Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 16: KỂ CHUYỆN – NGHỆ THUẬT CHINH PHỤC TỪ XA XƯA
TÁC GIẢ: TRẦN HỮU LÊ
Kể chuyện là một hình thức nghệ thuật đã tồn tại từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này.
Trước khi con người biết viết, thì thuật kể chuyện đã đóng vai trò như là phương tiện duy nhất kéo dài tính liên tục tiếp diễn của mọi nền văn hóa: những câu chuyện từ đời xa xưa vẫn tiếp tục được lan truyền qua hàng thế kỷ, chuyển giao cho các thế hệ sau.
Câu chuyện dễ đi vào lòng người
Những câu chuyện kể luôn được đánh giá rất cao, đến độ bất cứ ai giỏi kể chuyện cũng chiếm được cảm tình của người nghe. Những câu chuyện hay bao giờ cũng có khả năng tạo ra những chiếc cầu nối giữa mọi người, tạo nên sự gắn kết trong xã hội và toàn cầu.
Như vậy, chuyện kể là gì? Nói đơn giản, một câu chuyện kể là một sự việc hay loạt sự việc nào đó được tường thuật lại. Hoặc như tác giả John Maxwell đã viết: “Mỗi câu chuyện là một sự kiện, được bao bọc lại trong một thứ cảm xúc có sức thôi thúc chúng ta hành động.”
Một câu chuyện có thể có thực hoặc hư cấu. Và đây chính là nét khác biệt giữa việc kể ra một câu chuyện với việc chỉ đơn thuần nói ra thông tin cho ai đó: những câu chuyện kể luôn chứa đựng cảm xúc và các yếu tố tác động lên các giác quan.
Dù chứa đựng trong chúng nhiều thành phần khác nhau – các chi tiết, nơi chốn, nhân vật, hành động, các bài học – nhưng các câu chuyện kể không đơn giản chỉ là một tổng hợp của những thành phần đó mà còn hơn thế nữa.
Nếu biết cách kể, câu chuyện của bạn sẽ khơi gợi được cảm xúc của người nghe, tác động lên trên cách họ cảm giác và suy nghĩ về một vấn đề nào đó; nó cũng đóng vai trò tạo mối kết nối với những điều họ cảm thấy quan trọng với mình – tức những gì họ cần, họ muốn.
Các câu chuyện có thể giúp người nghe nắm được một điểm trình bày quan trọng nào đó chỉ với một hình ảnh duy nhất, đôi khi là một chữ duy nhất nào đó. Các câu chuyện có thể đơn giản hóa được các ý niệm phức tạp, làm rõ lên những gì mang tính nhập nhằng, lộn xộn và soi sáng những ý tưởng khó nắm bắt.
Qua việc chia sẻ các câu chuyện hay kinh nghiệm bản thân, bạn có thể tạo được sự tín nhiệm với người nghe một cách nhanh chóng và hiệu quả. Không giống với bất kỳ thứ nào khác được dùng như công cụ phục vụ công việc thuyết trình, một câu chuyện hay bao giờ cũng có sức mạnh đưa người nghe đến nhưng nơi họ chưa từng đến, gợi cho họ suy nghĩ những điều trước đây họ chưa từng nghĩ.
Các câu chuyện có thể đóng vai trò như chiếc đòn bẩy mạnh mẽ giúp tạo ra sức tác động và thuyết phục cho người nghe. Con người thường nhớ những mẩu chuyện, đặc biệt khi chúng gói ghém hay khơi dậy một cảm xúc nào đó. Một câu chuyện được kể tốt không chỉ giúp người nghe nhớ kỹ và nhớ lâu thông điệp bạn trình bày, mà còn giúp họ hiểu rõ thông điệp ấy.
Khi một người kể chuyện và người kia lắng nghe, một mối liên kết được thiết lập giữa đôi bên. Các nhà nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ) đã phát hiện ra rằng não bộ của những người kể chuyện và người nghe thực sự được đồng bộ hóa và hoạt động giống nhau trong khi câu chuyện được kể.
Mô hình tạo nên câu chuyện sinh động và lôi cuốn
Kể chuyện là một kỹ năng mà hầu hết mọi người đều có thể học được chỉ với một chút nỗ lực. Điều quan trọng là phải hiểu rõ các yếu tố giúp tạo ra bối cảnh hay khung tham chiếu cho bất kỳ câu chuyện nào. Các nhà viết kịch, các tiểu thuyết gia hầu như đều dùng các biến tấu khác nhau dựa trên một mô hình kể chuyện: một cấu trúc tạo kịch tính.
Một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn bao gồm một số yếu tố chuyên biệt, được sắp xếp theo một trật tự đặc thù. Hầu hết các câu chuyện hay – kể cả những vở kịch, bộ phim và tiểu thuyết – đều biến tấu xoay quanh một mô hình cụ thể như sẽ trình bày dưới đây.
Mô tả sơ khởi
Trong một câu chuyện, phần mô tả sơ khởi là phần bạn giới thiệu bối cảnh, các nhân vật và các thông tin cơ bản để giúp khán giả có cái nhìn tổng quát ban đầu về câu chuyện. Phần này thường ở đầu câu chuyện.
Phần mô tả sơ khởi này sẽ trả lời một số câu hỏi căn bản (như ai, cái gì, khi nào, ở đâu) xoay quanh câu chuyện bạn đang kể, tạo phông nền để bạn xây nên mọi thứ.
Khơi gợi tình tiết
Đây là những hành động hoặc sự việc ban đầu có tính khai mào cho câu chuyện. Phần này cũng giúp chuẩn bị một cuộc xung đột giữa các thế lực đối nghịch nhau và giúp xác định các nhân vật phản diện trong câu chuyện hay các trở ngại gây cản trở cho bước đường vị anh hùng đạt đến một mục đích nào đó. Đây là lúc mụ phù thủy ra tay bắt cóc cô công chúa. Đây là lúc mẫu sản phẩm mới của công ty bạn đã được hoàn thành. Đây là lúc đội bóng đang sa sút phong độ gặp được một ông huấn luyện viên giỏi.
Hành động nhập cuộc
Những gì bạn gợi tả sơ quát lúc đầu đang dần hé lộ ra qua một loạt các hành động. Đây là lúc một câu hỏi kịch tính nhất của câu chuyện được đặt ra và sẽ cần được giải đáp ở phần cuối câu chuyện.
Cô công chúa bị bắt cóc liệu sẽ được cứu thoát hay không? Sản phẩm mới đó liệu có thành công khi tung ra thị trường hay không? Ông huấn luyện viên mới liệu có đủ sức đưa đội bóng đi lên hay không?
Ðưa câu chuyện đến chỗ cao trào
Đây là phần đỉnh điểm căng thẳng nhất của câu chuyện, là điểm thắt nút, khiến mọi thứ sẽ đột ngột thay đổi. Đây là lúc vị anh hùng đuổi mụ phù thủy đến sườn núi và đánh bà ta rơi xuống vực. Đây là lúc sản phẩm của công ty bạn lần đầu tiên ra mắt công chúng qua chiến dịch quảng bá rầm rộ. Đây là lúc đội bóng của trẻ em nghèo giành được chức vô địch trong giải đấu cấp tỉnh. Một câu chuyện hay phải tạo ra được một cao trào ở phần đỉnh điểm và làm bật lên được thông điệp chính hay chủ đề của câu chuyện.
Hành động rời cuộc
Khi câu chuyện đi đến phần đỉnh điểm, cao trào, thì cũng là lúc các hành động trong câu chuyện cần phải được cho nghỉ “xả hơi”. Đây là lúc giải quyết nốt những gì còn sót lại để đưa câu chuyện đi đến hồi kết. Đây là lúc chàng trai trẻ, vị anh hùng của câu chuyện, cứu được cô công chúa và họ lấy nhau. Đây là lúc sản phẩm mới được thị trường đánh giá cao và người ta đổ xô đi mua. Đây là lúc ông huấn luyện viên được ca ngợi tuyên dương vì thành tích đưa đội bóng giành cúp vô địch.
Kết chuyện
Tất nhiên, đây là phần kết câu chuyện bạn kể, là lúc mọi xung đột được giải quyết xong và câu hỏi kịch tính nhất của câu chuyện đã tìm được lời giải đáp. Chàng trai trẻ và cô công chúa sống hạnh phúc cả đời, sinh con đàn cháu đống. Sản phẩm mới của công ty đã làm thay đổi bộ mặt tiêu dùng của thị trường. Đội bóng trẻ em khu ổ chuột bắt đầu được quan tâm đầu tư và huấn luyện có bài bản hơn để tham gia các giải đấu lớn.
Kể chuyện cuộc đời bạn
Các câu chuyện nói lên nhiều điều về tính cách của bạn. Chúng tiết lộ cách bạn suy nghĩ, cách bạn đưa ra quyết định và cách bạn tương tác với thế giới chung quanh.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không bao giờ kể chuyện đời tư chính là việc họ cảm thấy họ chẳng có chuyện gì để kể. Thực ra, không phải vì không có chuyện để kể, nhưng người ta không kể vì người ta không dám, vì người ta thiếu tự tin và can đảm để tin vào các câu chuyện của mình; họ sợ những câu chuyện riêng mà họ kể sẽ tẻ nhạt hoặc không thích hợp hoặc nghĩ rằng ai đó sẽ kể tốt hơn mình.
Trong buổi thuyết trình, bạn nên đưa các câu chuyện về cuộc đời của mình. Hãy chọn những câu chuyện bạn thích kể vì bạn sẽ dồn cảm xúc vào nó và chắc chắn người nghe cũng sẽ cảm thấy thích thú, cuốn hút.
Câu chuyện của bạn phải thật chi tiết, cụ thể, dùng những từ ngữ mô tả sống động, giàu hình ảnh.
Do đó, trước buổi thuyết trình, bạn cần dành thì giờ để tập luyện cho đến khi cách kể của bạn thật nhuần nhuyễn. Bạn có thể nhờ ai đó ngồi nghe bạn kể và cho ý kiến để chỉnh sửa nếu cần thiết.
Dưới đây là năm loại câu chuyện liên quan đến bản thân bạn có thể tạo sức hút và tính thuyết phục cho bài trình bày của mình.
Những câu chuyện cơ bản về bản thân. Những câu chuyện về kinh nghiệm vượt khó. Những câu chuyện về kinh nghiệm lãnh đạo. Những câu chuyện về hành động giúp đỡ người khác.
Những câu chuyện tự trào.
Quy tắc kể chuyện
Những quy tắc hay các mẹo nhỏ giúp bạn tự tin kể chuyện cuốn hút:
Đừng thông báo cho người nghe biết là bạn sắp kể chuyện. Tốt hơn, nên để cho khán giả phải bất ngờ, ngạc nhiên.
Trước khi bắt đầu kể chuyện, đừng bao giờ biện hộ hay nói những lời xin lỗi đại loại như “Tôi không phải là người kể chuyện giỏi,” hoặc “Tôi không biết chắc mình kể ra câu chuyện này có thích hợp hay không.” Sẽ khó lòng làm cho khán giả tích cực trở lại sau khi bạn đã nói ra vài lời giới thiệu tiêu cực, bất kể câu chuyện cười bạn kể có thú vị đến đâu.
Lúc kể chuyện, hãy nhìn di chuyển từ nhóm khán giả này sang nhóm khán giả khác. Bạn cần luyện kể câu chuyện mình sẽ kể cho đến mức nhuần nhuyễn để có thể thoải mái mà kể.
Khi kể chuyện hãy thoải mái, thư giãn, mỉm cười và nhấn giọng điệu để tạo sinh động. Nếu bạn căng thẳng và tỏ ra buồn chán, thử hỏi làm sao người nghe cảm thấy thú vị, lôi cuốn?
Hãy kể với tốc độ hơi nhanh một chút, loại bỏ những từ không cần thiết. Một câu chuyện hài hước, trước khi được kể ra, luôn được biên tập, chỉnh sửa đến từng câu từng chữ, gọt bỏ những gì thừa thãi, tránh những chi tiết rườm rà làm người nghe phân tán sự tập trung.
Hãy đặt thời gian cho câu chuyện của bạn. Đừng kể câu chuyện ba phút trong khi bài nói của bạn chỉ vỏn vẹn có bảy phút.
Khi cả khán phòng bắt đầu cười to, bạn hãy ngưng kể vài giây. Nhưng đừng đợi đến lúc cả khán phòng yên lặng trở lại rồi mới kể tiếp.
Steve Jobs là người biết cách biến những buổi thuyết trình của ông thành những show diễn trên sân khấu mà ông là diễn viên chính. Trong buổi giới thiệu chiếc iPad đầu tiên vào năm 2010, ông đã dẫn dụ câu chuyện bằng cách đưa ra câu hỏi:
“Hiện tại chúng ta đang sử dụng điện thoại, chúng ta có máy tính xách tay, vậy sản phẩm nào sẽ lấp khoảng trống giữa 2 thiết bị này? Sản phẩm nào giúp chúng ta lướt Web, kiểm tra email, xem hình ảnh, nghe nhạc, chơi game và đọc sách điện tử? Liệu đó có có phải là Macbook không? Không, vấn đề là Macbook không tốt hơn bất kỳ sản phẩm nào. Nó chậm, chất lượng hình ảnh thấp và sử dụng phầm mềm của PC. Nó không tốt hơn, nó chỉ rẻ hơn mà thôi. Chúng tôi không nghĩ đó là thiết bị thứ 3. Và chúng tôi đã tạo ra sản phẩm đáp ứng điều đó. Hôm nay tôi muốn giới thiệu với các bạn, ngay bây giờ, iPad.”
Những tràng vỗ tay, những tiếng cười sản khoái từ khán giả đã chứng minh bài thuyết trình của ông mang lại nhiều bất ngờ, hứng thú, mạnh mẽ và ấn tượng.
Bí quyết chọn và kể truyện cười
Có vài lý do tuyệt vời để bạn thử đưa sự hài hước vào trong bài thuyết trình của mình.
Trước hết, bạn sẽ lôi cuốn được khán giả, vì các câu chuyện cười hay các câu nói vui bao giờ cũng làm cho người ta chăm chú lắng nghe.
Kế đến, trong cả buổi thuyết trình, khán giả cần có thời gian giải lao đầu óc, để hít thở và mỉm cười, đặc biệt khi bạn đang trình bày một đề tài quan trọng, phức tạp và dày đặc những con số thống kê.
Sự hài hước rất dễ được hưởng ứng, làm cho người nghe dễ dàng đón nhận những ý tưởng bạn trình bày.
Tuy nhiên, bạn sẽ làm cho bài thuyết trình của mình thật hài hước và thú vị bằng cách nào? “Một câu chuyện cười bằng mười thang thuốc bổ,” nhưng nếu uống thuốc bổ không đúng liều và đúng lúc thì cũng dễ xảy ra tác dụng phụ khó lường.
Học hỏi người khác
Hãy để ý quan sát và học hỏi các diễn viên hài nổi danh để biết được cách người ta đưa thành công sự hài hước vào trong phần trình diễn của họ. Mỗi diễn viên hài đều có một phong cách hài hước khác nhau, họ có khả năng đem lại những tràng cười thoải mái cho người xem.
Hơn nữa, sự hài hước không hề có một khuôn mẫu nhất định nào. Do đó, bạn phải tự thử nghiệm, chọn lựa và phát triển một phong cách hài hước phù hợp với bản thân mình.
Hãy theo dõi các diễn giả nổi danh khác và suy nghĩ xem điều gì giúp họ tạo ra sự hài hước thú vị làm cho khán giả hứng thú đến thế. Có phải là đề tài, là cách nói sinh động, hay là những biến tấu đầy ngẫu hứng? Hãy để ý đến ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, nét mặt và điệu bộ trong lúc họ nói.
Lắng nghe cách họ nói năng và sử dụng những khoảng dừng.
Nói chung, bạn cần học hỏi từ những diễn giả giỏi nhất, nhưng phải có chọn lọc.
Luôn để ý quan sát
Chất liệu giúp tạo yếu tố giải trí, thư giãn cho các bài thuyết trình của bạn xuất hiện ở khắp mọi nơi: phim ảnh, sách hay, thời sự, chương trình truyền hình,… Các diễn viên hài luôn có khả năng sáng tạo trong việc biến những chuyện rất đời thường thành những câu nói, những ý tưởng hài hước, gây cười.
Bạn cũng có thể làm như thế nếu trước hết bạn biết để ý quan sát cuộc sống chung quanh và chắt lọc ra những gì thú vị, hài hước chứa đựng bên trong hay đằng sau chúng. Điều gì làm bạn thích thú, buồn cười thì có thể cũng sẽ khiến khán giả thích thú.
Ðón bắt những ý tưởng của bạn
Khi bạn thấy hay nghe điều gì đó làm bạn thích thú, hãy lập tức bắt lấy nó, bởi vì những viên ngọc của sự khôn ngoan và hài hước đó sẽ nhanh chóng biến mất.
Bạn hãy ghi ra các quan sát, câu chuyện gây cười hoặc tạo ra một kho truyện cười và câu nói vui trên máy tính, có tựa là “Mấy thứ buồn cười”. Hãy chăm chỉ sưu tập và làm dày kho truyện đó để có thể dùng bất cứ khi nào bạn cần.
Kể chuyện sáng tạo và phù hợp
Đừng có bằng mọi giá phải tìm cách gây cười. Hãy tránh những truyện cười hay câu nói đùa không thích hợp, thậm chí ngớ ngẩn, vô duyên. Cũng nên tránh kể lại những câu chuyện cười mà hầu như ai cũng biết.
Đừng làm phiền người nghe. Kể những câu chuyện cười đã nhàm tai, những câu chuyện vui không ăn nhập gì với đề tài, bạn sẽ làm khán giả mất hứng thú. Một khi sự quan tâm của khán giả đã mất đi, có thể nó sẽ không bao giờ trở lại, dù bạn có tìm cách cứu vớt.
Nhằm vào bản thân
Bạn hãy tỏ ra thoải mái, đừng ngại kể những chuyện vui hay câu nói có tự giễu bản thân mình để tạo ra sự thư giãn và hài hước. Hãy làm cho khán giả cảm thấy dễ chịu và tin tưởng bạn bằng cách tỏ cho họ thấy rằng bạn không hề lấy mình làm trung tâm, không quá mức coi trọng đề cao bản thân.
Hãy kể cho khán giả nghe một tình huống khó xử nào đó bạn đã gặp phải, hoặc thuật lại BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA một vụ thuyết trình thất bại nào đó của bạn. Hãy để người nghe biết rằng phía bên dưới lớp gỉ bong tróc ấy, có một con người đáng yêu đang cư ngụ. Bạn đừng ngại tự giễu bản thân, vì đó là một trong những cách hiệu quả để tạo mối kết nối với người nghe.
Dùng các công cụ hình ảnh
Các công cụ hình ảnh minh họa có thể giúp tạo ra một sức tác động lớn lao hơn bất kỳ thứ gì thú vị bạn nói ra suốt trong buổi thuyết trình. Do đó, bạn nên xem xét các công cụ hỗ trợ phần nhìn chẳng hạn như các bức ảnh hay bức vẽ vui nhộn, có thể gây cười, nhằm tạo ra một chút không khí sinh động và hương vị đậm đà cho bài nói của bạn.
Ðừng làm loạn lên
Đừng bao giờ tìm cách gò ép sự hài hước trong mọi câu nói của bạn. Sự hài hước phải được dùng sao cho đúng thời điểm thì mới có hiệu quả, nếu không, bạn sẽ để nó “tự tung tự tác” mà giày đạp nát cả bài thuyết trình của mình.
Mục đích bài thuyết trình của bạn sẽ quyết định liều lượng hài hước bạn muốn trộn vào. Chẳng hạn, nếu bạn đang hướng dẫn làm món bánh mì nướng, thì nhiệm vụ chính là hướng dẫn cách làm món này, rồi lâu lâu thêm vào vài câu đùa để giải trí, các câu nói hài hước hoặc gây cười.
Rồi thí dụ sau khi trình bày một thông điệp quan trọng, phức tạp, khiến ai nấy đều cảm thấy nặng đầu, nếu bạn muốn không khí nhẹ nhàng hơn, thì chỉ cần chêm vào một lời nói vui hay một câu chuyện giải trí ngắn gọn để giúp người nghe thư giãn.
Cẩn thận suy xét người nghe
Bạn chỉ nên nói những gì hài hước thích hợp với người nghe. Hãy nghiên cứu khán giả, để rồi biết cách dùng sự hài hước cho phù hợp. Những câu bạn nói từng khiến người nông dân phải bật cười, lại có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn sượng mặt, thất bại trước những trí thức.
Vì thế, để dùng sự hài hước cho thích hợp, bạn phải hiểu rõ về họ và cẩn thận chọn lựa những gì phù hợp với họ.
Kỹ lưỡng phân tích những câu chuyện hài hước
Hãy thẳng tay loại bỏ những gì hài hước, gây cười có liên quan đến giới tính, dân tộc hay chủng tộc. Đừng bao giờ dùng những câu chuyện hài hước công kích trong bài nói của mình. Nghe những câu chuyện cười hay câu đùa kiểu ấy, đương nhiên sẽ có một số khán giả bật cười, nhưng có thể những người khác cảm thấy bị xúc phạm và họ lấy làm phiền, phật ý với bạn.
Thực hành
Hãy lưu ý thời điểm và cách nói sự hài hước. Hai điều này cũng quan trọng không kém gì nội dung bài nói của bạn. Các yếu tố như việc ngưng nói, tốc độc nói, ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, giọng điệu,… đều rất quan trọng.
Nếu bạn chọn thời điểm không thích hợp, nếu ngôn ngữ cơ thể hay nét mặt không phù hợp để diễn tả lời nói, hoặc nếu giọng điệu thiếu sinh khí, thì những gì hài hước bạn nói ra sẽ gần như bị quên lãng. Như thế, trước khi nói ra điều gì đó hài hước, tốt hơn hết bạn cần phải thực hành kỹ. Trước, trong và sau lúc tập dượt, bạn cần ngồi lại suy nghĩ điều này: “Khi nghe tôi nói điều này, họ sẽ bật cười, hoặc ít nhất cũng mỉm cười, hay là họ sẽ im lặng không phản ứng gì hết? Liệu người nghe có hiểu câu đùa hay chuyện cười tôi sẽ kể ra hay không hay là họ giương mắt nhìn tôi với nét mặt ra chiều khó hiểu?”
Đừng bao giờ thất vọng nếu như sự hài hước bạn đưa vào bài nói không phát huy được hiệu quả như bạn mong đợi. Có thể bạn chỉ cần điều chỉnh một chút về cách dùng từ hoặc lựa một thời điểm thích hợp hơn. Thường thì những điều chỉnh nho nhỏ như thế sẽ giúp bạn tạo ra những thay đổi không ngờ. Cả các diễn giả thường xuyên dùng sự hài hước trong các bài nói của họ, cũng không ngừng dành thì giờ để điều chỉnh chất liệu gây cười và luyện tập cách thể hiện chúng.
Có cách nào để bạn biết được là người nghe sẽ thấy câu chuyện cười bạn kể ra là hài hước hay không?
Không! Tác giả Tag Friend, trong một bài báo đăng trên tờ New Yorker có tựa “Chuyện quá buồn cười,” đã viết rằng: “Chuyện bộ não con người xử lý sự hài hước như thế nào, vẫn còn là điều bí ẩn. Rất dễ làm ai đó mỉm cười hay khóc bằng cách dùng dòng điện kích thích một khu vực đơn lẻ nào đó trong bộ não, nhưng phải nói là rất khó làm cho ai đó phải bật lên tiếng cười.” Không có gì đảm bảo rằng chuyện gì bạn thấy buồn cười thì cũng chọc cười được người nghe. Tuy nhiên, lại có nhiều cách giúp bạn chọn lựa được những câu chuyện cười thích hợp để phục vụ bài nói của mình.
Hãy chọn những nội dung phù hợp với tài năng và sở trường và không lộ ra những điểm yếu của bạn.
Nếu bạn không giỏi một ngoại ngữ nào đó, hãy tránh kể những câu chuyện cười đòi hỏi bạn phải sử dụng ngoại ngữ. Hầu hết các diễn giả giỏi đều cố gắng tránh biến mình thành trò cười hay diễn viên hài độc thoại trên sân khấu.
Nội dung của những câu chuyện cười cũng phải phù hợp với khán giả. Sự hài hước thường mang tính chủ quan và cũng cùng một câu chuyện cười đó nhưng không phải ai nghe cũng BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA thấy buồn cười.
Một số chuyện cười có khi là dịp để người nghe cười ai đó, nên điều quan trọng là bạn phải cẩn thận tìm hiểu khán giả và lựa chọn câu chuyện cười vô hại, phục vụ đề tài một cách hiệu quả mà không động chạm đến bất kỳ người nghe nào.
Mặc dù người nghe có vẻ thích chế giễu những người họ coi là thấp kém hơn mình, nhưng một diễn giả sẽ bị “ám” cả đời nếu nói ra một lời lăng mạ hay sỉ nhục ai đó thấp kém mà cứ nghĩ đó là một chuyện đùa vô hại.
Nếu bạn muốn chế giễu một nhóm người nào đó, thì hãy tế nhị, như một nhà thuyết giảng Tin lành sau đây đã làm. Phát biểu trước một cuộc hội họp ngoài trời vào một ngày u ám, ông đã nói: “Cái ông làm dự báo thời tiết chả giúp ích gì cho chúng ta hôm nay. Nhưng thời tiết này cũng không phải là tệ… Chắc chắn nó dư tốt cho những người theo Hội thánh.”
Tuy nhiên, bạn nhất quyết không được chế giễu hay kể chuyện cười về những nhân vật thuộc tầng lớp ưu tú – những người có các thành tựu hay danh tiếng làm họ miễn nhiễm với những gì gây cười – và chính khán giả đang nghe bạn. Người ta ít khi thích tự cười vào mặt mình và khán giả không phải là trò vui của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.