Dấn Thân
CHƯƠNG 11: Chung tay vì một thế giới bình đẳng
Tôi bắt đầu quyển sách với lời thừa nhận rằng phụ nữ tại các nước phát triển có cuộc sống tốt đẹp hơn bao giờ hết, nhưng mục tiêu bình đẳng thật sự vẫn còn lẩn tránh chúng ta. Vậy chúng ta sẽ tiến lên như thế nào? Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất là bình đẳng thật sự đáng lẽ phải đến từ lâu, và bình đẳng chỉ đến khi có thêm nhiều phụ nữ vươn tới vị trí lãnh đạo cấp cao trong mọi chính phủ, mọi ngành nghề. Sau đó chúng ta phải dốc sức đạt mục tiêu này. Tất cả chúng ta – nam hay nữ – đều phải hiều và thừa nhận các khuôn mẫu chuẩn và thái độ thiên vị đang che lấp niềm tin của chúng ta và kéo dài tình trạng hiện tại. Thay vì làm ngơ trước sự phân biệt, chúng ta cần chấp nhận và biến đổi chúng.
Suốt nhiều thập niên, chúng ta đã tập trung mang lại cho phụ nữ quyền chọn lựa làm việc trong nhà hay bên ngoài. Chúng ta đã ăn mừng việc phụ nữ có quyền đưa ra quyết định này, và điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta phải tự hỏi tại sao trong khi tập trung ủng hộ việc chọn lựa cá nhân, chúng ta lại không khuyến khích phụ nữ vươn tới vị trí lãnh đạo. Đã đến lúc phải tung hô những cô nàng hay bà mẹ muốn ngồi vào bàn, tìm kiếm thách thức, và bước mạnh mẽ vào sự nghiệp.
Hiện nay, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều thứ, cả nam giới và lẫn phụ nữ đều chưa có quyền chọn lựa thực sự. Trừ khi được hỗ trợ từ nhà tuyển dụng và đồng nghiệp, cũng như người bạn đời chia sẻ các trách nhiệm trong gia đình, phụ nữ vẫn chưa có quyền chọn lựa thực sự. Và trừ khi nam giới hoàn toàn được kính trọng vì đóng góp công sức xây đắp gia đình, họ cũng chưa có chọn lựa thực sự. Cơ hội ngang bằng không được xem là ngang bằng trừ khi mọi người được khuyến khích nắm bắt những cơ hội này. Chỉ khi đó cả nam lẫn nữ mới phát huy hết tiềm năng của mình.
Tất cả đều không thể đạt được trừ khi chúng ta phải cùng nhau theo đuổi mục tiêu này. Nam giới cần ủng hộ phụ nữ, và – tôi ước gì nó đến tự nhiên không cần nhắc nhở – phụ nữ cũng phải ủng hộ phụ nữ. Giáo sư Stanford Deborah Gruenfeld đã lập luận : “Chúng ta cần phải che chắn cho nhau, làm việc cùng nhau, và ứng xử như một khối liên minh. Xét trên từng cá nhân quyền lực của chúng ta rất thấp. Chung tay nhau, chúng ta chiếm 50% dân số và đó là quyền lực thực sự”. Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng trong quá khứ phụ nữ không phải lúc nào cũng chung tay. Thực tế, có nhiều ví dụ đáng buồn về việc phụ nữ hành động theo hướng ngược lại.
Chúng ta là thế hệ mới và chúng ta cần một cách tiếp cận mới.
Mùa hè năm 2012, cựu đồng nghiệp của tôi tại Google, Marissa Mayer, được bổ nhiệm làm CEO của Yahoo. Tôi, cũng như một số bạn bè và hội đồng quản trị tại Yahoo, biết là cô ấy đang bước vào những tháng cuối cùng của thai kỳ. Dĩ nhiên, đã có nhiều người đàn ông đón nhận trách nhiệm to tát khi vợ họ chỉ còn vài tuần là sinh con, và chẳng ai nhắc đến nó như một vấn đề, trong khi đó, chuyện của Marissa nhanh chóng được đề cập trên tranh nhất. Cô được vinh danh là CEO đầu tiên của một công ty trong danh sách Fortune 500 mà lại mang thai. Các nhà nữ quyền tung hô. Sau đó Marissa tuyên bố:”Tôi sẽ nghỉ hộ sản vài tuần, và tôi sẽ vẫn làm việc trong thời gian này.” Nhiều nhà nữ quyền im lặng. Nghỉ hộ sản chỉ trong một thời gian ngắn ngủi như vậy không phải là mong muốn hay khả thi đối với tất cả mọi người, họ lập luận rằng Marissa đã làm tổn hại đến sự nghiệp nữ quyền khi tạo ra những kỳ vọng bất hợp lý.
Vậy thì đây là một bước đại nhảy vọt cho nữ giới và chỉ một bước lùi khiêm tốn? Dĩ nhiên là không. Marissa trở thành CEO trẻ nhất của một công ty Fortune khi đang mang thai. Cô ấy tự quyết định cách quản lý sự nghiệp và gia đình của mình và chưa bao giờ tuyên bố rằng đây là cách áp dụng cho tất cả mọi người. Nếu cô ấy cắt giảm thời gian nghỉ hộ sản tại Yahoo xuống còn hai tuần cho tất cả nhân viên, lúc đó mới phải lo ngại. Cô ấy không làm thế, nhưng vẫn bị chỉ trích. Ngay cả một thành viên quốc hội tại Châu Âu cũng phải can thiệp. Cũng như mọi người khác, chỉ có Marissa là biết rõ nhất về khả năng của mình trong trường hợp cụ thể của mình. Nhà báo Kara Swisher chăm sóc em bé, vậy mà không ai nhớ đến chi tiết này”. Phụ nữ muốn nghỉ hộ sản hai tuần, hay hai ngày, hay hai năm, hay hai mươi năm đều xứng đáng được sự ủng hộ của mọi người.
Trường hợp của Marrissa cho thấy, phụ nữ giữ chức vụ quyền lực thường bị soi xét nhiều hơn. Do đa số lãnh đạo là nam giới, người ta không thể khái quát hóa từ một người nào cả. Nhưng số lượng ít ỏi lãnh đạo là nữ khiến cho chỉ cần một người cũng được xem là đại diện cho cả một thế giới. Và do người ta thường xem nhẹ và không thích lãnh đạo nữ, cái nhìn khái quát này thường bất lợi. Điều này không chỉ bất công đối với cá nhân mà còn khẳng định lại rằng phụ nữ thành công thường không được yêu mến. Một ví dụ minh họa tuyệt vời xảy ra vào tháng 5/2012, khi một người viết blog cho tạp chí Forbes đăng một bài viết có tựa đề “Sheryl Sandberg là cô gái của Thung lũng – như Kim Polese trước kia.” Anh ta bắt đầu bài so sánh với đoạn miêu tả về Kim, một doanh nhân công nghệ thời kỳ đầu, một “đốm sáng” giữa thập niên 1990, đạt thành công không phải nhờ thực lực, mà nhờ “có mặt đúng nơi đúng thời điểm, trẻ trung, xinh đẹp và khéo ăn nói.” Tay “Blogger” này lập luận, “Tôi nghĩ Polese là một câu chuyện cảnh báo cho Sheryl Sandberg.” Úi cha.
Kim và tôi chưa bao giờ gặp nhau hay trò chuyện với nhau trước sự kiện này, nhưng cô ấy bảo vệ cả hai chúng tôi. Trong bài trả lời chính thức, cô miêu tả cảm xúc khi đọc bài viết trên blog và kể rằng “suy nghĩ đầu tiên là – buồn quá. Buồn vì xét trên khía cạnh một ngành công nghiệp và một xã hội, sau hai thập niên chúng ta vẫn chưa tiến bộ về quan điểm đối với phụ nữ và lãnh đạo. Không khác gì tất cả những bài báo viết theo phong trào, rập khuôn, bài báo này đưa ra những thông tin hoàn toàn sai.” Sau khi đính chính các dữ liệu, cô nói tiếp, “Quan điểm này rất phổ biến để hạ thấp, gạt phụ nữ ra ngoài lề khỏi các vị trí lãnh đạo.” Rất nhiều độc giả khác cũng lên tiếng cho rằng bài viết trên blog này là phân biệt giới tính và tác giả phải đăng lời xin lỗi cũng như rút bài khỏi trang blog.
Tôi rất biết ơn Kim đã lên tiếng ủng hộ. Càng có nhiều phụ nữ lên tiếng ủng hộ nhau càng tốt. Đáng buồn, việc này không phải lúc nào cũng diễn ra. Và có vẻ như càng ít khi phụ nữ lên tiếng về một vấn đề liên quan đến giới. Các chỉ trích tấn công vào Marrissa về kế hoạch nghỉ hộ sản của cô hầu như đều bắt nguồn từ phụ nữ. Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Ai cũng thích xem đánh nhau – đặc biệt là phụ nữ đánh nhau. Giới truyền thông sẽ tường thuật liên tục khi phụ nữ tấn công phụ nữ, và làm loãng vấn đề cốt lõi. Khi các tranh luận được viết thành “cô này nói A/Cô kia nói B,” tất cả chúng ta đều thua thiệt.
Mọi phong trào đấu tranh xã hội đều phải giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ, một phần vì những người ủng hộ đều có nhiệt huyết và không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau trên mọi quan điểm, mọi giải pháp. Betty Friedan đã nổi tiếng về việc ngu ngốc từ chối làm việc chung – thậm chí không chịu bắt tay – với Gloria Steinem. Họ đều đóng góp rất nhiều cho sự đấu tranh vì quyền phụ nữ. Nhưng giá như họ có thể làm việc chung? Liệu họ có thể đưa chính nghĩa đi xa hơn không?
Rất nhiều người trong chúng ta thật sự quan tâm đến những vấn đề này. Chúng ta nên cố gắng nhanh chóng giải quyết những khác biệt, và ngay cả khi chúng ta bất đồng, hãy tập trung vào mục tiêu chung. Đây không phải là lời van xin mọi người bớt tranh luận, chỉ là nên tranh luận một cách xây dựng. Trong trường hợp của Marissa, đáng lẽ thật tuyệt nếu chúng ta tập trung vào những thành tựu đột phá của cô. Nhờ vào sự bổ nhiệm cấp cao này, những công ty khác cũng có thể cân nhắc tuyển dụng phụ nữ mang thai cho vị trí lãnh đạo, và các bà mẹ mang thai cũng thoải mái nộp đơn tuyển dụng. Khi hạ thấp thành quả của Marissa, cuộc tấn công này hạ thấp tất cả chúng ta.
Sự thật đau lòng đối với phụ nữ muốn đạt vị trí lãnh đạo cao hơn, một trong những rào cản đôi khi lại chính là các phụ nữ đã ở vị trí lãnh đạo. Phụ nữ thuộc thế hệ đi trước tôi tin rằng, mà phần nào họ cũng đúng, là chỉ có một phụ nữ được phép vươn đến cấp lãnh đạo trong bất cứ công ty nào. Trong thời đại chỉ quan tâm hình thức, phụ nữ nhìn quanh phòng và thay vì gắn kết với nhau đấu tranh chống lại một hệ thống bất công, họ thường nhìn nhau như đối thủ cạnh tranh. Tham vọng làm bùng lên thù nghịch, và phụ nữ bị ngó lơ, hạ thấp, và thậm chí còn bị phá hoại bởi những phụ nữ khác.
Trong thập niên 1970, hiện tượng này phổ biến đến mức cụm từ “ong chúa” đã được dùng để miêu tả phụ nữ tỏa sáng trong vai trò lãnh đạo, đặc biệt là trong những ngành nghề thường do nam giới nắm quyền, và sử sụng quyền lực của mình để ngăn cản những “con ong thợ” nữ ở phía dưới. Đối với một số người, điều này đơn giản chỉ là tự bảo vệ bản thân. Đối với nhiều người khác, nó thể hiện nhận thức của họ trong một xã hội luôn cho rằng nam giới phải đứng trên nữ giới. Theo nghĩa này, hành vi “ong chúa” không chỉ là nguyên nhân dẫn đến phân biệt giới mà còn là hệ quả của sự phân biệt này. Ong chúa thừa nhận thực trạng thấp kém của phụ nữ và để bản thân cảm thấy xứng đáng, họ cũng chỉ muốn tạo mối quan hệ với nam giới.
Thông thường, các cô ong chúa này được tưởng thưởng nếu duy trì hiện trạng xã hội và không thúc đẩy sự phát triển cho phụ nữ.
Đáng tiếc, thái độ “chỉ có thể có một” đến nay vẫn còn tồn tại. Phụ nữ không việc gì phải cạnh tranh với nhau nữa, nhưng nhiều người vẫn giữ thái độ này. Trong một số trường hợp, phụ nữ đặt dấu hỏi về mức độ hy sinh vì sự nghiệp, khả năng đấu tranh, và năng lực lãnh đạo các đồng nghiệp nữ. Một nghiên cứu nhận thấy các giáo sư nữ tin rằng sinh viên nam theo học tiến sĩ chấp nhận hy sinh cho sự nghiệp nhiều hơn sinh viên nữ, mặc dù khảo sát trong các sinh viên này không có bằng chứng nào về khác biệt giới trong vấn đề cống hiến cho công việc. Các nghiên cứu khác cũng nhận thấy khi phụ nữ thành công, đặc biệt là trong bối cảnh thiên vị giới, khả năng nhìn thấy phân biệt giới của họ bị giảm hẳn.
Thật đáng buồn khi nghĩ đến việc phụ nữ đang cản trở nhau. Cựu ngoại trưởng Madeleine Albright từng nói: Địa ngục có một chỗ đặc biệt dành riêng cho những phụ nữ không chịu giúp nhau.” Và hậu quả không chỉ tác động đến cá nhân. Quan điểm tiêu cực của phụ nữ về phụ nữ thường bị xem là đánh giá khách quan – đáng tin hơn quan điểm của nam giới. Khi phụ nữ lên tiếng thiên vị giới, họ đã hợp pháp hóa hiện tượng này. Rõ ràng, thái độ tiêu cực này không dựa trên giới nếu nó xuất phát từ một phụ nữ khác, phải không? Không phải, Phụ nữ không nhận ra chính họ đang tiếp thu những thái độ xem thường phụ nữ và phát ngược lại ra ngoài. Kết quả là, phụ nữ không chỉ là nạn nhân của sự phân biệt, họ cũng góp phần kéo dài sự phân biệt này.
Đáng mừng là có cơ sở hy vọn thái độ này đang từng ngày thay đổi. Một khảo sát gần đây cho thấy “phụ nữ có tiềm năng” trong ngành kinh doanh muốn đóng góp ngược lại và 73% đã tìm đến những phụ nữ khác để giúp họ phát triển tài năng. Hầu hết những phụ nữ trong nghề nghiệp mà tôi được gặp đều cố gắng hết sức để giúp đỡ. Khi tôi còn là một thực tập sinh mùa hè tại McKinsey, tôi được gặp Diana Farrell, một ngôi sao tư vấn, tại một hội thảo toàn công ty tại Colorado. Diana vừa phát biểu trong một hội đồng chủ tọa mà tôi được tham dự và sau đó chúng tôi tình cờ chạm mặt nhau – biết đâu không – trong phòng vệ sinh. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện sau đó, và cô ấy trở thành bạn thân cũng như nhà tư vấn đáng tin cậy cho tôi. Nhiều năm sau, cô ấy là một trong số ít người khuyến khích tôi gia nhập Google.
Phụ nữ càng giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta càng giúp chung cho chúng ta nhiều hơn. Hành động theo kiểu liên minh thật sự mang lại hiệu quả. Năm 2004, bốn lãnh đạo nữ tại Merrill Lynch bắt đầu ăn trưa cùng nhau mỗi tháng một lần. Họ chia sẻ thành tựu cũng như nỗi bực dọc. Họ chia sẻ ý tưởng về công việc. Sau buổi ăn trưa, họ quay lại văn phòng và khoe khoang về thành quả của nhau. Họ không thể khoe khoang về bản thân, nhưng họ dễ dàng làm được việc đó cho đồng nghiệp. Sự nghiệp của họ thăng hoa và mỗi người đều nhanh chóng được thăng chức giám đốc điều hành hay giám đốc chi nhánh. Cô ong chúa đã ra đi, và cả tổ ong trở nên mạnh mẽ hơn.
Tôi biết không phải mọi phụ nữ đều tìm được sự hỗ trợ tích cực như vậy từ phụ nữ, và ngạc nhiên hơn, chúng ta thường kỳ vọng điều này. Đa số phụ nữ không cho rằng nam giới sẽ cố gắng tìm đến và giúp đỡ họ, nhưng chúng ta giả định đã có sẵn sợi dây kết nối trong cùng giới. Chúng ta tưởng tượng cảnh phụ nữ ứng xử mang tính cộng đồng và có thể điều này xuất phát từ chính suy nghĩ thiên vị của chúng ta. Trong cuộc đời sự nghiệp, tôi cảm giác một phụ nữ ở vị trí cao hơn đã đối xử không hay với tôi. Cô ấy than phiền về tôi và nhóm làm việc của tôi sau lưng nhưng không chịu trao đổi vấn đề trực tiếp với tôi, ngay cả khi tôi hỏi thẳng. Khi tôi gặp cô lần đầu, tôi hy vọng tràn trề rằng cô là một đồng minh. Nhưng khi cô hóa ra không chỉ không giúp đỡ mà còn hằn học, tôi không chỉ cảm thấy thất vọng; tôi cảm thấy bị phản bội.
Sharon Meers giải thích với tôi rằng cảm giác bị phản bội này có thể thấy trước. Thực tế, cả nam lẫn nữ đều đòi hỏi các phụ nữ khác trong văn phòng dành nhiều thời gian và tình cảm. Chúng ta muốn phụ nữ phải dễ thương hơn và có thể giận dữ nếu họ không tuân theo kỳ vọng này. “Tôi nghĩ đây là lý do khiến người ta phản đối việc lãnh đạo nữ bị đánh giá là đối xứ “bần tiện” với phụ nữ khác,” Sharon nói với tôi. “Tôi nghĩ đây là tiêu chuẩn nước đôi từ chính chúng ta khi chúng ta đánh giá lãnh đạo nam và nữ.”
Tôi nhận thấy giả sử trường hợp người phụ nữ cấp cao này là nam và cư xử kiểu này, có thể tôi vẫn bực dọc, nhưng tôi sẽ không thấy thất vọng. Đã đến lúc phải loại bỏ tiêu chuẩn nước đôi. Giới sẽ không làm trầm trọng hơn hay bao biện cho cách đối xử thô lỗ và làm ngơ. Chúng ta nên kỳ vọng hành vi chuyên nghiệp, tử tế từ tất cả mọi người.
Liên minh hỗ trợ cũng cần phải có cả nam, nhiều người nam cũng quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng giới không kém gì nữ. Năm 2012, Kunal Modi, một sinh viên tại Trường Kennedy thuộc Harvard, viết một bài báo kêu gọi nam giới “nam giới lên tiếng về các vấn đề gia đình và văn phòng.” Anh lập luận “vì mục tiêu kết quả hoạt động của các công ty Mỹ và lợi nhuận cho cổ đông, nam giới phải đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo nhân viên trẻ tài năng (thường là phụ nữ…) được khuyến khích theo đuổi con đường thăng tiến trong sự nghiệp…Vậy nên, nam giới, hãy xắn tay áo, không phải theo kiểu kẻ cả làm từ thiện giúp cho mẹ, cho vợ, cho con gái – mà nhân danh bản thân chúng ta, công ty chúng ta, và tương lai của đất nước chúng ta.”
Tôi hoan nghênh thông điệp của Kunal, đặc biệt là việc anh nhấn mạnh sự tham gia chủ động. Nam giới phải chủ động tìm đến những ứng viên đủ năng lực để tuyển dụng và thăng chức. Và nếu không tìm ra ứng viên đủ năng lực, chúng ta cần phải đầu tư thêm vào việc tuyển dụng, đào tạo, cố vấn cho phụ nữ để họ có được kinh nghiệm cần thiết.
Cuộc chiến “chúng ta chống lại họ” sẽ không đưa chúng ta đến sự bình đẳng thật sự. “Chúng ta chống lại chúng ta” cũng thế, mà giáo sư luật Joan Williams tại U.C.Hastings gọi là “cuộc chiến giới.” Những cuộc chiến này nổ ra trên nhiều mặt trận, nhưng cuộc chiến các bà mẹ, trong đó các bà mẹ đi làm chống lại các bà mẹ nội trợ, thu hút chú ý nhiều nhất. Giáo sư Williams giải thích,”Cuộc chiến các bà mẹ rất chua chát vì nhân cách của cả hai nhóm đều bị tổm thương do vi phạm một lý tưởng khác của xã hội: Người làm việc lý tưởng được định nghĩa là người lúc nào cũng hy sinh cho công việc, và “người mẹ tốt” được định nghĩa là lúc nào cũng hy sinh cho con cái. Vì thế người phụ nữ làm việc lý tưởng phải chứng minh rằng, mặc dù không phải lúc nào cũng túc trực bên con cái, con cái họ vẫn tốt, tốt, tốt…Người phụ nữ từ chối hình ảnh người làm việc lý tưởng và chấp nhận phát triển sự nghiệp chậm hơn (hay thậm chí không có sự nghiệp nào cả) cần phải chứng minh rằng sự thỏa hiệp này là cần thiết, mang lợi ích cho gia đình. Và thế là bạn có hai nhóm phụ nữ đánh giá lẫn nhau, vì không có nhóm nào sống đúng như lý tưởng đối nghịch này.”
Giáo sư Williams nói hoàn toàn đúng. Một trong những mâu thuẫn khi phải chọn lựa là chúng ta đều có những chọn lựa khác nhau. Chi phí cơ hội bao giờ cũng có, và tôi chưa từng thấy người phụ nữ nào cảm thấy hoàn toàn thoải mái với tất cả quyết định của mình. Kết quả là, chúng ta đổ bực dọc này lên những người nhắc nhở về con đường ta đã bỏ qua. Cảm giác tội lỗi và bất an khiến chúng ta nghi ngờ bản thân, và từ đó, ghét nhau.
Trong bức thư gửi tờ The Atlantic tháng 6/2012, chủ tịch của Barnard, Debora Spar viết về cảm xúc lộn xộn và phức tạp này, giải thích tại sao cô và nhiều phụ nữ thành công khác cảm thấy có tội. Cô quyết định đó là vì phụ nữ “lúc nào cũng lặng lẽ cố gắng suốt cả cuộc đời chứng minh rằng họ đã mang ngọn đuốc truyền lại từ phong trào phụ nữ. Rằng chúng ta đã không làm thất vọng các bậc làm mẹ, bà ngoại, những người đã hy sinh cho ta theo đuổi tham vọng. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, chúng ta đang thất bại. Vì nữ quyền không phải là để chúng ta cảm thấy tội lỗi, hay đẩy chúng ta vào thế cạnh tranh liên tục xem ai là người nuôi con giỏi hơn, tổ chức đám cưới tập thể nhiều hơn, hay ngủ ít hơn. Nữ quyền là để giải phóng chúng ta – cho chúng ta không chỉ được quyền chọn lựa mà không phải sợ mình đang chọn lựa sai.”
Các bà mẹ ở nhà nội trợ làm tôi cảm thấy tội lỗi, và nhiều khi còn lấn lướt áp đảo tôi. Có những lúc tôi cảm thấy họ đang đánh giá tôi, và tôi hiểu cũng có những lúc họ cảm thấy tôi đang đánh giá họ. Khi tôi vượt qua được cảm giác tội lỗi và bất an, tôi thấy biết ơn. Những bậc phụ huynh này – đa số là người mẹ – là những tài năng giúp duy trì trường học, tổ chức phi lợi nhuận, và cộng đồng. Bạn còn nhớ bà mẹ chỉ cho tôi thấy đáng lẽ con tôi phải mặc áo màu xanh trong ngày kỷ niệm thánh Patrick? Cô ấy là người tình nguyện không mệt mỏi trong lớp học và trong cộng đồng. Rất nhiều người được hưởng lợi từ công việc vất vả của cô.
Xã hội trước nay vẫn đánh giá thấp đóng góp của những người đi làm không lương. Mẹ tôi là người hiểu rất rõ. Suốt mười bảy năm, bà làm việc còn nhiều hơn người đi làm chính thức trong vai trò người mẹ và thay mặt Soviet Jewry. Bà hiểu rằng sự đền đáp cho nỗ lực của mình là đã tạo nên thay đổi trong cuộc đời của những người bị kết án cách nửa vòng trái đất, nhưng nhiều người trong khu phố không xem công việc của bà quan trọng như một “công việc thực thụ.” Bà vẫn bị xem :chỉ là một bà nội trợ” – hạ thấp công việc khó khăn mà không được trả lương là nuôi dạy con cái và ủng hộ quyền con người.
Chúng ta đều muốn một thứ như nhau: cảm thấy thoải mái với chọn lựa của mình và được trân trọng bởi những người xung quanh. Vậy thì hãy bắt đầu trân trọng lẫn nhau. Các bà mẹ đi làm bên ngoài nên nhìn nhận các bà mẹ nội trợ là những người làm việc thực thụ. Và các bà mẹ nội trợ cũng nên kính trọng những người chọn con đường khác họ.
Cách đây vài năm, khi đến thăm học viện Hải quân Mỹ, tôi gặp phụ phụ nữ phi thường đang chuẩn bị gia nhập lực lượng tàu ngầm Mỹ như một trong những sĩ quan nữ đầu tiên. Cô rất lo lắng về vai trò mới và hiểu được những rủi ro của một sĩ quan không phải là nam. Tôi đề nghị cô báo cho tôi biết tình hình sau đó. Một năm sau, cô gửi tôi một email rất cảm động. “Thực lòng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẽ bị chống đối và khả năng bị xem thường,” cô viết. “Nhưng chuyện này không hề xảy ra. Tôi được tôn trọng ngay từ lúc đặt chân lên tàu và tôi có thể thực lòng nói rằng mình là một thành viên không thể thiếu trong đoàn.” Đáng buồn là cô lại bị chống đối từ một nhóm khác – các bà vợ hải quân. Trong một buổi tiệc “chào mừng” trên bờ, các bà vợ của đồng nghiệp tấn công và kết tội cô là “nhà nữ quyền đốt áo ngực để chứng minh”. Họ buộc cô bênh vực cho chọn lựa nghề nghiệp, danh dự, và cuộc sống riêng của mình. “Tôi sốc lắm! Kiểu như khó chịu!” cô viết. “Tôi cố gắng trả lời câu hỏi của họ và giữ vững tinh thần. Sau đó họ rút lui và chuyển sang tấn công chồng tôi!”
Chúng ta phải cố gắng vượt qua hành động này. Cuộc chiến giới cần được vãn hồi hòa bình ngay lập tức và lâu dài. Bình đẳng thực sự chỉ có được khi chúng ta cùng chung tay chống lại những khuôn mẫu đang ngăn cản. Nếu chúng ta cảm thấy bất an trước chọn lựa của người khác thì điều đó chỉ khiến chúng ta lùi lại. Thay vào đó, hãy dồn sức phá vỡ vòng lẩn quẩn này.
Sharon Meers kể chuyện đêm họp phụ huynh mà cô tham dự, trong đó bọn trẻ sẽ giới thiệu cha mẹ mình. Con gái của Sharon là Sammy chỉ vào cha mình và nói, “Đây là cha Steve, cha xây các tòa nhà, cha là một kiến trúc sư, và cha rất thích hát.” Sau đó Sammy chỉ vào Sharon và nói, “Đây là mẹ Sharon, mẹ viết sách, mẹ làm việc cả ngày, và mẹ không bao giờ đón con.” Nói cho đúng, Sharon nghe câu này mà không cảm thấy tội lỗi. Thay vào đó, cô nói, “Tôi cảm thấy căm ghét các quy cách xã hội khiến con tôi thấy lạc lõng vì mẹ nó không tuân theo các quy cách này.”
Mục đích của chúng ta là cùng tiến đến một thế giời không còn những quy cách xã hội này nữa. Nếu ngày càng có nhiều trẻ thấy bậc làm cha đến đón con ,và thấy mẹ bận rộn trong công việc, thì các em trai và gái đều nhìn thấy nhiều khả năng chọn lựa hơn. Kỳ vọng đặt ra không còn dựa trên giới mà tùy thuộc vào đam mê, tài năng của cá nhân.
Tôi hoàn toàn hiểu được đa số phụ nữ không thể tập trung thay đổi quy cách xã hội cho thế hệ sau mà chỉ cố gắng sống cho qua từng ngày. Tôi cũng biết nhiều phụ nữ tài năng đã cố gắng hết sức để vươn đến đỉnh cao và vượt qua các rào cản hệ thống. Rất nhiều người khác rút lui vì họ nghĩ không còn chọn lựa nào khác. Những điều này nhắc tôi về Leymah Gbowee, người cho rằng chúng ta cần thêm nhiều phụ nữ có quyền lực. Khi lãnh đạo yêu cầu các chính sách phải thay đổi, chúng sẽ được thay đổi. Google đưa ra quy định ưu tiên chỗ đậu xe dành cho bà bầu khi tôi yêu cầu và vẫn tiếp tục duy trì sau khi tôi ra đi. Chúng ta vừa phải nâng cao nền nhà vừa phải nâng cao trần nhà.
Mẹ tôi không có nhiều chọn lựa như tôi, nhưng với sự hỗ trợ của cha tôi, bà luôn làm việc hết lòng. Khi chúng tôi còn nhỏ, bà chọn làm người mẹ hy sinh vì con và làm việc tình nguyện. Khi tôi vào đại học, bà quay lại đi học dạy tiếng Anh cho người nước ngoài. Bà đi dạy chính thức suốt mười lăm năm và xem đây là sứ mạng cuộc đời. “Có lúc, người ta đề nghị mẹ làm quản lý cho cả trường,” mẹ kể với tôi. “Mẹ nói không, mẹ muốn đứng lớp và chia sẻ với học viên. Mẹ rất vui với chọn lựa của mình.”
Năm 2003, mẹ tôi nghỉ làm để phụng dưỡng ông bà tôi đã già yếu. Mẹ tôi rất buồn vì phải xa nghề dạy học, nhưng gia đình bao giờ cũng quan trọng nhất đối với mẹ. Sau khi ông bà tôi qua đời, mẹ tôi lại tiếp tục đi làm. Mẹ thành lập Ear Peace: Save Your Hearing, một tổ chức phi lợi nhuận để ngăn chặn hiện tượng khiếm thính do tiếng ồn trong thanh thiếu niên. Ở tuổi sáu mươi lăm, mẹ tôi lại được làm công việc yêu thích là dạy học, tổ chức thảo luận, và trò chuyện với học viên từ tiểu học đến trung học.
Mẹ tôi dấn thân suốt cả cuộc đời. Bà nuôi dạy con cái, chăm sóc ông bà những ngày cuối đời để họ được sống thanh thản nhẹ nhàng, và vẫn mãi là một người vợ, người mẹ, người bà tận tụy và thương yêu. Bà luôn đóng góp cho cộng đồng và thế giới. Bà là niềm cảm hứng của tôi.
Mẹ tôi muốn nhìn thấy xã hội đạt sự công bằng thực sự. Bà tin rằng phụ nữ vẫn phải đối mặt nhiều rào cản, nhưng bà cũng nhìn thấy nhiều cơ hội mới. Bà tin rằng những gì tôi đạt được, và còn nhiều hơn nữa, cũng có thể trong tầm với của nhiều người khác. Tôi hoàn toàn đồng ý. Và quan trọng hơn, nhiều phụ nữ tôi từng gặp cũng đồng ý.Họ là những người đầy nhiệt huyết, lạc quan, tự tin, và đang dốc sức trong khung leo trèo để tiến tới giấc mơ lớn của mình.
Mọi việc hoàn toàn nằm trong tay chúng ta để chấm dứt lối suy nghĩ “phụ nữ không làm được điều này, phụ nữ không làm được điều kia.” Giơ tay đầu hàng và tuyên bố “Làm không được đâu” là đủ đảm bảo sẽ chẳng bao giờ làm được.
Tôi viết quyển sách này để khích lệ phụ nữ hãy mơ thật lớn, tìm ra con đường vượt chướng ngại, và phát huy hết tiềm năng của họ. Tôi hy vọng mọi phụ nữ sẽ đặt ra mục tiêu riêng và dốc hết sức để đạt chúng. Nếu chúng ta sử dụng hết nguồn tài năng của toàn xã hội, các thể chế của chúng ta sẽ hiệu quả hơn, gia đình hạnh phúc hơn, và trẻ em lớn lên trong những gia đình không bị cản trở bởi những khuôn mẫu hạn hẹp.
Tôi biết đối với nhiều phụ nữ, vươn đến vị trí cao nhất trong tổ chức không phải là điều quan trọng nhất của họ. Tôi không có ý định loại trừ hay bỏ qua những lo ngại hết sức chính đáng của họ. Tôi tin rằng nếu ngày càng có nhiều phụ nữ dấn thân vào công việc, chúng ta có thể thay đổi cấu trúc quyền lực của thế giới và mở rộng cơ hội cho tất cả mọi người. Nhiều phụ nữ làm lãnh đạo sẽ dẫn đến sự đối xử công bằng hơn cho tất cả phụ nữ. Cùng chia sẻ kinh nghiệm tạo ra đồng cảm, và từ đó, khởi đầu cho những thay đổi thể chế cần thiết.
Nhiều nhà phê bình đã cười vào mặt tôi khi tôi tin rằng một phụ nữ nắm quyền, họ sẽ giúp đỡ lẫn nhau, vì thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Tôi sẵn sàng đặt cược. Làn sóng phụ nữ thứ nhất vươn đến các vị trí lãnh đạo còn rời rạc, và để sóng sót, nhiều người phải cố hòa nhập hơn là giúp đỡ người khác. Làn sóng phụ nữ lãnh đạo hiện tại đang ngày càng sẵn sàng lên tiếng. Khi có thêm nhiều phụ nữ nắm quyền, họ sẽ không bị nhiều áp lực phải hòa nhập, và họ sẽ làm được nhiều điều cho các phụ nữ khác. Nghiên cứu đã cho thấy công ty có phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo có chính sách làm việc tốt hơn, khoảng cách giứoi trong lương thưởng nhỏ hơn, và có nhiều phụ nữ làm quản lý hơn.
Các thế hệ trước chúng ta đã đấu tranh vất vả để đưa bình đẳng đến gần chúng ta hơn. Giờ đây chúng ta đã có thể dẹp bỏ khoảng cách lãnh đạo kia. Thành công của từng cá nhân sẽ góp phần làm cho thành công đến dễ dàng hơn với người kế tiếp. Chúng ta có thể làm được việc này – cho bản thân, cho nhau, cho con gái, và cho con trai chúng ta. Nếu chúng ta đẩy mạnh hơn lúc này, làn sóng tiếp theo có thể là làn sóng cuối cùng. Trong tương lai, sẽ không còn lãnh đạo nữ. Lãnh đạo chỉ đơn thuần là lãnh đạo.
Khi Gloria Steinem biểu tình trên đường phố để đấu tranh cho những cơ hội mà ngày nay chúng ta xem là đương nhiên, bà đã trích dẫn lời Susan B. Anthony, người đã đấu tranh trước đó và kết luận, “Nhiệm vụ của chúng ta không phải là ban ơn cho thế hệ phụ nữ trẻ. Hãy làm cho họ không biết cảm ơn để họ còn tiếp tục.” Suy nghĩ này đến giờ vẫn còn đúng. Chúng ta nên biết ơn vì những gì nhận được nhưng cũng phải biết thất vọng với thực trạng. Sự thất vọng này sẽ tạo động lực thay đổi. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh.
Cuộc biểu tình tiến tới bình đẳng thực thụ vẫn còn tiếp diễn. Nó tiếp tục trong các tòa nhà chính phủ, tổ chức, tập đoàn, nhà trường, bệnh viện, công ty luật, công ty phi lợi nhuận, phòng thí nghiệm, mọi tổ chức, dù lớn hay nhỏ. Chúng ta mắc nợ thế hệ đi trước cũng như thế hệ tiếp theo và phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng phụ nữ có thể lãnh đạo nhiều hơn trong công việc. Tôi tin rằng nam giới có thể đóng góp nhiều hơn trong gia đình. Và tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một nửa tổ chức do phụ nữ nắm quyền điều hành, và một nửa gia đình do nam giới chỉ đạo.
Tôi mong chờ thế giới mới mà tôi muốn dành cho con cái mình – cũng như cho chính bản thân tôi. Hy vọng lớn nhất của tôi là con trai và con gái tôi có quyền chọn lựa muốn làm gì với cuộc đời của chúng mà không gặp các trở ngại bên trong hay bên ngoài làm chậm bước tiến và khiến chúng phải đặt dấu hỏi về những chọn lựa của mình. Nếu con trai tôi muốn nhận nhiệm vụ quan trọng là dành toàn thời gian để chăm nuôi con cái, tôi hy vọng cậu chàng sẽ được ủng hộ và tôn trọng. Và nếu con gái tôi muốn làm việc toàn thời gian bên ngoài gia đình, tôi hy vọng cô nàng không chỉ được ủng hộ và tôn trọng, mà còn được yêu quý với những thành tựu của mình.
Tôi hy vọng cả hai sẽ đạt điều mà chúng muốn làm. Nếu chúng tìm thấy niềm đam mê thực thụ của mình, dù là ở đâu, chúng cũng đều dấn thân – hết sức mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.