Javhalpur là một thành phố nhỏ của Ấn, rất giống với các thành phố nhỏ khác của Ẩn, có những ngôi nhà bằng đá trát vữa, một ngôi chợ lúc nhúc đám đông vội vã. Và cũng cùng có những người đàn bà mặc áo sari sặc sỡ, những hàng quán dưới bóng những cây dù lớn, một cây đa cổ thụ ở bãi đất trung tâm thành phố, những con khỉ thiêng ở trên cây và những con bò thiêng, những ngôi đền mái lấp lánh như lợp bằng kim loại cùng những tòa lâu đài mà tầng lầu nhô ra. Calcutta là một hải cảng lớn mà xưa kia người Anh dùng làm thủ phù, ở nhiều chỗ rất giống với một đô thị Âu châu. Trái lại Javhalpur, lúc mà Morane đến nơi lại có một bộ mặt khác hẳn: bộ mặt của Ấn Độ thời trung cổ, không bao giờ bỏ mất thời quá khứ. Suốt ngày hôm trước, Bob đã lái xe chạy thật chậm trên một con đường khó đi, đông đúc những khách bộ hành tưởng như bước đi không có chú đích. Đến đêm, Morane tìm vào một khu rừng nhỏ, ngủ trên xe hơi gài cửa cẩn thận và súng lục cầm tay. Tuy vậy đã không có chuyện gì xảy ra. Cả người của Maimaitcheng lẫn người Thug không người nào tới quấy rầy giấc ngủ cùa chàng. Sáng sớm chàng xuống cái ao gần đó, kỳ cọ bằng xà bông thật kỹ để xóa bỏ lớp dầu hạt dẻ trát từ đầu tới chân chàng, rồi chàng thay bộ Âu phục. Quả thật tới Javhalpur chàng phải xuống đi bộ, không hy vọng gì gây ảo tưởng lầm lẫn với cái mã giả hiệu người Ấn. Một người Âu mà cải trang thì còn bị thiên hạ chú mục nhiều hơn là cứ để nguyên hình của mình cho thiên hạ thấy.
Khi chiếc V8 vào thành phố, Morane nhìn tương lai với nhiều tin tưởng, ở Calcutta chàng đã thắng được keo đầu là tìm cách lấy được pho tượng thiêng trước khi Maimaitcheng khám phá ra chỗ cất giấu. Hơn nữa vượt qua chặng đường Calcutta – Javhalpur chàng không gặp phiền lụy gì. Morane suy nghĩ: “Nếu ta dám hy vọng yên ổn như vậy thì ta và Bill có thể đi chung với nhau, và ta cũng chẳng phải hóa trang như người đi dự dạ vũ trá hình”. Chàng nhún vai, không suy nghĩ nữa, và nhủ thầm: “Kệ! Cứ cẩn thận, dù dư thừa đi nữa cũng chẳng chết ai. Chiều nay Bill sẽ tới đây với pho tượng và cùng với ta có thể lên đường tới ngôi đền thiêng. Trong lúc chờ đợi, ta hãy tìm ngôi nhà của ông Herbert Ronaldson cái đã. Sau đó sẽ cùng Bill tới xin hội kiến với Đại vương”.
Đúng như Sir Graham đã xác nhận, Herbert Ronaldson rất có tiếng tăm ở Javhalpur. Chỉ cẫn hỏi vài người dân địa phương là Bob biết ngay được đường tới nhà ông ta.
Ronaldson là một trong những tay thực dân kỳ cựu không để mất gốc, ham rượu và thích kể chuyện chiến tranh, đúng như đại văn hào Kipling đã tả. Tới Ấn từ hồi rất trẻ, ông ta gắn bó với đất Ấn và không ra đi. Vì lời giới thiệu của Graham Lowbridge, ông ta đã tiếp đón Morane rất tử tế:
– Này chàng trai trẻ, tôi không biết anh tới Javhalpur để làm gì, nhưng tôi cũng đoán được qua cái vẻ bí mật chung quanh anh.. Cái xe cổ lỗ sĩ giống cái lồng gà chẳng ai ham, cái người lạ mặt bí ẩn sắp phải tới gặp anh ở đây – Ronaldson ám chỉ Ballantine – và khẩu súng cồm cộm dưới áo veston của anh, tất cả những cái đó tôi thấy có vẻ ám muội đấy. Hơn nữa, anh lại đòi xin hội kiến với Đại vương… Tất cả những cái đó phải che giấu một điều gì chứ. Điều đó thì tôi không biết, và cũng chẳng dính dáng đến tôi, nhưng tôi cũng mạn phép khuyên nhủ vài điều: nên tránh xa những chuyện riêng tư ở Ấn. Tôi sống ở đây hàng chục năm mà còn không biết nữa là. Có quá nhiều lực lượng bí mật xung đột nhau. Vì thế anh thử ngó lại coi: Cách đây mấy năm, sau khi quân đội của chúng tôi ra đi, một cuộc đấu tranh mù quáng đã xảy ra giữa người Ấn và Hồi. Thế mà chỉ cần cái chết của một người là ông Ganhi, cũng đủ chấm dứt ngay cuộc tàn sát đó.
Bob mỉm cười:
– Chính cũng vì lý do đó phần nào mà tôi có mặt nơi đây, ông Ronaldson ạ! Không phải để chấm dứt một cuộc tàn sát, mà để ngăn chặn nó đừng xảy ra.
Ông lão người Anh đưa mắt nhìn người đối thoại với vẻ tò mò:
– Tôi biết! Hiện nay đang xảy những chuyện kỳ cục. Chưa bao giờ mà các tín đồ của Kâli lại hiến tế cho vị nữ thần của họ nhiều đến thể. Người ta cắt cổ những con dê nhỏ màu đen đến là tội nghiệp. Người ta tìm thấy một vài người dân Ấn, tất cả đều là người Hồi giáo, bị thắt cổ bằng băng lụa. Một số người nói đến sự tái xuất của người Thug, nhưng tôi thấy là không thể có được. Cái tổ chức bí mật ấy đã bị triệt hạ từ lâu rồi… Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng những cuộc sát hại đó có mang dấu vết của Kâli. Mặt khác, các tín đồ của bà lão khát máu đó có một ngôi đền bí mật ở địa phương này, ở một chỗ nào đó trên núi, phía bên kia thành phố. Và nếu cứ tin những lời đồn đãi thì…
Morane không trả lời. Tốt hơn hết là không nên thêm thắt vào những lời lẽ ba hoa của Ronaldson, để không ai chú ý đến sử mạng đã dẫn dắt chàng và Bill tới Javhalpur. Dù vậy lời nói của ông lão người Anh đã xác minh những điều chàng biết: lòng người đã xao xuyến, những tín đồ Kâli quả thật đã bạt đầu thắt cổ người để thực hiện những cuộc giết người theo nghi lễ tôn giáo và ngôi đền bí mật là có thật chứ không phải chỉ hiện hữu trong trí tưởng tượng của Osborne. Phải hành động gấp rút. Nhưng dầu sao thì cũng nên nghe lời khuyên của Shedar Sing mà xin hội kiến với Đại vương. Bob tin chắc rằng chỉ một cái tên của “đức Thầy” Shedar Sing cũng đủ là một sự giới thiệu chắc chắn. Chàng hỏi ông Ronaldson:
– Cái ông Lal Bhawannee đó là người như thế nào?
– Lal Bhawannee, cái ông Đại vương ấy à? Có chút kiêu hãnh, nhưng là người tốt, Tôi biết ông từ hồi còn niên thiếu. Đó là một trong những bậc vương giả hùng mạnh nhất ở Ấn. Nhưng những biện pháp cuối cùng của chính phủ Delhi đã chơi ông ta một vố xiểng niểng. Phần lớn lãnh địa của ông ta đã bị quốc hữu hóa, và trong số hai trăm con voi mà ông ta có trước đây chỉ còn có đầy hai chục.
Bob cất tiếng cười:
– Một tiểu quỷ đáng thương! Tôi nghĩ vậy.
– Phải, một tiểu quỷ đáng thương, nhưng cuộc sống còn vượt xa cuộc sống của một triệu phú trong xã hội chúng ta. Lâu đài của ông ta giống như một tòa lâu đài trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Bhawannee vẫn còn người bảo vệ, còn cả tiểu đoàn nô bộc, còn một sở thú riêng và mười hai chiếc xe hơi hạng sang.
Morane nhắc lại:
– Quả là một tiểu quỷ đáng thương! Nhưng làm cách nào để gặp ông ta đây?
– Thật đơn giản! Anh đi dọc đường phố trước mặt anh đây, qua bãi đất trống tới chỗ hàng rào sắt. Ở đó, gặp người canh gác nào thì anh cứ hỏi hắn và tùy theo tính khí lúc đó của hắn, có thể là hắn đuổi anh, có thể hắn dẫn anh vào giao cho người gác thứ hai, người này sẽ thông báo với Đại vương. Khi đó, anh chỉ còn phải cầu Trời khấn Phật ban phép lạ cho anh nữa thôi.
Bob nói:
– Yên chí, ông Ronaldson! Phép lạ sẽ có thôi!
Đúng như Herbert Ronaldson đã nhìn nhận, tòa lâu đài của Đại vương Javhalpur xứng đáng là một tòa lâu đài trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Ở giữa một khu đất rộng mênh mông, trải dài những hồ ao và những dòng nước bao quanh một khu nhà đồ sộ, những mái, những vòm bán cầu và tháp san sát như rừng. Mái thì uốn cong như mái chùa, vòm bán cầu thì láp lảnh như vàng, tháp thì cao như tháp của những ngôi thánh đường Hồi giáo.
Người gác đang làm nhiệm vụ ở chỗ hàng rào sắt dẫn Morane qua những lối đi hai bên có những tảng đá khổng lồ, rồi phải leo qua nhiều chiếc cầu bắc trên những kênh đào rất sâu.
Ở cửa tòa lâu đài, hay đúng ra phải nói là một trong những tòa lâu đài, người đội trưởng lính gác đã tiếp đón Morane. Quần áo bằng lụa, chiếc khăn đội đầu rất cao có gắn một viên ngọc to tướng, ông ta có vẻ của một vương hầu phường tuồng. Rõ ràng ông ta muốn từ chối Morane. Nhưng rồi đúng như chàng mong ước, tiếng tăm của Shedar Sing đã có tác động như một câu thần chú: “Hạt vừng! Ngươi hãy mở ra!” Nghe nêu danh của người mà cả Ấn Độ đều biết tiếng, người đội trưởng nghiêng mình trước Morane, nói:
– Tôi xin thỉnh thị ý kiến chúa công tôi xem ngài có vui lòng tiếp ông chăng?
Mười lăm phút đã trôi qua, Morane bắt đầu thấy nóng ruột thì người đội trưởng trở lại, nghiêng mình lượt nữa:
– Chúa công đang đợi, mời ngài theo tôi…
Bob theo chân người dẫn lối đi qua những hành lang dài vô tận, lát đá hoa rất sang trọng, hai bên tường có những hình chạm nổi kể sự tích tôn giáo hoặc săn bắn, rồi tới một phòng khách rất rộng trang trí theo kiểu Âu châu tân tiến, hòa hợp với kiều Ấn Độ cổ xưa. Những bức tranh của Renoir, Van Gogh, Dufy và Picasso được treo trèn tường, bên cạnh những bức tranh Ba Tư hay những bức họa Trung Hoa.
Người đội trưởng rút lui, khép lại sau lưng mình cả hai cánh cửa rộng lớn, để Morane ở lại một mình trong phòng khách. Chàng không phải đợi lâu. Chàng chưa kịp đánh giá hết những báu vật trang hoàng căn phòng khách thì cửa lại mở ra. Một người Ấn bước vào, chừng bốn mươi tuổi, mặc Âu phục: giày ống màu nâu vàng, quần kiểu kỵ sĩ, áo sơ-mi cổ bẻ. Ông ta cao lớn, tóc xoăn, có bộ ria mép tuyệt đẹp rủ xuống theo kiểu Mông Cổ, phù hợp với khuôn mặt có những nét hung dữ và tàn bạo, nổi bật lên vì đôi mắt xanh lè, màu xanh của những đồ sứ Trung Hoa.
Morane khẽ nghiêng mình trước người mới tới mà chàng biết chắc rằng chẳng phải ai khác Lal Bhawannee, Đại vương của Javhalpur. Ông này tiến lại đưa tay chỉ ghế ngồi cho khách:
– Ngồi đi, thiếu tá Morane! Có phải ông đã xưng tên như vậy với người đội trưởng canh gác của tôi chăng? Thật ra thì tôi đã nghe danh ông từ trước. Tôi mua hàng năm những tờ bảo chính ở châu Âu và châu Mỹ và đã đọc những bài viết về các cuộc phiêu lưu của ông. Ông là một nhân vật… rất náo động, thiếu tá ạ. Tôi tiếp ông một phần cũng bởi tò mò, nhưng phần khác cũng do ông cho biết là ngài Shedar Sing giới thiệu ông đến đây. Ở Ấn, danh tiếng của đức Thầy được nhiều người mở của đón tiếp đấy.
Bob ngồi trên một chiếc ghế bành bọc lụa Ba Tư, ông Đại vương ngồi ngay trước mặt, nói:
– Ông hãy mở đầu trình bày lý do cuộc thăm viếng của ông đi đã, ông thiếu tá! Tôi nghĩ rằng ông không đến đây chỉ để thăm tôi và lâu đài của tôi.
Morane mỉm cười, lắc đầu:
– Thưa Đức Ông không… Tuy là tôi rất vinh hạnh được thấy mặt ngài, nhưng tôi đến đây vì những nguyên cớ trọng đại hơn nhiều. Mạng sống của hàng ngàn người, có thể của hàng triệu người phụ thuộc vào cuộc hội kiến của chúng ta đấy!
Lal Bhawannee nhảy nhổm:
– Hàng triệu người? Ông nói quá chăng thiếu tá? Nhưng hãy nói cho chính xác là chuyện gì đi đã.
Chàng người Pháp ngần ngại. Dầu sao thì ông Đại vương này đối với chàng cũng là người chưa quen biết, gửi thác chuyện mình cho ông ta thì đã khôn ngoan chưa? Nhưng dù sao chính Shedar Sing, người tin thành của thuyết bất bạo động đã khuyên chàng gặp bậc vương giả này thì chàng đành quyết định tin cậy. Chàng kể lại cho Đại vương nghe câu chuyện ở những điểm chính, bỏ bởt không nói gì dính líu tới các người bạn của mình là Lowbridge và Ballantine, để lỡ có xảy ra chuyện gì thì họ vẫn có thể tự do hoạt động. Chàng kể thật nhanh, tóm tắt mọi biến cố xảy ra từ sau cái chết của giáo sư Mainright: chuyện pho tượng thiêng, chuyện Osborne sau khi đánh cắp từ trong ngôi đền thiêng đã đem bán pho tượng cho nhà bác học, chuyện người Thug tái xuất, chuyện nước đại cường quốc châu Á nhờ âm mưu của Maimaitcheng và đồng bọn hy vọng sớm muộn gì cũng nhúng tay được vào nội tình Ấn Độ.
Bob kể xong thì Đại vương đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng. Sau cùng ông ta mới nhìn ngay mặt người khách:
– Thiếu tá Morane! Nếu tôi không lầm thì chính ông mang pho tượng đặt trả vào ngôi đền thiêng, và ông tính nhờ tôi giúp đỡ phải không?
Bob xác nhận:
– Tâu Đại vương, chính thế. Ngài giàu có, hùng mạnh, có quân đội. Nếu ngài bảo trợ, tôi có nhiều may mắn tới được ngôi đền.
Lal Bhawannee làm như không nghe những lời nói sau cùng của Morane. Ông ta tiến lại một khung cưa sổ ở cuối phòng, mở toang ra:
– Lại đây, thiếu tá Morane. Tôi muôn chỉ cho ông thấy đôi điều.
Bob đi theo Đại vương tới một bãi đất rộng có hàng rào lan can bằng đá, từ chỗ này có thể nhìn bao quát những dòng nước dài và rộng, cùng với những đảo có cầu bắc ngang, trên đó có những tòa nhà trông giống như bằng sứ và những ngôi đền bằng ngà chạm trổ đặt trên hòn giả sơn. Xa hơn là những hàng rào, những cây chà là cao xòe ra những tàn tá, và xa hơn nữa là miền đồng quê, nổi bật lên những cánh đồng, những đồi núi màu xám trên nền trời xanh. Lal Bhawannee đưa cánh tay chỉ một vòng khung cảnh đó, nói:
– Thấy không, thiếu tá Morane? Xưa kia tất cả những thứ đó thuộc quyền của tôi, kể cả những đất đai ở phía chân trời nữa. Tôi có hai trăm con voi, một quân đội hùng mạnh và hàng triệu thần dân. Rồi cách đây ít lâu, người Anh ra đi, chính phù Cộng hòa đã lấy đi phần lớn đất đai, và các thần dân của tôi trở thành công dân Cộng hòa. Trước kia chúng phải trả thuế cho tôi bây giờ chúng trả cho chính phủ Cộng hòa. Tất nhiên là tôi vẫn còn giàu có, giàu hơn là ông tưởng nữa. Nhưng của cải mà làm gì nếu không có uy quyền? Cũng như có con mắt mà không nhìn được vậy. Tôi luôn luôn mơ tưởng lấy lại được uy quyền cũ. Chính vì thế mà tôi sẽ không giúp đỡ ông đâu.
– Tâu Đại vương, tôi không hiểu. Tôi chẳng thấy việc ngài để mất uy quyền dính dáng gì đến sứ mạng của tôi.
Đại vương ngồi chênh vênh trên hàng lan can, nói:
– Ông sẽ hiểu thôi, thiếu tá ạ. Từ lâu rôi, tôi biết là có ngôi đền bí mật thờ thần Kâli ở trên núi mà ông thấy kia. Tôi cũng biết là trong ngôi đền có pho tượng thiêng mà người Anh đã chiếm đoạt từ thế kỷ trước Nếu tôi lấy được pho tượng bằng cách lén lút, tôi có thể gây ra sự phẫn nộ của các tín đồ Kâli, tạo nên những cuộc rối loạn trầm trọng ở khắp nước Ấn. Tôi cho ông biết ở toàn bán đảo Ấn Độ, chúng tôi gồm có khoảng năm trăm người, vừa Tiểu vương vừa Đại vương đã bị truất quyền. Nếu chúng tôi tu họp nhau lại dưới quyền chỉ huy chung, và nhờ vào những cuộc rối loạn gây ra vì pho tượng thiêng biến mất, thì chúng tôi có thể nổi dậy chống lại nền Cộng hòa và chiếm lại được những quyền hạn xưa. Nhưng làm sao lấy được pho tượng mà không bị các tín đồ Kâli nghi ngờ. Tôi là một nhân vật tai mắt ở Javhalpur, một hành động nhỏ nhặt của tôi cũng không thoát được tai mắt các tín đồ của vị Hắc thần cùng với thủ lãnh bí mật của họ. Vì thế tôi mới liên lạc với một người tên là Osborne, một anh chàng phiêu lưu vô lương tâm, giao cho hắn việc vào trong ngôi đền thiêng đánh cắp pho tượng. Để cho hắn tin, tôi đã trả trước cho hắn một món tiền rất lớn. Tôi dự tính khi nào hắn trở lại, pho tượng vào tay mình rồi, tới sẽ thủ tiêu hắn, loại bỏ một nhân chứng gây phiền phức cho mình. Nhưng có lẽ đoán được ý của tôi, lấy được pho tượng rồi, Osborne không trở lại Javhalpur nữa. Sau đó tôi nhận được một lá thư của hắn gửi từ Delhi, trong đó hắn cho biết đã hoàn tất sứ mạng, pho tượng đã nằm trong tay hắn, tôi đừng mong gì nghe nói đến nữa. Tôi tin rằng ngay sau khi viết lá thư, Osborne đã đi Calcutta để tôi không thể tìm ra vết tích của hắn. Sau cùng thì tôi cũng tìm ra nhưng đã quá trễ: Osborne đã đem bán pho tượng! Rồi một hôm nhân lúc rượu say, hắn huênh hoang là đã đánh cắp được pho tượng, thế là người Thug đã buộc vào cổ hắn một sợi dây thiêng. Chuyện của tôi chấm dứt nơi đây, đúng chỗ mà chuyện của ông bắt đầu.
Morane tưởng chừng như mình đã hóa đá, chàng tới đây là để yêu cầu Lal Bhawannee giúp đỡ, thì lại gặp một con người giống y như Maimaitcheng, cũng theo đuổi cùng một mục đích. Ông thần may rủi trớ trêu đã đưa ra thêm một kẻ thù mới cản trở bước đường của chàng.
– Thiếu tá Mortine. Bây giờ ông đã hiểu vì sao tôi không thể giúp đỡ ông rồi chứ? Hai hôm nữa sẽ là trăng rằm, các tín đồ Kâli sẽ tụ họp lại ngôi đền trên núi, các thủ lãnh của họ sẽ ban mật khẩu và các cuộc rối loạn sẽ nổ ra ngay. Từ trước đến giờ chỉ có vài vụ giết người lẻ tẻ, ngày mốt các kẻ thắt cổ người sẽ được tung ra khắp nơi để hoàn thành công việc khủng khiếp của họ. Chính phủ muốn bảo vệ người Hồi giáo, thế là cuộc nổi dậy mà chúng tôi mong đợi sẽ bùng nổ. Tôi phải gấp rút cho triệu tập các vương tước khác dưới lá cờ của tôi và bắt tay vào hành động. Sử sách sẽ gọi cái đó là: “Liên minh các vương tước”. Một cái tên hay ho đấy chứ: “Liên minh các vương tước”, phải không nào?
Morane không bao giờ ưa nổi những cá nhân mắc bệnh “tham vọng bá quyền”, vì thế chàng không kìm hãm nổi, tuyên bố:
– Này Đức Ông! Ông tưởng đâu những tham vọng của mình đều thành sự thật, chứ tối mai là pho tượng thiêng sẽ ở chỗ của nó trong ngôi đền bí mật, và cái “Liên minh các vương tước” sẽ chẳng thành được đâu. Thất bại của ông chính là do tôi gây ra đây này.
Đại vương bật ra một tiếng cười gằn:
– Thiếu tá Morane! Muốn cho pho tượng trở lại ở chỗ của nó trong ngôi đền thì ông phải làm sao cho sứ mạng của ông thành công. Nhưng việc đó không xảy ra được đâu. Tôi sẽ ngăn cản ông.
Lal Bhawannee đã thọc tay phải vào túi quần được một lúc, bây giờ đột nhiên hắn rút tay ra, trong tay là một khẩu súng lục tự động loại nhỏ, mạ kền. Nhưng Bob cũng nhanh chóng nhảy sang một bên tránh khẩu súng đồng thời nắm đấm tay phải của chàng lao tới, đáng mặt một võ sĩ quyền Anh nhà nghề, đập trúng vào cằm Đại vương.
Không để ý đến đối thủ té xuống, người lựa vào lan can, gần như bất tỉnh, Bob nhảy qua phòng khách, mở cửa, xô ngã hai lính gác mang dáo và chạy trốn theo ngã hành lang. Chàng chỉ muốn một điều là lợi đụng sự bất ngờ để ra được tới cửa tòa lâu đài. Một khi ra tới sân, chàng sẽ chạy thêm, nấp sau những tảng đá những lùm cây mà tìm đường ra ngoài cổng lớn. Hơn nữa, chàng còn một khẩu súng tự động loại lớn ở thắt lưng, chàng sẽ chẳng ngần ngại dùng đến nó.
Chàng đang chạy thì ở một chỗ hành lang giao nhau có một nhóm lính gác xuất hiện, đồng thời sau lưng chàng, Bob nghe tiếng Lal Bhawannee gào lên:
– Bắt lấy nó!… Bắt lấy nó!
Bob nghĩ thầm: “Chuyện nghiêm trọng rồi đầy”. Vừa tiếp tục chạy, chàng vừa rút khẩu colt ở thắt lưng ra, chĩa vào những người lính gác đang đứng cản đường. Rất nhanh, mấy người kia tách ra, nấp vào góc những hành lang kế cận. Morane mỉm cười: “Chỉ cần giơ ra một thỏi sắt, chúng cũng lủi như trạch”. Như giông gió, chàng chạy qua những lính gác, tràn trề hy vọng vì đã thấy cánh cửa ra vào ló ra ở đầu hành lang. Chẳng bao lâu chàng đã tới được chỗ cửa, sắp ra tới sân. Nhưng ngay lúc đó chàng loạng choạng, chân vướng phải một vật và chàng ngã ra đằng trước, nằm vật xuống. Thì ra lúc chàng chạy qua, một tên lính đã ném cây dáo của hắn vào giữa hai chân chàng.
Lúc sắp ngã xuống, Bob phải buông khẩu súng. Chàng chưa kịp lấy lại thì bọn lính gác đã nhào lên mình chàng, bắt chàng nằm yên.