Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 8: KHỞI ĐẦU ẤN TƯỢNG – ĐẦU XUÔI, ĐUÔI LỌT
Các diễn giả tài giỏi thường có cách mở đầu ấn tượng, nhằm lôi kéo người nghe nhập cuộc. Bạn phải làm cách nào đó để thu hút được người nghe ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bạn bước ra sân khấu thuyết trình.
Là người làm công tác thuyết trình, bạn chỉ có khoảng 30 giây đầu tiên để thu hút khán giả. Sau khoảng thời gian ấy, mọi thứ bạn nói, người ta sẽ nghe dựa vào thứ ấn tượng ban đầu bạn để lại.
Tận dụng thời khắc được mong đợi nhất này
Ở phần mở đầu buổi nói chuyện, bạn có cơ hội rất lớn để tạo được ấn tượng tốt và sức hút mạnh mẽ. Ở khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy bạn bước ra sân khấu thuyết trình, khán giả mong muốn bạn sẽ tạo ra được điều gì đó thú vị, lôi cuốn. Bạn phải tận dụng khoảnh khắc này cho tốt để kéo họ đứng về phía mình.
Hãy thử so sánh hai cách nói lời mở đầu buổi thuyết trình sau:
“À… ừm, xin chào quý vị, tôi là X, diễn giả buổi thuyết trình hôm nay và tôi ở đây để chỉ cho quý vị biết cách chọn thức ăn thích hợp để tránh bệnh tật và sống lâu.”
“Kính thưa quý vị, chắc hẳn trong quý vị, ai cũng muốn sống thêm 20 năm nữa. Vậy thì quý vị hãy SUY NGHĨ trước khi chạm tay vào lọ muối của mình. Tôi là X, và tôi đến đây để chia sẻ đôi điều về 10 bước dễ dàng và hiệu quả để quý vị có thêm 20 năm sống chất lượng cho cuộc đời mình.”
Chứng minh cho người nghe thấy bạn không phải diễn giả tồi
Trong buổi thuyết trình, không phải lúc nào bạn cũng là nhân vật đầu tiên khán giả sẽ nhìn thấy. Vì thường thì có ai đó xuất hiện, nói vài lời giới thiệu về bạn trước khi bạn bước ra. Và nếu người giới thiệu đó cũng là diễn giả giỏi, làm cho người nghe có ngay ấn tượng về bạn, thì bạn không cần phải lo lắng để thu hút khán giả.
Đoạn giới thiệu chính là những lời lẽ đầu tiên khán giả sẽ nghe và đây là cơ hội để bạn gây ấn tượng. Các diễn giả đẳng cấp thường không bao giờ để cho người khác soạn hoặc nói giúp mình những lời đầu tiên này.
Nếu có nhờ ai đó nói lời giới thiệu, bạn nên tự soạn đoạn mở đầu, vì bạn nắm rõ những thông tin mình cần nói. Không ít diễn giả, sau khi được người dẫn chương trình giới thiệu, đã phải xin lỗi khán giả và đính chính ngay một số thông tin đã bị sai lạc.
Bạn nên gửi trước các điểm cần nói cho người dẫn chương trình và ghi chú rõ những đoạn quan trọng.
Một bài giới thiệu bản thân đúng quy chuẩn gồm đủ ba điểm chính sau đây: Họ tên và chức danh;
Trình độ chuyên môn/thành tích cá nhân; Lý do bạn được mời đến buổi nói chuyện.
Về trình độ chuyên môn và thành tích cá nhân: bạn chỉ nên nêu ba hoặc bốn ý minh họa, hoặc những ý nào có liên hệ trực tiếp đến người nghe.
Dưới đây là một thí dụ về đoạn giới thiệu tự soạn (người khác đọc) của Joel Weldon, một diễn giả trứ danh.
Diễn giả trong buổi nói chuyện sáng nay là Joel Weldon và chủ đề ông sẽ trình bày có tên “Voi không cắn, chính những thứ nhỏ nhoi mới cắn bạn mà thôi.” Joel đến từ Scottsdate, Arizona, nơi ông đã thành lập một công ty chuyên về phát triển con người. Trong vòng sáu năm qua, ông đã tổ chức hơn 1.000 cuộc hội thảo và diễn thuyết cho các tổ chức hàng đầu của Mỹ.
Sở dĩ chúng tôi mời ông đến đây hầu chuyện quý vị, là bởi ông có thể giúp các diễn giả tài ba thành công hơn nữa. Ông là người có bộ óc sáng tạo và cách trò chuyện tuyệt vời. Tấm danh thiếp độc đáo của ông có dòng chữ viết: “Thành công đến với người biết làm, không đến với những kẻ chơi không.”
Chúng ta hãy cùng chào đón Joel Weldon!
Đây là phần giới thiệu vừa ngắn gọn, đơn giản, lại vừa sinh động.
Mười điều “không được bỏ qua” trong phần mở đầu
Phần mở đầu buổi thuyết trình giữ vai trò quan trọng hơn bất kỳ phần nào khác. Dưới đây là danh sách các gợi ý giúp bạn có một phần mở đầu lôi cuốn khán giả.
Thu hút sự quan tâm của khán giả.
Có sự liên kết chặt chẽ giữa các phần. Đó là lý do tại sao các diễn giả thường cám ơn người giới thiệu hoặc nhắc đến diễn giả đã nói trước đó.
Nói rõ mục đích và các mục tiêu của bạn.
Lôi kéo khán giả vào chủ đề và chủ ý của mình.
Gây tò mò và hứng khởi cho khán giả, họ sẽ mong chờ những phần sau của bạn.
Tạo mối dây kết nối với khán giả. Hãy “làm nóng” khán giả, giúp họ thư giãn để có thể hứng thú lắng nghe bạn nói.
Phải làm cho người nghe tin tưởng bạn, bằng cách chỉ cho họ thấy họ sẽ được ích lợi gì khi lắng nghe những gì bạn sắp nói.
Phải làm cho người nghe biết rằng bạn đang làm chủ buổi thuyết trình. Hãy đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào cần thiết, chẳng hạn như việc lúc nào bạn sẽ trả lời các câu hỏi từ phía người nghe. Hãy giải thích rõ ràng trước mọi điều sẽ xuất hiện trong buổi thuyết trình.
Hãy tỏ ra khiêm tốn với người nghe.
Hãy chứng tỏ bạn thật sự hứng khởi được khi được hầu chuyện họ.
Ðể hấp dẫn người nghe ngay từ đầu
Lời mở đầu của bạn có sức cuốn hút người nghe ngay lập tức hay không?
Nếu không, bạn phải làm cách nào để hấp dẫn người nghe?
Dưới đây là các kỹ thuật bạn nên tham khảo để đưa vào phần mở đầu buổi thuyết trình.
Đặt câu hỏi trực tiếp: Đây là một kỹ thuật các diễn giả chuyên nghiệp thường áp dụng. Đặt câu hỏi là một cách mở đầu hiệu quả, làm cho người nghe phải suy nghĩ để tìm cách trả lời, như thế họ sẽ nhập cuộc ngay.
Tuy nhiên, để áp dụng kỹ thuật này cho hiệu quả, bạn phải làm cho người nghe trả lời; nếu không, bạn sẽ thấy “quê độ”, khán giả sẽ không coi trọng lời của bạn. Thành thử, khi đặt câu hỏi, bạn phải dùng giọng điệu nhấn mạnh. Nếu cần có thể đưa thêm các gợi ý để giúp họ trả lời câu hỏi bạn đặt ra.
Tuy vậy, bạn cũng phải có phương án dự phòng, để nếu chẳng may người nghe không trả lời, thì tự bạn sẽ BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA trả lời câu hỏi của mình, để không làm mất thời gian còn khán giả thì thấy rằng bạn không phiền lòng về chuyện họ không có câu trả lời.
Tốt nhất, bạn nên đặt những câu hỏi thú vị, nhưng đừng quá khó. Chẳng hạn: “Có bao nhiêu người trong số các bạn muốn thành công/ giàu có/ hạnh phúc/ sống thọ hơn?”
Khảo sát người nghe. Đây cũng là một kỹ thuật vừa giúp bạn điều tra một chút những gì cần biết về người nghe để có thêm thông tin, vừa khiến khán giả tham gia nhập cuộc ngay từ đầu.
Chẳng hạn, nếu đối tượng tham dự là các bác sĩ, bạn có thể hỏi như sau: “Những ai trong số quý vị đây đã từng điều trị các bệnh nhân tiểu đường?” “Ai trong số quý vị nghĩ rằng chúng ta nên xử lý mạnh tay hơn chứng bệnh tiểu đường?”
Các câu hỏi tu từ. Đặt ra các câu hỏi tu từ (loại câu hỏi không cần câu trả lời), các ý tưởng của bạn sẽ sinh động và hùng hồn hơn. Chẳng hạn, nói về sức mạnh và tính hiệu quả của việc kinh doanh trên Internet, bạn có thể đặt câu hỏi tu từ như sau: “Nếu không ai phủ nhận sức mạnh của Internet, thì tại sao chúng ta không xem thử việc kinh doanh trực tuyến mang lại hiệu quả khổng lồ đến đâu?”
Các câu hỏi loại này sẽ làm cho người nghe suy nghĩ về câu trả lời đã có sẵn trong đầu họ.
Các câu khẳng định gây ngạc nhiên. “Mẹ tôi là người già nhất trong số những người còn sống trên BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA mặt đất này.” Dùng câu phát biểu này để mở màn buổi thuyết trình về đề tài chăm sóc sức khỏe cho người già, bạn sẽ lập tức thu hút được sự quan tâm của người nghe. Sau câu vừa rồi, bạn có thể nói tiếp như sau: “Ít nhất thì đó là cách nghĩ của mẹ tôi xưa nay.”
Bạn nên đưa ra lời khẳng định khiến khán giả nghe xong phải há miệng kinh ngạc và họ sẽ chăm chú nghe tiếp từng lời bạn nói cho đến khi hiểu được tại sao bạn đưa ra phát biểu ấy.
Các số liệu thống kê gây kinh ngạc. Trong lời mở đầu, đưa ra số liệu thống kê đầy kinh ngạc, bạn sẽ làm cho khán giả phải tròn mắt lắng nghe. Chẳng hạn, nếu trình bày về thực trạng chi phí đắt đỏ trong việc chăm sóc sức khỏe, bạn có thể nói câu mở đầu như sau: “Bạn có biết rằng chỉ riêng chứng đau lưng cũng đã làm tiêu tốn của xã hội ta mỗi năm 200 tỷ đồng không?”
Nhưng bạn cũng nên thận trọng, đừng đưa ra quá nhiều con số thống kê một lúc, bởi vì người ta chỉ nhớ được một hay hai con số mà thôi.
Các câu nói đùa/ câu chuyện cười. Các chuyện cười hay câu nói vui cũng là một cách bạn có thể dùng để có đoạn mở đầu thu hút.
Chẳng hạn, có diễn giả thuyết trình về bí quyết để các sale vượt qua nỗi sợ. Ông bắt đầu bằng cách kể một câu chuyện vui về hai chú đà điểu đang bị hai chú đà điểu khác rượt đuổi; thấy không thể chạy kịp, BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA hai chú bị đuổi bèn quyết định trốn. Diễn giả đưa mắt nhìn khán giả một lượt rồi nói: “Các anh chị có biết đà điểu trốn bằng cách nào không? Bằng cách đào đất rồi rúc đầu xuống đó! Vậy anh chị có biết mình sẽ như thế nào nếu chạy trốn nỗi sợ bằng cách làm giống hai con đà điểu đó không?”
Tất nhiên, bạn nên thận trọng, đừng để những câu chuyện cười động chạm đến bất kỳ người nào đang ngồi dưới.
Hình ảnh hỗ trợ. Các hình ảnh có thể giúp bạn thu hút rất nhanh sự chú ý của người nghe. Có lần, mở đầu một buổi thuyết trình bàn về những thuận lợi của điện hạt nhân, diễn giả chiếu bức hình một người Ảrập đang mỉm cười xách thùng dầu và cả đống đôla trong tay. Sau đó, ông trình bày ý tưởng về việc dùng điện hạt nhân sẽ giúp người Mỹ thoát khỏi chi phí do việc nhập khẩu dầu từ Ảrập.
Kinh nghiệm cá nhân. Bạn có thể mở màn bằng cách kể một câu chuyện về bản thân, có liên quan đến chủ đề sắp nói. Điều này vừa tạo được sự đồng cảm với khán giả, kéo họ về phía bạn và vừa khẳng định khả năng chuyên môn của bạn trong lĩnh vực sắp trình bày.
Các trích dẫn. Nhiều diễn giả thường thích dùng các trích dẫn trong phần mở đầu của mình, vì những lời minh triết khôn ngoan của những nhân vật nổi danh thường mang tính cô đọng, súc tích, dí dỏm và dễ nhớ. Một câu danh ngôn hoặc trích dẫn có thể thu hút sự tập trung của khán giả nhanh hơn những lời giải thích nôm na, dài dòng.
Thách đố khán giả. Đừng sợ chuyện phải thách thức khán giả. Xung đột thường là tâm điểm của mọi vở kịch thành công. Trong thuyết trình cũng thế, bạn lôi kéo người nghe nhập cuộc cả khi họ không đồng ý với bạn. Có điều, những gì bạn thách đố khán giả phải có liên hệ đến chủ đề của buổi thuyết trình, nếu không chúng sẽ trở thành những lời khiêu khích có hại.
Kể chuyện. Bạn có thể làm cho phần mở đầu trở nên sống động bằng cách kể một câu chuyện, vì các câu chuyện thường dễ đi vào lòng người nghe. Chẳng hạn, trong một buổi nói chuyện trước công chúng, John F. Kennedy mở đầu bằng cách kể câu chuyện về cuốc taxi ông đi trước kỳ tranh cử tổng thống.
Lúc ra khỏi taxi, ông tính sẽ boa hậu hĩnh cho anh tài xế rồi bảo anh ta bỏ phiếu cho đảng Dân chủ của ông. Nhưng chợt nhớ lại lời cha mình dạy, ông ra khỏi taxi, chẳng thèm boa cho anh tài xế đồng nào và bảo anh hãy bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
Dùng những định nghĩa vui, lạ tai. Bạn có thể tìm thấy những định nghĩa này trong các sách danh ngôn. Chẳng hạn: “Đàn ông giống như kỹ sư: nắm chắc mọi lý thuyết nhưng khi ống nước hư thì phải gọi thợ sửa”…
Dùng các câu đố, trò chơi. Đôi khi bạn chẳng cần phải nói lời nào hay ho để có phần mở đầu thu hút.
Bạn có thể đưa ra các câu đố hay trò chơi có liên quan đến đề tài bạn sắp nói và mời khán giả tham gia.
Những cách mở đầu cần tránh
Nếu có những kỹ thuật hiệu quả có thể dùng để tạo ra phần mở đầu thú vị, thu hút người nghe, thì cũng có những chiếc bẫy mà ngay cả những diễn giả chuyên nghiệp cũng rơi vào, lập tức làm què quặt mọi nỗ lực tạo ra một buổi thuyết trình hoàn hảo.
Những cách mở đầu cần tránh:
Đừng đọc lại tựa đề bài thuyết trình. Đừng xin lỗi khi mở đầu buổi thuyết trình.
Đừng nói lời chào hỏi các nhân vật “quan trọng” trong nhóm người nghe diễn thuyết.
Đừng giải thích lý do tại sao bạn ở đây. Đừng nói về cái khó của đề tài này.
Các bước thực hành để tạo khởi đầu ấn tượng
Bạn có thể tuần tự làm theo các bước cụ thể và khá dễ dàng dưới đây để tạo ấn tượng tốt ngay từ phần mở đầu buổi thuyết trình của mình.
Hít thở thật chậm và sâu.
Bước ra sân khấu với sải chân vừa phải, dáng đi khoan thai, thẳng người.
Ra sân khấu, bạn đừng cúi đầu và lê bước, cũng đừng cắm cổ chạy ào ra.
Nói lời cảm ơn người giới thiệu hoặc người dẫn chương trình (nếu có). Có thể đi một vòng để nhìn bao quát khán giả (và cũng tạo cơ hội để họ nhìn rõ bạn).
Mỉm cười.
Nói lời chào khán giả.
Tự giới thiệu (nếu trước đó chưa có ai giới thiệu bạn).
Nói cho khán giả biết mục đích của bạn.
Trình bày sơ qua nội dung buổi thuyết trình; nói sơ quát về những gì bạn sắp trình bày.
Thể hiện cho khán giả thấy bạn đang điều khiển buổi thuyết trình – nêu ra cho họ mọi chỉ dẫn cần thiết, các việc họ cần làm trong buổi thuyết trình.
Chuyển tiếp sang phần nội dung chính.
HUỲNH NGỌC MINH
Diễn giả, doanh nhân Huỳnh Ngọc Minh là một chuyên gia đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực Phát triển con người và là Huấn luyện viên cuộc sống (Life Coach) được chứng nhận và cấp thẻ hành nghề bởi Liên đoàn Huấn luyện viên Quốc tế (International Coach Federation) có uy tín trên toàn thế giới. Là người thực hành các phương pháp huấn luyện thay đổi hành vi được đào tạo bởi các tổ chức quốc tế uy tín như AIT (Viện Công nghệ Châu Á), IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) và được đào tạo Nghề diễn giả bởi các diễn giả hàng đầu tại Việt Nam.
Anh từng là chuyên gia triển khai các dự án Phát triển bản thân và tăng cường năng lực các doanh nghiệp cho các tổ chức quốc tế như: Cơ quan Phát triển Quốc tế Ðan Mạch, Ủy ban châu Âu và CARE International. Anh cũng sáng lập nên Công ty Tư vấn & Ðào tạo Thành Công (SUCCESS Training) chuyên huấn luyện Phát triển cá nhân và Phát triển doanh nghiệp và là Giám đốc Chiến lược Công ty Quảng cáo Tài Phát Advertising – đối tác chiến lược trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các công ty lớn như: PEPSICO, DHG Pharma, Vinamilk…
Anh đã từng thực hiện các chương trình huấn luyện cho các tổ chức quốc tế như CARE International, PyD, Heifer International và các tổ chức trong nước như Ðại học Cần Thơ, Ðại học Kiến trúc, Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, BNI Mekong, Ðất Phương Nam…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.