Nền Giáo Dục Của Người Giàu

Kỹ năng thành công số 7



TƯ DUY LÀM CHỦ ĐỐI LẬP VỚI TƯ DUY LÀM THUÊ

(Trở thành tác giả của chính cuộc đời mình)

Vào một ngày 10 năm trước đây, Hal Elrod cùng bạn gái lái xe về nhà trên đường cao tốc dẫn đến Fresno, California sau bài phát biểu trong một hội thảo đổi mới liên quan đến công việc của anh. Là một diễn giả cộng đồng mới nổi danh, lần đầu tiên trong đời anh ấy được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh và cảm thấy rất háo hức. Anh quá vui mừng đến mức muốn gọi cho bố mẹ mình để chia sẻ tin vui ấy. Nhưng khi nhìn xuống đồng hồ, lúc đó đã là 11 giờ 34 phút đêm và anh không muốn họ phải tỉnh giấc.

Đó là suy nghĩ cuối cùng mà anh còn nhớ trong vòng hai tuần gần đây.

Anh tỉnh dậy sau cơn hôn mê sáu ngày liền và không còn chút ý niệm nào về những việc xảy ra sau hôn mê.

Đêm hôm đó, một người đàn ông lang thang khắp các quán bar gần nơi Hal phát biểu và làm vài vại bia, đủ để khiến anh ta say mèm. Khi lái xe vào đường cao tốc anh ta không nhận ra rằng mình đang xuống dốc.

Anh ta lái sang phải vì tưởng rằng đó là làn đường chạy chậm nhưng thực ra đang lái xe với tốc độ 70 dặm/h ra làn đường cao tốc và sắp gây ra tai nạn, đâm thẳng vào Hal.

Chiếc xe Mustang hai cửa của Hal đã va chạm trực diện với chiếc Chevy của người đàn ông nọ, cả hai đều đi với tốc độ 70 dặm/h và không kịp phanh trước khi lao thẳng vào nhau.

Túi khí bảo vệ của Hal bật mở để tránh cho anh va chạm trực diện từ phía trước nhưng điều tồi tệ nhất vẫn xảy ra.

Chiếc Mustang lộn vài vòng trên đường và nằm lại, cửa phía Hal ngồi lại trực diện với tai nạn sắp diễn ra. Chiếc xe ô tô phía sau xe của Hal không có thời gian để phanh lại trước khi lao thẳng vào vị trí Hal đang ngồi.

Xương đùi của Hal bị vặn đột ngột và đứt lìa khỏi chân. Hông anh bị kẹt giữa ô tô gây tai nạn và bảng điều khiển trên xe mình. Toàn bộ xương khuỷu tay trái vỡ vụn, dây thần kinh bên trái bị tổn thương nghiêm trọng, dập thái dương trái và cầu mắt trái không còn nguyên vẹn. Tai trái bị rách nghiêm trọng. Trần xe bị ép bung và cắt một đường hình chữ V từ trán ra sau đầu Hal.

Hal là người duy nhất bị thương nặng trong vụ tai nạn, người lái xe say rượu, bạn gái của Hal và tất cả những lái xe khác xung quanh đều an toàn.

Khi dịch vụ cứu thương sử dụng cần cẩu để nhấc mui xe ra, thì máu Hal từ chỗ chấn thương bắt đầu phun thành dòng. Hóa ra chiếc xe ô tô đã cứu sống anh ấy, xương đùi gãy chọc vào phần thịt gây ra một vết thương cực lớn và áp suất cửa đã hạn chế việc anh bị mất máu.

Khi Hal được kéo ra khỏi chiếc ô tô, máu phun ra thành dòng khiến anh bất tỉnh, tim ngừng đập, hay nói theo cách khác, anh ấy đã chết lâm sàng 6 phút sau đó. Nhờ các biện pháp sốc điện, các nhân viên cứu thương đã giúp anh tỉnh lại.

Sáu ngày sau đó, Hal tỉnh lại, sau đó bất tỉnh thêm hai lần nữa.

Khi xảy ra tai nạn, anh mới 20 tuổi. Tốt nghiệp trung học và từng là sinh viên cao đẳng Sequoias, một trường cao đẳng công ở Visalia, trung tâm California. Anh rời trường sau năm thứ nhất để kinh doanh và trong vòng một năm từ khi phát hiện ra sở trường kinh doanh của mình, Hal kiếm được số tiền lên đến 6 con số mỗi năm.

Trong thời kỳ làm kinh doanh, Hal đã học được khái niệm “Quy tắc 5 phút” từ một trong những cố vấn kinh doanh của mình. Vị cố vấn này đã nói với Hal rằng: “Có những khách hàng sẽ không mua hàng của bạn, một số thô lỗ với bạn hoặc không mấy tín nhiệm bạn. Sẽ có lúc bạn thất bại, không đạt được mục tiêu của mình. Những suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng sao nhưng đừng quá 5 phút. Bạn phải sống theo ‘Quy tắc 5 phút.’ Hãy cứ phàn nàn, rên rỉ, ca thán, lạc lối, không làm theo dự tính, nhưng chỉ trong 5 phút. Rên rỉ mãi cũng chẳng có lợi lộc gì. Thay vì thế, hãy tập trung 100% năng lượng bạn có vào những gì trong tầm kiểm soát. Bạn có thể làm gì bây giờ? Làm thế nào để học hỏi và tận dụng những kinh nghiệm của mình? Làm sao bạn có thể tiến lên phía trước?”

Hai tuần sau tai nạn, anh tỉnh và hồi phục trí nhớ. Trí nhớ về những trải nghiệm và lời khuyên có được từ khóa đào tạo kinh doanh đều được biến dạng để giúp anh đối mặt với tai nạn.

“Tôi nhanh chóng nhận ra rằng mình phải chấp nhận hiện thực xảy ra với mình. Trước đó, tôi cảm thấy rất chán chường nhưng chỉ sau một đêm, những suy nghĩ tiêu cực đó biến mất.

“Lúc này, các bác sỹ đã giấu tôi để gọi điện cho cha mẹ tôi. Cả bác sỹ, bác sỹ tâm lý lẫn bác sỹ trị liệu đều cố gắng giúp tôi đối mặt với chấn thương của mình. Họ nói với bố mẹ tôi rằng: ‘Chúng tôi rất quan tâm đến Hal. Chúng tôi nghĩ cậu ấy vẫn không thể chấp nhận được sự thật này. Đây là tâm lý chung của các nạn nhân trải qua tai nạn khủng khiếp với những chấn thương quá sức chịu đựng. Họ dẫn đến trạng thái tâm lý phủ nhận hiện thực và không thể đối mặt với những gì đã xảy ra. Mỗi khi chúng tôi gặp Hal, cậu ấy luôn mỉm cười, nói đùa và khiến chúng tôi cười theo. Một hiện tượng bất bình thường ở những bệnh nhân trải qua cú sốc tinh thần và thể xác lớn đến thế. Chúng tôi cần nói chuyện, tâm sự và xem cảm giác của anh ấy ra sao. Bởi chỉ đến khi anh ấy chấp nhận thực tế, đối mặt với nó thì những tổn thương về mặt tinh thần mới được hàn gắn’.”

Hal tiếp tục:

Một tối nọ, bố tôi đến và ngồi cạnh tôi với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Ông nói: “Hal này, bố muốn nói chuyện với con. Tắt TV đi và nghe này. Bây giờ, con cảm thấy thế nào?”

“Vâng… tuyệt bố ạ, nhưng có vấn đề gì sao bố?”

“Ừ, bố biết con có rất nhiều bạn bè ở đây, con cười đùa, kể chuyện, hồi tưởng quá khứ. Nhưng khi không có những người xung quanh bên cạnh con, khi con không xem TV, khi đêm xuống và dần chìm vào giấc ngủ, con chỉ còn một mình và nhớ đến những gì xảy ra, con cảm thấy thế nào? Con có buồn không? Con có căm thù người lái xe đã uống rượu say và làm tổn thương con không? Lạy Chúa! Ta và mẹ con muốn giết kẻ đó! Con có thất vọng không? Bác sỹ nói rằng tất cả những điều này là bình thường nhưng quan trọng là chúng ta sẽ chia sẻ và nhìn nhận nó như thế nào.”

Tôi thực sự quan tâm đến điều đó. Tôi có thất vọng, buồn bã và tức giận không? Tôi nhìn vào chính mình rồi nhìn bố và nói: ‘Bố à, con nghĩ bố hiểu vấn đề này hơn con. Con ổn! Thực sự con rất vui. Con có thể thay đổi những điều xảy ra với mình. Chẳng có lý gì mà cảm thấy điều này tồi tệ cả. Nếu con thất vọng về mình, buồn bã hay chán nản thì cũng chẳng thay đổi được gì, thậm chí nó còn khiến con thấy tệ hơn.’ Tôi nói với bố về ‘Quy tắc 5 phút.’ ‘Đã nhiều tuần trôi qua kể từ sau tai nạn, đã qua rồi 5 phút chán nản đó.’

Tôi thấy rằng chẳng có lợi lộc gì nếu cứ mãi suy nghĩ hay bận tâm đến những gì xảy ra trong quá khứ, vì thế tôi tập trung biến tai nạn này thành trải nghiệm tích cực và học hỏi từ nó.

Tôi nói với bố mình rằng: ‘Con đã thực sự biết cách biến thực tế này thành một trải nghiệm tích cực. Có hai điều mà con luôn muốn làm. Con muốn viết một cuốn sách. Có thể con sẽ viết một cuốn sách về những ngày này vào một lúc nào đó. Từ ngày cuối cùng con phát biểu ở một hội thảo kinh doanh, ước mơ của con là được trở thành một diễn giả thành công. Đến tận bây giờ, con thực sự vẫn chưa có thành tích gì đó để kể với mọi người. Bố mẹ đã hết mực yêu thương con, cho con một tuổi thơ thật hạnh phúc, có lẽ vì thế con không có bất cứ câu chuyện kịch tính nào để kể lại! (Cười) Nhưng có lẽ đây là một trải nghiệm có thể chia sẻ với mọi người. Con thấy trách nhiệm của con là phải vượt qua chuyện này với suy nghĩ và quan điểm tích cực nhất, để một ngày nào đó, con có thể hướng dẫn những người khác cách vượt qua thử thách nếu họ rơi vào hoàn cảnh tương tự như con.”

Bác sỹ nói rằng Hal sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa.

Hal đã bình phục hoàn toàn, đã viết cuốn sách Take life head on! (Tạm dịch: Nỗ lực lên!), và hiện đang là một diễn giả thành công (http://www.YoPalHal.com), chia sẻ những thông điệp của mình cho học sinh và sinh viên trên toàn nước Mỹ về việc chịu trách nhiệm với những thách thức của bản thân và tạo ra cuộc sống như mơ ước.

Không ai trong chúng tôi chọn thử thách như của Hal hay mong muốn điều đó sẽ xảy ra với ai cả. Nhưng có những sự thực đáng lưu tâm về câu chuyện của Hal. Hal Elrod có thể vượt qua tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng và khiến anh phải chịu cảnh tàn tật suốt đời hơn phần lớn những người từng tốt nghiệp đại học.

Tai nạn ô tô chẳng phải là điều gì tốt đẹp cả nhưng Hal Elrod đã chọn cách biến tai nạn đau thương trong đời thành yếu tố ảnh hưởng tích cực đến phần đời còn lại của mình. Vì thế, bằng chính nỗ lực của mình, anh ấy mang lại giá trị cho cuộc sống của bản thân hơn phần lớn những người thụ động đi theo con đường sắp đặt mà xã hội đã bày ra trước mắt. Việc biến những sự kiện tiêu cực thành yếu tố tích cực có lẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong cuộc đời anh ấy – bởi anh ấy đã chọn làm như vậy.

Chúng ta không chọn được điều sẽ xảy ra với mình nhưng chúng ta chọn được ý nghĩa của chúng, và mỗi lựa chọn đều ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng. Chương này, chương cuối cùng, chương dài nhất và chương quan trọng nhất của cuốn sách sẽ trình bày về lựa chọn đó: Lựa chọn trở thành nhân tố tích cực trong chính cuộc sống của bạn. Nó được gọi là “Tư duy làm chủ”. Bạn có thể rèn luyện tư duy này dù bạn là một doanh nhân, một nhân viên hay vẫn là một học sinh/sinh viên.

Cách để tránh bị lạm dụng và sai khiến người khác, đồng thời hạn chế sự biện hộ của bản thân

Trong những năm đầu của tuổi 20, Joe Polish được người bạn học cũ mời gia nhập chuyến trượt tuyết Jet Ski vào dịp cuối tuần với một doanh nhân tỷ phú tự học. Joe chớp lấy cơ hội này dù thời gian đó anh đang phải vật lộn với công ty chuyên về dịch vụ làm sạch thảm sắp sửa phá sản của mình. Joe nói với tôi:

Tôi nghĩ mình sẽ đi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ người tỷ phú này. Đến cuối ngày, khi chúng tôi đang ngồi trên thùng chiếc xe tải chở hàng nhỏ không mui ở gần hồ tại Arizona, thời cơ của tôi đã đến. Tôi nói với ông ta rằng: “Tôi nghe nói ông làm kinh doanh rất cừ. Tôi có một công ty nhỏ chuyên làm sạch thảm nhưng hoạt động không hiệu quả lắm và muốn đầu tư sang lĩnh vực khác để kiếm tiền. Tôi biết ông rất thạo việc này, không biết ông có thể gợi ý cho tôi nên đầu tư vào lĩnh vực nào không?”

Ông ta hỏi tôi rằng: “Những người kinh doanh trong cùng lĩnh vực của anh có ăn nên làm ra không?”

“Có một vài công ty dọn vệ sinh ở Phoenix kiếm được hàng triệu đô-la mỗi năm,” tôi nói với anh ta. “Nhưng họ thành lập lâu rồi và cũng có thương hiệu nữa. Lĩnh vực này tôi thấy khó ‘chơi’ lắm bởi mọi người đều quan tâm đến giá cả…” Tôi cố gắng bao biện cho việc làm ăn thất bát của mình.

Những lời bao biện này là đương nhiên vì tôi đã nỗ lực hết sức. Tôi không hề gian trá với ai cả, tôi làm ăn chính đáng và cung cấp dịch vụ chất lượng. Tôi thực sự quan tâm đến khách hàng của mình. Tôi giải thích cho ông ta việc mình đã được công nhận như thế nào, được đào tạo ra sao và tìm tòi về công việc này suốt hơn ba năm qua kể từ khi nghỉ học thế nào. Tôi không hiểu tại sao mình lại không thành công.

Sau khi tôi đưa ra tất cả những lời biện hộ cho lý do không thành công của mình, ông ta nói: “Ồ, nếu những người khác hoạt động trong cùng lĩnh vực với anh vẫn thành công thì chẳng có vấn đề gì với ngành nghề đó cả, vấn đề nằm ở anh.”

Tôi cố cãi lý rằng: “Ồ, không, không … ông không hiểu rồi…” và tiếp tục liệt kê ra hàng loạt những lý do bao biện khác lý giải rằng công việc này “có vấn đề”. “Các kỹ năng của tôi chẳng có gì phải chê cả! Vấn đề là lĩnh vực này khó làm ăn. Tôi muốn chuyển sang một mảng khác dễ kiếm hơn.”

Ông ta đã trả lời rằng: “Này, anh bạn trẻ. Anh giống như nhiều người khác. Anh nghĩ cỏ ở đây thì xanh hơn chỗ khác sao. Chuyện gì xảy ra nếu anh đầu tư vào lĩnh vực khác. Anh sẽ phải dành thêm sáu tháng, một năm hoặc thậm chí là hai năm nữa để học hỏi về lĩnh vực đó. Thay vì thế, anh hãy ra ngoài kia, lặp lại những sai lầm tương tự trong chính lĩnh vực đã mang lại cho anh những thất bại thảm hại.

“Anh bạn trẻ, điều anh cần làm là học hỏi những kỹ năng kinh doanh cơ bản. Bởi một khi có những kỹ năng đó, anh có thể áp dụng chúng vào bất cứ ngành nghề nào. Đến khi anh học được cơ chế hoạt động của một ngành nghề, cho dù đó là lĩnh vực gì đi chăng nữa, anh vẫn phải trải qua thất bại để rút ra bài học cho bản thân.”

Đó có thể là lời khuyên chân thành nhất mà tôi từng nhận được. Nó được đưa ra đúng lúc tôi cần nhất và tôi thực sự tin tưởng vào lời khuyên đó.

Joe đã học Đại học New Mexico trong hai năm, sau đó nghỉ học và chuyển sang Cao đẳng Cộng đồng Chandler–Gilbert tại Arizona. Anh ấy chỉ nhận được điểm F cho khóa học “Sở hữu và điều hành doanh nghiệp nhỏ” khi học tại trường và một điểm C cho khóa học về “Các nguyên lý Marketing.” Nhưng một người bạn đã nói với anh ấy rằng có một người bạn khác đang kiếm bộn tiền nhờ cung cấp dịch vụ làm sạch thảm. Anh ấy chán ngán những tiết học quá lý thuyết và xa rời thực tế trên giảng đường và quyết định nghỉ học để xem mình có thể tự lo cho bản thân bằng việc đầu tư vào lĩnh vực mới này không.

Trong hai năm đầu tiên, công việc kinh doanh hoàn toàn thất bại, một phần vì những vấn đề cá nhân nghiêm trọng. Anh ấy từng có một tuổi thơ khốn khó. Mẹ anh mất khi anh mới bốn tuổi và anh phải lang thang sống trong các công viên, thường xuyên bị lạm dụng tình dục và thể xác. “Tôi không còn muốn nhớ nhiều đến những năm tháng tuổi thơ khốn khó đó. Khi học trung học, cuộc sống của tôi vô cùng phức tạp. Tôi sử dụng chất gây nghiện. Với tình trạng thể chất và tinh thần suy sụp nghiêm trọng, tôi chỉ nặng khoảng gần 50 kg do sử dụng cocain liên tục trong vòng 3 tháng. Tôi hoàn toàn mất phương hướng.”

Tuy nhiên, trước chuyến du lịch quanh Jet Ski, Joe đã xốc lại tinh thần, cai nghiện và chuẩn bị tư tưởng để thay đổi cuộc sống. Đó là lý do tại sao anh ấy sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của người đàn ông giàu có này:

Ông ấy không đưa ra một giải pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề kiếm tiền của tôi. (Hóa ra, giải pháp đơn giản là học về marketing. Tôi rất giỏi các kỹ năng kinh doanh, tôi có thể tạo ra các dịch vụ nhưng lại không có nhiều người sử dụng dịch vụ của tôi. Tôi không biết cách tiếp thị và khẳng định vị thế của mình. Tôi thậm chí không biết marketing là gì.)

Người đàn ông giàu có này không bao giờ cho tôi biết tất cả câu trả lời. Thay vì thế ông ấy làm thay đổi tư tưởng của tôi. Tôi kết thúc chuyến đi và trở về nhà. Tôi tự nhủ: “Tôi sống ở Mỹ – một trong những cường quốc trên thế giới và trong cái nhìn của tôi, nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất. Tôi còn trẻ và có toàn quyền sử dụng sức trẻ của mình. Tôi đã lạm dụng thuốc kích thích từ khi còn rất trẻ nhưng dường như tôi vẫn còn minh mẫn để học hỏi thêm nhiều điều. Nếu những người khác thành công còn tôi lại không, thì chắc hẳn họ phải biết điều gì đó mà tôi không biết. Vì thế tôi phải học được điều mà họ biết.

Nhờ sự khích lệ của người đàn ông này, tôi đã từ bỏ quan điểm và thái độ thụ động cũng như tâm lý nạn nhân. Tôi quyết định, “sẽ tìm cách thực hiện điều này.” Tôi cam kết với bản thân sẽ không từ bỏ lĩnh vực dịch vụ làm sạch thảm đến khi tìm ra cách đạt thành công.

Joe quyết định sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được thành công bằng một nền giáo dục hữu dụng và thực tế – tự học hỏi. Anh buộc mình phải học về marketing trực tiếp, phần lớn thông qua các loại tài liệu mà tôi mô tả trong Kỹ năng thành công số 3. Anh ấy học viết quảng cáo như Gary Halbert và một số bạn đồng môn cùng bỏ học giữa chừng, như Claude Hopkins, David Ogilvy và Dan Kennedy, và áp dụng những gì được học vào công việc kinh doanh của mình. Trong vòng một năm, Joe đã biến công ty cung cấp dịch vụ làm sạch thảm thành công ty có doanh thu 6 con số. Ngay sau đó, nhiều đối thủ trong cùng ngành muốn biết bí quyết thành công của anh nên anh thành lập một công ty thứ hai chuyên cung cấp các kỹ năng marketing. Cuối cùng, anh ấy bán công ty cung cấp dịch vụ dọn thảm và công ty cung cấp dịch vụ đào tạo có doanh thu hàng triệu đô-la hiện nay. Anh ấy cũng trở thành một trong những nhà hướng dẫn về kỹ năng marketing đáng ngưỡng mộ nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ, và giữ vị trí hàng đầu về podcast marketing trên iTunes (http://ilovemarketing.com).

Hiện nay, Joe Polish đã là một tỷ phú. Anh chia sẻ với tôi một bí quyết nho nhỏ có được từ một người bạn, một cố vấn và là tác giả sách kinh doanh, Dan Sullivan. Joe nói với tôi rằng: “Anh cần ra hai quyết định để được tự do về tài chính và hiệu quả hơn trong công việc. Đầu tiên, anh không được đặt tên cho bất cứ điều gì đến khi anh tạo ra giá trị cho một người khác. Thứ hai, anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với kết quả mà mình tạo ra. Không phải bất kỳ ai khác. Nếu anh thừa nhận hai quan điểm này, anh sẽ tiến xa hơn nữa.”

Tư duy làm chủ đối lập với tư duy làm thuê

Điểm khác biệt lớn nhất giữa một người tự học để đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và những người còn đang băn khoăn làm sao để thành công hơn nữa, hạnh phúc hơn nữa và thành đạt hơn nữa được tóm gọn trong một vấn đề. Những người thành công chọn làm bất kỳ điều gì để tạo ra cuộc sống mà họ mong muốn, bao gồm nỗ lực và không ngừng đưa ra những ý tưởng. Họ không ngồi một chỗ, chờ đợi ai đó trao cho đúng cơ hội để con đường họ an toàn và dễ dàng hơn, hay đưa cho họ “một kế hoạch hành động đảm bảo và ít rủi ro” nào đó. Bryan Franklin và Russell, đối tác kinh doanh cũng là người bạn đời của anh, đã gọi sự khác biệt đem lại thành công nằm trong chính tay bạn là “tư duy làm chủ đối lập với tư duy làm thuê.”

Tôi tin rằng chuyển đổi tư duy là sự khác biệt duy nhất giữa thành công tự nỗ lực với cảm giác thụ động, vô dụng, tư tưởng nạn nhân và nỗi tuyệt vọng thầm kín mà phần lớn mọi người đều thấy trong mình.

Hãy nhớ rằng, sự khác biệt này không nằm ở việc bạn là một ông chủ hay nhân viên mà nằm ở tư duy. Rất nhiều nhân viên có tư duy làm chủ (họ thường là những người được thăng tiến và thăng tiến liên tục), trong khi nhiều ông chủ thể hiện tư duy làm thuê (họ là những người có thể thường bị phá sản hoặc làm ăn thất bát).

Theo Bryan và Jennifer (cả hai cùng phát triển khái niệm này) thì tư duy làm chủ liên quan đến 6 khác biệt chính. Hầu hết các nhân vật trong cuốn sách này chưa từng nghe đến chúng nhưng dường như phần lớn trong số họ đều làm theo chúng bằng bản năng. Có lẽ đó là mã gen của những người thành công trong sự nghiệp.

Tư duy làm chủ

Tập trung vào đóng góp.

Tập trung vào hiệu quả.

Phân loại công việc theo nhu cầu.

Làm việc vượt ra khỏi quyền hạn.

Hướng đến các quyết định quan trọng, thậm chí chưa đến quyền.

Nhìn nhận vấn đề đơn giản và thực tiễn.

Tư duy làm thuê

Tập trung đoạt quyền hành.

Tập trung vào kết quả.

Phân loại công việc theo yêu cầu.

Làm việc để bảo vệ quyền hạn.

Trốn tránh các quyết định, thậm chí là nhỏ nhặt và bắt buộc.

Nhìn nhận vấn đề phức tạp và xa vời.

Nếu bạn đang là một ông chủ, những điểm khác biệt này chứa đựng những công cụ quan trọng để bạn thành công. Nếu đang là một nhân viên làng nhàng trong một tổ chức nào đó, thì chúng cũng là những công cụ quan trọng để kéo bạn ra khỏi vị trí trì trệ đó và bước vào tầm ngắm của các cấp quản lý cao hơn khi họ đang cần tìm kiếm một lãnh đạo tài năng.

Thay vì nhìn vào bảng trên để xác định xem mình thuộc nhóm nào và sung sướng, thỏa mãn khi cho rằng mình thuộc nhóm bên trái, người có tư duy làm chủ thực sự phải luôn quan sát và tìm kiếm những khả năng hình thành tư duy làm thuê trong ý thức của mình, tìm đi tìm lại như thể đó là hạt giống độc hại vậy.

Tập trung đóng góp thay vì đoạt được quyền hành

Lấy đóng góp làm trọng tâm cuộc sống có nghĩa là bạn quan tâm đến những gì mà bạn có thể đóng góp cho bất cứ ai, trong bất kỳ tình huống nào mà bỏ qua tất cả những cảm giác bị ép buộc, nghĩa vụ trong đầu của bạn. Đó là triết lý “cho đi, cho đi và cho đi” được Elliott Bisnow, Eben Pagan, Seth Goldin, Russell Simmons và nhiều người khác trong Kỹ năng thành công số 2 đưa ra.

Bryan nói: “Đóng góp là một hương vị rất cần thiết. Nếu để ý đến cuộc sống hiện tại của bạn, tôi chắc chắn bạn sẽ thấy có lúc mình cũng mang tư duy quyền lực, khi bạn tin rằng chỉ bằng việc hít vào thở ra, bạn có thể có được những phần thưởng và lợi ích mà không cần đến đóng góp và thành quả của những đóng góp ấy.

“Bạn có thể có được bất cứ điều gì mình tin tưởng mà không cần phải cân nhắc xem mình sẽ làm gì để đảm bảo điều đó – đó là tư tưởng quyền lực. Khi bạn mất việc, mất một khách hàng, bạn có cảm giác vừa mất thứ gì đó của mình không? (Đó là quyền hành). Hay bạn ngay lập tức nghĩ rằng: “Ôi, tôi cần đóng góp hơn nữa. Làm sao tôi có thể đóng góp hơn nữa trong tương lai?”

Tôi không thể xác định được chính xác bao nhiêu người có tư duy quyền hành ở các thứ bậc trong tổ chức. Nó nhan nhản. Ví dụ, với quan điểm “Làm sao họ dám!” mà nhiều nhân viên bị sa thải. Nhân viên cho rằng công ty thuê họ làm việc nên họ có quyền với công việc của mình. Đó là quyền hành.

“Quan điểm “có quyền với công việc của mình” dù kết quả là gì đi chăng nữa thì đó cũng là lời tuyên tử đối với những việc làm mang lại cơ hội thăng tiến. Đó thực sự là nhân tố rủi ro hàng đầu dẫn đến việc bị sa thải.”

Tập trung vào hiệu quả thay vì kết quả

Không nhân vật nào trong cuốn sách này cho rằng bằng việc đến lớp 5 ngày một tuần và làm hết bài tập về nhà hay hoàn thành tốt bài kiểm tra, thành quả của sự siêng năng này sẽ đúng như những gì mà cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội nói. Thay vì thế, họ tập trung đạt được những thành quả đặc biệt mà họ muốn tạo ra trong cuộc sống và chỉ làm những việc liên quan trực tiếp đến chúng.

Scott Banister, doanh nhân thành công tự nỗ lực, người bán công ty Ứng dụng an toàn IronPort Web cho Cisco vào năm 2007 với mức giá 830 triệu đô-la, là một minh chứng sống cho tư duy tập trung vào hiệu quả thay vì kết quả. Scott học Đại học Illinois ở Urbanna Chanpaign vào cuối những năm 1990, với định hướng trở thành chuyên gia về công nghệ máy tính. Bên cạnh việc học, anh ấy bắt đầu tự học về HTML (ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản). Ngay sau đó, anh ấy áp dụng chúng và tìm được công việc chuyên viên web, tiếp đến là thành lập các công ty web khác nhau bao gồm một công ty quảng cáo trên web với bạn đồng môn tại trường đại học, Max Levchin (người sau này tiếp tục đồng sáng lập ra PayPal.)

“Chúng ta nói với bọn trẻ rằng trường học rất quan trọng, và phần lớn bọn trẻ, bao gồm cả chính chúng ta, tin tưởng vào việc học nữa, học mãi trong nền giáo dục chính thức với quan điểm rằng “đây là điều quan trọng nhất thế giới.”

“Vấn đề là đến một lúc nào đó, quan điểm này giống như một vách núi dẫn vào hẻm cụt. Bạn cứ tự động viên rằng: “Học tốt ở trường! Hãy học tốt ở trường! Hãy học tốt ở trường!” và khi bước chân ra trường, tôi nhận ra rằng: “Ôi, thực sự, trường học quá xa thực tế, bạn chẳng kiếm sống nổi nhờ học giỏi ở trường và thậm chí không nuôi nổi bản thân!” Đó là con đường có thể dẫn đến đâu đó nhưng cũng có thể không. Đối với nhiều người, điều đó thực sự đáng thất vọng. Bởi họ có nghĩa vụ bước đi trên con đường đã định, hoàn thành chương trình học trung học, đi học đại học, nhận bằng và khấp khởi mừng thầm: “Thật tuyệt vời, đã đến lúc ngồi mát ăn bát vàng!”

“Nhưng viễn cảnh đó không dành cho thế giới thực ngoài kia. Tôi nhanh chóng nhận ra điều này khi hàng ngày đi học, nghe hàng mớ kiến thức lý thuyết, sáo rỗng và đến tối trở về với công việc kinh doanh. Công việc kinh doanh mới là những gì đang diễn ra trong đời thực, là cách mọi người kiếm tiền: Bạn tạo ra một thứ gì đó mà khách hàng muốn mua. Vì thế, hãy quan sát cách Scott tập trung vào việc đóng góp công sức để đạt được hiệu quả thay vì quyền hành và kết quả như thế nào. Đây chính là tư duy làm chủ trong công việc.

“Tôi nhận ra kinh doanh là cách giúp tôi đạt được mục đích của mình. Tôi luôn giữ các mục tiêu bên mình với suy nghĩ: Ồ, tôi có rất nhiều mục tiêu từ khi còn là một đứa trẻ và sau này là những mục tiêu liên quan đến việc tạo ra các sản phẩm và công việc làm ăn mới. Kinh doanh nhanh chóng trở thành nơi tôi học được tất cả các kỹ năng thực tế hỗ trợ tôi trong suốt phần đời còn lại, còn những thứ tôi học được ở trường không biết có giúp ích gì cho tôi hay người nào khác không. Việc tham gia vào thương trường dù sớm hay muộn, khác xa so với việc thoát khỏi những ảo tưởng về nền giáo dục xa rời thực tế này. Điều này thực sự rất quan trọng đối với tôi.

“Kinh doanh là khái niệm còn mơ hồ. Giả sử suốt mấy năm đại học, chúng ta học một ngành nghề không dính líu gì đến kinh doanh như bác sỹ, luật sư, kỹ sư, y tá hay lập trình viên. Ngoài ra, sẽ có một số ngành nghề khác mang tên “kinh doanh” với một số ít người học. Rất nhiều người lựa chọn trở thành bác sỹ, luật sư, kỹ sư, y tá hay lập trình viên. Nhưng thực tế, dù bạn làm ngành nghề gì, bạn đều phải kinh doanh nó. Vì thế tất cả mọi ngành nghề đều là kinh doanh. Bạn càng hiểu rõ về cơ chế hoạt động của ngành nghề bạn đang làm việc, bạn càng trở nên giàu có hơn.”

Scott Basnsister và những người thành công nhờ tự nỗ lực đều quan sát thành quả mà họ muốn tạo ra trong cuộc sống và tập trung không mệt mỏi để đạt được nó, loại bỏ hết những thứ tào lao không mang lại hiệu quả. Đó là một trong những nhân tố quan trọng phân biệt tư duy làm chủ với tư duy làm thuê.

Trái lại, những người có tư duy làm thuê cảm thấy hài lòng khi chỉ cần làm việc chăm chỉ, chăm chỉ và chăm chỉ hơn nữa, ở trường, ở nơi làm việc và ở một doanh nghiệp nào đó mà không quan tâm liệu tất cả nỗ lực của mình có trực tiếp tạo ra những hiệu quả cụ thể mà mình mong muốn hay không.

Hệ thống từ trường học đến nơi làm việc trong thế giới hiện đại ngày nay, bằng nhiều cách, được hình thành nhằm khuyến khích mọi người thể hiện tư duy làm thuê, tạo ra ngày càng nhiều kết quả mà không tập trung vào hiệu quả thực tế.

Nhiều người dành bốn năm đắm chìm trong những lý thuyết học thuật chán ngắt ở trường học, sau đó chọn làm việc cho các công ty tư vấn nhan nhản những chuyện tào lao hay các cơ quan hành chính quan liêu trì trệ.

Có thể ở những nơi làm việc như thế, bạn tạo ra những kết quả chẳng đâu vào đâu, chẳng mang lại hiệu quả gì; nhưng nó cho bạn sự an toàn về tài chính, sự tự lừa dối mình bằng cảm giác sung túc và viên mãn, cả niềm thích thú với hy vọng có được nhiều kết quả nhờ làm việc chăm chỉ mà không cần để ý đến hiệu quả thực tế. Hãy chạy trốn khỏi những tình huống như thế ngay khi vừa nhận ra bóng dáng thấp thoáng của chúng.

Thay vì thế, hãy luôn hướng đến việc tạo ra những hiệu quả thực tiễn và bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc, nó sẽ luôn nằm trong tầm với của bạn. Đổi tiền mặt lấy những thứ vớ vẩn (điều thường thấy trong nền giáo dục đại học ngày nay) hoặc đổi những thứ vớ vẩn để lấy tiền của người khác (điều thường thấy trong những tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ hay tập đoàn mà các trường đại học sử dụng như là một minh chứng cho thành quả đào tạo), không bao giờ là công thức cho sự an toàn về tài chính lâu dài. Tư duy làm chủ liên quan đến việc tập trung vào hiệu quả thay vì kết quả, đóng góp thay vì quyền hành, được áp dụng vào chính những nỗ lực tự học hỏi ở chính doanh nghiệp hoặc nơi làm việc của bạn, mới là công thức hoàn hảo nhất.

Phân loại công việc theo nhu cầu đối lập với yêu cầu

Nếu bạn tìm kiếm và quan tâm đến nhu cầu trong một tình huống thay vì yêu cầu của sếp, đồng nghiệp hay khách hàng, bạn sẽ luôn là người đầu tiên được đề bạt, người đầu tiên giành được vụ làm ăn/dự án mới và là người cuối cùng bị sa thải.

Russell Simmons, một doanh nhân tỷ phú nói với tôi rằng: “Hãy tìm kiếm nhu cầu của mọi người trong tổ chức và cho họ lời khuyên. “Tôi sẽ sửa chữa vấn đề này” mới là cách mà các doanh nhân suy nghĩ. Bạn nhận được tiền lương dựa trên số lượng vấn đề bạn có thể giải quyết và mọi người sẽ vây xung quanh bạn. Nếu bạn hiểu công việc của sếp hơn chính bản thân họ thì sếp sẽ kỳ vọng vào bạn hơn nữa. Bạn có thể bắt đầu học hỏi những khía cạnh khác của công việc mà sếp bạn chưa biết tới. Người giải quyết các vấn đề, trải nghiệm tài lãnh đạo và ý tưởng sáng tạo ở tầm thấp sẽ không thể tiến đến vị trí cao nhất, thậm chí còn không thể thăng tiến được.”

Thật đáng buồn, hệ thống giáo dục của chúng ta, với hiện trạng ngày nay, là hàng loạt những tiết học thiếu thực tế dựa trên yêu cầu của một nhà chức trách nào đó. Điều này đối lập hoàn toàn với thành công thực tế.

Russell Ackoff, giáo sư chuyên ngành quản lý trường Wharton, đã viết: “Mọi đứa trẻ từ bé đã được dạy rằng khi ở trường, nếu được thầy cô hỏi, chúng phải tự trả lời câu hỏi: Thầy cô muốn câu trả lời nào? Bằng việc đưa ra câu trả lời mà giáo viên mong muốn, bạn học và được lên lớp. Tuy nhiên, vấn đề là những câu trả lời đó, chẳng có chút sáng tạo vì nó đã có sẵn rồi. Điều chúng ta cần làm với bọn trẻ là khiến chúng đưa ra câu trả lời mà chúng ta không ngờ đến – thể hiện rõ sự sáng tạo. Thế nhưng chúng ta giết chết sự sáng tạo ấy trong chính trường học.”

Để thành công trong thế kỷ XXI, bạn cần tự trau dồi cho bản thân thoát khỏi thói quen cũ, loại bỏ thói quen làm theo yêu cầu của các thầy cô giáo, loại bỏ hy vọng càng tích lũy được nhiều kiến thức và làm hài lòng thầy cô, bạn sẽ càng thành công.

Làm việc vượt ra khỏi quyền hạn – Đừng làm việc để bảo vệ vị trí hiện tại

Điều gì ngăn cản bạn không thể tiến thêm bước nữa trong nấc thang sự nghiệp? Đó là vì bạn bám quá chắc vào nấc thang hiện tại (nấc thang thấp hơn) như thể đó là điểm tựa duy nhất cho cuộc sống của bạn.

Làm sao bạn có thể trở thành lãnh đạo hay sếp? Bằng việc khiến mình không còn phù hợp với vai trò hiện tại và tìm cách nắm giữ vị trí cao hơn. Tiếp đến, hãy tiếp tục khiến mình không còn phù hợp với vị trí cao hơn này và tìm cách nắm giữ vị trí cao hơn nữa, v.v…

Khái niệm về việc khiến công việc không còn phù hợp với bạn dường như liên quan trực tiếp đến khái niệm “Linchpin” (Chốt trục) của Seth Goldin, hay ám chỉ một cá nhân vô cùng quan trọng mà tôi đề cập rất nhiều trong cuốn sách này. Thực sự, một ai đó liên tục khiến bản thân “không cần thiết” và “thừa” ở những công việc cấp thấp trong tổ chức, bằng cách tuyển dụng tốt, thuê ngoài, ủy quyền, tự động hóa, hệ thống hóa,… và tìm kiếm các vị trí cấp cao hơn, là người không thể thiếu, một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong tổ chức của bạn.

Hướng đến các quyết định lớn lao thậm chí chưa đến quyền

Những người trong cuốn sách này thành công bởi họ không chờ ai đó bảo họ phải thành công, họ không đợi ai đó bắt họ phải ra những quyết định và gây ảnh hưởng lớn lao trong cuộc sống.

Còn điều gì táo bạo hơn là việc nỗ lực tạo ra ảnh hưởng lớn đến xã hội mà bỏ qua các mốc theo quy định mà xã hội đặt ra từ trước?

Bryan giải thích: “Nếu tôi làm việc trong một cửa hàng bán lẻ, tôi không được đào tạo, cung cấp các công cụ, quyền lực hay ngân sách nhưng tôi tin mình có thể ảnh hưởng tích cực đến doanh số. Tôi sẽ bắt đầu thực hiện những quyết định này. Tôi không cần được trao quyền. Tôi sẽ cố gắng đóng góp và mang lại kết quả khả quan cho cửa hàng. Tôi có thể mắc sai lầm và chấp nhận chịu hậu quả nhưng bất cứ ông chủ thông minh nào đều sẽ thấy thiện ý và định hướng của tôi nhằm giúp ông ấy kiếm được nhiều tiền hơn và sớm nhìn nhận tôi như một nhân viên quan trọng không thể thiếu và cất nhắc thăng tiến cho tôi khi có điều kiện.”

Những người có tư duy làm thuê không muốn chịu trách nhiệm với các quyết định sai lầm của mình, vì thế họ né tránh trách nhiệm ra quyết định. Đó là một phần của hành động bảo vệ công việc. Nhưng họ không hiểu rằng, cách ứng xử này đi ngược lại mục đích đảm bảo công việc tương lai của họ. Bởi họ không thực sự ra bất cứ quyết định nào, có nghĩa là họ chẳng mang lại ảnh hưởng gì. Họ sẽ là người đầu tiên phải ra đi khi cấp trên bắt đầu cân nhắc cắt giảm biên chế.

Nhìn nhận vấn đề đơn giản và thiết thực, chứ đừng quá nặng nề

Sự khác biệt cuối cùng này có thể quá xa vời đối với một số bạn đọc. Nhưng tôi nghĩ nó rất quan trọng.

Một khía cạnh quan trọng của tư duy kinh doanh đó là quan sát thế giới xung quanh bạn với lăng kính rộng hơn. Chắc chắn không thể thiếu những quy tắc xã hội nhưng những quy tắc này thường lỗi thời và khá mong manh, vì thế dễ phá bỏ, bẻ gẫy, bỏ qua và phớt lờ để đạt được hiệu quả cao hơn.

Những người có tư duy làm chủ mà chúng ta gặp trong cuốn sách này nhìn ra thế giới với sự linh hoạt, mềm mỏng, đa dạng. Họ biết cách “uốn cong” thực tế hiện tại theo ý họ.

Trái lại, những người có tư duy làm thuê, nhìn ra và thấy thế giới đầy rẫy các quy tắc, thứ bậc, quy định đã được thiết lập. Họ cúi đầu và “răm rắp làm theo quy trình” với hy vọng rằng nếu họ biết vâng lời và làm theo những gì được yêu cầu, mọi chuyện sẽ ổn như bố mẹ, thầy cô, hay sếp nói.

Seth Goldin nói với tôi rằng: “Hầu hết mọi người không thấy rằng họ có nhiều quyền lựa chọn nằm ngoài những lề thói xã hội. Đó là vấn đề lớn nhất. Họ ảo tưởng tin rằng thái độ bằng lòng là dạng rút ngắn của thành công.”

Một trong những động lực để tôi chấp bút viết cuốn sách này là khuyến khích các bạn, các độc giả của tôi, nhìn nhận thế giới ít phức tạp và cởi mở hơn để hình thành nên những ý tưởng sáng tạo và đột phá hơn so với trước khi đọc cuốn sách.

Giữa xã hội đang chuyển giao này luôn tồn tại khoảng trống để dịch chuyển và có sự linh hoạt hơn bạn tưởng tượng. Vấn đề là bạn phải tìm kiếm nó. Đây là nền tảng của tư duy làm chủ mà những người tôi đề cập đến trong cuốn sách này chia sẻ, theo cách này hay cách khác.

“Một người hiểu biết thích nghi với môi trường xung quanh,” nhà văn George Bernard Shaw đã nói như vậy. “Một người thiếu hiểu biết khăng khăng ép hoàn cảnh phải phù hợp với mình. Vì thế mọi sự phát triển đều dựa vào người hiểu biết.”

Hal Elrod không “tạo ra” hay lựa chọn thực tế đau thương với vụ tai nạn nghiêm trọng, anh ấy đã tự tạo ra cho mình mọi thứ sau tai nạn. Anh đã tự thuật lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Trong khi tất cả mọi người đều coi vụ tai nạn như một thảm họa giáng xuống và là nỗi bất hạnh trong suốt phần đời còn lại thì Hal chọn coi đó như là cơ hội phát triển, phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với cuộc sống, trở thành một người mạnh mẽ hơn vươn tới những tầm cao hơn trong cuộc sống. Sau tai nạn, anh ấy trở lại với cuộc sống bất chấp những thương tật vĩnh viễn.

Đây là một kỹ năng mà hầu hết những người được phỏng vấn trong cuốn sách này đều tôi rèn để viết nên kịch bản thành công hoàn hảo cho chính mình.

Tỷ phú nhặt rác và huyền thoại về công việc bần cùng

Thời còn học trung học ở Deerfield Academy, khi đang mệt nhoài với bài tiểu luận suốt đêm tới tận 3 giờ sáng, tôi ngồi nghỉ và quay sang hỏi một người bạn cùng phòng ký túc xá rằng tại sao tất cả chúng ta lại phải học hành hùng hục như thế. Câu trả lời đầu tiên đó là “để vào được trường danh tiếng.”

Chúng ta bị ám ảnh bởi trường đại học, chúng ta sẽ học trường nào, thứ bậc ra sao. Đương nhiên, Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Brown, Stanford, MIT Pen, và Duke đều là những trường hàng đầu hoặc Williams, Dartmouth, Middlebury hay Amherst luôn dành cho những người muốn học ở một trường nhỏ hơn. Những trường danh tiếng khác như Georgetown, Cornell, Johns Hopkins, Tufts và NYU cũng vậy. Nỗi sợ hãi thường trực của chúng ta là không vào được trường danh tiếng và bất đắc dĩ phải vào trường cấp trung ít nổi tiếng hơn.

Đêm hôm đó, tôi thắc mắc nhiều hơn bình thường. Tôi thường không đặt câu hỏi vì ở Deerfield, những câu trả lời quá đỗi hiển nhiên. Có thể vì tôi thiếu ngủ quá nên không suy nghĩ được thông suốt.

“Chính xác thì, tại sao học tập tại các trường đại học danh tiếng lại quan trọng đến thế?”

“Để kiếm được việc tốt.”

“Thế tại sao có một công việc tốt lại quan trọng đến thế?”

“Để kiếm được thật nhiều tiền.”

“Tại sao chúng ta lại cần kiếm thật nhiều tiền?”

“Thật điên rồ, cậu ăn phải thứ gì vậy? Để mua ô tô, quần áo, nhà đẹp, để ăn uống trong các nhà hàng sang trọng, đi trượt tuyết, để lấy vợ đẹp. Không phải cậu muốn là người quét rác đấy chứ?”

“Ừ,” tôi lẩm bẩm và quay về với bài tiểu luận của mình.

Có lẽ những động lực chính khiến những cậu thanh niên 16, 17 tuổi như chúng tôi dành 4 đến 5 giờ mỗi tối làm bài tập về nhà và cả tối thứ Sáu và thứ Bảy để học hành là: Nỗi sợ bị trượt bài kiểm tra hoặc không làm được yêu cầu thầy cô đưa ra. Chúng ta hiếm khi trượt nhưng nỗi sợ vẫn luôn thường trực. Tiếp đến là nỗi sợ bảng điểm trung học thấp. Tiếp đến là nỗi sợ bảng điểm thấp đó sẽ khiến bạn thất bại trong việc nộp đơn vào một trường danh tiếng. Và cuối cùng là nỗi sợ nếu không vào được đại học thì sẽ “ra đường quét rác kiếm sống”. Deerfield là cái nôi sinh ra rất nhiều những đứa trẻ sáng dạ và tài năng từ các gia đình giàu có, sợ chết khiếp nếu phải trở thành kẻ quét rác.

Khi tôi phỏng vấn nhiều người về chủ đề tự học cho cuốn sách này, tất cả đều được bắt đầu như sau: “Hầu hết mọi người bao gồm cha mẹ, thầy cô, các chính trị gia đều nói với bạn rằng nếu không có bằng đại học, bạn sẽ thành kẻ quét rác. Làm sao bạn tránh được quan điểm đó và tin vào chính bản thân mình rằng bạn có thể thành công nhờ tự nỗ lực?”

Thế nhưng, khi phỏng vấn Brian Scudamore, tôi đã ngăn mình không thốt ra từ “kẻ quét rác” bởi Brian là một người “nhặt nhạnh” tất cả mọi thứ, nhưng lại là tỷ phú “quét rác”.

Anh ấy không phải “người quét rác” theo nghĩa đen mà là người đồng sáng lập kiêm CEO của 1–800–GOT–JUNK? (http://www.1800gotjunk.com) và làm giàu nhờ thu lượm rác.

Vào một ngày năm 1989, chàng sinh viên năm thứ nhất Brian băn khoăn về cách chi trả học phí đại học của mình. Cậu đang đứng trong bãi đỗ xe tại McDonald’s ở Vancouver và thấy một chiếc xe tải đi qua với dòng chữ “Xe gom rác của Mark”.

“Khi thấy chiếc xe tải gom rác đó,” Brian kể với tôi, “Tôi nảy ra ý tưởng mua một chiếc xe tải nhỏ và đi… gom rác.”

Anh ấy thực hiện ngay ý tưởng của mình bằng việc mua một chiếc xe tải giá 700 đô-la và bắt đầu khởi nghiệp. Không lâu sau đó, trải qua nhiều khó khăn, anh ấy bắt đầu thu về lợi nhuận. Anh bắt tay thành lập công ty riêng nhưng vô cùng căng thẳng khi bị giằng xé giữa những gì học được trên lớp và ngoài đường phố. “Tôi được trải nghiệm trực tiếp cách làm mọi việc. Tôi đang tự giải quyết các vấn đề của chính mình thay vì nói rằng: ‘Cocacola từng gặp vấn đề về marketing và phân phối, đây là cách họ đã giải quyết những khó khăn này.’ Đó thực sự là một sự khác biệt lớn và cũng là vấn đề mà nhiều người chưa tìm được cách tháo gỡ. Những nỗ lực tự vươn lên của tôi rất thực tế, tôi học hỏi bằng việc tự mắc lỗi và sửa sai, thay vì đọc về các lỗi lầm của người khác. Tôi tự mình mắc lỗi và nói: ‘Được rồi, xin chức mừng! Khó khăn tiếp nữa.’”

Cuối cùng, Brian quyết định học hỏi qua công việc kinh doanh thực tế của mình thay vì đến trường. Anh quyết định bỏ học để tập trung toàn bộ vào công việc đang ăn nên làm ra của mình. “Cha tôi là một bác sỹ phẫu thuật cấy ghép gan. Ông ấy kỳ vọng tôi sẽ theo nghề ông hoặc ít nhất làm việc gì đó liên quan đến học thuật hoặc nghề nào đó được xã hội tôn trọng. Khi tôi nói mình sẽ bỏ học và trở thành người quét rác toàn thời gian, ông ấy đã nổi giận. Nhưng cuối cùng ông nói: “Được rồi, con biết phải làm gì và ta tin con. Con lớn rồi và phải chịu trách nhiệm quyết định cuộc đời mình’.”

Đó là thông điệp của toàn chương này. Những người có tư duy làm chủ chắc chắn rằng mỗi trải nghiệm họ có, cho dù là thử thách chăng nữa, đều là cơ hội để họ mở rộng việc học hỏi, năng lực và khả năng lãnh đạo. Họ không né tránh trách nhiệm, họ chịu trách nhiệm tìm kiếm những vị trí có trách nhiệm lớn hơn.

Brian liên tục mắc sai lầm với công việc kinh doanh của mình và học hỏi từ chúng, tiếp tục phát triển từng bước trong vai trò một doanh nhân, một nhà lãnh đạo. “Tôi đang đối mặt với trách nhiệm điều hành doanh nghiệp và phục vụ khách hàng. Tôi đang học cách tổ chức quản lý một doanh nghiệp, thực hiện các cuộc điện thoại, giải quyết công việc và tìm hiểu về dịch vụ khách hàng. Tôi đang học cách marketing doanh nghiệp mình và chịu trách nhiệm với chính những hành động của bản thân, với suy nghĩ rằng: “Tôi có một công ty cần mở rộng và chẳng có cuộc điện thoại đặt hàng nào cả. Tôi sẽ phải làm gì bây giờ?”

Với tất cả những gì học hỏi được, Brian đã có bốn chiếc xe tải phục vụ công việc trong vòng một năm, tiếp đến là năm cái trong năm sau đó. Năm năm kể từ khi rời trường, nhờ sự nỗ lực hết, anh đã có một công ty thu gom rác với doanh thu một triệu đô-la một năm và mua được nhà riêng khi mới 24 tuổi.

Công ty của anh từ đó cứ thế phát triển. (Ngoài kia có rất nhiều rác cần xử lý! Đối với một doanh nhân tự học, đó là cơ hội thay vì một thực tế cần né tránh bằng mọi giá.) Hiện nay, công ty anh có hơn 200 chi nhánh ở khắp Canada, Mỹ và Australia với các cơ sở sẽ sớm đi vào hoạt động tại Anh. Công ty thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đô-la nhờ thu gom và xử lý rác mỗi năm.

Trở lại những nỗi sợ hãi mà các bạn học và tôi tại Deerfield đã tưởng tượng ra khi không có được bằng cấp. Giờ đây, tôi đã đánh bạo hỏi: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi trở thành người quét rác thật?” Câu hỏi nghe có vẻ ngây thơ thái quá với ai đó chưa bao giờ trải nghiệm công việc lao động chân tay thực nhưng với những người được đề cập đến trong cuốn sách này, tôi tin đó là một câu hỏi công bằng.

Nỗi ám ảnh về tương lai trong những công việc bần cùng đã buộc chúng tôi phải bước chân vào giảng đường với suy nghĩ rằng những công việc cấp thấp như thế không bao giờ thay đổi, giống như là một địa vị thấp trong xã hội Ấn Độ cổ đại: Kẻ bần cùng cũng mãi chỉ là kẻ bần cùng mà thôi.

Thậm chí khi lướt qua cuộc sống của những nhân vật trong cuốn sách này, ta thấy, đối với họ, “những công việc bần cùng” thời còn trẻ không hề “bần cùng” chút nào. Thay vì thế, chúng mang lại giá trị cho công việc, lĩnh vực kinh doanh, cơ hội gặp gỡ các cố vấn và những người khác để nâng tầm sự nghiệp tương lai của họ cũng như thu nhập để đảm bảo cho họ một cuộc sống tự do. Những công việc bần cùng từ bồi bàn hay phục vụ trong các quán ăn nhanh đến nhân viên kinh doanh trực tiếp hay qua điện thoại, thậm chí cả những công việc tay chân, nhưng họ chắc chắn rằng mình không gắn bó với chúng suốt đời. Tại sao vậy?

Trong một cuốn sách tuyệt vời có tên 50 Rules Kids Won’t Learn in School (Tạm dịch: 50 Quy tắc trẻ không học được ở trường) của Charles Syker, Quy tắc số 15 có nội dung: Phẩm hạnh không mang lại những chiếc bánh mỳ kẹp. Ông bà ta còn gọi “những chiếc bánh kẹp” đó là cơ hội. Syker viết: “Bạn sống ở một mảnh đất của những cơ hội hiếm có và mức thu nhập linh hoạt đến kinh ngạc: Nếu bạn bắt đầu với hai bàn tay trắng, không có nghĩa là bạn sẽ tay trắng cả đời. Điều quan trọng là bạn phải thực sự bắt đầu.”

Nếu có tư duy làm chủ, thì cho dù bạn có xuất phát từ đâu, bạn cũng sẽ tìm được đường trở thành người bán hamburger giỏi nhất, tiếp đến là tìm được đường quản lý một chuỗi các cửa hàng khác, tiếp đến là nâng tầm trách nhiệm và khả năng lãnh đạo của mình trong một lĩnh vực nào khác nữa, cứ thế, v.v… Đương nhiên, không phải hầu hết những người thu gom rác đều sẽ thành lập nên những đế chế thu gom và xử lý rác trị giá hàng tỷ đô-la. Nhưng thật sai lầm khi tuyên truyền rằng nếu ai đó bắt đầu với một công việc bần cùng sẽ gắn liền với “nghiệp” đó cả đời. Điều đó sẽ trở thành sự thật nếu bạn không bao giờ tự nỗ lực học hỏi vươn lên. Nhưng những người trong cuốn sách này chọn cách nhìn nhận những công việc đó là những trải nghiệm trả phí để học hỏi về kinh doanh, lãnh đạo và tư duy làm chủ.

David Ash, nhà đầu tư bất động sản, nói với tôi rằng: “Tôi học hỏi, quan sát mọi thứ khi học nghề – thậm chí cả những công việc nhân viên quèn. Tôi quan sát mọi thứ như thể điều này tạo tiền đề để tôi tiến lên thêm một bậc nữa trên nấc thang thành công. Việc làm đó cho phép tôi trải nghiệm hết những công việc dưới đáy xã hội để đặt nền móng cho hành trình thành công trong tương lai.

Trên hành trình này, tôi luôn tự động viên mình bằng cách nói: “Đây không phải là tôi, tôi là một người khác thành công hơn – nhưng tôi cũng tâm niệm rằng thành công phải được ươm mầm từ những hành động như thế này. Tôi phải trải nghiệm hết những công việc khó khăn vất vả mà nhiều người khác khinh rẻ, bởi chúng là bước đệm cho tôi kinh nghiệm và nhân cách để trở thành người thành công hơn nữa, vào một ngày không xa.

“Vì thế tôi hoan hỉ trong những thách thức mà mình phải đối mặt vì mọi hành trình thành công đều phải bắt đầu từ những nấc thang thấp nhất.

“Tôi đọc về người đàn ông thành lập chuỗi khách sạn Ritz–Carlton, César Ritz. Anh ấy cũng đi lên từ hai bàn tay trắng, một học sinh bỏ học và làm phục vụ trong một khách sạn. Sau đó một thời gian, anh ấy lên vị trí quản lý khách sạn và sau đó sở hữu chúng và bắt đầu thành lập một chuỗi khách sạn đẳng cấp quốc tế.

“Điều gì phân biệt một nhân viên phục vụ, tiếp đến là chủ sở hữu khách sạn đó rồi đến một chuỗi khách sạn với một người mãi chỉ là một nhân viên phục vụ luôn thường trực cảm giác cay đắng và tức giận với công việc phục vụ suốt đời?

“Ồ, người chủ sở hữu khách sạn, ngay từ đầu đã không nhìn nhận bản thân là một nhân viên phục vụ. Anh ấy chỉ coi công việc phục vụ này như một bước đệm cần thiết để tiến đến vị trí quản lý một ngày không xa, giúp anh ấy học những kiến thức nền tảng để sở hữu khách sạn trong tương lai.

“Tôi không bao giờ nhìn nhận bản thân như một nhân viên kinh doanh cho dù tôi có bán hàng trực tiếp hay bán hàng qua điện thoại. Tôi luôn nghĩ mình sẽ điều hành nơi này hay điều hành một tổ chức tương tự như thế vào một ngày không xa. Khi được điều hành tổ chức giúp một ai đó, tôi lại nghĩ rằng rồi có lúc, tôi sẽ sở hữu nó. Vì thế, công việc hiện tại là một bước đi cần thiết để học hỏi những gì cần học, và làm những gì phải làm để đạt được những bước tiến quan trọng hơn sau đó.

“Tôi luôn tìm kiếm cơ hội lãnh đạo, cơ hội đóng góp, cơ hội phát triển các mối quan hệ ở các cấp cao hơn, những người có thể giúp tôi và tôi có thể giúp ngược lại họ. Các đồng nghiệp hiện giờ sẽ không phải là các đồng nghiệp của tôi. Tôi không phải là người la cà buôn chuyện với mọi người. Tôi là người đến sớm hơn tất cả mọi người. Tôi thân thiện nhưng sẽ không a dua theo các đồng nghiệp và cộng sự của mình.

“Các đồng nghiệp của tôi thường đến muộn khoảng 20 phút rồi la cà ở căng– tin thêm 15 hay 20 phút nữa. Vì thế tôi làm việc trước những người này cả tiếng rưỡi đồng hồ. Bạn có thể tưởng tượng được hiệu quả của 20% thời gian tôi làm hơn những người khác. Những thành quả tôi đạt được không có nghĩa tôi là thiên tài, mà bởi tôi làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn họ.

“Khi trở thành quản lý và sau đó sở hữu một số công ty, tôi cố gắng khuyến khích các nhân viên của mình nhìn nhận mọi thứ theo cách này để họ có thể thăng tiến trong công việc nhưng rất ít người chịu lắng nghe điều đó. Hầu hết mọi người nhìn nhận công việc của họ với con mắt rất thiển cận. Họ không coi đây là một cuộc chạy đua trường kỳ. Khi bạn chỉ lên kế hoạch theo tháng hay nửa năm thì bạn sẽ chỉ có cảm giác đó là công việc kiếm sống đơn thuần. Nhưng mọi chuyện sẽ không như vậy nếu bạn hoạch định tương lai của mình trong 10 năm tới.”

Tư duy làm chủ hiếm có đến thế sao? Hãy phát triển nó và nó sẽ giúp bạn tiến xa hơn nữa.

Tôi không khẳng định rằng tất cả mọi người sinh ra trong những điều kiện vô cùng khó khăn tồi tệ ở Rio hay Nairobi đều có cơ hội trở thành triệu phú nhờ tư duy làm chủ và những người nghèo vẫn mãi nghèo chỉ bởi họ có tư duy làm thuê. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng cho dù bạn xuất thân từ đâu, thời đại nào, đất nước nào, giàu hay nghèo, việc có được tư duy làm chủ sẽ mang lại cho bạn cơ hội thay đổi nền tảng của bạn và đó cũng là cơ hội duy nhất giúp bạn biến những giấc mơ của mình thành hiện thực.

Tư duy làm chủ có thể không phải là vụ đặt cược được đảm bảo nhưng chắc chắn là vụ đặt cược tốt nhất.

Người có tư duy làm thuê có thể làm việc rất chăm chỉ, rất rất chăm chỉ nhưng chỉ đi theo con đường người khác vạch sẵn cho họ mà không tạo ra con đường của riêng mình. Họ thụ động lĩnh hội những hướng dẫn, quy định thay vì trở thành “diễn viên chính” trong chính thế giới của mình. Họ không có câu trả lời cho mình mà lắng nghe ngóng từ người khác. Họ tuân lệnh những người xung quanh và làm theo những gì được chỉ bảo. Họ hy vọng – kỳ vọng và mong muốn rằng nếu họ làm hài lòng những người ở trên mình, họ sẽ nhận lại những lợi ích ổn định. (“Tôi đã làm theo những gì anh bảo. Giờ anh thưởng gì cho tôi đi.) Nếu phần thưởng đó không thỏa đáng, họ phàn nàn và có thể thất vọng, như đứa trẻ không nhận được kẹo từ cha mẹ.

Với những người có tư duy làm thuê, quyền lực nằm ở đâu đó chứ không phải ở bản thân họ. Họ giữ cho mình sự an toàn và đảm bảo (hoặc ít nhất là cảm giác an toàn) bởi họ sống dựa vào ai đó có tiền, có quyền hơn thay vì chính bản thân họ tự thân vận động. Nhưng cho dù có an toàn tới đâu thì chắc chắn họ sẽ không còn được tự do hay tự quyết.

Nếu bạn luôn tự nhủ về cách có thể đóng góp lớn hơn cho những người làm việc cùng, nếu bạn tập trung cao độ vào những hiệu quả thực sự trong những dự án của mình, nếu bạn thường xuyên quan tâm đến nhu cầu ở nơi làm việc hay đội ngũ của bạn thay vì làm theo yêu cầu, nếu bạn hướng đến những quyết định lớn hơn trong tổ chức thay vì né tránh, nếu bạn làm tất cả những điều đó, liệu có cơ hội nào xuất hiện không?

Đương nhiên là có. Nhưng dù là việc gì thì nó vẫn luôn tiềm ẩn khả năng thất bại. Tuy vậy, khả năng thất bại sẽ rất thấp nếu bạn sở hữu tư duy làm chủ trong bất cứ việc gì.

Seth Goldin nói với tôi rằng: “An toàn là rủi ro mới, rủi ro là an toàn mới. Thứ rủi ro nhất là điều bạn có thể làm để thể hiện sự an toàn. Có vô số ví dụ về những người thất nghiệp bởi họ chọn con đường an toàn. Tất cả những người đến với phố Wall lựa chọn cách an toàn là đi theo các hướng dẫn nhưng họ đều có thể đánh mất công việc của mình. Công việc càng có vẻ an toàn thì càng tiềm ẩn rủi ro.”

Những người với tư duy làm thuê đã cố ý tham gia vào quá trình tha hóa nhân tính của chính họ bằng việc chọn lựa sự an toàn (ở giữa một cộng đồng nào đó bao giờ cũng an toàn hơn) thay vì dám chấp nhận rủi ro và áp dụng tư duy làm chủ trong công việc. Bạn đã từng được cảnh báo rằng, “càng mở rộng, rủi ro càng cao,” hay “nếu bạn liều lĩnh sẽ gặp hậu quả.” Ngày nay, những hình thức cắt giảm việc mở rộng và thuê lại, tuyên bố giảm biên chế và tự động hóa đang chực giáng xuống tất cả những người không dám đánh liều, đứng lên và thực hành tài năng lãnh đạo.

Nếu bạn có tư duy làm chủ, bạn sẽ thấy mình có trách nhiệm với những ảnh hưởng bạn tạo ra trong công việc và tổ chức của mình để có được thành công và sự cải thiện cuộc sống. Bạn trở thành nhân tố tích cực trong cuộc sống và tổ chức của mình.

Bạn sẽ thấy vấn đề trong cuộc sống hoặc môi trường xung quanh bạn và tìm cách sửa chữa nó. Bạn không kỳ vọng có quyền hạn cao hơn để làm được những công việc to lớn hơn. Thay vì thế, bạn có thể làm tốt hơn cho dù có quyền hay không.

Bạn tin vào sức mạnh làm rạng rỡ con đường tương lai của mình.

Bạn tin vào sức mạnh của mình sẽ soi sáng con đường tương lai; nếu ai đó đã soi sáng con đường đó, thì nó không còn là điều mới mẻ nữa.

Nếu bạn gặp phải vấn đề hay cản trở trên cuộc hành trình, hãy tìm cách sửa chữa hoặc vượt qua nó.

Bạn tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết nhưng phải tìm kiếm sự giúp đỡ tốt nhất, những câu trả lời tốt nhất, thay vì chỉ thụ động chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ hay câu trả lời có sẵn nào.

Bạn không cần đợi ai đó “cứu” mình hay giải quyết vấn đề giúp bạn.

Bạn là người tích cực tạo nên thành công của mình, thay vì là người đón nhận thụ động những hướng dẫn về nhiệm vụ và phần thưởng.

Nói rộng hơn, bạn tạo ra thực tế về tài chính và xã hội cho cuộc sống của bạn.

Bạn sẵn sàng để được tự do về mọi mặt rồi chứ?

Hồi kết: Từ chàng thanh niên chạy việc lặt vặt trở thành bạn thân của cố Tổng thống Eisenhower

Đầu những năm 1900, một cậu bé tên là Louis Marx sinh ra ở Berlin, là con của một cặp vợ chồng Do Thái. Anh thức khuya học bài ở trường, đọc các cuốn sách về “cách trở thành một người kiếm được 5.000 đô-la một năm.” Vào thời điểm đó 5.000 đô-la tương đương với 113.000 đô-la ngày nay và đó là một “con số thần kỳ”, đồng nghĩa với việc bạn kiếm được thu nhập 6 con số ngày nay.

Louis tốt nghiệp trung học năm 15 tuổi. Cha mẹ anh đang quản lý một cửa hàng ma–and–pa, một cửa hàng bán lẻ hàng hóa khô nhưng liên tục phải đóng cửa ở vùng phụ cận của Brooklyn, vì vắng khách và mở lại ở những nơi khác với mong muốn sẽ làm ăn khá khẩm hơn. Vì thế, không cần phải bàn cãi, đại học đã trở thành giấc mơ xa vời đối với Louis.

Mặc dù lớn lên với sự thiếu thốn tình thương và được đặt tên theo cuộc cách mạng nổi tiếng nhất thời bấy giờ, nhưng Louis không nuôi dưỡng niềm oán giận nào trong cuộc sống. “Đấu tranh giai cấp ư? Ai đó có ý tưởng đó thôi. Chúng tôi chẳng có ý niệm gì về nó cả.”

Sau khi học xong trung học, anh trở thành người chạy việc vặt cho Ngài Ferdinand Strauss ở New York, một người Đức đang điều hành một công ty sản xuất và buôn bán đồ chơi lớn lấy tên của mình. “Trong vài tháng, thằng bé đã lên làm quản lý nhà máy,” Strauss sau này chia sẻ với tạp chí Fortune.

Louis đưa ra ý tưởng về một trò chơi mà người đàn ông lớn tuổi quyết định đồng ý ngay. Đó là một loại còi giấy tạo ra âm thanh và có thể sử dụng như một bông hoa cài áo. Loại đồ chơi này bán rất chạy và Strauss đã đề bạt Louis lên vị trí giám đốc. Anh đã kiếm được 5.000 đô-la khi chưa đầy 20 tuổi.

Louis có quan điểm rất mạnh mẽ về vấn đề quản lý và không để tuổi trẻ ngăn cản anh cống hiến hết mình để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho công ty. Trong một cuộc thảo luận về việc liệu công ty có nên tiếp tục là một nhà sản xuất kiêm bán lẻ hay không, Louis đã cho rằng công ty không nên tiếp tục kinh doanh bán lẻ mà tập trung vào sản xuất. Một phóng viên của tạp chí Fortune phỏng vấn anh, nói: “Marx cảm thấy những cửa hàng này làm loãng nguồn vốn và năng lượng của công ty nhằm tập trung vào sản xuất với khối lượng lớn. Vấn đề này đã dẫn đến một cuộc bỏ phiếu kín trong cuộc họp Ban Giám đốc. Mọi người đều bỏ phiếu chống Marx. ‘Chỉ mình tôi đồng ý!’ anh ấy nói. “Họ nghĩ tôi là đứa trẻ con chẳng biết gì.”

Marx quyết định thành lập một công ty đồ chơi riêng cùng với em trai là David. “Vốn hoạt động của cậu ấy là một cái bàn cũ từ nhà ở Brooklyn… Văn phòng quá nhỏ đến mức không thể đóng cửa chính nếu trong phòng có cả Dave, Louis và chiếc bàn.

“Không có đủ tiền để thuê hoặc mua các nhà máy, anh ấy tự biến mình thành người trung gian. Anh tìm một chuỗi các cửa hàng bán ra chiếc “xe máy” 10 xu trị giá 7 xu. Anh suy nghĩ miên man về chiếc xe máy 7 xu với câu hỏi trong đầu rằng: Lựa chọn nào đây, làm thêm nhiều xe máy để bán với giá 7 xu hay chỉ 6 xu thôi. Khi chắc chắn về câu trả lời của mình và về giải pháp sản xuất, anh đến gặp những người mua buôn và thương lượng. Sau khi thỏa thuận xong, anh đặt hàng một nhà sản xuất làm xe.”

Trong vòng vài năm, vào đầu những năm 1920, Louis Marx and Company đã trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới và Louis Marx trở thành tỷ phú tuổi 20 – một tỷ phú nếu tính theo giá trị đồng đô-la ngày nay.

Ferdinand Strauss phá sản. Louis mua toàn bộ tài sản của ông chủ cũ và cho thuê nhà xưởng trong chính các nhà máy cũ Strauss.

Trong những năm 1950, Louis sáp nhập với một công ty khác do Walt – một sinh viên bỏ học khác thành lập. Young Walt đã học kinh doanh từ năm lên 9 tuổi khi quản lý một nhóm phát báo. Bị một giáo viên trong lớp gọi là “kẻ ngu ngốc thứ nhì”, anh không hề có hứng thú gì với việc học hành hay bất kỳ thứ gì, ngoài việc vẽ tranh hoạt hình. Sau khi bỏ học, anh ấy nhanh chóng nhận làm một công việc ở bưu điện để kiếm tiền phục vụ niềm đam mê vẽ. Năm 1918, khi 16 tuổi, anh nói dối tuổi để ghi danh nhập ngũ và được điều đến Pháp lái xe cứu thương trong Chiến tranh thế giới lần thứ I.

Sau khi trở về một năm sau đó, chàng thanh niên từng bỏ học 20 tuổi bắt đầu thành lập công ty phim hoạt họa lấy tên là Laugh–O–Gram. Công ty gặp trục trặc: Khoảng cuối năm 1922, anh ấy sống ở văn phòng và tắm một tuần một lần ở nhà ga Union tại Kansas. Công ty phá sản một năm sau đó. Sau đó, Walt Disney chuyển đến Los Angeles để sống với anh trai và hai anh em cùng mở Studio Disney Brothers.

Trong những năm 1950, Louis Marx and Company đã sản xuất đồ chơi dựa trên các đặc điểm nền tảng của Disney gồm Mickey, Donald, Pluto, Goofy, Cinderella và Bambi. Công ty chủ yếu sản xuất đồ chơi Disney suốt thập kỷ đó.

Đến năm 1956, tiếp tục cung cấp quà sinh nhật và quà Giáng sinh cho trẻ 10 tuổi, Marx and Company thu về khoảng 50 triệu đô-la lợi nhuận tương ứng với khoảng 390 đô-la ngày nay. Louis xuất hiện trên bìa tạp chí Times năm 1956. Năm 1972, anh bán công ty cho Quaker Oats với mức giá 50 triệu đô-la tương ứng với khoảng 253 triệu đô-la ngày nay.

Với sự nghiệp nửa thế kỷ trong vai trò một nhà sản xuất đồ chơi, từ một chân sai vặt, Louis tạo nên cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp đồ chơi. Anh chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn đồ chơi trong ngành công nghiệp này, thuê có lúc đỉnh điểm lên đến 8.000 nhân viên trong các xưởng sản xuất tại Mỹ và trên toàn thế giới. Vì lý do này, anh ấy thường được báo chí gọi là “Henry Ford đồ chơi.”

Năm 1946, phóng viên tạp chí Fortune đã gọi Louis Marx là “Ông vua đồ chơi”, nói rằng: “Sự so sánh này là điều dễ hiểu và hợp lý. Cả hai người đàn ông này đều tự nỗ lực vươn lên; cả hai đều giàu có khi còn rất trẻ bằng việc đặt những thứ đồ sang trọng thiết yếu vào tay của rất nhiều người; cả hai đều làm được điều đó nhờ mức giá cả phải chăng so với mặt bằng chung thông qua việc sản xuất hàng loạt và bán với khối lượng lớn. “Giống như Ford, Marx đã phát triển ba điểm trong quy trình kinh doanh: Một niềm đam mê mạnh mẽ và táo bạo với những nhu cầu của con người, một đế chế công nghiệp một tay gây dựng và một thiên hướng kinh doanh cá nhân cương quyết không trộn lẫn với ai mà các đối thủ, dù thích hay không, đều phải dè chừng.

Ford đã viết trong cuốn tiểu sử của mình rằng: “Một người có học không phải là người được đào tạo để thực hiện vài cuộc hẹn trong lịch sử. Đó là người có thể làm được mọi thứ… Nền giáo dục thực sự bắt đầu khi một người rời trường học. Nền giáo dục thực sự có được thông qua kỷ luật cuộc sống… Một người có thể học rất giỏi nhưng lại vô dụng … Chỉ cắm cúi vào việc học hành có thể là việc làm vô nghĩa nhất mà một người có thể làm. Bạn có thể làm gì để giúp đỡ và hàn gắn thế giới? Đó là bài kiểm tra giáo dục. Nếu một người nắm giữ được thành công của mình, anh ta đem lại giá trị duy nhất. Nhưng nếu anh ấy giúp 10, 100 hay 1.000 người khác đạt được thành công, thì anh ấy đem lại nhiều giá trị hơn nữa. Anh ấy có thể lạc hậu về nhiều thứ thuộc lĩnh vực in ấn, nhưng dù sao anh ấy cũng là người có học thức. Khi một người là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, bất kể lĩnh vực nào, anh ta có thể lấy được bằng và chuyển sang lĩnh vực uyên thâm hơn.”

Đầu những năm 1930, Louis đã giúp một đại tá không quân trẻ sản xuất một chiếc tàu hỏa đồ chơi khó tìm cho bộ tàu hỏa điện của con trai vị đại tá này. Họ trở thành bạn và vị đại tá đó đã giới thiệu anh cho một người bạn khác, một phi công quân đội có tên là Smith “Beedle”.

Lúc này, Louis đã gửi Smith một ít trứng cá muối như một món quà cho kỳ nghỉ. “Smith, người không thích trứng cá muối, đã tặng nó cho hàng xóm của mình ở Fort Myer, Brigadier, Tướng (Dwight) Eisenhower. Sau này, Ike đã ghé qua để cảm ơn Marx. Hai người trở thành bạn bè lâu năm, trao đổi thư từ thường xuyên và được cất giữ trong Thư viện Tổng thống Eisenhower. Louis là vị khách thường xuyên của Ike và Mamie ở Nhà Trắng trong suốt những năm 1950, tận tay mang đồ chơi đến trang trí cây thông trong Nhà Trắng. Tổng thống trở thành cha đỡ đầu cho mấy đứa con của Louis.

Một trong những đứa trẻ này, Patricia, là mẹ của tôi. Tôi đã gặp ông nội Louis duy nhất một lần trong đời, khi còn là một đứa trẻ và quá nhỏ để có thể nhớ được điều gì. Tôi đã không đi theo con đường của ông. Tôi dành thời gian gắn bó với giảng đường đại học và dành phần lớn tuổi 20 của mình lang thang và lạc lối như một nhà văn “tiên phong” đi tìm chỗ đứng, sống tháng nào biết tháng đó, khi chọn dành thời gian của mình viết những bài diễn văn dài lê thê vạch trần chủ nghĩa duy vật tư bản thay vì làm việc.

Khi 20 tuổi, ông nội tôi không học đại học nhưng lại có sự trải nghiệm thực tế. Khi tôi 20 tuổi, bó mình với sách vở, như một mọt sách và gà mờ với cuộc sống; đến tận năm 30 tuổi, tôi mới bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tiền bạc và sự nghiệp.

Hiện nay khi tôi 30, tôi thấy ông là người thật hiểu biết và khôn ngoan. Tôi thấy vui khi một phần tinh thần của ông đã tác động đến tôi.

Và có thể tinh thần của tất cả những nhân vật kiệt xuất trong cuốn sách này sẽ khuyến khích bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.