Nền Giáo Dục Của Người Giàu

Kỹ năng thành công số 6



XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CỦA BẠN

(hay bản CV hoàn hảo hơn nữa)

Vào tháng Tám năm 2009, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành xuất bản mà tôi đã từng theo dõi, Debbie Stier (http://www.debbiestier.com), lúc đó là Phó Giám đốc Marketing Điện tử ở HarperCollins đăng một dòng với nội dung: “Có ai trong ngành xuất bản thuê cô gái này?”

Tò mò, tôi đã nhấp chuột vào đường link và đọc được thông tin về một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học có tên là Marian Schembari, người vừa làm một điều gì đó thực sự khác biệt.

Như nhiều sinh viên Mỹ thuật mới tốt nghiệp, Schembari ước mơ được làm việc trong một công ty xuất bản lớn. Và như nhiều sinh viên mới tốt nghiệp khác, cô cũng không đủ may mắn. “Tôi tốt nghiệp vào tháng Năm và đến giữa tháng Tám, tôi thực sự bắt đầu thấy nản lòng, bởi tôi vẫn chưa tìm được việc. Tôi đã ứng tuyển vào rất nhiều vị trí ở hầu hết các nhà xuất bản lớn và thậm chí cả những nhà xuất bản nhỏ ở New York. Cơ bản, tôi đang làm theo những gì trung tâm hướng nghiệp trường đại học hướng dẫn tôi. Tôi có một bản CV hoàn hảo. Tôi dành hai giờ để hoàn thiện thư xin việc và khiến nó thật hoàn hảo rồi gửi đi nhưng chẳng nhận được phản hồi nào cả. Tất cả những gì mọi người chỉ bảo tôi để tìm được việc chẳng có tác dụng gì. Tôi như sa xuống chiếc hố tử thần với hàng nghìn người tìm việc. Tôi ứng tuyển cho vị trí trong một công ty xuất bản nhỏ và nhân viên nhân sự ở đây nói rằng họ đã nhận được 500 đơn xin việc. “Đó không phải là công việc tuyệt vời nhất, đồng lương cũng chẳng ra gì nhưng có đến hàng trăm người “đấu đá” nhau để có được nó,” cô ấy nói với tôi.

Marian đã thử một cách khác.

Cô ấy đăng một quảng cáo giá 100 đô-la trên facebook với dòng tít: Tôi muốn làm việc cho HarperCollins. Đây là công ty có mục tiêu hướng đến khách hàng và là một trong sáu nhà tuyển dụng hàng đầu New York trong ngành xuất bản.

Debbie Stier, người đang làm việc cho HarperCollins lúc đó, đã nhìn thấy quảng cáo của Marian hiện trên trang Facebook của mình và đăng một dòng cập nhật khen ngợi ý tưởng và kỹ năng của Marian. Hiện nay, nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học này là một trong những người được ngưỡng mộ nhất trong ngành xuất bản Mỹ, khích lệ các đồng nghiệp khác cùng ngành tuyển dụng. Ý tưởng xin việc của cô đã truyền đi rất nhanh trong ngành xuất bản. Sau này, Marian viết trên blog của mình rằng: “Đã có ít nhất một người trong số tất cả các nhà xuất bản tôi ứng tuyển vào gửi email cho tôi để thông báo rằng họ đã chuyển CV của tôi cho phòng Nhân sự và muốn gặp tôi hoặc thậm chí chỉ để nói rằng họ thích ý tưởng của tôi.”

Ấn tượng với ý tưởng và sự sáng tạo của nữ sinh mới ra trường này, tôi đã chủ động viết email cho cô ấy:

Tôi có một gợi ý dành cho bạn. Bạn có thể rút ra cho bản thân mình một lời khuyên nào đó từ đây:

Tại sao lại cần tìm kiếm nhà tuyển dụng? Với động lực, ý tưởng và tài năng, bạn hoàn toàn có thể thành công với vai trò một tư vấn xuất bản tự do.

Đến nay, tôi đã có ba năm làm việc tự do rất thoải mái. Hiện tại, tôi đang kiếm được nhiều tiền hơn việc dành khoảng thời gian đó cố gắng tiến thân từ một vị trí trong nhà xuất bản.

Tôi đã làm tất cả những điều này trong khi làm việc ở NYC, sống thoải mái ở Brooklyn, chọn dự án mà tôi thích và làm việc trên máy tính ở bất cứ đâu (tôi dành 5 tháng vào năm 2007 làm công việc này trong khi nhấm nháp cà phê latte trong các quán cà phê có wifi ở Buenos Airlines!)

Bạn có động lực. Bạn có tài năng, Bạn hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì cho mình. Ý tôi là, hãy thoát khỏi tư duy lối mòn. Bạn không cần bất cứ nhà xuất bản nào trả cho bạn 35.000 đô-la khi bạn có thể kiếm nhiều hơn thế bằng chính tài năng của mình.

Hiếm ai có quan điểm dám nghĩ dám làm mà bạn đang có và bạn có thể tiến xa hơn đến bất cứ đâu bạn muốn.

Marina đã viết thư lại cảm ơn về lời gợi ý của tôi nhưng nói rằng cô ấy sẽ chấp nhận công việc mới mà cô có được nhờ những ồn ào lây lan đến chóng mặt xung quanh chiến lược “quảng cáo” bản thân qua Facebook. Đó là vị trí trong một công ty PR xuất bản lớn trong thành phố (một công việc mà hầu hết bất cứ sinh viên Mỹ thuật nào muốn gia nhập ngành xuất bản tại thành phố New York đều phải ghen tị.)

Tuy nhiên, sau một vài tháng được nếm trải công việc hành chính, ý nghĩ “làm–tự–do” gặm nhấm cô. Cô muốn tự làm ăn và một lần nữa viết thư cho tôi hỏi xin lời khuyên. Tôi bắt đầu tư vấn cho cô ấy về cách chuyển sang làm tư vấn tự do. Cô ấy đã thực hiện một cú nhảy việc ngoạn mục, từ bỏ công việc thoải mái và an toàn và bắt đầu thực hiện vài vụ tư vấn truyền thông xã hội tự do có được thông qua Debbie Stier.

Một năm rưỡi sau khi chuyển sang làm tự do, hai năm sau khi rời trường, khi tôi viết cuốn sách này, Schembari đã tự tạo ra được một blog về xuất bản sống động, được nhiều người biết đến và nhận được khoảng hơn 50 nhận xét mỗi lần cô ấy đăng bài, thu hút được hàng ngàn người theo dõi trên Twitter và trả lời những dòng cập nhật của cô ấy thường xuyên. Chúng cũng được trích dẫn trên ABC News, CNN và Times như lời của một chuyên gia về mạng lưới trên MSN, thậm chí cô còn xuất hiện trong danh sách “thế hệ lãnh đạo tương lai của ngành xuất bản.” (Thử nghĩ xem liệu cô ấy có cơ hội nhận được sự công nhận đó trong vòng một năm nếu cứ làm công việc toàn thời gian ở một nhà xuất bản?)

Nhờ cái tên nổi như cồn nên nhu cầu đối với các dịch vụ của cô ấy cũng tăng lên đáng kể và hiện cô đang được trả 100 đô-la/giờ tư vấn. Tất cả những điều này diễn ra trong cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất sau Đại Khủng hoảng.

Marina chắc chắn đang kiếm được nhiều hơn các bạn đồng môn của mình. “Tôi nghĩ một bạn học của tôi có công việc chính thức, còn những người còn lại đang chật vật tìm việc làm hoặc làm tạm các công việc bán thời gian khác. Người bạn có công việc chính thức này nhận được hàng tá giải thưởng và huy chương, anh ấy rất thông minh. Anh ấy làm việc cho Starbucks vì chẳng kiếm được công việc nào khác.”

Ngoài công việc tự do, qua Internet và Skype cô ấy có thể phân bổ thời gian và công việc hợp lý giữa London, New Zealand và New York, Marian cũng bán một khóa học trực tuyến có tên là “Pajama Job Hunt” (Tạm dịch: Săn việc làm) để những người khác có thể thành công như cô nhờ sử dụng mạng xã hội và thương hiệu cá nhân để tìm việc.

Marian khuyên các sinh viên mới tốt nghiệp rằng: “Mỗi ngành nghề đều có khoảng 20 blog hàng đầu và những người ảnh hưởng trực tuyến. Bạn cần tham gia vào thế giới ảo để kết nối với họ, đọc mọi thứ có thể và viết suy nghĩ của mình vào đó. Giả sử bạn muốn tham gia vào lĩnh vực phi lợi nhuận, bạn sẽ tìm kiếm từ khóa “các tổ chức phi lợi nhuận trên Twitter” và chắc chắn bạn sẽ tìm được ai đó đã lập nên danh sách “25 tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu trên Twitter” hoặc các bệnh viện hoặc các công ty quảng cáo hàng đầu nào đó. Cho dù bạn muốn gia nhập ngành nghề nào đi chăng nữa, đều có một cộng đồng những người như vậy trên Twitter. Những người này thường xuất hiện theo mạng lưới, vì thế đừng bỏ lỡ cơ hội kết bạn với họ. Ý tôi là việc này không hề khó khăn. Lập hồ sơ trên Twitter và bắt đầu gia nhập các cộng đồng liên quan đến ngành nghề hoặc chuyên môn của bạn, bạn sẽ được mọi người trong cộng đồng đó biết đến và tìm được việc dễ dàng hơn.

“Bỏ qua tư vấn hướng nghiệp và không nên tập trung thái quá vào bản CV, bạn có thể chuẩn bị một CV hoàn chỉnh theo yêu cầu của các nhà tuyển dụng nhưng đừng quá công phu. Hãy lập một bản CV trực tuyến. Mạng xã hội như Facebook nhằm mục đích kết nối bạn bè và đăng những shot hình của bạn nhưng bạn có thể tận dụng tính năng của nó nhiều hơn thế.”

Tóm lại, thành công của Marian không phụ thuộc vào sự thật rằng cô ấy có bằng đại học, có một bản CV hoàn hảo và bất cứ điều gì cô ấy được học ở trường. Nó phụ thuộc vào sự hiểu biết của cô ấy trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

Định nghĩa thương hiệu trong một câu

Có lẽ không từ đơn nào trong tiếng Anh lại mang đến nhiều hình ảnh màu sắc đa chiều và đa nghĩa như từ “thương hiệu” (brand). Nếu muốn, bạn có thể dành thời gian trong một thư viện toàn sách để tìm hiểu về khái niệm này và bạn có thể đầu tư 25.000, 100.000 thậm chí là hàng triệu đô-la để một cố vấn tài năng nào đó “tạo thương hiệu” cho bạn, một từ vừa là động từ vừa là danh từ.

Tôi sẽ tóm lược tất cả những ý dài dòng trên để đưa ra một định nghĩa được gói gọn trong một câu về từ này:

Thương hiệu của bạn là những gì mọi người nghĩ đến khi nghe thấy tên bạn.

Quả thực, tôi vừa tiết kiệm được 10 nghìn đô-la thuê “cố vấn thương hiệu” và nhiều năm nghiền ngẫm nhiều cuốn sách thời thượng tràn ngập những thông tin mập mờ về “thúc đẩy thương hiệu”.

Và nếu mọi người nghĩ “đáng tin, tự tin, thông minh, hài hước, có chí tiến thủ, hiểu biết” khi nghe đến tên bạn thì đó là thương hiệu của bạn.

Nếu mọi người nghĩ đến “kẻ thất bại đang tìm chỗ đứng trên thương trường” khi nghe thấy tên bạn thì đó là thương hiệu của bạn.

Nếu mọi người chẳng nghĩ đến điều gì khi nghe thấy tên bạn, bạn không hề có thương hiệu.

Và, các bạn thân mến, đó là cả một vấn đề. Bởi thương hiệu của bạn là một trong những tài sản lớn nhất và trong hầu hết các trường hợp, nó còn quan trọng hơn cả bản CV của bạn. Thương hiệu càng lớn, bản CV sẽ không thành vấn đề. Ngược lại, nếu bản CV hoàn hảo nhưng bạn lại chẳng có thương hiệu thì vị trí 347 trên 500 bản CV hoàn hảo chắc chắn dành cho bạn!

Thương hiệu của bạn sẽ cho phép bạn kiếm khá tiền với thời gian và tầm nhìn của mình giống như Marina. Nó mở ra nhiều cơ hội trong sự nghiệp của bạn và thật khó tưởng tượng nếu bạn không có thương hiệu. Những người học đại học thường dành phần lớn thời gian để làm CV và vài năm sau bổ sung thêm để hoàn chỉnh hơn nữa bản CV đó, nhưng họ lại không quan tâm đầu tư thời gian xây dựng danh tiếng. Đó là một sai lầm vô cùng lớn về việc đầu tư thời gian, tiền bạc và chú ý sai chỗ.

Dựa trên cơ sở này, Seth Goldin nói với tôi: “Nếu anh quyết định rời trường thay vì hoàn thành chương trình học, hãy quyết định tự học cái gì đó mà anh nghĩ là quan trọng – đó là câu chuyện của anh. Ai cũng cần một câu chuyện để tìm được việc. Ở bìa sau cuốn sách của anh The power of eye contact (Tạm dịch: Sức mạnh của giao tiếp bằng ánh mắt) có đề cập đến thông tin anh học tại Đại học Brown. Đó là câu chuyện của anh. Câu chuyện của anh có thể là anh có blog được nhiều người biết đến nhất viết về độ an toàn trên máy bay. Và nếu đã có được như vậy, anh sẽ tìm được một công việc PR về sự an toàn trên máy bay, đó thực sự là câu chuyện tuyệt vời. Câu chuyện đó hay hơn nhiều câu chuyện anh đi học tại Đại học Brown.”

Khi Seth nói đến vấn đề cuối cùng, về sự an toàn trên máy bay, tôi đã há hốc miệng vì kinh ngạc. Tôi thực sự biết tác giả của blog viết về độ an toàn trên máy bay được nhiều người biết đến nhất. Cô ấy là phóng viên hàng không cao cấp của tạp chí New York Times. Cô ấy đã viết một cuốn sách về sự an toàn trên máy bay cho nhà xuất bản HarperCollins và đang viết dở một cuốn sách khác về chủ đề này. Cô ấy là Giám đốc Điều tra của Kreinder & Kreinder, một hãng luật vận tải hàng đầu, từ năm 2001 đến năm 2008.

Cô ấy là mẹ của Marian Schembari, Christine Negroni (http://www.christinenegroni.com). Và bạn thử đoán xem? Cô ấy không có bằng đại học, chỉ học một trường cao đẳng không mấy danh tiếng. Sau khi làm việc ở một đài truyền hình suốt mùa hè năm thứ nhất, cô thích thú với công việc này nhiều đến mức không quay lại trường học nữa. Cô kiếm sống bằng việc đưa tin về hàng không cho CNN, thậm chí trở thành một phóng viên hàng không cốt cán và sự nghiệp khởi sắc từ đó.

Tôi hỏi Seth xem anh có biết Christine không nhưng anh hoàn toàn không biết. Khi đưa ra ví dụ của mình, anh đã tưởng tượng ra câu chuyện đời thực của cô ấy thật bất ngờ. Cô ấy đã xây dựng nên một thương hiệu nổi tiếng cho chính mình như là một chuyên gia an toàn hàng không từ hai bàn tay trắng mà không có bằng cấp nào. Dường như Marian giữ một vai trong cuốn sách cuộc đời của mẹ mình!

Seth tiếp tục câu chuyện còn dang dở: “Giả sử anh được nhận vào học tại Harvard nhưng không đi. Đó là một câu chuyện tuyệt vời hơn việc anh được nhận vào Harvard và tiếp tục theo học – một câu chuyện tầm thường và tiêu tốn của anh ít nhất 4 năm.” Tôi tưởng tượng một bạn trẻ nào đó gửi một bản sao lá thư mời nhập học ở Harvard, cùng với một bản sao lá thư từ chối học và nói với một nhà tuyển dụng tiềm năng nào đó rằng: “Đây là những gì mà tôi đã làm trong suốt bốn năm qua thay vì đi học. Tôi có trí tuệ để có thể vào học ở Harvard và có năng lực để tự có được “nền giáo dục chất lượng như Harvard” và tư duy vượt ra khỏi lối mòn. Hãy thuê tôi.” Thử nghĩ xem, một số nhà tuyển dụng có tầm nhìn xa trông rộng sẽ thấy tò mò đến mức nào?

“Những câu chuyện như thế có ở khắp nơi,” Seth tiếp tục.

Chúng ta sợ, xấu hổ khi không có những câu chuyện mang thương hiệu và cá tính cá nhân để kể cho mọi người. Tôi từng đăng một dòng blog gây tranh cãi với nội dung “Tại sao CV lại gây phiền nhiễu?” Lý do bạn không nên có CV đó là bất cứ công việc nào bạn có được nhờ bản CV đẹp có thể không phải là công việc bạn mong muốn.”

Godin đăng trên blog:

Tôi nghĩ nếu bạn đặc biệt, đáng ngạc nhiên hay có khả năng thu hút mọi người, bạn không nên có CV làm gì cả…

Nếu không có bản CV, bạn có gì?

Thế những lá thư giới thiệu hấp dẫn từ những người mà nhà tuyển dụng biết và tôn trọng thì sao?

Hoặc một dự án hấp dẫn mà họ có thể thấy hoặc biết đến?

Hoặc chút tiếng tăm có lợi cho bạn?

Hoặc một blog hấp dẫn và sâu sắc khiến họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc quan sát tiếp?

Một số người có thể nói rằng: “Ồ được đấy, nhưng tôi chẳng có thứ nào trong những thứ này.”

Chính xác, đó là điều tôi muốn nói đến. Nếu bạn không có những thứ này, tại sao bạn nghĩ mình đặc biệt, đáng ngạc nhiên hay có khả năng thu hút mọi người? Tôi thấy có vẻ như nếu bạn không có những điều trên, bạn hãy quên hết những điều vừa đọc và hành động như một người bình thường.

Những công việc hấp dẫn, đẳng cấp thế giới hoặc những công việc mọi người phải nỗ lực sống chết có được là những công việc không có được bằng việc gửi một bản CV qua email.

Nếu là tôi, tôi sẽ để mọi người đánh giá xem tôi có “đặc biệt” không, nhưng tôi chắc chắn rằng từ đầu năm 2007, không có đồng nào trong thu nhập của tôi có được từ việc cho người khác thấy bản CV của mình. Tất cả công việc của tôi trong bốn năm qua, với tư cách là một tác giả và người làm việc tự do, đều đến từ những lời giới thiệu cá nhân và các kết quả và dự án thực sự, đó là tất cả thương hiệu cá nhân mà tôi nuôi dưỡng được.

Bạn không hình thành được những phẩm chất này ở trường đại học hoặc trung học, nhưng bạn có thể phát triển chúng bằng những trải nghiệm thực tế. Đó là thương hiệu của bạn. Hãy tạo ra trải nghiệm, marketing trải nghiệm và dẫn đầu trải nghiệm. Hãy chắc chắn những trải nghiệm tốt đẹp đó được cập nhật trên Google để các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng tiềm năng có thể tìm thấy được bạn. Có như vậy, ấn tượng thương hiệu mà được tạo ra sẽ là “Gã quái quỷ này đã làm được rồi,” hay đơn giản là “Ồ!”

Maria Andros – Tầm quan trọng của việc xây dựng tên bạn như một thương hiệu

Maria Andros, người không có bằng đại học đã bắt đầu sự nghiệp ở vị trí một nhân viên trang điểm chuyên nghiệp. Cô ấy bắt đầu làm việc cho một vài công ty trang điểm lớn ở Vancouver, trang điểm cho một số buổi chụp hình và chiến dịch công khai của họ. Cô ấy thậm chí còn gia nhập vào một số hoạt động đoàn thể của các công ty này và sau đó trở thành đối tác thu mua cho một công ty bán lẻ hàng may mặc lớn. Mặc dù đã đạt được những bước đầu thăng tiến trong tổ chức, nhưng cô ấy bắt đầu có cảm giác nhàm chán và quen thuộc như nhiều người làm việc cho các công ty lớn khác, chỉ là một bánh răng thuộc một cỗ máy.

“Tôi làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày và chỉ kiếm được khoảng 50.000 đô-la Canada. Tôi đã rất mệt mỏi và thực sự chán nản bởi không được công ty trọng dụng. Tôi gần như đánh mất đam mê và cảm thấy bế tắc. Tôi cảm thấy mỗi ngày đều là Ngày Chuột chũi (Groundhog Day).

“Buổi sáng sau khi thức dậy, bạn đánh răng, rửa mặt, vào bếp và chuẩn bị bữa sáng. Bạn lái xe đến nơi làm việc. Bạn chờ đến giờ giải lao buổi sáng rồi đến bữa trưa và về nhà lúc tan tầm. Bạn mệt mỏi và chẳng muốn nói chuyện với vợ/chồng hoặc bạn bè. Bạn vào máy tính nhưng chỉ ngồi lặng thinh và lướt web. Rồi bạn đi ngủ và ngày hôm sau lặp lại y như ngày hôm truớc. Đó là cuộc sống của tôi. Tôi biết mình phải thay đổi, phải làm điều gì đó. Tôi không biết sẽ làm như thế nào và làm gì nhưng chắc chắn phải làm gì đó.”

Năm 2006, Marina lên mạng để xem mình có ý tưởng gì thay thế cho cuộc sống buồn tẻ hiện tại không. Cô thấy trên YouTube, nhiều người tạo ra những video giá rẻ về chính họ và hầu hết chúng giống như các chương trình truyền hình về chính họ vậy. Cô ấy đã từng được lên truyền hình trước đây nhờ những câu chuyện liên quan đến trang điểm và cảm thấy tương lai của mình nằm ở khả năng xây dựng thương hiệu trực tuyến cho bản thân.

Từ chiếc máy ảnh kỹ thuật số của mình, cô ấy bắt đầu tải lên các video đơn giản về cách học hỏi về kinh doanh, cách tạo ra một cuộc sống mới cho chính mình, “blog video” về hành trình tìm kiếm, thực hiện, chia sẻ các bí quyết và những mẹo nhỏ trong cuộc sống mà cô học được. Cô tạo ra một kênh YouTube cho chính mình, một blog (được chạy trên WordPress của Matt) và bắt đầu lan truyền thông tin thông qua blog và Facebook. Cô ấy tìm hiểu về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và bắt đầu tối ưu hóa tựa đề và bản mô tả cho các video của mình để thu hút sự quan tâm của những người tìm kiếm các chủ đề liên quan đến doanh nhân, tự kinh doanh, phát triển sự nghiệp và mạng xã hội.

Ngay sau đó, cô ấy đã tự tìm ra một mạng lưới phát triển trực tuyến. Một vài người đã đề nghị cô ấy hướng dẫn họ về marketing qua video cho họ, thu hút được khách hàng và bắt đầu kiếm được tiền.

Maria bắt đầu thu hút được sự chú ý của một số blogger và các website lớn hơn. “Tôi đến các sự kiện và hội thảo để trình bày và những người có mặt tại đó bao gồm cả các diễn giả đều biết đến sự có mặt của video và mạng xã hội của tôi. Rất nhiều trong số họ biết tôi là ai thậm chí trước cả khi tôi gặp họ.”

Xây dựng thương hiệu cho chính mình giúp mọi người biết đến bạn, có ấn tượng tốt đẹp trước cả khi họ gặp bạn. Nếu bạn có thể tạo ra ảnh hưởng đó, các cơ hội sẽ xuất hiện.

Hiện nay, Maria Andros được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng thương hiệu và kinh doanh thông qua video trực tuyến. Cô ấy đã bỏ việc và hiện đang marketing các dịch vụ của mình (http://www.mariaandros.com) và kiếm được thu nhập 6 con số với thời gian làm việc tự do và linh hoạt.

Rất nhiều người thắc mắc là khi đầu tư xây dựng thương hiệu cho chính mình, liệu thương hiệu nên mang tên chính họ hay nên đưa ra một cái tên phù hợp với nền công nghiệp/thị trường/lĩnh vực mà họ đang làm việc. Maria trả lời thẳng thắn rằng nếu đang đi làm thuê hay sở hữu một công ty, bạn luôn nên xây dựng thương hiệu bằng chính cái tên của mình. “Cho dù đang làm thuê đi chăng nữa, bạn vẫn cần phải marketing chính bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn đăng ký được website tên của bạn.com. Nếu nó đã tồn tại, bạn có thể thay đổi sáng tạo cho tên website đó, nhưng chắc chắn bạn phải dựng được “nhà” cho thương hiệu của mình trên Internet, để biến nó thành nơi gặp mặt, trao đổi thông qua blog, YouTube, Twitter, Facebook và LinkedIn.

Tôi đã thấy nhiều người sai lầm khi cố gắng tạo ra thương hiệu cho một loại khái niệm hay phân khúc thị trường nào đó, thay vì tên của chính họ. Ví dụ, nếu họ đang xây dựng sự nghiệp trong ngành điện tử viễn thông, họ sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu nghe có vẻ chung chung như “Telecom Insider”. Bạn thử so sánh xem nó chuyên nghiệp hơn, đưa ra các từ khóa tốt hơn hay tối ưu hóa công cụ tìm kiếm hơn.

Trừ trường hợp bạn đưa ra một thương hiệu hấp dẫn hơn nhiều so với tên của chính mình, hay lên kế hoạch xây dựng một công ty rồi bán đi, việc chọn lựa tên website không liên quan đến tên của bạn đều là một sai lầm. Mọi người quan tâm nhiều đến cá nhân hơn là quan tâm đến các công ty hay các đường dẫn URL. Các công ty, phân khúc thị trường và các từ khóa có thể đến rồi đi nhưng thương hiệu cá nhân thì sẽ gắn bó với bạn suốt đời.

Thông điệp cá nhân tuyệt vời nhất mà tôi từng tìm hiểu nằm trong cuốn sách The Brand called You (Tạm dịch: Thương hiệu mang tên bạn) của Peter Montoya, nó liên quan trực tiếp đến quan điểm của Maria:

Nếu bạn được yêu cầu đặt tên thương hiệu cá nhân của mình theo quy định của Tập đoàn đầu tư Alliance Capital hay Tập đoàn Thiết kế và Marketing Thinkwell hay một tổ chức khác, hãy chú ý thêm chút nữa.

Bạn phải đặt tên thương hiệu bằng tên của bạn. Không ai gọi đến để nói chuyện với Alliance Capital, họ sẽ gọi để nói chuyện với bạn. Không ai nhắc đến Thinkwell, họ sẽ đưa tên và số điện thoại của bạn cho những đồng nghiệp cần quảng cáo. Bạn là người tạo ra giá trị chứ không phải tên của công ty bạn. Lý do duy nhất để bạn chọn cái tên ngớ ngẩn đó là để mọi người nghĩ rằng công ty của bạn quy mô hơn thực tế. Nhưng hãy tin tôi, bạn không cần lừa dối ai cả…

Bạn vẫn còn nghi ngờ? Hãy thử một bài luyện tập đơn giản. Trên một mẩu giấy, hãy viết ra 15 đến 20 thương hiệu lớn… Nếu bạn giống tôi, bạn có thể liệt kê một danh sách như thế này:

Ferragamo

Versace

Mercedes-Benz

Dom Pérignon

Rolex

Rolls-Royce

Prada

Riedel

Kohler

Lauren

Bang & Olufsen

BMW

Bentley

Yves Saint Laurent

L’Oréal

Cartier

Armani

Hãy quan sát danh sách của bạn. Có bao nhiêu thương hiệu nổi tiếng trong đó là tên riêng của ai đó? Trong danh sách của tôi, chỉ có Rolex BMW không phải là tên riêng. Những cái tên khác đều là tên người thành lập, phát triển doanh nghiệp qua thời gian, tạo ra danh tiếng và thương hiệu cá nhân bền vững với thời gian.

Tên của Maria Andros đã mở thêm nhiều cơ hội trên Internet, trong kinh doanh và các cơ hội sự nghiệp cho chính mình. Cô ấy không còn là một mắt xích hay một bánh răng trong một cỗ máy, cô ấy là một thương hiệu. Cô ấy có được nó bằng việc làm nên những điều tuyệt vời trong lĩnh vực của mình và tiếp đến là tạo ra một hồ sơ tìm kiếm trên Google về những thành tựu này thông qua các cộng đồng mạng xã hội đa dạng. Cô ấy đã làm tất cả những điều này thay vì tạo ra một bản CV hoàn hảo.

Google là một bản CV mới trong thế kỷ XXI. CV của bạn như thế nào?

Robert Scoble và công việc vĩ đại nhất hành tinh

Robert tốt nghiệp trung học vào đầu những năm 1980 và làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng bán đồ điện tử. “Tôi tham dự học tại Đại học West Valley ở Santoga (Thung lũng Silicon), cố gắng tìm hiểu xem mình muốn làm gì trong suốt phần đời còn lại,” anh ấy nói với tôi. Giống như phần lớn những người trong cuốn sách này, anh ấy đã tự lập từ rất sớm, kiếm được khoảng 27.000 đô-la mỗi năm và sống một cuộc đời bình dân.

Sau nhiều năm lăn lộn với một cuộc sống như vậy, năm 1991, Robert bắt đầu học báo ảnh ở San José State. Anh phụ trách chuyên mục “Spartan Nerd” trên tờ báo trường và được tạp chí Chương trình máy tính ở thung lũng Silicon chú ý đến. Năm 1994, khi anh đang học năm cuối đại học, tạp chí này đã mời anh về làm việc. Giống như Matt Mullengweg, nhờ những ý tưởng của mình, Robert đã được mời làm công việc mà anh mong muốn trước cả khi nhận được bằng đại học. Anh đã bỏ học để đi làm, “trong vòng một năm, tôi ngồi ở hàng trước cùng kỹ sư then chốt của Bill Gate, gặp gỡ tất cả những người thú vị và tổ chức các cuộc hội thảo.”

Tháng 12 năm 2000, “tôi đang cố gắng tìm kiếm những điều mới mẻ cho các hội nghị, hội thảo sắp tới. Tôi đang nói chuyện với 50 đến 60 diễn giả về vấn đề ‘Chúng ta nên cải tổ các hoạt động như thế nào để chúng mới mẻ hơn năm trước?’ Hai trong số những diễn giả nói rằng bằng cách thông qua “blog”. Tôi không nghĩ thực hiện điều đó lại hiệu quả. Tôi tìm kiếm trên Google, cho ra kết quả chỉ có 200 blog trên thế giới. Tôi tò mò bắt tay vào thực hiện một chương trình theo gợi ý. Tôi không nhận ra đây là một công nghệ đột phá ăn theo Google, Google càng phát triển thì blog cũng phát triển. Tôi càng tận dụng nó thì lượng người theo dõi blog của tôi càng tăng lên. Sếp tôi phát hoảng với những gì tôi đang làm với cái thứ blog quái quỷ đó và ông ấy gần như sa thải tôi. Cuối cùng, tôi cũng nghỉ việc vào năm 2001, bởi tôi phát ốm với việc sếp tôi can thiệp quá nhiều vào việc tôi sử dụng blog.”

Robert có thể bỏ việc và dễ dàng tìm một công việc khác bởi anh ấy đã có danh tiếng trong cộng đồng mạng nhờ blog của mình, http://scobleizer.com (hiện nay được chạy trên chương trình của WordPress). “NEC đã thuê tôi về làm việc tại Phòng Kinh doanh, phần lớn nhờ blog của tôi. Khi tôi phỏng vấn, họ đã đặt một tệp in bài đăng từ blog của tôi ở trên bàn.”

Nhờ công việc ở NEC, Robert được mời tới cuộc họp “Những chuyên gia danh giá nhất” trong số các khách hàng hàng đầu tại Microsoft. Trong cuộc họp này, một người đã đứng trước CEO Steve Ballmer và nói công khai trước toàn thể mọi người rằng: “Ngài cần tạo ra một hình ảnh tốt đẹp hơn cho Microsoft.”

Ballmer đáp lại: “Tôi sẽ tặng một tờ đô-la cho ai trong căn phòng này có thể đưa ra một ý tưởng ngay bây giờ.”

Robert đứng lên và nói: “Tạo ra hình ảnh thân thiện hơn về công ty.” Anh ấy giải thích cách làm, đưa ra cả một chiến lược cho blog của công ty trước khi khái niệm về “blog doanh nghiệp” tồn tại.

Ballmer nói: “Thật là một ý tưởng tuyệt vời” và lấy ra một tờ đô-la, ký tên và tặng nó cho Robert. Nhưng Robert đã nhận được nhiều hơn giá trị của tờ đô-la và chữ ký của vị CEO đó.

Vài tháng sau, Robert nhận được cuộc điện thoại từ một chuyên viên cao cấp của Microsoft cũng có mặt trong cuộc họp đó. Ông ấy nói với Robert: “Anh đang làm được một điều ở NEC mà tôi chưa từng thấy một nhà cung cấp nào làm được là bước ra ngoài để nói chuyện với mọi người, viết blog và mở rộng quan hệ. Tôi muốn anh đến Microsoft và hướng dẫn chúng tôi cách làm điều đó.”

Robert đã phỏng vấn hơn 500 người ở Microsoft, từ người bảo vệ đến Bill Gates (một người bỏ học đại học), viết blog về các hoạt động của công ty với quan điểm của một nhân viên công ty. Nhận ra những hạn chế trong blog của mình, anh đã nghỉ việc vào năm 2006. Chẳng mấy người có được công việc hành chính tự do lại chọn bỏ việc, nhưng cũng giống như quyền có thương hiệu cá nhân tuyệt vời, bạn tự quyết định con đường đi của chính mình. Anh ấy nhanh chóng có được một công việc tại công ty podcast mới thành lập, tiếp đến được Fast Company mời về làm và hiện tại đang làm việc cho Rackspace (http://www.tackspace.com), một công ty quản lý Web lớn nhất thế giới.

Tôi hỏi xem công việc của anh là gì. “Tôi là nhân viên quan hệ công chúng của Rackspace ở Thung lũng này. Công ty có trụ sở ở Texas, vì thế các chuyên viên cao cấp không ở đây mỗi tối. Tôi là đại sứ và là người kết nối thay họ. Tôi tham gia rất nhiều sự kiện, hội thảo và các buổi tiệc nên biết hầu hết các phóng viên công nghệ trên thế giới và xây dựng được các mối quan hệ với giới báo chí. Nếu chúng tôi có một cuộc họp báo, tôi biết cần mời ai. Tôi cũng đi vòng quanh thế giới và phỏng vấn các doanh nghiệp mới khởi nghiệp hàng đầu. Tôi biết hiện trạng của ngành công nghiệp đó và báo cáo với các chuyên viên cao cấp: ‘Các anh nên đầu tư vào lĩnh vực này.’” Nếu Robert muốn đi đâu đó để theo đuổi một vụ đầu tư quan trọng cho công ty, anh ấy cứ đi. “Tôi thậm chí không phải xin phê duyệt từ ai. Tuần tới, tôi sẽ đi Davos.”

Nghe có vẻ đây là công việc đáng mơ ước của bất kỳ ai. Không có nhiều người làm việc trong một tổ chức mà được đi bất cứ đâu, đến bất cứ sự kiện nào và nói chuyện với bất cứ ai mình muốn vào bất cứ khi nào. Lý do là vì không có nhiều người đủ đam mê, nhiệt huyết và kiên trì xây dựng thương hiệu cá nhân và mạng lưới như Robert. Anh ấy trở thành một trong những blogger công nghệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới và sống một cuộc sống trọn vẹn theo đúng nghĩa.

Tôi hỏi Robert liệu anh ấy có từng nghĩ đến việc tiếp tục học và nhận bằng đại học không? Anh ấy đã bật cười. “Tôi luôn đùa rằng nếu tôi có bằng báo chí, lương của tôi sẽ giảm đi mất. Bởi bằng báo chí chẳng có giá trị gì.”

Lời khuyên về sự nghiệp của anh ấy là gì? Tạo dựng thương hiệu dựa trên những nền tảng mới, truyền thông và các mạng xã hội, những thương hiệu đã tồn tại, hay thậm chí là chưa có ý tưởng gì có thể bất chợt xuất hiện.

“HuffingtonPost.com, 5 năm trước đây chưa từng xuất hiện. TechCrunch không tồn tại cách đây 5 năm. 6 năm trước đây, YouTube và Facebook chưa ra đời. Twitter cũng vậy. Đó chính là thế giới chúng ta đang sống. Tại sao bạn không tạo ra một trang LinkedIn thay vì xem TV cả tối? Những đứa trẻ thông minh nhất ngày nay cũng biết cách tạo ra mạng lưới có lợi cho chúng.” Robert tin rằng thời gian dành để xây dựng thương hiệu cá nhân và mạng lưới online là một trong những việc quan trọng đáng thực hiện nhất bởi nó mang lại cho bạn nhiều cơ hội hiếm có.

Anh ấy nói đã tìm ra tôi qua Google ngay sau khi tôi gửi email hẹn phỏng vấn. “Trong vòng vài phút, tôi đã hiểu đôi chút về anh và tầm ảnh hưởng anh có trong lĩnh vực nào. Tôi biết cách kéo anh vào mạng lưới của mình. Tôi biết mạng lưới của anh và những người anh đang kết nối.” May mắn thay, tôi đã làm theo những gì mình cho là đúng đắn và xây dựng được hồ sơ online trên chính trang của mình nhờ vào WordPress cùng với Facebook, Twitter và LinkedIn.

Danielle Laporte – mở rộng con đường đến thành công

Trong những năm cuối tuổi 20, Danielle LaPorte thấy mình đang chung tình cảnh của rất nhiều thanh niên tuổi 20 khác với tấm bằng đại học trong tay: Đổ vỡ và thất vọng tràn trề. Cô ấy đã quay lại Canada sau một thời gian làm việc tại Mỹ sau sự sụp đổ của cơn sốt dot.com. “Tôi trắng tay hoàn toàn. Tôi hoàn toàn tiều tụy. Tôi chán nản đến mức mặc một bộ pyjama trong sáu tháng.” (Đây là thời gian trước khi “Pajama Job Hunt” của Marian ra đời rất lâu)

Vì thế cô ấy đã làm rất nhiều điều tương tự như những thanh niên tuổi 20 khác: Cô quyết định học đại học, chính xác là trường nghệ thuật. “Tôi nhớ mình đã tham dự tiết học đầu tiên tại trường, như là buổi làm quen. Tôi chỉ nghĩ rằng ‘những thứ này thật vớ vẩn, học đòi, làm ra vẻ mô phạm nhưng thực tế là những thứ vứt đi.’ Tôi ngồi đó và quan sát mọi người với suy nghĩ: ‘Các bạn trả tiền để học thứ này ư?’ Thật tốt khi tôi từ chối học trường nghệ thuật và cất kỹ lá thư nhập học của mình.”

Tuy nhiên, Danielle đã được rất nhiều thứ. Cô ấy không phải gánh một món nợ lớn trên vai sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm ngay dù chỉ là một chân phục vụ trong quán bar. Tiếp đến là công việc ở Body Shop.

Cô ấy bắt đầu bán kem thoa chân vị bạc hà ở một cửa hàng bán lẻ. Cô ấy đã nỗ lực và thăng tiến lên vị trí trợ lý quản lý, tiếp đến là một công việc trong phòng Phát minh xã hội của một công ty. Tiếp đến là công việc tại một tổ chức phi lợi nhuận tại Washington, Mỹ.

Làm thế nào cô ấy có thể thăng tiến đến mức ấy? Hãy đọc chương tiếp theo về tư duy làm chủ. Chiến lược của cô ấy là vượt khỏi tư duy lối mòn. Cô ấy luôn tìm kiếm những động lực thúc đẩy để thực hiện ngay lúc đó mà không chờ đợi được phê duyệt hay hướng dẫn. “Tôi liên tục làm những điều lớn lao và đề nghị được thăng tiến khi hoàn thành chúng. Làm, đề nghị thăng tiến, làm, đề nghị thăng tiến.”

Điều thứ hai giúp Danielle tìm kiếm được ngã rẽ tiếp theo trong cuộc đời mình chính là sự táo bạo. Chính phong cách cá nhân của cô ấy đã mở rộng sự táo bạo đầy quyến rũ và hấp dẫn.

Cô ấy luôn đạt được đích đến của mình bằng cách trau dồi phẩm cách và những thói quen cá nhân của mình, thay vì ép mình vào khuôn phép và những lề lối xã hội truyền thống. “Tôi thấy thoải mái khi không học đại học. Bởi như thế, tôi không phải cố vùng vẫy để thoát ra khỏi một “chiếc hộp” nào.

Cô ấy quyết tâm mở rộng thông điệp này – tầm quan trọng của việc trau dồi thay vì ngăn cản phong cách cá nhân và sự thể hiện bản thân (chính là “thương hiệu cá nhân” mà chúng ta đang bàn đến) trong lĩnh vực chuyên môn. Cô ấy muốn viết một cuốn sách về chủ đề này.

Tuy nhiên, cô ấy chưa viết sách bao giờ và cũng không có cơ hội làm vậy. Tất cả những gì mà cô ấy có là sự can đảm và tính cách phóng khoáng. “Tôi chưa từng tham gia một khóa học viết sách nào. Thậm chí có lúc tôi còn không chắc chắn về khả năng ngữ pháp của mình. Nhưng tôi từng viết lời giới thiệu sách dẫu đây là một khía cạnh hoàn toàn khác. Tôi đánh bạo nghĩ: “Tôi sẽ gọi điện”. Chỉ cần nhấc điện thoại lên. Bạn có thể kinh doanh nếu có niềm tin. Tôi gọi đó là “Mở rộng và trình bày các kế hoạch.” Bạn chỉ cần tập trung hết mình, cam kết theo đuổi mục tiêu của mình. Tôi sẽ mở rộng và trình bày những kế hoạch và nếu bạn hiểu được vấn đề thì thật tuyệt! Nếu không, chúng ta không phù hợp với nhau.” Danielle, một bậc thầy về khả năng lan tỏa nhân cách tuyệt vời của mình, đã cho ra đời cuốn sách đầu tay vào năm 2008.

Sau đó, cô ấy quyết định xây dựng thương hiệu của riêng mình và bắt đầu viết blog (http://whitehottruth.com), đưa ra hàng loạt những lời khuyên về kinh doanh và marketing. Nếu đã từng đọc những gì cô ấy viết, bạn sẽ thấy chúng phản ánh rõ rệt nhân cách của cô ấy. Không có nhiều cố vấn kinh doanh đăng những bài viết blog có tựa đề như: “Ưu thế ra quyết định thống trị những kẻ khó giao thiệp” và “Tại sao việc tự cải thiện bản thân lại khiến bạn dễ bấn loạn.” Nhưng Danielle LaPorte đã viết ra. Đó là lý do tại sao những bài viết của cô hấp dẫn đến vậy và khiến mọi người xếp hàng chờ xin tư vấn, thay vì phần lớn những doanh nghiệp cố thủ, che giấu bản chất thực sự sau sự sợ hãi và tay trắng hoặc chẳng thu hút được khách hàng nào.

Danielle đã tổ chức các “nhóm truyền lửa” tại 16 thành phố để giúp hướng dẫn các doanh nhân đang tìm chỗ đứng có thêm nhiệt huyết cho chính những sáng tạo của họ. “Tôi tổ chức các nhóm ở các studio pole–dancing (một loại hình nghệ thuật kết hợp khiêu vũ và thể dục dụng cụ). Tôi cũng thực hiện hàng trăm cuộc gặp riêng tư để phát triển tài tiệu hướng dẫn mới mẻ.” Sau đó, cô ấy đã biến tài liệu này thành chương trình điện tử, các cuộc “gặp mặt truyền nhiệt huyết” mang về cho cô ấy 170.000 đô-la trong năm đầu tiên.

Hiện nay, mỗi giờ tư vấn của cô ấy trị giá 1.000 đô-la và bạn phải đặt chỗ trước vài tháng. Cô ấy vừa bán dự án sách tiếp theo của mình qua các cuộc Gặp gỡ truyền nhiệt huyết, cho Random House với mức giá ¼ triệu đô-la – con số khiến nhiều người đang chọn lựa con đường học đại học sẽ ghen tị. Hãy thừa nhận rằng bản CV với thành tích học tại một trường nào đó chẳng có gì nổi bật. Một blog phát triển mạnh mẽ được nhiều người biết đến, thể hiện cá tính và tài năng của bạn, một dự án tư vấn 1.000 đô-la một giờ, khóa học điện tử trực tuyến và một thỏa thuận hợp tác với Random House ấn tượng hơn rất nhiều.

Thành công của những người được nhắc đến trong chương này, từ Marian Schembari đến Maria Andros đến Robert Scoble và Danielle LaPorte, đều xuất phát từ sự can đảm mở rộng và trau dồi thương hiệu cá nhân thật sự của mình.

Đương nhiên, để thể hiện được sự độc đáo, bạn phải là người độc đáo – đó là một phép nghịch hợp để hướng dẫn bất cứ ai đạt tới sự độc đáo. Để làm được vậy, hãy từ bỏ hết những tư duy thâm căn cố đế về sự an toàn, thuận theo số đông được hình thành trong trường học. Đó là một tấm vé thẳng tiến trên con đường đầy những vết xe đổ. Tôi hy vọng các câu chuyện trong chương này sẽ mang đến cho bạn sự khích lệ và cách né tránh những vết xe đổ cũ, thực chất là tránh được sự “thống trị” của những bản CV hoàn hảo, tạo vị thế và chỗ đứng cho mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.