chỉ biểu lộ sự sợ hãi cái mới lạ, một tính xấu có từ lâu đời.
Có những lý do lịch sử khiến cho người ta chống đối quan niệm cái psyché có một phần tối tăm chưa biết rõ. Ý thức là một sở đắc rất mới mẻ của con người, bây giờ nó đang còn ở giai đoạn “thí nghiệm”. Ý thức thật là mong manh, rất dễ bị thương tổn và bị đe dọa bởi nhiều hiểm họa. Đúng như các nhà nhân loại học đã nói một loại thác loạn thần kinh thường xảy ra cho các dân tộc cổ sơ là bệnh “mất một linh hồn” nghĩa là thần trí bị phân đoạn, đúng hơn, bị phân tán.
Đối với những dân tộc mà thần trí chưa đạt tới trình độ như chúng ta họ không quan niệm linh hồn hay psyché là một cái gì duy nhất. Nhiều dân tộc cổ sơ cho rằng người ta ngoài linh hồn chính ra, còn có một bush soul (linh hồn rừng rú), linh hồn rừng rú đó nhập vào một con thú rừng hay một cái cây, con thú hay cái cây đó cùng một tâm thần với một người. Nhà nhân chủng học trứ danh người Pháp Lévy-Bruhl gọi đó là sự tham dự thần bí. Sau này ông phải rút ý kiến lại vì áp lực chống đối thuyết của ông, nhưng tôi thiết nghĩ chính những người phản đối ông đã nhầm lẫn. Về phương diện tâm lý học thì một người đồng hóa mình với người khác hay một đồ vật nào đó là một hiện tượng thông thường.
Sự đồng hóa ấy có thể có những hình thức rất khác biệt nhau đối với những người cổ sơ. Nếu linh hồn rừng rú là linh hồn con vật, thì con vật được coi là anh em với người. Thí dụ, một người anh em với cá sấu, thì có thể bơi lội trong một khúc sông đầy cá sấu mà vẫn được an toàn. Nếu linh hồn rừng rú là một cái cây, thì người ta cho rằng có tình liên lạc cha con, xúc phạm đến linh hồn rừng rú là xúc phạm đến người.
Một vài bộ tộc tin rằng người ta có nhiều linh hồn. Sự tin tưởng ấy biểu lộ quan niệm của người cổ sơ theo đó mỗi người có nhiều phần riêng rẽ tuy rằng nối liền với nhau. Như thế nghĩa là linh hồn người ta còn ở xa giai đoạn thống nhất hẳn. Trái lại, nó luôn luôn như muốn bị gián đoạn vì những xúc động không kiểm soát.
Nhờ sự khảo cứu nhân loại học, chúng ta đã quen với những sự kiện ấy; chúng ta ở một giai đoạn tiến hóa của nền văn minh cho nên không đến nỗi lạ lùng như lúc thoạt kỳ thủy ta mới nhìn qua đến chúng. Chính chúng ta cũng có thể bị phân tán thần trí và mất cá tính của mình. Chúng ta có thể trở nên gắt gỏng và bị những sự kiện ấy làm cho thay đổi tâm tính, chúng ta có thể trở thành người càn rỡ, không thể nhớ được những điều quan trọng đối với chúng ta hay đối với người khác, đến nỗi người ta phải kêu lên: “anh làm sao vậy?” Chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể tự chủ được, nhưng sự tự chủ là một đức tính quý báu vì hiếm có. Chúng ta có ảo tưởng rằng chúng ta biết tự chủ. Nhưng một người bạn có thể nói cho ta biết những điều mà ta không hề nghĩ đến.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong cái mà ta gọi là trình độ văn hóa cao thực ra, tâm trí người ta cũng chưa đạt được một trình độ liên tục mỹ mãn. Tâm thần người ta vẫn còn bị thương tổn và dễ bị phân đoạn. Ngoài thực tế thì khả năng tách rời một phần tâm trí ra khỏi toàn thể lại là một đặc điểm rất quan trọng. Nhờ khả năng ấy chúng ta có thể chú ý đến riêng một sự vật. Không để cho ý tứ bị lôi kéo về đằng khác. Nhưng ta phải phân biệt giữa khả năng quyết định chú tâm vào một điểm, đồng thời loại bỏ một phần linh hồn ra ngoài, với một trạng thái mà hiện tượng ấy ngẫu nhiên xảy ra ngoài sự đồng tình, ngoài ý muốn của ta. Trường hợp thứ nhất là một sự chinh phục của con người văn minh, trường hợp thứ hai phụ thuộc vào cái mà người cổ sơ gọi là mất một linh hồn, và gần chúng ta đây trường hợp ấy có thể là nguyên nhân bệnh lý của bệnh suy nhược thần kinh.
Như thế, ngày nay, tính chất thống nhất của tâm trí cũng còn là cái gì hạn hẹp, rất dễ bị phá tan. Khả năng chế ngự xúc động có thể hợp với sở vọng của ta về một phương diện nào đó, nhưng lại là một đức tính mà giá trị còn bị ngờ vực vì nó làm cho sự liên lạc giữa mọi người mất cả phong phú màu sắc, nồng ấm và lạc thú.
Theo cách nhìn ấy, chúng ta xét định sự quan trọng của giấc mơ, của những hình ảnh bông lông không thực, mờ mịt, lừa dối, bất định được nảy sinh từ tiềm thức của chúng ta. Muốn trình bày quan điểm của mình cho được dễ hiểu hơn, tôi muốn kể lại quan điểm ấy đã hình thành cách nào qua nhiều năm chiêm nghiệm, vì sao tôi đã đi đến kết luận rằng giấc mơ là lĩnh vực thăm dò dễ dàng nhất và thường thường người nào muốn nghiên cứu khả năng tạo biểu tượng của con người cũng dễ dàng đến nhất.
Sigmund Freud là người đầu tiên đã thăm dò bình diện tiềm thức của tâm trí bằng phương pháp kinh nghiệm. Ông đã dùng giả thuyết giấc mơ không phải do sự ngẫu nhiên mà có, nhưng có liên lạc với tư tưởng và những vấn đề mà ta ý thức được. Một giả thuyết như thế không phải là võ đoán. Giả thuyết dựa vào kết luận của các nhà cân não học có uy tín (như Pierre Janet), theo đó thì những triệu chứng suy nhược thần kinh đều liên lạc tới một kinh nghiệm của ý thức. Hình như những triệu chứng ấy là sự bộc lộ những khu vực bị phân đoạn và mất ý thức trong tâm trí của ta; đến một lúc khác và với những điều kiện khác, những khu vực phân đoạn trở lại ý thức. Vào cuối thế kỷ trước, Freud và Josef Breuer đã nhận thấy rằng những triệu chứng suy nhược thần kinh, chứng hystérie (loạn thần kinh), một vài loại đau đớn thể chất, những thái độ không bình thường của người ta, thực ra đều biểu lộ một ý nghĩa kín đáo. Đó là một biểu lộ của tiềm thức cũng như trong giấc mơ vậy. Một người bệnh chẳng hạn, mỗi khi phải chịu đựng một tình trạng mà họ ghê sợ, sẽ thấy đau đớn chịu không nổi: Y “không nuốt trôi được trạng huống”. Trong những điều kiện tương tự, một người khác sẽ lên cơn suyễn: không khí gia đình đối với y khó thở. Một người thứ ba chân tê liệt, không đi được, nói khác đi, y không tiếp tục sống như vậy được. Một người thứ tư ăn lại mửa ra, y không “tiêu hóa” được chuyện gì khó chịu. Tôi có thể kể ra nhiều thí dụ như thế nữa. Những phản ứng thể chất ấy chỉ là một trong những hình thức biểu lộ những day dứt mà ta không ý thức được. Những day dứt đó còn biểu lộ nhiều hơn trong giấc mơ.
Nhà tâm lý học nào nghe người khác nói đến giấc mơ của họ cũng biết rằng những biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ còn đa tạp hơn những triệu chứng thể chất của chứng suy nhược thần kinh. Chúng xuất hiện ra dưới hình thức những giả cảnh phức tạp và đặc sắc. Nhưng nếu người phân tích vũ trụ mê sảng ấy dùng phương pháp “hội ý tự do” của Freud thì sẽ nhận thấy tựu chung mộng mị có thể xếp thành mấy lược đồ chính yếu. Kỹ thuật ấy đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển phân tâm học, nó đã giúp cho Freud căn cứ vào giấc mơ để thăm dò những vấn đề vẫn dày vò tiềm thức người bệnh.
Freud đưa ra ý kiến đơn giản và sâu sắc là nếu người ta khuyến khích người nằm mơ giải thích giấc mơ của họ và nói ra những ý tưởng mà giấc mơ gợi đến cho họ để lộ mặt sau, mặt phi ý thức của những xao động trong người họ, họ để lộ bằng những điều họ nói ra và những điều họ quên nói đến. Mới đầu ý kiến của họ có vẻ vô lý, không ăn nhập gì với chủ đề, nhưng một lát sau ta sẽ nhận ra một cách tương đối dễ dàng cái họ muốn tránh, ý tưởng hay điều khó chịu mà họ muốn loại bỏ. Dù muốn khôn khéo giấu giếm cách nào, mỗi tiếng họ nói đều dẫn thẳng đến trung tâm vấn đề. Người y sĩ thường nhìn thấy mặt trái của sự vật, ít khi y sĩ ở xa sự thật khi họ suy diễn những cách giấu giếm cách nói bóng nói gió của người bệnh như dấu hiệu không muốn nói thực. Rồi những điều y sĩ khám phá ra lại xác định điều họ mong đợi. Cho đến đây người ta không thể phản đối được lý thuyết của Freud về sự dồn nén tâm tình và sự thỏa mãn ước vọng bằng tưởng tượng, những sự kiện ấy được coi như nguồn gốc của những biểu tượng trong giấc mơ nếu xét bề ngoài. Freud đã chú trọng đặc biệt đến giấc mơ, và coi như khởi điểm của phương pháp “hội ý tự do”. Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu nghĩ rằng việc sử dụng những giả cảnh do tiềm thức người ta làm xuất hiện trong giấc mơ vừa thiếu thốn vừa làm cho ta lầm lẫn. Tôi bắt đầu nghi hoặc từ khi một đồng sự của tôi kể cho biết một kinh nghiệm của ông khi một chuyến tàu ở nước Nga. Tuy rằng ông ta không biết tiếng Nga và không thể phân biệt được một chữ nào của bộ mẫu tự Nga nhưng ông ta cũng nhận thấy những chữ lạ lùng viết trên biển và bích chương đã làm cho mình mơ mộng, có thể gán cho những chữ ấy ý nghĩa nào cũng được.
Ý nghĩ này đưa đến ý nghĩ khác, trong lúc người được thoải mái như thế, ông nhận ra rằng sự “tự do hội ý” đã làm thức tỉnh rất nhiều kỷ niệm. Trong số những kỷ niệm ấy, ông ta thấy xuất hiện những chuyện bực mình đã chôn sâu trong trí nhớ từ lâu, những điều mình muốn quên đi và tâm thức của mình cũng quên đi thật. Ông khám phá ra những cái mà các nhà tâm lý học gọi là “mặc cảm” nghĩa là những chuyện tâm tình đã bị dồn nén, chúng có thể gây ra những xao động thường xuyên trong đời sống tâm thần, có thể gây ra những triệu chứng suy nhược thần kinh.
Chuyện này khiến tôi nghĩ rằng không cần phải lấy giấc mơ làm khởi điểm để “hội ý tự do” khi muốn tìm ra những mặc cảm của một người bệnh. Tôi hiểu rằng người ta có thể ném trúng tâm từ bất kỳ điểm nào trên cái vòng tròn. Người ta có thể khởi sự từ bộ mẫu tự tiếng Nga, từ sự suy tư trước một trái cầu thủy tinh, môt cái “cối xay cầu nguyện” (3), một bức họa trừu tượng, có khi một câu chuyện ngẫu nhiên rất nhàm: theo quan niệm này thì giấc mơ cũng chỉ có ích lợi như bất kỳ một khởi điểm nào không hơn không kém. Tuy nhiên, giấc mơ có tầm quan trọng riêng của nó, dù rằng người ta nằm mơ sau khi bị xúc động tâm tình, những mặc cảm thường có của người ta cũng liên hệ đến những xúc động ấy. (Những mặc cảm thường có là những nhược điểm của linh hồn (psyché) phản ứng rất nhạy vì một kích thích, một sự rối loạn). Như vậy, người ta có thể hội ý tự do để khởi sự từ bất cứ giấc mơ nào mà đi ngược trở lên tới những ý nghĩ thầm kín dày vò con người.
Tuy nhiên, tôi sực nghĩ ra rằng nếu nói đến đây, tôi có lý, thì người ta cũng có thể kết luận rằng giấc mơ có một trách vụ riêng, ý nghĩa hơn thế. Rất nhiều khi giấc mơ có chi tiết nhất định, có một ý nghĩa rõ ràng, bao hàm một ý tưởng hay một chủ ý ẩn phía sau; tuy rằng theo nguyên tắc chung không thể biết ngay những ý nghĩa ấy. Bởi vậy tôi bắt đầu nghĩ rằng nên chú trọng đến hình thức và nội dung giấc mơ chứ không nên để cho sự hội ý tự do và sự tìm liên lạc ý tưởng lôi kéo mình đến chỗ tìm hiểu mặc cảm. Người ta có thể tìm hiểu bằng những phương tiện khác dễ dàng hơn.
Ý tưởng mới này đánh dấu một khúc quanh trong sự tiến triển nền tâm lý học của tôi. Từ lúc ấy tôi dần dần không dùng những cách hội ý đi xa nội dung giấc mơ quá. Tôi chú trọng đến những hội ý liên lạc trực tiếp đến đặc thù tiềm thức muốn thông báo cho chúng ta biết.
Vì thay đổi thái độ của mình đối với giấc mơ cho nên tôi thay đổi cả phương pháp làm việc. Kỹ thuật mới của tôi phải kể đến tất cả những khía cạnh rộng lớn và đa tạp của giấc mơ. Một câu chuyện do ta ý thức hẳn hoi mà kể lại sẽ có nhập đề, tình tiết và kết luận. Giấc mơ thì không thể. Kích thước không gian và thời gian của giấc mơ hoàn toàn khác biệt. Muốn hiểu ta phải xem xét mọi mặt cũng như ta xem xét một vật lạ, cần phải lật đi lật lại mãi cho đến khi ta quen thuộc với mỗi chi tiết hình dáng của nó.
Có lẽ tôi đã nói khá nhiều để cho mọi người hiểu rằng tại sao mỗi ngày tôi thêm chống đối phương pháp “hội ý tự do” theo thể thức mà Freud đã dùng trước kia. Tôi muốn làm cách nào để nắm được giấc mơ càng chặt càng hay, và loại bỏ tất cả những ý niệm hay hội ý mà giấc mơ có thể gợi ra nhưng không ăn nhập gì với nó. Hẳn là những ý nghĩ ấy có thể đưa đến sự khám phá những mặc cảm gây ra sự rối loạn thuộc về suy nhược thần kinh của một người bệnh, nhưng tôi có ý định theo đuổi một mục tiêu rộng rãi hơn. Có nhiều cách xác định những mặc cảm ấy: nhà tâm lý học có thể nắm được chìa khóa sử dụng cách trắc nghiệm sau đây: hội ý bằng cách vấn đáp (cho người bệnh biết một số chữ viết và hỏi xem họ liên tưởng đến cái gì, đồng thời nghiên cứu phản ứng của họ). Nhưng nếu người ta muốn biết và hiểu tổ chức tâm thần của cá tính toàn diện một người nào đó thì cần phải biết rằng giấc mơ đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều.
Thí dụ như ngày nay hầu hết mọi người đều biết rằng hành động giao cấu có thể tượng trưng bằng rất nhiều hình ảnh khác nhau (hay diễn tả bằng nhiều hình thức ngụ ý). Bằng cách hội ý, mỗi hình ảnh đó có thể gợi cho ta ý niệm về sự giao cấu, vì những mặc cảm đặc thù ảnh hưởng đến thái độ một người đứng trước tình dục. Nhưng người ta cũng có thể tìm hiểu những mặc cảm ấy nhờ sự mơ mộng nhân một câu tiếng Nga không thể đọc được. Bởi vậy cho nên tôi đi đến sự giả thuyết rằng giấc mơ có thể hàm chứa một bức thông điệp không phải là biểu tượng dục tình (vì những lý do nhất định).
Xin đưa ra một thí dụ:
Một người nằm mơ thấy mình cầm chìa khóa đút vào ổ khóa, cầm một cái gậy, hay dùng một cái vồ để phá cửa. Mỗi đồ vật ấy đều có thể cho là một biểu tượng dục tình. Nhưng tại sao tiềm thức lại chọn hình ảnh này chứ không phải hình ảnh khác, điều đó cũng có tầm quan trọng lớn lao và ta cần phải chú ý. Vấn đề thực sự là tìm hiểu tại sao lại là cái chìa khóa chứ không phải cái gậy hay cái vồ. Cũng có khi người ta khám phá ra rằng giấc mơ không ám chỉ một hành động giao cấu mà ám chỉ một trạng thái tâm lý khác.
Cách suy luận như thế đưa tôi đến kết luận chỉ có những hình ảnh và ý tưởng thuộc thành phần của giấc mơ là được dùng để giải thích giấc mơ ấy. Một giấc mơ cũng có những giới hạn của nó. Nó có hình thức của nó để chỉ cho biết cái gì liên hệ đến nó, cái gì ở xa nó. Sự hội ý tự do là một tiến trình suy tưởng theo đường gãy bao giờ cũng lôi kéo chúng ta xa những tài liệu nguyên thủy của giấc mơ, phương pháp của tôi dẫn dắt người ta dạo quanh vòng tròn, lấy hình ảnh giấc mơ làm trung tâm. Tôi lượn chung quanh hình ảnh giấc mơ và tôi không kể đến những sự kiện đi xa giấc mơ. Trong lúc hành nghề, nhiều lần tôi phải nhắc lại câu này: “Hãy trở lại giấc mơ. Giấc mơ nói gì?”
Thí dụ, một người bệnh của tôi nằm mơ thấy một người đàn bà say rượu, người quê kệch, đầu bù tóc rối. Trong giấc mơ, hình như người đàn bà ấy là vợ ông ta, nhưng sự thực vợ ông ta khác hẳn. Mới đầu, giấc mơ ấy giả dối và chướng mắt, người nằm mơ xua đuổi ngay đi như thấy một cái gì phi lý hiện ra trong trí lúc đang ngủ. Tôi là thầy thuốc, nếu tôi để ông ta bước vào con đường hội ý hẳn là ông ta sẽ tránh xa càng nhiều càng hay những ý nghĩ khó chịu mà giấc mơ gợi ra. Trong trường hợp ấy, ông ta sẽ sa vào một mặc cảm quen thuộc có lẽ không liên quan gì đến vợ ông ta, và chúng ta không thể hiểu biết gì về ý nghĩa đặc biệt của giấc mơ kỳ lạ ấy.
Như vậy, tiềm thức của ông muốn thông báo điều gì bằng cách bắt ông nhận một của giả? Giấc mơ nói rõ đến một người đàn bà hư đốn có liên lạc mật thiết đến đời sống người nằm mơ. Nhưng hình ảnh người đàn bà ấy đem phóng rọi vào vợ ông ta thì vô lý, mà sự thật lại trái ngược hẳn, tôi đành phải tìm ở chỗ khác xem hình ảnh người đàn bà ghê tởm ấy có ý nghĩa gì.
Về thời Trung cổ, trước khi các nhà sinh lý học chứng minh rằng những hạch của ta tiết ra cho mỗi người chúng ta vừa yếu tố nam vừa yếu tố nữ, dân chúng đã có câu phương ngôn rằng: “mỗi người đàn ông mang trong mình một người đàn bà”. Yếu tố nữ tính trong mỗi người đàn ông đó tôi gọi là anima. Khía cạnh nữ tính đó làm cho người ta biết tự cư xử cho hợp với mọi người xung quanh, biết giấu giếm người khác và chính mình nữa. Mặc dù ta thấy cá tính một người có vẻ bình thường, thực ra người ấy rất có thể giấu giếm “người đàn bà mà họ mang ở trong mình”, để người khác và chính mình khỏi thấy, tình trạng người đàn bà ấy có khi thật là ảm đảm.
Đó là trường hợp con bệnh của tôi. Khía cạnh nữ tính của ông ta không có gì là mỹ miều. Giấc mơ của ông ta đã nói thực cho ông ta rõ: “Về một vài phương diện, ông xử sự như một người đàn bà hư đốn”, và làm cho ông ta phải xúc động. (Không nên kết luận rằng tiềm thức bận tâm giảng những giáo điều luân lý. Giấc mơ không nhắn nhủ người bệnh phải xử sự đúng đắn hơn. Nó chỉ cố gắng quân bình ảnh hưởng của cái tâm thức của ông ta đã lệch lạc, nó nhất mực cho rằng ông ta là một người đứng đắn).
Rất dễ hiểu tại sao người nằm mơ có khuynh hướng bỏ qua hay chối bỏ bức thông điệp gửi cho mình như thế. Tâm thức của người ta đương nhiên chống lại cái gì là phi ý thức, cái gì nó không biết. Tôi đã nói đến các dân tộc cổ sơ có tính sợ cái gì mới mẻ, cái sợ có vẻ sâu xa và dị đoan, các nhà nhân loại học gọi là misonéisme. Người cổ sơ cũng có phản ứng như loài dã thú trước những điều làm họ khó chịu. Nhưng người “văn minh” cũng phản ứng một cách tương tự trước những ý tưởng mới mẻ, họ đưa ra những thành trì kiên cố để đề phòng sự xúc động, khi phải đương đầu với một sự mới lạ. Người ta nhận thấy dễ dàng thái độ khi họ phản ứng trước một giấc mơ ép họ phải nhận một ý tưởng làm cho họ sửng sốt. Nhiều nhà tiên phong trong lĩnh vực triết lý, khoa học, văn chương đã vấp phải thứ bảo thủ tự nhiên của các đồng nghiệp đương thời của họ. Tâm lý học là một khoa học trong số những khoa học trẻ trung nhất; vì khoa học ấy cố gắng tìm hiểu tiềm thức con người cho nên vấp phải hình thức cực đoan của tính cái sợ mới lạ.
________
(1) Một trong bốn nhà tiên tri Hébreu. Những lời chú thích trong bản dịch này là của người dịch.
(2) Chữ này được Jung dùng để chỉ toàn bộ những tác động trí thức và tiềm thức và được dùng theo một nghĩa rộng hơn chữ “tâm thần”.
(3) Như ta lần tràng hạt
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.