Nguyên con Bích Thiềm với Tấn Bảo có tư tình với nhau, nay đem bỏ nó ra ngoài nhà trống tại vườn hoa, thì có khác gì đem gà bỏ vào bồ lúa. Hai đứa nhờ dịp này toại lòng dâm dục.
Bích Thiềm bàn bạc với Tấn Bảo rằng: “Viên ngoại và Trịnh Thị tuy ngủ ở nhà trên, song buồng Viên ngoại tại phòng mé đông, Trịnh Thị tại phòng mé tây. Vậy đêm khuya chàng lén xách dao vào giết Viên ngoại, rồi đổ là Trịnh thị giận chồng giết chồng, chắc Trịnh Thị bị đền mạng, chừng ấy tôi được cả gia viên điền sản thì chúng ta được hưởng trọn đời khoái lạc, há chẳng sướng hơn là tôi làm thiếp mà chàng làm tớ hay sao?”. Tấn Bảo nghe nói vui mừng quên cả nhân đạo, định tối lại sẽ đi giết Tần Xương.
Nói về Tần Viên ngoại từ hôm mắng lầm Trịnh Thị tới nay, nằm gác tay lên trán tưởng lại mà thương vợ, đêm ấy mới qua phòng mé tây cùng Trịnh Thị chung gối. Con Thể Phụng thấy Viên ngoại vào phòng Trịnh Thị hèn lui ra đi qua phòng mé đông là chỗ viên ngoại ngủ, vén màn lên cuốn nệm quét dọn, chẳng ngờ còn đang mệt mỏi buồn ngủ, nằm bừa lên giường tắt đèn ngủ mê mệt.
Tần Bảo thấy đêm đã khuya bèn xách dao lén lén đi vào phòng mé đông, trong phòng tối om không xem rõ ai được. Tấn Bảo lấy tay rờ rờ vừa đụng nhằm đầu, liền chặt một đao. Thương ôi! Thể Phụng vô cớ bị ác nô giết chết. Tấn Bảo chém rồi, nghĩ chắc kế đã thành, vội vã đi ra, thấy mình vấy tinh là máu, bèn đi thay, vừa thay xong, nghe trong phòng có tiếng Viên ngoại kêu: “Tấn Bảo! Tấn Bảo!”. Tấn Bảo thất kinh biết Viên ngoại chưa chết, lật đật chạy vào.
Nguyên Tần Viên ngoại qua phòng Trịnh Thị xong, khi trở lại thấy Thể Phụng bị giết trên giường thời sợ lắm mới la hoảng lên. Kế thấy Tấn Bảo vào bèn chỉ cho nó coi. Tấn Bảo thấy mình giết lầm Thể Phụng thời hối hận quá song ráng trấn tĩnh.
Bấy giờ người trong nhà đều hay việc biến, đến tựu lại đông nghịt. Trịnh Thị bàn nên cho mẹ của Thể Phụng là Mã Thị nhiều tiền để êm chuyện ấy. Tần Viên ngoại bằng lòng, bèn sai Tấn Bảo đi mời Mã Thị. Tấn Bảo tới nhà Mã Thị nói rằng: “Tần Viên ngoại hãm hiếp Thể Phụng chẳng được toại lòng nên giết đi”. Rồi xúi Mã Thị xuống huyện Nhân Hòa cáo với quan huyện là Kim Tất Chánh. Vì vậy án ấy phát giác ra, quan huyện tới nghiệm thấy quả Thể Phụng bị chém đứt cổ mà chết, liền bắt Tần Xương về huyện, liệm thi thể Thể Phụng đem theo.
Kim huyện quan thăng đường đem Mã Thị ra hỏi qua một lượt, rồi cho xuống, kêu Tần Xương ra hỏi: “Tại sao ngươi giết Thể Phụng?”. Tần Xương thưa: “Vì tôi dụ nó vào phòng quyết lòng giam hãm, nó không chịu nên tôi giận giết đi, xin quan tòa chiếu tội gia hình tiểu dân khỏi oán”. Sao Tần Xương khai lạ như vậy?
Bởi vì Tần Xương không lẽ nói mình bỏ phòng đi lại an ủi với vợ, lại sợ huyện quan hỏi vì sao thời ló tới việc Bích Thiềm, ló việc Bích Thiềm thời e xấu hổ tới vợ lớn vợ bé, mà mình cũng có tội. Lại vị tiên sinh họ Đỗ kia cũng lụy nữa. Chẳng thà chịu ngay như vậy, có thể ơn thỏa hơn.
Kim Tất Chánh thấy Tần Xương khai như vậy có ý nghi bèn hỏi: “Ngươi giết Thể Phụng rồi, giấu dao ở đâu?” Tần Xương đáp: “Lúc ấy lật đật tôi quăng ở đâu không nhớ được”. Tất Chánh nghe lời nói lôi thôi như vậy lại càng nghi nhiều, liền đình án ấy lại, dạy giam Tần Xương vào ngục.
Tần Xương trong ngục cũng yên lòng, vì việc nhà nhờ có Trịnh phu nhân lo liệu giúp cho, lại thỉnh thoảng lén đưa thư về cậy Đỗ Ung chăm sóc những công việc ngoài. Còn Trịnh phu nhân thời cắt bọn Tấn Bảo, Chiêu Tài, Tấn Lộc, Tấn Hĩ thay phiên vào ngục hầu hạ Tần Xương.
Ngày nọ hòa thượng Tịnh phu, nhân cớ đi ra ngoài quyên góp tiền hương khói nhà Phật, bèn lại Tần Gia trang thăm Đỗ Ung. Khi tới cửa ngõ, gặp Tấn Bảo bèn hỏi: “Có Viên ngoại ở nhà hay không? Đỗ tiên sinh mạnh giỏi chứ?”. Tấn Bảo đáp: “Ối, sư phụ hỏi Đỗ tiên sinh làm gì, người ấy không tử tế, ở đây lại tư thông với bà chủ tôi, bị Viên ngoại biết được rầy cho nên lòng oán hận, bàn bạc với bà chủ tôi thế nào, giết chết Thể Phụng rồi vu cho Viên ngoại gian hiếp chẳng được mà giết người, vì vậy Viên ngoại bị khốn tại lao, tôi phải tới đó hầu hạ”. Nói rồi giả bộ như thường, bỏ đi một mạch. Hòa thượng nghe nói kinh hãi, vội trở lại chùa, vừa đi vừa mắng Đỗ Ung chẳng ngớt.
Về chùa đem chuyện ấy thuật cho Bắc Hiệp Âu Dương Xuân nghe. Bắc Hiệp nói: “Theo mắt tôi xem thời Đỗ Ung quyết không phải là người thế ấy, e cho Tần Viên ngoại có điều chi mờ ám chăng?”. Tịnh Tu nghe nói chẳng vui mà rằng: “Bần tăng vẫn biết Tần Viên ngoại nhiều, trọn đời không làm điều ác, sao lại gặp tai họa như vậy. Ghét thay! Tên Đỗ Ung thật là đứa bất nhân!”. Nói dứt lời bỏ đi ra nhà sau.
Bắc Hiệp nghĩ thầm rằng: “Chuyện này chắc có điều oan uổng, vậy tối nay ta phải đi thám thính xem sao?”.
Tối lại, Bắc Hiệp nai nít hẳn hoi, tắt đèn, khép cửa không lại giả như ngủ sớm, đi thẳng qua Tần Gia trang. Tới nơi đêm đã hết canh một, đi lần tới thư phòng, nghe tiểu đồng đương nói chuyện với hai tên tuần canh rằng: “Tiên sinh mới đi ra đàng sau đó!”. Bắc Hiệp nghe dứt lời len lén đi lên nhà trên nghe bà vú nói: “Chúng bay đừng có làm biếng, phải nấu trà chờ cô hai vào uống!”. Bắc Hiệp nghe dứt nghĩ rằng: “ Quái lạ, sao mà hai người lại không có ở trong nhà, thế thật đáng nghi. Vậy ta đi vòng ra sau xem sao”. Nói đoạn đi vòng ra mé sau, vừa tới ba giàn hoa có gian nhà trống, thấy cửa khép hờ, nghe mé trong có tiếng thầm thì. Bắc Hiệp dỏng tai nghe, người đàn ông nói: “Tôi rất may mắn mà được gặp cơ hội này, vậy chúng ta chớ bỏ qua sự vui vẻ đêm nay. Chỗ này kín đáo, chúng ta… tiện lắm”. Kế nghe tiếng đàn bà đáp:, ”Thôi thiếp cũng để cho chàng toại chí, nhưng mà chơi hoa chớ bẻ nhành bán rao và phụ tình nhé”. Bắc Hiệp nghe mấy lời, cả giận nói rằng: “Thôi còn nghi ngờ gì nữa, quả y như lời Tịnh Tu mà!”. Nói đoạn rút bảo đao xô cửa bước vào. Thương hại cho đôi trai gái nọ, vừa mới… chưa thỏa chí, mà hồn đã lìa đời.
Bắc Hiệp chém chết hai mạng, xách đầu ra mé ngoài, buộc xâu lại máng trên cánh cửa, khí giận mới nguôi, bèn trở về Bàn Cổ Tự. Đỗ Ung vừa đi ra ngoài trở vào, thấy hai tên canh phu chạy tới nói: “Không xong rồi tiên sinh, nguy lắm, chúng tôi đi tuần mé sau, tới giàn hoa thấy hai người ló đầu dòm lên trên cánh cửa, nghi là kẻ trộm nên giơ đèn lên rọi, té ra là đầu của hai người nào bị cắt đem treo ở đó”. Đỗ Ung hỏi: “Đầu đàn ông hay là đàn bà?”. Canh phu đáp: “Chúng tôi chưa coi cho kỹ”. Đỗ Ung nói: “Vậy thời các người dắt ta ra đó coi”.
Ra tới nơi, Đỗ Ung nhìn thấy một cái đầu trong lỗ tai có đeo bông liền hỏi canh phu rằng: “Bây nhìn cái đầu đàn bà ấy là ai?”. Canh phu đáp: “Giống hệt cô hai thời phải”. Đỗ Ung lại hỏi: “Còn cái đầu kia coi là ai?”. Canh phu đáp: “Quả là đầu của Tấn Lộc rồi”. Đỗ Ung nói: “Thôi đừng có động tới nữa phải đi báo quan lập tức. Hãy đi mời bốn vị quan gia ra đây”. Canh phu nói: “Ngày hôm qua Tấn Bảo ở hầu Viên ngoại trong khám, bữa nay là phiên Chiêu Tài, song Chiêu Tài đi vắng, nên Tấn Lộc viết thư cho Tấn Bảo phải nán hầu một ngày nữa. Chẳng hiểu tại sao Tấn Lộc bị giết. Bây giờ chỉ có Tấn Hĩ ở nhà mà thôi”. Đỗ Ung liền cho mời Tấn Hĩ tới đọc rõ đầu đuôi bảo đi bẩm cho chủ mẫu hay.
Trịnh phu nhân nghe tin dữ, lật đật tới hỏi Đỗ Ung rằng: “Việc đã như vậy, bây giờ mới liệu làm sao?”. Đỗ Ung nói: “Việc này không nên giấu giếm, phải đi báo quan lập tức”. Trịnh phu nhân liền sai Tấn Hĩ đi báo quan địa phương, quan địa phương tới nơi xác nhận rồi chuyển bẩm lên huyện lệnh.
Kim Tất Chánh lập tức hỏi qua loa những điều đại khái, biên cả tên họ rồi nghiệm thây, thấy thân dưới hai thây ấy để lõa lồ, biết là chúng nó tư dâm với nhau. Lại thấy trên bộ ván gần bên có phong thư, quan huyện liền đút vô tay áo. Thêm dưới bộ ván ấy có một cái áo vấy máu, gói một đôi giày và tất. Quan huyện hỏi Tấn Hĩ rằng: “Mi nhìn đồ này coi của ai?”. Tấn Hĩ xem một hồi rồi nói: “Quả là của Tấn Bảo”. Quan huyện gật đầu nghĩ rằng: “Việc này đều tại Tấn Bảo”. Nghĩ đoạn truyền liệm hai thây ấy, và bắt Tấn Hĩ về nha.
Kim Tất Chánh thăng đường, chẳng hỏi Tấn Hĩ mà cũng không tra Tần Xương, lại truyền vào khám đòi Tấn Bảo ra. Tấn Bảo nghe đòi thì dựng tóc gáy, theo sai dịch ra công đường thấy quan huyện nghiêm sắc mặt mà rằng: “Việc của Viên ngoại mi, ta đà dò xét rõ rồi, vậy mi là Viên chủ quản trong nhà ấy, mi phải viết tờ tấu trình để ta xét mà tha cho chủ mi”. Tấn Bảo lui xuống viết tờ tấu trình rồi dâng lên. Quan huyện hỏi: “Phải tự mi viết hay là mượn ai?”. Tấn Bảo đáp: “Quả chữ tôi viết”. Quan huyện liền cầm lên xem kỹ, so với phong thư lượm ở giàn hoa thời rập một tuồng chứ, liền vỗ án hét rằng: “Hay cho tên ác nô, mi thông gian với Bích Thiềm, lại giết Thể Phụng hãm hại Viên ngoại mi, sự thể làm sao mau khai ra cho khỏi bị tra khảo!”. Tấn Bảo nghe hỏi thất kinh, run lập cập thưa rằng: “Việc việc đó tôi không có không biết”. Quan huyện dạy nha dịch vả miệng cho nó khai, Tấn Bảo bị vả đau quá liền la rằng: ”Để tôi khai, để tôi khai, xin đừng vả nữa”. La rồi cúi đầu khai rõ đầu đuôi, nào là Bích Thiềm để nhẫn làm của tin, bị Viên ngoại thấy được sinh nghi cho phu nhân Trịnh Thị, nào là do ý tiên sinh, biết bùn chẳng nhơ sen, nên giam Bích Thiềm nơi hoa viên, nào là tình riêng dâm lén, bàn bạc mưu ác giết chủ đoạt của, nào dè giết lầm Thể Phụng, thuật không sót tí nào. Còn việc Bích Thiềm và Tấn Lộc vì sao mà bị giết thời nó nói không biết.
Quan huyện nghe khai, bèn hỏi: “Ta chắc mi ghen nên giết Tấn Lộc và Bích Thiềm chớ gì?”. Tấn Bảo nói: “Đêm ấy tôi hầu Viên ngoại trong khám, chẳng hề đi đâu làm sao giết được?”. Kim huyện quan khi nghe xong gật đầu nghĩ thầm rằng: “Phải, nó khai đó hợp với lời trong phong thư lắm”. Vậy ai là người giết Bích Thiềm và Tấn Lộc? Sao Bích Thiềm còn có tình với Tấn Lộc nữa? Phong thư ấy nói những gì ở trong?