Là Phụ Nữ, Tôi Có Quyền!
Chương 9
Tuổi già: Nâng cao chất lượng cuộc sống
Văn hóa tuổi trẻ đã được nhấn mạnh quá đủ rồi! Giờ là lúc chúng ta giúp những phụ nữ lão niên được thể hiện tất cả khả năng của mình và thực sự được trân trọng trong thế giới này. Tôi muốn giúp mọi người thấy được rằng tất cả phụ nữ sẽ biết yêu thương, trân trọng giá trị bản thân, có lòng tự trọng và một vị trí quyền lực trong xã hội khi họ bước vào tuổi già. Điều này không phải để hạ thấp thế hệ trẻ mà để có “sự công bằng” thực sự giữa các thế hệ theo cách khả quan nhất.
Khi tôi quan sát nhóm lão niên hiện nay, tôi thấy chỉ toàn những nỗi lo sợ, sức khỏe yếu kém, tài sản nghèo nàn, sự cô đơn và một cảm giác buông xuôi như sắp “xuống dốc”. Tôi biết rằng tuổi già đâu cứ phải diễn ra như vậy. Con người hiện nay đón nhận tuổi già đến theo cách thức đã lập trình sẵn cho mình và đơn thuần chấp nhận nó. Ngoại trừ vài trường hợp, với xã hội hiện nay mọi người đều tin rằng mình sẽ đi theo đúng tiến trình từ già đi, đau ốm, suy kiệt, yếu đuối và chết. Điều này đã không còn là sự thật với mỗi chúng ta nữa. Đúng là ai cũng sẽ phải chết nhưng chúng ta có thể lựa chọn xem có đau ốm, suy kiệt và yếu đuối hay không và chúng ta không nhất thiết phải trải qua những giai đoạn này. Đã đến lúc chúng ta không thể chấp nhận những nỗi sợ hãi đó nữa. Tất cả chúng ta đều phải thay đổi phần tiêu cực của tuổi già. Tôi tin rằng nửa sau của cuộc đời chúng ta thậm chí có thể còn tuyệt vời hơn cả nửa đâu nữa kia. Nếu sẵn lòng thay đổi suy nghĩ và tiếp nhận những niềm tin mới mẻ, chúng ta có thể khiến giai đoạn này trở thành “những năm quý báu” của mình. Nếu muốn bước vào tuổi già một cách thành công thì chúng ta phải đưa ra một lựa chọn tỉnh táo để thực hiện nó. Chúng ta không phải chỉ muốn tăng tuổi thọ của mình. Ta mong chờ ở phía trước là những năm tháng sung túc và viên mãn. Những năm dài thêm đó là một tấm bảng trống và điều gì được viết lên đó sẽ làm nên sự khác biệt.
Lịch sử cho thấy rằng vòng đời của con người đã từng rất ngắn, đầu tiên là chỉ đến giữa tuổi thanh thiếu niên, sau đó là tuổi 30 rồi 40. Thậm chí cho đến đầu thế kỷ này, tuổi thọ cũng chỉ là 50 mà thôi. Vào năm 1900, tuổi thọ trung bình là 47. Bây giờ chúng ta đang coi 80 tuổi là một vòng đời bình thường. Vậy tại sao chúng ta không tạo ra một bước nhảy vọt về con số một cách có ý thức và tạo ta một cột mốc mới được ghi nhận đó là 120 hay 150 tuổi nhỉ?
Nó không phải là điều vượt ngoài tầm với của con người. Tôi nhận thấy sống lâu hơn đã trở nên bình thường và tự nhiên đối với hầu hết chúng ta trong một đến hai thế hệ này. Tôi tin rằng con số 75 sẽ trở thành độ tuổi trung niên mới. Vài năm trước đây, nghiên cứu về tuổi tác của một trường đại học đã khám phá ra rằng bất cứ độ tuổi nào mà bạn tin đó là tuổi trung niên thì cơ thể bạn bắt đầu giai đoạn lão hóa. Bạn thấy không, cơ thể bạn tiếp nhận những điều mà trí não của bạn đưa ra. Vì vậy, thay vì chấp nhận độ tuổi 45 hay 50 là tuổi trung niên, chúng ta có thể dễ dàng quyết định nó phải là 75.
Cơ thể cũng sẽ sẵn sàng tiếp nhận điều đó. Chúng ta có thể điều chỉnh lại cách nhìn các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Trung tâm Nghiên cứu Nhân khẩu học ở Durham, Bắc Carolina đã kết luận rằng nếu biểu đồ tuổi già cứ tiếp tục như từ năm 1960 đến nay thì hạn tuổi theo lý thuyết sẽ vượt qua ngưỡng 130 năm. Như năm 1960, chỉ có khoảng 3.500 người sống trăm tuổi. Đến năm 1995, đã có 54.000 người. Đó là nhóm tuổi tăng nhanh nhất. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng không có bất cứ minh chứng nào về việc người già nhất trong quá khứ đã sống đến bao nhiêu tuổi. Họ cũng tin rằng phần lớn trong số những người già nhất sẽ là phụ nữ.
Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã để những con số ứng với số năm ta tồn tại trên thế gian này quyết định cảm giác và hành vi của mình. Cũng như tất cả các mặt khác của đời sống, ta chấp nhận và tin tưởng điều gì về tuổi tác thì điều đó sẽ trở thành sự thực. Đã đến lúc chúng ta thay đổi niềm tin của mình. Tôi tin rằng bằng việc tiếp nhận những khái niệm mới, chúng ta có thể khiến cho quá trình lão hóa trở thành một sự trải nghiệm tích cực, sáng suốt và khỏe mạnh.
Tôi bây giờ đã ở tuổi 70 và tôi là một phụ nữ to lớn, mạnh mẽ và khỏe mạnh. Ở nhiều khía cạnh, tôi thấy trẻ hơn lúc tôi 30, 40 tuổi bởi tôi không còn thấy áp lực phải thích nghi với những tiêu chuẩn nhất định của xã hội nữa. Tôi tự do làm những gì mình muốn. Tôi không còn mong được sự đồng ý hay quan tâm đến những điều mọi người nói về mình nữa. Tôi đi hiên ngang hơn bởi tôi không còn những gánh nặng trên vai, và tôi thấy mình tự làm mình vui nhiều hơn trước rất nhiều. Áp lực về cấp bậc đã hoàn toàn không còn quan trọng. Nói cách khác, lần đầu tiên trong đời, tôi đặt bản thân lên trên hết. Và cảm giác đó thật tuyệt!
Khi tôi nói về việc cuộc sống sẽ dài hơn, nhiều phụ nữ cảm thấy: “Ôi! Tôi không muốn ốm yếu và nghèo khổ trong những năm đó”. Thật đáng kinh ngạc rằng khi mở ra ý kiến mới và khả năng mới, trí óc lại lập tức muốn nghĩ đến những giới hạn. Chúng ta không cần phải đặt những năm tháng cuối đời ngang với sự nghèo khổ, ốm đau, cô đơn và cái chết trong bệnh viện. Nếu đó là những gì mà chúng ta thường nhìn thấy xung quanh mình lúc này thì đó là bởi chúng được tạo ra từ hệ thống những niềm tin trong quá khứ của ta. Chúng ta luôn luôn có thể thay đổi niềm tin ấy. Những gì chúng ta tin tưởng và tạo ra, ngày hôm nay sẽ tạo ra ngày mai của chính chúng ta. Con người đã từng tin rằng trái đất bằng phẳng. Giờ nó đã không còn đúng đối với chúng ta nữa.
Như tôi đã nói từ trước, cuộc sống đến từ những làn sóng phong trào, kinh nghiệm học hỏi và các giai đoạn tiến hóa. Chúng ta đang ở trong giai đoạn tiến hóa mới. Thế hệ Baby Boom (những người sinh từ năm 1946 đến 1964) đứng đầu trong sự chuyển biến sâu sắc về ý thức. Người ở độ tuổi 50 bây giờ đang bước vào những năm còn lại với trạng thái tốt hơn bao giờ hết. Đa số những người thuộc thế hệ này đều có thể dễ dàng đạt đến tuổi 90. Dường như chúng ta đang có hai tuổi trưởng thành vậy. Và chúng ta đang thấy rằng có lẽ không có giới hạn nào về việc chúng ta sẽ sống bao lâu – tất cả đều phụ thuộc vào chính chúng ta và vào cách ta nắm bắt, tiếp nhận những quan điểm mới về tuổi tác nhanh như thế nào.
Tôi đồng ý rằng khi tuổi thọ được kéo dài thì chúng ta phải chỉnh đốn lại toàn bộ cách thức tổ chức xã hội, chế độ hưu trí, bảo hiểm và chế độ chăm sóc sức khỏe. Nhưng đó là điều có thể thực hiện được. Vâng, đây là giai đoạn cho những thay đổi to lớn với tất cả chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục sống như trước kia và vẫn luôn mong muốn chất lượng cuộc sống được cải thiện. Suy nghĩ mới, quan điểm mới và cách thức mới để thực hiện đã sẵn sàng.
Kết cấu nhà ở hiện tại của chúng ta không liên quan đến phẩm chất và sự gắn bó giữa con người với nhau. Bởi vậy, tôi tin là chúng ta cũng cần có lối sống và kiến trúc khác. Những căn hộ và làng hưu trí với tất cả luật lệ và nguyên tắc của mình đang tách người già ra khỏi cuộc sống. Con cháu của họ đâu? Niềm vui tiếng cười ở đâu? Tôi nghĩ chúng ta cần một cuộc sống cộng đồng hơn nữa. Ta cần nhiều hơn những ngôi nhà kép – hai gia đình có quan hệ họ hàng sống riêng nhưng liền kề nhau. Ta có thể sử dụng hàng loạt những ngôi nhà bốn tầng – hai gia đình sống tầng trên và cho thuê hai tầng dưới để có thêm thu nhập. Điều đó sẽ giúp đưa người già và con cháu lại gần nhau hơn. Con cái giúp ông bà cha mẹ mình trẻ lại và người già tiếp thêm sự thông thái và ý nghĩa sống cho con cái mình. Đó là việc làm có ích cho xã hội để quay lại đời sống đại gia đình với nhiều thế hệ sống chung hoặc sống gần nhau.
Một vài năm trước, khi bắt đầu có tuổi, tôi đã nhận được rất nhiều bức thư chào mời đến sống ở những cộng đồng hưu trí khác nhau và “Những ngôi nhà dành cho người cao niên năng động có ích”. Hầu hết những nơi này đều nhấn mạnh việc họ có trung tâm y tế khép kín hoặc liền kề như một tiện ích có sức hấp dẫn. Họ sử dụng những cụm từ như “Cơ sở điều dưỡng có kinh nghiệm liền kề”, “Mọi lợi ích từ dịch vụ trợ giúp cuộc sống”, “Dịch vụ y tế cấp cứu 24 giờ” và “Giám sát cấp phát thuốc”. Đó là những câu rất hiệu quả để nói lên rằng “KHI bạn ốm, chúng tôi luôn có mặt kịp thời để giúp bạn”. Tôi tin lối suy nghĩ đó góp phần tạo cho người già niềm tin rằng họ SẼ trở nên ốm đau bệnh tật.
Tôi mong muốn có ai đó xây dựng một cộng đống hưu trí trong đó có cả một trung tâm sức khỏe tổng hợp. Thay vì tìm đến bác sĩ và y tá như truyền thống, bạn nên đi bấm huyệt, châm cứu, vi lượng đồng căn, các phương thuốc, chế độ dinh dưỡng và thảo dược Trung Hoa, xoa bóp, tập yoga, tham gia câu lạc bộ sức khỏe… Đó sẽ là nơi mọi người đều có thể giành nửa cuối cuộc đời của mình sống trong khỏe mạnh và thảnh thơi. Tôi chắc rằng một cơ sở vật chất như vậy là điều được mong đợi từ trước đến giờ. Những cộng đồng hưu trí đó chính là điều tôi mong chờ được thấy trong tương lai.
Văn hóa tôn thờ tuổi trẻ mà ta tạo ra đã góp phần vào sự lo lắng mỗi khi nói đến cơ thể mình, đó là chưa đề cập đến nỗi sợ hãi do những vết nhăn gây ra. Chúng ta nhìn những thay đổi trên cơ thể và khuôn mặt mình như một thứ gì đó đáng bị khinh thị. Đó quả là một cách kinh khủng để cảm nhận về bản thân mình. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ mà suy nghĩ thì có thể bị thay đổi. Cách nhận thức về bản thân và cơ thể là một khái niệm chúng ta cần học hỏi. Tôi mong mọi người hãy gạt bỏ những quan niệm sai lầm này và bắt đầu bằng tình yêu và sự trân trọng bản thân cao quý của mình, từ trong ra ngoài.
Cô gái trẻ cảm thấy mình không tốt thường xuyên tìm xem tại sao cô ta ghét cơ thể và tin rằng khiếm khuyết nằm ở đó. Chính bởi áp lực mạnh mẽ mà giới quảng cáo gây ra nên chúng ta thường tin rằng cơ thể mình có vấn đề. Giá mà ta mảnh mai hơn, tóc vàng hơn, cao hơn, rồi giá mũi mình to hơn hay nhỏ hơn, nếu mình có nụ cười tỏa sáng hơn… các danh sách đó cứ dài ra mãi.
Khi ta già đi, ta tiếp tục mang theo những cảm giác về sự thấp kém này. Chúng ta tìm thấy nhiều cách, như tác giả Doreen Virtue nói: “So sánh giữa cảm nhận bên trong của mình với vẻ bề ngoài của người khác”. Những cảm nhận chủ quan rằng mình không đủ tốt đẹp sẽ không bao giờ được xoa dịu bởi quần áo hay trang điểm hoặc những thứ thiển cận khác. Hãy quyết tâm để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực dù vô tình hay cố ý của mình thành những câu nói yêu thương bản thân như: “Tôi đẹp theo cách của tôi” và: “Tôi yêu dáng vẻ của mình”. Điều này sẽ giúp chúng ta đạt được những thay đổi lâu dài.
Điều cốt lõi để có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh đó là hãy không ngừng yêu thương và trân trọng bản thân. Nếu có phần nào đó trên cơ thể làm mình không vui thì bạn hãy dành trọn một tháng để đặt tình yêu vào đó. Nói từng lời yêu thương với phần cơ thể đó. Thậm chí bạn có thể nói xin lỗi vì đã từng ghét bỏ nó. Việc thực hành nghe có vẻ đơn giản nhưng nó thực sự hiệu quả. Yêu cơ thể mình có vai trò rất quan trọng ở mọi giai đoạn của cuộc đời và nó là sự sống còn khi chúng ta về già.
Carol Hansen, trong cuốn băng ghi âm truyền cảm hứng có tên Tỏa sáng (Lighten up), yêu cầu phụ nữ chúng ta dành năm phút mỗi ngày để xoa bóp cơ thể với nước thơm, nói với từng phần trên cơ thể rằng bạn yêu nó như thế nào và cảm ơn vì nó đã phục vụ bạn. Bác sĩ Deepak Chopra (tác giả cuốn Cơ thể trẻ mãi, trí tuệ không già (Ageless Body, Timeless Mind)) khuyên chúng ta hãy xoa bóp từ đầu đến chân bằng dầu vừng trước khi tắm. Mỗi cá nhân, mỗi nơi hay mỗi vật được yêu thương sẽ tương tác lại bằng việc sống hết mình. Tình yêu mà bạn dành cho bản thân mình sẽ ở lại với bạn cho đến hết đời. Chúng ta đã từng học ghét bỏ bản thân thì giờ ta cũng có thể học cách để yêu thương mình. Việc đó chỉ cần sự sẵn lòng và một chút tập luyện.
Đôi khi để tiếp nhận suy nghĩ và quan niệm mới, chúng ta cần loại bỏ tất cả suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí, như kiểu chúng ta vứt bỏ định kỳ mớ phế liệu trong cuộc sống của mình. Rất nhiều người già có thái độ trì trệ – tích tụ và lưu giữ những điều mà họ không còn cần nữa. Nếu xung quanh nhà bạn có những món đồ lặt vặt không còn giúp ích gì cho bạn nữa thì hãy dọn sạch chúng đi. Hãy đem chúng cho những người vô gia cư hoặc những ai thực sự cần chúng. Bạn cũng có thể đem bán đống đồ trong kho ấy đi. Hãy dọn gọn gàng cuộc sống của mình và cho bản thân một sự khởi đầu hoàn toàn mới – tránh xa mớ bòng bong và kỷ niệm đã qua. Bước ra để hòa mình vào cuộc đời.
Tương lai bạn luôn tươi sáng
Chúng ta có quyền lựa chọn cho mình một tương lai tươi sáng. Tôi chọn cho cuộc đời mình những hướng đi khác nhau nhưng tất cả đều tốt như nhau. Có những điều bây giờ thậm chí còn tốt đẹp hơn cả khi tôi còn trẻ. Những năm tháng tuổi trẻ của tôi bị bủa vây bởi nỗi lo sợ; ngày hôm nay của tôi ngập tràn sự tự tin.
Tôi thực sự tin tưởng rằng nhiều nỗi lo sợ của chúng ta là không cần thiết. Đó là điều chúng ta được dạy. Nó được lập trình cho chúng ta. Nó chỉ là lối suy nghĩ được lập trình và ta có thể thay đổi nó. Suy nghĩ tiêu cực đang lan tràn trong thế giới của phụ nữ vào những năm cuối cuộc đời họ và kết quả là họ sống một cuộc sống trong sự bất mãn.
Tôi muốn giúp bạn tạo cho mình một tư tưởng sáng suốt về những năm sau của cuộc đời để bạn nhận ra rằng đó có thể trở thành những năm đáng sống nhất của bạn. Phải biết rằng tương lai luôn tươi sáng bất chấp tuổi tác. Hãy để những năm cuối đó trở thành những năm quý giá. Bạn có thể trở thành một lão niên ưu tú, người biết rõ mình có thể một phần khỏe mạnh, năng động và thiết yếu của xã hội cho dù mình bao nhiêu tuổi.
Khi bạn ngồi yên lặng, hãy hướng sự chú ý vào trong. Nghĩ về những thời gian bạn vui vẻ và để cho cơ thể bạn cảm nhận được niềm vui ấy. Nhớ lại tất cả khoảnh khắc bạn là người chiến thắng, những khi bạn tự hào vì mình đã làm gì đó, cho dù là nhỏ bé. Hãy giữ những cảm giác đó thật gần với bạn, niềm vui và lòng tin này. Bây giờ hãy nhìn về bạn 10 năm sau. Bạn thấy mình đang làm gì và sống như thế nào? Trông bạn sẽ ra sao? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn đang mang theo niềm vui bên mình chứ? Còn bây giờ bạn hãy xuôi theo con đường đó tới 20 năm nữa. Bạn nhìn thấy gì nào? Bạn vẫn đang sống, hoạt bát và thích thú với cuộc sống chứ? Xung quanh bạn là những người yêu thương bạn chứ? Bạn có đang làm việc để thỏa mãn chính mình không? Bạn đang cống hiến điều gì cho cuộc sống? Lúc này chính là lúc để bạn hình dung và tạo dựng tương lai của mình. Hãy để cho nó được khỏe mạnh, tươi sáng và vui vẻ như bạn có thể. Đó là cuộc sống của bạn và bạn chính là người sẽ sống nó.
Đừng bao giờ nghĩ là đã quá trễ hoặc bạn quá già để mơ ước và đặt mục tiêu cho cuộc đời mình. Ước mơ và mục đích khiến ta trẻ hơn và quan tâm đến cuộc sống hơn. Hãy sống trọn vẹn cho ngày hôm nay và hãy quên đi quá khứ đã qua.
Cuộc đời tôi thực sự bắt đầu có ý nghĩa từ khi tôi ở giữa tuổi 40. Bước sang tuổi 50, tôi bắt đầu khởi nghiệp công ty xuất bản của mình với quy mô rất nhỏ. Năm đầu tôi thu được 42 đôla tiền lãi. Khi 55 tuổi, tôi đánh liều bước vào thế giới máy tính. Nó làm tôi thấy e sợ nhưng tôi tham gia các lớp học và vượt qua nỗi sợ hãi.
Bây giờ tôi có ba chiếc máy tính và luôn mang theo máy tính cá nhân bên mình. Ở tuổi 60, tôi đã có một khu vườn của riêng mình. Cùng lúc đó, tôi đăng ký vào một lớp học vẽ cho trẻ con và bắt đầu vẽ. Hiện tại tôi đã 70, mỗi năm qua đi, tôi lại càng sáng tạo hơn và cuộc sống của tôi giàu có, viên mãn hơn. Tôi viết, giảng dạy. Tôi vẫn đang không ngừng đọc và nghiên cứu. Tôi sở hữu một công ty xuất bản rất thành công. Tôi là một người làm vườn có chuyên môn. Hầu hết thức ăn của tôi đều do tôi trồng. Tôi yêu con người và tiệc tùng. Tôi có rất nhiều bạn bè. Tôi đi du lịch khắp nơi. Tôi cũng tới các lớp học nghệ thuật một tuần một lần. Cuộc đời của tôi đã thực sự trở thành chiếc rương quý giá chứa đầy những trải nghiệm.
Rất nhiều người trong các bạn, cũng như tôi, đang bước vào lớp người cao tuổi và đây là lúc để nhìn cuộc đời theo một cách khác. Bạn không cần phải sống những năm sau cuối theo cách mà cha mẹ mình đã sống. Bạn và tôi có thể tạo ra một cách sống mới có thể thay đổi mọi quy luật. Khi chúng ta hướng về tương lai với sự hiểu biết và vận dụng những điều tích lũy được thì chỉ có sự tốt đẹp trải ra trước mắt chúng ta mà thôi. Chúng ta hiểu và khẳng định rằng mọi thứ xảy ra đều vì lợi ích cao nhất và niềm vui lớn nhất của mình, hãy vững tin rằng điều đó không hề sai.
Thay vì bước vào tuổi già, từ bỏ rồi chết, hãy học cách tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội. Chúng ta có thời gian, có tri thức và chúng ta có sự uyên bác để bước vào thế giới với tình yêu và sức mạnh. Có rất nhiều vấn đề khó khăn với thiên nhiên toàn cầu đang cần sự quan tâm của ta. Hãy xem mình có thể dành năng lượng của mình vào đó để cứu giúp hành tinh này hay không. Phải có lý do để mình sống lâu hơn. Chúng ta định làm gì với quãng thời gian có thêm đó nào? Nếu chỉ như chơi “trò chơi” thì nó sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán mà thôi.
Khi gặp gỡ bạn bè hay họ hàng, thay vì nói về căn bệnh của mình, hãy nói về việc nên liên kết với nhau như thế nào để cải thiện góc xã hội này của các bạn. Bạn có thể làm gì để cuộc sống này tốt đẹp hơn với tất cả mọi người? Sự đóng góp dù là rất nhỏ cũng có ý nghĩa. Nếu tất cả mọi người già đều đóng góp một thứ gì đó thì chúng ta có thể cải thiện được cuộc sống trên đất nước mình.
Bằng việc thúc đẩy bản thân tham gia tất cả các mặt xã hội, chúng ta sẽ thấy sự hiểu biết của mình chảy vào mọi tầng lớp, để rồi biến đổi đất nước này thành chốn thân ái bao la. Tôi muốn bạn: Hãy bước về phía trước, lên tiếng, bước vào thế giới và SỐNG! Đó là cơ hội để bạn lấy lại sức mạnh và tạo ra tài sản mà bạn thực sự thấy tự hào khi truyền cho con cháu mình.
Bọn trẻ ở trường luôn được hỏi: “Lớn lên con muốn làm gì?” Chúng được dạy để lên kế hoạch cho tương lai. Chúng ta cần phải có một thái độ như vậy và lên kế hoạch cho những năm còn lại của mình. Chúng ta muốn trở nên như thế nào khi tuổi già đến? Tôi muốn trở thành một lão niên ưu tú, đóng góp cho xã hội bằng mọi cách có thể. Maggie Kuhn, trưởng nhóm hoạt động xã hội Những con báo xám (The Gray Panthers), thường nói: “Tôi muốn chết khi đang ở sân bay với cặp tài liệu trong tay và vừa mới hoàn thành tốt một công việc”.
Cho dù 14, 40 hay 80 tuổi thì chúng ta cũng đều đang xuôi theo hành trình của thời gian và tiến về thời khắc chúng ta giã từ thế giới này. Mọi điều chúng ta làm, nói và nghĩ đều là sự chuẩn bị cho bước tiếp theo. Hãy để mình già đi với ý thức và hãy để mình ra đi cùng ý thức. Một câu hỏi rất hay để chúng ta tự hỏi bản thân đó là: “Mình muốn tuổi già đến như thế nào?” Hãy nhìn xung quanh. Nhìn những phụ nữ đang sống cuộc sống kinh khủng của tuổi già và những phụ nữ đang có một giai đoạn tỏa sáng. Hai nhóm người này làm những việc khác nhau ra sao? Bạn có sẵn sàng cố gắng để được sống khỏe mạnh, hạnh phúc và viên mãn trong những năm cuối đời không?
Và câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Mình muốn chết ra sao?” Chúng ta thường dành nhiều suy nghĩ cho mọi khía cạnh của cuộc sống nhưng lại rất hiếm khi nghĩ đến cái chết của chính mình, trừ cảm giác sợ hãi. Cho dù cha mẹ ta đã mất như thế nào thì sự ra đi của ta cũng có thể là một sự trải nghiệm tích cực. Bạn đang chuẩn bị cho sự ra đi của mình ra sao? Bạn có muốn nằm thở hắt ra, không thể cứu chữa được trên chiếc giường ở bệnh viện với chằng chịt những ống dẫn xung quanh? Hay khi thời khắc phải ra đi đã đến, bạn sẽ có một bữa tiệc chiều với bạn bè rồi đi nghỉ và sẽ không thức dậy nữa? Tôi thực sự thích có một bữa tiệc hơn và tôi đang lên kế hoạch để sự ra đi của tôi sẽ đến theo cách đó. Nếu hình ảnh về cái chết của mình đang rất tiêu cực, bạn có thể thay đổi nó. Tất cả chúng ta đều có thể biến cái chết thành một trải nghiệm yên bình và vui vẻ.
Việc xoa dịu hành tinh này là hồi đáp cho nhận thức rằng cái mà chúng ta đang trải qua ở thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu sinh lực trong ta. Một phần quan trọng của quá trình xoa dịu đó là hiểu biết về mối liên kết và sự đóng góp của chúng ta với cuộc sống và bắt đầu quá trình phân phát sinh lực hàn gắn tích cực ra ngoài thế giới. Đây là nơi mà rất nhiều người bị bế tắc với chính sinh lực của mình, không ý thức về sức mạnh hàn gắn của sự cho đi và chia sẻ. Hàn gắn là một quá trình liên tục và nếu chúng ta đợi đến khi được “chữa lành” mới bắt đầu chia sẻ tình yêu thương thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có được cơ hội để làm điều đó.
Câu nói: “Ôi mình quá già để làm việc này việc kia” sẽ trở nên hoàn toàn cổ lỗ khi ta được thấy người già thực hiện tất cả những việc mà ta đã nói họ không thể.
Ý niệm “quá già” có lẽ là điều chỉ xảy ra ngay trước cái chết mà thôi. Chúng ta hoàn toàn có thể sống trọn vẹn cuộc sống này cho đến những ngày cuối cùng.
Có một nhóm phụ nữ ở Dallas, tuổi từ 62 đến 80, thường xuyên tập karate và đã trở thành nhóm biểu diễn với tên gọi Hoa Mộc Lan Steele. Họ đi khắp các trung tâm để chứng minh rằng karate có thể trở thành môn thể thao cho người cao tuổi. Đồng thời, những phụ nữ này sẽ dễ dàng tự vệ trong trường hợp họ bị tấn công.
Cũng có nhiều nhóm phụ nữ cao tuổi đã tập hợp nhau lại và đầu tư vào thị trường chứng khoán. Một vài nhóm đã rất thành công. Một nhóm ở Illinois đã xuất bản cuốn sách Cẩm nang hướng dẫn chung về đầu tư thông minh của Quý bà BeardStown (The BeardStown Ladies Common Sense Investment Guide). Cuốn sách đó đã bán được hơn 300.000 bản.
Một nghiên cứu gần đây ở Pennsylvania cho thấy những người già tuổi từ 80 đến 90 khi tham gia chương trình luyện tập môn cử tạ có thể đem lại sức sống mới cho cơ thể của họ. Họ có thể điều khiển được các phần cơ bắp đã thôi hoạt động từ nhiều năm. Sự tàn phế thường đến cùng tuổi già thực ra là kết quả của việc nhiều năm không vận động. Các huấn luyện viên đã thấy rằng người già có thể nâng cao sức khỏe lên gấp ba lần trong chưa đầy hai tháng. Tập luyện cũng có tác dụng kích thích hoạt động về trí não.
Chúng ta đang khám phá ra rằng não không bị tàn tạ và chết trừ khi ta ngừng sử dụng nó. Một khi chúng ta kích thích bản thân với những bài luyện tập trí não và theo dõi hoạt động của nó, một khi chúng ta mãi yêu thích cuộc đời thì trí não của chúng ta luôn tỉnh táo. Cuộc sống trở nên thực sự đần độn và buồn chán nếu ta không thử thách trí não của mình. Cuộc sống của những con người không bao giờ tập luyện và chỉ than vãn về bệnh tật của mình thật nhỏ bé và hạn hẹp biết bao.
Hầu hết những nghiên cứu về người già đều được thực hiện bởi ngành công nghiệp dược phẩm, nào là về bệnh tật, các vấn đề của tuổi già rồi cần loại thuốc nào. Chúng ta cần nghiên cứu chuyên sâu vào những người già khỏe mạnh, hạnh phúc, viên mãn và đang tận hưởng cuộc sống của mình. Chúng ta càng nghiên cứu về những cái “đúng” với người già thì sẽ càng biết mình cần phải làm gì để sống một cuộc sống khỏe mạnh. Thật không may, các công ty dược phẩm không kiếm tiền từ người khỏe mạnh nên họ không bao giờ tài trợ cho những nghiên cứu như thế. Bất kể đang ở độ tuổi nào và gặp phải vấn đề gì chúng ta đều có thể bắt đầu tạo ra những thay đổi tích cực từ hôm nay. Chỉ cần ta bắt đầu với lòng quyết tâm để yêu thương và nâng niu bản thân, chúng ta sẽ biết yêu thương. Nếu mỗi ngày ta yêu bản thân hơn một chút, ta sẽ mở rộng lòng mình hơn để yêu thương người khác nữa. Quy luật Tình yêu đòi hỏi chúng ta tập trung vào điều mà mình muốn hơn là những điều ta không muốn. Hãy tập trung vào tình yêu bản thân. Nhắc nhở mình bằng câu: “Tôi yêu chính mình ngay giây phút này”.
Nếu muốn được tôn kính và trân trọng khi về già, thì chúng ta phải tạo nền tảng ngay từ bây giờ bằng việc tôn kính và trân trọng những người già ta gặp gỡ. Hôm nay ta đối xử với người già như thế nào thì sau này ta về già cũng sẽ được đối xử đúng như thế. Chúng ta không chỉ cần lắng nghe những người già mà còn phải nghe theo tiếng nói mới mẻ từ họ. Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi ở họ. Những phụ nữ này đang bừng sáng với nguồn sinh lực, sự khôn ngoan và hiểu biết; thay vì già đi họ chỉ là đang tiếp tục trưởng thành mà thôi.
Tôi đánh giá cao cuốn Hành trình mới: Sắp xếp cuộc đời bạn vượt qua thời gian (New Passages: Mapping Your Life Across Time) của Gail Sheehy. Nhận thức sâu sắc của bà trong sơ đồ cuộc đời của người trưởng thành và khả năng thay đổi đang trải ra trước mắt đã chạm vào trái tim tôi khiến tôi muốn giúp đỡ tất cả chúng ta trở thành những lão niên ưu tú trong tương lai. Dù bạn còn trẻ, bạn có thể sống rất lâu và bây giờ hãy chuẩn bị cho những năm sau vui vẻ, viên mãn.
Để tạo ra những thay đổi tích cực bạn hãy sử dụng các câu khẳng định. Vì tất cả suy nghĩ và lời nói đều là những lời khẳng định, là sự quyết tâm nên khi chúng ta nói về “thực hiện quyết tâm” nghĩa là chúng ta đang tạo ta những câu nói tích cực để sáng suốt lập trình lại trí não của mình nhằm tiếp nhận cách sống mới. Hãy chọn những câu khẳng định giúp bạn có sức mạnh của một người già – một lão niên ưu tú. Mỗi ngày khẳng định một trong những điều sau đây, lần đầu vào buổi sáng và lần cuối trước khi đi ngủ. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày của mình với lời nhắc tích cực.
Quyết tâm để trở thành một lão niên ưu tú
Mình có cả cuộc đời ở phía trước.
Mình trẻ trung, xinh đẹp… dù ở độ tuổi nào.
Mình đóng góp cho xã hội theo nhiều cách trọn vẹn và phong phú.
Mình có trách nhiệm về kinh tế, sức khỏe và tương lai của chính mình.
Mình được tôn trọng bởi bất cứ ai mình tiếp xúc.
Mình trân trọng và tôn trọng những đứa bé và giới trẻ trong cuộc sống của mình.
Mình chào ngày mới với sinh lực và niềm vui.
Mình sống trọn vẹn nhất cho mỗi ngày.
Mình ngủ ngon mỗi đêm.
Mình luôn nghĩ những suy nghĩ mới mẻ và khác lạ mỗi ngày.
Cuộc đời mình là một cuộc phiêu lưu thú vị.
Mình luôn rộng mở để trải nghiệm mọi thứ mà cuộc đời mang đến.
Gia đình là niềm động viên với mình và mình là nguồn khích lệ của họ.
Mình không bị giới hạn.
Mình lên tiếng, tiếng nói của mình được người khác lắng nghe.
Mình dành thời gian để chơi với đứa trẻ trong mình.
Mình ngồi thiền, đi lại thật nhẹ nhàng và tận hưởng thiên nhiên; mình thích dành thời gian ở một mình.
Tiếng cười là một phần quan trọng trong cuộc sống của mình; mình không giữ lại gì hết.
Mình nghĩ cách để chữa lành thế giới và mình sẽ thực hiện nó.
Mình góp phần vào sự hòa hợp của cuộc sống.
Mình có toàn bộ thời gian trong thế giới này.
Nửa cuối cuộc đời là những năm tháng quý giá của mình.
Thiền định để chữa lành vết thương
Mình tận hưởng mỗi năm qua đi. Kho báu tri thức của mình lớn dần và mình luôn kết nối với trí tuệ của mình. Mình cảm nhận những thiên thần đang hướng dẫn mình đi từng bước một trên con đường của mình. Mình biết phải sống thế nào. Mình biết phải giữ cho bản thân trẻ trung và mạnh khỏe ra sao. Cơ thể mình được làm mới lại mỗi giây phút. Mình tràn đầy sức sống, sôi nổi, mạnh khỏe, sống và đóng góp trọn vẹn cho đến ngày cuối cùng. Mình sống hòa hợp với tuổi tác. Mình tạo ra các mối quan hệ mình muốn có. Mình tạo ra tài sản mà mình cần. Mình biết làm thế nào để chiến thắng. Những năm nửa cuối cuộc đời là những năm quý báu của mình. Lúc này mình dựng xây cuộc sống bằng nhiều cách, luôn biết rằng mình yêu thương, vui vẻ, yên bình và sáng suốt vô hạn, bây giờ và mãi mãi.
Và sẽ là như vậy!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.