Bắt Đền Hoa Sứ

CHƯƠNG 1



Bên cạnh nó, Tiểu Long đang đập rầm rầm vào thùng xe, vừa đập vừa kêu ầm ĩ:
– Tới rồi! Tới rồi! Cho xuống đi, bác tài ơi!
Chiếc xe đò lập tức hãm ga, chạy chậm lại và rề rề tấp vào ven đường.
Ðợi cho xe dừng hẳn, Tiểu Long cúi xuống gầm ghế lôi hai chiếc túi nặng ì ra. Nó nhìn sang Quý ròm:
– Tụi mình xuống đây!
Quý ròm thở phào:
– Tới nhà chú Năm mày rồi hả?
Buột miệng xong mới biết câu hỏi của mình là thừa, Quý ròm cười lỏn lẻn xốc ba-lô lên vai và lẳng lặng theo Tiểu Long chen ra phía cửa xe.
Hai đứa trẻ vừa đặt chân xuống đất, chưa kịp đứng vững, chiếc xe đò đã rùng rùng hú ga vọt thẳng, để lại một đám khói đen treo lơ lửng và từ từ tan biến giữa không trung.
Quý ròm nhìn quanh quất:
– Nhà chú Năm mày là nhà nào đâu?
Tiểu Long quệt mồ hôi trán:
– Còn phải đi thêm một đoạn nữa!
Ven đường, bên tay phải, có một con lộ nhỏ. Ở ngay ngã ba, người ta đang họp chợ. Chợ thôn quê, thúng mẹt bày la liệt trên mặt đất. Gà trong lồng kêu quang quác. Lợn trong rọ kêu eng éc. Người bán ngồi trên đòn kê, người mua ngồi chồm hổm, hàng trăm cái miệng thi nhau kỳ kèo cãi cọ ồn cả một quãng đường.
Tiểu Long xốc lại hai chiếc túi, rảo bước vào chợ.
Quý ròm tò tò theo sau, miệng hỏi:
– Vô đây chi?
– Mình đi xuyên qua chợ!
Tiểu Long đáp, vẫn lầm lũi bước.
Quả nhiên, đi một lát cả hai đã ra khỏi chợ. Con lộ đất trước mặt chạy dài, dẫn tới một lũy tre xanh nằm phía xa xa.
Tiểu Long hất đầu về phía trước:
– Nhà chú tao nằm sau lũy tre đó!
Quý ròm nuốt nước bọt:
– Xa quá hén?
– Ngó vậy chứ không xa đâu! – Tiểu Long động viên bạn – Ði chừng mười lăm phút à!
Quý ròm nheo mắt:
– Ði mười lăm phút nhưng đi với vận tốc của ai? Vận tốc của mày đâu có giống với vận tốc của tao! Mà muốn tính chiều dài quãng đường phải lấy vận tốc nhân với thời gian, nếu không…
– Khổ quá! Giờ này đâu phải giờ mày kèm toán cho tao! – Tiểu Long nhăn mặt – Tao nói mười lăm phút là tao nói áng chừng vậy thôi!
Tuy dạo này Tiểu Long học toán đã khá hơn, ra đường gặp thầy Hiếu đã thôi lẩn như chạch, nhưng nỗi sợ hãi trước đây vẫn còn ám ảnh nó như một thứ bệnh di căn, do đó mỗi lần Quý ròm giả bộ ngờ nghệch chêm một vài công thức toán vào câu chuyện, bao giờ nó cũng cảm thấy chột dạ.
Thấy Tiểu Long mặt năn mày méo, Quý ròm nhe răng cười hì hì. Trêu được bạn, nỗi mệt mỏi trong người nó dường như vơi được phân nửa.
Lần này, Quý ròm theo Tiểu Long về quê chơi. Thực ra cũng không hẳn là đi chơi. Chú của Tiểu Long đánh điện vào báo tin ông nó ốm. Ba nó đang xây dở nhà cho người ta, không thể bỏ ngang được. Anh Tuấn anh Tú lại không xin được phép của cơ quan. Thế là Tiểu Long được cử đi. Ba nó dặn nếu bệnh tình của ông trở nặng thì điện vào cho ba nó ra gấp, dở việc cũng phải ra. Còn không thì đợi một tuần lễ nữa xong việc, ba nó sẽ ra sau.
Nghe nói được về thăm quê, Tiểu Long thích lắm. Tiểu Long xa quê từ nhỏ, năm thì mười họa mới được ba dẫn về thăm ông. Nhưng đã hai năm nay, nó chưa về lại lần nào. Vừa rồi chú nó có vào thành phố ở chơi vài ngày, nhưng chú chỉ đi một mình, không dẫn ông theo. Chú bảo thằng Lượm phải ở nhà chăn bò. Nó chỉ chăn bò có một buổi, buổi kia đi học, nhưng nếu không có nó mấy con bò sẽ trơ xương ngay tắp lự.
Nhưng gì thì gì, có một người mà theo Tiểu Long trong chuyến vô thành phố vừa rồi lẽ ra chú nên dẫn theo. Ðó là thím Năm Sang, người vợ sau của chú.
Tiểu Long chưa biết mặt thím Năm Sang. Thím Năm, tức mẹ thằng Lượm mất đã lâu. Ai cũng tưởng chú sẽ ở vậy nuôi con, nào ngờ đùng một cái chú lấy thím Năm Sang. Chú thứ năm, người ta gọi chú là chú Năm, gọi vợ chú là thím Năm. Nhưng khi chú lấy vợ lần thứ hai, người ta gọi người vợ sau là thím Năm Sang – Sang là tên thím – để phân biệt với thím Năm “khơi khơi”, tức mẹ thằng Lượm.
Ðám cưới chú với thím Năm Sang năm ngoái, chỉ có ba và anh Tuấn về tham dự. Vì vậy nhà Tiểu Long có cả thảy sáu người mà đã tới bốn người không biết mặt mũi người vợ sau của chú.
Chính vì tò mò muốn biết mặt thím Năm Sang mà chuyến về quê của Tiểu Long lần này tăng thêm đôi phần háo hức.
Ngay sau khi nhận được “mệnh lệnh”, Tiểu Long phóng như bay tới nhà Quý ròm:
– Ði chơi với tao không?
– Ði đâu?
– Tao về quê thăm ông tao! Ông tao đang ốm!
Quý ròm nhún vai:
– Ði thăm người ốm mà bảo là đi chơi!
– Nhưng với mày là đi chơi!
Rồi sợ Quý ròm từ chối, Tiểu Long chớp mắt gạ:
– Quê tao đẹp lắm! Ði đi!
– Ðẹp?
– Ừ! – Tiểu Long liếm môi – Quê tao có… có con suối chảy qua làng!
Quý ròm có vẻ chẳng mặn mà gì với con suối của quê Tiểu Long. Nó hờ hững:
– Thế ngoài con suối ra thì còn gì nữa?
– Ngoài con suối hở? – Tiểu Long gãi đầu – Ngoài con suối ra thì quê tao còn có… còn có…
Tiểu Long không phải là học sinh giỏi văn. Nó ấp úng một hồi vẫn không biết làm sao miêu tả vẻ đẹp của quê mình. Bứt tóc bứt tai cả buổi, nó chợt sáng mắt lên tuôn một tràng:
– Quê tao còn có cánh đồng đẹp nhất vùng. Ðất phù sa màu mỡ khiến cây lúa mọc tốt hơn nơi khác. Cánh đồng bằng phẳng, những thửa ruộng lớn nhỏ nối liền nhau, chạy xa tít. Nắng trưa vàng rực chiếu lấp lánh trên lá cây, trên thảm lúa dập dờn như sóng biển. Những hàng cây bạch đàn mới trồng năm nào giờ đã cao vút, soi bóng xuống…
– Thôi, thôi, đủ rồi! – Quý ròm vội vã đưa tay lên bịt tai – Tao đâu có kêu mày trả bài mà mày tràng giang đại hải thế!
Tiểu Long chớp chớp mắt:
– Thì tại mày hỏi quê tao có gì đẹp!
– Nhưng cảnh vừa rồi đâu phải là cảnh quê mày! – Quý ròm cười khảy.
– Cảnh quê tao đấy! – Câu nói của Quý ròm khiến Tiểu Long chột dạ nhưng nó vẫn cố nói cứng.
– Quê mày cái mốc xì! – Quý ròm hừ mũi – Ðoạn văn vừa rồi mày “thuổng” trong cuốn “Những bài tập làm văn mẫu” lớp bốn, bộ mày tưởng tao không nhớ hay sao!
– Mày đừng có nói dóc! – Tiểu Long bối rối cãi – Những gì học hồi lớp bốn, bố ai mà nhớ được!
Quý ròm không buồn cãi nhau với Tiểu Long. Nó trả lời bằng cách ngoác miệng ra rả đọc tiếp đoạn văn vừa rồi:
– Những hàng cây bạch đàn mới trồng năm nào giờ đã cao vút, soi bóng xuống mặt nước trong veo. Dưới bóng mát rặng dừa ven đường, đám trẻ chăn trâu túm năm tụm ba chơi đánh bi, đánh đáo. Tiếng nói, tiếng cười trong trẻo…
Lần này, Tiểu Long cứng họng. Nó đứng chết trân và trố mắt lên nhìn Quý ròm như nhìn một… quái vật. Nó là một học sinh kém. Trước đây mỗi lần sắp sửa thi học kỳ, nó thức ngày thức đêm học “tủ” một số bài văn mẫu để “phòng thân” nên bây giờ nhớ như in đã đành. Còn Quý ròm là học sinh giỏi, sao nó cũng thuộc vanh vách bài văn hồi lớp bốn thế không biết!
Quý ròm ngưng đọc. Nó nhìn thằng bạn đang đứng thộn ra trước mặt, cười tủm tỉm:
– Làm gì mà mày giương mắt ếch lên như thế! Bài văn này tao mới dạy cho nhỏ Diệp năm ngoái nên bây giờ tao còn nhớ lõm bõm thế thôi!
Hừ, nó thuộc nhão như cháo thế kia mà bảo là lõm bõm! Tiểu Long ngẩn ngơ nhủ bụng. Rồi nhớ đến cú “lật tẩy” của Quý ròm vừa rồi, mặt nó bỗng đỏ như gấc. Chẳng biết làm gì, Tiểu Long bèn đưa tay lên quẹt quẹt nơi mũi cho đỡ ngượng. Bao giờ lúng túng, Tiểu Long cũng thu nắm tay quẹt mũi. Ðó là thói quen của nó. Nhưng xưa nay, Tiểu Long thường chỉ quẹt một cái. Còn quẹt qua quẹt lại liên tục như lúc này quả là chuyện hiếm. Vì vậy, Quý ròm chúm chím:
– Thôi, đừng quẹt nữa! Coi chừng rớt luôn cái mũi ra bây giờ!
Vừa bỡn một câu, thấy mặt mày Tiểu Long càng thêm khó coi, Quý ròm liền cười hì hì:
– Nhưng dù cảnh ở quê mày có đẹp hay không tao vẫn đi với mày! Vừa thi xong, được nghỉ mấy ngày, tao xin ba mẹ tao về thôn quê để hít thở “bầu không khí trong trẻo, thoang thoảng hương lúa làm đòng” là được cho đi ngay thôi!
Quý ròm nghịch ngợm thành tật. Làm hòa với bạn, vậy mà đến phút chót nó vẫn ngứa miệng ranh mãnh chêm vào một đoạn của bài văn mẫu kia.
Nhưng lần này Tiểu Long không thấy nhột nhạt nữa. Nghe Quý ròm nhận lời đi về quê với mình, mặt nó tươi như hoa:
– Nói phải giữ lời đấy nhé!
Quý ròm ưỡn ngực, xổ nho:
– Quân tử nhất ngôn!
“Quân tử” quả là “nhất ngôn” thật! Nhưng bây giờ thì “quân tử” đang cảm thấy mỏi giò. “Vận tốc” của “quân tử” chỉ hơn “vận tốc” của con rùa một chút xíu cho nên khoảng thời gian “mười lăm phút” mà Tiểu Long áng chừng có lẽ phải nhân lên gấp đôi. Vì vậy, bộ mặt của “quân tử” càng lúc càng bí xị khi thấy đi hoài mà lũy tre xanh trước mặt xa vẫn hoàn xa, trong khi đó chiếc ba-lô trên vai bỗng trở nên nặng ì hệt như ai chơi ác vừa lén lút nhét thêm chục ký đá vào trong đó.
Ở bên cạnh, Tiểu Long vẫn tỉnh bơ rảo bước. Hai cái túi xách to tổ bố trên tay dường như chẳng ảnh hưởng gì đến nó. Thậm chí, có lúc nóng ruột muốn chóng về đến nhà chú Năm, nó vô tình tăng tốc bước phom phom khiến Quý ròm phải la lên ơi ới:
– Tiểu Long ơi là Tiểu Long! Bộ mày tưởng còm nhom như tao sẽ được gió thổi là là trên cỏ mà không biết mỏi giò mỏi cẳng gì hết hay sao!
Dọc đường, Quý ròm kêu rêu như vậy đến hai, ba lần. Ðến lần thứ tư, thấy nó có vẻ như muốn nằm bẹp xuống giữa đường ăn vạ, Tiểu Long liền đứng hẳn lại, chìa tay ra:
– Ðưa đây!
Quý ròm không hiểu:
– Ðưa cái gì?
Tiểu Long quệt mồ hôi trán:
– Ðưa cái ba-lô trên vai mày chứ đưa cái gì!
– Bộ mày đói bụng hả? – Quý ròm nhìn bạn, và nó tặc lưỡi – Nhưng có còn gì trong này đâu! Mấy ổ bánh mì nhét trong ba-lô, khi nãy ở trên xe tụi mình đã chén sạch hết rồi!
– Tao bảo tao đói bụng hồi nào! – Tiểu Long nhăn nhó – Ðưa cái ba-lô đây tao đeo giùm cho!
– Ối chà chà! Mày không nói lộn đó chứ?
Quý ròm kêu lên, ngạc nhiên một cách sung sướng. Và không đợi Tiểu Long “năn nỉ” đến lần thứ hai, nó nhanh nhẹn tháo ba-lô trên vai xuống trao cho bạn.
Kể từ lúc đó, Quý ròm đi tay không, còn Tiểu Long hai tay hai túi, trên vai lại chễm chệ thêm cái ba-lô của Quý ròm.
Nhưng mặc dù “tay xách, nách mang, vai quàng, chân bước”, Tiểu Long nom vẫn ung dung hơn thằng bạn “thảnh thơi” của mình.
Ðùn được cái gánh nặng trên lưng cho Tiểu Long, Quý ròm đi đứng nhẹ nhàng được một lúc. Chỉ một lúc thôi. Rồi nó lại tiếp tục lệt bệt như con vịt què. Nhưng lần này thì Quý ròm đành cắn răng chịu trận. Tiểu Long đã cõng cái ba-lô giùm nó rồi, chẳng lẽ bây giờ lại nhờ Tiểu Long cõng luôn cả nó?
Ðang thất tha thất thểu, cặp mắt Quý ròm bỗng trố lên.
Xa xa trước mặt nó, ngay giữa lộ hai đứa trẻ đang quần nhau, tay đấm chân đá huỳnh huỵch, bụi tung mù cả một quãng đồng. Bên cạnh, ba đứa trẻ khác đang vỗ tay hò hét một cách hào hứng. Nỗi mệt mỏi đang đeo đẳng Quý ròm lập tức bay biến đâu mất. Ðôi chân như mọc cánh, nó co giò chạy băng băng.
Trong thoáng mắt, tình thế liền đảo ngược. Tới lượt Tiểu Long ngoác miệng kêu:
– Quý ròm ơi là Quý ròm! Tao đeo giùm ba-lô cho mày đâu phải để mày bỏ tao chạy đi coi đánh nhau!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.